ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6374/QĐ-UBND
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM
SINH HỌC TRONG XỬ LÝ RÁC THẢI HỮU CƠ SINH HOẠT, PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP LÀM PHÂN
BÓN CHO CÂY TRỒNG VÀ XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CHĂN NUÔI TRONG CÁC HỘ NÔNG DÂN,
GIAI ĐOẠN 2024-2028”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi
trường ngày 17/11/2020;
Căn cứ Nghị định số
08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều
của Luật Bảo vệ Môi trường;
Căn cứ Thông tư số
12/2021/TT-BNNPTNT ngày 26/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
về hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái
sử dụng cho mục đích khác;
Căn cứ Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị quyết số
11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi
trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo;
Căn cứ Quyết định số
3119/QĐ-UBND ngày 30/8/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch
thúc đẩy tái sử dụng, tái chế biến chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp
thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường gắn kết
chuỗi giá trị nông sản hữu cơ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023-2025 thuộc
Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy;
Xét đề nghị của Ban
Thường vụ Hội Nông dân Thành phố tại Tờ trình số 83-TTr/HNDT ngày 21/10/2024 về
việc đề nghị phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong
xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây
trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân, giai đoạn
2024-2028”; ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số
3811/SNN-KT&CS ngày 15/11/2024; báo cáo giải trình, tiếp thu của Hội Nông
dân Thành phố tại văn bản số 869-CV/HNDT ngày 03/12/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh
học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón
cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân, giai
đoạn 2024- 2028” (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND
Thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài chính,
Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hà Nội; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Thường trực: Thành ủy, HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP Đ.Q.Hùng, KTN, TH;
- Lưu: VT, KTN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Mạnh Quyền
|
ĐỀ ÁN
XÂY DỰNG MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC TRONG XỬ LÝ RÁC
THẢI HỮU CƠ SINH HOẠT, PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP LÀM PHÂN BÓN CHO CÂY TRỒNG VÀ XỬ LÝ
Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CHĂN NUÔI TRONG CÁC HỘ NÔNG DÂN GIAI ĐOẠN 2024 - 2028
(Ban hành kèm theo Quyết định số 6374/QĐ-UBND ngày 11/12/2024 của UBND thành
phố Hà Nội)
PHẦN I
SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết xây
dựng Đề án
Hiện nay, mỗi năm Hà Nội
có khoảng gần 5 triệu tấn phân gia súc, gia cầm tại các trang trại, gia trại và
hộ chăn nuôi. Ngoài ra, còn có các loại phế phụ phẩm khác trong nông nghiệp
(rơm, rạ, cỏ dại, lá rau, mùn cưa, tro, trấu...) sẵn có tại địa phương. Trong
tổng số trên 95.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Hà Nội, khoảng 60.000 hộ
đầu tư hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, còn lại đa số thực hiện
xử lý chất thải bằng hố ủ phân hoặc mô hình ủ phân bằng chế phẩm sinh học tạo
nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng. Đây là những nguồn nguyên liệu phân hữu cơ
lớn cung cấp cho sản xuất trồng trọt, nếu tận dụng hiệu quả sẽ giúp cung ứng
một lượng dinh dưỡng lớn cho cây trồng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa
học, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, giảm ô
nhiễm môi trường góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Mặt khác, trong những năm
gần đây, tỷ lệ đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội còn khá
phổ biến, trung bình chiếm khoảng 20% tổng lượng rơm rạ phát sinh. Năm 2023,
các địa phương của Hà Nội sản xuất 168-170 nghìn héc ta lúa. Tỷ lệ thuận với
diện tích lúa là phát sinh số lượng lớn rơm rạ, khoảng 830 nghìn tấn/năm. Trong
đó, người dân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu trồng nấm 20%, làm thức ăn chăn
nuôi gia súc 10%, phân hữu cơ 50%, sử dụng vào mục đích khác 5-8%, còn lại
12-15% đốt tại ruộng.
Kết quả điều tra của Chi
cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đến hết năm 2022
toàn thành phố vẫn có tỷ lệ đốt rơm rạ sau thu hoạch là 11,47%. Đáng chú ý, một
số huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao, như: Quốc Oai 45,4%, Hoài Đức 34,5%, Phúc Thọ
33%, Sóc Sơn 29,5%, Gia Lâm hơn 25%. Các huyện Thạch Thất, Mê Linh, Đông Anh,
Đan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì tỷ lệ đốt rơm rạ từ 7 đến 15%...
Việc đốt rơm rạ khiến
lượng khí phát thải ra môi trường cũng tăng cao. Cụ thể, giá trị phát thải từ
việc đốt rơm rạ trong năm 2022 là 758 tấn bụi mịn PM2.5, 8.408 tấn CO và
107.577 tấn CO2... Nguồn khói bụi này gây ô nhiễm trực tiếp đến khu vực nội
thành, lan truyền khí bụi, các huyện Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh là
vùng ảnh hưởng trực tiếp của ô nhiễm. Các khu vực quận nội đô và một số quận,
huyện lân cận như Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm là
vùng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khói bụi phát sinh sẽ ảnh hưởng đến an ninh hàng
không tại sân bay Nội Bài... gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi cất,
hạ cánh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bay.
