Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 93/NQ-CP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 05/07/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Mục tiêu nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2023-2030

Ngày 05/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030.

Mục tiêu nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2023-2030

Theo đó, nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 có những mục tiêu cụ thể sau:

- Chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được thành kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; nâng cao khả năng hấp thụ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế;

Đồng thời, thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, hiện đại, hội nhập hơn.

- Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới.

- Tăng cường hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có hỗ trợ của các cơ chế đa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp,... trong quá trình thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt các cam kết trong các FTA.

- Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài; tăng cường khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới có thể gây ra/đe dọa ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành kinh tế;

Hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam; tạo điều kiện, môi trường để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc.

- Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; chủ động, tích cực tham gia xây dựng quy tắc pháp lý quốc tế;

Đồng thời, tận dụng tối đa pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là trong giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh.

- Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.

- Chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế: trong đó chú trọng vào khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường.

Tích cực đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng như tham gia vào các mô hình, khuôn khổ hợp tác và liên kết mới về kinh tế.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của đất nước và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 có những giải pháp sau:

- Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế;

- Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh;

- Thực thi hiệu quả các FTA;

- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững;

- Hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ,an ninh quốc phòng.

Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 05/7/2023.

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/NQ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2023

NGHỊ QUYẾT

VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;

Căn cứ các chủ trương, đường lối, chính sách lớn về hội nhập kinh tế quốc tế nêu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030;

Trên cơ sở xem xét, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Trên cơ sở kết quả biểu quyết của các Thành viên Chính phủ.

QUYẾT NGHỊ:

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, kết quả cho thấy từ các bộ, ngành trung ương tới chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đều đã có sự cố gắng và nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết, góp phần đưa công tác hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được triển khai bài bản, có hiệu quả; đóng góp tích cực vào việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; thu hút nguồn lực to lớn cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong khi vẫn bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, đặc biệt là an ninh kinh tế, đấu tranh làm thất bại âm mưu ý đồ, hoạt động lợi dụng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam để can thiệp nội bộ, tác động chuyển hóa ta về chính trị. Thông qua việc triển khai Nghị quyết số 49/NQ-CP, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Nhận thức trong cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành trung ương tới chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về các mặt liên quan quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từng bước được nâng cao. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Việt Nam đã hình thành được mạng lưới đối tác kinh tế quốc tế rộng lớn thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực và đa phương. Chúng ta hiện đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ, ký 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 đối tác, đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các thành tựu đạt được trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, nổi bật là kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được chăm lo, đảm bảo hơn. Cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng. Các thị trường mà Việt Nam có ký kết các FTA thế hệ mới đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng hàng năm. Sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hội nhập kinh tế quốc tế cũng đang là một động lực chính cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP cũng cho thấy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế còn một số tồn tại, hạn chế căn bản là: Trong tổ chức hoàn thiện pháp luật, việc nhận thức về ý nghĩa, vai trò tầm quan trọng, thời cơ cũng như thách thức, đặc biệt là ở cấp địa phương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hiểu biết đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam để nội luật hóa thành các quy phạm pháp luật trong nước theo hướng linh hoạt, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích tối đa của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công dân Việt Nam còn chưa thực sự tốt. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của nước ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với thế giới, kể cả các nước trong khu vực. Hiệu quả tận dụng cơ hội, lợi ích từ các cam kết quốc tế trong một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… còn hạn chế. Sự thống nhất, đồng bộ, liên thông giữa các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc gia... với kinh tế và những nhóm ngành trên lĩnh vực về kinh tế, thương mại cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, vẫn còn những hạn chế nhất định. Hội nhập kinh tế quốc tế chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững của nền kinh tế; mức độ đổi mới tư duy, sáng tạo trong suy nghĩ, quyết liệt trong hành động còn chưa thực sự cao.

Trong giai đoạn tới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động với những diễn biến phức tạp, khó lường. Cục diện đa cực, đa trung tâm trên thế giới ngày càng rõ nét; chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn có xu hướng tăng lên; các thách thức an ninh truyền thông và phi truyền thống đang làm thay đổi trật tự, cấu trúc kinh tế, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới. Bên cạnh đó, xung đột nổi lên tại một số quốc gia - khu vực và hậu quả của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục gây cản trở đối với dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế và làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế của từng quốc gia, khu vực và thế giới trong những năm tới. Tình hình trên đã đẩy nhanh hơn các xu hướng đã có như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, bền vững và bao trùm. Trong bối cảnh đó, các quốc gia phải tìm điểm cân bằng mới giữa phát triển kinh tế, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm an ninh quốc gia, đồng thời tích cực thúc đẩy và tận dụng những thành quả khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: “Tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”. Vấn đề đặt ra cần phải tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới để tận dụng tốt các cơ hội phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế đất nước, kịp thời ứng phó, linh hoạt thích nghi với những khó khăn, thách thức và tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

I. QUAN ĐIỂM

1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, quyết liệt, đồng bộ, thống nhất trong hành động, giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối chiến lược phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bảo vệ vững chắc an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc.

2. Bám sát mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.

3. Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải phục vụ mục tiêu góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh trên cơ sở làm chủ công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường. Nâng cao năng lực sản xuất quốc gia, chú trọng những nhóm lĩnh vực mới, hiện đại, hàm lượng công nghệ cao... để tăng tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.

4. Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, ưu tiên của hội nhập quốc tế; hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế và phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, phương án, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước. Hội nhập kinh tế quốc tế phải góp phần ngày càng thúc đẩy hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong nước phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, phù hợp các cam kết, các thông lệ quốc tế và khu vực; chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới, tham gia vào các vòng đàm phán mới, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khu vực và đa phương tạo thuận lợi cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững kinh tế đất nước.

5. Thực hiện đa dạng hình thức hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng hội nhập kinh tế số với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Chủ động dự báo sớm và xử lý hiệu quả, kịp thời các vấn đề, diễn biến phát sinh, giám sát chặt chẽ và quản lý hiệu quả các tác động của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

6. Các nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cần có tính toàn diện, sâu sát, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, có tính dự báo nhằm mang lại hiệu quả thực chất. Đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến mở rộng quan hệ kinh tế thương mại song phương, đa phương, thu hút đầu tư nước ngoài, ký kết các hiệp định, điều ước quốc tế song đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tính hiệu quả; tiếp tục chủ động trong công tác nghiên cứu, đàm phán và ký kết FTA với các đối tác bổ sung lợi ích để có thể mang lại hiệu quả về nhiều mặt; khai thác hiệu quả lợi ích các FTA mà Việt Nam đã ký kết làm động lực để phát triển xuất nhập khẩu cả về lượng và chất trên cơ sở đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nước ta đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, trong đó trọng tâm là: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhanh chóng phục hồi kinh tế vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tăng cường sự gắn kết lợi ích với các đối tác và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được thành kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; nâng cao khả năng hấp thụ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, hiện đại, hội nhập hơn.

- Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới.

- Tăng cường hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có hỗ trợ của các cơ chế đa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp,... trong quá trình thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt các cam kết trong các FTA.

- Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài; tăng cường khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới có thể gây ra/đe dọa ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành kinh tế; hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam; tạo điều kiện, môi trường để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc.

- Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; chủ động, tích cực tham gia xây dựng quy tắc pháp lý quốc tế; tận dụng tối đa pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là trong giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh.

- Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.

- Chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế: trong đó chú trọng vào khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường. Tích cực đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng như tham gia vào các mô hình, khuôn khổ hợp tác và liên kết mới về kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của đất nước và hội nhập quốc tế.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Giải pháp thực hiện

a) Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế

- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra. Tận dụng tối đa không gian chính sách mà Việt Nam được phép trong các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể của Việt Nam.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, hiệu quả nhằm duy trì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định và có thể dự đoán trước. Tập trung khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuế, đầu tư, thương mại, môi trường, quản lý thị trường,... nhằm giải phóng các nguồn lực cho phát triển, đảm bảo hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thực hiện được các mục tiêu cải cách trong nước và tiến tới xây dựng hệ thống pháp luật với các quy định hiện đại, tiến bộ; tạo cơ sở cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng số, công nghệ tài chính (fintech).

- Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế,... và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.

- Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới/tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời và phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp. Đảm bảo nguyên tắc minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

- Xây dựng và triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, tài sản trí tuệ, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý từ các cường quốc trên thế giới; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực hội nhập trong nước, đặc biệt tại các vùng và địa phương.

- Thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan bộ ngành. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến biến bất lợi trong thương mại - đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

- Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan về quản lý cạnh tranh, phòng vệ thương mại, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, mua sắm Chính phủ, lao động, công đoàn... phù hợp với các cam kết FTA thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu cần đáp ứng khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập.

b) Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

- Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách. Đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thực chất hơn để giải quyết triệt để được những vấn đề còn vướng mắc đối với môi trường kinh doanh. Khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách. Phân định trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan, đơn vị chủ trì để doanh nghiệp và người dân biết, giám sát chặt chẽ việc triển khai. Thực hiện thực chất, hiệu quả các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển ổn định, tăng năng suất, chất lượng, tạo nền tảng, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

- Tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững; thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu, thúc đẩy áp dụng các giải pháp về mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

- Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Phát huy vai trò của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong và ngoài nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, du lịch và thu hút đầu tư; hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ tranh chấp thương mại.

- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Cải thiện từng bước cơ sở hạ tầng logistics nội địa, đặc biệt là kho bãi và vận chuyển từ các vùng sản xuất tới các cảng quốc tế.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính. Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022. Phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn để phục vụ tốt hơn cho các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.

