ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 150/KH-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 03 tháng 4 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHỤ
NỮ, HÒA BÌNH VÀ AN NINH GIAI ĐOẠN 2024 – 2030
Thực hiện Quyết định số
101/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 – 2030,
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa
bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ,
trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần
duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của địa phương, của quốc
gia và trên phạm vi quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm
2030
a) Mục tiêu 1: Tăng
cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam nói chung
và phụ nữ Thừa Thiên Huế nói riêng trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc
phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống của
quốc gia, cũng như trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế:
- Tăng cường số lượng, tỷ lệ
cán bộ nữ trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản
lý, tại các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp. Hỗ trợ
triển khai hiệu quả các chỉ tiêu về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực chính
trị tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định
số 2282/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh
đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”: đến năm
2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền
địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; đối với một số ngành, lĩnh vực đặc
thù có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thấp dưới 30% có
thể điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị; tỷ lệ cán bộ
nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40%
vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030;
b) Mục tiêu 2: Phòng
ngừa và ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh sự cố, thảm
họa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống:
- Tăng cường hơn nữa tiếng nói,
chất lượng tham gia của phụ nữ trong các cơ chế quốc gia ứng phó với sự cố, thảm
họa, các thách thức an ninh phi truyền thống.
- Nâng cao năng lực của phụ nữ
trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh sự cố,
thảm họa và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống;
- Tăng cường sự tham gia của phụ
nữ trong giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc tại địa phương như hòa giải gia
đình, giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn xã hội và trong công tác xã hội, trợ
giúp xã hội tại địa phương;
- Nâng cao nhận thức và sự tham
gia của cộng đồng, nam giới, trẻ em trai; thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng nền
văn hóa hòa bình, chú trọng nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi quý trọng hòa
bình, phê phán và loại bỏ bạo lực, giải quyết các tranh chấp trong xã hội và
gia đình trên cơ sở pháp quyền và tôn trọng lẫn nhau; phát huy vai trò của phụ
nữ trong giáo dục, kiến tạo văn hóa hòa bình;
- Nâng cao trách nhiệm của các
cấp chính quyền và trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc
biệt trong bối cảnh sự cố, thảm họa, ứng phó với các thách thức an ninh phi
truyền thống; tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng, tổ chức, cơ chế
trong hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ trước bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt trong bối cảnh
sự cố, thảm họa, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Hỗ trợ
triển khai hiệu quả các chỉ tiêu về bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực đời sống
gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Chiến lược quốc
gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030: đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có
100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa
và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt
90% phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một
trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản;
- Hỗ trợ triển khai hiệu quả
các mục tiêu đề ra theo Lộ trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững Việt
Nam đến năm 2030, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
giai đoạn 2021 - 2025;
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các điều ước quốc tế liên quan mà Việt
Nam là thành viên và các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam.
c) Mục tiêu 3: Tăng
cường lồng ghép giới trong hoạt động cứu trợ và phục hồi, bao gồm khắc phục hậu
quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách
thức an ninh phi truyền thống:
- Xây dựng hướng dẫn về phương
pháp đánh giá tác động của hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa và các thách thức
an ninh phi truyền thống có phân tích giới, trong đó có đánh giá tác động đối với
phụ nữ và các nhu cầu đặc thù của phụ nữ trong các bối cảnh này để nâng cao hiệu
quả hoạt động cứu trợ, phục hồi;
- Tăng cường lồng ghép giới
trong các chương trình, kế hoạch cứu trợ và phục hồi, bảo đảm 100% các chương
trình, kế hoạch phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa, và các thách
thức an ninh phi truyền thống có lồng ghép giới, đánh giá mức độ rủi ro và tính
đến các nhu cầu đặc thù của phụ nữ và trẻ em gái, đối tượng dễ bị tổn thương;
- Nâng cao hiệu quả các biện
pháp nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cụ thể, phát huy vai trò và khả năng đóng
góp của phụ nữ trong công tác cứu trợ và phục hồi, bảo đảm 100% các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, các
biện pháp hỗ trợ về sinh kế, chăm sóc sức khỏe nhằm tăng cường vai trò, năng lực
và sự tham gia của phụ nữ trong quản lý rủi ro, khắc phục hậu quả chiến tranh,
phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi
truyền thống.
d) Mục tiêu 4: Tăng
cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Phụ nữ, hòa bình và an ninh:
- Tăng cường vai trò, sự tham
gia của phụ nữ Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc;
- Tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật,
tài chính, chuyên môn, kinh nghiệm của các đối tác quốc tế nhằm thực hiện hiệu
quả Chương trình hành động;
- Phát huy vai trò chủ động,
tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực Phụ nữ, hòa bình và an ninh tại các khuôn
khổ hợp tác song phương và đa phương;
- Phát huy hơn nữa vai trò của
phụ nữ trong đối ngoại, giao lưu nhân dân, hội nhập quốc tế, tham gia các cơ chế
và diễn đàn quốc tế về phụ nữ nói chung và về Phụ nữ, hòa bình và an ninh nói
riêng.