Trước tác hại của việc
đốt rơm rạ, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp
hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng này. Ngày 18/9/2020 UBND thành phố Hà Nội
đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND thành phố về việc tăng cường các
biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và
chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường,
các huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch xử lý tình trạng đốt rơm rạ, nhưng triển
khai chậm và hiệu quả chưa cao. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn thành phố Hà
Nội còn 8/19 quận, huyện, thị xã thường xuyên xảy ra tình trạng đốt phụ phẩm
nông nghiệp, rơm rạ trên đồng ruộng, vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị 15/CT-UBND
ngày 18/9/2020 của UBND thành phố Hà Nội.
Năm 2022, Chính phủ đã
ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường
và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt. Cụ thể, phạt tiền từ 2.500.000 đồng
đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh
khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính. Vào tháng 6/2023, có 3
trường hợp đốt rơm rạ trái quy định tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã bị
phạt hành chính với tổng số tiền phạt hơn 8 triệu đồng. Dù vậy, việc xử lý vi
phạm hành chính khó đủ sức răn đe với người dân, khiến họ thay đổi thói quen
một cách bền vững.
Với vai trò, trách nhiệm
của mình, Hội Nông dân Thành phố nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác
vệ sinh môi trường, trong những năm qua Hội đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động
“Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản
xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”.
Cùng với việc tuyên truyền sâu rộng đến hội viên, nông dân, Hội đã phối hợp với
các sở, ban, ngành của Thành phố triển khai nhiều chương trình, giải pháp quan
trọng thúc đẩy việc thu gom và xử lý rơm rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường
trong sản xuất nông nghiệp tại các huyện, thị xã. Từ đó, mang lại những chuyển
biến tích cực, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi cán bộ, hội
viên, nông dân; khuyến khích, cổ vũ, động viên nông dân tích cực tham gia thu
gom và xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học.
Thực hiện Nghị quyết Đại
hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; Chương trình số 04-CTr/TU
của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và
phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông
dân giai đoạn 2021-2025” và để cụ thể hóa nội dung thực hiện Nghị quyết Đại
hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X (nhiệm kỳ 2023-2028), việc
đề nghị UBND Thành phố ban hành Đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh
học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón
cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân giai
đoạn 2024- 2028” là cần thiết nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông
dân Thành phố tham gia công tác bảo vệ môi trường nông thôn.
II. Cơ sở pháp lý xây
dựng Đề án
- Luật Bảo vệ môi trường
ngày 17/11/2020;
- Nghị định số
08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều
của Luật Bảo vệ môi trường;
- Thông tư số
12/2021/TT-BNNPTNT ngày 26/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
về Hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái
sử dụng cho mục đích khác;
- Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
- Nghị quyết số 11-NQ/TU
ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường
trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo;
- Kế hoạch số 160/KH-UBND
ngày 03/7/2017 của UBND Thành phố về triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày
31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa
bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo;
- Chỉ thị số 15/CT-UBND
ngày 18/9/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp quản
lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải
khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường Thành
phố;
- Quyết định số
3119/QĐ-UBND ngày 30/8/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch
thúc đẩy tái sử dụng, tái chế biến chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp
thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường gắn kết
chuỗi giá trị nông sản hữu cơ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023-2025 thuộc
Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy;
- Thông báo số 913-TB/TU
ngày 14/10/2022 của Thành ủy Hà Nội về Kết luận của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy
viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại Hội nghị đối thoại với nông dân
Thủ đô năm 2022;
- Quyết định số
4968/QĐ-UBND ngày 03/10/2023 của UBND Thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế
hoạch tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông
thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.
PHẦN II
THỰC TRẠNG TRONG XỬ LÝ RÁC THẢI HỮU CƠ SINH HOẠT, PHỤ PHẨM
NÔNG NGHIỆP LÀM PHÂN BÓN CHO CÂY TRỒNG VÀ XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CHĂN NUÔI
TRONG CÁC HỘ NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
I. THỰC TRẠNG MÔI
TRƯỜNG NÔNG THÔN
1.1. Rác thải từ hoạt
động dân sinh
1.1.1. Rác thải rắn
sinh hoạt
Chất thải rắn sinh hoạt
nông thôn phát sinh từ các nguồn: các hộ gia đình, chợ, nhà kho, trường học,
bệnh viện, cơ quan hành chính... Chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn có
tỷ lệ khá cao chất hữu cơ, chủ yếu là từ thực phẩm thải, chất thải vườn và phần
lớn đều là chất hữu cơ dễ phân hủy (tỷ lệ các thành phần dễ phân hủy chiếm tới
65% trong chất thải sinh hoạt gia đình ở nông thôn).
