Kính gửi: Tổng
Cục Thi hành án Dân sự
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm
vụ, KBNN địa phương (Quảng Trị) gặp vướng mắc trong thực hiện khi nhận được quyết
định phong tỏa tiền, cưỡng chế thu tiền của cơ quan thi hành án đối với khoản
chi ngân sách nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách đã gửi hồ sơ, quyết
định chi ra KBNN để thanh toán đối tượng thụ hưởng (đối tượng thụ hưởng này lại
là người phải thi hành án) từ tài khoản dự toán của chủ đầu tư/đơn vị sử dụng
ngân sách nhà nước; theo đó gặp vướng mắc như sau:
1. Vướng mắc của KBNN
Cơ quan thi hành án địa phương căn cứ quy định về
phong tỏa, cưỡng chế theo pháp luật thi hành án dân sự, cụ thể theo Luật thi
hành án dân sự:
“Điều 67. Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi
giữ
1. Việc phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi
giữ được thực hiện trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản, tài sản
gửi giữ.
2. Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi
gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên phải
giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản,
tài sản của người phải thi hành án.
Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản
của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa
thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý
tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định
phong tỏa tài khoản, tài sản.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản,
tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản,
tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này
phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định
phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện
pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật
này."
“Điều 81. Thu tiền của người phải thi hành án
đang do người thứ ba giữ
Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền
của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để
thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ
giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu
tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải
thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải
có chữ ký của người làm chứng.”
“Điều 176. Trách nhiệm của Kho bạc nhà nước,
ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong thi hành án dân sự
1. Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số
liệu về tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên,
cơ quan thi hành án dân sự.
2. Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của
Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong
tài khoản; giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người phải
thi hành án.
3. Thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của Chấp hành
viên, cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật này."
Căn cứ với các quy định nêu trên, các cơ quan
thi hành án địa phương cho rằng KBNN là bên thứ ba nắm giữ tiền của người phải
thi hành án nên phải có trách nhiệm thực hiện quyết định phong tỏa, cưỡng chế của
cơ quan thi hành án, của chấp hành viên để thực hiện trích từ tài khoản dự toán
chi thường xuyên, chi đầu tư... để thanh toán cho các hợp đồng vào tài khoản tạm
giữ của cơ quan thi hành án dẫn đến vướng mắc.
2. Ý kiến của KBNN
2.1. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính theo Quyết định
26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015
KBNN là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện
chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân
sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế
toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư
phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ theo quy định của
pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của KBNN được quy định tại Điều
2, Quyết định 26/2015/QĐ-TTg, trong đó đối với việc quản lý quỹ ngân sách nhà
nước, KBNN có nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi của ngân
sách nhà nước và các nguồn vốn khác được giao theo quy định của pháp luật; được
trích tài khoản của tổ chức, cá nhân mở tại Kho bạc Nhà nước để nộp ngân sách
nhà nước hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác để thu cho ngân sách nhà nước
theo quy định của pháp luật; từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không
đúng, không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
2.2. Quy định của pháp luật đối với việc kiểm
soát thanh toán chi ngân sách nhà nước.
(1). Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước
- Khoản 2, Điều 12, Chi ngân sách nhà nước chỉ thực
hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, đã được Thủ trưởng đơn vị sử
dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi và đáp ứng
các điều kiện chi theo quy định; đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản phải đáp ứng
các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và xây dựng; đối với
chi thường xuyên phải đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức chi ngân sách do
cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;...
- Theo quy định Điều 56. Tổ chức chi Ngân sách nhà
nước: Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định chi gửi KBNN để thực hiện;
KBNN kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp
luật và thực hiện chi ngân sách khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 2, Điều
12 của Luật này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của
pháp luật; Thủ trưởng cơ quan KBNN từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi
không đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này và chịu trách
nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật.
- Theo quy định tại Điều 18, hành vi trì hoãn việc
chi ngân sách khi đã đảm bảo điều kiện chi ngân sách khi đã đảm bảo các điều kiện
chi theo quy định của pháp luật thuộc các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân
sách nhà nước.
(2). Theo quy định của Nghị định
163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Ngân sách Nhà nước
- Theo quy định tại Điều 34. tổ chức chi ngân sách,
KBNN chỉ được quyền từ chối các khoản chi không đủ điều kiện chi quy định
tại khoản 2, Điều 12 của Luật NSNN; tạm đình chỉ chi ngân sách theo yêu cầu của
cơ quan tài chính;
- Khoản 5, Điều 34, chi ngân sách nhà nước thực hiện
theo nguyên tắc thanh toán trực tiếp từ NSNN cho đối tượng thụ hưởng;
- Điều 39 quy định các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ
đầu tư mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ
quan tài chính, Kho bạc Nhà nước trong quá trình thanh toán, sử dụng kinh phí.;
(3). Theo quy định về quản lý, thanh toán vốn
đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (Thông tư 08/2016/TT-BTC)
- Theo Điều 2 về nguyên tắc quản lý quy định việc
quản lý, thanh toán vốn đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đảm bảo
đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm hiệu quả và chấp hành đúng quy định về
quản lý tài chính đầu tư và xây dựng của pháp luật hiện hành và nội dung hướng
dẫn tại Thông tư này; cơ quan KBNN có trách nhiệm kiểm soát, thanh toán vốn kịp
thời, đầy đủ, đúng quy định cho các dự án khi đủ điều kiện thanh toán vốn.