- Cập nhật đầy đủ, kịp thời các dữ liệu liên quan tới dịch vụ công; chú trọng các dịch vụ công thiết thực đối với người dân, cung cấp hạ tầng cho thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử.

c) Thực thi hiệu quả các FTA

- Rà soát, khắc phục sự chồng chéo giữa các bộ, ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy hiệu quả vai trò của cơ quan chủ trì trong việc thực thi các cam kết FTA; xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên trong việc xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, chương trình hành động phát triển kinh tế,... có liên quan và tác động đến nhiều bộ, ngành và địa phương.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình đề xuất, lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán các FTA mới cũng như trong việc tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu. Đẩy mạnh nghiên cứu, cảnh báo, phổ biến các biện pháp kỹ thuật của các nước cho các doanh nghiệp trong nước và các cơ quan quản lý liên quan để chủ động đối phó với các rào cản kỹ thuật.

- Tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các FTA; nghiên cứu, đề xuất phương án đàm phán các FTA mới cũng như nâng cấp một số FTA đã ký kết; nghiên cứu và tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP, tăng cường tận dụng ưu đãi trong các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường. Tận dụng; các bảo lưu quyền/ngoại lệ (đặc biệt là các ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngoại lệ của một số cam kết quy tắc), thực hiện linh hoạt các yêu cầu của cam kết vì lợi ích nội tại của Việt Nam.

- Triển khai Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.

- Rà soát, đánh giá lộ trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay và tác động đối với từng ngành, lĩnh vực để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cho phù hợp, kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh và đề xuất phương hướng giải quyết.

- Rà soát, đổi mới phương thức thực thi các cam kết về thương mại dịch vụ trong các FTA để tận dụng, khai thác các thị trường mới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ công nghiệp thông tin, công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

- Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng và doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn các cơ hội mang lại từ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

- Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến về các FTA. Phối hợp với Bộ Công Thương tiếp nhận, vận hành, nâng cấp và phát triển Cổng thông tin điện tử Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) nhằm kết nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện các FTA.

d) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững

- Chú trọng xây dựng các kịch bản ứng phó/thích ứng hiệu quả với các tình huống thiên tai, dịch bệnh,... trong thời gian tới. Tiến hành các các biện pháp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Duy trì và cải thiện năng lực cạnh tranh của các ngành có nguy cơ suy giảm xuất khẩu sau đại dịch. Tận dụng các cơ hội nhất định từ quá trình tái cơ cấu chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu hậu COVID-19 để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư hậu COVID-19 để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện tốt Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế.

- Triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là cho hạ tầng chiến lược, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia,... để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển các ngành kết cấu hạ tầng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tiếp tục đề xuất và thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Xây dựng phương án phục hồi thị trường lao động giai đoạn hậu COVID-19 đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhất là nhóm doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công - tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.

- Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, chú trọng đào tạo nhân lực số, lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, sẵn sàng đón nhận xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

- Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế liên quan đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

đ) Hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng

- Chủ động tham gia xây dựng, định hình các cấu trúc kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu, trong đó có việc xây dựng các văn kiện định hướng của WTO, ASEAN, APEC, ASEM, các cơ chế tiểu vùng Mê Công, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm, bền vững.

- Phối hợp chặt chẽ với các thành viên của ASEAN, ASEM, APEC trong các vấn đề hợp tác chính sách, xây dựng các sáng kiến và định hướng hợp tác trong giai đoạn hậu COVID-19 và tham gia chủ động, tích cực tại các diễn đàn này nhằm đảm bảo sự hợp tác xuyên suốt, hiệu quả.

- Thực hiện tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình thế giới và khu vực, nhất là những biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta để có những quyết sách và hành động nhanh chóng, quyết liệt và phù hợp; gắn kết hài hòa giữa hội nhập quốc tế với đổi mới trong nước; phát huy tối đa và kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước.

- Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu các xu thế phát triển, các sáng kiến mới, chính sách và kinh nghiệm của các quốc gia trong quá trình hội nhập, đặc biệt là các quốc gia đang thực thi hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế.

- Mở rộng và dần đi vào chiều sâu các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng; khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, nghiên cứu liên ngành, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng; chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ trong nước,... để phục vụ có hiệu quả hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tích cực việc tham gia các sự kiện quốc tế, ứng cử và đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế; chủ động đề xuất các sáng kiến, tạo dấu ấn tích cực, nâng cao vị thế và giá trị Việt Nam trong quan hệ với các nước.

- Hoàn thiện thể chế, bảo đảm củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân cấp, phân quyền trên cơ sở bảo đảm tính kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác kinh doanh lâu dài. Tạo điều kiện, cơ hội cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với bảo vệ, phát triển bền vững, hiệu quả ở các vùng, khu vực quan trọng trên cả nước. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia trong các mối quan hệ quốc tế, bảo đảm kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển với tăng cường mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, chú trọng hợp tác kinh tế biển với các nước có thế mạnh, tạo đan xen lợi ích.

- Hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Thiết lập thế trận an ninh liên quan bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng, đặc biệt coi trọng an ninh mạng.

2. Phân công nhiệm vụ

a) Bộ Công Thương

- Triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá FTA (FTA Index) để tạo cơ sở đánh giá kết quả thực thi FTA tại các bộ ngành, địa phương trên cả nước. Đầu mối đôn đốc triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là Kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP.

- Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại để thực thi có hiệu quả cam kết quốc tế. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật mới nhằm tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp, thương mại trong nước, nhất là các ngành mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

- Triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Đoàn đàm phán Chính phủ nghiên cứu, đề xuất đàm phán, xây dựng phương án đàm phán FTA đối với các cam kết trong lĩnh vực Bộ phụ trách và trình Thủ tướng Chính phủ các phương án tổng thể về tổ chức, đàm phán, ký kết các FTA cũng như thực thi các FTA đã ký kết; thường xuyên tham vấn với VCCI, các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp về đàm phán các FTA đang, sẽ triển khai và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi các FTA.

- Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng đa dạng về hình thức, chuyên sâu về những nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

- Tiếp tục triển khai tổ chức các kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Tiểu ban thương mại, các thỏa thuận và các cơ chế hợp tác đã thiết lập, đàm phán thành lập các Ủy ban Liên chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Tiểu ban thương mại mới với các nước đối tác.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; trong đó chú trọng xây dựng và thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ các đối tác FTA, gắn với cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh thân thiện với môi trường.

- Phối hợp với các địa phương theo dõi, tổng hợp số liệu đầu tư của các nước tham gia FTA với Việt Nam, cung cấp cho Bộ Công Thương tiến hành theo dõi việc thực thi các FTA.

- Nghiên cứu khả năng mở cửa một số phân ngành dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia ở mức độ phù hợp; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực về vốn, công nghệ, năng lực cạnh tranh, có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu để tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam và nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

- Triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.

c) Bộ Tài chính

- Rà soát và hoàn thiện khung khổ, thỏa thuận hợp tác tài chính với các đối tác quan trọng như các tổ chức tài chính, diễn đàn tài chính quốc tế và các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính tại các nước đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác truyền thống của Việt Nam.

- Phát triển chiều sâu nâng cao hiệu quả thực chất hợp tác tài chính và hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực tài chính, định hình các công cụ, cơ chế tài chính khu vực để hỗ trợ quản lý kinh tế vĩ mô, tài chính công, thị trường tài chính; tăng cường đối thoại chính sách nhằm nâng cao độ tin cậy trong quan hệ đối tác hợp tác tài chính và quảng bá, thu hút nguồn lực từ bên ngoài, huy động tiếp nhận và quản lý hiệu quả các hoạt động/chương trình hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác dành cho Bộ Tài chính.

- Hoàn thiện đồng bộ thể chế và thực thi các cam kết hội nhập về thuế, hải quan, dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán, kế toán - kiêm toán,… Nghiên cứu, đề xuất thực thi cam kết thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các khuôn khổ song phương và đa phương một cách chủ động hơn nhằm giảm tập trung thương mại, đặc biệt là nhập khẩu từ một số đối tác cụ thể.

- Tăng cường hiệu quả thực hiện các cam kết hội nhập tài chính thông qua việc nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực tài chính; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách để đảm bảo an toàn tài chính trong điều kiện thực hiện đầy đủ cam kết hội nhập quốc tế; tăng cường và nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền về lợi ích và thách thức từ thực thi các cam kết tài chính tới các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ, đầy đủ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, hải quan số, hải quan thông minh, cấp mã số thuế tự động; mở rộng và tăng cường hợp tác với các cơ quan hải quan trên thế giới.

d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

- Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

- Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu; đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng.

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng trong lĩnh vực thanh toán.

- Triển khai có hiệu quả Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

- Triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

đ) Bộ Ngoại giao

- Tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ và tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác quan trọng; thúc đẩy, tạo lập, nâng cấp các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; nghiên cứu thúc đẩy, hình thành các quan hệ đối tác theo lĩnh vực phù hợp với lợi ích của ta như kinh tế số, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Tranh thủ hiệu quả các yếu tố thuận lợi và nguồn lực bên ngoài nhằm huy động vốn, công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

- Phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn kinh tế quốc tế, nhất là các cơ chế, diễn đàn có tầm quan trọng chiến lược, phù hợp với lợi ích và điều kiện của đất nước; đẩy mạnh tham gia của Việt Nam vào các cơ chế, khuôn khổ hợp tác đa phương về kinh tế, trong đó có việc đảm nhiệm vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD giai đoạn 2022 - 2025.

