HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
34/2024/NQ-HĐND
|
Quảng Ninh, ngày 19 tháng 4 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC DANH, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI
NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ, Ở THÔN, BẢN, KHU PHỐ VÀ SỐ LƯỢNG,
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI TRỰC TIẾP THAM GIA HOẠT ĐỘNG Ở THÔN, BẢN, KHU
PHỐ; MỨC KHOÁN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Ở CẤP
XÃ VÀ KINH PHÍ HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG Ở THÔN, BẢN, KHU PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG
NINH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 18
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn
bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà
nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số
33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công
chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
Xét Tờ trình số
651/TTr-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo số
85/BC-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến thẩm
tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và bổ sung hoàn thiện 02 dự thảo
Nghị quyết về người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
Báo cáo thẩm tra số 35/BC-HĐND ngày 10 tháng 4 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng
nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận, biểu quyết thống nhất của đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết
này quy định về chức danh, mức phụ cấp, mức hỗ trợ hàng tháng và việc kiêm nhiệm
đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố và số
lượng, mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn,
bản, khu phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội
ở cấp xã và mức khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động ở thôn, bản, khu phố.
2. Đối tượng áp dụng: Cán bộ,
công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu
phố; người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, khu phố; các tổ chức chính
trị - xã hội ở cấp xã; các thôn, bản, khu phố.
Điều 2.
Chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã:
1. Chủ tịch Hội chữ thập đỏ
Việt Nam;
2. Chủ tịch Hội người cao tuổi
Việt Nam;
3. Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm
tra;
4. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam;
5. Phó Bí thư Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
6. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam;
7. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến
binh Việt Nam;
8. Phó Chủ tịch Hội Nông dân
Việt Nam (đối với đơn vị hành chính cấp xã có hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp
và có tổ chức Hội nông dân);
9. Phó Chỉ huy trưởng quân sự;
10. Phụ trách công tác tuyên
truyền của cấp ủy;
11. Văn phòng Đảng ủy;
12. Phụ trách công tác truyền
thanh;
13. Nhân viên thú y xã, phường,
thị trấn;
14. Trưởng
ban Bảo vệ dân phố (đối với phường, thị trấn);
15. Phó
trưởng ban Bảo vệ dân phố (đối với phường, thị trấn).
Điều 3.
Mức phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
Mức phụ cấp hàng tháng (bao
gồm bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế) đối với Trưởng ban Bảo vệ dân phố bằng
1,0 lần mức lương cơ sở/người; Phó trưởng ban Bảo vệ dân phố bằng 0,9 lần mức
lương cơ sở/người; các chức danh còn lại bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/người.
Trường hợp người hoạt động không chuyên trách đã được đóng bảo hiểm xã hội và bảo
hiểm y tế ở các chính sách khác thì phụ cấp thực lĩnh hàng tháng phải trừ tỷ lệ
(%) bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trong mức phụ cấp quy định; số dư được bổ
sung vào quỹ phụ cấp để chi thu nhập tăng thêm cho người hoạt động không chuyên
trách cấp xã.
Kết thúc niên độ ngân sách,
nếu quỹ phụ cấp theo mức khoán sau khi thực hiện chi trả phụ cấp hàng tháng
(bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) theo quy định mà vẫn còn dư thì sử dụng
để chi bổ sung thu nhập tăng thêm cho người hoạt động không chuyên trách cấp
xã.
Điều 4.
Khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã Khoán
kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã gồm: Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Kinh phí hoạt
động được khoán (ngoài lương, các khoản phụ cấp theo lương và định mức kinh phí
hoạt động thường xuyên phân bổ theo định biên quy định tại Nghị quyết của Hội đồng
nhân dân tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ (%) phân chia các khoản
thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; định mức phân bổ dự toán chi
thường xuyên ngân sách địa phương) cụ thể như sau:
1. Đơn vị hành chính cấp xã
loại I: 155 triệu đồng/năm; đối với cấp xã không có tổ chức Hội Nông dân Việt
Nam, mức khoán 125 triệu đồng/năm.
2. Đơn vị hành chính cấp xã
loại II: 145 triệu đồng/năm; đối với cấp xã không có tổ chức Hội Nông dân Việt
Nam, mức khoán 115 triệu đồng/năm.
3. Đơn vị hành chính cấp xã
loại III: 125 triệu đồng/năm; đối với cấp xã không có tổ chức Hội Nông dân Việt
Nam, mức khoán 100 triệu đồng/năm.
4. Đơn vị hành chính cấp xã
có quy mô dân số gấp 04 lần tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị cùng cấp có
quy mô dân số cao nhất quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính hoặc diện tích
tự nhiên gấp 02 lần tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn có diện tích tự
nhiên lớn nhất quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: 200 triệu
đồng/năm; đối với đơn vị hành chính cấp xã không có tổ chức Hội Nông dân Việt
Nam, mức khoán 160 triệu đồng/năm.
Điều 5.
Mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố; số
lượng và mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, khu
phố
1. Mức phụ cấp (bao gồm bảo
hiểm xã hội (nếu có theo quy định) và 3% bảo hiểm y tế) đối với 03 chức danh
người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố tại khoản 6 Điều 33 Nghị
định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ:
a) Thôn, bản có từ 350 hộ
gia đình trở lên; khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, bản, khu phố thuộc
đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định
của cơ quan có thẩm quyền; thôn, bản, khu phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở
khu vực biên giới, hải đảo: Mỗi chức danh được hưởng mức phụ cấp bằng 2,0 lần mức
lương cơ sở.
b) Thôn, bản, khu phố còn lại:
Mỗi chức danh được hưởng mức phụ cấp bằng 1,5 lần mức lương cơ sở.
