Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3544/QĐ-BYT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Y tế Người ký: Nguyễn Trường Sơn
Ngày ban hành: 21/07/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3544/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều số 60/2020/QH14 ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 75/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ngành Y tế giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ông, bà Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Y tế, Tổng cục trưởng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ban chỉ đạo TƯ về PCTT (để b/c);
- Ủy ban Quốc gia ƯPSC TT & TKCN (để b/c);
- Thành viên BCH PCTT & TKCN Bộ Y tế;
- VPTT BCH PCTT và TKCN Bộ Y tế;
- Lưu: VT, KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3544/QĐ-BYT ngày 21 tháng 07 năm 2021)

Phần thứ nhất

ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI, NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI, THẢM HỌA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. ĐẶC ĐIỂM VỀ TỰ NHIÊN VÀ KHÍ HẬU VIỆT NAM ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÔNG TÁC BẢO ĐẢM Y TẾ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI, THẢM HỌA

1. Điều kiện tự nhiên

a) Việt Nam nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương, tổng diện tích đất liền là 329.241 km²; phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào và Campuchia với đường biên giới đất liền dài 3.730 km; phía Đông, Nam và Tây Nam là Biển Đông và Vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài 3.260km. Địa hình, địa chất rất đa dạng, bao gồm ba dạng địa hình chính là đồi, núi và đồng bằng; trong đó: đồi núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ được hình thành qua quá trình vận động và phát triển lâu dài; địa hình đồi núi rất đa dạng về cao độ và hướng; kéo dài trên 1.400 km từ cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) đến vùng Đông Nam Bộ; Đồng bằng chiếm 1/3 diện tích, nằm ở hạ lưu các con sông, trong đó: rộng lớn nhất là đồng bằng sông Cửu Long; vùng ven biển và hải đảo, nước ta có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ phân bố dọc theo đường bờ biển chạy dài từ Bắc đến Nam theo hướng kinh tuyến, kéo từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới Hà Tiên (Kiên Giang), với tổng chiều dài bờ biển là 3.260 km. Đặc điểm nổi bật bờ biển nước ta là khúc khuỷu, nhiều eo, vụng, vũng ven bờ, trung bình 20 km chiều dài đường bờ biển có một con sông chảy cắt ngang với tổng số khoảng 114 cửa sông đổ ra biển. Với địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, chia cắt mạnh; vùng đồng bằng, trừ hai đồng bằng lớn là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, các đồng bằng miền Trung đều nhỏ hẹp; đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Do vậy thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai từ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, bão, lũ, nước biển dâng và các tác động từ biển.

b) Đặc điểm khí hậu Việt Nam nằm trọn trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhưng phân bố thành 3 vùng khí hậu riêng biệt, miền Bắc và Bắc Trung Bộ là khí hậu cận nhiệt đới ẩm. Miền Trung và Nam Trung bộ là khí hậu nhiệt đới gió mùa, miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ mang đặc điểm nhiệt đới có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô; chịu ảnh hưởng trực tiếp của kiểu khí hậu gió mùa mậu dịch, thường thổi ở các vùng vĩ độ thấp.

Đặc điểm về hình thái thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hình thành hầu hết các loại hình thiên tai, cùng với những tác động thiếu bền vững về kinh tế xã hội ở trong nước, các quốc gia có chung đường biên giới và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nước biển dâng, các loại hình thiên tai có diễn biến với xu thế ngày càng cực đoan, tính chất và mức độ nguy hiểm ngày càng lớn ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