- Tiếp tục vận động các các đối tác, tổ chức quốc tế, các cơ chế đa phương hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, thúc đẩy các dự án đầu tư, hỗ trợ sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc-xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế trong phòng chống dịch COVID-19.

- Tăng cường triển khai các hoạt động kết nối giữa các địa phương, doanh nghiệp với các cơ quan đại diện và đối tác nước ngoài nhằm tận dụng các cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, hỗ trợ, bảo hộ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp tại nước ngoài.

- Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển phù hợp với xu thế và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức hỗ trợ các ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế xây dựng phương án vận động ngoại giao chung và trong từng lĩnh vực cụ thể nhằm hỗ trợ cho quá trình đàm phán các FTA và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về các xu thế thương mại, kinh tế quốc tế, sự điều chỉnh chính sách của các đối tác lớn, tham gia của ta vào các khuôn khổ như Khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương... để kịp thời tham mưu Chính phủ về các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

e) Bộ Tư pháp

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và và Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế nghiên cứu, đề xuất đàm phán, tổng hợp, xây dựng phương án đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý và các lĩnh vực khác khi được Chính phủ phân công.

- Phối hợp với Bộ Công Thương tổng hợp phương án đàm phán tổng thể trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng, triển khai các phương án đàm phán về pháp lý và thể chế.

- Chủ động phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức liên quan đánh giá các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý và các lĩnh vực liên quan khi được phân công nhằm bảo đảm phương án đàm phán và nội dung cam kết Trong các FTA đạt được hiệu quả tối ưu cho Việt Nam.

- Phối hợp với cơ quan đề xuất đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt trong việc đánh giá tác động pháp lý của các FTA, điều ước quốc tế làm cơ sở để trình cấp có thẩm quyền đề xuất, quyết định việc đàm phán, ký và phê chuẩn, phê duyệt FTA, điều ước quốc tế để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

- Phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, đánh giá tương thích của hệ thống pháp luật Việt Nam với các yêu cầu, nghĩa vụ phải thực hiện theo các FTA.

- Nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.

- Nghiên cứu, đề xuất việc tiếp thu các quy tắc tốt của pháp luật quốc tế, nhất là trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, góp phần hoàn thiện và làm hiện đại pháp luật trong nước phục vụ hội nhập quốc tế.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng pháp luật quốc tế theo hướng hiện đại, tiến tới ngang tầm khu vực và quốc tế.

- Giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Tương trợ tư pháp dân sự.

g) Bộ Khoa học và công nghệ

- Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế và tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam.

- Xây dựng và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

- Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch về tăng cường hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phục vụ công tác hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể: (i) Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế đến 2025, định hướng đến 2030" (Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ); (ii) Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ); (iii) Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ).

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực thi các cam kết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại trong khuôn khổ WTO, CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP và các FTA mà Việt Nam tham gia. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

h) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thúc đẩy thị trường theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, an toàn, hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước.

- Khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương, tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng để xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, phát triển cụm liên kết. Huy động các tổ chức nghiên cứu quốc tế, tập đoàn trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo nông nghiệp cấp vùng tại Việt Nam.

- Tăng cường hợp tác với các cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu để đảm bảo việc giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật và các tranh chấp phát sinh trong thương mại nông, lâm, thuỷ sản.

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tận dụng công nghệ 4.0 đẻ thực hiện số hóa nền nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

- Phát triển công nghiệp chế biến hàng nông sản, nâng cao giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho nông sản, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, hướng tới xuất khẩu, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị nông sản khu vực và toàn cầu.

- Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững, tăng tốc độ các xã đạt chuẩn nông thôn mới; rà soát và hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí về môi trường nông thôn; xây dựng làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu.

i) Bộ Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phối hợp các bộ ngành, địa phương định kỳ hàng năm báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện.

- Chủ trì tổ chức triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật Giao dịch điện tử theo hướng bổ sung quy định về các dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, hoạt động của nền tảng số, dữ liệu số, dịch vụ số trực tuyến, dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển hạ tầng số, Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia, Chiến lược dữ liệu quốc gia.

- Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam; đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; tổ chức triển khai Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp lớn và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

- Xây dựng và triển khai Chuẩn kỹ năng số và Khung kỹ năng số quốc gia.

- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân về các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế.

k) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại của Việt Nam.

- Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

- Đẩy mạnh kết hợp phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, các sản phẩm công nghiệp văn hóa đỉnh cao của Việt Nam ra thế giới với việc khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong giai đoạn tới.

l) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; chủ trì phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế và các bộ ngành liên quan thực hiện hiệu quả Chương trình việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022 - 2026 và Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức liên quan triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước số 87 của Tổ chức Lao động quốc tế; tham mưu, triển khai thực hiện cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan về lao động, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là đối với nhóm yếu thế và đảm bảo các mục tiêu về việc làm thỏa đáng được lồng ghép vào các Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

m) Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chỉ đạo xử lý các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách liên quan đến quản lý chất thải rắn, chất lượng không khí, môi trường làng nghề, môi trường nước và các lưu vực sông, môi trường biển và hải đảo; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường.

- Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường; xây dựng và thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống thông tin và báo cáo môi trường, đẩy mạnh công tác truyền thông môi trường nhằm tăng cường thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và cộng đồng đối với môi trường.

- Hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhằm khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, đảm bảo hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan, đặc biệt là các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo trên cơ sở đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

- Đẩy nhanh việc lập và trình ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

- Tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

- Đẩy nhanh việc chuẩn hóa dữ liệu và thống nhất quản lý sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia, bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân. Triển khai việc tích hợp và số hóa cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển của các bộ, địa phương với cơ sở dữ liệu biển và hải đảo quốc gia.

- Nghiên cứu, đề xuất thành lập Nhóm đối tác kinh tế biển xanh nhằm huy động sự tham gia của các bên liên quan, góp phần hướng tới quản lý hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế biển Việt Nam.

n) Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học ngang tầm chất lượng và phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành công nghệ cao trước xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam, đặc biệt trong các ngành mũi nhọn như công nghiệp điện tử, bán dẫn.

- Nâng cao chất lượng đào tạo gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động; áp dụng các phương pháp đào tạo của các Tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế...

o) Bộ Quốc phòng

- Chủ động tham gia xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực. Tiếp tục triển khai cử lực lượng quân đội tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

- Tăng cường kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

- Tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước; đưa các khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa nước ta với các đối tác.

- Chủ động thúc đẩy tham gia hội nhập quốc tế về quốc phòng và hợp tác quốc tế về quốc phòng nhằm xây dựng lòng tin với các đối tác, tổ chức quốc tế, góp phần bảo vệ môi trường hòa bình, bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế về kinh tế...

- Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Triển khai hiệu quả Kết luận số 53-KL/TW ngày 28 tháng 4 năm 2023 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tạo sự đan xen, gắn kết lợi ích giữa Việt Nam với các nước đối tác.

- Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế quốc phòng, hợp tác công nghiệp quốc phòng dưới các hình thức đầu tư, liên doanh, liên kết sản xuất, thương mại quân sự,... với các đối tác phù hợp nhằm góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, đóng góp vào phát triển kinh tế chung của đất nước.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Kết luận số 57-KL/TW ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh, đặc biệt trên những khu vực trọng yếu về quốc phòng - an ninh.

p) Bộ Công an

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, chủ động triển khai công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, tham mưu chiến lược, tham mưu chuyên ngành phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về an ninh, trật tự; bảo đảm tạo môi trường đầu tư, pháp lý an ninh, an toàn cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Phát triển công nghiệp an ninh để thúc đẩy hội nhập và tăng cường năng lực tự chủ bảo vệ an ninh, hòa bình, ổn định của đất nước.

- Hoàn thành Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia”; xây dựng Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; phối hợp với các bộ, ngành liên quan bảo đảm an ninh dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

- Nghiên cứu, thúc đẩy mở rộng các kênh hợp tác quốc tế với các nước và các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường nắm tình hình, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao...; chủ động phát hiện những khó khăn vướng mắc trong hợp tác để tác động các nước, các đối tác cùng phối hợp tháo gỡ, giải quyết nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của Việt Nam, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại; vận động, tranh thủ, đề nghị các nước ủng hộ quan điểm, chủ trương, hoạt động của Việt Nam trong các diễn đàn kinh tế, các vấn đề liên quan lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam.

- Mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế với Liên hợp quốc; các đối tác nước ngoài để triển khai Đề án “Công an nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”; đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ để sẵn sàng cử cán bộ, sỹ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

q) Bộ Xây dựng

- Hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị hiệu quả, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn.

- Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị quốc gia, nâng cấp đô thị quốc gia, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 và Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.

- Đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo hướng tiệm cận dần với tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá xây dựng.

- Triển khai thực hiện Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2021 - 2025.

r) Bộ Giao thông vận tải

- Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với một số công trình hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm về giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không kết nối vùng, khu vực, các trung tâm kinh tế trong cả nước và quốc tế, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho phát triển công nghiệp và xuất khẩu. Thúc đẩy thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công - tư.

- Đẩy mạnh triển khai các chiến lược, chương trình và kế hoạch tăng cường hợp tác, kết nối giao thông vận tải với các nước láng giềng, khu vực và trên thế giới nhằm tranh thủ các nguồn lực để tiếp tục phát triển hệ thống giao thông vận tải và khôi phục hoạt động vận tải quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như phục hồi chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa trước tác động của đại dịch COVID-19.

s) Ủy ban Dân tộc

- Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021.

- Tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia theo Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2152/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2020.

t) Các bộ, ngành khác

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, triển khai đồng bộ các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các giải pháp nêu tại Nghị quyết này.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Đoàn đàm phán chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế nghiên cứu, đề xuất đàm phán, xây dựng phương án đàm phán FTA đối với các cam kết trong lĩnh vực bộ ngành phụ trách. Tiếp tục bám sát vào Kế hoạch thực hiện các FTA đã có, triển khai đầy đủ và đúng tiến độ các nhiệm vụ được nêu tại Kế hoạch thực hiện.

- Thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp, các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh và xây dựng hệ thống thông tin hội nhập trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về thị trường, thương mại, đầu tư, dịch vụ, du lịch...

u) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết này phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước và với đặc thù của địa phương.

- Chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại địa phương trong quá trình thực thi các cam kết FTA. Tận dụng các cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại một cách hiệu quả, phù hợp với các quy định, luật lệ, chuẩn mực quốc tế và các thể chế đa phương để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

- Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nhanh và hiệu quả Quyết định số 749/QĐ-TTg ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

- Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, mở rộng hoạt động giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế, khu vực; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản ra thị trường thế giới.

- Chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu an toàn, hiệu quả.

- Tăng cường kết nối với cơ quan đầu mối là Bộ Công Thương trong quá trình thực thi các cam kết FTA để bảo đảm tránh trùng lặp, lãng phí và đạt hiệu quả thực thi tối ưu trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.

- Phối hợp với Bộ Công Thương tiếp nhận, vận hành, nâng cấp và phát triển Cổng thông tin FTAP nhằm kết nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện các FTA.

- Phát triển kinh tế vùng theo hướng tích hợp, đa ngành, xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ tận dụng lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương; tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng từ đó tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới, đồng thời giảm thiểu các biến động khí xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng.

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng triển khai các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế một cách thiết thực và hiệu quả; đánh giá và báo cáo kết quả đạt được cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết này.

v) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề

- Đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền nội dung, tác động, giải pháp tận dụng cơ hội, ứng phó thách thức từ các cam kết WTO, FTA và các cam kết khác về thương mại và đầu tư theo từng lĩnh vực, vấn đề, thị trường mà doanh nghiệp quan tâm.

- Tham gia góp ý, phản biện từ góc độ doanh nghiệp cho việc xây dựng pháp luật, chính sách thực thi các cam kết FTA.

- Thực hiện việc giám sát từ góc độ doanh nghiệp đối với việc thực thi cam kết FTA của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng như các đối tác, đặc biệt trong các khía cạnh có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

- Tổng hợp, phản ánh các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi các cam kết và trong quá trình hội nhập, tham mưu đề xuất giải pháp chính sách để khắc phục kịp thời, hiệu quả các bất cập.

- Tổng hợp ý kiến doanh nghiệp, tham vấn thực thi và hiệu quả với các cơ quan đàm phán trong đàm phán các FTA mới, nâng cấp các FTA hiện có.

- Tư vấn, hỗ trợ, đại diện doanh nghiệp tham gia vào quy trình giải quyết các rào cản thương mại quốc tế, các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại và các vụ việc khác biệt ở các thị trường nước ngoài.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở những nội dung nhiệm vụ chủ yếu trong Nghị quyết này và căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công Thương trước ngày 05 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế chủ trì theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, QHQT (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

THE GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 93/NQ-CP

Hanoi, July 05, 2023

 

RESOLUTION

IMPROVING EFFICIENCY IN INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION AND PROMOTING FAST AND SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT FOR THE 2023-2030 PERIOD

THE GOVERNMENT

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to some Articles of Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to Resolution No. 22-NQ/TW dated April 10, 2013 of the Politburo on international integration;

Pursuant to Resolution No. 06-NQ/TW dated November 05, 2016 of the Fourth Plenum of the Twelfth Communist Party’s Central Committee on effective implementation of the international economic integration process and firm maintenance of socio-political stability in the circumstance when Viet Nam joins new-generation free trade agreements;

Pursuant to major guidelines and policies on international economic integration mentioned in the Document of the 13th National Congress of the Communist Party of Vietnam;

Pursuant to the 10-year Socio-Economic Development Strategy from 2021 to 2030;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



At the request of the Minister of Industry and Trade;

On the basis of voting results of members of the Government.

HEREBY RESOLVES:

After 08- year implementation of Government's Resolution No. 49/NQ-CP dated July 10, 2014 on promulgation of the Action Program to implement Resolution of the Fourth Plenum of the Tenth Communist Party’s Central Committee on a number of major guidelines and policies for fast and sustainable economic development in the circumstance when Vietnam is a member of the World Trade Organization, results show that ministries, central and local authorities and enterprises have made every efforts to perform the tasks set out in the Resolution, thereby contributing to complete and effective international economic integration; positively contributing to the implementation of the foreign policy of independence, self-reliance, multilateralization and diversification of international relations; attracting great resources for the socio-economic development of the country, whilst maintaining national security, especially economic security and struggling against conspiracies and acts of taking advantage of international economic integration for meddling in internal affairs and political transformation.  In the furtherance of the Resolution No. 49/NQ-CP, the legal system, mechanisms and policies have been increasingly improved in conformity with requirements for development of modern market economy and international integration. The awareness of the aspects to international economic integration among the whole political system, ministries, central and local authorities and Vietnamese enterprises has been gradually increased. Market factors and types have gradually developed in such a manner to synchronize with regional and world markets. Vietnam has formed a large network of international economic partners via bilateral, regional and multilateral cooperation frameworks. Vietnam has entered into official relations with 189/193 countries; has had economic, trade and investment relations with over 224 countries and territories and signed 15 Free Trade Agreements (FTAs) with over 60 partners and 71 partners have recognized that Vietnam has a market economy. Achievements in international economic integration have enabled Vietnam to successfully accomplish socio-economic development objectives in the recent past. It is notable that the economy has been growing steadily and improving, the economic scale has been expanded, the major balances of the economy are ensured, people's living standards have been increasingly improved, and social security is concerned and guaranteed. The balance of import and export of goods has been markedly improved and has shifted from a deficit to a surplus. The export market has been expanded and diversified. Markets where Vietnam has signed new generation FTAs ​​have recorded annual growth in exports. The increase in foreign investment flows via international economic integration is the major driving force for Vietnam's economic development.

In addition to the aforesaid achievements, the implementation of Resolution No. 49/NQ-CP also shows that the international economic integration still exposes some shortcomings and limitations. To be specific: In the case of completion of the law, the awareness of the role, importance, opportunities and challenges among agencies at all levels, especially local agencies during the process of international economic integration and the full understanding about international commitments of Vietnam for internalization thereof into domestic legislation in the direction of flexibility, assurance about national security and protection of maximum interests of the State, agencies, organizations, enterprises and citizens at the maximum remain unremarkable. Although the competitiveness of economy, enterprises and products of Vietnam has been improved, it remains weak compared with that of countries in the world and in the region. Taking advantage of opportunities and benefits from international commitments in some fields including science and technology, education and training, etc. still appears ineffective. The unity, synchronism and connection between fields including politics, national security, etc. and economy and sectors involving economy and trade as well as between ministries, central authorities and local authorities, and the support from the State for the community of enterprises, especially sole proprietorships still reveal certain limitations. International economic integration has not been closely linked with requirements for quality and efficiency improvement as well as sustainable development of the economy. The level of innovative thinking, creative thinking and determination to take actions remains low.

In the next period, it is predicted that the world and the region will witness quite a few complicated and unpredictable developments. The multi-polar and multi-center trend in the world is becoming the mainstream; the populism, protectionism and trade disputes among major countries have tendency to increase; both traditional and non-traditional security challenges are changing the order, the economic structure, the economic activity and the social organization of the world. In addition, conflicts occurring in some countries and regions and consequences of the COVID-19 pandemic will continue to slow down the flow of international trade and investment and "break" global supply chains, thereby causing negative impact on the economy of each country, region and the world in the next years. The aforesaid situation has accelerated such existing trends as digital economy, circular economy, green, sustainable and inclusive development. In that circumstance, countries have to find new balance between economic development, opening up and international economic integration and assurance about national security, and at the same time actively promote and make full use of achievements in science, technology and innovation from the Fourth Industrial Revolution that is rapidly developing with breakthroughs, far-reaching and multi-dimensional impacts on a global scale.

The national development orientation for the 2021 – 2030 period set out in the Resolution of the 13th National Party Congress says: “Vietnam will continue to proactively and actively accelerate international integration in a comprehensive, extensive and effective manner; maintain a peaceful and stable environment and constantly improve its international position and prestige”.  The problem to reveal is that Vietnam's international economic integration process needs to be promoted in the next period in order to seize opportunities for sustainable economic development of the country, promptly respond and flexibly adapt to difficulties, challenges and negative impacts in the process of deepening Vietnam's international integration.

I. VIEWPOINTS

1. Assert the Communist Party’s leadership and the uniform state management of international economic integration, continue to innovate thinking and ways of working, and take actions in a drastic, synchronous and unified manner, maintain independence and autonomy in identification of the country's economic development guidelines and strategies in the context of deeper international economic integration, firmly protect security and territorial integrity, preserve national cultural identity, and protect the environment. Facilitate and support the development of Vietnamese enterprises which are strong enough to become the core of the country's economy. Multilateralize and diversify international economic relations, proactively and actively integrate into the international economy in order to safeguard national interests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Build an autonomous economy in such a way to serve the enhancement of endogenous strength on the basis of technology mastery, innovation, creativity and proactive and active integration and diversification of the market. Increase productive capacity and focus on new, modern, high-tech sectors... in order to increase autonomy, effectively participate in, improve position in global value chain and effectively resist large and unusual impacts from the outside factors. The promotion of internal forces serves as a decisive factor in association with external forces and the strength of the times.

