Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Văn bản hợp nhất 10/VBHN-BGDĐT 2022 Thông tư Chương trình giáo dục phổ thông

Số hiệu: 10/VBHN-BGDĐT Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Nguyễn Hữu Độ
Ngày ban hành: 30/12/2022 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/VBHN-BGDĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

THÔNG TƯ

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Thông tư số 20/2021/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2021.

2. Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 8 năm 2022.

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Theo Biên bản thẩm định của các Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.[1]

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm:

1. Chương trình tổng thể.

2. Các chương trình môn học và hoạt động giáo dục của cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

Điều 2. Chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo lộ trình như sau:

1. Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

2. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.

3. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

4. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

5. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Điều 3.[2] Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2019 và thay thế Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

1. Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được áp dụng cho đến khi các quy định tại Điều 2 của Thông tư này được thực hiện.

2. Đối với các lớp của cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông chưa thực hiện được môn Ngoại ngữ theo lộ trình quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 2 của Thông tư này, tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đến hết lớp 12.

3. Đối với môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BGDĐT ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung học phổ thông.

4.[3] Đối với các lớp của cấp trung học cơ sở chưa thực hiện được môn Tin học theo lộ trình quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 2 của Thông tư này, tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc;
- Cổng TTĐT Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, GDTrH, GDTH, PC.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ

(Ban hành kèm theo Thông tư ban hành Chương trình giáo dục phổ thông)

MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU

I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

II. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

III. YÊU CẦU CẦN ĐẠT VỀ PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC

IV. KẾ HOẠCH GIÁO DỤC

V. ĐỊNH HƯỚNG VỀ NỘI DUNG GIÁO DỤC

VI. ĐỊNH HƯỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

VII. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

VIII. PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

IX. GIẢI THÍCH CHƯƠNG TRÌNH

LỜI NÓI ĐẦU

Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế của nước ta chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, môi trường văn hoá còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa hội đủ các nhân tố để phát triển nhanh và bền vững.

Cũng trong khoảng thời gian trước và sau khi nước ta tiến hành đổi mới, thế giới chứng kiến những biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư nối tiếp nhau ra đời, kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển. Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu. Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hoá vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI) đã thông qua Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Mục tiêu đổi mới được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.”

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật liên quan. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành tổng kết, đánh giá chương trình và sách giáo khoa hiện hành nhằm xác định những ưu điểm cần kế thừa và những hạn chế, bất cập cần khắc phục; nghiên cứu bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá trong nước và quốc tế; triển khai nghiên cứu, thử nghiệm một số đổi mới về nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục; tổ chức tập huấn về lí luận và kinh nghiệm trong nước, nước ngoài về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông. Trước khi ban hành chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến từ nhiều cơ quan, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên trong cả nước cũng như từ các chuyên gia tư vấn quốc tế và công bố dự thảo chương trình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân. Chương trình đã được các Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình giáo dục phổ thông xem xét, đánh giá và thông qua.

I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

1. Chương trình giáo dục phổ thông là văn bản thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, làm căn cứ quản lí chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục phổ thông.

2. Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có của Việt Nam, đồng thời tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, những tiến bộ của thời đại về khoa học - công nghệ và xã hội; phù hợp với đặc điểm con người, văn hoá Việt Nam, các giá trị truyền thống của dân tộc và những giá trị chung của nhân loại cũng như các sáng kiến và định hướng phát triển chung của UNESCO về giáo dục; tạo cơ hội bình đẳng về quyền được bảo vệ, chăm sóc, học tập và phát triển, quyền được lắng nghe, tôn trọng và được tham gia của học sinh; đặt nền tảng cho một xã hội nhân văn, phát triển bền vững và phồn vinh.

3. Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó.

4. Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học với nhau và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.

5. Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng mở, cụ thể là:

a) Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

b) Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

c) Chương trình bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế.

II. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

III. YÊU CẦU CẦN ĐẠT VỀ PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC

1. Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

2. Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi sau:

a) Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo;

b) Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.

Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu của học sinh.

3. Những yêu cầu cần đạt cụ thể về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi được quy định tại Mục IX Chương trình tổng thể và tại các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

IV. KẾ HOẠCH GIÁO DỤC

Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp (gọi tắt là các môn học lựa chọn) và các môn học tự chọn.

Thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và 2 buổi/ngày đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước.

1. Giai đoạn giáo dục cơ bản

1.1. Cấp tiểu học

a) Nội dung giáo dục

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).

b) Thời lượng giáo dục

Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút. Cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp tiểu học

Nội dung giáo dục

Số tiết/năm học

Lớp 1

Lớp 2

Lớp 3

Lớp 4

Lớp 5

Môn học bắt buộc

Tiếng Việt

420

350

245

245

245

Toán

105

175

175

175

175

Ngoại ngữ 1

140

140

140

Đạo đức

35

35

35

35

35

Tự nhiên và Xã hội

70

70

70

Lịch sử và Địa lí

70

70

Khoa học

70

70

Tin học và Công nghệ

70

70

70

Giáo dục thể chất

70

70

70

70

70

Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật)

70

70

70

70

70

Hoạt động giáo dục bắt buộc

Hoạt động trải nghiệm

105

105

105

105

105

Môn học tự chọn

Tiếng dân tộc thiểu số

70

70

70

70

70

Ngoại ngữ 1

70

70

Tổng số tiết/năm học (không kể các môn học tự chọn)

875

875

980

1050

1050

Số tiết trung bình/tuần (không kể các môn học tự chọn)

25

25

28

30

30

1.2. Cấp trung học cơ sở

a) Nội dung giáo dục

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

b) Thời lượng giáo dục

Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường trung học cơ sở đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp trung học cơ sở

Nội dung giáo dục

Số tiết/năm học

Lớp 6

Lớp 7

Lớp 8

Lớp 9

Môn học bắt buộc

Ngữ văn

140

140

140

140

Toán

140

140

140

140

Ngoại ngữ 1

105

105

105

105

Giáo dục công dân

35

35

35

35

Lịch sử và Địa lí

105

105

105

105

Khoa học tự nhiên

140

140

140

140

Công nghệ

35

35

52

52

Tin học

35

35

35

35

Giáo dục thể chất

70

70

70

70

Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật)

70

70

70

70

Hoạt động giáo dục bắt buộc

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

105

105

105

105

Nội dung giáo dục của địa phương

35

35

35

35

Môn học tự chọn

Tiếng dân tộc thiểu số

105

105

105

105

Ngoại ngữ 2

105

105

105

105

Tổng số tiết học/năm học (không kể các môn học tự chọn)

1015

1015

1032

1032

Số tiết học trung bình/tuần (không kể các môn học tự chọn)

29

29

29,5

29,5

2.[4] Giai đoạn định hướng nghề nghiệp

2.1. Nội dung giáo dục

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học lựa chọn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn.

Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

2.2. Thời lượng giáo dục

Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường trung học phổ thông đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảng tổng hợp kế hoạch giáo dục cấp trung học phổ thông

Nội dung giáo dục

Số tiết/năm học/lớp

Môn học bắt buộc

Ngữ văn

105

Toán

105

Ngoại ngữ 1

105

Lịch sử

52

Giáo dục thể chất

70

Giáo dục quốc phòng và an ninh

35

Môn học lựa chọn

Địa lí

70

Giáo dục kinh tế và pháp luật

70

Vật lí

70

Hóa học

70

Sinh học

70

Công nghệ

70

Tin học

70

Âm nhạc

70

Mĩ thuật

70

Chuyên đề học tập lựa chọn (3 cụm chuyên đề)

105

Hoạt động giáo dục bắt buộc

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

105

Nội dung giáo dục của địa phương

35

Môn học tự chọn

Tiếng dân tộc thiểu số

105

Ngoại ngữ 2

105

Tổng số tiết học/năm học (không kể các môn học tự chọn)

997

Số tiết học trung bình/tuần (không kể các môn học tự chọn)

28,5

V. ĐỊNH HƯỚNG VỀ NỘI DUNG GIÁO DỤC

Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện mục tiêu giáo dục hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh thông qua các nội dung giáo dục ngôn ngữ và văn học, giáo dục toán học, giáo dục khoa học xã hội, giáo dục khoa học tự nhiên, giáo dục công nghệ, giáo dục tin học, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục hướng nghiệp. Mỗi nội dung giáo dục đều được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có một số môn học và hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi.

Căn cứ mục tiêu giáo dục và yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực ở từng giai đoạn giáo dục và từng cấp học, chương trình mỗi môn học và hoạt động giáo dục xác định mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và nội dung giáo dục của môn học, hoạt động giáo dục đó. Giai đoạn giáo dục cơ bản thực hiện phương châm giáo dục toàn diện và tích hợp, bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp thực hiện phương châm giáo dục phân hoá, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Cả hai giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp đều có các môn học tự chọn; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có thêm các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn, nhằm đáp ứng nguyện vọng, phát triển tiềm năng, sở trường của mỗi học sinh.

1. Giáo dục ngôn ngữ và văn học

Giáo dục ngôn ngữ và văn học có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tình cảm, tư tưởng và hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật, nhà trường bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, đặc biệt là tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tính trung thực và ý thức trách nhiệm; hình thành, phát triển cho học sinh các năng lực chung và hai năng lực đặc thù là năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học.

Ngoài nhiệm vụ hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Việt, ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số, giáo dục ngôn ngữ và văn học còn giúp học sinh sử dụng hiệu quả những phương tiện giao tiếp khác như hình ảnh, biểu tượng, kí hiệu, sơ đồ, đồ thị, bảng biểu,...

Giáo dục ngôn ngữ được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó Ngữ văn, Ngoại ngữ và Tiếng dân tộc thiểu số có vai trò chủ đạo. Giáo dục văn học được thực hiện chủ yếu ở môn Ngữ văn.

1.1. Môn Ngữ văn

Ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Ở cấp tiểu học, môn học có tên là Tiếng Việt, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, môn học có tên là Ngữ văn. Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các mạch kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học; được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Môn Ngữ văn (Tiếng Việt) giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học và hoạt động giáo dục khác; hình thành và phát triển năng lực văn học, một biểu hiện của năng lực thẩm mĩ; đồng thời bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triển về tâm hồn, nhân cách.

Chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Việt và văn học được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở mỗi cấp học.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Môn Ngữ văn củng cố các mạch nội dung của giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh nâng cao năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, nhất là tiếp nhận văn bản văn học; tăng cường kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận, văn bản thông tin có độ phức tạp hơn về nội dung và kĩ thuật viết; trang bị một số kiến thức lịch sử văn học, lí luận văn học có tác dụng thiết thực đối với việc đọc và viết về văn học.

Ngoài ra, trong mỗi năm học, những học sinh có định hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề học tập. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về văn học và ngôn ngữ, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

1.2. Môn Ngoại ngữ

Môn Ngoại ngữ giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực ngôn ngữ (ngoại ngữ) để sử dụng một cách tự tin, hiệu quả, phục vụ cho học tập và giao tiếp, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Học sinh phổ thông bắt buộc phải học một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) và được tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là Ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Cơ sở giáo dục có thể tổ chức học Ngoại ngữ 1 bắt đầu từ lớp 1, nếu học sinh có nhu cầu và cơ sở giáo dục có khả năng đáp ứng.

Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, có thể tổ chức dạy học bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bất kì lớp nào tuỳ theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Môn Ngoại ngữ phát triển toàn diện 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Nội dung giáo dục ngoại ngữ được xây dựng liền mạch từ giai đoạn giáo dục cơ bản đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp trên cơ sở tham chiếu các khung trình độ ngoại ngữ quốc tế và Việt Nam.

1.3. Môn Tiếng dân tộc thiểu số

Dạy học tiếng dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hoá của các dân tộc thiểu số. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, có nhu cầu được học tiếng dân tộc thiểu số.

Môn Tiếng dân tộc thiểu số được dạy từ cấp tiểu học, sử dụng thời lượng tự chọn tương ứng của từng cấp học để tổ chức dạy học.

Nội dung dạy học tiếng dân tộc thiểu số được quy định trong từng chương trình tiếng dân tộc thiểu số do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Điều kiện tổ chức dạy học và quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học ở cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Giáo dục toán học

Giáo dục toán học góp phần hình thành và phát triển cho học sinh các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học - biểu hiện tập trung của năng lực tính toán với các thành phần sau: tư duy và lập luận toán học, mô hình hoá toán học, giải quyết vấn đề toán học, giao tiếp toán học, sử dụng các công cụ và phương tiện học toán; phát triển kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, vận dụng toán học vào thực tiễn. Giáo dục toán học tạo lập sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa Toán học với thực tiễn, giữa Toán học với các môn học và hoạt động giáo dục khác, đặc biệt với các môn Khoa học, Khoa học tự nhiên, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học để thực hiện giáo dục STEM.

Giáo dục toán học được thực hiện ở nhiều môn học, hoạt động giáo dục như Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,... trong đó Toán là môn học cốt lõi được học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

Chương trình môn Toán được thiết kế theo cấu trúc tuyến tính kết hợp với “đồng tâm xoáy ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất. Nội dung giáo dục toán học được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Môn Toán giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lí, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Môn Toán giúp cho học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của toán học trong thực tiễn, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp, cũng như có khả năng tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.

3. Giáo dục khoa học xã hội

Giáo dục khoa học xã hội đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu (bản lĩnh, kết nối, cá tính, yêu thương) trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại.

Mục tiêu xuyên suốt của giáo dục khoa học xã hội là góp phần giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi trên cơ sở nắm vững hệ thống tri thức cơ bản về khoa học xã hội, chủ yếu là lịch sử và địa lí; chuẩn bị cho những công dân tương lai hiểu rõ hơn về thế giới mà họ đang sống, sự kết nối, tương tác giữa con người với con người, giữa con người với môi trường xung quanh, giữa dân tộc với thế giới; truyền cảm hứng cho học sinh khám phá bản thân, các vấn đề của đất nước, của khu vực và thế giới có liên quan trực tiếp đến cuộc sống; giúp học sinh hiểu biết, có tư duy độc lập và sáng tạo. Thông qua giáo dục khoa học xã hội, học sinh được hình thành và phát triển năng lực khoa học xã hội với các thành phần sau: nhận thức khoa học xã hội, tìm hiểu xã hội và vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học để tự tìm hiểu, khám phá bản thân, cộng đồng, xã hội, phân tích và giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội, chính trị và văn hoá trong không gian và thời gian cụ thể; thực hiện đối thoại liên văn hoá trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập.

Giáo dục khoa học xã hội được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động giáo dục, trong đó các môn học cốt lõi là: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Lịch sử và Địa lí (từ lớp 4 đến lớp 9); Lịch sử, Địa lí (cấp trung học phổ thông). Nội dung cốt lõi của các môn học này được tổ chức theo các mạch chính là đại cương, thế giới, khu vực, Việt Nam và địa phương, bảo đảm cấu trúc sau: quá trình tiến hoá (thời gian, không gian), quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, kiến tạo nền văn minh - văn hiến của dân tộc Việt Nam; sự phát triển của tiến bộ xã hội và nguyên nhân của hưng thịnh, suy vong qua các thời kì của các quốc gia - dân tộc; các thành tựu chính về kinh tế, xã hội, văn hoá, văn minh; các cá nhân, tập đoàn người trong quan hệ hợp tác, cạnh tranh; điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; đặc điểm dân cư, đặc điểm quần cư trong các không gian và thời gian lịch sử; cơ cấu và phân bố nền kinh tế; một số chủ đề liên môn kết nối các nội dung của lịch sử, địa lí kinh tế - xã hội, địa lí tự nhiên. Nội dung của các môn học này cũng có tính liên môn, tích hợp các lĩnh vực khác, như: giáo dục ngôn ngữ và văn học, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục kinh tế và pháp luật,…

Nội dung giáo dục khoa học xã hội được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Giáo dục khoa học xã hội được thực hiện trong các môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Ở lớp 1, lớp 2 và lớp 3, nội dung giáo dục khoa học xã hội được thực hiện trong môn Tự nhiên và Xã hội; lên lớp 4 và lớp 5, môn Tự nhiên và Xã hội tách thành hai môn Lịch sử và Địa lí, Khoa học. Ở cấp trung học cơ sở, môn Lịch sử và Địa lí gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,... Các mạch kiến thức lịch sử và địa lí được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp, như: bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị - lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lí,...

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Ở lớp 10, môn Lịch sử, môn Địa lí giúp học sinh hiểu biết về đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử và khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử và địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử và địa lí trong đời sống, đồng thời củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử và địa lí, tạo cơ sở vững chắc để học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp.

Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới,...; môn Địa lí tập trung vào một số chủ đề và chuyên đề học tập về địa lí thế giới (khu vực, quốc gia tiêu biểu) và địa lí Việt Nam (tự nhiên, kinh tế - xã hội) nhằm hỗ trợ cho những học sinh có định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng như một số ngành khoa học liên quan.[5]

4. Giáo dục khoa học tự nhiên

Bên cạnh vai trò góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh, giáo dục khoa học tự nhiên có sứ mệnh hình thành và phát triển thế giới quan khoa học ở học sinh; đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục học sinh tinh thần khách quan, tình yêu thiên nhiên, tôn trọng các quy luật của tự nhiên để từ đó biết ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững xã hội và môi trường. Giáo dục khoa học tự nhiên giúp học sinh dần hình thành và phát triển năng lực khoa học tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm, vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống; đồng thời cùng với các môn Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học thực hiện giáo dục STEM, một trong những xu hướng giáo dục được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới và được quan tâm thích đáng trong đổi mới giáo dục phổ thông của Việt Nam.

Giáo dục khoa học tự nhiên được thực hiện trong nhiều môn học, hoạt động giáo dục mà cốt lõi là các môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Khoa học (lớp 4 và lớp 5); Khoa học tự nhiên (cấp trung học cơ sở); Vật lí, Hoá học, Sinh học (cấp trung học phổ thông).

Nội dung giáo dục khoa học tự nhiên được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Ở cấp tiểu học, giáo dục khoa học tự nhiên tiếp cận một cách đơn giản một số sự vật, hiện tượng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, giúp học sinh có các nhận thức bước đầu về thế giới tự nhiên.

Ở cấp trung học cơ sở, giáo dục khoa học tự nhiên được thực hiện chủ yếu thông qua môn Khoa học tự nhiên với việc tích hợp các kiến thức, kĩ năng về vật lí, hoá học và sinh học. Các kiến thức, kĩ năng này được tổ chức theo các mạch nội dung (chất và sự biến đổi chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời), thể hiện các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên (tính cấu trúc, sự đa dạng, sự tương tác, tính hệ thống, quy luật vận động và biến đổi), đồng thời từng bước phản ánh vai trò của khoa học tự nhiên đối với sự phát triển xã hội và sự vận dụng kiến thức, kĩ năng về khoa học tự nhiên trong sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Các nội dung này được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, kết hợp một số nội dung đồng tâm nhằm hình thành nhận thức về thế giới tự nhiên và khoa học tự nhiên, giúp học sinh bước đầu vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học về khoa học tự nhiên trong đời sống.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Giáo dục khoa học tự nhiên được thực hiện qua các môn Vật lí, Hoá học và Sinh học ở lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Đây là các môn học thuộc nhóm môn khoa học tự nhiên được học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân. Chương trình mỗi môn học giúp học sinh tiếp tục phát triển năng lực khoa học tự nhiên dưới các góc độ đặc thù (vật lí, hóa học, sinh học); vừa bảo đảm phát triển tri thức và kĩ năng trên nền tảng những năng lực chung và năng lực khoa học tự nhiên đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, vừa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp vào một số ngành nghề cụ thể.

5. Giáo dục công nghệ

Giáo dục công nghệ hình thành, phát triển ở học sinh năng lực công nghệ với các thành phần sau : nhận thức, giao tiếp, sử dụng, đánh giá công nghệ và thiết kế kĩ thuật; giúp học sinh học tập, làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ ở gia đình, nhà trường và xã hội; góp phần định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị cho học sinh các tri thức nền tảng để tiếp tục học lên, học nghề thuộc lĩnh vực công nghệ hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Cùng với các nội dung giáo dục khác, giáo dục công nghệ góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung. Với trọng tâm là hình thành và phát triển năng lực thiết kế, giáo dục công nghệ có nhiều cơ hội và lợi thế trong hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Bên cạnh đó, giáo dục công nghệ còn góp phần hình thành và phát triển một số năng lực đặc thù khác như: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tin học,...

Giáo dục công nghệ được thực hiện thông qua nhiều môn học và hoạt động giáo dục, trong đó cốt lõi là phân môn Công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học và môn Công nghệ ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Cùng với các môn Toán, Khoa học, Khoa học tự nhiên, Vật lí, Hoá học, Sinh học và Tin học, môn Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện giáo dục STEM.

Nội dung giáo dục công nghệ được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Giáo dục công nghệ trang bị cho học sinh những hiểu biết, kĩ năng phổ thông, cốt lõi về công nghệ; những tri thức và kĩ năng lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân.

Ở cấp tiểu học, học sinh được khám phá thế giới kĩ thuật, công nghệ thông qua các chủ đề đơn giản về công nghệ và đời sống, một số sản phẩm công nghệ trong gia đình mà học sinh tiếp xúc hằng ngày, an toàn với công nghệ trong nhà; được trải nghiệm thiết kế kĩ thuật, công nghệ thông qua các hoạt động thủ công kĩ thuật, lắp ráp các mô hình kĩ thuật đơn giản.

Ở cấp trung học cơ sở, học sinh được trang bị những tri thức về công nghệ trong phạm vi gia đình; những nguyên lí cơ bản về các quá trình sản xuất chủ yếu; hiểu biết ban đầu về tư duy thiết kế; phương pháp lựa chọn, trải nghiệm nghề cùng với thông tin về các nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất chủ yếu thông qua các chủ đề: Công nghệ trong gia đình; Nông - lâm nghiệp và thuỷ sản; Công nghiệp và thiết kế kĩ thuật; Công nghệ và hướng nghiệp. Cuối cấp trung học cơ sở, ngoài các nội dung cốt lõi mà tất cả học sinh đều phải học, học sinh được lựa chọn học một số nội dung phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lí và hứng thú của bản thân, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của mỗi địa phương.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Giáo dục công nghệ tiếp tục củng cố và hoàn thiện những kết quả đã đạt được trong giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời trang bị cho học sinh những hiểu biết tổng quan và định hướng nghề về công nghệ thông qua các nội dung về bản chất của công nghệ; vai trò, ảnh hưởng của công nghệ với đời sống xã hội; mối quan hệ giữa công nghệ với các lĩnh vực, môn học và hoạt động giáo dục khác; một số lĩnh vực công nghệ phổ biến.