Tổng khối lượng chất thải
rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố năm 2020 khoảng 6.500 tấn/ngày, trong đó
chất thải rắn sinh hoạt đô thị của 10 quận và thị xã Sơn Tây là 4.300 tấn/ngày,
các huyện còn lại khoảng 2.300 tấn/ngày... Tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý
tại các huyện ngoại thành trên 88%. Số lượng còn lại tồn đọng ở một số nơi,
chưa được xử lý kịp thời đã gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn đọng rác thải do khu vực ngoại thành thiếu
khu xử lý rác thải tập trung, trong khi năng lực tiếp nhận của các khu xử lý
rác thải của thành phố chưa đáp được yêu cầu.
1.1.2. Nước thải
sinh hoạt
Ước tính trung bình một
ngày, khu vực các huyện ngoại thành Hà Nội năm 2020 sẽ sử dụng từ 400 nghìn -
600 nghìn m3 nước. Lượng nước sinh hoạt một phần tái sử dụng trong
tưới tiêu, một phần được xả thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên.
Nhu cầu sử dụng nước sinh
hoạt gia tăng, tương ứng lượng nước thải sinh hoạt tăng. Thành phần gây ô nhiễm
chính của nước thải sinh hoạt là các hợp chất cacbon, các hợp chất Nitơ,
Photpho. Thành phần Nitơ trong thức ăn của người và động vật chỉ được cơ thể
hấp thu một phần, phần còn lại được thải ra dưới dạng phân và các chất bài tiết
khác (nước tiểu, mồ hôi). Các hợp chất Nitơ trong nước thải là amoni, protein,
peptit, axit amin, amin. Mỗi người hàng ngày tiêu thụ 5 - 16 g nitơ dưới dạng
protein và thải ra khoảng 30% trong số đó. Hàm lượng nitơ thải qua nước tiểu
lớn hơn trong phân khoảng 8 lần.
Nếu nguồn nước thải trên
xả thẳng trực tiếp ra môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường:
+ Chất hữu cơ: ô nhiễm
hữu cơ sẽ dẫn đến suy giảm oxy hòa tan (DO) trong nước do vi sinh vật sử dụng
oxy hòa tan để phân hủy các chất hữu cơ. Nồng độ oxy hòa tan dưới 50% bão hòa
có khả năng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm cá. Oxy giảm không chỉ gây
tác hại nghiêm trọng đến thủy sinh mà còn làm giảm khả năng tự làm sạch của
nguồn nước.
+ Chất dinh dưỡng (Nitơ,
Photpho): Sự có mặt của Nitơ, Photpho trong nước sẽ tác động tới năng suất sinh
học của nguồn nước. Sự có mặt của các hợp chất Nitơ gây cạn kiệt nguồn oxy hòa
tan trong nước do xảy ra quá trình biến đổi Nitơ. Hàm lượng Nitơ, Photpho trong
nguồn nước cao có thể gây nên hiện tượng phú dưỡng hóa, bùng nổ sự phát triển
của tảo, rong rêu làm suy giảm chất lượng nước.
+ Chất rắn lơ lửng: cũng
là tác nhân gây tắc cống thoát, làm tăng độ đục nguồn nước, bồi lắng dòng kênh
và gây ảnh hưởng đến tài nguyên thủy sinh.
1.2. Rác thải từ hoạt
động trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi
1.2.1. Trồng trọt
và lâm nghiệp
Theo kết quả nghiên cứu
cho thấy, cây trồng hấp thụ trung bình khoảng 40-50% lượng phân bón, 50-60%
lượng phân bón còn lại được thải ra môi trường, trong đó cây trồng hấp thụ phân
đạm khoảng 30-45%, phân lân 40-45%, phân kali 40-50%. Dư lượng phân hóa học
(Nitơ, Photpho) làm ô nhiễm nguồn nước, gây phú dưỡng hóa, gây tác hại tới thủy
sinh, nguồn lợi thủy sản và chất lượng nước. Bên cạnh đó việc sử dụng phân hữu
cơ và nước giải để bón cho hoa, rau có thể gây ô nhiễm môi trường và nhiễm
khuẩn cho nông sản.
Việc lạm dụng phân bón
hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động trồng trọt cũng làm phát sinh
hàng nghìn tấn vỏ bao bì. Mặc dù nhiều nơi đã thực hiện chương trình thu gom
bao bì phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vẫn không hiếm gặp những vỏ bao
bì bị vứt bỏ bừa bãi trên đồng ruộng canh tác.
1.2.2. Phát thải từ
hoạt động đốt rơm rạ tại các huyện ngoại thành Hà Nội
Năm 2023, diện tích đất
trồng lúa nước tại Hà Nội khoảng 170 nghìn ha, diện tích trồng lúa đang có xu
hướng giảm do quá trình phát triển các khu đô thị. Mặc dù diện tích trồng lúa
có xu hướng bị thu hẹp, song quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc cải
tiến giống lúa, kỹ thuật trồng và chăm sóc tiên tiến đã dẫn đến sản lượng lúa
vẫn được duy trì. Diện tích đất trồng lúa tập trung chủ yếu ở các huyện ngoại
thành như Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức và Thường Tín.
