Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1306/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Thái Thanh Quý
Ngày ban hành: 23/04/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1306/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 23 tháng 4 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2018 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Căn cứ Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Căn cứ Thông báo số 178/TB-UBND ngày 28/3/2019 Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3/2019;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 533/TTr-SCT ngày 09/4/2019 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2025.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TỈNH NGHỆ AN

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là mục tiêu và động lực để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chính. Đến năm 2025, hoàn chỉnh hệ thống sản xuất hỗ trợ, nhằm phát triển hiệu quả và vững chắc các ngành công nghiệp ưu tiên góp phần quan trọng vào quá trình đưa Nghệ An về đích công nghiệp hóa, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm năm 2030.

- Ưu tiên phát triển CNHT nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và tính năng động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo sức hút để các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn lựa chọn Nghệ An làm điểm đến.

- Kêu gọi đầu tư những tập đoàn lớn có tiềm năng về công nghệ, thị trường và vốn để xây dựng những dự án có quy mô lớn, có tính lan tỏa cao, từ đó phát triển công nghiệp hỗ trợ.

- Đẩy mạnh hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp để tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT phát triển. Xây dựng và hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ (GO) tăng bình quân 9-10%/năm, đến năm 2025 chiếm từ 10-12% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

- Tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, đến năm 2020 chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp.

- Đào tạo lao động kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, lao động CNHT tăng bình quân 5%/năm và chiếm 15% lao động ngành công nghiệp.

- Tăng cường thu hút đầu tư các tập đoàn công nghiệp để tạo vệ tinh phát triển các doanh nghiệp CNHT nhất là khu vực FDI để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp CNHT. Giai đoạn 2018-2025, phấn đấu số lượng doanh nghiệp CNHT tăng bình quân 3%/năm, đến năm 2025 số lượng doanh nghiệp CNHT chiếm từ 10 - 12% số lượng doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Có từ 20 - 30 doanh nghiệp CNHT đóng trên địa bàn tỉnh có thể tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn.

3. Các ngành và sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025

3.1. Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da-giày: Là nhóm ngành cần thiết phải có CNHT để phát triển vì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án may mặc đầu tư và nhu cầu thay thế nguyên phụ liệu từ nhập khẩu các sản phẩm này rất lớn. Lĩnh vực sản xuất lựa chọn gồm: Sản xuất xơ, sợi - kéo sợi, dệt vải; Các thiết bị cơ khí gồm các chi tiết thiết bị, phụ tùng cơ khí thay thế trong quá trình vận hành bảo dưỡng, sản phẩm cơ khí sử dụng hỗ trợ cho công nghiệp dệt- may như: bánh răng, trục truyền động, các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ...; Các sản phẩm nhựa; Chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo...; Nguyên liệu chính sản xuất giày dép như: Da thuộc, vải sợi bông, sợi tổng hợp, giả da, cao su, chất dẻo, nhóm các vật liệu nhân tạo dạng tấm có nguồn gốc từ xenlulô..; Nguyên liệu phụ; Công cụ, dụng cụ.

3.2. Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử-tin học-viễn thông: Là lĩnh vực cần được ưu tiên vì đây là ngành công nghệ cao phục vụ cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên về dài hạn phát triển CNHT ngành này là hết sức cần thiết. Với nhiệm vụ xây dựng Vinh trở thành Trung tâm CNTT của vùng theo mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghệ An có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư công nghiệp điện tử-tin học-viễn thông, đây là cơ hội lớn để CNHT lĩnh vực này phát triển. Có thể ưu tiên phát triển ở cả 3 bước công nghệ gồm: Công nghệ vật liệu chủ yếu là các vật liệu cho sản xuất các thiết bị điện; Công nghệ chế tạo phát triển sản xuất linh kiện điện tử, chi tiết nhựa; Công nghệ lắp ráp cụm tập trung vào các khung vỏ sản phẩm, bo mạch.

3.3. Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo: Mặc dù công nghiệp cơ khí Nghệ An hiện nay phát triển còn chậm và yếu nhưng đây là ngành công nghiệp nền tảng phục vụ cho sản xuất hầu hết các linh kiện, phụ kiện của các ngành hàng khác nên cần phải tập trung ưu tiên phát triển. Nhu cầu về sản phẩm CNHT phục vụ ngành cơ khí, chế tạo trên địa bàn tỉnh Nghệ An và thị trường cả nước là rất lớn và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới, nhằm phục vụ cho các dự án lớn trong các lĩnh vực đóng tàu, điện, xi măng, thiết bị xây dựng cũng như các sản phẩm cơ khí phục vụ tiêu dùng.