Với tính chất định hướng nghề nghiệp, giáo dục công nghệ được thiết kế thành hai nhánh riêng biệt: Công nghệ định hướng Công nghiệp và Công nghệ định hướng Nông nghiệp. Cả hai định hướng này đều nhằm chuẩn bị cho học sinh thích ứng tốt nhất với đặc điểm, tính chất và yêu cầu của các ngành nghề kĩ thuật, công nghệ mà học sinh lựa chọn theo học.

6. Giáo dục tin học

Giáo dục tin học đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hoá; hỗ trợ đắc lực cho việc tự học của học sinh; tạo cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, phục vụ phát triển nội dung kiến thức mới, triển khai phương thức giáo dục mới và hiện đại cho tất cả các môn học và hoạt động giáo dục; đồng thời cùng với các môn Toán, Khoa học, Khoa học tự nhiên, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ thực hiện giáo dục STEM.

Giáo dục tin học góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh, đặc biệt có ưu thế trong việc hình thành, phát triển năng lực tin học với các thành phần sau: sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông; ứng xử phù hợp trong môi trường số; giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học; hợp tác trong môi trường số.

Giáo dục tin học được thực hiện chủ yếu thông qua phân môn Tin học trong môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học, môn Tin học ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, ứng dụng tin học trong các môn học và hoạt động giáo dục khác cũng góp phần quan trọng vào giáo dục tin học.

Nội dung giáo dục tin học gồm ba mạch kiến thức: Học vấn số hoá phổ thông, Công nghệ thông tin và truyền thông, Khoa học máy tính và được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Môn Tin học giúp học sinh hình thành và phát triển khả năng ứng dụng tin học; bước đầu hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính; hiểu và tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong chia sẻ và trao đổi thông tin.

Ở cấp tiểu học, chủ yếu học sinh học sử dụng các phần mềm đơn giản hỗ trợ học tập, sử dụng thiết bị tin học tuân theo các nguyên tắc giữ gìn sức khoẻ, đồng thời bước đầu được hình thành tư duy giải quyết vấn đề có sự hỗ trợ của máy tính.

Ở cấp trung học cơ sở, học sinh học sử dụng, khai thác các phần mềm thông dụng làm ra sản phẩm phục vụ học tập và đời sống; thực hành phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo với sự hỗ trợ của công nghệ kĩ thuật số; tổ chức, quản lí, tra cứu, tìm kiếm dữ liệu số hoá, đánh giá và lựa chọn thông tin.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Môn Tin học có sự phân hoá sâu theo định hướng nghề nghiệp. Nội dung giáo dục tin học được tổ chức thành các nhóm chủ đề theo hai định hướng: Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính. Tuỳ theo sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân, học sinh được lựa chọn một trong hai định hướng trên thông qua việc chọn nhóm chủ đề tương ứng.

Định hướng Tin học ứng dụng đáp ứng nhu cầu sử dụng máy tính như một công cụ của công nghệ kĩ thuật số trong học tập và làm việc. Nội dung Tin học ứng dụng tập trung vào những chủ đề sau: kết nối và sử dụng các thiết bị phần cứng, cài đặt phần mềm trên các thiết bị thông dụng, sử dụng các phần mềm công cụ, khai thác ứng dụng web, quản trị hệ thống ứng dụng.

Định hướng Khoa học máy tính đáp ứng mục đích đi sâu vào hệ thống máy tính, chú trọng phát triển tư duy máy tính, khả năng tìm tòi, khám phá, phát triển các phần mềm và dịch vụ trên máy tính. Các chủ đề Khoa học máy tính tập trung trang bị cho học sinh nguyên lí biểu diễn và xử lí thông tin, kiến thức về thuật toán và lập trình; một số nguyên tắc thiết kế mạng máy tính.

7. Giáo dục công dân

Giáo dục công dân giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người công dân. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, giáo dục công dân góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, nhận thức, niềm tin, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Giáo dục công dân được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, nhất là các môn khoa học xã hội và Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trong đó Đạo đức (ở cấp tiểu học), Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông) là những môn học cốt lõi.

Nội dung chủ yếu của các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật là giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, pháp luật và kinh tế. Các mạch nội dung của các môn học này phát triển xoay quanh các mối quan hệ của con người với bản thân, với người khác, với cộng đồng, đất nước, nhân loại, với công việc và với môi trường tự nhiên; được xây dựng trên cơ sở kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại, dân tộc và toàn cầu; mở rộng và nâng cao dần từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông.

Nội dung giáo dục công dân được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Môn Đạo đức (ở cấp tiểu học) và môn Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở) là những môn học bắt buộc. Nội dung các môn học này định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Môn Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông) là môn học lựa chọn, dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật,... hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học. Nội dung chủ yếu của môn học là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế, pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; gắn kết với nội dung giáo dục đạo đức và kĩ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

8. Giáo dục quốc phòng và an ninh

Giáo dục quốc phòng và an ninh bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cơ bản về quốc phòng và an ninh để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện tích hợp trong nội dung các môn học và hoạt động giáo dục, bảo đảm cho học sinh hình thành những hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, về lực lượng vũ trang nhân dân; có ý thức kỉ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường trung học phổ thông là môn học bắt buộc, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kĩ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

9. Giáo dục nghệ thuật

Giáo dục nghệ thuật góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh; đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho học sinh.

Giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật. Từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh được lựa chọn môn học thuộc nhóm môn công nghệ và nghệ thuật phù hợp với định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân.

9.1. Môn Âm nhạc

Giáo dục âm nhạc tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và phát triển năng lực âm nhạc - biểu hiện của năng lực thẩm mĩ với các thành phần sau: thể hiện âm nhạc, cảm thụ và hiểu biết âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc; góp phần phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc. Đồng thời, thông qua nội dung các bài hát, các hoạt động âm nhạc và phương pháp giáo dục của nhà sư phạm, giáo dục âm nhạc góp phần phát triển ở học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, cùng các năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo để trở thành những công dân phát triển toàn diện về nhân cách, hài hoà về thể chất và tinh thần.

Nội dung giáo dục âm nhạc được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Âm nhạc là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, bao gồm những kiến thức và kĩ năng cơ bản về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Nội dung giáo dục âm nhạc giúp học sinh trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hoạt động âm nhạc nhằm phát triển năng lực thẩm mĩ, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử cùng các loại hình nghệ thuật khác; đồng thời hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Âm nhạc là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung môn học bao gồm kiến thức và kĩ năng mở rộng, nâng cao về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Những học sinh có sở thích, năng khiếu hoặc định hướng nghề nghiệp liên quan có thể chọn học thêm một số chuyên đề học tập. Nội dung giáo dục âm nhạc giúp học sinh tiếp tục phát triển các kĩ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố văn hoá, lịch sử và xã hội, ứng dụng kiến thức vào đời sống, đáp ứng sở thích cá nhân và tiếp cận với những nghề nghiệp liên quan đến âm nhạc.

9.2. Môn Mĩ thuật

Giáo dục mĩ thuật trong nhà trường phổ thông góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và các năng lực chung, trọng tâm là khơi dậy và phát triển năng lực mĩ thuật - biểu hiện của năng lực thẩm mĩ với các thành phần sau: quan sát và nhận thức thẩm mĩ, sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ, phân tích và đánh giá thẩm mĩ; trên cơ sở đó giáo dục cho học sinh ý thức tôn trọng, kế thừa giá trị văn hoá, nghệ thuật dân tộc, tiếp cận giá trị thẩm mĩ thời đại, phát huy tinh thần sáng tạo phù hợp với sự phát triển xã hội.

Chương trình môn Mĩ thuật kết hợp cấu trúc tuyến tính và cấu trúc đồng tâm, mở rộng nội dung Mĩ thuật tạo hình, Mĩ thuật ứng dụng; lồng ghép, tích hợp hoạt động thảo luận và thực hành nghệ thuật; tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm và ứng dụng mĩ thuật vào đời sống thực tế; giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của mĩ thuật, mối liên hệ giữa mĩ thuật với đời sống, văn hoá, lịch sử, xã hội và các môn học, hoạt động giáo dục khác, góp phần phát triển hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho mọi học sinh, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu.

Nội dung giáo dục mĩ thuật được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Mĩ thuật là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9. Chương trình tạo cơ hội cho học sinh làm quen và trải nghiệm kiến thức mĩ thuật thông qua nhiều hình thức hoạt động; hình thành, phát triển ở học sinh khả năng quan sát và cảm thụ nghệ thuật, nhận thức và biểu đạt thế giới; khả năng cảm nhận và tìm hiểu, thể nghiệm các giá trị văn hoá, thẩm mĩ trong đời sống và nghệ thuật.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Mĩ thuật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung giáo dục mĩ thuật được mở rộng, phát triển kiến thức, kĩ năng mĩ thuật đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tiếp cận các nhóm ngành nghề liên quan đến nghệ thuật thị giác và có tính ứng dụng trong thực tiễn; tạo cơ sở cho học sinh được tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân dựa trên nhu cầu thực tế, thích ứng với xã hội.

10. Giáo dục thể chất

Giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, trọng tâm là: trang bị cho học sinh kiến thức và kĩ năng chăm sóc sức khoẻ; kiến thức và kĩ năng vận động; hình thành thói quen tập luyện, biết lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực; trên cơ sở đó giúp học sinh có ý thức, trách nhiệm đối với sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, thích ứng với các điều kiện sống, sống vui vẻ, hoà đồng với mọi người.

Giáo dục thể chất được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động giáo dục như: Giáo dục thể chất , Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Khoa học tự nhiên, Sinh học, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp,… trong đó môn học cốt lõi, bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 là Giáo dục thể chất.

Nội dung giáo dục thể chất chủ yếu là rèn luyện kĩ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất đa dạng như: các bài tập đội hình đội ngũ, các bài tập thể dục, các trò chơi vận động, các môn thể thao và kĩ năng phòng tránh chấn thương trong hoạt động thể dục thể thao.

Nội dung giáo dục thể chất được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Môn Giáo dục thể chất giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kĩ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện. Học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua hình thức câu lạc bộ thể dục thể thao. Học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường để tiếp tục phát triển kĩ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, đồng thời giúp những học sinh có năng khiếu thể thao tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp.

11. Giáo dục hướng nghiệp

Giáo dục hướng nghiệp bao gồm toàn bộ các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh, từ đó giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, quan niệm về giá trị của bản thân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và phù hợp với nhu cầu của xã hội. Giáo dục hướng nghiệp có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông.

Trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, tập trung ở các môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, các môn học ở cấp trung học phổ thông và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cùng với Nội dung giáo dục của địa phương.

Hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông được thực hiện thường xuyên và liên tục, trong đó tập trung vào các năm học cuối của giai đoạn giáo dục cơ bản và toàn bộ thời gian của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

12. Các chuyên đề học tập

Chuyên đề học tập là nội dung giáo dục dành cho học sinh trung học phổ thông, nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Chuyên đề học tập của mỗi môn học do giáo viên môn học đó phụ trách. Ngoài ra, căn cứ nội dung cụ thể của chuyên đề học tập, nhà trường có thể bố trí nhân viên phòng thí nghiệm hoặc mời các doanh nhân, nghệ nhân,... có hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực chuyên môn của những chuyên đề học tập có tính thực hành, hướng nghiệp hướng dẫn học sinh học những nội dung phù hợp của các chuyên đề học tập này.

13. Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.

Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12; ở cấp tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh trong các mối quan hệ với bản thân, xã hội, môi trường tự nhiên và nghề nghiệp; được triển khai qua bốn mạch nội dung hoạt động chính: Hoạt động hướng vào bản thân, Hoạt động hướng đến xã hội, Hoạt động hướng đến tự nhiên và Hoạt động hướng nghiệp.

Nội dung Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

- Giai đoạn giáo dục cơ bản

Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi.

Ở cấp trung học cơ sở, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp; đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp trung học phổ thông tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

14. Nội dung giáo dục của địa phương

Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

VI. ĐỊNH HƯỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

1. Định hướng về phương pháp giáo dục

Các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích luỹ được để phát triển.

Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống), được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hoá của kĩ thuật số.

Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu sau: học lí thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia xêmina, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Tuỳ theo mục tiêu, tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.

2. Định hướng về đánh giá kết quả giáo dục

Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Phạm vi đánh giá bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học và chuyên đề học tập lựa chọn và môn học tự chọn. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kì ở cơ sở giáo dục, các kì đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kì đánh giá quốc tế. Cùng với kết quả các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn, kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.

Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, kết hợp đánh giá của giáo viên, của cha mẹ học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác.

Việc đánh giá định kì do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ phát triển chương trình.

Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.

Nghiên cứu từng bước áp dụng các thành tựu của khoa học đo lường, đánh giá trong giáo dục và kinh nghiệm quốc tế vào việc nâng cao chất lượng đánh giá kết quả giáo dục, xếp loại học sinh ở cơ sở giáo dục và sử dụng kết quả đánh giá trên diện rộng làm công cụ kiểm soát chất lượng đánh giá ở cơ sở giáo dục.

VII. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

1. Tổ chức và quản lí nhà trường

a) Nhà trường có sứ mệnh phát triển nhân cách cho mỗi học sinh và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thường xuyên thay đổi; là trung tâm văn hoá giáo dục của địa phương; được giao quyền tự chủ theo quy định của pháp luật; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và cơ quan quản lí giáo dục các cấp.

b) Cơ cấu tổ chức bộ máy và quản lí hoạt động giáo dục của nhà trường theo quy định của Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên

a) Hiệu trưởng được đánh giá theo chu kì và được xếp loại đạt trở lên theo Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; được bồi dưỡng, tập huấn về lí luận chính trị, quản lí giáo dục và chương trình giáo dục phổ thông theo quy định.

b) Số lượng và cơ cấu giáo viên (kể cả giáo viên thỉnh giảng, nếu có) bảo đảm để dạy các môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; 100% giáo viên có trình độ được đào tạo đạt chuẩn hoặc trên chuẩn; được xếp loại đạt trở lên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; giáo viên được đảm bảo các quyền theo quy định của Điều lệ trường phổ thông và của pháp luật; giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông.

c) Nhân viên có trình độ chuyên môn đảm bảo quy định, được bồi dưỡng về nội dung chương trình giáo dục phổ thông có liên quan đến nhiệm vụ của mỗi vị trí trong nhà trường.

3. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Địa điểm, diện tích, quy mô nhà trường; khối phòng học tập; khối phòng hỗ trợ học tập; thư viện; khối phòng hành chính quản trị; khu sân chơi, thể dục thể thao; khối phụ trợ; khối phục vụ sinh hoạt; hạ tầng kĩ thuật và thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Xã hội hoá giáo dục

a) Quán triệt quan điểm phát triển giáo dục là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình; thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông. Nhà trường chủ động tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với các cá nhân, tổ chức ở địa phương để huy động đa dạng các nguồn lực tham gia các hoạt động giáo dục và hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn.

b) Phối hợp tốt giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Gia đình, cha mẹ học sinh được hướng dẫn phối hợp và tham gia giáo dục con em theo yêu cầu của lớp học, cấp học; Ban đại diện cha mẹ học sinh có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm và hoạt động theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động.

c) Phối hợp tốt giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Nhà trường chủ động tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động Đoàn, Đội, Hội, hoạt động xã hội, tích cực góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó thực hiện giáo dục học sinh trong thực tiễn đời sống.

VIII. PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Phát triển chương trình giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.

Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xây dựng chương trình giáo dục dành cho các đối tượng chuyên biệt (học sinh giỏi, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn); các trường xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lí giáo dục, các trường, cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và những người quan tâm để đánh giá chương trình, xem xét, điều chỉnh, xây dựng chương trình các môn học mới (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có).

IX. GIẢI THÍCH CHƯƠNG TRÌNH

1. Giải thích thuật ngữ

Trong chương trình giáo dục phổ thông, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Chương trình tổng thể: là văn bản quy định những vấn đề chung nhất, có tính chất định hướng của chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm: quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh cuối mỗi cấp học, hệ thống môn học và hoạt động giáo dục, thời lượng của từng môn học và hoạt động giáo dục, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

b) Chương trình môn học và hoạt động giáo dục: là văn bản xác định vị trí, vai trò môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp học hoặc cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng kế hoạch dạy học môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp và mỗi cấp học, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục của môn học và hoạt động giáo dục.

c) Dạy học phân hoá: là định hướng dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau, nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh dựa vào đặc điểm tâm - sinh lí, khả năng, nhu cầu, hứng thú và định hướng nghề nghiệp khác nhau của học sinh.

d) Dạy học tích hợp: là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng,... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kĩ năng.

đ) Giai đoạn giáo dục cơ bản: là giai đoạn giáo dục gồm 9 năm đầu tiên của giáo dục phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 9) nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.

e) Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: là giai đoạn giáo dục 3 năm cuối của giáo dục phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12) nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.

g) Giáo dục STEM: là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.

h) Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: là môn học mà mọi học sinh đều phải học và hoạt động giáo dục mà mọi học sinh đều phải tham gia.

i) Môn học lựa chọn: là môn học được học sinh chọn theo định hướng nghề nghiệp.

k) Môn học tự chọn: là môn học không bắt buộc, được học sinh chọn theo nguyện vọng.

l) Năng lực: là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.

m) Năng lực cốt lõi: là năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kì ai cũng cần phải có để sống, học tập và làm việc hiệu quả.

n) Năng khiếu: là những năng lực đặc biệt về trí tuệ, văn nghệ, thể thao, kĩ năng sống,... nhờ tố chất sẵn có ở mỗi người.

o) Phẩm chất: là những tính tốt thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của con người; cùng với năng lực tạo nên nhân cách con người.

p) Yêu cầu cần đạt: là kết quả mà học sinh cần đạt được về phẩm chất và năng lực sau mỗi cấp học, lớp học ở từng môn học và hoạt động giáo dục; trong đó, mỗi cấp học, lớp học sau đều có những yêu cầu riêng cao hơn, đồng thời bao gồm những yêu cầu đối với các cấp học, lớp học trước đó.

2. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu của học sinh

Phẩm chất

Cấp tiểu học

Cấp trung học cơ sở

Cấp trung học phổ thông

Yêu nước

- Yêu thiên nhiên và có những việc làm thiết thực bảo vệ thiên nhiên.

- Yêu quê hương, yêu Tổ quốc, tôn trọng các biểu trưng của đất nước.

- Kính trọng, biết ơn người lao động, người có công với quê hương, đất nước; tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đối với những người có công với quê hương, đất nước.

- Tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.

- Có ý thức tìm hiểu truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương; tích cực học tập, rèn luyện để phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương.

- Có ý thức bảo vệ các di sản văn hoá, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hoá.

- Tích cực, chủ động vận động người khác tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.

- Tự giác thực hiện và vận động người khác thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Chủ động, tích cực tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hoá.

- Đấu tranh với các âm mưu, hành động xâm phạm lãnh thổ, biên giới quốc gia, các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia bằng thái độ và việc làm phù hợp với lứa tuổi, với quy định của pháp luật.

- Sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Nhân ái

Yêu quý mọi người

- Yêu thương, quan tâm, chăm sóc người thân trong gia đình.

- Yêu quý bạn bè, thầy cô; quan tâm, động viên, khích lệ bạn bè.

- Tôn trọng người lớn tuổi; giúp đỡ người già, người ốm yếu, người khuyết tật; nhường nhịn và giúp đỡ em nhỏ.

- Biết chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, các bạn ở vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật và đồng bào bị ảnh hưởng của thiên tai.

- Trân trọng danh dự, sức khoẻ và cuộc sống riêng tư của người khác.

- Không đồng tình với cái ác, cái xấu; không cổ xuý, không tham gia các hành vi bạo lực; sẵn sàng bênh vực người yếu thế, thiệt thòi,...

- Tích cực, chủ động tham gia các hoạt động từ thiện và hoạt động phục vụ cộng đồng.

- Quan tâm đến mối quan hệ hài hoà với những người khác.

- Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; đấu tranh với những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Chủ động, tích cực vận động người khác tham gia các hoạt động từ thiện và hoạt động phục vụ cộng đồng.

Tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người

- Tôn trọng sự khác biệt của bạn bè trong lớp về cách ăn mặc, tính nết và hoàn cảnh gia đình.

- Không phân biệt đối xử, chia rẽ các bạn.

- Sẵn sàng tha thứ cho những hành vi có lỗi của bạn.

- Tôn trọng sự khác biệt về nhận thức, phong cách cá nhân của những người khác.

- Tôn trọng sự đa dạng về văn hoá của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác.

- Cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

- Tôn trọng sự khác biệt về lựa chọn nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, sự đa dạng văn hoá cá nhân.

- Có ý thức học hỏi các nền văn hoá trên thế giới.

- Cảm thông, độ lượng với những hành vi, thái độ có lỗi của người khác.

Chăm chỉ

Ham học

- Đi học đầy đủ, đúng giờ.

- Thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ học tập.

- Ham học hỏi, thích đọc sách để mở rộng hiểu biết.

- Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở nhà trường vào đời sống hằng ngày.

- Luôn cố gắng vươn lên đạt kết quả tốt trong học tập.

- Thích đọc sách, báo, tìm tư liệu trên mạng Internet để mở rộng hiểu biết.

- Có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được ở nhà trường, trong sách báo và từ các nguồn tin cậy khác vào học tập và đời sống hằng ngày.

- Có ý thức đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, thuận lợi, khó khăn trong học tập để xây dựng kế hoạch học tập.

- Tích cực tìm tòi và sáng tạo trong học tập; có ý chí vượt qua khó khăn để đạt kết quả tốt trong học tập.

Chăm làm

- Thường xuyên tham gia các công việc của gia đình vừa sức với bản thân.

- Thường xuyên tham gia các công việc của trường lớp, cộng đồng vừa sức với bản thân.

- Tham gia công việc lao động, sản xuất trong gia đình theo yêu cầu thực tế, phù hợp với khả năng và điều kiện của bản thân.

- Luôn cố gắng đạt kết quả tốt trong lao động ở trường lớp, cộng đồng.

- Có ý thức học tốt các môn học, các nội dung hướng nghiệp; có hiểu biết về một nghề phổ thông.

- Tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia các công việc phục vụ cộng đồng.

