NGHỊ QUYẾT
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ QUYẾT
SỐ 71/2022/QH15 NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2022 CỦA QUỐC HỘI
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã
được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14 và Luật số
62/2025/QH15;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
số 64/2025/QH15;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nội quy kỳ họp quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15
ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Điều 1. Kỳ họp Quốc hội
1. Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu của
Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ,
quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc
theo nhiều đợt. Trong thời gian giữa các đợt của kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc
hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại
biểu Quốc hội thực hiện các công việc thuộc nội dung kỳ họp.
2. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ.
Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức
khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ
hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định
các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển
kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức
kỳ họp không thường lệ.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:
“Điều 2. Chủ trì kỳ họp Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì kỳ họp Quốc hội
theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ số,
trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động tại kỳ họp Quốc hội, bảo đảm để Quốc hội
thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình và kỳ họp Quốc hội được tiến hành
dân chủ, đúng pháp luật, đạt hiệu quả thiết thực theo chương trình đã được Quốc
hội thông qua.”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 3 như sau:
“1. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ
các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận, góp ý
kiến vào các nội dung của kỳ họp Quốc hội và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm
vụ, quyền hạn của Quốc hội; chủ động ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để
thực hiện hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, các hoạt động tại kỳ họp Quốc
hội và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác của đại biểu Quốc hội theo quy định
của Luật Tổ chức Quốc hội.
2. Trường hợp không thể tham dự kỳ họp, phiên họp
Quốc hội theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, đại biểu Quốc hội
có trách nhiệm báo cáo Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để thông báo đến Văn phòng
Quốc hội tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội; nếu không thể tham dự kỳ họp Quốc
hội hoặc vắng mặt tổng số trên 02 ngày làm việc trong cả kỳ họp Quốc hội thì phải
được Chủ tịch Quốc hội đồng ý, trừ trường hợp vắng mặt vì lý do sức khỏe, lý do
bất khả kháng hoặc vắng mặt để thực hiện nhiệm vụ của kỳ họp Quốc hội theo quy
định của luật, nghị quyết của Quốc hội.
Danh sách đại biểu Quốc hội không thể tham dự kỳ họp
Quốc hội, vắng mặt tại phiên họp Quốc hội được ghi vào biên bản phiên họp, biên
bản kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp vắng mặt để thực hiện nhiệm vụ của kỳ họp
Quốc hội theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội.”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 như sau:
“1. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ
chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện chương trình kỳ họp Quốc hội, Nội
quy kỳ họp quốc hội và các quy định khác về kỳ họp Quốc hội; tổ chức và điều
hành hoạt động của Đoàn; giữ mối liên hệ với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc
hội và các cơ quan có liên quan để triển khai các hoạt động của Quốc hội tại kỳ
họp Quốc hội.”.
5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều
6 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 như sau:
“2. Việc xây dựng dự kiến chương trình kỳ họp Quốc
hội phù hợp với yêu cầu thực tiễn; trong đó, ưu tiên bảo đảm thời gian để
nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết
trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp; bố trí phiên thảo luận về kinh tế - xã hội
trước phiên chất vấn; các nội dung trong các lĩnh vực có liên quan được bố trí
thời gian thảo luận gần nhau.
3. Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được gửi
xin ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan chậm nhất là 30
ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 07
ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp không thường lệ.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng Dân tộc, Ủy
ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi,
bổ sung chương trình kỳ họp Quốc hội theo trình tự sau đây:
a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội việc sửa
đổi, bổ sung chương trình kỳ họp Quốc hội;
b) Quốc hội xem xét, thông qua việc sửa đổi, bổ
sung chương trình kỳ họp Quốc hội.”.
6. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 7 như sau:
“a) Tài liệu chính thức được lưu hành bằng hình thức
tài liệu điện tử, trường hợp thuộc bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định
của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Đối với tài liệu đã lưu hành bằng hình thức tài liệu
điện tử, trong trường hợp cần thiết, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực
Ủy ban của Quốc hội báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định việc lưu hành thêm tài
liệu giấy; trường hợp đại biểu Quốc hội có yêu cầu, Văn phòng Quốc hội tổ chức
việc cung cấp thêm tài liệu giấy;”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 6 Điều 9 như sau:
“5. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc
hội thực hiện đăng tải hồ sơ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội trên Cổng
thông tin điện tử của Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật; quyết định tài liệu khác phục vụ kỳ họp Quốc hội được đăng tải trên
Cổng thông tin điện tử của Quốc hội.
6. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc
hội quyết định việc phát hành kỷ yếu của kỳ họp Quốc hội dưới dạng điện tử để
đăng tải các văn kiện chủ yếu của mỗi kỳ họp Quốc hội.”.
8. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2, 3 và 4 Điều 10 như sau:
“2. Đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc lấy
ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến được gửi đến Văn phòng Quốc hội
để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiếu xin ý kiến thể hiện rõ
phương án, ưu điểm, nhược điểm của từng phương án và được thể hiện bằng văn bản
giấy hoặc văn bản điện tử.
Trường hợp phiếu xin ý kiến về nội dung trong dự thảo
luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật được thể hiện bằng văn bản giấy thì
thời hạn đề nghị đại biểu Quốc hội gửi lại ý kiến tối thiểu là 24 giờ kể từ khi
gửi phiếu đến đại biểu Quốc hội.
3. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thể hiện ý kiến
vào phiếu xin ý kiến và gửi lại phiếu xin ý kiến đến Văn phòng Quốc hội đúng thời
hạn.
4. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc
hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của
Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc lấy ý kiến đại biểu
Quốc hội; tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội
để báo cáo Quốc hội.”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 như sau:
“1. Kỳ họp thường lệ giữa năm của Quốc hội khai mạc
vào ngày 20 tháng 5; kỳ họp thường lệ cuối năm của Quốc hội khai mạc vào ngày
20 tháng 10. Trường hợp ngày 20 tháng 5 và ngày 20 tháng 10 trùng vào ngày thứ
Sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp
Quốc hội là ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ
họp Quốc hội vào các thời điểm nêu trên hoặc trường hợp thật cần thiết để đáp ứng
yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội do Ủy ban Thường
vụ Quốc hội quyết định.
Ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội
do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước quyết định theo quy định của Luật Tổ chức
Quốc hội.
Ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối nhiệm kỳ và kỳ họp
không thường lệ của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.”.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 12 như sau:
“1. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để các đại
biểu Quốc hội trong Đoàn đánh giá kết quả kỳ họp Quốc hội và việc tuân thủ các
quy định của Nội quy kỳ họp quốc hội tại kỳ họp Quốc hội; gửi báo cáo tổng hợp
ý kiến của Đoàn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi bế mạc kỳ họp Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội
và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Sau khi bế mạc kỳ họp Quốc hội, tại phiên họp gần
nhất, căn cứ ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân
có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tổng kết kỳ họp Quốc hội với sự
tham dự của Chủ tịch nước, đại diện Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, đại diện Thường trực Hội đồng
Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.”.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 như sau:
“2. Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chủ tịch
Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có trách
nhiệm điều hành phiên họp theo trình tự quy định tại Điều 18 và
Điều 19 của Nội quy kỳ họp quốc hội.
Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc,
Thường trực Ủy ban của Quốc hội tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch
Quốc hội trong việc điều hành phiên họp toàn thể của Quốc hội đối với nội dung
thuộc lĩnh vực phụ trách.”.
12. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 như sau:
“3. Trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt tại phiên
họp hoặc đăng ký mà chưa phát biểu hoặc đã phát biểu nhưng chưa hết ý kiến do hết
thời gian phát biểu thì gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội để tổng hợp.”.
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 17 như sau:
“4. Đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền
thuyết trình về dự án, dự thảo, trình bày báo cáo không quá 10 phút, trừ trường
hợp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội.”.
14. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 18 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm d và điểm đ khoản 2 như sau:
“d) Căn cứ nội dung và tình hình thảo luận thực tế,
Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp
có thể mời đại biểu Quốc hội phát biểu không theo thứ tự đăng ký, mời đại biểu
Quốc hội đã đăng ký phát biểu tranh luận ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu
trước đó; yêu cầu đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung vào nội dung trọng tâm
của phiên họp, dừng phát biểu hoặc dừng tranh luận nếu đại biểu Quốc hội phát
biểu, tranh luận quá thời gian hoặc phát biểu, tranh luận không đúng nội dung;
đ) Tại phiên họp toàn thể thảo luận về dự án luật,
nghị quyết, báo cáo, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân
công điều hành phiên họp mời đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền
trình giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 như sau:
“c) Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình giải
trình ý kiến của đại biểu Quốc hội mỗi lần không quá 10 phút.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Căn cứ diễn biến phiên họp, Chủ tịch Quốc hội
hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thẩm quyền sau
đây:
a) Đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo
dài thời gian mỗi đại biểu Quốc hội phát biểu hoặc kéo dài thời gian của phiên
họp;
b) Đề nghị Quốc hội quyết định giới hạn lại nội
dung thảo luận để tránh trường hợp các ý kiến chỉ tập trung vào một số nội dung
nhất định mà chưa bao quát toàn diện các vấn đề của dự án luật, dự thảo nghị
quyết, báo cáo;
c) Quyết định kéo dài thời gian mỗi lần giải trình
của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không quá 15 phút khi nội dung được
thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu.”.
15. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 như sau:
“Điều 27. Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến đại
biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội
1. Ý kiến phát biểu tại phiên họp, ý kiến bằng văn
bản của đại biểu Quốc hội có giá trị như nhau và phải được tổng hợp, giải
trình, tiếp thu và báo cáo đầy đủ, trung thực với Quốc hội.
2. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc
hội tổ chức việc tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội. Thường trực Hội đồng
Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo vụ chuyên môn của Hội đồng,
Ủy ban thực hiện tổng hợp ý kiến đối với nội dung do cơ quan mình chủ trì thẩm
tra hoặc nội dung thuộc lĩnh vực do cơ quan mình phụ trách để gửi Tổng Thư ký
Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Việc tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc
hội đối với nội dung về công tác nhân sự thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội.
3. Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án
luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo tự mình hoặc phân công cơ quan chủ trì soạn
thảo chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên
quan báo cáo giải trình bước đầu ý kiến thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội gửi
đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 24 giờ trước khi Quốc hội thảo luận tại
phiên họp toàn thể về nội dung đó.
4. Bản gỡ băng ghi âm ý kiến đại biểu Quốc hội thảo
luận tại các phiên họp được Văn phòng Quốc hội gửi đến cơ quan, tổ chức, cá
nhân có trách nhiệm giải trình và đại biểu Quốc hội chậm nhất là 24 giờ kể từ
khi kết thúc phiên thảo luận.
Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu
Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội về từng nội dung của kỳ họp Quốc hội được gửi đến
đại biểu Quốc hội, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 02
ngày đối với kỳ họp thường lệ và 24 giờ đối với kỳ họp không thường lệ trước
khi thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội về nội dung đó. Báo cáo tổng
hợp ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội
phải được gửi đến đại biểu Quốc hội, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra
chậm nhất là 03 ngày đối với kỳ họp thường lệ và 02 ngày đối với kỳ họp không
thường lệ kể từ khi kết thúc phiên thảo luận về nội dung đó.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật,
dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại phiên biểu quyết thông qua phải được gửi
đến đại biểu Quốc hội theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Nội
quy kỳ họp quốc hội.
5. Mẫu báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội
do Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quy định.”.
16. Bổ sung Điều 31a vào sau
Điều 31 như sau:
“Điều 31a. Quyết định cơ cấu tổ chức các cơ quan
của Quốc hội
1. Hồ sơ trình Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức
các cơ quan của Quốc hội bao gồm:
a) Tờ trình về cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc
hội;
b) Dự thảo nghị quyết;
c) Tài liệu khác (nếu có).
2. Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức các cơ quan của
Quốc hội theo trình tự sau đây:
a) Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ
trình;
b) Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc
hội. Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao
đổi về các vấn đề có liên quan;
c) Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc
giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc
hội;
d) Quốc hội thảo luận;
đ) Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc
giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết;
e) Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
3. Trường hợp cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội
được xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội khóa trước trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự quy định
tại khoản 2 Điều này.”.
17. Bổ sung khoản 3 vào Điều 34 như sau:
“3. Tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất, trong trường
hợp cần thiết, Quốc hội quyết định điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Chính phủ trên
cơ sở đề nghị của Chính phủ theo trình tự quy định tại khoản 2 Điều này.”.
18. Sửa đổi, bổ sung Điều 48 như sau:
“Điều 48. Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan;
thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi
tên đơn vị hành chính tỉnh, thành phố, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
1. Hồ sơ trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ
cơ quan bao gồm:
a) Tờ trình về thành lập, bãi bỏ cơ quan;
b) Đề án thành lập, bãi bỏ cơ quan;
c) Báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập,
bãi bỏ cơ quan;
d) Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức
có liên quan;
đ) Dự thảo nghị quyết thành lập, bãi bỏ cơ quan;
e) Báo cáo thẩm tra về việc thành lập, bãi bỏ cơ
quan.
2. Hồ sơ trình Quốc hội quyết định thành lập, giải
thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành
chính tỉnh, thành phố, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm các tài liệu
theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và báo cáo thẩm tra của
cơ quan của Quốc hội về việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính,
điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính tỉnh, thành phố, đơn vị hành
chính - kinh tế đặc biệt.
