THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ PHÂN QUYỀN, PHÂN CẤP VÀ PHÂN ĐỊNH THẨM QUYỀN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ
NHÀ NƯỚC CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG HAI CẤP ĐỐI VỚI GIÁO DỤC MẦM NON
Căn cứ Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng
02 năm 2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp
tổ chức bộ máy nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 37/2025/NĐ-CP ngày 26 tháng
02 năm 2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 142/2025/NĐ-CP ngày 12 tháng
6 năm 2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa
phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 143/2025/NĐ-CP ngày 12 tháng
6 năm 2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản
lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông
tư quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ
quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với giáo dục mầm non.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về phân quyền, phân cấp và
phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương
hai cấp đối với giáo dục mầm non được quy định trong các văn bản quy phạm pháp
luật của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan hành
chính nhà nước ở trung ương, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục mầm non và
các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc phân quyền,
phân cấp, phân định thẩm quyền
1. Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp; phù
hợp với các nguyên tắc, quy định về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền
của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị định
của Chính phủ về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền về giáo dục mầm
non.
2. Bảo đảm phân quyền, phân cấp, phân định nhiệm vụ,
quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn
và năng lực của cơ quan, người có thẩm quyền; không trùng lặp, chồng chéo, bỏ
sót chức năng, nhiệm vụ giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ
quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà
nước về giáo dục mầm non.
3. Bảo đảm không ảnh hưởng đến việc thực hiện các
điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về lĩnh vực giáo dục mà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phân quyền, phân cấp,
phân định thẩm quyền do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định.
Điều 3. Về phí, lệ phí
Các thủ tục hành chính khi giải quyết mà phải nộp
phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì khi người dân, tổ chức
nộp hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính đồng thời nộp phí, lệ phí cho
cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Mức phí, lệ phí, việc quản lý, sử dụng phí, lệ phí thực
hiện theo quy định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Hội đồng nhân dân
cấp tỉnh đối với phí, lệ phí tương ứng.
Điều 4. Nguyên tắc khai thác, sử
dụng dữ liệu điện tử
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm
khai thác dữ liệu điện tử đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ
sở dữ liệu chuyên ngành khác để bổ sung thông tin vào hồ sơ của cá nhân, tổ chức
thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, không yêu cầu cá nhân, tổ
chức nộp, xuất trình giấy tờ, tài liệu mà thông tin đã được khai thác trong các
cơ sở dữ liệu; trừ trường hợp sử dụng cho mục đích xác minh, thẩm tra lại tính
xác thực của thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được số hóa.
Chương II
PHÂN QUYỀN, PHÂN CẤP VÀ
PHÂN ĐỊNH THẨM QUYỀN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA
PHƯƠNG HAI CẤP ĐỐI VỚI GIÁO DỤC MẦM NON
Điều 5. Tổ chức thực hiện các
quy định về Điều lệ Trường mầm non
1. Thay thế thẩm quyền hoặc cụm từ “Ủy ban nhân dân
cấp huyện và tên đơn vị cấp huyện”, “Phòng Giáo dục và Đào tạo”, “Ủy ban nhân
dân cấp huyện” bằng “Ủy ban nhân dân cấp xã” tại Điều 5, khoản 1
Điều 6 Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT
ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là
Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT).
2. Thay thế thẩm quyền hoặc cụm từ “Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp huyện” bằng “Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo” tại khoản
1 Điều 6, Điều 9, Điều 10 Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT.
Điều 6. Tổ chức thực hiện về tổ
chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập
loại hình dân lập và tư thục
1. Thẩm quyền hướng dẫn quản lý nhà nước về giáo dục
cho Ủy ban nhân dân cấp xã và hướng dẫn, tổ chức thực hiện chuyên môn đối với
cơ sở giáo dục mầm non độc lập quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều
22 Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm
non độc lập loại hình dân lập và tư thục ban hành kèm theo Thông tư số
49/2021/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo (sau đây gọi là Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT) do Sở Giáo dục và Đào tạo thực
hiện.
2. Thay thế cụm từ “Phòng Giáo dục và Đào tạo” bằng
cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp xã” tại Điều 21, tên Điều 22; cụm từ “Phòng Giáo dục và Đào tạo” bằng cụm từ “Sở
Giáo dục và Đào tạo” tại khoản 1 Điều 23; cụm từ “Ủy ban
nhân dân cấp huyện” bằng cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” tại khoản
7 Điều 22 và khoản 4 Điều 23 Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT, trừ quy định tại
khoản 1 Điều này.
3. Bỏ cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp huyện và” tại khoản 8 Điều 22 Thông tư số 49/2021/TT-BGDĐT.
Điều 7. Tổ chức thực hiện quy định
lựa chọn đồ chơi học liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non
Thay thế thẩm quyền hoặc cụm từ “Phòng Giáo dục và
Đào tạo” bằng cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp xã” tại Điều 13, Điều
14 Thông tư số 47/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong
các cơ sở giáo dục mầm non.
Điều 8. Tổ chức thực hiện quy định
xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo
dục mầm non
Thay thế thẩm quyền hoặc cụm từ “Phòng Giáo dục và
Đào tạo” bằng cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp xã” tại Điều 9, Điều
10, Điều 11, Điều 12 Thông tư số 45/2021/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xây dựng trường học an
toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.
Điều 9. Tổ chức thực hiện quy định
việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và lựa chọn tài liệu để sử dụng trong các
cơ sở giáo dục mầm non
Thay thế thẩm quyền hoặc cụm từ “Phòng Giáo dục và
Đào tạo” bằng cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp xã” tại Điều 14, Điều
15 Thông tư số 30/2021/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo quy định việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và lựa chọn
tài liệu để sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo
1. Thẩm quyền hướng dẫn Chương trình làm quen với
tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo quy định tại khoản 3 Mục VII
Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo ban hành kèm theo
Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT) do Sở Giáo dục
và Đào tạo thực hiện.
2. Thay thế thẩm quyền hoặc cụm từ “Phòng Giáo dục
và Đào tạo” bằng cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp xã” tại khoản 3 Mục
VII Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT trừ quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
Chương trình Giáo dục mầm non
Thẩm quyền hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục
mầm non quy định tại khoản 1 Phần Bốn của Chương trình Giáo dục mầm non ban hành
kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 28/2016/TT-BGDĐT
ngày 30 tháng 12 năm 2016 và Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm
2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo do Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Hiệu lực và trách nhiệm
thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 7 năm 2025.
2. Thông tư này hết hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3
năm 2027 trừ các trường hợp Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định
của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định
về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trình tự, thủ tục quy định tại
Thông tư này thông qua hoặc ban hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 và có hiệu
lực trước ngày 01 tháng 3 năm 2027 thì quy định tương ứng trong Thông tư này hết
hiệu lực tại thời điểm các văn bản quy phạm pháp luật đó có hiệu lực.
3. Trong thời gian các quy định của Thông tư này có
hiệu lực, nếu quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước, trình tự,
thủ tục trong Thông tư này khác với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan
ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 thì thực hiện theo quy định tại Thông
tư này.
4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng
Vụ Giáo dục mầm non, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và
Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; các cơ quan, tổ chức,
đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Viện KSND tối cao; Tòa án ND tối cao;
- Tổng kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan TƯ của các tổ chức chính trị - xã hội;
- Cục KTVB&QLXLVPHC, Bộ Tư pháp;
- Sở GD&ĐT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ GDĐT;
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ; Cổng TTĐT Bộ GD&ĐT; các đơn vị thuộc Bộ
GD&ĐT;
- Lưu VT, GDMN, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Phúc
|