Trường hợp đã được đóng bảo
hiểm y tế ở các chính sách khác thì phụ cấp thực lĩnh hàng tháng phải trừ tỷ lệ
(%) bảo hiểm y tế trong mức phụ cấp quy định và số dư được bổ sung vào quỹ phụ
cấp để chi thu nhập tăng thêm cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản,
khu phố. Kết thúc niên độ ngân sách, nếu quỹ phụ cấp theo mức khoán sau khi thực
hiện chi trả phụ cấp hàng tháng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định mà vẫn
còn dư được sử dụng để chi bổ sung thu nhập tăng thêm cho người hoạt động không
chuyên trách ở thôn, bản, khu phố.
2. Số lượng, mức hỗ trợ hàng
tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, khu phố
a) Mỗi thôn, bản, khu phố bố
trí không quá 08 người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, khu phố. Thôn,
bản, khu phố quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8
Nghị quyết này được bố trí
không quá 10 người (không bao gồm các chức danh người trực tiếp tham gia hoạt động
ở thôn, bản, khu phố đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên
ngành và các nghị quyết khác của Hội đồng nhân dân tỉnh).
b) Mức hỗ trợ hàng tháng
(bao gồm 3% bảo hiểm y tế) như sau: Phó bí thư chi bộ, Phó trưởng thôn, bản,
khu phố, Phó ban công tác mặt trận bằng 0,7 lần mức lương cơ sở/người; Các chức
danh còn lại bằng 0,3 lần mức lương cơ sở/người.
Trường hợp Điều lệ, văn bản
quy phạm pháp luật chuyên ngành có quy định khác thì thực hiện theo Điều lệ và
quy định của pháp luật chuyên ngành.
Điều 6.
Việc kiêm nhiệm, hỗ trợ kiêm nhiệm
1. Việc kiêm nhiệm người hoạt
động không chuyên trách được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20, khoản
8 Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ.
2. Người trực tiếp tham gia
hoạt động ở thôn, bản, khu phố được kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động
khác ở thôn, bản, khu phố.
3. Một người kiêm nhiệm
không quá 03 chức danh.
4. Mức phụ cấp kiêm nhiệm, mức
hỗ trợ kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp, mức hỗ trợ của chức danh kiêm nhiệm.
Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm
nhiệm, mức hỗ trợ kiêm nhiệm cao nhất.
Điều 7.
Mức lương cơ sở áp dụng trong Nghị quyết này là mức lương cơ sở do Chính phủ
quy định tương ứng với thời gian thực hiện chính sách. Trường hợp Chính phủ có
quy định không thực hiện lương cơ sở thì tiếp tục áp dụng mức lương cơ sở có hiệu
lực sau cùng cho đến khi có quy định mới.
Điều 8.
Khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động ở thôn, bản, khu phố
1. Mức khoán (không bao gồm
kinh phí chi phụ cấp hàng tháng đối với chức danh Thôn, khu đội trưởng), như
sau:
a) Thôn, bản, khu phố loại
I: 150 triệu đồng/năm;
b) Thôn, bản, khu phố loại
II: 140 triệu đồng/năm;
c) Thôn, bản, khu phố loại
III: 130 triệu đồng/năm;
d) Thôn, bản, khu phố có quy
mô số hộ gia đình gấp 03 lần quy định tại Thông tư của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ
chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố: 190 triệu đồng/năm.
2. Nội dung chi hoạt động:
Kinh phí hỗ trợ được chi cho
các hoạt động sau: Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa”; mừng Đảng, mừng xuân; hoạt động nhà văn hóa; công tác tuyên truyền; hoạt
động của Ban công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; hỗ trợ hàng tháng cho
những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, khu phố (bao gồm 3% bảo
hiểm y tế đối với người chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế ở các chính sách
khác).
Kết thúc niên độ ngân sách,
sau khi đã thực hiện các nội dung chi theo quy định mà vẫn còn dư được sử dụng
để chi bổ sung thu nhập tăng thêm cho người trực tiếp tham gia hoạt động ở
thôn, bản, khu phố.
Điều 9.
Nguồn kinh phí thực hiện
Từ nguồn dự toán ngân sách
hàng năm giao cho các địa phương theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách hiện
hành.
Điều
10. Hội đồng nhân dân tỉnh giao
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức
triển khai thực hiện Nghị quyết. Người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp
xã chịu trách nhiệm toàn diện trong việc xác định đối tượng, tổ chức thực hiện
các chế độ chính sách được quy định tại Nghị quyết này; không để xảy ra vi phạm,
trục lợi chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm đối
với các vi phạm (nếu có).
2. Thường trực, các ban, các
tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV Kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 19 tháng 4 năm
2024, có hiệu lực từ ngày 29 tháng 4 năm 2024 và thay thế Nghị quyết số
207/2019/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc
quy định về số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với những người
hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh
Quảng Ninh; Bãi bỏ điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 315/2020/NQ-HĐND ngày 09
tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức phụ cấp, trợ
cấp ngày công lao động đối với lực lượng dân quân trên địa bàn tỉnh Quảng
Ninh./.