3. Quốc hội quyết định việc thành lập, bãi bỏ Bộ,
cơ quan ngang Bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh
địa giới và đổi tên đơn vị hành chính tỉnh, thành phố, đơn vị hành chính - kinh
tế đặc biệt theo trình tự sau đây:
a) Đại diện Chính phủ trình bày tờ trình;
b) Đại diện cơ quan của Quốc hội trình bày báo cáo
thẩm tra;
c) Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc
hội.
Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc
hội, đại biểu Quốc hội có thể thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội;
d) Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể
của Quốc hội, Chính phủ giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về những vấn đề
liên quan đến việc thành lập, bãi bỏ Bộ, cơ quan ngang Bộ; việc thành lập, giải
thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành
chính tỉnh, thành phố, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;
đ) Chính phủ chỉ đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì,
phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên
quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết và xây dựng
báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết, trình Ủy ban Thường
vụ Quốc hội cho ý kiến; Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường
vụ Quốc hội ý kiến về nội dung cơ quan trình dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh
lý dự thảo nghị quyết.
Chính phủ chỉ đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì, phối
hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên quan
nghiên cứu tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết theo ý kiến của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội;
e) Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc giải trình,
tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết;
g) Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Trường hợp Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị
quyết thành lập, giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp tiếp
theo thì áp dụng trình tự quy định tại Điều 51 của Nội quy kỳ họp
quốc hội.
4. Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan
khác theo quy định của Hiến pháp và luật theo trình tự sau đây:
a) Đại diện cơ quan có thẩm quyền trình bày tờ
trình;
b) Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo
cáo thẩm tra;
c) Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc
hội.
Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc
hội, đại biểu Quốc hội có thể thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội;
d) Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể
của Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền trình giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về
những vấn đề liên quan đến việc thành lập, bãi bỏ cơ quan;
đ) Cơ quan trình chủ trì, phối hợp với Thường trực
cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải
trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết và xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và
chỉnh lý dự thảo nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; Thường
trực cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến về nội
dung cơ quan trình dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
Cơ quan trình chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ
quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải
trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
e) Cơ quan trình báo cáo Quốc hội về việc giải
trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết;
g) Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.”.
19. Sửa đổi, bổ sung Điều 50 như sau:
“Điều 50. Trình tự Quốc hội xem xét, quyết định
các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội
1. Đại diện Chính phủ trình bày tờ trình hoặc báo
cáo.
2. Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Quốc hội
về việc thẩm tra.
3. Đại diện cơ quan, tổ chức báo cáo Quốc hội về
lĩnh vực có liên quan theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
4. Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc
hội.
Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc
hội, đại biểu Quốc hội có thể thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội, tại Hội đồng
Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
5. Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể
của Quốc hội, thành viên Chính phủ giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về những
vấn đề liên quan đến tờ trình, báo cáo, dự thảo nghị quyết.
6. Việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình và chỉnh lý
dự thảo nghị quyết được thực hiện theo trình tự sau đây:
a) Chính phủ chỉ đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì,
phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên
quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết và xây dựng
báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết, trình Ủy ban Thường
vụ Quốc hội cho ý kiến; Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường
vụ Quốc hội ý kiến về nội dung cơ quan trình dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh
lý dự thảo nghị quyết;
b) Chính phủ chỉ đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì,
phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên
quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết theo ý kiến
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trường hợp Chính phủ có ý kiến khác với ý kiến của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội hoặc có nội dung quan trọng, phức tạp cần có thêm thời
gian để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc
trên cơ sở đề xuất của Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho lùi
thời điểm trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại;
c) Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải
trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
7. Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
8. Trường hợp dự thảo nghị quyết chưa được thông qua,
Quốc hội xem xét, quyết định lùi thời điểm thông qua để tiếp tục hoàn thiện,
trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo hoặc trình lại.
Việc hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua dự thảo
nghị quyết tại kỳ họp tiếp theo được thực hiện theo quy định tại Điều
51 của Nội quy kỳ họp quốc hội. Việc trình lại và hồ sơ trong trường hợp
trình lại thực hiện theo quy định tại Điều này và Điều 49 của Nội
quy kỳ họp quốc hội.”.