Sự gia tăng mùa vụ canh
tác đã làm gia tăng phế phụ phẩm sau thu hoạch (rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô,
thân ngô...). Một phần phế phụ phẩm được sử dụng làm chất đốt, chất độn trong
chăn nuôi, trồng nấm, làm đồ thủ công mỹ nghệ, phần khác được sử dụng cho chăn
nuôi gia súc. Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu sử dụng các phế phụ phẩm trong
nông nghiệp để sản xuất dầu sinh học, đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Tuy
nhiên, mới chỉ có một số ít phế phẩm được tận dụng, số lớn còn lại thì vẫn còn
bị bỏ trên đồng rộng. Tại các vùng đồng bằng, diện tích canh tác lớn do vậy
lượng chất thải nông nghiệp từ trồng trọt cũng lớn.
Hiện nay do những biến
đổi trong đời sống kinh tế xã hội nên những nhiên liệu dùng cho đun nấu như
điện, than, gas đang ngày càng trở nên phổ biến, đang dần thay thế cho các loại
nhiên liệu truyền thống từ sinh khối. Nhu cầu sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu
đun nấu của các hộ nông dân đã không còn đáng kể. Theo kết quả điều tra khảo
sát thực tế, tỷ lệ rơm rạ dùng để đun nấu trong gia đình là thấp nhất (chỉ
khoảng 1%). Một phần rơm rạ được đốt cháy trong thôn làng (chiếm 2%). Hoạt động
này phụ thuộc vào địa điểm tuốt lúa, phơi rơm của nông dân. Một số gia đình
mang lúa về nhà tuốt lúa và phơi rơm trên đường giao thông thôn làng nên rơm rạ
vì thế được đốt luôn trong khu dân cư. Rơm rạ được sử dụng làm thức ăn gia súc
chiếm một tỷ lệ nhỏ (khoảng 5%), do sự phát triển của ngành công nghiệp chế
biến thức ăn gia súc và số lượng gia súc có xu thế suy giảm.
Cơ giới hóa nông nghiệp
phần nào làm giảm nhu cầu về sức kéo và giúp nhiều người dân tiết kiệm chi phí,
thời gian lao động sản xuất. Nhờ sử dụng máy móc trong tuốt lúa, người nông dân
chỉ cần gặt lấy bông lúa (gặt một nửa hoặc 2/3 thân cây). Vì vậy ở các vùng
trũng, một số lượng rất lớn rơm rạ đã được chôn vùi trong đất cho vụ tiếp theo
và đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng chiếm lượng khá lớn (44%) và sử dụng vào các mục
đích khác như vùi trong đất, che phủ các loại cây trồng, trồng nấm (khoảng
48%). Tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng chiếm dưới 50%; đốt cháy 2 lần mỗi năm
(2 vụ), mỗi lần trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng. Do đó, nó trở thành một vấn đề
nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người.
Theo nghiên cứu của các
nhà khoa học trên toàn thế giới, đốt rơm rạ trên các cánh đồng sẽ tạo ra nhiều
khí thải độc hại vào môi trường. Các khí thải bao gồm: CO2, SO2, NOx, NH3, CH4,
EC, OC, NMVOC, CO và PM2.5. Trong đó CO2 là thành phần phát thải lớn nhất
(chiếm 91,5%), tiếp đó là CO (chiếm 6,3%), và những chất ô nhiễm khác (SO2,
NOx, NH3, CH4, EC, NMVOC, OC, PM2.5) chỉ chiếm lượng nhỏ (2,2%). Điều đáng lo
ngại là các chất ô nhiễm nói trên có những tác nhân gây nên hiệu ứng nhà kính,
góp phần gây xấu thêm tình trạng biến đổi khí hậu vốn đã cấp bách như hiện nay.
Các khí thải từ đốt rơm rạ trên cánh đồng tập trung nhiều ở các huyện Ứng Hòa,
Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, sau đó là Đông Anh, Thường Tín, Mỹ Đức, Thanh Oai,
Mê Linh, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Gia Lâm, Sơn Tây, Hoài Đức, Đan
Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Nguyên do là sự khác
nhau về diện tích trồng và sản xuất lúa gạo và tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng của
các huyện. Tổng lượng các chất ô nhiễm có mối quan hệ chặt chẽ với tình hình
sản xuất lúa gạo và tỷ lệ đốt rơm rạ. Nói cách khác, địa phương có năng suất,
sản lượng lúa và tỷ lệ đốt rơm cao thì tổng lượng các chất khí phát sinh càng
lớn tương ứng. Chất lượng môi trường không khí vùng đô thị thành phố Hà Nội vì
vậy cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi các chất khí phát sinh trong hoạt động đốt rơm
rạ ở vùng ngoại ô.