2. Tình hình thiên tai

Do ảnh hưởng vị trí địa lý và địa hình, Việt Nam là một trong 05 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, thiên tai trên thế giới cũng như trong nước diễn biến ngày càng phức tạp với những yếu tố cực đoan, khó lường gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản. Thiên tai đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn và phát triển bền vững của đất nước, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến cực đoan, mang tính dị thường và trái quy luật, nhiều khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần). Thiên tai có xu thế ngày càng gia tăng bất thường, số lần xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ ngày càng lớn, thiệt hại nghiêm trọng hơn, nhất là bão mạnh, siêu bão, mưa đặc biệt lớn, ngập lụt diện rộng, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại, hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn, dông, lốc sét,… Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xuất hiện nhiều với diễn biến phức tạp; tình trạng ngập lụt tại nhiều vùng phạm vi rộng, thời gian kéo dài, độ ngập sâu hơn đặc biệt là khu vực miền Trung và các đô thị lớn; lòng dẫn ở hầu hết các hệ thống sông chính ở hạ du bị xói sâu, mực nước mùa kiệt bị hạ thấp, thảm phủ bị suy giảm, lũ quét, sạt lở đất thường xuyên xảy ra,… Diễn biến thiên tai nêu trên đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng, tài sản, môi trường sống, sản xuất, kinh doanh của xã hội, đe dọa các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của đất nước.

Trong vòng 20 năm gần đây, bão có xu thế xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ ngày càng lớn và diễn biến ngày càng phức tạp uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng của nhân dân và các hoạt động ở ven biển, trên biển. Mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên kể cả diện rộng và cục bộ trên phạm vi cả nước đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực; Lũ có thể xảy ra đồng thời với bão hoặc áp thấp nhiệt đới nhưng cũng có thể xảy ra khi có sự kết hợp của các hình thái thời tiết: không khí lạnh, giải hội tụ nhiệt đới, xoáy thuận v.v… hoặc có thể phát sinh ở thượng nguồn các con sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây ra lũ lớn trên hầu hết các sông là do mưa lớn sau bão, áp thấp nhiệt đới.

Do đặc điểm về địa hình: lũ ở miền Bắc là lên nhanh xuống chậm, ở miền Trung là lên nhanh xuống nhanh; ở miền Nam là lên chậm và xuống chậm. Lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra ở vùng đồi núi, nơi có độ dốc lớn, địa chất yếu, xen kẹp, cường độ mưa lớn. Lũ quét cũng có thể xảy ra do vỡ hồ chứa, sạt lở đất, bồi lấp, cản trở dòng chảy... Lũ quét đã và đang có nguy cơ xảy ra hầu khắp 33 tỉnh trong cả nước thuộc 4 vùng: vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Lũ quét, sạt lở đất thường phát sinh bất ngờ, xảy ra trong phạm vi hẹp nhưng rất khốc liệt và thường gây những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Trong vòng 20 năm qua, lũ quét đã làm gần 1.000 người chết và mất tích; Riêng 10 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 7 trận sạt lở đất kinh hoàng đã làm trên 100 người chết và mất tích, trong đó có nhiều sỹ quan, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đặc biệt là các trận sạt lở đất ở thuỷ điện Rào Trăng 3, tiểu khu 67 huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), huyện Hướng Hoá (Quảng Trị); xã Trà Leng, Trà Vân thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam).

Trong những năm gần đây, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp cả về phạm vi và cường độ; Ngoài ra, còn nhiều thiên tai khác đã và đang có chiều hướng gia tăng như gió mạnh trên biển, dông lốc, sét, sương mù, mưa đá... cũng gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Trong thời gian tới, cùng với biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai nhận định là sẽ ngày càng cực đoan, bất thường, tác động mạnh đến nền kinh tế với quy mô ngày càng lớn và dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, nhiều hoạt động còn làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền để có những định hướng chiến lược lâu dài đối với công tác phòng chống thiên tai.

