NGHỊ QUYẾT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ QUYẾT CỦA
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI QUY ĐỊNH VỀ BẬC, ĐIỀU KIỆN CỦA TỪNG BẬC, VIỆC NÂNG BẬC
VÀ SỐ LƯỢNG, CƠ CẤU TỶ LỆ CÁC BẬC THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một
số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15;
Căn cứ
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 34/2024/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều
theo Luật số 81/2025/QH15;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số
67/2025/UBTVQH15 ngày 06 tháng 02 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định
về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc
Thẩm phán Tòa án nhân dân
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:
“Điều
2. Điều kiện của Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1
Thẩm phán
Tòa án nhân dân bậc 1 đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
1. Người
được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại khoản
1 Điều 95 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; có năng lực xét xử, giải quyết
vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực hoặc Tòa án quân sự
khu vực;
2. Người
được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân tối cao
đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này; có năng lực thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật Tổ chức
Tòa án nhân dân;
3. Người
được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại điểm a
khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, được cơ quan, tổ chức có
thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh án Tòa án quân sự khu vực.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
“Điều
3. Điều kiện của Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2
Thẩm phán
Tòa án nhân dân bậc 2 đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
1. Thẩm
phán Tòa án nhân dân bậc 1 từ đủ 05 năm trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết
vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân
khu vực hoặc Tòa án quân sự quân khu và tương đương;
2. Người
có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên, được bổ nhiệm Thẩm
phán Tòa án nhân dân lần đầu; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc
thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực hoặc Tòa án
quân sự quân khu và tương đương;
3. Thẩm
phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân tối cao đáp ứng điều kiện quy
định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này; có năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật Tổ chức Tòa án
nhân dân;
4. Thẩm
phán Tòa án nhân dân bậc 1 được bổ nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân khu vực
hoặc Chánh án Tòa án quân sự khu vực; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ
việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự quân khu
và tương đương;
5. Người
được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại điểm a
hoặc điểm b khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, được cơ quan,
tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Chánh
án Tòa án nhân dân khu vực, Chánh án Tòa án quân sự khu vực, Phó Chánh án Tòa
án nhân dân cấp tỉnh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân khu vực, Phó Chánh án Tòa án
quân sự quân khu và tương đương.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều
4. Điều kiện của Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3
Thẩm phán
Tòa án nhân dân bậc 3 đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
1. Thẩm
phán Tòa án nhân dân bậc 2 từ đủ 05 năm trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết
vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự
trung ương, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc thuộc
thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc có năng lực xét xử, giải quyết vụ
án, vụ việc khó, phức tạp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án
nhân dân khu vực;
2. Người
có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên, được bổ nhiệm Thẩm
phán Tòa án nhân dân lần đầu; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc
thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương hoặc có năng
lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc khó, phức tạp, giải quyết theo thủ tục
giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân
dân cấp tỉnh;
3. Thẩm
phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân tối cao đáp ứng điều kiện quy
định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này; có năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 93 của Luật Tổ chức Tòa án
nhân dân;
4. Thẩm
phán Tòa án nhân dân bậc 2 được bổ nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh
hoặc Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa, Phó Chánh tòa
Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ
việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự trung ương,
giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc thuộc thẩm quyền
của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc có năng lực xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc
khó, phức tạp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự
quân khu và tương đương;
5. Người
được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại điểm
b khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, được cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm một trong các chức vụ: Chánh án Tòa án
nhân dân cấp tỉnh, Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối
cao, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Phó Chánh án Tòa án quân
sự trung ương;
6. Người
được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân và đang đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng
và tương đương của Tòa án nhân dân tối cao; có năng lực xét xử, giải quyết vụ án,
vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao hoặc có năng lực xét xử,
giải quyết vụ án, vụ việc khó, phức tạp, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm,
tái thẩm đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và
năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 và khoản
3 Điều 93 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.”.