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Rà soát và hoàn thiện cơ chế,
chính sách, pháp luật nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực hòa
bình, an ninh; trong khắc phục hậu quả chiến tranh và phòng, chống, xử lý, ứng
phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống.
a) Duy trì và cập nhật các chỉ
tiêu phù hợp để đảm bảo bình đẳng giới trong tuyển dụng, trong quy hoạch, bổ
nhiệm, đề bạt nhân sự vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các lĩnh vực liên
quan đến hòa bình, an ninh, phù hợp với các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
b) Rà soát, nghiên cứu hoàn thiện
chế độ, chính sách đối với phụ nữ trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an
nhân dân, phù hợp với đặc điểm, thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực và các
mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
c) Đánh giá việc thực hiện
Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 -
2025 và các đề án, chiến lược, chính sách, pháp luật liên quan trong bối cảnh
khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa
và các thách thức an ninh phi truyền thống;
d) Rà soát và nghiên cứu hoàn
thiện các hướng dẫn, cơ chế chính sách về lồng ghép giới, đáp ứng các nhu cầu cụ
thể của phụ nữ, trẻ em gái bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong các khuôn khổ
hiện hành về khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự
cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống.
2. Nâng cao hiệu quả công tác
phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đáp ứng nhu cầu cụ thể và thúc
đẩy sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến
tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an
ninh phi truyền thống:
a) Phát triển và nhân rộng các
chương trình, mô hình nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới;
b) Rà soát, xác định một số mô
hình, thực tiễn tiêu biểu về sự tham gia trực tiếp của phụ nữ trong cứu trợ và
phục hồi trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng
phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống để phát triển,
nhân rộng;
c) Khuyến khích, hỗ trợ các
sáng kiến về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong quá trình phục hồi
trong bối cảnh khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với
sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền thống;
d) Đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, bao
gồm trên nền tảng số, trong đó tập trung tăng cường sự tham gia của phụ nữ
trong lĩnh vực hòa bình và an ninh;
đ) Đổi mới và triển khai các biện
pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng dành riêng cho phụ nữ
trong quản lý rủi ro, phòng ngừa và ứng phó với các nguy cơ bạo lực, phục hồi
và giải quyết các tác động tiêu cực của hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa và
các thách thức an ninh phi truyền thống;
e) Nâng cao nhận thức, năng lực
cho phụ nữ, trẻ em gái trong ứng phó với các thách thức trên không gian mạng;
xây dựng và nhân rộng mô hình và cách làm tốt về hỗ trợ phụ nữ ứng phó với
thách thức trên không gian mạng;
g) Tập trung nguồn lực thực hiện
công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ tại các
vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn.
3. Nâng cao năng lực và tăng cường
sự tham gia của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh
quốc tế:
a) Xây dựng, phát triển các
chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ sĩ quan, nữ
cán bộ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc;
b) Đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức
tốt các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chính sách, nâng cao năng lực
cho cán bộ nữ trong lĩnh vực quốc phòng, hòa bình, an ninh;
c) Cử và tiến cử phụ nữ tham
gia các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế trong lĩnh vực hòa bình, an
ninh, các tiến trình thương lượng, trung gian, hòa giải, các cơ chế trong lĩnh
vực hòa bình và an ninh quốc tế, ứng cử vào các vị trí tại các tổ chức quốc tế,
đặc biệt các vị trí trong lĩnh vực hòa bình, an ninh;
d) Xây dựng, triển khai các
chương trình thúc đẩy cán bộ nữ tham gia các hội nghị, tiến trình khu vực và quốc
tế trong các lĩnh vực về ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh
phi truyền thống.