20. Sửa đổi, bổ sung Điều 51 như sau:
“Điều 51. Trình tự Quốc hội xem xét, quyết định
các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội tại kỳ họp tiếp theo
1. Trước kỳ họp tiếp theo, Chính phủ chỉ đạo Bộ, cơ
quan ngang Bộ chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ
quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo
nghị quyết và xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị
quyết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về
việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Thường trực cơ quan
chủ trì thẩm tra báo cáo ý kiến về nội dung cơ quan trình dự kiến tiếp thu, giải
trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
3. Chính phủ chỉ đạo tổ chức nghiên cứu tiếp thu,
giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
4. Tại kỳ họp tiếp theo:
a) Chính phủ báo cáo Quốc hội việc tiếp thu, giải
trình và chỉnh lý dự thảo nghị quyết, trong đó nêu rõ ý kiến khác với ý kiến của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nếu có);
b) Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo ý
kiến về nội dung Chính phủ dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo nghị
quyết;
c) Quốc hội thảo luận về nội dung dự thảo nghị quyết;
d) Việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của
đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội biểu quyết
thông qua được thực hiện theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều
50 của Nội quy kỳ họp quốc hội.”.
21. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 58 như sau:
“1. Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo
nghị quyết quy phạm pháp luật theo quy trình, thủ tục quy định tại Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật.”.
22. Thay cụm từ tại một số điều,
khoản sau đây:
a) Thay cụm từ “Ủy ban Pháp luật của Quốc hội” tại điểm c khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 34, điểm b khoản 1 Điều 38,
cụm từ “Ủy ban Tư pháp của Quốc hội” tại khoản 2 Điều 40, điểm
c khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 46, điểm c khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 53,
cụm từ “Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội” tại điểm c khoản
1 và điểm b khoản 2 Điều 54 bằng cụm từ “cơ quan của Quốc hội”;
b) Thay cụm từ “Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc
hội” và cụm từ “Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội” tại khoản
2 Điều 5 bằng cụm từ “Thường trực cơ quan của Quốc hội phụ trách lĩnh vực đối
ngoại”;
c) Thay cụm từ “Chánh án Tòa án nhân dân tối cao” tại
khoản 8 Điều 40 bằng cụm từ “Ủy ban Thường vụ Quốc hội”;
d) Thay cụm từ “Tổng Thư ký Quốc hội” tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 5, khoản 6 Điều 17, khoản 1 Điều 22 và điểm
c khoản 2 Điều 57 bằng cụm từ “Văn phòng Quốc hội”;
đ) Thay cụm từ “Tổng Thư ký Quốc hội” tại khoản 1, điểm b khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 7, các khoản 1,
2, 3 và 7 Điều 9, khoản 3 Điều 11, khoản 3 Điều 24, khoản 2
Điều 25, các khoản 3, 6 và 7 Điều 26, các khoản 1, 2, 5, 7 và 9 Điều 37 bằng
cụm từ “Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội”;
e) Thay cụm từ “thư ký phiên họp” tại khoản 2 Điều 26 bằng cụm từ “Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm
Văn phòng Quốc hội”.
23. Bổ sung đoạn, cụm từ, bỏ cụm
từ tại một số điều, khoản sau đây:
a) Bổ sung đoạn “Quốc hội thảo luận tại phiên họp
toàn thể của Quốc hội.” vào đầu điểm c khoản 2 Điều 52, điểm c khoản
2 Điều 53, điểm c khoản 2 Điều 54 và điểm b khoản 2 Điều 55;
b) Bổ sung cụm từ “, ghi hình” vào sau cụm từ “tài
liệu ghi âm” tại Điều 8;
c) Bổ sung cụm từ “cơ quan trình hoặc” vào trước cụm
từ “cơ quan chủ trì thẩm tra” tại khoản 1 Điều 20;
d) Bổ sung cụm từ “trên Cổng thông tin điện tử của
Quốc hội” vào trước cụm từ “về việc tổ chức phiên họp” tại khoản
2 Điều 22;
đ) Bỏ cụm từ “người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban
Thường vụ Quốc hội,” tại khoản 3 Điều 5;
e) Bỏ cụm từ “, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc
hội” tại điểm b khoản 1 Điều 7;
g) Bỏ cụm từ “và Truyền hình Quốc hội Việt Nam” tại
khoản 4 Điều 9;
h) Bỏ cụm từ “, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội”
tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 57.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 7 năm 2025.
2. Đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết đã có
trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trước ngày Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15 được thông qua thì việc tiến hành
các trình tự tại kỳ họp Quốc hội được thực hiện theo quy định của Nội quy kỳ họp
quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022
của Quốc hội. Đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết được bổ sung vào Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình lập pháp) năm 2025 kể từ ngày Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15 được thông qua thì việc tiến
hành các trình tự tại kỳ họp Quốc hội được thực hiện theo quy định của Nội quy
kỳ họp quốc hội được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2025.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Trần Thanh Mẫn
|