4. Sửa đổi,
bổ sung một số khoản, điểm tại Điều 5 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Người
được bổ nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân khu vực hoặc Chánh án Tòa án
quân sự khu vực được xét nâng bậc lên Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 theo quy
định tại khoản 4 Điều 3 của Nghị quyết này.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 như sau:
“3. Trường
hợp số lượng người đáp ứng điều kiện xét nâng bậc quy định tại khoản 2 Điều này
nhiều hơn số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân được giao
thì việc xét nâng bậc thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Người
giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Phó Chánh án Tòa án nhân dân khu vực, Phó Chánh
án Tòa án quân sự khu vực;”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
“Điều 6.
Việc nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 lên Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc
3
1. Người
được bổ nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự
quân khu và tương đương, Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân
tối cao quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị quyết này, Vụ
trưởng và tương đương của Tòa án nhân dân tối cao quy định tại khoản
6 Điều 4 của Nghị quyết này được xét nâng bậc lên Thẩm phán Tòa án nhân dân
bậc 3.
2. Thẩm
phán Tòa án nhân dân bậc 2 được xét nâng bậc lên Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc
3 nếu trong 05 năm công tác liền kề trước năm xét nâng bậc, bảo đảm chất lượng
xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao và được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở
lên, trong đó có ít nhất 01 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ.
3. Trường
hợp số lượng người đáp ứng điều kiện xét nâng bậc quy định tại khoản 2 Điều này
nhiều hơn số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân được giao
thì việc xét nâng bậc thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Người
giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án
Tòa án nhân dân khu vực, Phó Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương;
b) Người
có thành tích khen thưởng cao hơn trong hoạt động công vụ; trường hợp bằng nhau
thì xét người có nhiều thành tích khen thưởng hơn trong thời gian giữ bậc 2;
c) Người
có thành tích thi đua cao hơn trong hoạt động công vụ; trường hợp bằng nhau thì
xét người có nhiều thành tích thi đua hơn trong thời gian giữ bậc 2;
d) Thẩm
phán Tòa án nhân dân là nữ;
đ) Thẩm
phán Tòa án nhân dân là người dân tộc thiểu số;
e) Thẩm phán
Tòa án nhân dân nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh);
g) Thẩm
phán Tòa án nhân dân có thời gian công tác nhiều hơn.
Trường hợp
vẫn không xác định được người được xét nâng bậc thì Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao xem xét, quyết định.”.
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 như sau:
“1. Tổng số
Thẩm phán Tòa án nhân dân của Tòa án nhân dân các cấp là 7.004 người. Số lượng,
cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân của các Tòa án nhân dân như sau:
a) Tòa án nhân
dân tối cao có Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1, Thẩm phán Tòa án nhân
dân bậc 2, Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3.
Số lượng
Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân tối cao là 130 người,
trong đó tỷ lệ Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 không quá 77%, Thẩm phán Tòa án
nhân dân bậc 2 không quá 12%, còn lại là Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1;
b) Tòa án nhân
dân cấp tỉnh có Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2, Thẩm phán Tòa án nhân
dân bậc 3.
Số lượng
Thẩm phán Tòa án nhân dân của Tòa án nhân dân cấp tỉnh là 875 người, trong đó tỷ
lệ Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 không quá 42,5%, còn lại là Thẩm phán Tòa án
nhân dân bậc 2;
c) Tòa án nhân
dân khu vực có Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1, Thẩm phán Tòa án nhân
dân bậc 2, Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3.
Số lượng
Thẩm phán Tòa án nhân dân của Tòa án nhân dân khu vực là 5.999 người, trong đó
tỷ lệ Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 không quá 6,5%, Thẩm phán Tòa án nhân dân
bậc 2 không quá 34%, còn lại là Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1.”.
7. Bãi bỏ khoản 3 Điều 10.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này
có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
2. Trong thời
gian thực hiện Nghị quyết số 225/2025/QH15 ngày 27 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội
về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân
dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân,
các luật tố tụng và luật khác có liên quan, số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm
phán Tòa án nhân dân của mỗi cấp Tòa án quy định tại khoản 6 Điều
1 của Nghị quyết này có thể thay đổi theo sự điều động của Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao nhưng không làm tăng tổng biên chế Thẩm phán Tòa án nhân dân của
các cấp Tòa án đã được giao và phải bảo đảm số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm
phán Tòa án nhân dân của mỗi cấp Tòa án theo quy định tại Nghị quyết này kể từ
ngày 01 tháng 7 năm 2028.
Nghị quyết này
được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV
thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2025.
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Trần Thanh Mẫn
|