THANH TRA CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2025/TT-TTCP
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 6 năm 2025
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA THANH TRA
CHÍNH PHỦ LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 02 CẤP
Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Luật Tiếp công dân ngày 25 tháng 11 năm
2013;
Căn cứ Luật Tố cáo ngày 16 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 2
năm 2025;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
16 tháng 6 năm 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng
02 năm 2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp
tổ chức bộ máy nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 109/2025/NĐ-CP ngày 20 tháng
5 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Thanh tra Chính phủ;
Căn cứ Nghị định 141/2025/NĐ-CP ngày 12 tháng 6
năm 2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa
phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư hướng
dẫn thực hiện một số quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra
Chính phủ liên quan đến chính quyền địa phương 02 cấp.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số quy định
thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ liên quan đến chính quyền
địa phương 02 cấp về tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cấp
xã, chế độ thông tin, báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã về tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
2. Thông tư này áp dụng đối với Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương (sau đây gọi là
cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Ủy ban nhân dân xã, phường,
đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên
quan.
Điều 2. Trách nhiệm của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan có
liên quan trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng,
chống tham nhũng
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm
chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và
phòng, chống tham nhũng trong phạm vi địa bàn quản lý của tỉnh; xem xét, giải
quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo đề nghị của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã.
2. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
(sau đây gọi là Thanh tra tỉnh) có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc Ủy
ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
3. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với
Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo và phòng, chống tham nhũng.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, tổ chức
thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống
tham nhũng trên địa bàn quản lý của cấp xã; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
Thanh tra tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại,
tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định.
Chương II
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT
SỐ QUY ĐỊNH VỀ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 3. Tổ chức thực hiện nhiệm
vụ tiếp công dân ở cấp xã
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm
chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân ở cấp xã theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 141/2025/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2025 của
Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp
trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ và quy định của pháp luật
có liên quan.
2. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp
xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ
sau:
a) Phân công người tiếp công dân thường xuyên tại
trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong
thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo quy định;
c) Tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố
cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định;
d) Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công
dân, xử lý đơn tại cấp xã; báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có
thẩm quyền.
3. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp
xã tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc phối hợp với Văn
phòng Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã và cơ quan, tổ chức có liên quan thực
hiện việc tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
4. Trường hợp vụ việc đông người, phức tạp, có nguy
cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn thì Văn phòng Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân cấp xã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kịp thời báo
cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xử lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Thanh tra
tỉnh, Ban tiếp công dân cấp tỉnh và các cơ quan chức năng hướng dẫn, phối hợp với
Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý kịp thời.
Điều 4. Giải quyết khiếu nại tại
cấp xã
1. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp
xã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao cơ quan chuyên môn xem xét việc
thụ lý khiếu nại; trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã ra thông báo thụ lý; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì thông báo về
việc không thụ lý cho người khiếu nại biết và nêu rõ lý do.
2. Cơ quan chuyên môn được giao tiến hành xác minh
hoặc tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Tổ xác minh để tiến
hành xác minh nội dung khiếu nại; báo cáo kết quả xác minh, tham mưu Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã xem xét, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy
định.
3. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp
xã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc theo dõi, đôn đốc và tổ
chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã có hiệu lực pháp luật.
4. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý đối với
quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và khiếu nại
đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem
xét, giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Giải quyết tố cáo tại cấp
xã
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tự mình hoặc
giao cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý ban đầu thông tin tố
cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo, điều kiện thụ lý tố cáo và
tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét việc thụ lý tố cáo.
Trường hợp đủ điều kiện thụ lý tố cáo, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã ra quyết định thụ lý tố cáo, giao cơ quan chuyên môn thuộc Ủy
ban nhân dân cấp xã xác minh nội dung tố cáo. Trường hợp không đủ điều kiện thụ
lý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không thụ lý tố cáo và thông báo cho người
tố cáo biết lý do.
2. Cơ quan chuyên môn được giao tiến hành xác minh
nội dung tố cáo hoặc tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Tổ xác
minh để xác minh nội dung tố cáo; báo cáo kết quả xác minh và tham mưu Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, ban hành kết luận nội dung tố cáo.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định xử lý
theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý hành vi vi phạm theo kết luận nội dung tố
cáo; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo; chỉ đạo theo dõi,
đôn đốc việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm
bị tố cáo.
Điều 6. Sửa đổi Thông tư số
01/2024/TT-TTCP ngày 20 tháng 01 năm 2024 của Tổng thanh tra Chính phủ quy định
chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
1. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 7
như sau:
“a) Đối với báo cáo định kỳ:
- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp
xã và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý của cấp xã gửi
báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã chậm nhất vào ngày 16 của tháng cuối thuộc kỳ
báo cáo;
Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi địa bàn
quản lý của cấp tỉnh gửi báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chậm nhất vào ngày 18
của tháng cuối thuộc kỳ báo cáo;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, duyệt, gửi
báo cáo Thanh tra Chính phủ chậm nhất vào ngày 20 của tháng cuối thuộc kỳ báo
cáo.
…”.
2. Thanh tra tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban
nhân dân cấp xã thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định tại Thông tư
số 01/2024/TT-TTCP và khoản 1 Điều này.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm
2025.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm
thực hiện Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó
khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về
Thanh tra Chính phủ để được hướng dẫn thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương;
- Cục KTVBQLXLVPHC, Bộ Tư pháp;
- Thanh tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ: QP, CA, NHNN;
- Thanh tra các tỉnh, thành phố;
- Công báo Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ;
- Các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ;
- Lưu: VT, PC.
|
KT. TỔNG THANH
TRA
PHÓ TỔNG THANH TRA
Lê Tiến Đạt
|