- Có ý chí vượt qua khó khăn để đạt kết quả tốt trong lao động.

- Tích cực học tập, rèn luyện để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.

Trung thực

- Thật thà, ngay thẳng trong học tập, lao động và sinh hoạt hằng ngày; mạnh dạn nói lên ý kiến của mình.

- Luôn giữ lời hứa; mạnh dạn nhận lỗi, sửa lỗi và bảo vệ cái đúng, cái tốt.

- Không tự tiện lấy đồ vật, tiền bạc của người thân, bạn bè, thầy

cô và những người khác.

- Không đồng tình với các hành vi thiếu trung thực trong học tập và trong cuộc sống.

- Luôn thống nhất giữa lời nói với việc làm.

- Nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm của bản thân và chịu trách nhiệm về mọi lời nói, hành vi của bản thân.

- Tôn trọng lẽ phải; bảo vệ điều hay, lẽ phải trước mọi người; khách quan, công bằng trong nhận thức, ứng xử.

- Không xâm phạm của công.

- Đấu tranh với các hành vi thiếu trung thực trong học tập và trong cuộc sống.

- Nhận thức và hành động theo lẽ phải.

- Sẵn sàng đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt, điều tốt.

- Tự giác tham gia và vận động người khác tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi thiếu trung thực trong học tập và trong cuộc sống, các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Trách nhiệm

Có trách nhiệm với bản thân

- Có ý thức giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, chăm sóc sức khoẻ.

- Có ý thức sinh hoạt nền nếp.

- Có thói quen giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, chăm sóc sức khoẻ.

- Có ý thức bảo quản và sử dụng hợp lí đồ dùng của bản thân.

- Có ý thức tiết kiệm thời gian; sử dụng thời gian hợp lí; xây dựng và thực hiện chế độ học tập, sinh hoạt hợp lí.

- Không đổ lỗi cho người khác; có ý thức và tìm cách khắc phục hậu quả do mình gây ra.

- Tích cực, tự giác và nghiêm túc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của bản thân.

- Có ý thức sử dụng tiền hợp lí khi ăn uống, mua sắm đồ dùng học tập, sinh hoạt.

- Sẵn sàng chịu trách nhiệm về những lời nói và hành động của bản thân.

Có trách nhiệm với gia đình

- Có ý thức bảo quản, giữ gìn đồ dùng cá nhân và gia đình.

- Không bỏ thừa đồ ăn, thức uống; có ý thức tiết kiệm tiền bạc, điện nước trong gia đình.

- Quan tâm đến các công việc của gia đình.

- Có ý thức tiết kiệm trong chi tiêu của cá nhân và gia đình.

- Có ý thức làm tròn bổn phận với người thân và gia đình.

- Quan tâm bàn bạc với người thân, xây dựng và thực hiện kế hoạch chi tiêu hợp lí trong gia đình.

Có trách nhiệm với nhà trường và xã hội

- Tự giác thực hiện nghiêm túc nội quy của nhà trường và các quy định, quy ước của tập thể; giữ vệ sinh chung; bảo vệ của công.

- Không gây mất trật tự, cãi nhau, đánh nhau.

- Nhắc nhở bạn bè chấp hành nội quy trường lớp; nhắc nhở người thân chấp hành các quy định, quy ước nơi công cộng.

- Có trách nhiệm với công việc được giao ở trường, ở lớp.

- Tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội phù hợp với lứa tuổi.

- Quan tâm đến các công việc của cộng đồng; tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.

- Tôn trọng và thực hiện nội quy nơi công cộng; chấp hành tốt pháp luật về giao thông; có ý thức khi tham gia các sinh hoạt cộng đồng, lễ hội tại địa phương

- Không đồng tình với những hành vi không phù hợp với nếp sống văn hoá và quy định ở nơi công cộng.

- Tham gia, kết nối Internet và mạng xã hội đúng quy định; không tiếp tay cho kẻ xấu phát tán thông tin ảnh hưởng đến danh dự của tổ chức, cá nhân hoặc ảnh hưởng đến nếp sống văn hoá, trật tự an toàn xã hội.

- Tích cực tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động công ích.

- Tích cực tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật.

- Đánh giá được hành vi chấp hành kỉ luật, pháp luật của bản thân và người khác; đấu tranh phê bình các hành vi vô kỉ luật, vi phạm pháp luật.

Có trách nhiệm với môi trường sống

- Có ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh và các con vật có ích.

- Có ý thức giữ vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi.

- Không đồng tình với những hành vi xâm hại thiên nhiên.

- Sống hoà hợp, thân thiện với thiên nhiên.

- Có ý thức tìm hiểu và sẵn sàng tham gia các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên; phản đối những hành vi xâm hại thiên nhiên.

- Có ý thức tìm hiểu và sẵn sàng tham gia các hoạt động tuyên truyền về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Hiểu rõ ý nghĩa của tiết kiệm đối với sự phát triển bền vững; có ý thức tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; đấu tranh ngăn chặn các hành vi sử dụng bừa bãi, lãng phí vật dụng, tài nguyên.

- Chủ động, tích cực tham gia và vận động người khác tham gia các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

3. Yêu cầu cần đạt về năng lực chung của học sinh

Năng lực

Cấp tiểu học

Cấp trung học cơ sở

Cấp trung học phổ thông

Năng lực tự chủ và tự học

Tự lực

Tự làm được những việc của mình ở nhà và ở trường theo sự phân công, hướng dẫn.

Biết chủ động, tích cực thực hiện những công việc của bản thân trong học tập và trong cuộc sống; không đồng tình với những hành vi sống dựa dẫm, ỷ lại.

Luôn chủ động, tích cực thực hiện những công việc của bản thân trong học tập và trong cuộc sống; biết giúp đỡ người sống ỷ lại vươn lên để có lối sống tự lực.

Tự khẳng định và bảo vệ quyền, nhu cầu chính đáng

Có ý thức về quyền và mong muốn của bản thân; bước đầu biết cách trình bày và thực hiện một số quyền lợi và nhu cầu chính đáng.

Hiểu biết về quyền, nhu cầu cá nhân; biết phân biệt quyền, nhu cầu chính đáng và không chính đáng.

Biết khẳng định và bảo vệ quyền, nhu cầu cá nhân phù hợp với đạo đức và pháp luật.

Tự điều chỉnh tình cảm, thái độ, hành vi của mình

- Nhận biết và bày tỏ được tình cảm, cảm xúc của bản thân; biết chia sẻ tình cảm, cảm xúc của bản thân với người khác.

- Hoà nhã với mọi người; không nói hoặc làm những điều xúc phạm người khác.

- Thực hiện đúng kế hoạch học tập, lao động; không mải chơi, làm ảnh hưởng đến việc học và các việc khác.

- Nhận biết tình cảm, cảm xúc của bản thân và hiểu được ảnh hưởng của tình cảm, cảm xúc đến hành vi.

- Biết làm chủ tình cảm, cảm xúc để có hành vi phù hợp trong học tập và đời sống; không đua đòi ăn diện lãng phí, nghịch ngợm, càn quấy; không cổ vũ hoặc làm những việc xấu.

- Biết thực hiện kiên trì kế hoạch học tập, lao động.

- Đánh giá được những ưu điểm và hạn chế về tình cảm, cảm xúc của bản thân; tự tin, lạc quan.

- Biết tự điều chỉnh tình cảm, thái độ, hành vi của bản thân; luôn bình tĩnh và có cách cư xử đúng.

- Sẵn sàng đón nhận và quyết tâm vượt qua thử thách trong học tập và đời sống.

- Biết tránh các tệ nạn xã hội.

Thích ứng với cuộc sống

- Tìm được những cách giải quyết khác nhau cho cùng một vấn đề.

- Thực hiện được các nhiệm vụ khác nhau với những yêu cầu khác nhau.

- Vận dụng được một cách linh hoạt những kiến thức, kĩ năng đã học hoặc kinh nghiệm đã có để giải quyết vấn đề trong những tình huống mới.

- Bình tĩnh trước những thay đổi bất ngờ của hoàn cảnh; kiên trì vượt qua khó khăn để hoàn thành công việc cần thiết đã định.

- Điều chỉnh được hiểu biết, kĩ năng, kinh nghiệm của cá nhân cần cho hoạt động mới, môi trường sống mới.

- Thay đổi được cách tư duy, cách biểu hiện thái độ, cảm xúc của bản thân để đáp ứng với yêu cầu mới, hoàn cảnh mới

Định hướng nghề nghiệp

- Bộc lộ được sở thích, khả năng của bản thân.

- Biết tên, hoạt động chính và vai trò của một số nghề nghiệp; liên hệ được những hiểu biết đó với nghề nghiệp của người thân trong gia đình.

- Nhận thức được sở thích, khả năng của bản thân.

- Hiểu được vai trò của các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội.

- Nắm được một số thông tin chính về các ngành nghề ở địa phương, ngành nghề thuộc các lĩnh vực sản xuất chủ yếu; lựa chọn được hướng phát triển phù hợp sau trung học cơ sở.

- Nhận thức được cá tính và giá trị sống của bản thân.

- Nắm được những thông tin chính về thị trường lao động, về yêu cầu và triển vọng của các ngành nghề.

- Xác định được hướng phát triển phù hợp sau trung học phổ thông; lập được kế hoạch, lựa chọn học các môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Tự học, tự hoàn thiện

- Có ý thức tổng kết và trình bày được những điều đã học.

- Nhận ra và sửa chữa sai sót trong bài kiểm tra qua lời nhận xét của thầy cô.

- Có ý thức học hỏi thầy cô, bạn bè và người khác để củng cố và mở rộng hiểu biết.

- Có ý thức học tập và làm theo những gương người tốt.

- Tự đặt được mục tiêu học tập để nỗ lực phấn đấu thực hiện.

- Biết lập và thực hiện kế hoạch học tập; lựa chọn được các nguồn tài liệu học tập phù hợp; lưu giữ thông tin có chọn lọc bằng ghi tóm tắt, bằng bản đồ khái niệm, bảng, các từ khoá; ghi chú bài giảng của giáo viên theo các ý chính.

- Nhận ra và điều chỉnh được những sai sót, hạn chế của bản thân khi được giáo viên, bạn bè góp ý; chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người khác khi gặp khó khăn trong học tập.

- Biết rèn luyện, khắc phục những hạn chế của bản thân hướng tới các giá trị xã hội.

- Xác định được nhiệm vụ học tập dựa trên kết quả đã đạt được; biết đặt mục tiêu học tập chi tiết, cụ thể, khắc phục những hạn chế.

- Đánh giá và điều chỉnh được kế hoạch học tập; hình thành cách học riêng của bản thân; tìm kiếm, đánh giá và lựa chọn được nguồn tài liệu phù hợp với mục đích, nhiệm vụ học tập khác nhau; ghi chép thông tin bằng các hình thức phù hợp, thuận lợi cho việc ghi nhớ, sử dụng, bổ sung khi cần thiết.

- Tự nhận ra và điều chỉnh được những sai sót, hạn chế của bản thân trong quá trình học tập; suy ngẫm cách học của mình, rút kinh nghiệm để có thể vận dụng vào các tình huống khác; biết tự điều chỉnh cách học.

- Biết thường xuyên tu dưỡng theo mục tiêu phấn đấu cá nhân và các giá trị công dân.

Năng lực giao tiếp và hợp tác

Xác định mục đích, nội dung, phương tiện và thái độ giao tiếp

- Nhận ra được ý nghĩa của giao tiếp trong việc đáp ứng các nhu cầu của bản thân.

- Tiếp nhận được những văn bản về đời sống, tự nhiên và xã hội có sử dụng ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh như truyện tranh, bài viết đơn giản.

- Bước đầu biết sử dụng ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, cử chỉ để trình bày thông tin và ý tưởng.

- Tập trung chú ý khi giao tiếp; nhận ra được thái độ của đối tượng giao tiếp.

- Biết đặt ra mục đích giao tiếp và hiểu được vai trò quan trọng của việc đặt mục tiêu trước khi giao tiếp.

- Hiểu được nội dung và phương thức giao tiếp cần phù hợp với mục đích giao tiếp và biết vận dụng để giao tiếp hiệu quả.

- Tiếp nhận được các văn bản về những vấn đề đơn giản của đời sống, khoa học, nghệ thuật, có sử dụng ngôn ngữ kết hợp với biểu đồ, số liệu, công thức, kí hiệu, hình ảnh.

- Biết sử dụng ngôn ngữ kết hợp với biểu đồ, số liệu, công thức, kí hiệu, hình ảnh để trình bày thông tin, ý tưởng và thảo luận những vấn đề đơn giản về đời sống, khoa học, nghệ thuật.

- Biết lắng nghe và có phản hồi tích cực trong giao tiếp; nhận biết được ngữ cảnh giao tiếp và đặc điểm, thái độ của đối tượng giao tiếp.

- Xác định được mục đích giao tiếp phù hợp với đối tượng và ngữ cảnh giao tiếp; dự kiến được thuận lợi, khó khăn để đạt được mục đích trong giao tiếp.

- Biết lựa chọn nội dung, kiểu loại văn bản, ngôn ngữ và các phương tiện giao tiếp khác phù hợp với ngữ cảnh và đối tượng giao tiếp.

- Tiếp nhận được các văn bản về những vấn đề khoa học, nghệ thuật phù hợp với khả năng và định hướng nghề nghiệp của bản thân, có sử dụng ngôn ngữ kết hợp với các loại phương tiện phi ngôn ngữ đa dạng.

- Biết sử dụng ngôn ngữ kết hợp với các loại phương tiện phi ngôn ngữ đa dạng để trình bày thông tin, ý tưởng và để thảo luận, lập luận, đánh giá về các vấn đề trong khoa học, nghệ thuật phù hợp với khả năng và định hướng nghề nghiệp.

- Biết chủ động trong giao tiếp; tự tin và biết kiểm soát cảm xúc, thái độ khi nói trước nhiều người.

Thiết lập, phát triển các quan hệ xã hội; điều chỉnh và hoá giải các mâu thuẫn

- Biết cách kết bạn và giữ gìn tình bạn.

- Nhận ra được những bất đồng, xích mích giữa bản thân với bạn hoặc giữa các bạn với nhau; biết nhường bạn hoặc thuyết phục bạn.

- Biết cách thiết lập, duy trì và phát triển các mối quan hệ với các thành viên của cộng đồng (họ hàng, bạn bè, hàng xóm,...).

- Nhận biết được mâu thuẫn giữa bản thân với người khác hoặc giữa những người khác với nhau; có thiện chí dàn xếp và biết cách dàn xếp mâu thuẫn.

- Nhận biết và thấu cảm được suy nghĩ, tình cảm, thái độ của người khác.

- Xác định đúng nguyên nhân mâu thuẫn giữa bản thân với người khác hoặc giữa những người khác với nhau và biết cách hoá giải mâu thuẫn.

Xác định mục đích và phương thức hợp tác

Có thói quen trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập; biết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ học tập theo sự hướng dẫn của thầy cô.

Biết chủ động đề xuất mục đích hợp tác khi được giao nhiệm vụ; biết xác định được những công việc có thể hoàn thành tốt nhất bằng hợp tác theo nhóm.

Biết chủ động đề xuất mục đích hợp tác để giải quyết một vấn đề do bản thân và những người khác đề xuất; biết lựa chọn hình thức làm việc nhóm với quy mô phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ.

Xác định trách nhiệm và hoạt động của bản thân

Hiểu được nhiệm vụ của nhóm và trách nhiệm, hoạt động của bản thân trong nhóm sau khi được hướng dẫn, phân công.

Hiểu rõ nhiệm vụ của nhóm; đánh giá được khả năng của mình và tự nhận công việc phù hợp với bản thân.

Phân tích được các công việc cần thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ của nhóm; sẵn sàng nhận công việc khó khăn của nhóm.

Xác định nhu cầu và khả năng của người hợp tác

Nhận biết được một số đặc điểm nổi bật của các thành viên trong nhóm để đề xuất phương án phân công công việc phù hợp.

Đánh giá được nguyện vọng, khả năng của từng thành viên trong nhóm để đề xuất phương án tổ chức hoạt động hợp tác.

Qua theo dõi, đánh giá được khả năng hoàn thành công việc của từng thành viên trong nhóm để đề xuất điều chỉnh phương án phân công công việc và tổ chức hoạt động hợp tác.

Tổ chức và thuyết phục người khác

Biết cố gắng hoàn thành phần việc mình được phân công và chia sẻ giúp đỡ thành viên khác cùng hoàn thành việc được phân công.

Biết chủ động và gương mẫu hoàn thành phần việc được giao, góp ý điều chỉnh thúc đẩy hoạt động chung; khiêm tốn học hỏi các thành viên trong nhóm.

Biết theo dõi tiến độ hoàn thành công việc của từng thành viên và cả nhóm để điều hoà hoạt động phối hợp; biết khiêm tốn tiếp thu sự góp ý và nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ các thành viên trong nhóm.

Đánh giá hoạt động hợp tác

Báo cáo được kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả nhóm; tự nhận xét được ưu điểm, thiếu sót của bản thân theo hướng dẫn của thầy cô.

Nhận xét được ưu điểm, thiếu sót của bản thân, của từng thành viên trong nhóm và của cả nhóm trong công việc.

Căn cứ vào mục đích hoạt động của các nhóm, đánh giá được mức độ đạt mục đích của cá nhân, của nhóm và nhóm khác; rút kinh nghiệm cho bản thân và góp ý được cho từng người trong nhóm.

Hội nhập quốc tế

- Có hiểu biết ban đầu về một số nước trong khu vực và trên thế giới.

- Biết tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế theo hướng dẫn của nhà trường.

- Có hiểu biết cơ bản về quan hệ giữa Việt Nam với một số nước trên thế giới và về một số tổ chức quốc tế có quan hệ thường xuyên với Việt Nam.

- Biết tích cực tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế phù hợp với bản thân và đặc điểm của nhà trường, địa phương.

- Có hiểu biết cơ bản về hội nhập quốc tế.

- Biết chủ động, tự tin trong giao tiếp với bạn bè quốc tế; biết chủ động, tích cực tham gia một số hoạt động hội nhập quốc tế phù hợp với bản thân và đặc điểm của nhà trường, địa phương.

- Biết tìm đọc tài liệu nước ngoài phục vụ công việc học tập và định hướng nghề nghiệp của mình và bạn bè.

Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo

Nhận ra ý tưởng mới

Biết xác định và làm rõ thông tin, ý tưởng mới đối với bản thân từ các nguồn tài liệu cho sẵn theo hướng dẫn.

Biết xác định và làm rõ thông tin, ý tưởng mới; biết phân tích, tóm tắt những thông tin liên quan từ nhiều nguồn khác nhau.

Biết xác định và làm rõ thông tin, ý tưởng mới và phức tạp từ các nguồn thông tin khác nhau; biết phân tích các nguồn thông tin độc lập để thấy được khuynh hướng và độ tin cậy của ý tưởng mới.

Phát hiện và làm rõ vấn đề

Biết thu nhận thông tin từ tình huống, nhận ra những vấn đề đơn giản và đặt được câu hỏi.

Phân tích được tình huống trong học tập; phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề trong học tập.

Phân tích được tình huống trong học tập, trong cuộc sống; phát hiện và nêu được tình huống có vấn đề trong học tập, trong cuộc sống.

Hình thành và triển khai ý tưởng mới

Dựa trên hiểu biết đã có, biết hình thành ý tưởng mới đối với bản thân và dự đoán được kết quả khi thực hiện.

Phát hiện yếu tố mới, tích cực trong những ý kiến của người khác; hình thành ý tưởng dựa trên các nguồn thông tin đã cho; đề xuất giải pháp cải tiến hay thay thế các giải pháp không còn phù hợp; so sánh và bình luận được về các giải pháp đề xuất.

Nêu được nhiều ý tưởng mới trong học tập và cuộc sống; suy nghĩ không theo lối mòn; tạo ra yếu tố mới dựa trên những ý tưởng khác nhau; hình thành và kết nối các ý tưởng; nghiên cứu để thay đổi giải pháp trước sự thay đổi của bối cảnh; đánh giá rủi ro và có dự phòng.

Đề xuất, lựa chọn giải pháp

Nêu được cách thức giải quyết vấn đề đơn giản theo hướng dẫn.

Xác định được và biết tìm hiểu các thông tin liên quan đến vấn đề; đề xuất được giải pháp giải quyết vấn đề.

Biết thu thập và làm rõ các thông tin có liên quan đến vấn đề; biết đề xuất và phân tích được một số giải pháp giải quyết vấn đề; lựa chọn được giải pháp phù hợp nhất.

Thiết kế và tổ chức hoạt động

- Xác định được nội dung chính và cách thức hoạt động để đạt mục tiêu đặt ra theo hướng dẫn.

- Nhận xét được ý nghĩa của các hoạt động.

- Lập được kế hoạch hoạt động với mục tiêu, nội dung, hình thức hoạt động phù hợp.

- Biết phân công nhiệm vụ phù hợp cho các thành viên tham gia hoạt động.

- Đánh giá được sự phù hợp hay không phù hợp của kế hoạch, giải pháp và việc thực hiện kế hoạch, giải pháp.

- Lập được kế hoạch hoạt động có mục tiêu, nội dung, hình thức, phương tiện hoạt động phù hợp;

- Tập hợp và điều phối được nguồn lực (nhân lực, vật lực) cần thiết cho hoạt động.

- Biết điều chỉnh kế hoạch và việc thực hiện kế hoạch, cách thức và tiến trình giải quyết vấn đề cho phù hợp với hoàn cảnh để đạt hiệu quả cao.

- Đánh giá được hiệu quả của giải pháp và hoạt động.

Tư duy độc lập

Nêu được thắc mắc về sự vật, hiện tượng xung quanh; không e ngại nêu ý kiến cá nhân trước các thông tin khác nhau về sự vật, hiện tượng; sẵn sàng thay đổi khi nhận ra sai sót.

Biết đặt các câu hỏi khác nhau về một sự vật, hiện tượng, vấn đề; biết chú ý lắng nghe và tiếp nhận thông tin, ý tưởng với sự cân nhắc, chọn lọc; biết quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng; biết đánh giá vấn đề, tình huống dưới những góc nhìn khác nhau.

Biết đặt nhiều câu hỏi có giá trị, không dễ dàng chấp nhận thông tin một chiều; không thành kiến khi xem xét, đánh giá vấn đề; biết quan tâm tới các lập luận và minh chứng thuyết phục; sẵn sàng xem xét, đánh giá lại vấn đề.

4. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù của học sinh

a) Năng lực ngôn ngữ

Năng lực ngôn ngữ của học sinh bao gồm năng lực sử dụng tiếng Việt và năng lực sử dụng ngoại ngữ; mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động: nghe, nói, đọc, viết.

Yêu cầu cần đạt về năng lực ngôn ngữ đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình môn Ngữ văn, chương trình môn Ngoại ngữ và được thực hiện trong toàn bộ các môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó môn Ngữ văn và môn Ngoại ngữ là chủ đạo.

b) Năng lực tính toán

Năng lực tính toán của học sinh được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

- Nhận thức kiến thức toán học;

- Tư duy toán học;

- Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

Năng lực tính toán được hình thành, phát triển ở nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục. Biểu hiện tập trung nhất của năng lực tính toán là năng lực toán học, được hình thành và phát triển chủ yếu ở môn Toán. Yêu cầu cần đạt về năng lực toán học đối với học sinh mỗi lớp học , cấp học được quy định trong chương trình môn Toán.

c) Năng lực khoa học

Năng lực khoa học của học sinh được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

- Nhận thức khoa học;

- Tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội;

- Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

Năng lực khoa học được hình thành, phát triển ở nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó các môn học chủ đạo là: Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí (ở cấp tiểu học); Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí (ở cấp trung học cơ sở); Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông). Chương trình mỗi môn học, hoạt động giáo dục giúp học sinh tiếp tục phát triển năng lực khoa học với mức độ chuyên sâu được nâng cao dần qua các cấp học (năng lực khoa học; năng lực khoa học tự nhiên, năng lực khoa học xã hội; năng lực vật lí, năng lực hóa học, năng lực sinh học; năng lực lịch sử và địa lí, năng lực lịch sử, năng lực địa lí).

Yêu cầu cần đạt về năng lực khoa học đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí (ở cấp tiểu học); Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí (ở cấp trung học cơ sở); Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông).

d) Năng lực công nghệ

Năng lực công nghệ của học sinh được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

- Nhận thức công nghệ;

- Giao tiếp công nghệ;

- Sử dụng công nghệ;

- Đánh giá công nghệ;

- Thiết kế kĩ thuật.

Yêu cầu cần đạt về năng lực công nghệ đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình môn Công nghệ và được thực hiện ở chương trình của nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó môn Công nghệ là chủ đạo.

đ) Năng lực tin học

Năng lực tin học của học sinh được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

- Sử dụng và quản lí các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông;

- Ứng xử phù hợp trong môi trường số;

- Giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông;

- Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học;

- Hợp tác trong môi trường số.

Yêu cầu cần đạt về năng lực tin học đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình môn Tin học và được thực hiện trong toàn bộ các chương trình môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó môn Tin học là chủ đạo.

e) Năng lực thẩm mĩ

Năng lực thẩm mĩ của học sinh bao gồm năng lực âm nhạc, năng lực mĩ thuật, năng lực văn học; mỗi năng lực được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

- Nhận thức các yếu tố thẩm mĩ;

- Phân tích, đánh giá các yếu tố thẩm mĩ;

- Tái hiện, sáng tạo và ứng dụng các yếu tố thẩm mĩ.

Yêu cầu cần đạt về năng lực thẩm mĩ đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngữ văn và được thực hiện trong chương trình của nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó ba môn học đã nêu là chủ đạo.

g) Năng lực thể chất

Năng lực thể chất của học sinh được thể hiện qua các hoạt động sau đây:

- Chăm sóc sức khỏe;

- Vận động cơ bản;

- Hoạt động thể dục thể thao.

Yêu cầu cần đạt về năng lực thể chất đối với học sinh mỗi lớp học, cấp học được quy định trong chương trình môn Giáo dục thể chất và được thực hiện trong chương trình của nhiều môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với đặc điểm của mỗi môn học và hoạt động giáo dục, trong đó môn Giáo dục thể chất là chủ đạo.

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

MÔN LỊCH SỬ[6]

(Ban hành kèm theo Thông tư ban hành Chương trình giáo dục phổ thông)

MỤC LỤC

I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

IV. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

V. NỘI DUNG GIÁO DỤC

LỚP 10

LỚP 11

LỚP 12

VI. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

Lịch sử là môn học thuộc nhóm Khoa học xã hội, gồm 2 phần: phần bắt buộc đối với tất cả học sinh và phần lựa chọn cho học sinh chọn môn Lịch sử theo định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông.

Môn Lịch sử có sứ mệnh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực lịch sử, thành phần của năng lực khoa học đồng thời góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được xác định trong Chương trình tổng thể. Môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, giúp học sinh nhận thức và vận dụng được các bài học lịch sử giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống, phát triển tầm nhìn, củng cố các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái; góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Môn Lịch sử hình thành, phát triển cho học sinh tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại.

Môn Lịch sử giúp học sinh nhận thức được giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của sử học trong đời sống xã hội hiện đại, hiểu biết và có tình yêu đối với lịch sử, văn hóa dân tộc và nhân loại; góp phần định hướng cho học sinh lựa chọn những nghề nghiệp như: nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, ngoại giao, quản lý, hoạt động du lịch, công nghiệp văn hóa, thông tin truyền thông,...

Chương trình môn Lịch sử hệ thống hóa, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại.

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình môn Lịch sử quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng chung về xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông nêu tại Chương trình tổng thể, đặc biệt là quan điểm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm sau:

1. Khoa học, hiện đại

Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh tiếp cận lịch sử trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại của khoa học lịch sử và khoa học giáo dục. Cụ thể:

a) Chương trình quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam;

b) Chương trình coi trọng những nguyên tắc nền tảng của khoa học lịch sử, đảm bảo tôn trọng sự thật lịch sử, tính đa diện, phong phú của lịch sử; khách quan, toàn diện trong trình bày và diễn giải lịch sử;

c) Chương trình hướng tới việc hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự tìm hiểu, khám phá lịch sử theo những nguyên tắc của khoa học lịch sử, thông qua đó giúp học sinh phát triển tư duy lịch sử và tư duy phản biện;

d) Chương trình góp phần xây dựng khả năng phân tích, đánh giá các nhân vật, sự kiện, quá trình lịch sử một cách khoa học, giúp học sinh nhận thức được những quy luật, bài học lịch sử và vận dụng vào thực tiễn.

2. Hệ thống, cơ bản

Trục phát triển chính của Chương trình môn Lịch sử là hệ thống các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, nhằm nâng cao và mở rộng kiến thức thông sử mà học sinh đã được học ở cấp trung học cơ sở. Cụ thể:

a) Các chủ đề và chuyên đề lịch sử của chương trình mang tính hệ thống, cơ bản, xuất phát từ yêu cầu phát triển năng lực và giáo dục lịch sử đối với từng lớp học;

b) Các hợp phần kiến thức của chương trình bảo đảm tính logic (trong mối liên hệ lịch đại và đồng đại, sự tương tác giữa lịch sử Việt Nam với lịch sử khu vực và lịch sử thế giới...);

c) Chương trình bảo đảm cho học sinh tiếp cận những tri thức lịch sử cơ bản trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng; phát triển cho học sinh năng lực tự học lịch sử suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội của thế giới, khu vực và Việt Nam.

3. Thực hành, thực tiễn

Chương trình môn Lịch sử coi trọng nội dung thực hành lịch sử, kết nối lịch sử với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể:

a) Chương trình coi thực hành là một nội dung quan trọng và là công cụ thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực học sinh;

b) Chương trình tăng cường thời lượng thực hành; đa dạng hóa các loại hình thực hành thông qua các hình thức tổ

chức giáo dục như hoạt động nhóm, cá nhân tự học; học ở trên lớp, bảo tàng, thực địa; học qua dự án, di sản;...;

c) Chương trình bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương. Thông qua hệ thống chủ đề và chuyên đề học tập, các hình thức tổ chức giáo dục, chương trình tạo ra độ mềm dẻo, linh hoạt để có thể điều chỉnh phù hợp với các địa phương và các nhóm đối tượng học sinh, đồng thời bảo đảm trình độ chung của giáo dục phổ thông trong cả nước, tương thích với trình độ khu vực và thế giới.

4. Dân tộc, nhân văn

Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh nhận thức đúng về những giá trị truyền thống của dân tộc, hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam và những giá trị phổ quát của công dân toàn cầu. Cụ thể:

a) Chương trình giúp học sinh có nhận thức đúng về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, vị thế của quốc gia - dân tộc trong khu vực và trên thế giới trong các thời kỳ lịch sử, hướng tới xây dựng lòng tự hào dân tộc chân chính, nhận thức được thế mạnh và cả những hạn chế trong di tồn lịch sử của dân tộc;

b) Chương trình giúp học sinh hình thành, phát triển các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, chống các định kiến, kỳ thị về xã hội, văn hóa, sắc tộc, tôn giáo; hướng tới các giá trị khoan dung, nhân ái, tôn trọng sự khác biệt và bình đẳng giữa các dân tộc, các cộng đồng người, các giới và nhóm xã hội; hướng tới hòa bình, hòa giải, hòa hợp và hợp tác;

c) Chương trình giúp học sinh có thái độ đúng đắn, tích cực đối với các vấn đề bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững và đấu tranh vì thế giới hòa bình, xã hội tiến bộ, minh bạch, công bằng, văn minh.

5. Mở, liên thông

Chương trình môn Lịch sử có tính mở, tính liên thông. Cụ thể:

a) Cấu trúc kiến thức, kĩ năng môn Lịch sử tạo cơ hội cho học sinh kết nối, liên thông với kiến thức, kỹ năng các môn học khác như Địa lí, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh,...;

b) Chương trình dành quyền chủ động cho địa phương và nhà trường phát triển kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương, dành không gian sáng tạo cho giáo viên nhằm thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”; chú trọng phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục lịch sử;

c) Chương trình bảo đảm nguyên tắc tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; kết nối chặt chẽ giữa các cấp học, giữa các lớp học trong từng cấp học và liên thông với chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.

III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh phát triển năng lực lịch sử, biểu hiện của năng lực khoa học đã được hình thành ở cấp trung học cơ sở; góp phần giáo dục tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, các phẩm chất, năng lực của người công dân Việt Nam, công dân toàn cầu phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; giúp học sinh tiếp cận và nhận thức rõ vai trò, đặc điểm của khoa học lịch sử cũng như sự kết nối giữa sử học với các lĩnh vực khoa học và ngành nghề khác, tạo cơ sở để học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

IV. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

1. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

Môn Lịch sử góp phần hình thành, phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học đã được quy định tại Chương trình tổng thể.

2. Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù

Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh phát triển năng lực lịch sử trên nền tảng kiến thức cơ bản và nâng cao về lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam thông qua hệ thống chủ đề, chuyên đề về lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, văn minh. Năng lực lịch sử có các thành phần là: tìm hiểu lịch sử; nhận thức và tư duy lịch sử; vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học.

Các biểu hiện cụ thể của năng lực lịch sử được trình bày trong bảng sau:

Thành phần năng lực

Biểu hiện

TÌM HIỂU LỊCH SỬ

- Nhận diện được các loại hình tư liệu lịch sử; hiểu được nội dung, khai thác và sử dụng được tư liệu lịch sử trong quá trình học tập.

- Tái hiện và trình bày được dưới hình thức nói hoặc viết diễn trình của các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử từ đơn giản đến phức tạp; xác định được các sự kiện lịch sử trong không gian và thời gian cụ thể.

NHẬN THỨC VÀ TƯ DUY LỊCH SỬ

- Giải thích được nguồn gốc, sự vận động của các sự kiện lịch sử từ đơn giản đến phức tạp; chỉ ra được quá trình phát triển của lịch sử theo lịch đại và đồng đại; so sánh sự tương đồng và khác biệt giữa các sự kiện lịch sử, lý giải được mối quan hệ nhân quả trong tiến trình lịch sử.

- Đưa ra được những ý kiến nhận xét, đánh giá của cá nhân về các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử trên cơ sở nhận thức và tư duy lịch sử; hiểu được sự tiếp nối và thay đổi của lịch sử; biết suy nghĩ theo những chiều hướng khác nhau khi xem xét, đánh giá, hay đi tìm câu trả lời về một sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

VẬN DỤNG KIẾN THỨC, KỸ NĂNG ĐÃ HỌC

Rút ra được bài học lịch sử và vận dụng được kiến thức lịch sử để lý giải những vấn đề của thực tiễn cuộc sống; trên nền tảng đó, có khả năng tự tìm hiểu những vấn đề lịch sử, phát triển năng lực sáng tạo, có khả năng tiếp cận và xử lý thông tin từ những nguồn khác nhau, có ý thức và năng lực tự học lịch sử suốt đời.

V. NỘI DUNG GIÁO DỤC

1. Nội dung khái quát

1.1. Nội dung cốt lõi

Mạch nội dung

Lớp 10

Lớp 11

Lớp 12

CHỦ ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP

- Lịch sử và Sử học

x

- Vai trò của Sử học

x

LỊCH SỬ THẾ GIỚI

- Một số nền văn minh thế giới thời cổ - trung đại

x

- Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới

x

- Cách mạng tư sản và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản

x

- Chủ nghĩa xã hội từ năm 1917 đến nay

x

- Thế giới trong và sau Chiến tranh lạnh

x

LỊCH SỬ ĐÔNG NAM Á

- Văn minh Đông Nam Á thời cổ - trung đại

x

- Quá trình giành độc lập dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á

x

- ASEAN: Những chặng đường lịch sử

x

LỊCH SỬ VIỆT NAM

- Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858)

x

- Cộng đồng các dân tộc Việt Nam

x

- Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945)

x

- Một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858)

x

- Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông

x

- Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng 8 năm 1945 đến nay)

x

- Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay

x

- Lịch sử đối ngoại của Việt Nam thời cận - hiện đại

x

- Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam

x

1.2. Chuyên đề học tập

a) Mục tiêu

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề học tập. Mục tiêu của các chuyên đề này là:

- Mở rộng, nâng cao kiến thức và năng lực lịch sử đáp ứng yêu cầu phân hóa sâu ở cấp trung học phổ thông.

- Giúp học sinh hiểu sâu hơn vai trò của sử học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến lịch sử để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này cũng như có đủ năng lực để giải quyết những vấn đề có liên quan đến lịch sử và tiếp tục tự học lịch sử suốt đời.

- Tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp học sinh phát triển tình yêu, sự say mê, ham thích tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử thế giới.

b) Nội dung các chuyên đề học tập

Mạch nội dung

Lớp 10

Lớp 11

Lớp 12

CHUYÊN ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP

Chuyên đề 10.1: Các lĩnh vực của Sử học

x

CHUYÊN ĐỀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Chuyên đề 10.2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam

x

Chuyên đề 11.1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam

x

Chuyên đề 12.1: Lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam

x

CHUYÊN ĐỀ NÂNG CAO KIẾN THỨC

Chuyên đề 10.3: Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử

x

Chuyên đề 11.2: Chiến tranh và hòa bình trong thế kỉ XX

x

Chuyên đề 11.3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam

x

Chuyên đề 12.2: Nhật Bản: Hành trình lịch sử từ năm 1945 đến nay

x

Chuyên đề 12.3: Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam

x

2. Nội dung cụ thể và yêu cầu cần đạt ở các lớp

LỚP 10

Nội dung

Yêu cầu cần đạt

LỊCH SỬ VÀ SỬ HỌC

Hiện thực lịch sử và lịch sử được con người nhận thức

Lịch sử

- Hiện thực lịch sử

- Lịch sử được con người nhận thức

- Trình bày được khái niệm lịch sử.

- Phân biệt được hiện thực lịch sử và lịch sử được con người nhận thức.

Sử học

- Khái niệm sử học

- Đối tượng nghiên cứu của sử học

- Chức năng, nhiệm vụ của sử học

- Giải thích được khái niệm sử học.

- Trình bày được đối tượng nghiên cứu của sử học.

- Nêu được chức năng, nhiệm vụ của sử học.

Tri thức lịch sử và cuộc sống: Học tập và khám phá lịch sử suốt đời

- Sự cần thiết của việc học tập, khám phá lịch sử suốt đời

- Thu thập thông tin, sử liệu, làm giàu tri thức lịch sử

- Kết nối kiến thức, bài học lịch sử vào cuộc sống

- Giải thích được sự cần thiết phải học tập và khám phá lịch sử suốt đời.

- Biết cách sưu tầm, thu thập, xử lý thông tin, sử liệu để học tập, khám phá lịch sử.

- Vận dụng kiến thức, bài học lịch sử để giải thích những vấn đề thời sự trong nước và thế giới, những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống (ở mức độ đơn giản).

- Quan tâm, yêu thích và tham gia các hoạt động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới.

VAI TRÒ CỦA SỬ HỌC

Sử học với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên

- Mối quan hệ giữa sử học với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

- Vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên

- Nêu được mối quan hệ giữa sử học với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên.

- Có ý thức vận động các bạn và mọi người ở xung quanh cùng tham gia bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên ở địa phương.

Sử học với sự phát triển du lịch

- Vai trò của lịch sử và văn hóa đối với sự phát triển du lịch

- Vai trò của du lịch đối với công tác bảo tồn di tích lịch sử, di sản văn hóa

- Giải thích được vai trò của lịch sử và văn hóa đối với sự phát triển du lịch.

- Nêu được tác động của du lịch với công tác bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa.

MỘT SỐ NỀN VĂN MINH THẾ GIỚI THỜI CỔ - TRUNG ĐẠI

Khái niệm văn minh

- Khái niệm văn minh

- Phân biệt văn minh và văn hóa

- Giải thích được khái niệm văn minh.

- Phân biệt được khái niệm văn minh, văn hóa.

Một số nền văn minh phương Đông

Văn minh Ai Cập

- Những thành tựu tiêu biểu

- Ý nghĩa

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về các nền văn minh cổ đại phương Đông.

- Nêu được thành tựu tiêu biểu và ý nghĩa của văn minh Ai Cập về chữ viết, khoa học tự nhiên, kiến trúc, điêu khắc.

Văn minh Trung Hoa

- Những thành tựu tiêu biểu

- Ý nghĩa

- Nêu được thành tựu tiêu biểu và ý nghĩa của văn minh Trung Hoa về chữ viết, văn học nghệ thuật, sử học, khoa học tự nhiên, y học, thiên văn học, lịch pháp, tư tưởng, tôn giáo.

Văn minh Ấn Độ

- Những thành tựu tiêu biểu

- Ý nghĩa

- Nêu được những thành tựu tiêu biểu và ý nghĩa của văn minh Ấn Độ về chữ viết, văn học nghệ thuật, khoa học tự nhiên, tư tưởng, tôn giáo.

Một số nền văn minh phương Tây

Văn minh Hy Lạp - La Mã

- Những thành tựu tiêu biểu

- Ý nghĩa

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về các nền văn minh phương Tây thời cổ - trung đại.

- Nêu được những thành tựu tiêu biểu và ý nghĩa của văn minh Hy Lạp - La Mã về chữ viết, thiên văn học, lịch pháp, văn học, nghệ thuật, khoa học tự nhiên, tư tưởng, tôn giáo, thể thao.

Văn minh thời Phục hưng

- Những thành tựu tiêu biểu

- Ý nghĩa

- Nêu được những thành tựu tiêu biểu và ý nghĩa của văn minh thời Phục hưng về tư tưởng, văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, thiên văn học.

CÁC CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP TRONG LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Cách mạng công nghiệp thời cận đại

Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất

Những thành tựu cơ bản

- Biết cách sưu tầm và sử dụng một số tư liệu để tìm hiểu về các cuộc cách mạng công nghiệp.

- Nêu được thành tựu cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.

Cách mạng công nghiệp lần thứ hai

Những thành tựu cơ bản

- Nêu được những thành tựu cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ hai.

Ý nghĩa của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai

- Về kinh tế

- Về xã hội, văn hóa

- Nêu được ý nghĩa của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và lần thứ hai về kinh tế, xã hội, văn hóa.

Cách mạng công nghiệp thời hiện đại

Cách mạng công nghiệp lần thứ ba

- Những thành tựu cơ bản

- Nêu được những thành tựu cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0)

- Những thành tựu cơ bản

- Nêu được những thành tựu cơ bản của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ý nghĩa của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư

- Về kinh tế

- Về xã hội, văn hóa

- Nêu được ý nghĩa của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư về kinh tế, xã hội, văn hóa.

- Có thái độ trân trọng những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp đối với sự phát triển của lịch sử.

- Vận dụng được những hiểu biết về tác động hai mặt của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư để tuân thủ những quy định của pháp luật trong cách thức giao tiếp trên Internet, mạng xã hội.

VĂN MINH ĐÔNG NAM Á THỜI CỔ - TRUNG ĐẠI

Hành trình phát triển và thành tựu của văn minh Đông

Nam Á thời cổ - trung đại

Hành trình phát triển

Một số thành tựu tiêu biểu

- Tôn giáo và tín ngưỡng

- Văn tự và văn học

- Kiến trúc và điêu khắc

- Biết cách sưu tầm và sử dụng một số tư liệu để tìm hiểu về lịch sử văn minh Đông Nam Á.

- Trình bày được các thời kỳ phát triển của văn minh Đông Nam Á.

- Nêu được một số thành tựu tiêu biểu của văn minh Đông Nam Á về tôn giáo và tín ngưỡng, văn tự và văn học, kiến trúc và điêu khắc.

- Biết trân trọng giá trị trường tồn của các di sản văn minh Đông Nam Á, tham gia bảo tồn các di sản văn minh Đông Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

MỘT SỐ NỀN VĂN MINH TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM (TRƯỚC NĂM 1858)

Một số nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam

Văn minh Văn Lang - Âu Lạc

- Cơ sở hình thành

- Những thành tựu tiêu biểu

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

- Nêu được cơ sở hình thành văn minh Văn Lang - Âu Lạc.

- Nêu được những thành tựu tiêu biểu của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc về đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tổ chức xã hội, Nhà nước.

Văn minh Champa

- Cơ sở hình thành

- Những thành tựu tiêu biểu

- Nêu được cơ sở hình thành văn minh Champa.

- Trình bày được những thành tựu tiêu biểu của văn minh Champa về đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tổ chức xã hội, Nhà nước.

Văn minh Phù Nam

- Cơ sở hình thành

- Những thành tựu tiêu biểu

- Nêu được cơ sở hình thành văn minh Phù Nam.