4. International economic integration acts as the focus and priority of international integration; integration involving other fields shall facilitate international economic integration and the integration shall be implemented in a synchronous manner under an overall international integration strategy with roadmap, plans and steps in conformity with actual conditions and capacity of the country. International economic integration shall contribute to the development and completion of domestic institutions, legal systems, mechanisms and policies in line with guidelines and orientations of the Communist Party and State, commitments, international and regional practices; proactively build new partnerships, entering into new negotiations and promoting bilateral, regional and multilateral economic cooperation relations to facilitate the innovation in growth model and sustainable economic development of the country.

5. Diversify forms of international economic integration, focus on digital economic integration with flexible roadmap in conformity with the country's conditions and objectives in each period. Proactively and early forecast and effectively and promptly handle emerging problems and developments, closely monitor and effectively manage impacts of Vietnam’s international economic integration process.

6. The international economic integration tasks set out shall be so comprehensive, profound, flexible, proactive, creative and predictive to achieve efficiency. Strengthen activities related to expansion of bilateral and multilateral economic and trade relations, attract foreign investment, sign international agreements and treaties and at the same time, ensure focus and prioritize efficiency; proactively research, negotiate and sign FTAs ​​with partners for additional benefits to improve effectiveness in many aspects; effectively exploit benefits of the FTAs ​​that Vietnam has signed in order to serve as the driving force for development of import and export in both quantity and quality on the basis of investment and application of modern science and technology along with high quality human resources.

II. OBJECTIVES

1. General objectives:

Successfully implement major guidelines and policies that have been set out at the 13th National Party Congress in the circumstance where the 5-year socio-economic development plan (2021-2025) and the socio-economic development strategy for the period of 2021 – 2030 are being implemented; give a focus on building an independent and self-reliant economy, improving the efficiency in international economic integration; sustaining fast and sustainable economic growth on the basis of macroeconomic stability, scientific and technological development and innovation; rapidly recovering the economy in order to alleviate negative impacts of the COVID-19 pandemic; taking the initiative in international integration in comprehensive, extensive and effective manner in order to attract external resources for the country’s development, strengthening the linkage of interests with partners, improving Vietnam's position and prestige in the international arena and ensuring national security.

2. Specific objectives:

- Transform benefits from international economic integration into specific results in the growth of import and export of goods and services; develop the ability to absorb science and technology and effectively use capital of the economy; promote the development of domestic economic sectors, establish a higher position in the global value chain; perfect and improve the quality of institutions and laws in a more complete, modern and integrated manner.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Strengthen public-private partnership and mobilize social resources, including support from multilateral mechanisms, NGOs, community of enterprises, etc. in the process of fulfillment of international commitments that Vietnam has signed, especially commitments in FTAs.

- Strengthen resilience of the economy to negative external impacts; develop the ability to respond to and handle, in a flexible and effective manner, developments in the world that may cause severe impacts on or threaten import and export, trade transactions and international economic integration of economic sectors; complete the trade remedy system to protect the economy, enterprises and domestic market in conformity with international commitments. At the same time, strengthen the competitiveness of the economy, enterprises and products of Vietnam; create favorable conditions and environment for enterprises to develop stably and firmly.

- Fully understand the role and position of international law in the process of international economic integration of Vietnam; proactively and actively participate in the formulation of international legal rules; make full use of international law to protect legitimate rights and interests of Vietnam in international economic relations, especially resolve legal issues that arise.

- Promote cooperation, training and development of high-quality human resources, improve training quality in order to meet development requirements in the context of the 4th Industrial Revolution and extensive international integration.

- Actively and proactively participate in digital economy integration to contribute to the successful fulfillment of Vietnam's digital economy and society development objectives according to the National Strategy for Digital Economy and Society Development by 2025, with vision to 2030.

- Build an independent and self-reliant economy; improve the efficiency in international economic integration, especially including focus on effective exploitation of FTAs ​​in order to expand and diversify export markets in such a way to avoid heavy dependence on some markets. Actively negotiate bilateral and multilateral trade agreements and participate in new economic cooperation and linkage models and frameworks. Continue to perfect trade policies to make them suit Vietnam's conditions and facilitate international integration.

III. IMPLEMENTATION SOLUTIONS AND ASSIGNMENT OF TASKS

1. Implementation solutions

a) Reforming and perfecting economic institutions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Review and amend applicable legal documents for assurance about uniformity, transparency and efficiency in order to maintain a favorable, stable and predictable business investment environment. Focus on promptly overcoming limitations and shortcomings in mechanisms, policies and regulations of the law in the fields of tax, investment, trade, environment, market management, etc. with the aim of freeing up resources for development, thereby ensuring the efficiency in international economic integration.

- Complete the legal framework in order to fulfil domestic reform objectives and move towards construction of a legal system with modern and progressive regulations; create the basis for the implementation of new business models and promote non-cash payments, e-commerce, digital banking services and financial technology (fintech).

- Effectively reform administrative procedures, especially those related to investment, import and export, tax, etc. and reduce unreasonable business conditions and unnecessary procedures in order to simplify administrative procedures and assist people and enterprises in the process of research and implementation.

- Develop mechanisms and policies to promote the formulation of controlled experimental legal framework in respect of the use of new/integrated business models, products, services and solutions which shall be used as the basis for adopting timely and appropriate development and management policies to promote the digital economy, creativity and entrepreneurship. Adhere to the principle of transparency and non-discrimination among types of enterprises.

- Develop and implement strategies, action programs, plans and projects on international economic integration by 2030, with a vision to 2045, thereby improving the level and quality of international economic integration to expand markets and take advantage of capital, intellectual property, technology, knowledge and management skills from world powers; at the same time, focus on increase in the capacity for domestic integration, especially in regions and local areas.

- Promote cooperation mechanism among agencies, ministries, Vietnam Chamber of Commerce and Industry (VCCI) and business associations in order to promptly and effectively respond to and handle adverse developments in international trade and investment that may cause considerable damage to Vietnam's international economic integration.

- Continue to amend and perfect the relevant legal system on competition management, trade remedy, sustainable development, intellectual property, e-commerce, government procurement, labor and trade unions, etc. in conformity with new generation FTA commitments and ensure the benefits of enterprises, workers and the economy in the process of international economic integration.

- Strengthen ideological work and raise awareness among State managers, enterprises and people of international economic integration in particular and international integration in general, especially opportunities, challenges and requirements to be met in case international economic integration commitments are fulfilled in order to achieve a high level of consensus and effectively participate in the integration process.

b) Improving business environment and enhancing competitiveness

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Continue to develop plans and strategies for the development of specific products and industries in association with the national brand development strategy in order to promote in-depth, effective and sustainable import and export; issue early warning about trade remedies, take advantage of international regulations on geographical indications, origin, copyright registration and trademarks, promote the application of such solutions on as codes, barcodes and tracing to protect Vietnamese enterprises and products in international trade.

- Actively execute programs for trade promotion, investment promotion, tourism, branding; develop e-commerce to enhance the ability to trade, search and expand the market. Promote the role of Vietnam's representative missions overseas in cooperation with the community of enterprises and relevant agencies at home and abroad to expand export market, promote trade and tourism, and attract investment; assist in protecting the interests of Vietnamese enterprises in commercial disputes.

- Continue to well implement Government's Resolution No. 68/NQ-CP dated May 12, 2020 on promulgation of program for cutting and simplifying business regulations during 2020 - 2025, thereby contributing to improvement of effectiveness and efficiency, and achieving the objectives for state management and enterprise development promotion. Gradually improve domestic logistics infrastructure, especially warehousing and transportation from production areas to international ports.

- Focus on directing the implementation of digital transformation tasks and solutions during state management towards construction of a digital government according to the Prime Minister's Decision No. 749/QD-TTg dated June 03, 2020 on approval for the National Digital Transformation Program by 2025, with a vision to 2030” in such a manner to synchronize with the administrative reform. Thoroughly implement the National Strategy for development of digital economy and digital society by 2025, with a vision to 2030 according to Decision No. 411/QD-TTg dated March 31, 2022. Develop digital infrastructure to serve state management agencies in a centralized and smooth manner; synchronously design, build and put into operation a system which is integrated and interconnected with large databases to better serve international economic integration.

- Fully and promptly update data related to public services; focus on great importance to practical public services for the people, provide infrastructure for promotion of e-commerce business.

c) Effectively implementing FTAs

- Review and overcome overlapping between ministries and central authorities in the implementation of tasks related to international economic integration, effectively promote the roles of presiding agencies in the implementation of FTA commitments; clearly define the roles and responsibilities of the parties for the formulation and implementation of strategies, projects, action programs for economic development, etc., which involve and impact on many ministries, central and local authorities.

- Strengthen cooperation between ministries and central authorities; promote the effectiveness of consulting mechanism between state management agencies and enterprises in the process of proposal and selection of partners and development of plans to negotiate new FTAs​, and in removal of difficulties from access to export market; sign agreements on mutual recognition of conformity assessment results in fields where Vietnam has strengths and potential for export. Develop research, issue warnings and disseminate technical measures of other countries to domestic enterprises and related management agencies to proactively deal with technical barriers.