1.2.3. Chăn nuôi
Đối với các huyện ngoại
thành, số lượng trang trại chăn nuôi tập trung có xu hướng phát triển và chăn
nuôi trong các nông hộ ngày càng giảm. Toàn thành phố Hà Nội có 158,5 nghìn
trâu, bò với sản lượng thịt khoảng 12.722 tấn; đàn lợn 1,495 triệu con với sản
lượng thịt 253,9 nghìn tấn; đàn gia cầm 41,6 triệu con với sản lượng thịt
162.047 tấn. Năm 2023, ước tính lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 4,89 triệu
tấn/năm; lượng phát sinh nước thải khoảng 11,15 triệu m3/năm, chủ yếu là chất
thải và nước thải trong hoạt động chăn nuôi lợn, trâu, và bò.
Do đó, các chất thải phát
sinh từ các trang trại và các hộ chăn nuôi này là một vấn đề đáng quan tâm.
Chất thải phát sinh chủ yếu từ chăn nuôi là chất thải rắn (phân, chất độn
chuồng, các loại thức ăn thừa hoặc rơi vãi), chất thải lỏng (nước tiểu, nước
rửa chuồng, nước từ sân chơi, bãi vận động, bãi chăn). Chất thải này ảnh hưởng
rất lớn tới môi trường xung quanh:
- Ô nhiễm môi trường
không khí: phát sinh bụi do thức ăn, vật nuôi, hệ thống chuồng trại. Phân của
vật nuôi chứa nhiều chất nitơ, photpho,... và các vi sinh vật trong không khí
chuồng nuôi chứa nhiều vi khuẩn, virut gây bệnh cho người và vật nuôi;
- Ô nhiễm môi trường
nước: nước thải chăn nuôi chứa nhiều chất ô nhiễm như chất hữu cơ, chất kháng
sinh, hoocmon, hóa chất...; tồn tại nhiều vi sinh vật gây hại trong nước thải
chăn nuôi như Ecoli, Streptococcus, Samonella;
- Ô nhiễm môi trường đất:
việc chăn nuôi gia súc gia cầm có thể làm thay đổi cấu trúc thành phần đất cũng
như hệ sinh thái trong đất. Trong phân thải của gia súc, gia cầm chứa đựng rất
nhiều vi sinh vật gây bệnh nếu không được xử lý mà thải ra môi trường lâu ngày
sẽ tích tụ trong đất ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất và sức khỏe của con
người và vật nuôi.
II. VAI TRÒ CỦA CÁC
CẤP HỘI NÔNG DÂN THAM GIA CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN
1. Công tác bảo vệ môi
trường nông thôn
Xác định vai trò và tầm
quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với việc nâng cao chất lượng cuộc
sống, nhiều năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tập trung
chỉ đạo các cấp Hội chủ động xây dựng chương trình phối hợp hoạt động với các
sở, ngành gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng địa
phương...
Để duy trì công tác bảo
vệ môi trường, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo việc triển
khai cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân
Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông
nghiệp an toàn”. Đồng thời, các cấp Hội trên địa bàn thành phố đã vận động hội
viên, nông dân hăng hái tham gia xây dựng mô hình “cánh đồng sạch”, tổ chức các
buổi ra quân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, “Hàng cây nông dân”,
“Đoạn đường nông dân kiểu mẫu”... Hội Nông dân các huyện, thị xã triển khai tới
100% cơ sở Hội tham gia ký kết các quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường.
Cùng với xây dựng những “mô hình xanh”, các cấp Hội Nông dân Thành phố đã vận
động hội viên, nông dân tham gia làm vệ sinh môi trường hàng tuần trên các
tuyến đường làng, ngõ xóm và những địa điểm công cộng ở địa bàn các thôn, xã.
Từ đó, đã lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư nói chung.
Cũng từ cơ sở vận động
hội viên, nông dân trên, Hội Nông dân Thành phố đã lựa chọn tiêu chí môi trường
trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa vào nhiệm vụ hàng năm và giao
chỉ tiêu để các cấp Hội tích cực chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh mục tiêu phát
triển kinh tế, các cấp Hội còn quan tâm việc giúp nâng cao nhận thức cho hội
viên, nông dân, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vừa gia tăng
năng suất và chất lượng sản phẩm, vừa gắn với công tác bảo vệ môi trường, ứng
phó với biến đổi khí hậu.
Công tác tuyên truyền,
vận động luôn được các cấp Hội xác định có vai trò hết sức quan trọng. Hàng
năm, Hội Nông dân Thành phố phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập
huấn về Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách pháp luật,
công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường; kỹ năng và phương pháp
truyền thông vận động hội viên, nông dân nói riêng và nhân dân nói chung tham
gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch nhằm thay đổi
hành vi về vệ sinh môi trường... cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân cấp huyện và
cơ sở.
Từ đó, đẩy mạnh việc vận
động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các chương trình phát triển
kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp ở các khu dân
cư. Thời gian tới, các cấp Hội trên toàn thành phố tiếp tục phấn đấu thực hiện
tốt những nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể như: Đến năm 2025, có hơn 80% cán bộ Hội
các cấp và hơn 60% hội viên, nông dân được tập huấn nâng cao năng lực tham gia
bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập các chi Hội Nông dân
sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng
biến đổi khí hậu; tập trung vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây
dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, nông
nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi giống
cây trồng, vật nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm; hỗ trợ hội viên, nông dân kết
nối các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu sản
phẩm, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm...