- Trình bày được những thành tựu tiêu biểu của văn minh Phù Nam về đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tổ chức xã hội, Nhà nước.

- Biết vận dụng hiểu biết về các nền văn minh cổ để giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam. Nhận thức được giá trị trường tồn của các nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam. Có ý thức trân trọng truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của dân tộc Việt Nam trong lịch sử. Có trách nhiệm trong việc góp phần bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc.

Văn minh Đại Việt

Cơ sở hình thành và quá trình phát triển của văn minh Đại Việt

- Khái niệm văn minh Đại Việt

- Cơ sở hình thành

- Quá trình phát triển

- Giải thích được khái niệm văn minh Đại Việt.

- Trình bày được cơ sở hình thành văn minh Đại Việt về kế thừa văn minh Văn Lang - Âu Lạc, nền độc lập tự chủ của đất nước, tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ.

- Nêu được quá trình phát triển của văn minh Đại Việt.

Một số thành tựu của văn minh Đại Việt

- Về kinh tế

- Về chính trị

- Về tư tưởng, tôn giáo

- Về văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về những thành tựu của văn minh Đại Việt.

- Nêu được một số thành tựu cơ bản của nền văn minh Đại Việt về kinh tế, chính trị, tư tưởng, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật.

Ý nghĩa của văn minh Đại Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam

- Phân tích được ý nghĩa của nền văn minh Đại Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

- Trân trọng giá trị của nền văn minh Đại Việt, vận dụng hiểu biết về văn minh Đại Việt để giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người, di sản văn hóa Việt Nam.

CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

Các dân tộc trên đất nước Việt Nam

- Thành phần dân tộc theo dân số

- Nêu được thành phần dân tộc theo dân số.

- Thành phần dân tộc theo ngữ hệ

- Trình bày được việc phân chia tộc người theo ngữ hệ.

Khái quát về đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam

- Đời sống vật chất

- Đời sống tinh thần

- Trình bày được nét chính về đời sống vật chất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

- Nêu được nét chính về đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam

Khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam

- Sự hình thành khối đại đoàn kết dân tộc

- Vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước

- Vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

- Nêu được nét chính về sự hình thành khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử Việt Nam.

- Nêu được vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

- Nêu được vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện nay

- Quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc

- Nội dung cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước

- Nêu được quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.

- Nêu được nội dung cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước hiện nay về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh.

- Có ý thức trân trọng sự bình đẳng giữa các dân tộc, có hành động cụ thể góp phần tham gia vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc.

THỰC HÀNH LỊCH SỬ

- Tổ chức các hoạt động thực hành lịch sử tại lớp học.

- Tiến hành các hoạt động giáo dục lịch sử gắn với thực địa (di sản lịch sử, văn hóa),...

- Học tập tại các bảo tàng, xem phim tài liệu lịch sử.

- Tổ chức các câu lạc bộ, các cuộc thi “Em yêu lịch sử”, “Nhà sử học trẻ tuổi”, các trò chơi lịch sử.

- Củng cố, khắc sâu kiến thức lịch sử.

- Rèn luyện các kĩ năng thực hành bộ môn, phát triển năng lực lịch sử.

- Tạo hứng thú trong học tập.

CHUYÊN ĐỀ LỚP 10

Nội dung

Yêu cầu cần đạt

Chuyên đề 10.1: CÁC LĨNH VỰC CỦA SỬ HỌC

Thông sử và Lịch sử theo lĩnh vực

Khái quát về một số cách trình bày lịch sử truyền thống

- Kể chuyện về quá khứ

- Lịch sử biên niên

- ...

- Tóm tắt được một số cách trình bày lịch sử truyền thống thông qua ví dụ cụ thể.

Thông sử

- Khái niệm

- Nội dung chính

- Giải thích được khái niệm thông sử.

- Nêu được nội dung chính của thông sử.

Lịch sử theo lĩnh vực

- Khái quát về các lĩnh vực của lịch sử

- Ý nghĩa của việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực

- Nêu được nét khái quát về các lĩnh vực của lịch sử

- Giải thích được ý nghĩa của việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực.

Lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới

- Lịch sử dân tộc

- Lịch sử thế giới

- Nêu được khái niệm và nội dung chính của lịch sử dân tộc

- Nêu được khái niệm và nội dung chính của lịch sử thế giới.

Một số lĩnh vực của lịch sử Việt Nam

Lịch sử văn hóa Việt Nam

- Đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hóa Việt Nam

- Khái lược tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam

- Nêu được đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hóa Việt Nam.

- Tóm tắt được nét chính của lịch sử văn hóa Việt Nam trên đường thời gian.

Lịch sử tư tưởng Việt Nam

- Đối tượng, phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam

- Khái lược lịch sử tư tưởng Việt Nam

- Nêu được đối tượng và phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam.

- Tóm tắt được nét chính của lịch sử tư tưởng Việt Nam trên đường thời gian.

Lịch sử xã hội Việt Nam

- Đối tượng của lịch sử xã hội

- Khái lược về xã hội Việt Nam truyền thống và hiện đại

- Giải thích được đối tượng của lịch sử xã hội.

- Tóm tắt được nét chính của lịch sử xã hội Việt Nam trên đường thời gian.

Lịch sử kinh tế Việt Nam

- Đối tượng của lịch sử kinh tế

- Khái lược lịch sử kinh tế Việt Nam

- Giải thích được đối tượng của lịch sử kinh tế.

- Tóm tắt được nét chính của lịch sử kinh tế Việt Nam trên đường thời gian.

Chuyên đề 10.2: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA Ở VIỆT NAM

Di sản văn hóa

Khái niệm di sản văn hóa

- Khái niệm di sản văn hóa

- Ý nghĩa của di sản văn hóa

- Giải thích được khái niệm di sản văn hóa.

- Nêu được ý nghĩa của di sản văn hóa: tài sản vô giá của cộng đồng, dân tộc, nhân loại được kế thừa từ các thế hệ trước cho các thế hệ mai sau.

Phân loại di sản văn hóa và xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa

- Phân loại di sản văn hóa

- Xếp hạng di sản văn hóa

- Chỉ ra được một số cách phân loại, xếp hạng di sản văn hóa.

- Phân tích được mục đích và ý nghĩa của việc phân loại, xếp hạng di sản văn hóa.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển

- Khái niệm bảo tồn di sản văn hóa

- Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

- Giải thích được khái niệm bảo tồn di sản văn hóa.

- Phân tích được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa: bảo tồn phải đặt trong bối cảnh phát triển bền vững để bảo tồn không trở thành gánh nặng và rào cản của phát triển.

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản

- Cơ sở khoa học của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

- Phân tích được cơ sở khoa học của công tác bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.

- Các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

- Nêu được các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa: tuyên truyền giáo dục ý thức bảo tồn di sản, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường biện pháp bảo vệ di sản,...

Vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan

- Vai trò của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Giải thích được vai trò của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và của mỗi cá nhân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Trách nhiệm của các bên liên quan: Nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường, cộng đồng, công dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

- Trình bày được trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường, cộng đồng, công dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua ví dụ cụ thể.

- Có ý thức trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp và vận động người khác cùng tham gia vào việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa ở địa phương và đất nước.

Một số di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam (gợi ý)

Giới thiệu một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu

- Dân ca quan họ Bắc Ninh

- Ca trù

- Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

- Nhã nhạc cung đình Huế

- Đờn ca tài tử Nam Bộ

- ...

- Xác định được vị trí phân bố các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trên bản đồ.

- Giới thiệu được nét cơ bản về một trong số những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu.

Giới thiệu một số di sản văn hóa vật thể tiêu biểu

- Trống đồng Đông Sơn

- Thành Cổ Loa

- Hoàng thành Thăng Long

- Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

- Quảng trường Ba Đình và Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Thành Nhà Hồ

- Cố đô Huế

- Tháp Chăm

- ...

- Xác định được vị trí phân bố các di sản lịch sử văn hóa vật thể tiêu biểu trên bản đồ.

- Giới thiệu được nét cơ bản về một trong số di sản lịch sử văn hóa vật thể tiêu biểu.

Giới thiệu một số di sản thiên nhiên tiêu biểu

- Các Công viên địa chất: Cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng

- Vịnh Hạ Long

- Vườn quốc gia Cúc Phương

- Vườn quốc gia Cát Tiên

- ...

- Xác định vị trí phân bố các di sản thiên nhiên tiêu biểu trên bản đồ.

- Giới thiệu được những nét cơ bản về một trong số những di sản thiên nhiên tiêu biểu.

Giới thiệu một số di sản phức hợp tiêu biểu

- Khu di tích - danh thắng Tràng An (Ninh Bình)

- Khu di tích - danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh)

- Xác định được vị trí phân bố các di sản phức hợp tiêu biểu trên bản đồ.

- Giới thiệu được những nét cơ bản về một trong số các di sản phức hợp tiêu biểu.

Chuyên đề 10.3: NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ

Nhà nước và pháp luật trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858)

Một số mô hình nhà nước quân chủ Việt Nam tiêu biểu

- Nhà nước quân chủ thời Lý - Trần

- Nhà nước quân chủ thời Lê sơ

- Nhà nước quân chủ thời Nguyễn

Một số bộ luật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam trước năm 1858

- Quốc triều hình luật

- Hoàng Việt luật lệ

- Sưu tầm tư liệu để tìm hiểu về một số mô hình nhà nước quân chủ Việt Nam tiêu biểu: Nhà nước quân chủ thời Lý - Trần, thời Lê sơ, thời Nguyễn.

- Nêu và phân tích được đặc điểm của mô hình nhà nước quân chủ Việt Nam thông qua ví dụ cụ thể: Nhà nước quân chủ thời Lý - Trần, thời Lê sơ, thời Nguyễn.

- Phân tích được nét chính của hai bộ luật tiêu biểu của nhà nước quân chủ Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 - 1976)

Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

- Bối cảnh ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

- Phân tích được bối cảnh ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Ý nghĩa lịch sử của việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

- Nêu được ý nghĩa của việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vai trò của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

- Đặc điểm và tính chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

- Phân tích được đặc điểm và tính chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Vai trò của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước thời kì 1945 - 1976

- Nêu được vai trò của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước thời kỳ 1945 - 1976.

Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976 đến nay

Sự ra đời của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Bối cảnh ra đời của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Phân tích được bối cảnh ra đời của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Ý nghĩa lịch sử của việc ra đời Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Nêu được ý nghĩa lịch sử của việc ra đời Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vai trò của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Vai trò của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế

- Nêu được vai trò của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Một số bản Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến nay

Một số điểm chung của các bản Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến nay

- Bối cảnh ra đời của các bản Hiến pháp Việt Nam: các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013

- Một số điểm chung của các bản Hiến pháp Việt Nam

- Nêu được điểm chung về bối cảnh ra đời của các bản Hiến pháp ở Việt Nam từ năm 1946 đến nay (1946, 1959, 1980, 1992 và 2013): những thay đổi quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, gắn với một giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc.

- Phân tích được một số điểm chính của các bản Hiến pháp Việt Nam: cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước,...

Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam: Hiến pháp năm 1946

- Một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1946

- Nêu được một số nội dung chính của Hiến pháp năm 1946: ghi nhận thành quả của Cách mạng tháng Tám 1945, quyền bình đẳng và nghĩa vụ công dân, cơ cấu hệ thống chính trị,...

- Ý nghĩa lịch sử

- Phân tích được ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Hiến pháp của thời kỳ đổi mới: Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013

- Hiến pháp năm 1992: Hiến pháp đầu tiên của thời kì đổi mới

- Hiến pháp năm 2013: Hiến pháp thứ hai của thời kì đổi mới

- Nêu được một số nét chính của Hiến pháp năm 1992: ban hành trong những năm đầu của công cuộc Đổi mới, là cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng để thực hiện công cuộc Đổi mới,...

- Phân tích được điểm mới của Hiến pháp năm 2013: sự tiến bộ về tư tưởng dân chủ, cơ cấu Nhà nước, kỹ thuật lập hiến,...

- Có ý thức trân trọng lịch sử lập hiến của dân tộc, có trách nhiệm và sẵn sàng vận động người khác cùng tuân thủ pháp luật.

LỚP 11

Nội dung

Yêu cầu cần đạt

CÁCH MẠNG TƯ SẢN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN

Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản

Tiền đề của các cuộc cách mạng tư sản

- Kinh tế

- Chính trị

- Xã hội

- Tư tưởng

- Trình bày được tiền đề của các cuộc cách mạng tư sản về kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng.

Mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực của các cuộc cách mạng tư sản

- Mục tiêu và nhiệm vụ

- Giai cấp lãnh đạo và động lực cách mạng

- Phân tích được mục tiêu, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, động lực của các cuộc cách mạng tư sản.

Kết quả, ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản

- Kết quả

- Ý nghĩa

- Trình bày được kết quả, ý nghĩa của các cuộc cách mạng tư sản.

Sự xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản

Sự xác lập chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ

- Trình bày được sự xác lập của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản

- Chủ nghĩa đế quốc và quá trình mở rộng xâm lược thuộc địa

- Sự mở rộng và phát triển của chủ nghĩa tư bản

- Chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền

- Trình bày được quá trình mở rộng xâm lược thuộc địa và phát triển của chủ nghĩa tư bản.

- Trình bày được sự phát triển của chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền.

Chủ nghĩa tư bản hiện đại

- Khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại

- Tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại

- Nêu được khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại.

- Nêu được tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

- Có nhận thức đúng đắn về tiềm năng và những hạn chế của chủ nghĩa tư bản. Vận dụng được những hiểu biết về lịch sử chủ nghĩa tư bản để giải thích những vấn đề thời sự của xã hội tư bản hiện nay.

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TỪ NĂM 1917 ĐẾN NAY

Sự hình thành Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết

- Quá trình hình thành Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết

- Ý nghĩa sự ra đời của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết

- Trình bày được quá trình hình thành Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.

- Phân tích được ý nghĩa sự ra đời của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết.

Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội sau Chiến tranh thế giới thứ hai

- Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu

- Sự mở rộng chủ nghĩa xã hội ở châu Á và khu vực Mỹ Latinh

- Nguyên nhân khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô

- Trình bày được sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

- Nêu được sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở khu vực châu Á, khu vực Mỹ Latinh.

- Giải thích được nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô.

Chủ nghĩa xã hội từ năm 1991 đến nay

- Khái quát về chủ nghĩa xã hội từ năm 1991 đến nay

- Thành tựu chính của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc

- Nêu được nét chính về chủ nghĩa xã hội từ năm 1991 đến nay.

- Nêu được những thành tựu chính và ý nghĩa của công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc.

- Có ý thức trân trọng những thành tựu, giá trị của chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

QUÁ TRÌNH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC CỦA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á

Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á

Quá trình xâm lược và cai trị

- Đông Nam Á hải đảo

- Đông Nam Á lục địa

- Trình bày được quá trình các nước thực dân phương Tây xâm lược và thiết lập nền thống trị ở Đông Nam Á (Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa).

Công cuộc cải cách ở Xiêm

- Công cuộc cải cách ở Xiêm

- Ý nghĩa của công cuộc cải cách ở Xiêm

- Trình bày được công cuộc cải cách ở Xiêm.

- Giải thích được vì sao Xiêm là nước duy nhất ở Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây.

Hành trình đi đến độc lập dân tộc ở Đông Nam Á

Phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược ở Đông Nam Á

- Đông Nam Á hải đảo

- Đông Nam Á lục địa

- Tóm tắt được nét chính về cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược ở một số nước Đông Nam Á hải đảo (Indonesia, Philippines) và Đông Nam Á lục địa (Myanmar, ba nước Đông Dương).

Các giai đoạn phát triển của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á

- Cuối thế kỉ XIX đến năm 1920

- Từ năm 1920 đến năm 1945

- Từ năm 1945 đến năm 1975

- Nêu được các giai đoạn phát triển của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Đông Nam Á.

Thời kỳ tái thiết và phát triển sau khi giành được độc lập

- Những ảnh hưởng của chế độ thực dân

- Quá trình tái thiết và phát triển

- Nêu được những ảnh hưởng của chế độ thực dân đối với các thuộc địa. Liên hệ với thực tế ở Việt Nam.

- Tóm tắt được nét chính về quá trình tái thiết và phát triển ở Đông Nam Á.

- Có ý thức trân trọng những thành quả đấu tranh giành độc lập và phát triển của các dân tộc ở Đông Nam Á hiện nay.

CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM (TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945)

Khái quát về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam

- Vị trí địa chiến lược của Việt Nam

- Vai trò, ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam

- Nêu được vị trí địa chiến lược của Việt Nam.

- Phân tích được vai trò, ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam.

- Biết trân trọng truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ Việt Nam trong lịch sử, tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương.

Một số cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu

- Cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán và chiến thắng Bạch Đằng năm 938

- Cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 và những năm 1075 - 1077

- Ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên

- Kháng chiến chống quân Xiêm những năm 1784 - 1785

- Kháng chiến chống quân Thanh năm 1789

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về các cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

- Trình bày được nội dung chính của các cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu của dân tộc Việt Nam về thời gian, địa điểm, đối tượng xâm lược, những trận đánh lớn, kết quả.

- Giải thích được nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Một số cuộc kháng chiến không thành công

- Kháng chiến chống quân Triệu

- Kháng chiến chống Minh

- Kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX

- Nguyên nhân không thành công

- Trình bày được nội dung chính của các cuộc kháng chiến không thành công về thời gian, địa điểm, đối tượng xâm lược, những trận đánh lớn, kết quả.

- Giải thích được nguyên nhân không thành công của một số cuộc kháng chiến trong lịch sử.

- Vận dụng kiến thức đã học, rút ra được những bài học lịch sử cơ bản từ lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, nhận thức được giá trị của các bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

- Có ý thức trân trọng, tự hào về truyền thống đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước của dân tộc Việt Nam và sẵn sàng tham gia đóng góp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam (từ thế kỷ III TCN - đến cuối thế kỷ XIX)

Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời kỳ Bắc thuộc

- Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

- Khởi nghĩa Bà Triệu

- Khởi nghĩa Lý Bí

- Khởi nghĩa Phùng Hưng

- Trình bày được nội dung chính của các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời kỳ Bắc thuộc.

- Nêu được ý nghĩa của một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu.

Khởi nghĩa Lam Sơn

- Bối cảnh lịch sử

- Diễn biến chính

- Ý nghĩa lịch sử

- Nêu được bối cảnh lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn.

- Trình bày được diễn biến chính của khởi nghĩa Lam Sơn.

- Nêu được ý nghĩa của khởi nghĩa Lam Sơn.

Phong trào Tây Sơn

- Bối cảnh lịch sử

- Diễn biến chính

- Ý nghĩa lịch sử

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử về phong trào Tây Sơn.

- Trình bày được bối cảnh lịch sử và những diễn biến chính của phong trào Tây Sơn.

- Nêu được ý nghĩa của phong trào Tây Sơn.

Một số bài học lịch sử

- Về quá trình tập hợp lực lượng

- Về vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc

- Về nghệ thuật quân sự

- Rút ra được những bài học lịch sử chính của các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam về quá trình vận động, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia, vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc, nghệ thuật quân sự.

- Bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

- Nêu được các bài học lịch sử đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

- Tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam trong lịch sử, sẵn sàng tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

MỘT SỐ CUỘC CẢI CÁCH LỚN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM (TRƯỚC NĂM 1858)

Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly và triều Hồ (đầu thế kỷ XV)

- Bối cảnh lịch sử

- Nội dung chính

- Kết quả

- Trình bày được bối cảnh lịch sử, nội dung, kết quả, ý nghĩa cuộc cải cách của nhà Hồ.

Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông thế kỷ XV

- Bối cảnh lịch sử

- Nội dung chính

- Kết quả

- Trình bày được bối cảnh lịch sử, nội dung, kết quả, ý nghĩa của cuộc cải cách của Lê Thánh Tông.

Cuộc cải cách của Minh Mạng nửa đầu thế kỷ XIX

- Bối cảnh lịch sử

- Nội dung chính

- Kết quả

- Trình bày được bối cảnh lịch sử, nội dung, kết quả, ý nghĩa của cuộc cải cách của Minh Mạng.

- Có ý thức trân trọng giá trị của các cuộc cải cách trong lịch sử dân tộc.

LỊCH SỬ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, CÁC QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG

Vị trí và tầm quan trọng của Biển Đông

Vị trí của Biển Đông

- Xác định được vị trí của Biển Đông trên bản đồ.

Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông

- Tuyến đường giao thông biển huyết mạch

- Địa bàn chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

- Nguồn tài nguyên thiên nhiên biển

- Giải thích được tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông - về giao thông biển, vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên biển.

Tầm quan trọng chiến lược của các đảo và quần đảo ở Biển Đông

- Vị trí của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

- Xác định được vị trí của các đảo và quần đảo ở Biển Đông trên bản đồ.

- Tầm quan trọng chiến lược của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

- Giải thích được tầm quan trọng chiến lược của các đảo và quần đảo ở Biển Đông.

Việt Nam và Biển Đông

Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Việt Nam

- Về quốc phòng, an ninh

- Về phát triển các ngành kinh tế trọng điểm

- Nêu được tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với Việt Nam về quốc phòng, an ninh, về phát triển các ngành kinh tế trọng điểm.

Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

- Quá trình Việt Nam xác lập chủ quyền và quản lí đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

- Cuộc đấu tranh bảo vệ và thực thi chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông

- Nêu được Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và quản lý liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong lịch sử.

- Trình bày được nét chính về cuộc đấu tranh bảo vệ và thực thi chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

Chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình

- Ban hành văn bản pháp luật khẳng định chủ quyền

- Tham gia Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS)

- Thông qua Luật Biển Việt Nam năm 2012

- Thúc đẩy và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

- Nêu được chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

- Trân trọng những thành quả đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trong lịch sử, sẵn sàng tham gia đóng góp vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước Việt Nam.

THỰC HÀNH LỊCH SỬ

- Tổ chức các hoạt động thực hành lịch sử tại lớp học.

- Tiến hành các hoạt động giáo dục lịch sử gắn với thực địa (di sản lịch sử, văn hóa),...

- Học tập tại các bảo tàng, xem phim tài liệu lịch sử.

- Tổ chức các câu lạc bộ, các cuộc thi “Em yêu lịch sử”, “Nhà sử học trẻ tuổi”, các trò chơi lịch sử.

- Củng cố, khắc sâu kiến thức lịch sử.