3.4. CNHT ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: Thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNHT sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô làm vệ tinh cho Tập đoàn Mitsubishi. Tuy vậy, sản xuất ô tô là quy trình công nghệ phức tạp với nhiều công đoạn khác nhau nên công nghiệp hỗ trợ của Nghệ An nên lựa chọn một số công đoạn phù hợp.

3.5. Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất vật liệu xây dựng: Dựa vào tiềm năng thị trường hiện có, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An có thể tập trung vào phát triển các nhóm ngành chính: (1) Công nghiệp khai thác, chọn lọc, sàng nghiền và làm sạch khoáng sản phi kim loại làm nguyên liệu sản xuất VLXD; (2) Công nghiệp cơ khí sản xuất máy móc thiết bị, phụ tùng, khuôn, đồ gá, phương tiện vận chuyển chuyên dụng phục vụ sản xuất VLXD; (3) Sản xuất sản phẩm: Sơn, men, phụ gia, thép xây dựng, tái chế sản phẩm nhựa; (4) Các chi tiết nhựa, cao su, phụ tùng thay thế khác,... dùng trong sản xuất vật liệu xây dựng.

3.6. Lĩnh vực sản xuất bao bì, in ấn, nhãn dán: Lĩnh vực này Nghệ An có tiềm năng để phát triển và cạnh tranh nên cần tạo điều kiện ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư, gồm các vật liệu, bao bì sử dụng cho quá trình đóng gói, hoàn tất sản phẩm bao gồm các nhóm: bao bì giấy carton, bao bì nhựa và in ấn trên bào bì, các loại túi PE (polyethylene), PP (polyprotylene), chai thủy tinh, vỏ lon bia,... sử dụng cho nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn khác nhau như: Dệt may-da giày (túi đựng sản phẩm PE, PP, móc áo, các loại bìa lót áo, giấy chống ẩm, khoanh cổ, nơ cổ và thùng caton, sóng nhiều lớp, các loại cài, kẹp nhựa...); sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng; vật liệu xây dựng (bao bì xi măng, bao bì gạch Granite); công nghiệp đồ uống,... Sản xuất phụ gia hạt nhựa đang có xu hướng phát triển mạnh nhờ lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có là bột đá trắng siêu mịn được cung cấp từ các doanh nghiệp chế biến khoáng sản trên địa bàn.

3.7. CNHT công nghiệp công nghệ cao: Ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất vật liệu chế tạo như thép chế tạo chất lượng cao, thép không gỉ, thép lá điện từ, vật liệu điện tử, nhựa cao su, composit, gốm phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp chế tạo.

II. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu chương trình

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ vào tỉnh Nghệ An làm nhân tố thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển.

- Tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn nhất là nguồn vốn FDI.

- Sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị ở một số chuyên ngành lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn.

2. Đối tượng chương trình

2.1. Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, phối hợp thực hiện các nội dung chương trình trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở được tiếp nhận kinh phí để triển khai các nội dung hoạt động của chương trình và có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng quyết toán kinh phí theo quy định.

2.2. Đơn vị thụ hưởng: Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

III. CÁC NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngoài được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành của tỉnh, còn nhận được hỗ trợ của Chương trình này theo các nội dung và mức chi quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính, gồm các hoạt động sau:

1. Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thương mại;

1.1. Mục tiêu:

Xúc tiến và hỗ trợ mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tạo mối liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

Đăng ký, hướng dẫn tham gia triển lãm công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài.

1.2. Hoạt động chính:

- Khảo sát, đánh giá năng lực doanh nghiệp, xác nhận năng lực doanh nghiệp CNHT, lựa chọn và công nhận các doanh nghiệp có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế;

- Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, quản lý giúp cho các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng, chi phí sản xuất và thời gian giao hàng của khách hàng trong và ngoài nước.

- Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại hàng năm tại các hội chợ triển lãm về CNHT trong nước và nước ngoài.

- Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

1.3. Định mức chi hỗ trợ:

Thực hiện theo quy định tại Điều 6, Chương II, Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

1.4. Phân bổ kinh phí:

Dự kiến kinh phí thực hiện hoạt động này là 5.010 triệu đồng, trong đó:

- Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước: 4.276 triệu đồng;

- Từ nguồn khác: 724 triệu đồng;

2. Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các ngành CNHT ưu tiên phát triển

2.1. Mục tiêu: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp CNHT đóng trên địa bàn tỉnh; tăng cường liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo với doanh nghiệp.