Vì vậy, các cấp, các ngành và địa phương nhất là Ngành Y tế cần theo dõi, đánh giá, dự báo được tình hình thời tiết, khí hậu đặc biệt là khí hậu cực đoan để xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế. Đánh giá đúng tình hình; thực hiện phương châm 4 tại chỗ sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là sẵn sàng các phương án về y tế; bảo đảm an toàn cho người, cơ sở y tế, tài sản của nhà nước và nhân dân.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TKCN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

Triển khai thực hiện tốt Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế; Ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn của Bộ Y tế hàng năm; Ban hành các công điện khẩn và các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống bão, lụt, lũ quét chỉ đạo triển khai công tác đáp ứng y tế khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ chủ động trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

2. Công tác trực ban, trực phòng chống thiên tai

Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về trao đổi thông tin, cập nhật tình hình thời tiết, dự báo bão, áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ, khả năng ảnh hưởng để có phương án phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra; tổ chức trực ban thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn 3 cấp;

3. Công tác tổ chức phối hợp tập huấn, diễn tập, hội nghị triển khai

Tổ chức hội nghị tập huấn công tác đáp ứng y tế trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm; đặc biệt là các khu vực chịu thiệt hại nặng do đợt bão lũ; tham gia hội thảo, diễn tập về phòng chống thiên tai nhằm nâng cao năng lực chỉ huy điều hành và thực hành phòng chống.

4. Công tác bảo đảm hậu cần phòng chống thiên tai

Tổ chức tốt công tác tạo nguồn, tiếp nhận, cấp phát hàng phòng chống thiên tai; thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế trong phòng chống thiên tai.

5. Công tác giám sát, kiểm tra, báo cáo

Chủ động triển khai, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương, đơn vị; thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do Chính phủ chỉ đạo.

MỘT SỐ KHÓ KHĂN, TỒN TẠI

1. Việc triển khai nắm bắt thông tin về thiên tai còn chậm; phương tiện trang bị cho việc chỉ đạo điều hành còn hạn chế nhất là khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp;

2. Việc tạo nguồn bảo đảm thuốc, hóa chất vật tư y tế còn hạn chế; đặc biệt, cơ chế, cơ sở pháp lý việc mua cơ số thuốc phòng chống lụt bão, thiên tai còn nhiều vướng mắc;

3. Thiên tai diễn biến bất thường, trong khi các địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng kịch bản đối phó, hoặc thực tế vượt khả năng bảo đảm nên thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm vẫn lớn;

4. Việc xây dựng các tổ đội cơ động, phương tiện bảo đảm trong chống chống thiên tai của các lực lượng tham gia còn hạn chế; chưa có lực lượng chuyên nghiệp được huấn luyện, trang bị bài bản cho các tình huống, chưa đáp ứng yêu cầu.

5. Hợp tác quốc tế còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại khu vực và trên thế giới.

6. Kinh phí phòng chống thiên tai của Ngành Y tế và các địa phương còn hạn chế; chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực của Ngành Y tế, chủ động ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống khẩn cấp về y tế trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm tối đa thiệt hại về người, cơ sở vật chất của Ngành y tế, tài sản Nhà nước và nhân dân; nhanh chóng ổn định cơ sở khám chữa bệnh và y tế dự phòng; tổ chức triển khai có hiệu quả nhiệm vụ cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị cho nhân dân và các lực lượng khác trên địa bàn.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách của ngành Y tế trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai.

2.2. Nâng cao nhận thức, chất lượng hoạt động của các tổ chức, các lực lượng tham gia bảo đảm y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong Ngành Y tế.

2.3. Tổ chức tạo nguồn, dự trữ vật chất; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nước, nguồn viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

2.4. Tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, năng lực về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng; tích hợp nội dung phòng chống thiên tai vào các hoạt động của ngành y tế; Thực hiện tốt phương châm ''Bốn tại chỗ'' đó là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ;

Xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao chủ động trong phòng chống thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn;

Xây dựng chương trình và tập huấn, huấn luyện cho cán bộ y tế, lực lượng hỗ trợ cho công tác y tế, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị trong ngành y tế, các đội hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT), đội cấp cứu ngoại viện về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách của ngành Y tế trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

Hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ triển khai kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của Ngành y tế:

- Thông tư quy định về công tác hỗ trợ y tế trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Các quy định về hướng dẫn thanh toán kinh phí, vật chất hỗ trợ y tế trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; quy định về chính sách đối với nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Thông tư quy định về hoạt động của đội hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT) và các quy trình chuẩn trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Hướng dẫn công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp vừa có dịch bệnh lưu hành tại địa phương.

- Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về tiêu chí trạm y tế an toàn về phòng, chống thiên tai; Quyết định về công tác dự trữ, danh mục thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Quy trình quản lý, bảo quản, cấp phát, vận chuyển thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế bảo đảm cho phòng chống thiên tai.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, giữa Bộ Y tế với các Bộ, ngành Trung ương, địa phương về việc triển khai Kế hoạch phòng, chống thiên tai của Ngành y tế; quy chế phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn: chính quyền địa phương, thôn, đội, lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp tham gia ứng phó sự cố thiên tai thảm họa.

- Quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai.

- Sở Y tế, y tế địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định mới đảm bảo sự thống nhất, phù hợp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của địa phương.

3. Nâng cao nhận thức, chất lượng hoạt động của các tổ chức, các lực lượng tham gia bảo đảm y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Tổ chức rà soát, bổ sung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế (theo hướng tích hợp các nhiệm vụ) theo quy định của pháp luật;

Xây dựng, kiện toàn, huấn luyện nâng cao năng lực, trang bị cho các tổ đội huy động ngành y tế của các địa phương (theo quy định của Nghị định 129/2014/NĐ-CP về giao chỉ tiêu huy động ngành y tế khi có chiến tranh và các tình huống khẩn cấp và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng);

Nghiên cứu xây dựng các đội hỗ trợ y tế tại xã, phường trên cơ sở lực lượng dân quân tự vệ (là lực lượng xung kích tại cơ sở); tham gia xây dựng mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng ở các vùng trọng điểm;

Rà soát, hoàn thiện quy định về phân công, phân cấp huy động nguồn lực trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các cơ sở y tế để chủ động nguồn lực trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch và lựa chọn địa điểm đầu tư các cơ sở y tế an toàn, không nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, ngập, lụt.

Tổ chức diễn tập đáp ứng y tế trong trường hợp các loại thiên tai khác nhau tại những địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai; Xây dựng và chia sẻ những mô hình quản lý thiên tai hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

4. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Sở Y tế, y tế các địa phương tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch, bố trí, triển khai sử dụng hiệu quả ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai hợp lý, tránh lãng phí và huy động các nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Đầu tư, nâng cấp, di dời các cơ sở y tế đã xuống cấp hoặc nằm trong khu vực thấp, trũng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông; tổ chức tạo nguồn, dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, sản phẩm dinh dưỡng (dành cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi) và trang bị cho đội cấp cứu tại hiện trường sẵn sàng trong các tình huống thiên tai, thảm họa; các trạm y tế xã, phường được trang bị y tế cơ bản để phục vụ công tác khám chữa bệnh không bị gián đoạn khi xảy ra thiên tai, thảm họa;

Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó y tế khẩn cấp trước, trong và sau thiên tai như: máy phát điện, máy lọc nước, máy phun hóa chất khử khuẩn, bộ đẻ sạch…; lập danh sách các xe gầm cao (kể cả xe tải) để đưa vào danh sách sẵn sàng huy động khi cần vận chuyển bệnh nhân, phụ nữ có thai tại các vùng bị chia cắt; trang bị đầy đủ áo phao, bè cứu hộ cho các trạm y tế nằm trong vùng có nguy cơ ngập, lụt để nhân viên y tế di chuyển trong vùng lũ; xây dựng phương án huy động, trưng dụng các container lạnh để bảo quản tử thi…;

5. Công tác dự báo, cảnh báo, ứng dụng khoa học công nghệ

Nghiên cứu, xây dựng, nâng cấp Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế có thể kết nối với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Quốc gia và các Sở Y tế nhằm chủ động trong công tác quản lý và chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Ngành y tế;

Áp dụng công nghệ 4.0 để tăng cường kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (email, phần mềm, mạng xã hội facebook, zalo, viber… cũng như duy trì hệ thống điện thoại cố định) phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó và thông tin về thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Nghiên cứu, tổ chức hệ thống trực ban 3 cấp: Bộ Y tế, Sở Y tế và Trung tâm Y tế huyện để giúp cho thông tin được thông suốt giữa các cấp.