- Rèn luyện các kỹ năng thực hành bộ môn, phát triển năng lực lịch sử.

- Tạo hứng thú trong học tập.

CHUYÊN ĐỀ LỚP 11

Nội dung

Yêu cầu cần đạt

Chuyên đề 11.1: LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM

Nghệ thuật thời Lý - Trần

Nghệ thuật thời Lý

- Kiến trúc

- Điêu khắc

- Nêu được những nét cơ bản của nghệ thuật thời Lý về kiến trúc, điêu khắc thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc sưu tầm tranh ảnh, tài liệu,...

Nghệ thuật thời Trần

- Kiến trúc

- Điêu khắc

- Nêu được những thành tựu nghệ thuật chính thời Trần về kiến trúc và điêu khắc thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc sưu tầm tranh ảnh, tài liệu,...

Nghệ thuật thời Lê sơ và thời Mạc

Nghệ thuật thời Lê sơ

- Kiến trúc

- Điêu khắc

- Nêu được những thành tựu nghệ thuật chính thời Lê sơ về kiến trúc và điêu khắc thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc sưu tầm tranh ảnh, tài liệu,...

Nghệ thuật thời Mạc

- Kiến trúc

- Điêu khắc

- Liệt kê được những thành tựu nghệ thuật chính thời Mạc.

- Nêu được những điểm chính của nghệ thuật kiến trúc thời Mạc.

Nghệ thuật thời Lê trung hưng và thời Nguyễn

Nghệ thuật thời Lê trung hưng

- Kiến trúc

- Điêu khắc

- Mỹ thuật

- Nêu được những nét cơ bản của nghệ thuật thời Lê trung hưng về kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc sưu tầm tranh ảnh, tài liệu,...

- Phân tích được những điểm mới về nghệ thuật thời Lê trung hưng.

Nghệ thuật thời Nguyễn

- Kiến trúc

- Điêu khắc

- Mỹ thuật

- Âm nhạc

- Mô tả được những nét cơ bản về nghệ thuật thời Nguyễn về kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật, âm nhạc thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc sưu tầm tranh ảnh, tài liệu,...

- Nêu được những điểm mới của nghệ thuật thời Nguyễn.

Chuyên đề 11.2: CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG THẾ KỈ XX

Chiến tranh và hòa bình nửa đầu thế kỷ XX

Hai cuộc chiến tranh thế giới nửa đầu thế kỷ XX

- Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918): nguyên nhân, hậu quả và tác động

- Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945): nguyên nhân, hậu quả và tác động

- Giải thích được nguyên nhân cơ bản dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới.

- Đánh giá được những hậu quả và tác động của hai cuộc chiến tranh thế giới.

Cuộc đấu tranh vì hòa bình giữa hai cuộc chiến tranh thế giới

- Sắc lệnh hòa bình của Lênin năm 1917, chính sách ngoại giao hòa bình của Liên Xô

- Hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu giữa hai cuộc chiến tranh thế giới

- Phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít và nguy cơ chiến tranh

- Phân tích được khát vọng hòa bình và cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới thông qua ví dụ cụ thể: Sắc lệnh hòa bình của Lênin năm 1917, chính sách ngoại giao hòa bình của Liên Xô; Những nỗ lực xây dựng hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu; Phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít và nguy cơ chiến tranh,...

Phong trào kháng chiến chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai

- Phong trào kháng chiến chống phát xít ở châu Âu, châu Á, châu Phi

- Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô

- Nêu được ý nghĩa của phong trào kháng chiến chống phát xít vì hòa bình của nhân dân thế giới trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

- Phân tích được ý nghĩa của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

Chiến tranh và hòa bình từ sau năm 1945 đến nay

Chiến tranh lạnh (1947 - 1989)

- Nguyên nhân, đặc điểm

- Hậu quả

- Kết thúc Chiến tranh lạnh: nguyên nhân và tác động

- Nêu được nét chính về nguyên nhân, đặc điểm của Chiến tranh lạnh.

- Đánh giá được những hậu quả của cuộc Chiến tranh lạnh đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

- Phân tích được nguyên nhân kết thúc Chiến tranh lạnh và tác động đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chiến tranh, xung đột quân sự sau Chiến tranh lạnh

- Các cuộc nội chiến, xung đột quân sự khu vực

- Cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ

- Giải thích được vì sao sau Chiến tranh lạnh, các cuộc chiến tranh, xung đột vẫn tiếp diễn thông qua ví dụ cụ thể: sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ, chiến tranh Iraq, Afghanistan, các cuộc chiến tranh ở khu vực Trung Đông,...

Đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới

- Đấu tranh chống chạy đua vũ trang, vì hòa bình của nhân dân thế giới trong Chiến tranh lạnh

- Sưu tầm tư liệu để tìm hiểu về cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới trong Chiến tranh lạnh: Đại hội hòa bình thế giới ngày 26 tháng 4 năm 1949 (Paris), sự thành lập Hội đồng hòa bình thế giới và các hoạt động chính.

- Phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam

- Nêu được nét chính về phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam thông qua ví dụ cụ thể.

- Đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới sau Chiến tranh lạnh

- Giải thích được vì sao cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới vẫn tiếp diễn sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

- Có ý thức trân trọng và góp phần tham gia vào cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới.

Chuyên đề 11.3: DANH NHÂN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Khái quát về danh nhân trong lịch sử dân tộc

Khái niệm danh nhân

Vai trò của danh nhân trong lịch sử dân tộc

- Giải thích được khái niệm danh nhân.

- Nêu được nét chính về vai trò của danh nhân trong lịch sử dân tộc.

Một số nhà chính trị nổi tiếng của Việt Nam thời cổ - trung đại (Gợi ý lựa chọn)

Đinh Bộ Lĩnh

Trần Thủ Độ

Lê Thánh Tông

Minh Mệnh

...

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để hiểu được thân thế, sự nghiệp của một số nhà chính trị nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời cổ - trung đại.

- Nêu được nhận xét về những đóng góp chính của các nhà chính trị nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời cổ - trung đại.

- Có ý thức trân trọng những đóng góp của các nhà chính trị nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.

Một số danh nhân quân sự Việt Nam (Gợi ý lựa chọn)

Ngô Quyền

Trần Quốc Tuấn

Nguyễn Huệ

Võ Nguyên Giáp

...

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để hiểu được thân thế, sự nghiệp của một số danh nhân quân sự trong lịch sử Việt Nam.

- Đánh giá được vai trò của danh nhân quân sự trong lịch sử Việt Nam.

- Có ý thức trân trọng những đóng góp của danh nhân quân sự trong lịch sử dân tộc.

Một số danh nhân văn hóa Việt Nam (Gợi ý lựa chọn)

Trần Nhân Tông

Nguyễn Trãi

Nguyễn Du

Hồ Xuân Hương

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để hiểu về một số danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam.

- Nêu được nhận xét về những đóng góp chính của danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam thông qua ví dụ cụ thể.

- Có ý thức trân trọng những đóng góp của danh nhân văn hóa trong lịch sử dân tộc.

Một số danh nhân Việt Nam trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo (Gợi ý lựa chọn)

Chu Văn An Lê Quý Đôn Tuệ Tĩnh

Trần Đại Nghĩa Tôn Thất Tùng Đào Duy Anh

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để hiểu về một số danh nhân trong lịch sử Việt Nam về lĩnh vực khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo.

- Nêu được nhận xét về đóng góp chính của danh nhân trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo thông qua ví dụ cụ thể.

- Có ý thức trân trọng những đóng góp của danh nhân khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo trong lịch sử dân tộc.

LỚP 12

Nội dung

Yêu cầu cần đạt

THẾ GIỚI TRONG VÀ SAU CHIẾN TRANH LẠNH

Liên hợp quốc

Một số vấn đề cơ bản về Liên hợp quốc

- Lịch sử hình thành

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về quá trình thành lập Liên hợp quốc.

- Nêu được bối cảnh lịch sử và quá trình hình thành Liên hợp quốc.

- Mục tiêu, nguyên tắc hoạt động

- Trình bày được mục tiêu và nguyên tắc hoạt động cơ bản của Liên hợp quốc.

Vai trò của Liên hợp quốc

- Trong lĩnh vực hòa bình, an ninh quốc tế

- Nêu được vai trò của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

- Trong lĩnh vực phát triển

- Trình bày được vai trò của Liên hợp quốc trong lĩnh vực thúc đẩy phát triển, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế, nâng cao đời sống người dân.

- Trong lĩnh vực quyền con người, văn hóa, xã hội

- Trình bày được vai trò của Liên hợp quốc trong việc đảm bảo quyền con người, phát triển văn hóa, xã hội.

Trật tự thế giới trong Chiến tranh lạnh

- Sự hình thành và tồn tại Trật tự hai cực Yalta

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về Trật tự thế giới hai cực Yalta.

- Trình bày được quá trình hình thành và tồn tại của Trật tự thế giới hai cực Yalta.

- Sự sụp đổ của Trật tự thế giới hai cực Yalta

Nguyên nhân sụp đổ

- Nêu được nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Trật tự thế giới hai cực Yalta.

Tác động

- Phân tích được tác động sự sụp đổ Trật tự thế giới hai cực Yalta đối với tình hình thế giới.

Trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh

- Xu thế phát triển chính của thế giới sau Chiến tranh lạnh

- Nêu được xu thế phát triển chính của thế giới sau Chiến tranh lạnh.

- Xu thế đa cực trong quan hệ quốc tế

Khái niệm đa cực

- Trình bày được khái niệm đa cực.

- Nêu được xu thế đa cực trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh.

Xu thế đa cực

- Vận dụng được những hiểu biết về thế giới sau Chiến tranh lạnh để giải thích những vấn đề thời sự trong quan hệ quốc tế.

ASEAN: NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Quá trình hình thành và mục đích của ASEAN

- Quá trình hình thành

- Mục đích thành lập

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu để tìm hiểu về quá trình thành lập ASEAN.

- Trình bày được quá trình hình thành và mục đích thành lập của ASEAN.

Hành trình phát triển của ASEAN

- Từ ASEAN 5 (1967) đến ASEAN 10 (1999)

- Các giai đoạn phát triển chính của ASEAN (1967 đến nay)

- Trình bày được quá trình phát triển từ ASEAN 5 đến ASEAN 10.

- Nêu được các giai đoạn phát triển chính của ASEAN (1967 đến nay).

Cộng đồng ASEAN: Từ ý tưởng đến hiện thực

Ý tưởng, mục tiêu và kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN

- Ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN

- Mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN

- Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tài liệu để tìm hiểu về quá trình hình thành và mục tiêu của Cộng đồng ASEAN.

- Nêu được nét chính về ý tưởng, mục tiêu và kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN:

- Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC)

- Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

- Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC)

- Trình bày được nội dung ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN.

Cộng đồng ASEAN sau năm 2015

- Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015

- Những thách thức và triển vọng của Cộng đồng ASEAN

- Nêu được những thách thức và triển vọng của Cộng đồng ASEAN. Có ý thức sẵn sàng tham gia vào các hoạt động xây dựng Cộng đồng ASEAN.

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945, CHIẾN TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM (TỪ THÁNG 8 NĂM 1945 ĐẾN NAY)

Cách mạng tháng Tám năm 1945

Khái quát về Cách mạng tháng Tám năm 1945

- Bối cảnh lịch sử

- Diễn biến chính

- Trình bày được nét khái quát về bối cảnh lịch sử, diễn biến chính của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa và bài học lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945

- Nguyên nhân thắng lợi

- Nêu được nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Ý nghĩa và bài học lịch sử

- Phân tích được ý nghĩa và bài học lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Khái quát về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

- Bối cảnh lịch sử

- Những diễn biến chính

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Trình bày được nét khái quát về bối cảnh lịch sử, diễn biến chính của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

- Nguyên nhân thắng lợi

- Ý nghĩa lịch sử

- Nêu được nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Phân tích được ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Khái quát về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

- Bối cảnh lịch sử

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Các giai đoạn phát triển chính

- Trình bày được nét khái quát về bối cảnh lịch sử, các giai đoạn phát triển chính của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

- Nguyên nhân thắng lợi

- Ý nghĩa lịch sử

- Nêu được nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Phân tích ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Trân trọng, tự hào về truyền thống bất khuất của cha ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương.

Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay

Khái quát về cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay

- Bối cảnh lịch sử

- Diễn biến chính

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay.

- Trình bày được những nét khái quát về bối cảnh lịch sử, diễn biến chính về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (từ sau tháng 4 năm 1975 đến những năm 80 của thế kỷ XX); cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biên giới phía bắc và ở Biển Đông từ năm 1979 đến nay.

Ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay

- Nêu được ý nghĩa lịch sử của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay.

Một số bài học lịch sử

- Về tinh thần yêu nước

- Về vai trò của khối đoàn kết dân tộc

- Về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

- Về nghệ thuật lãnh đạo, nghệ thuật quân sự

- Nêu được những bài học cơ bản của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay.

- Phân tích được giá trị thực tiễn của những bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay. Trân trọng những bài học kinh nghiệm trong lịch sử và sẵn sàng góp phần tham gia bảo vệ Tổ quốc khi Tổ quốc cần.

CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY

Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay

- Giai đoạn 1986 - 1995: khởi đầu công cuộc Đổi mới

- Giai đoạn 1996 - 2006: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế

- Trình bày được những nội dung chính các giai đoạn của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay.

- Giai đoạn 2006 đến nay: tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng

Thành tựu cơ bản và bài học của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay

Thành tựu cơ bản về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và hội nhập quốc tế

- Trình bày được thành tựu cơ bản của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và hội nhập quốc tế.

Một số bài học kinh nghiệm

- Kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

- Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp

- Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân

- Kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới

- Nêu được một số bài học kinh nghiệm của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.

LỊCH SỬ ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM THỜI CẬN - HIỆN ĐẠI

Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc (đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945)

- Nêu được những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc (từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945).

Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954)

- Nêu được những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954.

Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)

- Nêu được những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975.

Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn 1975 - 1985

- Nêu được những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam trong giai đoạn 1975 - 1985.

Hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời kì Đổi mới (từ năm 1986 đến nay)

- Nêu được những hoạt động đối ngoại chủ yếu của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay.

- Tự hào về truyền thống ngoại giao của cha ông trong lịch sử, góp phần vào việc xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện của đất nước Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

HỒ CHÍ MINH TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh

Những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh

- Hoàn cảnh đất nước

- Hoàn cảnh quê hương

- Hoàn cảnh gia đình

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh.

- Nêu được một số yếu tố ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh.

Tiểu sử Hồ Chí Minh

- Xuất thân

- Quê quán

- Tóm tắt được những nét cơ bản trong tiểu sử của Hồ Chí Minh.

Khái quát về sự nghiệp của Hồ Chí Minh

- Tuổi trẻ

- Hoạt động ở nước ngoài (1911 - 1941)

- Trở về Việt Nam

- Trong nhà tù ở Trung Quốc

- Hoạt động lãnh đạo cách mạng

- Nêu được tiến trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc

Xác định con đường cứu nước

- Hành trình đi tìm đường cứu nước

- Con đường cứu nước

- Ý nghĩa của việc tìm ra con đường cứu nước

- Giới thiệu được hành trình đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh trên bản đồ.

- Nêu được nội dung cơ bản của con đường cứu nước của Hồ Chí Minh.

- Nêu được ý nghĩa của sự kiện Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước.

Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam

- Chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng

- Triệu tập và chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

- Ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

- Trình bày được quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức của Hồ Chí Minh cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Nêu được vai trò của Hồ Chí Minh đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và ý nghĩa của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lãnh đạo Cách mạng tháng Tám 1945

- Triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941)

- Sáng lập Mặt trận Việt Minh (ngày 19 tháng 5 năm 1941)

- Thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (ngày 22 tháng 12 năm 1944)

- Cùng Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

- Nêu được vai trò của Hồ Chí Minh đối với việc triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941), thành lập Mặt trận Việt Minh, thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, trực tiếp lãnh đạo Cách mạng tháng Tám 1945 và lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Nêu được ý nghĩa của việc thành lập Mặt trận Việt Minh (ngày 19 tháng 5 năm 1941) và vai trò của Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ (1954 - 1969)

- Giai đoạn 1945 - 1946

- Giai đoạn 1946 - 1954

- Giai đoạn 1954 - 1969

- Nêu được vai trò của Hồ Chí Minh trong giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám (1945 - 1946) khi thực hiện chủ trương “hòa để tiến” thông qua việc kí Hiệp định Sơ bộ (ngày 06 tháng 3 năm 1946) và bản Tạm ước (ngày 14 tháng 9 năm 1946).

- Nêu được vai trò của Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).

- Nêu được vai trò của Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1969).

- Có ý thức trân trọng công lao, đóng góp của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.

Dấu ấn Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới và Việt Nam

Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới

- Danh hiệu:

+ Năm 1987, UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn

+ Nhân dân thế giới đánh giá cao những cống hiến và những giá trị tư tưởng và văn hóa của Hồ Chí Minh

- Tưởng niệm: Nhà lưu niệm; Đài kỉ niệm; Đặt tên một số đại lộ,...

- Nêu được nguyên nhân nhân dân thế giới đánh giá cao những cống hiến và giá trị tư tưởng, văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Việt Nam

- Bảo tàng, Nhà lưu niệm

- Hình tượng văn học, nghệ thuật

- Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

- Nêu được nguyên nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi đối với dân tộc Việt Nam.

- Có ý thức trân trọng những cống hiến và giá trị tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực tham gia phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

THỰC HÀNH LỊCH SỬ

- Tổ chức các hoạt động thực hành lịch sử tại lớp học.

- Tiến hành các hoạt động giáo dục lịch sử gắn với thực địa (di sản lịch sử, văn hóa),...

- Học tập tại các bảo tàng, xem phim tài liệu lịch sử.

- Tổ chức các câu lạc bộ, các cuộc thi “Em yêu lịch sử”, “Nhà sử học trẻ tuổi”, các trò chơi lịch sử.

- Củng cố, khắc sâu kiến thức lịch sử.

- Rèn luyện các kĩ năng thực hành bộ môn, phát triển năng lực lịch sử.

- Tạo hứng thú trong học tập.

CHUYÊN ĐỀ LỚP 12

Nội dung

Yêu cầu cần đạt

Chuyên đề 12.1: LỊCH SỬ TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Khái lược về tín ngưỡng và tôn giáo

Khái niệm tín ngưỡng

Khái niệm tôn giáo

- Giải thích được khái niệm tín ngưỡng, tôn giáo.

Một số tín ngưỡng ở Việt Nam

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và Quốc tổ Hùng Vương

Thờ Mẫu

Thờ Thành hoàng

Thờ anh hùng dân tộc

- Liệt kê được các tín ngưỡng ở Việt Nam

- Chỉ ra được một số nét chính của các tín ngưỡng thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế, tham quan thực tế ở địa phương.

Một số tôn giáo ở Việt Nam

Nho giáo

Phật giáo

- Phân tích được những biểu hiện của Nho giáo trong đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam.

- Chỉ ra được những biểu hiện của Phật giáo trong đời sống văn hóa - xã hội thông qua trải nghiệm thực tế, thăm quan chùa chiền ở địa phương.

Cơ Đốc giáo

Đạo giáo

Tôn giáo khác

- Nêu được những biểu hiện của Cơ Đốc giáo, Đạo giáo trong đời sống văn hóa - xã hội.

- Nêu được một số nét chính về một số tôn giáo khác

- Có ý thức tôn trọng, vận động người khác tôn trọng sự đa dạng về tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam.

Chuyên đề 12.2: NHẬT BẢN: HÀNH TRÌNH LỊCH SỬ TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY

Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945 - 1973)

Thời kì Nhật Bản bị quân đội Đồng minh chiếm đóng

(1945 - 1952)

- Quá trình dân chủ hóa

- Những chuyển biến về kinh tế, xã hội

- Nêu được những chuyển biến của Nhật Bản trong thời kì bị chiếm đóng: quá trình dân chủ hóa, những chuyển biến về kinh tế, xã hội.

Thời kì tăng trưởng cao về kinh tế (1952 - 1973)

- Nguyên nhân của “sự thần kì” kinh tế

- Tình hình chính trị - xã hội

- Sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để hiểu về “sự thần kì” kinh tế của Nhật Bản.

- Giải thích được nguyên nhân dẫn đến “sự thần kì” kinh tế của Nhật Bản.

- Phân tích được nét chính về tình hình chính trị - xã hội Nhật Bản trong những năm 1952 - 1973.

Nhật Bản từ năm 1973 đến nay

Thời kì khủng hoảng và điều chỉnh (1973 - 2000)

- Sự phát triển không ổn định về kinh tế

- Tình hình chính trị, xã hội

- Giải thích được nguyên nhân của sự phát triển không ổn định về kinh tế của Nhật Bản kể từ sau năm 1973.

- Nêu được những nét chính về tình hình chính trị, xã hội Nhật Bản.

Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XXI

- Cải cách và quá trình phục hồi kinh tế

- Những chuyển biến về chính trị, xã hội

- Trình bày được quá trình cải cách và phục hồi kinh tế của Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XXI.

- Phân tích được những chuyển biến về chính trị, xã hội của Nhật Bản những năm đầu thế kỉ XXI: mặt tích cực, mặt tiêu cực.

Bài học thành công từ lịch sử Nhật Bản

- Về nhân tố con người

- Về vai trò của Nhà nước

- Về hệ thống tổ chức, quản lý sản xuất

- Về truyền thống lịch sử, văn hóa

- Nêu được nhận xét về những bài học thành công của Nhật Bản:

+ Nguồn nhân lực được đào tạo chu đáo, có ý chí vươn lên, cần cù lao động, đề cao kỉ luật và coi trọng tiết kiệm;

+ Vai trò quan trọng của nhà nước trong việc đề ra các chiến lược phát triển và sự điều tiết cần thiết để đưa nền kinh tế liên tục tăng trưởng;

+ Hệ thống tổ chức quản lý có hiệu quả của các xí nghiệp, công ti Nhật Bản;

+ Truyền thống văn hóa và việc giữ gìn bản sắc lâu đời của người Nhật.

- Trân trọng và có ý thức học hỏi những phẩm chất cần cù, kỷ luật, coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc của người Nhật.

Chuyên đề 12.3: QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

Một số khái niệm

Toàn cầu hóa

- Khái niệm toàn cầu hóa

- Những biểu hiện của toàn cầu hóa

- Tác động của toàn cầu hóa: tích cực và tiêu cực

- Giải thích được khái niệm toàn cầu hóa.