2.2. Hoạt động chính:

Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để tổ chức các khóa đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp:

- Cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo của nhà nước.

- Hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhằm bổ sung kiến thức cho đội ngũ quản lý, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động đáp ứng khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn, doanh nghiệp FDI.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết để xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

2.3. Định mức chi hỗ trợ:

Nội dung và mức chi hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 8, Chương II, Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

2.4. Phân bổ kinh phí:

Dự kiến kinh phí thực hiện hoạt động này giai đoạn 2018 - 2025 là 1.008 triệu đồng, trong đó:

- Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước: 891,2 triệu đồng;

- Từ nguồn khác: 116,8 triệu đồng;

3. Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu.

3.1. Mục tiêu:

Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong các ngành CNHT ưu tiên phát triển; Sản xuất thử nghiệm và hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

3.2. Hoạt động chính:

- Hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp;

- Hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu cho các tổ chức, cá nhân đã tự đầu tư nghiên cứu, phát triển và triển khai ứng dụng vào sản xuất có kết quả mang lại hiệu quả kinh tế;

3.3. Định mức chi hỗ trợ:

Mức chi hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 9, Chương II, Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

3.4. Phân bổ kinh phí:

Dự kiến kinh phí thực hiện hoạt động này giai đoạn 2018 - 2025 là 17.400 triệu đồng, trong đó:

- Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước: 15.660 triệu đồng;

- Từ nguồn khác: 1.740 triệu đồng;

4. Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất

4.1. Mục tiêu:

Hỗ trợ tư vấn, đào tạo hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất phù hợp với yêu cầu quốc tế để các doanh nghiệp CNHT đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị.

4.2. Hoạt động chính:

- Đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản trị trong sản xuất tại các doanh nghiệp;

- Xây dựng kế hoạch, biên soạn tài liệu về quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất để đào tạo cho các doanh nghiệp;

- Hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn tỉnh công nhận hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất;

4.3. Định mức hỗ trợ:

Mức chi hỗ trợ cho các hoạt động trên thực hiện theo quy định tại Điều 7, Chương II, Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

4.4. Phân bổ kinh phí:

Dự kiến kinh phí thực hiện hoạt động này giai đoạn 2018 - 2025 là 5.100 triệu đồng, trong đó:

- Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước: 4.615 triệu đồng;

- Từ nguồn khác: 485 triệu đồng;

5. Hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư dài hạn với lãi suất thấp

5.1. Mục tiêu:

Hỗ trợ cho doanh nghiệp CNHT trong nước đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhất là các DNNVV tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp để mua máy móc thiết bị, công nghệ phục vụ cho sản xuất sản phẩm CNHT.

5.2. Hoạt động chính:

- Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp CNHT để thực hiện sản xuất kinh doanh: Mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư thực hiện theo quy định hỗ trợ sau đầu tư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

- Bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV hoạt động trong ngành CNHT trên địa bàn tỉnh để vay vốn ngân hàng và các tổ chức tín dụng phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh.

- Hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNHT tiếp cận được vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo Nghị định 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

5.3. Định mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ 50% tiền lãi suất vay vốn sau đầu tư trong thời hạn ba (03) năm đối với các doanh nghiệp CNHT. Mức hỗ trợ sau đầu tư được tính trên tổng số nợ gốc thực trả theo hợp đồng tín dụng của doanh nghiệp đã ký với tổ chức tín dụng nhưng không vượt quá 70% tổng số vốn đầu tư tài sản cố định của dự án theo quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của cấp có thẩm quyền.

- Ưu đãi về tín dụng đầu tư đối với các DNNVV được vay tối đa 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án CNHT ưu tiên phát triển khi đáp ứng các điều kiện tại Điểm a, Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP thực hiện theo Thông tư 01/2016/TT-NHNN ngày 4/02/2016 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn chính sách cho vay phát triển CNHT.

5.4. Phân bổ kinh phí:

Dự kiến kinh phí thực hiện hoạt động này giai đoạn 2018 - 2025 là 1.500 triệu đồng, trong đó:

- Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước: 1.500 triệu đồng;

- Từ nguồn khác: 0 triệu đồng;

6. Xúc tiến thu hút đầu tư các nhà cung cấp FDI các ngành, lĩnh vực CNHT ưu tiên; Cập nhật và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ;

6.1. Mục tiêu:

- Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư các nhà cung cấp FDI vào các ngành CNHT ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Công bố thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ trên trang thông tin điện tử của ngành Công Thương và cổng thông tin điện tử tỉnh.

