THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 456/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 4 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN “PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG THÍCH ỨNG VỚI
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐỂ HỖ TRỢ SẢN XUẤT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC CÁC TỈNH MIỀN NÚI,
TRUNG DU PHÍA BẮC, TỈNH TUYÊN QUANG” SỬ DỤNG VỐN VAY NHẬT BẢN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư
công ngày 13 tháng 6 năm 2019; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác
công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế
tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngày 11 tháng 01 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 114/2021/NĐ-CP
ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát
triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 97/2018/NĐ-CP
ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi
nước ngoài của Chính phủ và Nghị định số 79/2021/NĐ-CP
ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
tại văn bản số 2111/BKHĐT-KTĐN ngày 01 tháng 4 năm 2022,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng
thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh
miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Tuyên Quang” sử dụng vốn vay Nhật Bản với các
nội dung chính như sau:
1. Tên dự án: Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng
với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi,
trung du phía Bắc, tỉnh Tuyên Quang.
2. Nhà tài trợ: Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ
quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
3. Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên
Quang.
4. Mục tiêu, quy mô:
a) Mục tiêu:
- Mục tiêu tổng quát: hỗ trợ đồng bào dân tộc thuộc
phạm vi Dự án thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thay đổi nhận thức, tư duy, cách
làm, phương thức sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ nhỏ lẻ
sang sản xuất quy mô lớn phù hợp với cơ chế thị trường, thích ứng với biến đổi
khí hậu; lồng ghép với các dự án trong cùng lĩnh vực tạo ra sự cộng hưởng, phát
triển tổng hợp một cách bền vững, từng bước xóa bỏ cách biệt về phát triển giữa
các vùng, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc; góp phần ổn định an ninh, chính trị
khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Tạo liên kết vùng giữa huyện, tỉnh và các tỉnh
lân cận, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đặc biệt là khu vực miền
núi, các xã vùng sâu, vùng xa;
+ Đảm bảo nước tưới cho 175 ha lúa 2 vụ, 16 ha cây
rau, màu vụ 3 và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất thích ứng
với biến đổi khí hậu;
+ Cải thiện cơ sở hạ tầng, cảnh quan khu du lịch lịch
sử quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang;
+ Tăng cường năng lực quản lý, điều hành cho đội
ngũ cán bộ và người dân trong phạm vi Dự án.
b) Quy mô:
Dự án gồm 09 Tiểu dự án, cụ thể:
- 06 Tiểu dự án cải tạo, nâng cấp 147,1 km đường
giao thông tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và phát triển sản
xuất trên diện tích 59.948 ha, trong đó đất sản xuất lâm nghiệp là 50.647 ha,
hơn 9.300 ha đất lúa, đất màu;
- 02 Tiểu dự án thủy lợi: Sửa chữa, nâng cấp hệ thống
cống lấy nước, đập và mương thủy lợi của 04 hồ chứa nước,... để phục vụ tưới
cho 175 ha lúa 2 vụ, 16 ha cây rau, màu vụ 3 và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt
của nhân dân;
- 01 Tiểu dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu
du lịch quốc gia Tân Trào, gồm tuyến đường vào khu di tích, lán Nà Lừa, cảnh
quan hai bên đường.
5. Địa điểm:
Dự án được thực hiện tại 06 huyện của tỉnh Tuyên
Quang, bao gồm: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương.
6. Thời gian thực hiện: 2022 - 2025.
7. Tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn:
Tổng mức đầu tư: 998,2 tỷ đồng Việt Nam, tương
đương 4.893,2 triệu Yên Nhật, tương đương 43,1 triệu đô la Mỹ, trong đó:
a) Vốn vay ODA: 3.870,8 triệu Yên Nhật, tương đương
34,1 triệu đô la Mỹ, tương đương 789,64 tỷ đồng Việt Nam.
b) Vốn đối ứng: 208,56 tỷ đồng Việt Nam, tương
đương 9,0 triệu đô la Mỹ, tương đương 1.022,4 triệu Yên Nhật.
8. Cơ chế tài chính trong nước và phương thức cho
vay lại:
- Đối với vốn vay ODA: ngân sách trung ương cấp
phát 90%, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang vay lại 10%.
- Đối với vốn đối ứng: Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên
Quang bố trí toàn bộ vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương.
Điều 2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi công hàm cho Đại sứ quán Nhật Bản
tại Việt Nam đề nghị Chính phủ Nhật Bản cung cấp vốn vay cho Dự án.
Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp thu các ý kiến góp ý
nêu tại Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án để
hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt đầu tư theo quy định hiện hành; chịu trách nhiệm
toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán về nội
dung, số liệu báo cáo và hiệu quả đầu tư của Dự án, bảo đảm thực hiện theo đúng
quy định của pháp luật.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Tư
pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Thủ trưởng các cơ quan có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TTg, PTTgTT Phạm Bình Minh;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Xuân Thành, các Vụ: KTTH, TH;
- Lưu: VT, QHQT (3). HQ.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Bình Minh
|