- Continue to fully and strictly fulfil commitments on international economic integration and commitments in FTAs; study and propose plans to negotiate new FTAs, and upgrade some FTAs that have been signed; study and focus on effective implementation of the FTAs ​​that Vietnam has joined, especially plans to implement new generation FTAs ​​such as CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), EVFTA (European-Vietnam Free Trade Agreement), UKVFTA (Vietnam - UK Free Trade Agreement) and RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), enhance the utilization of incentives in FTAs ​​to promote export and expand markets. Take advantage of reserved rights/exceptions (especially incentives for small and medium-sized enterprises, exceptions to some normative commitments), flexibly fulfil requirements of commitments in order to serve Vietnam's internal interests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Review and assess the roadmap for the implementation of international economic integration commitments that are applicable and impacts on each industry and field to adjust the industry development strategy in a suitable manner, promptly consider arising issues and propose solutions.

- Review and innovate the method of implementing commitments on trade in services in FTAs ​​to take advantage of and exploit new markets with the aim of promoting the export of information industry products and services and cultural industries of Vietnam.

- Strengthen measures to support, improve competitiveness, and develop brands for categories and enterprises; remove difficulties and obstacles to policies in order to develop domestic raw materials, thereby helping enterprises meet the rules of origin and well take advantage of opportunities from FTAs, especially new generation FTAs.

- Reform forms and contents of dissemination of FTAs. Cooperate with the Ministry of Industry and Trade in receiving, operating, upgrading and developing the Vietnam Free Trade Agreement Portal (FTAP) in order to connect enterprises with state management agencies in the process of implementation of FTAs.

d) Promoting post-COVID-19 economic growth and sustainable development

- Focus on construction of scenarios of effective response/adaptation to natural disasters, epidemics, etc. in the next period. Implement measures to restore supply chains and facilitate goods circulation, safe and smooth production and trade by enterprises in new normal conditions. Maintain and improve the competitiveness of industries that have risk of declining export after the pandemic. Take advantage of certain opportunities from the restructuring of global production and supply chains after COVID-19 pandemic to increase the participation of Vietnamese enterprises in global production and supply chains; take advantage of the post-COVID-19 investment shift wave to attract foreign investment in Vietnam.

- Promote industrialization, modernization and economic restructuring in association with renovation in the growth model, thereby ensuring substance and efficiency; promote fast, sustainable and green growth on the basis of macroeconomic stability. Well implement the Plan to restructure the economy and renew the growth model for the period of 2021 - 2025. Completely solve the relationship between economic growth and cultural and social development; ensure social security for people, especially disadvantaged groups.

- Drastically execute large-scale investment programs, especially programs intended for strategic infrastructure, thereby promoting inter-regional transport infrastructure projects, green energy, green infrastructure, national digital infrastructure, etc. to create spillover effects and new growth engines for the economy. Formulate regional planning and planning for development of infrastructure industries in the period of 2021 - 2030, with a vision to 2050.

- Continue to propose and effectively implement measures to assist enterprises in restoring production and business, reducing negative impacts of the COVID-19 epidemic and offering job opportunities to vulnerable groups. Develop a labor market recovery plan in the post-COVID-19 period to ensure human resources for enterprises to restore production, especially groups of enterprises participating in the global supply chain.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Strongly develop science, technology and innovation to create breakthroughs, thereby improving productivity, quality, efficiency and competitiveness of the economy. Develop human resources, education and training, focus on training for digital human resources and workers with skills and high technical qualifications and be willing to follow the trend of supply chain transformation to meet requirements of Fourth Industrial Revolution and international integration.

- Effectively manage and use natural resources; strengthen environmental protection and response to climate change; focus on sustainable development, clearly define and focus on the synchronous and harmonious implementation of economic, social and environmental objectives. Well implement international commitments related to the environment and response to climate change.

dd) Achieving comprehensive integration in the fields of culture, society, science and technology, security and defense

- Actively participate in building and shaping regional and global economic and trade structures, including the development of orientation documents of WTO, ASEAN, APEC, ASEM, and Mekong sub-regional mechanisms, especially those in new fields of cooperation such as digital transformation, green growth, inclusive and sustainable development.

- Closely cooperate with members of ASEAN, ASEM, and APEC in addressing issues related to policy cooperation, developing cooperation initiatives and orientations in the post-COVID-19 period, and actively and proactively participate in these forums to ensure smooth and effective cooperation.

- Well prepare forecast about, fully, carefully and promptly analyze and assess the situation in the world and region, especially major changes that directly affect Vietnam in order to make decisions and take actions in a quick, decisive and appropriate manner; connect international integration and domestic innovation in a harmonious manner; promote domestic and foreign resources to the maximum, and closely and effectively combine domestic and foreign resources.

- Strengthen study and research into development trends, new initiatives, policies and experiences of countries in integration, especially those that are effectively implementing commitments to international integration.

- Expand and gradually deepen integration activities in fields of science, technology and innovation, from basic research to applied research, including humanities and social sciences, natural sciences, interdisciplinary research, intellectual property, standards, quality measurement; transfer technology and promote the process of technological innovation in Vietnam to effectively serve tasks of socio-economic development. Actively participate in international events, stand for election and take up important positions at international organizations; proactively propose initiatives, make a positive impression, and improve and raise Vietnam's position and value in relations with other countries.

- Perfect institution, consolidate national defense and protect political security and social order and safety; continue to renovate and rearrange the organizational apparatus of the political system to be streamlined, effective and efficient; delegate power on the basis of assurance about inspection and supervision by superior state agencies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Perfect mechanism for integrated and unified management of the sea, improve the efficiency in law enforcement at sea. Establish security formation inside and outside national borders and on cyberspace, and pay special attention to cybersecurity.

2. Task assignment

a) Ministry of Industry and Trade

- Develop the FTA Index to create the basis for assessment of results of implementation of FTA by ministries, central and local authorities across the country. Act as the focal point to urge the effective implementation of FTAs ​​that Vietnam has participated in, especially the Plan to implement new-generation FTAs ​​such as CPTPP, EVFTA, UKVFTA and RCEP.

- Formulate and complete legal documents in the field of industry and commerce to effectively implement international commitments. Research and develop the new system of policies and laws to create breakthroughs in the development of domestic industries and trade, especially new industries in line with the development trend of the digital economy and the Fourth Industrial Revolution; increase competitiveness and capacity to participate in global value chains.

- Effectively implement the Project "Improvement of the competitiveness of Vietnam's exports by 2020, with a vision to 2030" according to the Prime Minister's Decision No. 1137/QD-TTg dated August 03, 2017, and the Project "Increase in capacity for trade remedies in the context of participation in new-generation free trade agreements under Decision No. 1659/QD-TTg dated October 02, 2021 of the Prime Minister.

- Take charge and cooperate with relevant ministries, central authorities and the Government Negotiating Delegation in studying, proposing negotiation and developing the plan to negotiate an FTA with regard to commitments within its fields and submitting overall plans on organization, negotiation and signing of FTAs ​​and the implementation of FTAs that have been signed to the Prime Minister; regularly consult VCCI, associations and the community of enterprises about the negotiation of FTAs ​​that are being implemented and will be implemented and removal of difficulties in the implementation of FTAs.

- Strengthen cooperation with ministries, central and local authorities to improve the effectiveness of dissemination of international economic integration towards various forms and in-depth contents under concern of the community of enterprises.

- Continue to organize meetings of Intergovernmental Committees, Joint Committees, Trade Sub-Committees, agreements and cooperation mechanisms that have been established, and negotiate the establishment of Intergovernmental Committees, Joint Committees and new trade subcommittees with partner countries.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Take charge and cooperate with central and local authorities in monitoring and urging the implementation of Resolution No. 54/NQ-CP dated April 12, 2022 on promulgation of the Government's action plan to implement the Resolution of the National Assembly on economic restructuring plan for the period of 2021 - 2025; To be specific: focus on formulation and implementation of measures to attract foreign direct investment, especially investment from FTA partners in association with mechanisms and policies that encourage advanced technology transfer and modern governance, and connection between production along the value chain and domestic private sector enterprises; renovate investment promotion methods towards efficiency, with a focus on potential partners, and attract strategic investors that have experience and financial capacity and transnational corporations that have high technology, source technology, and environmentally friendly green technology.

- Cooperate with local authorities in monitoring, collecting and synthesizing investment data of countries participating in FTA and Vietnam, providing the data for the Ministry of Industry and Trade to monitor the implementation of FTAs.

- Study the possibility of opening some service sub-sectors for foreign investors to participate in such sub-sectors at an appropriate level; promote the development of domestic enterprises that have potential for capital, technology and competitiveness, and capability of effectively participating in the global value chain to take advantage of the trend of shifting supply chains to Vietnam and improve the self-reliance of the economy in the context of deeper and deeper international integration.

- Effectively implement the Program for assisting enterprises in digital transformation for the period of 2021 - 2025.

c) Ministry of Finance

- Review and complete financial cooperation frameworks and agreements with important partners including financial institutions, international financial forums and financial regulatory agencies in strategic partner countries, strategic partners and traditional partners of Vietnam.

- Deeply develop and increase the substantive efficiency in financial cooperation and external activities in the financial sector, shape regional financial instruments and mechanisms to support macroeconomic, public finance and financial market management; strengthen policy dialogue to enhance credibility in financial cooperation partnerships, and promote and attract external resources, mobilize receipt of and effectively manage technical support activities/programs provided for the Ministry of Finance from partners.

- Complete institutions in synchronous manner and implement integration commitments on tax, customs, insurance services, securities, accounting - auditing, etc. Research and propose implementation of import and export duty commitments within bilateral and multilateral frameworks in a proactive manner in order to reduce trade concentration, especially imports from specific partners.