6.2. Hoạt động chính:

- Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức xúc tiến đầu tư sang các nước công nghiệp phát triển nhằm quảng bá hình ảnh và giới thiệu các điều kiện thuận lợi của tỉnh Nghệ An đến các nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, thị trường, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực CNHT.

- Khảo sát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về năng lực doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ và chính sách liên quan. Hỗ trợ cung cấp thông tin cung cầu về thị trường sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

- Duy trì và vận hành cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trên trang thông tin điện tử.

6.3. Định mức chi hỗ trợ:

Mức chi hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến đầu tư CNHT thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 6; Mức chi hỗ trợ đối với hoạt động cập nhật và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 10, Chương II, Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

6.4. Phân bổ kinh phí:

Dự kiến kinh phí thực hiện các nội dung của hoạt động này giai đoạn 2018 - 2025 là 2.800 triệu đồng, trong đó:

- Từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước: 2.410 triệu đồng;

- Từ nguồn khác: 390 triệu đồng;

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác dành cho các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu thực hiện các hoạt động chính của Chương trình, tổng kinh phí dự kiến cho cả giai đoạn từ 2018 - 2025 là 32.808 triệu đồng, trong đó:

- Vốn từ ngân sách Nhà nước là 29.452,2 triệu đồng (Vốn từ ngân sách Trung ương đề nghị hỗ trợ chiếm 20% tương ứng khoảng 6.851,6 triệu đồng. Vốn Ngân sách tỉnh là 22.500,6 triệu đồng, tương ứng bình quân hàng năm ngân sách tỉnh cân đối bố trí từ nguồn sự nghiệp kinh tế từ 3,5 - 4 tỷ đồng).

- Nguồn vốn khác chiếm 15% tương ứng khoảng 3.455,8 triệu đồng.

(Chi tiết dự toán tại Phụ lục kèm theo Quyết định)

2. Hàng năm, căn cứ vào thực tế, Sở Công Thương đề xuất và đăng ký nhiệm vụ với Bộ Công Thương kế hoạch sử dụng kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ để được cân đối hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Các đề án không được cân đối, Sở Công Thương tổng hợp rà soát gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và các quy định hiện hành.

3. Khuyến khích việc huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách để triển khai các nội dung của chương trình như: Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Chương trình này.

- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung chức năng, nhiệm vụ và biên chế cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An để thực hiện hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

- Hàng năm xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Chương trình để tổng hợp vào dự toán ngân sách gửi Sở Tài chính để báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo quy định của Luật Ngân sách.

- Căn cứ dự toán Chương trình được giao hàng năm, thẩm định phân bổ kinh phí thực hiện chương trình, chi tiết theo từng đề án, nhiệm vụ, đơn vị chủ trì gửi Sở Tài chính kiểm tra theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trình UBND tỉnh phê duyệt. Kiểm tra, phê duyệt dự toán, quyết toán kinh phí thực hiện chương trình cho các đơn vị được hỗ trợ.

- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn phục vụ các hoạt động của Chương trình.

- Theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình triển khai Chương trình định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Sở Tài chính

- Hàng năm căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối ngân sách từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong dự toán ngân sách trình HĐND tỉnh quyết định.

- Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng kinh phí và thanh quyết toán kinh phí thực hiện các nội dung Chương trình.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính trong việc tổng hợp, cân đối kế hoạch vốn đảm bảo Chương trình thực hiện có hiệu quả.

- Bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao năng lực hoạt động cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp để thực hiện Chương trình có hiệu quả.

4. Sở Nội vụ

Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ sung chức năng, nhiệm vụ và biên chế cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An đủ năng lực để thực hiện tốt hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

5. Các Sở, Ban, Ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã

Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương lồng ghép các chương trình, đề án khác với Chương trình này để thực hiện có hiệu quả.

6. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp:

- Tổng hợp, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm báo cáo Sở Công Thương để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục phù hợp với nội dung quy định hỗ trợ của chương trình báo cáo Sở Công Thương theo quy định;

- Chịu trách nhiệm tiếp nhận và quản lý kinh phí thực hiện chương trình theo Quy định này và chế độ tài chính hiện hành để triển khai các đề án thuộc Chương trình. Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục phù hợp với nội dung quy định hỗ trợ của Chương trình trình Hội đồng thẩm định; Đôn đốc, theo dõi và kiểm tra các đơn vị hỗ trợ kinh phí sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; Tổ chức kiểm tra hồ sơ quyết toán, thanh quyết toán kinh phí, mở sổ sách kế toán, hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi và bảo quản chứng từ theo đúng quy định.

- Thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ và kết quả thực hiện Chương trình định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Sở Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền.

7. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thụ hưởng

- Tổ chức triển khai thực hiện đề án theo các nội dung đã được phê duyệt; sử dụng kinh phí đúng đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả và có trách nhiệm quyết toán đúng quy định. Trong quá trình thực hiện có thay đổi, phát sinh báo cáo Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN để xử lý theo quy định;

- Đảm bảo tính chính xác và chịu trách nhiệm pháp lý về các thông tin đã cung cấp. Báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến thực hiện đề án khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thanh tra, kiểm tra.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Khoa học Công nghệ; Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Các PCT UBND tỉnh;
- CVP, PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VTUB, CN (H).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Thái Thanh Quý

 

PHỤ LỤC 1

TỔNG HỢP DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2018 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1306/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 của UBND tỉnh Nghệ An)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Tên nhiệm vụ

Đơn vị tính

Số lượng

Mức hỗ trợ

Nguồn vốn

Thành tiền

Nguồn vốn từ ngân sách

Nguồn vốn khác

I

Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thương mại

 

 

 

4.276

724

5.010

1

Khảo sát, đánh giá năng lực doanh nghiệp, xác nhận năng lực doanh nghiệp CNHT (07 triệu VNĐ/doanh nghiệp)

Doanh nghiệp

120

100%

766

84

840

2

Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, quản lý cho các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp

12

100%

160

20

200

3

Tổ chức hội chợ triển lãm CNHT trong nước tổ chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An (75 doanh nghiệp*12 triệu đồng/đơn vị tham gia = 900 triệu đồng/Hội chợ)

Hội chợ

02

70%

1.500

300

1.800

4

Hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ ở nước ngoài.

Doanh nghiệp

05

150 triệu/ Đơn vị

600

150

750

5

Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ

Chuyên đề

06

70 triệu/ Chuyên đề

350

70

420

6

Hỗ trợ quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Thương hiệu

20

50 triệu/ Thương hiệu

900

100

1.000

II

Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các ngành CNHT ưu tiên phát triển

 

 

 

891,2

116,8

1.008

1

Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Doanh nghiệp

12

70%

151,2

16,8

168

2

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước; cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật các doanh nghiệp CNHT
(Bình quân 200 triệu đồng/khóa đào tạo)

Khóa đào tạo

06

70%

740

100

840

III

Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu

 

 

 

15.660

1.740

17.400

1

Hỗ trợ giới thiệu, phổ biến một số quy trình sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm CNHT

Chương trình

05

100%

360

40

400

2

Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu

Doanh nghiệp

12

50%

5.400

600

6.000

3

Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm sản phẩm CNHT

Doanh nghiệp

12

50%

5.400

600

6.000

4

Hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cho các tổ chức, cá nhân đã tự đầu tư nghiên cứu, phát triển và triển khai ứng dụng vào sản xuất có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả

Đơn vị DN/cá nhân

10

50%

4.500

500

5.000

IV

Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất

 

 

 

4.615

485

5.100

1

Đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp (07 triệu đồng/doanh nghiệp)

Doanh nghiệp

50

100%

315

35

350

2

Hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo ứng dụng hệ thống quản lý cho các doanh nghiệp

Doanh nghiệp

50

100%

250

-

250

3

Tổ chức đánh giá, công nhận hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất

Doanh nghiệp

30

150 triệu/ Đơn vị

4.050

450

4.500

V

Hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư dài hạn

 

 

 

1.500

-

1.500

 

Hỗ trợ lãi suất vay vốn sau đầu tư cho các doanh nghiệp CNHT để thực hiện sản xuất kinh doanh (không quá 500 triệu VNĐ/DN)

Doanh nghiệp

30

50%

1.500

-

1.500

VI

Xúc tiến thu hút đầu tư các nhà cung cấp FDI các ngành, lĩnh vực CNHT ưu tiên phát triển; Cập nhật và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ

 

 

 

2.410

390

2.800

1

Khảo sát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sản phẩm CNHT trong các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên (05 triệu đồng/doanh nghiệp).