2. Khái quát những vấn
đề cần giải quyết trong phạm vi Đề án
Đề án xây dựng mô hình
ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông
nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong
các hộ nông dân giai đoạn 2025- 2028 tập trung giải quyết những vấn đề trong
công tác xử lý môi trường nông thôn.
Phát huy vai trò của các
cấp Hội Nông dân trong việc tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên
trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho
cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân. Đa dạng
hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý
rác thải, phụ phẩm nông nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường; đảm bảo tất cả cán
bộ, hội viên nông dân trên địa bàn Thành phố đều được tiếp cận các nội dung
tuyên truyền về xử lý rác thải, phụ phẩm nông nghiệp và xử lý ô nhiễm môi
trường. Xây dựng mô hình, công trình, phần việc gắn với chủ đề hàng năm về xử
lý ô nhiễm môi trường nông thôn.
Vận động hội viên nông
dân và cộng đồng dân cư tham gia thu gom, phân loại, xử lý chất thải hữu cơ
trong sinh hoạt ở nông thôn, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp,
xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Tích cực tham gia thực
hiện tốt các tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông
thôn mới. Nâng cao nhận thức, tạo ý thức tự giác và kiến thức vệ sinh môi
trường trong xử lý rác thải, phụ phẩm nông nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường
trong chăn nuôi cho cán bộ, hội viên nông dân giúp họ thay đổi hành vi, sống
thân thiện với môi trường, biết bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho người dân, góp
phần thúc đẩy sản xuất phát triển và cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn
thành phố Hà Nội.
PHẦN III
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát huy vai trò, trách
nhiệm của các cấp Hội Nông dân Thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động
hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn
mới trên địa bàn thành phố Hà Nội; góp phần đẩy mạnh thực hiện tốt cuộc vận
động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản
xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an
toàn”.
2. Mục tiêu cụ thể đến
năm 2028
- Có 100% Hội Nông dân
cấp xã xây dựng được ít nhất 01 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường
nông thôn; trong đó có 50% số xã xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học
trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho
cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
- Trong giai đoạn
2025-2028 tổ chức 170 lớp tập huấn tuyên truyền và hướng dẫn cho 25.500 hội
viên nông dân về sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt
và phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường
chăn nuôi.
- Có 80% hộ hội viên nông
dân sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ký cam kết
thực hiện việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông
nghiệp làm phân bón cây trồng và xử lý môi trường chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi
trường, an toàn thực phẩm gắn với thực hiện cuộc vận động “Vì môi trường
trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử
dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
THỰC HIỆN
1. Phạm vi thực hiện:
Tại 18 huyện, thị xã trên
địa bàn thành phố Hà Nội.
2. Đối tượng thực hiện:
Là các hộ hội viên nông
dân
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1) Tổ chức tuyên truyền,
giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; phát động hưởng ứng “Tết
trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi
trường thế giới (5/6); tổ chức giao chỉ tiêu thi đua và hướng dẫn các cấp Hội
đăng ký xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn.
2) Tiếp tục đẩy mạnh
tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe
cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường
những sản phẩm nông nghiệp an toàn”.
3) Tập huấn nâng cao nhận
thức và hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông
nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi cho hội
viên nông dân.
4) Tổ chức xây dựng mô
hình nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ trong sinh
hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi
trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
5) Tổ chức tuyên truyền
nhân rộng các mô hình nông dân ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải hữu cơ
trong sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô
nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
6) Tổ chức các hội nghị
tọa đàm trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình, hàng năm tổ chức hội nghị đánh
giá kết quả; báo cáo sơ, tổng kết thực hiện Đề án trong giai đoạn 2025 - 2028.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Công tác tuyên
truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về thu gom rác thải và xử lý ô nhiễm môi
trường nông thôn
1.1. Tổ chức các
hoạt động tuyên truyền
- Tuyên truyền các quy
định của pháp luật: Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, ngày 17/11/2020;
Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường
công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những
năm tiếp theo”; Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 03/7/2017 của UBND thành phố
về triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội; Chỉ
thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường
các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây
trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực
đến môi trường Thành phố;...
- Tuyên truyền bằng các
hình thức phát tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, khẩu hiệu,... Tuyên truyền trên các
phương tiện thông tin đại chúng như hệ thống truyền thanh, trên trang thông tin
điện tử, fanpage và Bản tin Hội Nông dân Hà Nội, tuyên truyền qua Zalo, trang
Facebook... giải thích về tác hại khói bụi gây ô nhiễm không khí, gây ô nhiễm
môi trường về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu
quả, tiết kiệm tài nguyên; tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo
vệ môi trường”. Hằng năm tổ chức Lễ mit tinh hưởng ứng Ngày môi trường thế giới
(05/6) và các hoạt động hưởng ứng Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác
Hồ...