Ban hành các mẫu báo cáo, công điện để thống nhất giữa các đơn vị trong ngành y tế (định kỳ, đột xuất, khẩn cấp…).

6. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai

Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chuyên gia trong đào tạo, nghiên cứu, xây dựng các mô hình phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai giữa các nước ASEAN - Nhật Bản;

Thành lập đội Hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT) theo tiêu chuẩn của WHO.

Hoàn thiện Bộ tài liệu hướng dẫn trong việc cử hoặc tiếp nhận các đội Hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT) làm nhiệm vụ trong khu vực ASEAN (thủ tục hải quan, công tác hậu cần, các vấn đề pháp lý…).

Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực trong công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành y tế. Chủ động nắm tình hình và đề xuất thường xuyên, đột xuất các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt từ Tổ chức y tế thế giới, UNICEF, UNFPA…

Xây dựng phương án tiếp nhận hàng viện trợ của các tổ chức Chính phủ, Phi Chính phủ nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng như phương án sẵn sàng hỗ trợ các nước khi có yêu cầu.

III. NGÂN SÁCH

- Ngân sách chi cho công tác phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Chương trình cấp Bộ): dự kiến 7-10 tỷ đồng/năm; bao gồm:

- Ngân sách chi thường xuyên của các đơn vị;

- Nguồn từ các Dự án, Đề án, Chương trình mục tiêu Quốc gia;

- Nguồn Viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế;

- Nguồn hợp pháp khác: Quỹ Phòng chống thiên tai của các địa phương, Ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân…

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế

- Hàng năm, căn cứ chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; căn cứ nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch; điều phối việc thực hiện các chương trình và các dự án trong khuôn khổ kế hoạch hành động.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo đảm y tế phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác; xây dựng cơ chế chính sách, phối kết hợp thực thi các hoạt động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai, thảm họa. Chỉ đạo các bộ phận chức năng và điều phối các hoạt động tăng cường vận động hỗ trợ quốc tế cho việc triển khai Kế hoạch hành động.

- Tổ chức trực, tổng hợp, báo cáo, đề xuất các phương án xử lý các tình huống về đáp ứng y tế phòng chống thiên tai thảm họa; Xây dựng trình Lãnh đạo Bộ ban hành các công điện chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương; đề xuất cấp phát hàng dự trữ cho các đơn vị địa phương triển khai;

- Tổ chức đoàn công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất các đơn vị về chuẩn bị các phương án ứng phó sự cố thiên tai.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết; tổng hợp báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

2. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm

- Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động và kế hoạch ngân sách hàng năm cho công tác bảo đảm y tế phòng chống thiên tai của địa phương.

- Chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách cho các hoạt động bảo đảm y tế phòng, chống thiên tai theo kế hoạch ngân sách chung của y tế địa phương.

- Củng cố hệ thống thu thập, báo cáo, giám sát tình hình diễn biến bệnh tật, tử vong có liên quan đến thiên tai tại địa phương.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế thuộc quyền triển khai thực hiện các công tác tuyên truyền, huấn luyện/đào tạo, giám sát, đánh giá... các hoạt động về chuẩn bị, đáp ứng và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa xây dựng cộng đồng an toàn nhằm nâng cao kiến thức phòng chống tai nạn, thương tích, kỹ năng tư vấn, thực hành cấp cứu của cán bộ y tế tuyến dưới.

- Tăng cường củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường nguồn lực cho hệ thống cấp cứu cơ động, giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra. Tổ chức hệ thống cấp cứu, vận chuyển cấp cứu để đưa người bị nạn vào các cơ sở cấp cứu nhanh nhất, an toàn nhất.

- Tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của địa phương và báo cáo kết quả về Bộ Y tế. Tổ chức sơ kết hàng năm và khen thưởng, khuyến khích các đơn vị thực hiện tốt các hoạt động.