- Sưu tầm và sử dụng tư liệu để tìm hiểu về toàn cầu hóa.

- Phân tích được những biểu hiện và tác động tích cực và tiêu cực của toàn cầu hóa thông qua ví dụ cụ thể.

Hội nhập quốc tế

- Khái niệm hội nhập quốc tế

- Các lĩnh vực hội nhập quốc tế

- Giải thích được khái niệm hội nhập quốc tế.

- Nêu được các lĩnh vực hội nhập quốc tế: kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục,... thông qua ví dụ cụ thể.

Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế

Tác động của toàn cầu hóa đối với Việt Nam

- Tác động tích cực

- Tác động tiêu cực

- Giải thích được những tác động (tích cực và tiêu cực) của toàn cầu hóa đối với Việt Nam thông qua ví dụ cụ thể.

Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế

- Việt Nam hội nhập khu vực Đông Nam Á, vai trò và đóng góp của Việt Nam trong ASEAN

- Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế

- Biết cách sưu tầm và sử dụng tư liệu để tìm hiểu quá trình Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới.

- Phân tích được vai trò và đóng góp của Việt Nam trong tổ chức ASEAN (trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa, xã hội,...).

- Nêu được những nét chính về quá trình Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, các tổ chức khác).

- Trân trọng và có ý thức đóng góp vào những thành tựu hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.

VI. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

1. Định hướng chung

Chương trình môn Lịch sử được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực, vì vậy phương pháp dạy học chủ đạo là tích cực hóa hoạt động của người học. Phương pháp dạy học tích cực chú trọng tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tập gắn với những tình huống của cuộc sống; gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn; tăng cường tự học, làm việc trong nhóm nhằm phát triển các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực lịch sử cho học sinh, đáp ứng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông.

2. Định hướng phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung

a) Phương pháp hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu

Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, giáo viên giúp học sinh từng bước hình thành và phát triển lòng yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính; niềm tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước; phát triển các giá trị nhân văn, nhân ái, trung thực, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thông qua các bài học lịch sử, giáo viên truyền cảm hứng để học sinh yêu thích lịch sử, có ý thức tìm tòi, khám phá lịch sử.

Phương pháp hình thành và phát triển các năng lực chung

Trong dạy học môn Lịch sử, giáo viên giúp học sinh hình thành và phát triển những năng lực chung thông qua các nội dung học tập và hoạt động thực hành, thực tế. Cụ thể:

- Năng lực tự chủ và tự học: được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động học tập như thu thập thông tin từ các nguồn sử liệu; trình bày ý kiến cá nhân về sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử; khảo sát, thực hành lịch sử trên thực địa, di tích lịch sử và văn hóa ở địa phương; vận dụng kiến thức lịch sử để giải thích các vấn đề thực tế; tìm tòi, khám phá và tự học lịch sử;...

- Năng lực giao tiếp và hợp tác: được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động nhóm; hoạt động trải nghiệm tại thực địa, bảo tàng, di tích lịch sử và văn hóa; hoạt động phỏng vấn nhân chứng lịch sử;…

- Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động phát hiện vấn đề, nêu giả thuyết, ý kiến cá nhân về sự kiện, nhân vật lịch sử; tìm logic trong cách thức giải quyết vấn đề, đánh giá giải pháp giải quyết vấn đề trong lịch sử; vận dụng bài học kinh nghiệm lịch sử trong thực tế cuộc sống;…

3. Định hướng phương pháp hình thành, phát triển năng lực lịch sử

Phương pháp hình thành, phát triển năng lực lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của khoa học lịch sử: thông qua các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện lịch sử, phục dựng một cách chân thực, khách quan quá trình hình thành, phát triển của các sự kiện, quá trình lịch sử, đồng thời đặt quá trình phát triển đó trong sự tương tác với các nhân tố liên quan trong suốt quá trình vận động của chúng.

Dạy học môn Lịch sử theo phương pháp dạy học tích cực, giáo viên không đặt trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức lịch sử cho học sinh mà chú trọng hướng dẫn học sinh nhận diện và khai thác các nguồn sử liệu, từ đó tái hiện quá khứ, nhận thức lịch sử, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự phát triển của sự kiện, quá trình lịch sử để tìm kiếm sự thật lịch sử một cách khoa học, vận dụng kiến thức lịch sử vào thực tiễn, từ đó hình thành và phát triển năng lực lịch sử cho học sinh.

Phương pháp dạy học lịch sử theo định hướng phát triển năng lực chú trọng việc phát hiện và giải quyết vấn đề, sử dụng các phương tiện trực quan (hiện vật lịch sử, tranh ảnh lịch sử, bản đồ, biểu đồ, sa bàn, mô hình, phim tài liệu lịch sử,…). Giáo viên giúp học sinh biết cách tìm tòi, khai thác các nguồn sử liệu, đồng thời biết cách phân tích sự kiện, quá trình lịch sử và tự mình rút ra những nhận xét, đánh giá, tạo cơ sở phát triển năng lực tự học lịch sử suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam và thế giới.

Các hình thức tổ chức dạy học môn Lịch sử bao gồm các hoạt động dạy học ở trong và ngoài lớp học. Giáo viên cần tăng cường mở rộng không gian dạy học trên thực địa (di tích lịch sử, di sản văn hóa, bảo tàng, triển lãm,…), kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động trải nghiệm trên thực tế. Thông qua việc kết hợp các hình thức hoạt động đa dạng như thảo luận nhóm, làm việc nhóm, làm việc cá nhân,... giáo viên giúp học sinh trở thành “người đóng vai lịch sử” để khám phá lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống.

Để nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục lịch sử, cần chú trọng kết hợp giữa giáo dục lịch sử trong nhà trường với gia đình và xã hội. Sự phối hợp giữa ba môi trường giáo dục (nhà trường, gia đình, xã hội) là nền tảng quan trọng để hình thành năng lực lịch sử. Giáo viên cần chủ động thiết lập và duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục lịch sử thông qua các mô hình phối hợp như: tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục về chủ quyền quốc gia cho học sinh có sự tham gia của cha mẹ học sinh và các tổ chức xã hội.

Chương trình môn Lịch sử chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; khuyến khích học sinh tự tìm đọc, thu thập tư liệu lịch sử trên mạng Internet, trong thư viện và trong các hệ thống cơ sở dữ liệu khác để thực hiện các nghiên cứu của cá nhân hoặc nhóm; phát triển kĩ năng sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin để hỗ trợ việc tái hiện, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử.

VII. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC

Mục đích đánh giá kết quả giáo dục lịch sử là xác định mức độ đáp ứng của học sinh đối với yêu cầu cần đạt về kiến thức và năng lực lịch sử ở từng chủ đề, từng lớp học, từ đó điều chỉnh hoạt động dạy - học nhằm đạt được mục tiêu của chương trình. Hoạt động đánh giá phải khuyến khích được sự say mê học tập, tìm hiểu, khám phá các vấn đề lịch sử của học sinh; giúp học sinh có thêm sự tự tin, chủ động sáng tạo trong học tập.

Nội dung đánh giá cần chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức lịch sử đã học trong những tình huống cụ thể, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử, thuộc lòng và ghi nhớ máy móc làm trọng tâm.

Thông qua đánh giá, giáo viên có thể nắm được tình hình học tập, mức độ phân hóa về trình độ học lực của học sinh trong lớp, từ đó có biện pháp giúp đỡ học sinh chưa đạt yêu cầu về kiến thức, năng lực, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về lịch sử, đồng thời điều chỉnh, hoàn thiện phương pháp giáo dục lịch sử.

Về hình thức đánh giá, cần kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì, giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh; kết hợp kiểm tra miệng, kiểm tra viết, bài tập thực hành, dự án nghiên cứu; kết hợp đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan và tự luận.

VIII. GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Giải thích thuật ngữ

Chương trình môn Lịch sử sử dụng một số từ ngữ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực của người học. Trong bảng liệt kê dưới đây, đối tượng, mức độ cần đạt được chỉ dẫn bằng các động từ khác nhau. Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng này hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ

Động từ mô tả mức độ

Biết

- Biết cách tìm kiếm thông tin bằng công cụ tìm kiếm, sử dụng từ khóa tra cứu trên Internet, thư viện điện tử, thư viện truyền thống,...

- Nhận diện tư liệu lịch sử: phân biệt được các loại hình tư liệu lịch sử (chữ viết, hiện vật lịch sử,...).

- Biết cách khai thác tư liệu lịch sử: bước đầu hiểu được nội dung, khai thác và sử dụng được một số tư liệu lịch sử trong quá trình học tập.

- Kể được tên các sự kiện, nhân vật lịch sử trong không gian và thời gian cụ thể.

- Nêu được, chỉ ra được diễn biến chính của các sự kiện, nhân vật lịch sử ở mức đơn giản, trong tình huống không thay đổi.

- Liệt kê được, ghi lại hoặc kể lại được các mốc chính của một giai đoạn, quá trình lịch sử, nhân vật lịch sử,...

- Phát biểu hoặc nêu được định nghĩa về các thuật ngữ, khái niệm lịch sử cơ bản.

- Xác định được vị trí của sự kiện, nhân vật, giai đoạn trong tiến trình lịch sử.

- Đặt đúng vị trí của sự kiện, nhân vật, giai đoạn lịch sử (trên đường thời gian, bản đồ, biểu đồ lịch sử,...).

- Kết nối được các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử có quan hệ logic hoặc có liên quan với nhau.

Hiểu

- Tái hiện và trình bày được (nói hoặc viết) diễn trình của các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử (từ đơn giản đến phức tạp).

- Mô tả được bằng ngôn ngữ của mình những nét cơ bản về sự kiện, nhân vật, giai đoạn lịch sử, một số nền văn minh trên thế giới và Việt Nam (đời sống vật chất, tinh thần, các thành tựu tiêu biểu,...).

- Sử dụng được bản đồ, lược đồ, biểu đồ để giới thiệu về các sự kiện, hành trình lịch sử, những biến đổi quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

- Lập được đường thời gian (timeline) hoặc xây dựng được sơ đồ tiến trình lịch sử, diễn biến chính của các sự kiện (các cuộc chiến tranh, khởi nghĩa, trận đánh lớn, các cuộc cách mạng, cải cách,...).

- Giải thích được nguồn gốc, nguyên nhân, sự vận động của các sự kiện lịch sử từ đơn giản đến phức tạp; chỉ ra được quá trình phát triển của lịch sử theo lịch đại và đồng đại.

- Phân tích được tác động, mối quan hệ qua lại giữa các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

- Lí giải được mối quan hệ nhân quả trong tiến trình lịch sử (giữa các sự kiện, quá trình lịch sử; giữa điều kiện tự nhiên với sự phát triển xã hội, giữa con người với con người,...).

- Phân tích được nguyên nhân thành công hay thất bại (của các sự kiện, biến cố lịch sử, phong trào cách mạng, chiến tranh, cải cách,...).

- So sánh được sự tương đồng và khác biệt giữa các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

- Đưa ra được những ý kiến nhận xét, đánh giá của cá nhân về các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử trên cơ sở nhận thức và tư duy lịch sử.

- Phân tích được sự tiếp nối và sự thay đổi của các sự kiện, nhân vật, vấn đề trong tiến trình lịch sử.

- Biết suy nghĩ theo những chiều hướng khác nhau khi xem xét, đánh giá, hay đi tìm câu trả lời về một sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

Vận dụng

- Xác định được vấn đề cần giải quyết về các sự kiện, nhân vật, giai đoạn trong tiến trình lịch sử.

- Tự tìm hiểu, đặt câu hỏi để khám phá những khía cạnh, bối cảnh, phương diện khác nhau của các sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử.

- Xác định được vị trí, vai trò của sự kiện, nhân vật, vấn đề trong tiến trình lịch sử.

- Đưa ra được đề xuất về phương hướng giải quyết, lí giải vấn đề lịch sử.

- Hoàn thành được các bài tập vận dụng kiến thức trong các tình huống không thay đổi nhằm rèn luyện kĩ năng cơ bản, củng cố kiến thức lịch sử.

- Biết tìm tòi, khám phá thông qua sử liệu, tài liệu hoặc tham quan, dã ngoại để trả lời các câu hỏi khác nhau về một sự kiện, vấn đề, nhân vật lịch sử.

- Rút ra được bài học lịch sử, vận dụng được các kiến thức, bài học lịch sử để giải quyết vấn đề trong một tình huống mới. Có khả năng kết nối những vấn đề lịch sử trong quá khứ với cuộc sống hiện tại.

- Hoàn thành được các bài tập đòi hỏi sự phân tích, tổng hợp, đánh giá, vận dụng kiến thức lịch sử vào những tình huống thay đổi, giải quyết vấn đề với sự sáng tạo của người học.

- Lập được kế hoạch học tập cho một buổi học trên thực địa, tham quan bảo tàng, di tích dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

- Xây dựng, thuyết trình được báo cáo ngắn trên cơ sở thu thập và phân tích, tổng hợp thông tin từ các nguồn sử liệu khác nhau (thông qua kết quả làm việc cá nhân hoặc của nhóm).

- Liên hệ thực tế địa phương, vận dụng được kiến thức đã học về lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam vào trường hợp cụ thể, hoàn cảnh cụ thể của địa phương.

- Thiết kế được một kế hoạch hành động hoặc một áp phích vận động mọi người cùng chung tay bảo tồn các di sản lịch sử - văn hóa ở địa phương.

- Có khả năng tự tìm hiểu những vấn đề lịch sử, tiếp cận và xử lí thông tin từ những nguồn khác nhau, có ý thức và năng lực tự học lịch sử suốt đời.

2. Thời lượng thực hiện chương trình

Thời lượng dành cho nội dung cốt lõi đối với mỗi lớp học là 52 tiết/năm học, dạy học trong 35 tuần. Dự kiến tỉ lệ % thời lượng dành cho mỗi mạch nội dung như sau:

Mạch nội dung

Lớp 10

Lớp 11

Lớp 12

CHỦ ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP

- Lịch sử và Sử học

- Vai trò của Sử học

10%

LỊCH SỬ THẾ GIỚI

- Một số nền văn minh thế giới thời cổ - trung đại

8%

- Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới

11%

- Cách mạng tư sản và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản

12%

- Chủ nghĩa xã hội từ năm 1917 đến nay

10%

- Thế giới trong và sau Chiến tranh lạnh

12%

LỊCH SỬ ĐÔNG NAM Á

- Văn minh Đông Nam Á thời cổ - trung đại

6%

- Quá trình giành độc lập dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á

8%

- ASEAN: Những chặng đường lịch sử

8%

LỊCH SỬ VIỆT NAM

- Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858)

24%

- Cộng đồng các dân tộc Việt Nam

11%

- Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945)

17%

- Một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858)

11%

- Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông

12%

- Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng Tám năm 1945 đến nay)

16%

- Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay

12%

- Lịch sử đối ngoại Việt Nam thời cận - hiện đại

10%

- Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam

12%

ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KÌ

10%

10%

10%

THỰC HÀNH LỊCH SỬ

20%

20%

20%

Thời lượng dành cho các chuyên đề học tập là 35 tiết. Dự kiến số tiết của các chuyên đề học tập (bao gồm cả kiểm tra, đánh giá) như sau:

Mạch nội dung

Lớp 10

Lớp 11

Lớp 12

CHUYÊN ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP

Chuyên đề 10.1: Các lĩnh vực của Sử học

10

CHUYÊN ĐỀ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ

Chuyên đề 10.2: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam

15

Chuyên đề 11.1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt Nam

15

Chuyên đề 12.1: Lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam

15

CHUYÊN ĐỀ NÂNG CAO KIẾN THỨC

Chuyên đề 10.3: Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử

10

Chuyên đề 11.2: Chiến tranh và hòa bình trong thế kỉ XX

10

Chuyên đề 11.3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam

10

Chuyên đề 12.2: Nhật Bản: Hành trình lịch sử từ năm 1945 đến nay

10

Chuyên đề 12.3: Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam

10

3. Thiết bị dạy học

Sử dụng thiết bị dạy học là một trong những điều kiện quyết định thành công của việc đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử theo định hướng phát triển năng lực.

Cơ sở giáo dục cần có các thiết bị dạy học tối thiểu như: hệ thống bản đồ (bản đồ thế giới, bản đồ các châu lục, bản đồ Đông Nam Á và Việt Nam); tranh ảnh lịch sử, sa bàn, sơ đồ, biểu đồ với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật như máy tính, đèn chiếu, máy chiếu, tivi, radio, video, các loại băng đĩa,...

Lịch sử là môn học có hệ thống kiến thức thuộc về quá khứ, học sinh không thể trực tiếp quan sát. Công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ việc tái hiện lịch sử thông qua các phim tài liệu, nguồn sử liệu, hình ảnh, video,… Giáo viên cần khai thác, sử dụng các chức năng cơ bản của Internet và các phần mềm tin học để đưa vào bài giảng các hình ảnh, âm thanh, tư liệu lịch sử,… góp phần nâng cao hiệu quả dạy học, truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn Lịch sử.



[1] Thông tư số 20/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.”

Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 63/2022/QH15, Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

[2] Điều 2 và Điều 3 của Thông tư số 20/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2021 quy định như sau:

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 8 năm 2021.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.”

Điều 3 của Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 8 năm 2022 quy định như sau:

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 03 tháng 8 năm 2022.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.”

[3] Khoản này được bổ sung theo quy định tại Điều 1 của Thông tư số 20/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2021.

[4] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 8 năm 2022.

[5] Đoạn: “- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Lịch sử, Địa lí là các môn học lựa chọn ở lớp 10, lớp 11 và lớp 12.

Ở lớp 10, môn Lịch sử giúp học sinh nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử và khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử và địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử và địa lí trong đời sống, đồng thời củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử và địa lí, tạo cơ sở vững chắc để học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp.

Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hoá, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới,…; môn Địa lí tập trung vào một số chủ đề và chuyên đề học tập về địa lí thế giới (khu vực, quốc gia tiêu biểu) và địa lí Việt Nam (tự nhiên, kinh tế - xã hội) nhằm hỗ trợ cho những học sinh có định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng như một số ngành khoa học liên quan.”

được thay thế bởi đoạn: “- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Ở lớp 10, môn Lịch sử, môn Địa lí giúp học sinh hiểu biết về đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử và khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử và địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử và địa lí trong đời sống, đồng thời củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản thông qua các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử và địa lí, tạo cơ sở vững chắc để học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp.

Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới,...; môn Địa lí tập trung vào một số chủ đề và chuyên đề học tập về địa lí thế giới (khu vực, quốc gia tiêu biểu) và địa lí Việt Nam (tự nhiên, kinh tế - xã hội) nhằm hỗ trợ cho những học sinh có định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng như một số ngành khoa học liên quan.”

theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 8 năm 2022.

[6] Chương trình này được sửa đổi theo quy định tại Điều 2 của Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 03 tháng 8 năm 2022.

MINISTRY OF EDUCATION AND TRAINING
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
--------------

No. 10/VBHN-BGDDT

Hanoi, December 30, 2022

 

CIRCULAR

PROMULGATION OF GENERAL EDUCATION PROGRAM

Circular No. 32/2018/TT-BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training on promulgation of general education program, which comes into force from February 15, 2019, is amended by:

1. Circular No. 20/2021/TT-BGDDT dated July 01, 2021 of the Minister of Education and Training on amendments to Article 3 of Circular No. 32/2018/TT- BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training on promulgation of general education program, which comes into force from August 16, 2021.

2. Circular No. 13/2022/TT-BGDDT dated August 03, 2022 of the Minister of Education and Training on amendments to compulsory education program attached to Circular No. 32/2018/TT- BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training, which comes into force from August 03, 2022.

Pursuant to the Law on Education dated June 14, 2005; Law on amendments to the Law on Education dated November 25, 2009;

Pursuant to Resolution No. 88/2014/QH13 dated November 28, 2014 of National Assembly on innovation in general education program and textbooks; Resolution No. 51/2017/QH14 dated November 21, 2017 of the National Assembly on adjustment of the roadmap for execution of new general education program and textbooks according to Resolution No. 88/2014/QH13 dated November 28, 2014 of National Assembly on innovation in general education program and textbooks;

Pursuant to Government’s Decree No. 69/2017/ND-CP May 25, 2017 on functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Education and Training;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Pursuant to Decision No. 404/QD-TTg dated March 27, 2015 of the Prime Minister on approval for the Scheme for innovation in general education program and textbooks;

According to the appraisal record provided by the National Committee for appraisal of general education program;

At the request of Directors of Primary Education Department and Secondary Education Department, the Minister of Education and Training hereby promulgates a Circular on promulgation of general education program.[1]

Article 1. The general education program is promulgated together with this Circular, including:

1. Overall program.

2. Curriculums and education activities of primary, lower secondary and upper secondary schools.

Article 2. The general education program applies to:

1. First grade from academic year 2020-2021.

2. Second grade and sixth grade from academic year 2021-2022

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Fourth grade, eighth grade and eleventh grade from academic year 2023-2024.

5. Fifth grade, ninth grade and twelfth grade from academic year 2024-2025.

Article 3. [2] This Circular comes into force from February 15, 2019 and replaces Decision No. 16/2006/QD-BGDDT dated May 05, 2006 of the Minister of Education and Training on promulgation of general education program.

1. The general education program issued together with Decision No. 16/2006/QD-BGDDT dated May 05, 2006 of the Minister of Education and Training shall be applied until the enforcement of regulations provided in Article 2 hereof.

2. Lower and upper secondary schools that have not applied the general education program to foreign language subjects according to the roadmap as prescribed in Clauses 2, 3, 4 and 5 Article 2 hereof shall continue to provide education according to the general education program specified in Decision No. 16/2006/QD-BGDDT dated May 05, 2006 of the Minister of Education and Training on promulgation of general education program until the end of twelfth grade.

3. The  national defense and security education subject shall be taught as specified in Circular No. 02/2017/TT-BGDDT dated January 13, 2017 of the Minister of Education and Training on national defense and security education program in upper secondary schools.

4.[3] Lower secondary schools that have not applied the general education program to Computer subject according to the roadmap as prescribed in Clauses 2, 3, 4 and 5 Article 2 hereof shall continue to provide education according to the general education program specified in Decision No. 16/2006/QD-BGDDT dated May 05, 2006 of the Minister of Education and Training on promulgation of general education program.