4. Tích cực thúc đẩy và tham
gia các sáng kiến, giải pháp trong khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương về
Phụ nữ, hòa bình và an ninh:
a) Lồng ghép, thúc đẩy một cách
có hệ thống các nội dung về phụ nữ, hòa bình và an ninh, vấn đề bình đẳng giới
trong các khuôn khổ hợp tác song phương và tại các diễn đàn đa phương mà Việt
Nam là thành viên, nhất là Liên hợp quốc và ASEAN;
b) Nghiên cứu khả năng đăng cai
tổ chức các hội nghị, diễn đàn khu vực, quốc tế trong lĩnh vực Phụ nữ, hòa bình
và an ninh, tham gia các hoạt động quốc tế kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương
trình nghị sự về Phụ nữ, hòa bình và an ninh (2000 - 2030).
5. Tăng cường trao đổi, chia sẻ
kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế về thực hiện Chương
trình hành động quốc gia về Phụ nữ hòa bình, an ninh.
III. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Chương
trình hành động được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm: ngân sách
trung ương, ngân sách địa phương, lồng ghép nhiệm vụ chi thường xuyên trong dự
toán ngân sách nhà nước được giao nguồn vốn đầu tư, nguồn chi thường xuyên hàng
năm; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ nhiệm vụ được giao
trong Kế hoạch này, các Sở, ngành, địa phương, tổ chức lập dự toán kinh phí
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Ngoại vụ:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp
Phụ nữ tỉnh, các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp
tình hình thực hiện Chương trình hành động, tổ chức sơ kết giữa kỳ vào năm
2027, tổng kết Chương trình hành động vào năm 2030;
- Chịu trách nhiệm tổ chức thực
hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện
thực tế của ngành nhằm triển khai Chương trình hành động trong lĩnh vực đối ngoại;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành liên quan nghiên cứu nhu cầu và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử và hỗ
trợ cán bộ nữ tham gia các chương trình, tiến trình, ứng cử vào các tổ chức quốc
tế trong lĩnh vực hòa bình, an ninh;
- Phối hợp với các Sở, ngành, địa
phương triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động, tranh thủ sự hỗ trợ
quốc tế để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động theo
quy định.
2. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội:
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch
cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch này
theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành;
- Phối hợp với các cơ quan và địa
phương, tổ chức, đoàn thể liên quan bảo đảm việc thực hiện Kế hoạch hài hòa và
phù hợp với các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại các chiến lược, chương trình liên
quan trong lĩnh vực bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở
giới.
3. Công an tỉnh:
- Rà soát, hoàn thiện các hướng
dẫn thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong Công
an nhân dân; tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia
và tạo điều kiện cho sự phát triển và cống hiến của phụ nữ trong Công an nhân
dân;
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ
trong công tác giới thiệu và tiến cử cán bộ nữ tham gia các hoạt động gìn giữ
hòa bình và an ninh quốc tế;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan và địa phương, tổ chức, đoàn thể liên quan rà soát, bổ sung, ban hành các
biện pháp, hướng dẫn về bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực trên cơ
sở giới, bạo lực gia đình trong xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện
nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, khu vực
xảy ra sự cố, thảm họa, tai nạn bom mìn;
- Rà soát, phát triển và nhân rộng
mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới theo chức
năng, nhiệm vụ được phân công;
- Lồng ghép các nội dung phù hợp
về giới trong các chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phù hợp
trong lực lượng Công an nhân dân;
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch
cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch này
theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
- Rà soát, hoàn thiện các hướng
dẫn thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong Quân đội
nhân dân; tiếp tục hoàn thiện và ban hành chính sách, chế độ đặc thù, tạo điều
kiện cho sự phát triển và cống hiến của phụ nữ trong Quân đội nhân dân;
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ
trong công tác giới thiệu và tiến cử cán bộ nữ tham gia các hoạt động gìn giữ
hòa bình và an ninh quốc tế;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan và địa phương, tổ chức, đoàn thể liên quan rà soát, bổ sung, ban hành các
biện pháp, hướng dẫn về việc tăng cường lồng ghép giới, bảo đảm nguyên tắc bình
đẳng giới, đáp ứng các nhu cầu cụ thể của phụ nữ, trẻ em gái, khuyến khích sự
tham gia của phụ nữ trong các chương trình, kế hoạch khắc phục hậu quả chiến
tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an
ninh phi truyền thống;
- Lồng ghép các nội dung về giới
trong các chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng
Quân đội nhân dân, các chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức
phòng thủ dân sự cho lực lượng phòng thủ dân sự;
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch
cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch này
theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành.