3. Các Vụ, Cục thuộc Cơ quan Bộ Y tế

Căn cứ vào nội dung của Chương trình hành động, theo chức năng nhiệm vụ của của các cơ quan, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế: Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế, Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm, Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính… hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ liên quan đến bảo đảm y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.

4. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế

- Xây dựng triển khai Kế hoạch bảo đảm y tế phòng chống thiên tai theo chức năng nhiệm vụ được giao và theo sự chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.

- Tiến hành nghiên cứu liên ngành về các yếu tố nguy cơ dẫn đến/làm gia tăng thiên tai, thảm họa; tổ chức nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp can thiệp trong phòng chống thiên tai phổ biến áp dụng rộng rãi trong cả nước.

- Chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với y tế địa phương tổ chức đánh giá tình hình thiên tai, năng lực và việc triển khai các hoạt động phòng và giảm nhẹ hậu quả thiên tai để các địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền về chuẩn bị và đáp ứng với các tình huống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn xây dựng các tài liệu về xử trí, sơ cấp cứu, vận chuyển các nạn nhân; chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản thường gặp trong các tình huống thiên tai.

- Chủ động xây dựng năng lực đơn vị trong việc chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai. Đảm bảo dự trữ đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế cấp cứu điều trị cho nhân dân, phương tiện vận tải sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đưa các tiêu chí bệnh viện an toàn vào kế hoạch xây mới, sửa chữa và nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh.

- Các trường Đại học thuộc ngành Y tế xây dựng tài liệu đào tạo và giảng dạy cho sinh viên và học viên y khoa, y tế công cộng, y học dự phòng về công tác phòng, chống và đáp ứng, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, thảm họa.

Căn cứ nhiệm vụ, kinh phí được giai hằng năm, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế xây dựng kế hoạch trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt; Hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện…

Nhận được kế hoạch này, các địa phương, đơn vị khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc xin liên hệ về Văn phòng Thường trực ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, giải quyết./.


PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA BỘ Y TẾ GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3544/QĐ-BYT ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Bộ Y tế)

TT

Nội dung hoạt động

Tiến độ triển khai

Đơn vị thực hiện

Ghi chú

2021

2022

2023

2024

2025

1.

Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, năng lực về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

1.1.

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung các Chỉ thị, Nghị định, Quyết định, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

x

x

x

x

x

- Văn phòng TT, Vụ TT&TĐKT

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế

1.2.

Xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao chủ động trong phòng chống thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn

x

x

x

x

x

- Văn phòng TT, Vụ TT&TĐKT

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế

1.3.

Xây dựng Kế hoạch, chương trình và tập huấn, huấn luyện cho cán bộ y tế, lực lượng hỗ trợ cho công tác y tế, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị trong ngành y tế, các đội hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT), đội cấp cứu ngoại viện về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

x

x

x

x

x

- Văn phòng TT và các Vụ, Cục liên quan.

2.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách của ngành Y tế trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

2.1.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ triển khai kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của ngành y tế

x

x

x

x

x

- Văn phòng TT

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế

2.2.

Sở Y tế, y tế địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định mới đảm bảo sự thống nhất, phù hợp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả. thiên tai; điều chỉnh, lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của địa phương.

x

x

x

x

x

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

3.

Nâng cao nhận thức, chất lượng hoạt động của các tổ chức, các lực lượng tham gia bảo đảm y tế phòng chống thiên tai và TKCN

3.1.

Tổ chức rà soát, bổ sung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn hệ thống tổ chức Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

x

x

- Văn phòng TT,

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

3.2.

Xây dựng, kiện toàn, huấn luyện nâng cao năng lực, trang bị cho các tổ đội huy động ngành y tế của các địa phương.

x

x

x

x

- Văn phòng TT,

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố.

3.3.

Nghiên cứu xây dựng các đội hỗ trợ y tế tại xã, phường trên cơ sở lực lượng dân quân tự vệ.

x

x

x

x

- Văn phòng TT,

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

3.4.