- Enhance the effectiveness of implementation of financial integration commitments via improvement of the quality of analysis and forecast about impacts on the economy and financial sector; study and propose mechanisms and policies to ensure financial safety in case of full implementation of international integration commitments; strengthen and improve the effectiveness of dissemination of the benefits and challenges from the implementation of financial commitments to relevant organizations and individuals, especially the community of domestic and foreign enterprises; promote the synchronous and complete implementation of the National Single Window and the ASEAN Single Window, digital customs, smart customs, automatic issuance of taxpayer identification number; expand and strengthen cooperation with customs authorities in the world.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Proactively, flexibly and prudently operate monetary policy in harmony with fiscal policy and other macro policies in order to control inflation, maintain macroeconomic stability, ensure major balances and promote sustainable economic growth.

- Continue to promote the restructuring of the system of credit institutions with a focus on dealing with weak credit institutions and bad debts; at the same time, further improve competitiveness, increase transparency and comply with international standards and practices in the management and operation of credit institutions.

- Continue to promote digital transformation of the banking industry, ensure security and safety, and protect the legal interests of customers in the field of payment.

- Effectively implement the Prime Minister's Decision No. 1813/QD-TTg dated October 28, 2021 on approval for the Project on Development of Non-Cash Payments in Vietnam in the 2021 - 2025 period.

- Effectively implement the National Comprehensive Financial Strategy by 2025, with a vision to 2030.

dd) Ministry of Foreign Affairs

- Continue to expand and deepen relations and strengthen the interweaving of interests between Vietnam and its partners; promote, create and upgrade economic, trade and investment cooperation frameworks; research, promote and form partnerships in fields in conformity with Vietnam’s interests including digital economy, green growth, innovation and human resource development in the context of the Fourth Industrial Revolution.  Effectively take advantage of favorable factors and external resources to mobilize capital and technology to serve the cause of national development.

- Promote Vietnam's role in international economic mechanisms and forums, especially mechanisms and forums of strategic importance in conformity with interests and conditions of Vietnam; increase Vietnam's participation in multilateral economic cooperation mechanisms and frameworks, including performance of the role of Co-chairs of the OECD's Southeast Asia Program for the period 2022 - 2025.

- Continue to mobilize partners, international organizations and multilateral mechanisms to support increase in health capacity, promote investment projects and support production and technology transfer of vaccines, drugs, medical equipment in the prevention and control of COVID-19 epidemic.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Synchronously, creatively and effectively implement economic diplomacy to serve development in line with the trend and meet requirements of the new situation; strongly renovate contents and forms of assistance for Vietnamese industries, local authorities and enterprises in the process of international economic integration.

- Take charge and cooperation with relevant ministries, central authorities and the Government delegation for international economy and trade negotiations in developing a plan for general diplomatic mobilization and diplomatic mobilization in each specific field to support negotiation of FTAs and settle international trade disputes.

- Develop research and strategic forecast about international economic and trade trends, adjustment to policies by major partners and Vietnam’s participation in frameworks including Indo-Pacific Economic Framework, etc. to promptly advise the Government on Vietnam's policies on international economic integration.

e) Ministry of Justice- Take charge and cooperate with relevant ministries, central authorities and the Government delegation for international economy and trade negotiations in researching and proposing negotiations, synthesizing and developing negotiation plans in the field of legal services and other fields as assigned by the Government.

- Cooperate with the Ministry of Industry and Trade in consolidating the overall negotiation plan and submitting it to the Prime Minister for approval, and at the same time, formulating and implementing legal and institutional negotiation plans.

- Proactively cooperate with relevant ministries, central authorities and organizations in assessing commitments in the field of legal services and relevant fields as assigned to ensure that negotiation plans and contents of commitments in FTAs achieve optimum efficiency for Vietnam.

- Cooperate with agencies that propose negotiations, signing, ratification and approval for FTAs ​​and international treaties in assessing their legal impacts to serve as the basis for submission to competent authorities to propose and decide negotiations, signing, ratification and approval for FTAs ​​and international treaties, thereby ensuring compliance with regulations of the 2016 Law on International Treaties.

- Cooperate with relevant ministries, central authorities and agencies in reviewing and assessing the compatibility of Vietnam's legal system with requirements and obligations to be met according to FTAs.

- Improve the quality of appraisal of legal documents to ensure compliance with Vietnam's international commitments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Strengthen training and refresher training in knowledge and skills in international law in a modern manner, towards regional and international level.

- Assist the Government in formulating and submitting the draft Law on Mutual Legal Assistance to the National Assembly.

g) Ministry of Science and Technology

- Effectively implement the Science, Technology and Innovation Development Strategy by 2030, the National Intellectual Property Strategy by 2030 and the Intellectual Property Development Program by 2030.

- Complete the legal system of standards and technical regulations and the law on the quality of products and goods, in line with international practices, and continue to complete the system of national standards and technical regulations towards harmony with international standards and conformity with Vietnamese enterprises.

- Build and develop national quality infrastructure (NQI), and promote digital transformation in the field of quality measurement standards to meet requirements for international economic integration in terms of standards, measurement and quality.

- Effectively implement programs, schemes and plans for enhancement of standards, measurement and quality to serve international economic integration including: (i) Project on "Strengthening and innovating measurement activities to improve competitiveness and international integration of Vietnamese enterprises by 2025, with a vision to 2030" (Decision No. 996/QD-TTg dated August 10, 2018 of the Prime Minister); (ii) Project on "Implementation, application and management of traceability system" (Decision No. 100/QD-TTg dated January 19, 2021 of the Prime Minister); (iii) Overall plan for increase in productivity based on science, technology and innovation for the period of 2021 - 2030 (Decision No. 36/QD-TTg dated January 11, 2021 of the Prime Minister).

- Continue to improve the effectiveness of the implementation of commitments on technical barriers to trade within frameworks of WTO, CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP and FTAs ​​which Vietnam participates in. Build and complete the system of database on technical barriers to trade.

h) Ministry of Agriculture and Rural Development

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Maximize advantages and potentials of each region and each local area, make close connection among local areas in the region to build specialized farming material areas and develop clusters. Mobilize international research organizations, domestic and foreign corporations to build regional agriculture innovation centers in Vietnam.

- Strengthen cooperation with competent authorities of the importing country in order to ensure the prompt resolution to technical barriers and disputes arising in trade in agriculture, forestry and fishery.

- Develop research and application of science and technology to agriculture, take advantage of 4.0 technology to digitalize agriculture in order to improve efficiency and productivity and increase competitiveness of Vietnamese agricultural products.

- Develop agricultural product processing industry, increase value, and improve quality and competitiveness of agricultural products, thereby contributing to the remarkable transformation of production structure towards export and sustainable development. Strengthen connection between foreign-invested enterprises and domestic enterprises in order to develop supporting industries and large-scale and high-quality processing industries in association with regional and global agricultural product value chains.

- Promote construction of new rural areas towards a green and sustainable direction, and increase the number of communes meeting new rural standards; review and complete targets and criteria on rural environment; build eco-villages and smart villages that adapt to the climate.

i) Ministry of Information and Communications

- Take charge of organization of the implementation of the National Digital Transformation Program by 2025, with a vision to 2030; organize the implementation of e-Government development strategy towards the digital government in the 2021-2025 period, with a vision to 2030; cooperate with ministries, central and local authorities in making and sending annual reports on implementation to the Government.

- Take charge of organization of implementation of the National Strategy for Development of Digital Economy and Digital Society by 2025, with a vision to 2030 issued in Decision No. 411/QD-TTg dated March 31, 2022 of the Prime Minister.

- Formulate and submit the Law on Electronic Transactions for promulgation and organization of the implementation towards amendments to regulations on reliable services in electronic transactions, operation of digital platforms, digital data, online digital services and data sharing services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Formulate and submit the Strategy for development of Vietnam's digital technology industry to the Prime Minister for approval and organization of the implementation; accelerate the implementation of the program for assisting small and medium enterprises in digital transformation; organize the implementation of the Program for promoting digital transformation of large enterprises and state-owned groups and corporations.

- Develop and implement Digital Skills Standards and National Digital Skills Framework.

- Promote dissemination of information on international economic integration in order to achieve consensus among people of all classes on the Communist Party and State's guidelines and policies on international economic integration.

k) Ministry of Culture, Sports and Tourism

- Continue to effectively implement the Prime Minister's Decision No. 210/QD-TTg dated February 08, 2015 on approval for the Vietnam's external cultural strategy by 2020, with a vision to 2030 and Directive No. 25/CT-TTg dated September 10, 2021 of the Prime Minister on acceleration in the implementation of Vietnam's external cultural strategy.

- Promote the development of cultural industries, build a healthy cultural market and a digital cultural environment in conformity with the digital economy, thereby meeting requirements for sustainable development of Vietnam in the context of the Fourth Industrial Revolution and extensive international economic integration.

- Promote connection between promotion and advertisement for national cultural values ​​and greatest cultural products of Vietnam to the world and effective exploitation of FTAs, expansion and diversification of export markets. Develop the soft power of Vietnamese culture, thereby contributing to improvement of the national synergy in the next period.

l) Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs

- Continue to effectively implement the international integration strategy with regard to labor and society by 2020, with a vision to 2030, the Vocational Education Development Strategy for the period of 2021 - 2030, with a vision to 2045, and the Government’s Resolution No. 06/NQ-CP dated January 10, 2023 on development of a flexible, modern, efficient, sustainable and integrated labor market for quick socio-economic recovery; take charge and cooperate with the International Labor Organization and relevant ministries and central authorities in effectively implementing the Decent Work Country Programme for the period 2022 - 2026 and the Memorandum of Understanding on the cooperation to promote international labor standards in Vietnam for the period of 2021 - 2030.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Take charge and cooperate with ministries, central and local authorities in reviewing and proposing development and completion of policies and laws related to labor, social affairs and assurance about social security, especially those for disadvantaged groups, and ensuring decent work goals that are integrated into Viet Nam's Socio-Economic Development Strategies and Plans.

m) Ministry of Natural Resources and Environment;

- Direct solution to key and urgent environmental issues related to management of solid waste, air quality, craft village environment, water environment and river basins, sea and island environment; overcome environmental pollution and degradation; maintain and improve the quality and hygiene of the environment.