- Hướng dẫn hội viên nông
dân xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây
trồng và xử lý ô nhiễm môi trường bằng chế phẩm sinh học; nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của hội viên nông dân trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi
trường.
- Tổ chức các hội nghị
tuyên truyền, truyền thông và hội thi tìm hiểu Luật Bảo vệ môi trường; Tuyên
truyền, vận động hội viên nông dân hàng năm chấp hành ký cam kết xử lý rác thải
hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô
nhiễm môi trường chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
- Địa bàn triển khai:
+ Mỗi huyện, thị xã chọn
01 xã có nhiều tác nhân gây ô nhiễm môi trường để xây dựng mô hình điểm.
+ Thời gian triển khai
thực hiện: Từ năm 2025-2028.
+ Tổ chức đồng thời việc
thí điểm gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân.
Sau khi thí điểm (từ 6 tháng đến 1 năm) cần tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và
triển khai nhân ra diện rộng tại từng địa phương.
1.2. Tập huấn nâng
cao nhận thức và hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm
nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
& PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận
thức và hướng dẫn kỹ thuật về quy trình thu gom, phân loại và xử lý rác thải
hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô
nhiễm môi trường chăn nuôi cho cán bộ, hội viên nông dân.
- Địa bàn triển khai: Mỗi
năm tổ chức 40 hội nghị tuyên truyền, tập huấn (Mỗi hội nghị 150 hội viên nông
dân).
- Thời gian triển khai:
Từ năm 2025 đến năm 2028.
2. Tổ chức xây dựng mô
hình nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ
sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi
trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học
2.1. Nội dung thực
hiện
- Mỗi Hội Nông dân huyện,
thị xã lựa chọn xây dựng 01 trong 03 mô hình sau: (1) Xây dựng mô hình nông dân
tham gia thu gom, phân loại và ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải hữu cơ
sinh hoạt làm phân bón cho cây trồng; (2) Xây dựng mô hình nông dân xử lý phụ
phẩm nông nghiệp bằng chế phẩm sinh học; (3) Xây dựng mô hình nông dân xử lý ô
nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
- Phối hợp với các cơ
quan, đơn vị doanh nghiệp tổ chức hội thảo đánh giá và rút kinh nghiệm xây dựng
mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ
phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn
nuôi.
- Hướng dẫn hội viên nông
dân tổ chức thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm
nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi
bằng chế phẩm sinh học.
- Tổ chức đánh giá, rút
kinh nghiệm, khen thưởng biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu và triển
khai nhân rộng.
2.2. Đối tượng tham
gia
Các hộ nông dân tham gia
mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm
nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
2.3. Địa điểm xây
dựng mô hình: tại các hộ nông dân, gia
trại, trang trại chăn nuôi và trên đồng ruộng của các hộ nông dân tham gia mô
hình.
2.4. Hình thức hỗ
trợ: tập huấn chuyển giao kỹ thuật; hỗ
trợ vật tư, chế phẩm sinh học cho mô hình thí điểm.
2.5. Địa bàn triển
khai:
Tại các huyện, thị xã
trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó:
- Mô hình xử lý rác thải
hữu cơ sinh hoạt trong các hộ nông dân tại 18 huyện, thị xã (Mỗi huyện, thị xã
chọn 2-3 xã làm mô hình điểm/năm).
- Mô hình nông dân xử lý
phụ phẩm nông nghiệp (đốt rơm rạ ảnh hưởng đến an toàn bay) tại các huyện Đông
Anh, Mê Linh và Sóc Sơn và mô hình nông dân xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn
nuôi (các huyện lân cận nội thành) tại các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Thanh Oai,
Thường Tín, Hoài Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng, Quốc Oai.
2.6. Thời gian
triển khai thực hiện: Từ năm 2025 đến
năm 2028.
PHẦN IV
DỰ KIẾN KẾT QUẢ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Dự kiến kết quả đạt
được
- Nâng cao nhận thức, tạo
ý thức tự giác và kiến thức vệ sinh môi trường trong xử lý rác thải, phụ phẩm
nông nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cho cán bộ, hội viên
nông dân giúp họ thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường, biết bảo vệ
và chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và
cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Xây dựng được 180 điểm
trình diễn của nông dân về mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác
thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý
ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Từ đó tạo sức lan tỏa trong công tác tuyên truyền
vận động nông dân tham gia công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn
mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và thiết thực hướng tới mục tiêu phát
triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
2. Tiến độ thực hiện
các nhiệm vụ trong Đề án
2.1. Thời gian thực
hiện
Khung thời gian thực hiện
Đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ
sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi
trường chăn nuôi trong các hộ nông dân” trong 04 năm, từ năm 2025 đến hết năm
2028.
2.2. Tiến độ thực
hiện
Theo khung thời gian thực
hiện Đề án trên địa bàn thành phố Hà Nội tiến độ thực hiện như sau:
- Năm 2024: Xây dựng dự
thảo Đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải
hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô
nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân” giai đoạn 2024-2028; Lấy ý
kiến góp ý của các sở, ngành liên quan; Tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, giải trình
các nội dung liên quan đến Đề án; Trình UBND Thành phố phê duyệt Đề án.