Rà soát, hoàn thiện quy định về phân công, phân cấp huy động nguồn lực trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các cơ sở y tế để chủ động nguồn lực trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

x

x

x

- Văn phòng TT

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế

3.5.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch và lựa chọn địa điểm đầu tư các cơ sở y tế an toàn, không nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, ngập, lụt.

x

x

x

x

x

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

3.6.

Tổ chức diễn tập đáp ứng y tế trong trường hợp các loại thiên tai khác nhau tại những địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai; Xây dựng và chia sẻ những mô hình quản lý thiên tai hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

x

x

x

x

x

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế

4.

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

4.1.

Sở Y tế, y tế các địa phương tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch, bố trí, triển khai sử dụng hiệu quả ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai.

x

x

x

x

x

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

4.2.

Các trạm y tế xã, phường được trang bị y tế cơ bản để phục vụ công tác khám chữa bệnh không bị gián đoạn khi xảy ra thiên tai, thảm họa.

x

x

x

x

x

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

4.3.

Tổ chức tạo nguồn, dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, sản phẩm dinh dưỡng (dành cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi) và trang bị cho đội cấp cứu tại hiện trường sẵn sàng trong các tình huống thiên tai, thảm họa.

x

x

x

x

x

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

4.4.

Đầu tư, nâng cấp, di dời các cơ sở y tế đã xuống cấp hoặc nằm trong khu vực thấp, trũng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông.

x

x

x

x

x

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

4.5.

Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó y tế khẩn cấp trước, trong và sau thiên tai.

x

x

x

x

x

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

- Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế

5.

Công tác dự báo, cảnh báo, ứng dụng khoa học công nghệ

5.1.

Nghiên cứu, xây dựng, nâng cấp Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế

x

x

x

x

x

Văn phòng TT

5.2.

Tăng cường kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (email, phần mềm, mạng xã hội facebook, zalo, viber… cũng như duy trì hệ thống điện thoại cố định) phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó và thông tin về thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

x

x

x

x

x

- Văn phòng TT và các Vụ, Cục

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

- Các đơn vị trực thuộc Bộ

5.3.

Tổ chức hệ thống trực ban 3 cấp: Bộ Y tế, Sở Y tế và Trung tâm Y tế huyện.

x

x

x

- Văn phòng TT và các Vụ, Cục

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

- Các đơn vị trực thuộc Bộ

5.4.

Ban hành các mẫu báo cáo, công điện để thống nhất giữa các đơn vị trong ngành y tế (định kỳ, đột xuất, khẩn cấp…)

x

x

- Văn phòng TT

6.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống thiên tai

6.1.

Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chuyên gia trong đào tạo, nghiên cứu, xây dựng các mô hình phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai giữa các nước ASEAN - Nhật Bản

x

x

x

x

x

- Văn phòng TT và các Vụ, Cục

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố.

- Các đơn vị trực thuộc Bộ.

6.2.

Thành lập đội Hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT) theo tiêu chuẩn của WHO

x

x

x

x

x

Văn phòng TT và các Vụ, Cục liên quan.

6.3.

Bộ tài liệu hướng dẫn trong việc cử hoặc tiếp nhận các đội Hỗ trợ y tế khẩn cấp (EMT) làm nhiệm vụ trong khu vực ASEAN (thủ tục hải quan, công tác hậu cần, các vấn đề pháp lý…)

x

x

x

x

x

Văn phòng TT và các Vụ, Cục liên quan.

6.4.

Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực trong công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành y tế. Chủ động nắm tình hình và đề xuất thường xuyên, đột xuất các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt từ Tổ chức y tế thế giới, UNICEF, UNFPA…

x

x

x

x

x

- Văn phòng TT và các Vụ, Cục

- Sở Y tế các tỉnh/thành phố

- Các đơn vị trực thuộc Bộ.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 3544/QĐ-BYT ngày 21/07/2021 về Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ngành Y tế giai đoạn 2021-2025 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


244

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.178.122
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!