- Promote private investment in environmental protection; formulate and execute international cooperation programs and projects in the field of natural resource management and environmental protection; build an environmental reporting information system and promote environmental communication in order to strengthen fulfillment of social responsibility of enterprises and the community towards the environment.

- Complete policies and laws in the field of natural resources and environment in order to remove obstacles, maximize and improve the effectiveness of use of existing resources, thereby ensuring the efficiency in international economic integration.

- Strengthen international cooperation in environmental protection, protection and sustainable development of natural resources, response to climate change and implementation of relevant international commitments, especially commitments at the 26th Conference of the Parties to the United Nations Framework Convention on Climate Change (COP26).

- Propose amendment and construction of a new legal system on sea and islands on the basis of assessment and review of the implementation of the Law on Natural Resources and Environment of Sea and Islands.

- Accelerate the formulation and submission of the national marine spatial planning and the master plan on extraction and sustainable use of coastal resources for issuance.

- Strengthen the basic investigation into resources and environment of sea and islands in order to meet requirements for sustainable development of the marine economy and ensure national defense, security, foreign affairs and international cooperation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Research and propose the establishment of a Blue Sea Economy Partnership Group to mobilize the participation of the relevant parties, thereby contributing to effective management and promotion of the sustainable development of Vietnam's marine economy.

n) Ministry of Education and Training

- Promote international cooperation for the purpose of improvement of the quality of education and training, especially higher education to be on a par with the quality of education and training in other countries and in line with regional and international standards, thereby meeting requirements for development of human resources in order to serve the Fourth Technological Revolution; focus on training for human resources to serve high-tech industries in the face of the trend of shifting supply chains into Vietnam, especially human resources in key industries such as electronics and semiconductor industries.

- Improve the quality of training in association with labor needs of in local authorities, enterprises and employers; apply training methods of international human resource organizations...

o) Ministry of National Defense

- Proactively participate in settlement of international and regional issues. Continue to appoint military forces to participate in peace operations of UN.

- Strengthen close cooperation between national defense, security and foreign affairs, and promote defense external relations to protect the Fatherland early and from afar.

- Continue to promote and deepen relations with partners, especially partners of strategic importance to the development and security of Vietnam; put relationship frameworks that have been established into reality, thereby creating interweaving and linkage of interests between Vietnam and its partners.

- Proactively promote participation in international integration in defense and international cooperation in defense in order to build trust with international partners and organizations, thereby contributing to maintaining peaceful environment and protecting Fatherland early and from afar to facilitate international economic integration...

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Promote cooperation in defense economics and defense industry cooperation in forms of investment, joint venture, production association, military trade, etc. with appropriate partners to contribute to development of national defense potential and the overall economic development in Vietnam.

- Continue to effectively implement Conclusion No. 57-KL/TW dated September 16, 2019 of the Politburo on combination of national defense and security and economy, economy and national defense and security, especially the combination in key areas of national defense and security.

p) Ministry of Public Security

- Complete the Project on "promotion of the application of the national population database to socio-economic development and national digital transformation"; develop a national cybersecurity and safety strategy in response to cyberspace challenges till 2025, with a vision towards 2030; cooperate with relevant ministries and central authorities in assurance about data security and protection of personal data in the process of international economic integration; cooperate with relevant ministries and central authorities in completion of legal documents related to international economic integration and sustainable development in the 2021-2025 period.

- Research and promote the expansion of international cooperation channels with other countries and international organizations in order to grasp the situation, exchange information, share experiences and cooperate in the implementation of measures for preventing, combating and handling crimes, especially transnational crimes, cybercrimes, crimes using high technology, etc; proactively detect difficulties and obstacles to cooperation to encourage countries and partners to cooperate in removing and resolving difficulties in order to maximize Vietnam's benefits and minimize damage; mobilize, enlist and request other countries to support Vietnam's viewpoints, policies and activities in economic forums and issues related to national security and interests.

- Expand international cooperation with the United Nations and foreign partners in implementing the Project on "participation of the People’s Public Security in the UN peacekeeping operations"; promote training and refresher training for officials to be ready to appoint officials and officers to participate in UN peacekeeping operations.

q) Ministry of Construction

- Complete regulations and use management tools to strictly control the process of effective urban development in association with the process of industrialization, modernization and rural development.

- Effectively execute programs and plans for national urban development, national urban upgradation and urban development in response to climate change, green growth urban development plan in Vietnam by 2030 and the Project on "Development of sustainable smart cities in Vietnam in the period of 2018 – 2025, with a vision to 2030".

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Implement the plan for digital transformation of the construction industry for the period of 2020 – 2025 with a vision to 2030 and the plan for application of information technology to operations conducted by the Ministry of Construction in the period of 2021 - 2025.

r) Ministry of Transport

- Promote making of strategic breakthroughs in construction of a synchronous transport infrastructure system with some modern works; focus on investing in and quickly putting key works and projects on road, sea and air traffic in connection with regions, areas and domestic and international economic centers into operation, thereby effectively supporting industrial development and export. Promote the implementation of transport infrastructure development projects in the form of public-private partnership.

- Accelerate the implementation of strategies, programs and plans to strengthen cooperation and transport connectivity with neighboring countries and other countries in the region and in the world in order to take advantage of resources for further development of the transport system and restoration of international transport activities to meet travel demand and restore supply chains and circulation of goods in face of the impact of the COVID-19 pandemic.

s) Committee for Ethnic Minority Affairs

- Cooperate with ministries, central and local authorities in implementing the National Target Program on socio-economic development in ethnic minority and mountainous areas for the period 2021 - 2025 approved by the Prime Minister in Decision No. 1719/QD-TTg dated October 14, 2021.

- Strengthen international cooperation to mobilize resources to implement the National Target Program under the Project on "Strengthening international cooperation to support socio-economic development in ethnic minority areas" approved by the Prime Minister in Decision No. 2152/QD-TTg dated December 18, 2020.

t) Other ministries and central authorities

- Closely cooperate with relevant ministries and central authorities in synchronously implementing international economic integration activities and solutions mentioned in this Resolution.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Regularly review and complete mechanisms, policies, laws and regulations on administrative procedures, investment and business conditions and build an integrated information system in all fields, especially market, trade, investment, service, tourism, etc.

u) People's Committees of provinces and central-affiliated cities

- Proactively develop programs and plans to implement this Resolution in line with the Communist Party and State's policies and guidelines and characteristics of local areas.

- Proactively propose specific measures to remove difficulties for local enterprises in the process of fulfillment of FTA commitments. Effectively take advantage of opportunities from international economic integration in accordance with international regulations, laws, standards and multilateral institutions to protect legal interests of enterprises.

- Develop a specific action plan to quickly and effectively implement the Prime Minister's Decision No. 749/QD-TTg dated June 03, 2020 on approval for the National Digital Transformation Program by 2025, with a vision to 2030.

- Strengthen cooperation in organization of trade activities, connect goods supply and demand, and expand exchange activities to learn from international and regional experiences; assist enterprises, cooperatives and business households in advertising, introducing products and promoting product sale, especially agricultural products to the world market.

- Proactively direct and enable enterprises, cooperatives and business households to prevent and control the epidemic, and maintain stable production and safe and effective trade in imports and exports.

- Strengthen connection with the Ministry of Industry and Trade in fulfilling FTA commitments to avoid duplication and wastefulness and achieve optimum efficiency in the context of limited resources.

- Cooperate with the Ministry of Industry and Trade in receiving, operating, upgrading and developing the FTAP Portal to connect enterprises with state management agencies in the fulfillment of FTAs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Closely cooperate with ministries, central authorities and industry associations in implementing international economic integration activities in a practical and effective manner; assess and report the achieved results, difficulties and obstacles to implementation of this Resolution.

v) Vietnam Chamber of Commerce and Industry, enterprise associations and industry associations

- Promote dissemination of contents, impacts and solutions for taking advantage of opportunities and responding to challenges from commitments of WTO, FTAs ​​and other commitments on trade and investment in each field, problem and market which enterprises concern about.

- From enterprise’s perspective, participate in giving opinions and criticism for the development of laws and policies on fulfilment of FTA commitments.

- From enterprise’s perspective, monitor fulfilment of FTA commitments by Vietnamese competent authorities and their partners, especially fulfilment of FTA commitments in aspects directly related to rights and interests of enterprises.

- Consolidate and express obstacles and difficulties of enterprises in fulfilment of commitments and integration; and advise and propose policy solutions to promptly and effectively overcome inadequacies.

- Collect opinions from enterprises, effectively consult negotiating agencies about negotiation of new FTAs and upgradation of existing FTAs.

- Provide advice, support and be representative of enterprises to participate in the process of resolution to international trade barriers, trade remedy investigation cases and different cases in foreign markets.

IV. IMPLEMENTATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The Ministry of Industry and Trade, the Inter-Sectorial Steering Committee for economic integration shall take charge of monitoring, inspecting, urging and assessing the implementation of this Resolution, reviewing the situation and reporting to the Prime Minister, the Head of the National Steering Committee for International Integration and the Deputy Prime Minister, the Head of the Inter-Sectorial Steering Committee for International Economic Integration on an annual basis or upon request./.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Tran Hong Ha

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 05/07/2023 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 do Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.031

DMCA.com Protection Status
IP: 52.14.37.165
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!