5. Sở Nội vụ
- Chủ trì thực hiện Mục tiêu 1:
Tăng cường sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, có ý nghĩa của phụ nữ Việt Nam nói
chung và phụ nữ Thừa Thiên Huế nói riêng trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại,
quốc phòng, an ninh và xử lý, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống
của quốc gia, cũng như trong gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế.
6. Sở Văn hóa và Thể Thao
- Chủ trì thực hiện nội dung
liên quan đến gia đình và bạo lực gia đình như: “Tăng cường sự tham gia của phụ
nữ trong giải quyết những vấn xã hội bức xúc tại địa phương như hòa giải gia
đình”, “Thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng nền văn hóa hòa bình, chú trọng nâng cao
nhận thức, thái độ, hành vi quý trọng hòa bình, phê phán và loại bỏ bạo lực, giải
quyết các tranh chấp trong xã hội và gia đình trên cơ sở pháp quyền và tôn trọng
lẫn nhau; phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục, kiến tạo văn hóa hòa
bình”, “Rà soát, phát triển và nhân rộng mô hình về phòng, chống bạo lực gia
đình”, “Đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 90% phụ nữ và trẻ em gái bị bạo
lực được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản”.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì thực hiện nội dung
liên quan đến tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện
các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên và các quy định pháp
luật liên quan của Việt Nam.
8. Các Sở: Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; Y tế; Tài nguyên và Môi trường:
- Rà soát, bổ sung các luật,
chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, biện pháp trong lĩnh vực được phân
công phù hợp với các mục tiêu tăng cường lồng ghép giới bảo đảm nguyên tắc bình
đẳng giới, đáp ứng các nhu cầu cụ thể của phụ nữ, trẻ em gái, khuyến khích sự
tham gia của phụ nữ;
- Tổ chức nghiên cứu và ban
hành nội dung hướng dẫn, nâng cao năng lực về đánh giá tác động đặc thù về giới,
thực hiện lồng ghép giới và các nguyên tắc bình đẳng giới trong bối cảnh phòng,
chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an ninh phi truyền
thống;
- Lồng ghép các nội dung về giới
trong chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức phòng thủ dân sự
cho lực lượng phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công;
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch
cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch này
theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành.
9. Các Sở, ngành, cơ quan liên
quan tham gia, phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch
này theo chức năng, thẩm quyền của từng Sở, ngành, cơ quan.
10. Sở Tài chính chủ trì trình
cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí kinh phí chi thường xuyên hàng năm cho các cơ
quan liên quan để triển khai thực hiện Kế hoạch này theo quy định của pháp luật
về ngân sách nhà nước.
11. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã và thành phố Huế:
- Rà soát, bổ sung, lồng ghép
phù hợp các nội dung thực hiện Kế hoạch này bao gồm đánh giá tác động, trong
các kế hoạch, chiến lược, chương trình của địa phương về khắc phục hậu quả chiến
tranh, phòng, chống, xử lý, ứng phó với sự cố, thảm họa và các thách thức an
ninh phi truyền thống, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;
- Tổ chức thực hiện các kế hoạch
cụ thể để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch này
theo chức năng, thẩm quyền, điều kiện thực tế của địa phương;
- Cân đối, bố trí ngân sách địa
phương để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này do địa phương thực hiện theo
quy định về phân cấp ngân sách nhà nước.
12. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội
khác, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức, theo dõi,
phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đánh giá hiệu quả việc triển khai Kế hoạch
này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận
thức về bình đẳng giới trong nhân dân, cán bộ, công chức, người đứng đầu cấp ủy,
chính quyền địa phương và thúc đẩy sự tham gia tích cực và có ý nghĩa của phụ nữ
trong giải quyết các thách thức về hòa bình, an ninh; thực hiện việc tổ chức
triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Kế hoạch này.
13. Các Sở, cơ quan, ban, ngành
được phân công chủ trì, tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nào, chịu trách
nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện mục tiêu chỉ tiêu đó về Ban Vì sự tiến bộ của
Phụ nữ tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai
đoạn 2024 – 2030 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có khó khăn vướng mắc, các sở, ngành, địa phương phản ánh về Sở Ngoại vụ để
tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết theo quy định./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: NG, LĐTBXH;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế;
- VP: LĐ và CV: NC, XH, TH;
- Lưu: VT, ĐN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|