- Năm 2025: Thực hiện 03
nhiệm vụ: (1) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về thu gom rác
thải và xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn; (2) Tập huấn nâng cao nhận thức và
hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm
phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi; (3) Tổ chức xây
dựng mô hình nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt
hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô
nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
- Năm 2026 - 2027: Thực
hiện 04 nhiệm vụ: (1) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về thu
gom rác thải và xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn; (2) Tập huấn nâng cao nhận
thức và hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông
nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi; (3) Tổ
chức xây dựng mô hình nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải
sinh hoạt hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và
xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; (4) Tổ chức
tuyên truyền nhân rộng các mô hình nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử
lý rác thải sinh hoạt hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho
cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
- Năm 2028: Thực hiện 05
nhiệm vụ: (1) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về thu gom rác
thải và xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn; (2) Tập huấn nâng cao nhận thức và
hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm
phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi; (3) Tổ chức xây
dựng mô hình nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt
hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô
nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; (4) Tổ chức tuyên
truyền nhân rộng các mô hình nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác
thải sinh hoạt hữu cơ sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây
trồng và xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; (5)
Xây dựng báo cáo tổng kết Đề án trong giai đoạn 2025 - 2028.
PHẦN V
NGUỒN VỐN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1- Nguồn vốn thực hiện Đề
án từ nguồn ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội (Nguồn vốn chi thường
xuyên). Kinh phí thực hiện đề án được phân bổ hàng năm theo tiến độ và nội dung
công việc của đề án do Hội Nông dân thành phố đề xuất và lập dự toán trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
2- Kinh phí từ nguồn tài
trợ, hỗ trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
3- Kinh phí từ nguồn vốn
lồng ghép của chương trình, dự án khác.
4- Kinh phí triển khai
thực hiện Đề án hàng năm do các Sở, ngành, đơn vị được giao thực hiện lập dự
toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
PHẦN VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội
2. Đơn vị thực hiện Đề
án: Hội Nông dân thành phố Hà Nội
3. Cơ quan phối hợp
thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở
Khoa học và Công nghệ; UBND các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC SỞ, NGÀNH, CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
1. Hội Nông dân thành
phố Hà Nội
- Chủ trì, phối hợp với
các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện
Đề án đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát ngân sách nhà
nước, không trùng lặp với các nội dung, nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan;
theo đúng quy định của pháp luật.
- Hàng năm đánh giá kết
quả triển khai thực hiện Đề án, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong quá
trình thực hiện, đề xuất UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung để thực hiện có
hiệu quả mục tiêu Đề án.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Hội
Nông dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động
của Đề án theo thẩm quyền.
- Tổng hợp, báo cáo Thành
ủy, UBND Thành phố kết quả thực hiện theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
- Phối hợp với Hội Nông
dân thành phố Hà Nội triển khai nội dung Đề án đã được phê duyệt: Tổ chức các
lớp tập huấn và xây dựng mô hình về xử lý phụ phẩm nông nghiệp và xử lý ô nhiễm
môi trường trong chăn nuôi; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan phục vụ công
tác tuyên truyền, tập huấn của Hội Nông dân Thành phố.
- Thực hiện lồng ghép các
chương trình, kế hoạch, đề án, nhiệm vụ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
được giao chủ trì.
3. Sở Tài nguyên và
Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Hội
Nông dân thành phố Hà Nội triển khai nội dung Đề án liên quan đến chức năng,
nhiệm vụ của Sở đảm bảo hiệu quả.
Phối hợp tổ chức các Hội
nghị tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường, xây dựng
các mô hình xử lý rác thải và phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi.
4. Sở Khoa học và Công
nghệ
Chủ trì, phối hợp với Sở
Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân Thành phố tổ chức tập huấn, chuyển giao
khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình xử lý rác thải và
phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi.
5. Sở Tài chính
Căn cứ Đề án được UBND
Thành phố phê duyệt, hàng năm trên cơ sở đề xuất của Hội Nông dân thành phố Hà
Nội và các đơn vị liên quan, căn cứ khả năng cân đối ngân sách cấp Thành phố,
Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh
phí từ nguồn vốn chi thường xuyên để thực hiện theo quy định.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội
Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội theo phạm vi, chức
năng nhiệm vụ phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động của Đề án; lồng ghép các
hoạt động trong các chương trình, Đề án có liên quan.
7. UBND các huyện, thị
xã
- Căn cứ vào nội dung của
Đề án được phê duyệt và điều kiện thực tế của địa phương, chủ động bố trí nguồn
ngân sách cấp huyện và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện
Đề án tại địa phương theo phân công và phân cấp quản lý.
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng phối hợp
với Hội Nông dân cùng cấp tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động, xây dựng
mô hình của Đề án trên địa bàn đảm bảo hiệu quả thiết thực theo đúng quy định
của pháp luật./.