Doanh nghiệp

100

100%

450

50

500

2

Xuất bản các ấn phẩm CNHT (100 triệu đồng/ấn phẩm)

Ấn phẩm

03

100%

300

-

300

3

Vận hành trang thông tin điện tử về CNHT hàng năm (50 triệu đồng/năm)

Năm

06

100%

300

-

300

4

Tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực CNHT (hỗ trợ 70% kinh phí nhưng không quá 500 triệu/Hội thảo)

Hội thảo

02

70%

800

200

1.000

5

Tổ chức đoàn giao dịch, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài vào CNHT

Đơn vị

20

28 triệu/ Đơn vị

560

140

700

Tổng cộng

 

 

 

29.352,2

3.455,8

32.808

 

PHỤ LỤC 2

HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ THỦ TỤC, HỒ SƠ ĐĂNG KÝ VÀ THANH QUYẾT TOÁN CÁC ĐỀ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP KINH TẾ TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1306/QĐ-UBND ngày 23/4/2019)

1. Thời hạn, địa chỉ nộp hồ sơ Đề án

a) Thời hạn nộp hồ sơ: Hàng năm, Sở Công Thương có văn bản thông báo và các phụ biểu hướng dẫn cụ thể gửi tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan về việc đề xuất đề án thuộc các nội dung hoạt động của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho năm kế tiếp để kiểm tra, tổng hợp trước ngày 30/6 gửi Sở Tài chính.

Sở Tài chính thẩm tra các điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ, khả năng cân đối nguồn kinh phí của ngân sách để xây dựng dự toán chi ngân sách hàng năm đối với chính sách hỗ trợ báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định.

b) Địa chỉ nhận hồ sơ đề án: Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Nghệ An - Sở Công Thương. Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Tp.Vinh.

2. Hồ sơ đề án lập thành 03 (ba) bộ, bao gồm:

- Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương của đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án;

- Đề án tham gia chương trình, gồm các nội dung:

+ Đơn đăng ký chủ trì thực hiện đề án;

+ Thuyết minh đề án; Báo cáo tóm tắt hoạt động của đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án;

+ Phương án huy động vốn đối ứng đối với các đề án phải có vốn đối ứng.

- Văn bản xác nhận của đơn vị đăng ký phối hợp thực hiện đề án (nếu có);

- Tài liệu liên quan khác nếu đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án thấy cần thiết bổ sung, nhằm làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ hoặc Sở Công Thương yêu cầu nhằm làm rõ thông tin trong quá trình thẩm định hồ sơ đề xuất đề án.

3. Thẩm định đề án và phê duyệt chương trình hàng năm

- Căn cứ nguồn kinh phí chương trình được Ủy ban nhân dân tỉnh giao dự toán hàng năm và hồ sơ Đề án đề nghị hỗ trợ của các đơn vị, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp và một số đơn vị liên quan (do Sở Công Thương mời nếu thấy cần thiết) thẩm định Đề án để thống nhất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện.

- Căn cứ dự toán chi ngân sách cho Chương trình trong năm kế hoạch đã được phê duyệt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thông báo cho các đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án để chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Sở Công Thương phê duyệt dự toán chi tiết triển khai thực hiện.

4. Nghiệm thu và thanh quyết toán Đề án

a) Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu quyết toán đề án bao gồm:

- Công văn đề nghị nghiệm thu và quyết toán đề án của đơn vị chủ trì;

- Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề án (tổng quan đề án, mô tả các kết quả và sản phẩm chính của đề án theo các nội dung công việc đã được phê duyệt, kết luận và kiến nghị);

- Các sản phẩm chính và sản phẩm có liên quan của đề án;

- Các số liệu (điều tra, khảo sát, phân tích...);

- Các hồ sơ tài liệu, hóa đơn chứng từ liên quan khác (Các chứng từ chi tiêu của đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hỗ trợ được lưu tại đơn vị sau khi kiểm tra quyết toán).

b) Tổ chức nghiệm thu: Sở Công Thương tổ chức nghiệm thu và lập biên bản đối với các đề án được hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu để thực hiện thủ tục chuyển kinh phí hỗ trợ cho các đơn vị thực hiện đề án. Việc chấp hành dự toán, công tác hạch toán và quyết toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

(Ghi chú: Đối với hồ sơ Đề án đăng ký kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương).

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1306/QĐ-UBND ngày 23/04/2019 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


16

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.118.236
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!