- Về nguyên tắc kiểm soát thanh toán của KBNN theo
điểm a, Khoản 3, Điều 9, KBNN căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của các chủ đầu
tư, các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng, số lần thanh toán,
giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán và các điều kiện thanh toán và giá
trị từng lần thanh toán để thanh toán cho chủ đầu tư;
- Theo Mục 5 về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ
quan quy định KBNN có trách nhiệm kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ
cho dự án khi đã có đủ điều kiện và đúng thời gian quy định; KBNN kiểm soát
thanh toán trên cơ sở các tài liệu do chủ đầu tư cung cấp.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ của KBNN, quy định của
pháp luật trong quản lý, kiểm soát thanh toán các khoản chi ngân sách như đã
nêu tại điểm 1, 2 trên, KBNN được giao nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước,
chỉ được xuất quỹ ngân sách theo đề nghị của chủ tài khoản người được nhà nước
giao quản lý, sử dụng khoản ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ của nhà nước
giao khi đủ điều kiện chi theo quy định của pháp luật về ngân sách. Do vậy
khi chưa xuất quỹ ngân sách nhà nước thì khoản chi đó vẫn thuộc quỹ ngân sách
nhà nước chưa phải là tài sản của người phải thi hành án.
Nếu KBNN thực hiện quyết định của cơ quan thi
hành án thì vi phạm quy định của pháp luật đối với việc kiểm soát thanh toán vốn
đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định pháp luật về
ngân sách, đầu tư công, xây dựng; đồng thời nếu KBNN đơn phương thực hiện phong
tỏa tiền, chuyển tiền theo quyết định của cơ quan thi hành án dẫn đến vi phạm
điều khoản hợp đồng được ký giữa cơ quan được giao kinh phí với nhà thầu, nhà
cung cấp, có thể dẫn đến phát sinh nhà thầu, nhà cung cấp không tiếp tục thực
hiện nghĩa vụ theo hợp đồng trong thi công xây dựng công trình hoặc bàn giao
hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu
tư công, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước do không được cung cấp
hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo hoạt động.
Đồng thời tại khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch
số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/1/2014 hướng dẫn việc cung cấp
thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong
tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự cũng đã quy định rõ: không khấu trừ đối với
tài khoản dự toán được mở cho các đơn vị thụ hưởng kinh phí của ngân sách nhà
nước, các tổ chức ngân sách theo hình thức cấp bằng dự toán gồm: tài khoản dự
toán chi thường xuyên, dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, dự toán chi đầu tư
phát triển khác, dự toán kinh phí ủy quyền; dự toán chi chuyển giao và tài khoản
có tính chất tiền gửi được mở cho cơ quan thu để phản ánh các khoản phải trả về
tiền, tài sản tạm giữ chờ xử lý theo quy định của pháp luật, các khoản thu phí,
lệ phí.
4. Đề xuất của Kho bạc Nhà nước
để phối hợp thực hiện:
Từ những căn cứ trình bày nêu trên để phối hợp thực
hiện quyết định của cơ quan thi hành án, tránh rủi ro pháp lý, đảm bảo thực hiện
đúng chức năng nhiệm vụ của hệ thống KBNN, đúng quy định của pháp luật ngân
sách, Luật thi hành án dân sự, không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án
đầu tư công, hoạt động của các cơ quan nhà nước và các đơn vị được ngân sách đảm
bảo. Kho bạc Nhà nước đề nghị:
Khi nhận được thông tin bằng văn bản của cơ quan
thi hành án, đối với các khoản chi đã đủ điều kiện xuất quỹ ngân sách nhà nước
theo quy định của pháp luật, KBNN có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời,
chính xác thông tin cho cơ quan thi hành án trên địa về số tiền thanh toán, số
tài khoản, ngân hàng của người phải thi hành án, thời điểm thanh toán để cơ
quan thi hành án thực hiện việc phong tỏa, cưỡng chế khoản tiền thi hành án tại
ngân hàng nơi người phải thi hành án mở tài khoản theo quy định tại Điều 81 Luật
Thi hành án dân sự.
KBNN sẽ có văn bản chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố
trực thuộc TW thực hiện việc cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án trên địa
bàn theo quy định Mục 1 của Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN
ngày 14/1/2014.
Đề nghị Tổng cục Thi hành án Dân sự có hướng dẫn chỉ
đạo cơ quan thi hành án các cấp không yêu cầu KBNN các địa phương thực hiện việc
phong tỏa, cưỡng chế đối với khoản chi ngân sách nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị sử
dụng ngân sách đã gửi hồ sơ, quyết định chi ra KBNN để thanh toán đối tượng thụ
hưởng (đối tượng thụ hưởng này lại là người phải thi hành án) từ tài khoản dự
toán của chủ đầu tư/đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, chi thực hiện yêu cầu
cung cấp thông tin để phục vụ việc phong tỏa, cưỡng chế khi tiền về tài khoản của
người phải thi hành án mở tại ngân hàng hoặc kho bạc (nếu có)./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục KTNN; Vụ THPC;
- Vụ Kho quỹ;
- Lưu: VT, KSC (06 bản).
|
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Việt Hồng
|