Article 4. Chief of Office, Director of Primary Education Department, Director of Secondary Education Department, Heads of units affiliated to the Ministry of Education and Training, the Presidents of the People's Committees of provinces, Directors of Departments of Education and Training and relevant organizations and individuals shall be responsible for the implementation of this Circular./.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



VERIFIED BY

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Nguyen Huu Do

 

GENERAL EDUCATION PROGRAM

OVERALL PROGRAM

(Issued together with the Circular on promulgation of general education program)

 

APPENDIX

FOREWORD

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



II. OBJECTIVES OF GENERAL EDUCATION PROGRAM

III. REQUIREMENTS FOR VIRTUES AND CAPACITIES

IV. EDUCATION PLAN

V. EDUCATION CONTENT ORIENTATION;

VI. ORIENTATION TO EDUCATION METHODS AND EVALUATION OF EDUCATIONAL OUTCOMES

VII. CONDITIONS FOR EXECUTION OF GENERAL EDUCATION PROGRAM

VIII. DEVELOPMENT OF GENERAL EDUCATION PROGRAM

IX. EXPLANATION

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



After 30 years of innovation, Vietnam has overcome difficulties and challenges, and achieved many notable achievements with historical significance.  

Vietnam has escaped from underdeveloped status and entered the group of middle-income developing countries.

However, economic achievements are not remarkable, the quality of human resources and competitiveness of the economy are not high, the cultural environment still has many limitations and there are not enough factors for rapid and sustainable development.

Before and after Vietnam's renovation, the world has witnessed extensive changes in all aspects. The third and fourth industrial revolutions took place in a series and the strong development of the knowledge economy has brought great opportunities for development and posed enormous challenges for each country, especially developing and underdeveloped countries. On the other hand, climate change, resource depletion, environmental pollution, ecological imbalance and political and social upheavals pose global challenges. To ensure sustainable development, many countries have constantly innovated education program to improve the quality of human resources and provide cultural background and high adaptability to all changes of nature and society for future generations.  Educational innovation has become an urgent need and a global trend.

Therefore, the 11th Central Committee of the Communist Party of Vietnam ratified Resolution No. 29/NQ-TW dated November 04, 2013 on “fundamental and comprehensive reform in education and training, serving industrialization and modernization in a socialist-oriented market economy during international integration” in the 8th session; the National Assembly promulgated Resolution No. 88/2014/QH13 dated November 28, 2014 on innovation in general education program and textbooks to contribute to fundamental and comprehensive reform in education and training. On March 27, 2015, the Prime Minister promulgated Decision No. 404/QD-TTg on approval for the Scheme for innovation in general education program and textbooks;

Objectives for innovation under regulations in Resolution No. 88/2014/QH13 of the National Assembly: “Innovation in general education program and textbooks is aimed at carrying out fundamental and comprehensive reform in the quality and effectiveness of general education; combining values and knowledge education, and career orientation; transforming from education which focuses on improvement of knowledge to education which comprehensively develops virtues and capabilities, harmonizes ethics, knowledge, physical health and aesthetic sense, and develops the greatest potential of each student.”

Implement Resolutions of the Communist Party and the National Assembly and Decisions of the Prime Minister, new general education program towards increase in capabilities and virtues of students; create a practice and learning environment to help students improve their physical and mental health in harmonious manner, become active and confident students, apply effective methods of learning to improve their foundational skills and knowledge, have awareness of career choice and lifelong learning; help students have the great virtues and capacities to become responsible citizens and cultured, industrious and creative workers, thereby satisfying the demands for personal development, and construction and defense of the Fatherland in the era of globalization and new industrial revolution.

General education program includes overall program (program framework), curriculums and education activities.

Formulation of general education program shall comply with regulations of Law on Education and relevant laws. The Ministry of Education and Training reviewed and evaluated current curriculums and textbooks in order to identify advantages that need to be inherited and limitations and shortcomings that need to be overcome; study domestic and international economic, political, social and cultural contexts; conduct research and testing of innovation in education contents and methods and evaluate the educational outcomes; organize training courses on theories and experience at home and abroad in formulation of general education programs. Before providing the program, the Ministry of Education and Training held seminars, received opinions from many agencies, scientists, education administrators, teachers in Vietnam and international consultants and published the draft program on the web portal of the Ministry of Education and Training for collection of opinions from all classes of people. The Program was considered, evaluated and approved by the National Committee for appraisal of general education program.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. General education program is a document which covers general education objectives, requirements for virtues and capabilities of students, education contents, education methods and methods of evaluating the educational outcomes to serve as a basis for management of the quality of general education; and is a commitment of the State to ensure the quality of the whole system and each general education institution.

2. General education program is formulated according to viewpoints of the Communist Party and State on fundamental and comprehensive reform in education and training; inherits, develops the advantages of existing general education programs in Vietnam and obtains research achievements in education science and experience in formulation of programs according to the model of the capacity development of advanced education in the world; is associated with the development needs of the country, advances of the era in science - technology and society; is consistent with the characteristics of the people, culture of Vietnam, traditional values ​​of the nation, common values ​​of humanity and initiatives and general development orientations of UNESCO to education; creates equal opportunities for students' right to be protected, cared, learned, developed, respected, heard and involved; lays foundation for a humane society, sustainable development and prosperity.

3. General education program ensures increase in capabilities and virtues of students via education contents with basic, practical and modern knowledge and skills; harmonizes ethics, knowledge, physical health and aesthetic sense; focuses on practice and application of learned knowledge and skills to solution to problems in learning and life; ensures knowledge which is more general in lower grades and more specialized in upper grades; via methods and forms of education organization, promotes the initiative and potential of each student; and ensures that evaluation methods are suitable to education objectives and methods to achieve such objectives.

4. General education program ensures close connection between classes and levels, and connects with preschool education program, vocational education program and higher education program.

5. General education program is formulated towards openness. To be specific:

a) General education program ensures a unified orientation and core education contents which are compulsory for students nationwide and gives local authorities and schools power to hold initiative and take responsibility for selection and supplement to some education contents and implementation of education plans in conformity with educated entities and conditions of the local areas and schools, thereby contributing to assurance about relationship between the school, the family, the government and the society.

b) General education program only provides general principles and orientations to requirements for virtues and capabilities of students, education contents, education methods and evaluation of the educational outcomes without providing detailed principles and orientations to create conditions for textbook writers and teachers to develop initiative and creativity in program implementation.

c) The program ensures stability and development during implementation in conformity with scientific - technological progress and requirements in reality.

II. OBJECTIVES

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Primary education program helps students form and develop the basic elements that lay the foundation for the harmonious development of their physical and mental health, virtues and capabilities; orientates education about self-worth, family, community and necessary learning and living habits or routines.

Lower secondary education program helps students increase their capabilities and virtues that have been formed and developed at the primary education level, make self-adjustment according to the common standards of society, apply effective methods of learning to complete foundational knowledge and skills, gain initial understanding about industries and have a sense of career guidance to continue to study in upper secondary schools or participate in vocational education and training or working life.

Upper secondary education program helps students continue to increase necessary capabilities and virtues for workers and civic awareness and personality, develop the ability do self-study and have a sense of lifelong learning, develop the ability to choose careers in accordance with their abilities, interest and personal circumstances to continue higher education, participate in vocational education and training or working life, and develop the ability to adapt to changes in the context of globalization and international integration.

III. REQUIREMENTS FOR VIRTUES AND CAPACITIES

1. General education program shall form and emphasize virtues for students including: patriotism, humanity, diligence, honesty and sense of responsibility.

2. General education program shall form and increase primary capacities for students including:

a) General capacities formed and developed via curriculums and education activities: self-control, self-study, communication, cooperation, problem solving and creativity;

b) Specific capacities formed and developed via curriculums and education activities: language, calculation, science, technology, computer, aestheticism and physicality capacities.

In addition to formation and increase in primary capacities, the general education program shall contribute to discovery and refresher training in students' talents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IV. EDUCATION PLAN

General education program is divided into two stages, including basic education (grades 1-9) and career-orientated education (grades 10-12).

Curriculums and education activities of the general education program includes compulsory subjects and education activities, career-oriented subjects and elective subjects.

Actual learning duration in an academic year is 35 weeks.  Education institutions may organize 1 period/day or 2 periods/day. Education institutions which organize 1 period/day or 2 periods/day shall carry out education contents compulsory to all education institutions in Vietnam.

1. Basic education

1.1. Primary education

a) Education contents

Compulsory subjects and education activities: Vietnamese literature, Mathematics, Ethic, Foreign language 1 (3rd grade, 4th grade and 5th grade); Natural and Social Sciences (1st grade, 2nd grade and 3rd grade); History and Geography (4th grade and 5th grade); Science (4th grade and 5th grade); Computer and Technology (3rd grade, 4th grade and 5th grade); Physical education; Art (Music or Fine Arts); Field trip.

Elective subjects: Ethnic minority language, Foreign language 1 (1st grade and 2nd grade).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Each day consists of 2 periods and no more than 7 sessions; each session lasts 35 minutes. Education institutions that are incapable of organizing 2 periods/day shall implement the education plan under the guidance of the Ministry of Education and Training.

Primary school education plan

Education contents

Session/academic year

1st grade

2nd grade

3rd grade

4th grade

5th grade

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Vietnamese literature

420

350

245

245

245

Mathematics

105

175

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



175

175

Foreign language 1

 

 

140

140

140

Ethic

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



35

35

35

35

Natural and social sciences

70

70

70

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



History and Geography

 

 

 

70

70

Science

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



70

70

Computer and Technology

 

 

70

70

70

Physical education

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



70

70

70

70

Art (Music or Fine Arts)

70

70

70

70

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Compulsory education activities

Field trip 

105

105

105

105

105

Elective subjects

Ethnic minority language

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



70

70

70

70

Foreign language 1

70

70

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Total sessions/academic year (excluding elective subjects)

875

875

980

1050

1050

Average sessions/week (excluding elective subjects)

25

25

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



30

30

1.2. Lower secondary education

a) Education contents

Compulsory subjects and education activities: Literature, Mathematics, Foreign language 1, Citizenship education, Natural Science, History and Geography, Computer, Technology, Physical education, Art (Music or Fine Arts), Field trip and career counseling activities; Local curriculum activities.

Elective subjects: Ethnic minority language, Foreign language 2.

b) Duration

Each day consists of 1 period, each period consists of no more than 5 sessions; each session lasts 45 minutes. Capable lower secondary schools are encouraged to organize 2 periods/day in accordance with guidance of Ministry of Education and Training.

Lower secondary school education plan

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Session/academic year

6th grade

7th grade

8th grade

9th grade

Compulsory subjects

Literature

140

140

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



140

Mathematics

140

140

140

140

Foreign language 1

105

105

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



105

Citizenship education

35

35

35

35

History and Geography

105

105

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



105

Natural science

140

140

140

140

Technology

35

35

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



52

Computer

35

35

35

35

Physical education

70

70

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



70

Art (Music or Fine Arts)

70

70

70

70

Compulsory education activities

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

Field trip and career counseling activities

105

105

105

105

Local curriculum activities

35

35

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



35

Elective subjects

Ethnic minority language

105

105

105

105

Foreign language 2

105

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



105

105

Total sessions/academic year (excluding elective subjects)

1015

1015

1032

1032

Average sessions/week (excluding elective subjects)

29

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



29,5

29,5

2.[4] Career-orientated education

2.1. Education contents

Compulsory subjects and education activities: Literature, Mathematics, Foreign language 1, History, Physical education, National defense and security education, Field trip and career counseling activities, Local curriculum activities.

Career-oriented subjects: Geography, Economy and law, Physics, Chemistry, Biology, Technology, Computer, Music education, Fine arts education.

Students shall select 4 subjects among the career-oriented subjects.

Academic topics: Each subject among Literature, Mathematics, History, Geography, Economy and law, Physics, Chemistry, Biology, Technology, Computer, Music education, Fine arts education shall have several topics grouped together by subject to meet the requirement for divergence, allow students to improve knowledge, practice skills, utilize acquired skills and knowledge to settle practical issues and meet the demands for career orientation.  Duration of each topic is 10 sessions or 15 sessions; total duration of a subject topic is 35 session/year. At 10th grade, 11th grade, and 12th grade, students shall select 3 topics of 3 subjects that best fit their aspirations and the ability of their schools.

Schools can develop groups of subjects from the aforementioned subjects and topics to both meet students’ demands and ensure satisfaction of teaching staff, school amenities and teaching equipment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.2. Duration

Each day consists of 1 period, each period consists of no more than 5 sessions; each session lasts 45 minutes. Capable upper secondary schools are encouraged to organize 2 periods/day in accordance with guidance of Ministry of Education and Training.

Upper secondary school education plan

Education contents

Session/academic year/class

Compulsory subjects

Literature

105

Mathematics

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Foreign language 1

105

History

52

Physical education

70

National defense and security education

35

Career-oriented subjects

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



70

Economy and law

70

Physics

70

Chemistry

70

Biology

70

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



70

Computer

70

Music education

70

Fine arts education

70

Career-oriented subject topics (3 topic groups)

105

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Field trip and career counseling activities

105

Local curriculum activities

35

Elective subjects

Ethnic minority language

105

Foreign language 2

105

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



997

Average sessions/week (excluding elective subjects)

28,5

V. EDUCATION CONTENT ORIENTATION

General education program fulfills education objectives of forming and increasing the capacities and virtues of students via language and literature education, mathematics education, social science education, natural science education, technology education, computer education, citizenship education, defense and security education, art education, physical education and career counseling education. Each education content is provided in all subjects and education activities, in which some subjects and education activities play key roles.

According to education objectives and requirements for virtues and capacities at each education stage and each education level, the curriculum of each subject or education activity shall identify objectives and requirements for virtues and capacities and education contents of such subject or education activity. The program implements the motto of comprehensive and integrated education to provide basic general knowledge for students and meet requirements for classification after lower secondary education with regard to basic education stage; the program implements the motto of varied education to ensure that students may access to careers and make thorough preparation for post-secondary education with regard to career-oriented education stage There are elective subjects in both basic education and career-oriented education stages. Career-oriented subjects and academic topics shall be added in career-oriented education stage to satisfy the aspirations and develop the potential and forte of each student.

1. Language and literature education

Language and literature education plays a key role in emotional and ideological development, and formation and increase in the capacities and virtues of students Via language and artistic images, the school educates students about virtues, including patriotism, humanity, diligence, honesty and sense of responsibility; forms and develops general capacities and two specific capacities (language and literature) for students.

In addition to formation and increase in the capacity for communication in Vietnamese, foreign languages ​​and ethnic minority languages, the language and literature education also helps students effectively use other means of communication including pictures, symbols, diagrams, graphs and tables,...

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.1. Literature

Literature is a compulsory subject from 1st grade to 12th grade. At the primary education level, the subject is called Vietnamese literature, at lower and upper secondary education levels, the subject is called Literature. Main contents include basic and essential knowledge and skills in Vietnamese language and literature and meet requirements for students' virtues and capacities at each education level. The contents are divided into two stages, including basic education and career-oriented education.

- Basic education

Literature subject (Vietnamese literature) helps students effectively communicate in Vietnamese in their life and well study other subjects and education activities; forms and develops the literary capacity which is an expression of the aestheticism capacity; at the same time promotes emotional and ideological development for students to develop their spiritual life and personality

The curriculum includes main contents corresponding to reading, writing, speaking and listening skills. Knowledge about Vietnamese language and literature is integrated in the process of teaching reading, writing, speaking and listening. The materials are selected and arranged in accordance with the ability to acquire knowledge of students at each education level.

- Career-orientated education

Literature subject reinforces contents of the subject in basic education stage to help students improve their language and literary capacity, especially reception of literary texts; increase skills in creation of argumentative or informative writing with contents and writing techniques which are more complex; have knowledge about literary history and literary theory that have practical effects on reading and writing about literature.

In addition, in each academic year, students with social science and humanities orientation may select some academic topics to study. These topics are aimed at improving knowledge about literature and language, skills in application of knowledge to practice and meeting students' interest, needs and career orientation.

1.2. Foreign language

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Students who are studying in lower and upper secondary schools shall study one foreign language (Foreign Language 1) and may choose at least one additional language (Foreign Language 2) according to their aspirations and the ability of education institutions

Foreign language 1 is a compulsory subject from 3rd grade to 12th grade. Education institutions can provide this subject for students from 1st grade in case students have needs and education institutions can meet their needs.

Foreign language 2 is an elective subject. Students can start studying this subject from 6th grade and stop studying the subject in any grade according to their needs and the ability of education institutions.

Foreign Language subject helps students comprehensively develop their skills in listening, speaking, reading and writing. Foreign language education contents shall be constantly developed from the basic education stage to the career-oriented education stage on the basis of reference to international and Vietnamese language proficiency frameworks.

1.3. Ethnic minority language

Teaching ethnic minority languages ​​is a major policy of the Communist Party and State to preserve and promote the linguistic and cultural value ​​of ethnic minorities. The State encourages and creates favorable conditions for secondary school students who are ethnic minorities and have aspirations and needs to study ethnic minority languages to study this subject.

The subject is taught from primary education level. It is required to use corresponding elective duration of each education level to teach this subject.

Contents of the subject are specified in each ethnic minority language program issued by the Minister of Education and Training.

Conditions for teaching organization and the process of introduction of ethnic minority languages ​​into teaching at general education institutions shall comply with the Government's regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Mathematical education contributes to formation and increase students’ general capacities, virtues and mathematical capacity- concentrated expression of the calculation capacity with the components, including mathematical thinking and reasoning, mathematical modeling, mathematical problem solving, mathematical communication, use of mathematical learning tools and aids; develops great knowledge and skills and creates opportunities for students to experience and apply mathematics to practice. Mathematics education makes a connection among mathematical ideas, between mathematics and practice, between mathematics and other subjects and education activities, especially with Science, Natural Science, Physics, Chemistry, Biology, Technology, Computer to implement STEM education.

Mathematics education is covered by many subjects and education activities including Mathematics, Physics, Chemistry, Biology, Technology, Computer, Field trip, and Field trip and career counseling activities. In particular, Mathematics is a core subject that is compulsory for students from 1st grade to 12th grade.

The mathematics curriculum shall combine linear and spiral designs (increasing in both width and depth), revolves around and integrate three main topics: Arithmetic, Algebra and some elements of Calculus; Geometry and Measurement; Statistics and Probability. Mathematics education is divided into two stages, including basic education and career-orientated education.

- Basic education

Mathematics subject helps students systematically grasp necessary mathematical concepts, principles and rules to serve as a basis for learning at the next level or apply mathematical knowledge in daily life.

- Career-orientated education

Mathematics subject helps students have relatively general view of mathematics, understand the role and applications of mathematics to practice and careers related to mathematics. As a result, students have career orientation and the ability to explore problems related to mathematics on their own life.

3. Social science education

Social science education plays a key role in educating outlook on life, worldview, developing personality and educating national consciousness, patriotism, humane values, community spirit and typical virtues of global citizens (courage, connection, personality and love) in the trend of development, innovation and creativity of the era.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Social science education is covered by many subjects and education activities. In particular, it is covered by core subjects including Natural and Social Sciences (1st grade, 2nd grade and 3rd grade); History and Geography (from 4th grade to 9th grade); History and Geography (from 10th grade to 12th grade). Main contents of these subjects shall cover main branches including general, world, region, Vietnam and local area and ensure structures including evolutionary process (time and space), historical periods of national construction and defense and creation of Vietnamese culture and civilization; development of social progress and causes of prosperity and decline over the periods of Vietnam; major achievements in economy, society, culture and civilization; individuals and groups of people in relationships of cooperation and competition; natural conditions and resources; population characteristics in historical space and time; structure and distribution of the economy; some interdisciplinary themes in connection with contents of history, socio-economic geography and natural geography. Contents of these subjects are interdisciplinary and they are integrated with other fields, including language and literary education, citizenship education, national defense and security education, economy and law,…

Social science education is divided into two stages, including basic education and career-orientated education.

- Basic education

Social science education is covered by compulsory subjects from 1st grade to 9th grade. In 1st grade, 2nd grade and 3rd grade, the content is covered by Natural and Social Sciences; In 4th grade and 5th grade, Natural and Social Sciences is divided into two subjects of History and Geography, and Science. At the lower secondary education level, History and Geography subject covers education contents including history, geography and some interdisciplinary themes, and integrates with knowledge about economy, culture, science, religion,... at a simple level.  Historical and geographical knowledge shall be interconnected to illuminate and support each other. In addition, there are some more integrative topics including protection of Vietnam's legal rights and interests in the South China Sea; urban history and present; Red River Delta and Mekong River Delta civilization; geographical discoveries...

- Career-orientated education

In 10th grade, History and Geography subjects help students understand general characteristics of historical and geographical sciences, careers related to history and geography, develop their ability to apply historical and geographical knowledge to their daily life, improve and broaden basic knowledge and skills formed in the basic education stage via themes and academic topics related to basic issues about history and geography, thereby creating a solid basis for students to have clear and appropriate career orientation.

In 11th grade and 12th grade, History subject focuses on themes and academic topics related to various fields of history studies including political history, economic history, civilization history, cultural history, military history and social history, Vietnam's interaction and integration into the region and the world,...; Geography focuses on some themes and academic topics related to world geography (typical regions and countries) and Vietnam’s geography (natural and socio-economic conditions) to help students with orientation to social science and humanities and some related sciences

4. Natural science education

In addition to the role in contribution to formation and increase in general capacities and virtues of students, natural science education helps students form and develop their scientific worldview; plays a key role in educating students in the spirit of objectivity, love of nature and respect for the natural law, as a result, students can commune with nature in accordance with the requirement for sustainable development of society and environment. Natural science education helps students gradually form and increase the natural science capacity via observation and experimentation, apply knowledge and skills to solution to problems in their life; and connects with Math, Physics, Chemistry, Biology, Technology, Computer in implementation of STEM education which is one of the education trends respected in many countries around the world and interested in reform of general education in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 Natural science education is divided into two stages, including basic education and career-orientated education.

- Basic education

At the primary education level, natural science education simplistically approaches some common things and phenomena in daily life to help students have initial awareness of the natural world.

At the lower secondary education level, natural science education is mainly covered by Natural Science subject with integration of skills and knowledge about physics, chemistry and biology. These knowledge and skills shall cover main contents including substances and transformation of substances, living things, energy and transformation, Earth and sky), explains general principles and laws of the natural world (structure, diversity, interaction, system, laws of motion and transformation), and gradually reflect the role of natural science in social development and application of skills and knowledge about natural science to sustainable use and extraction of natural resources. These contents shall combine linear logic and concentric contents to build awareness of the natural world and natural sciences, thereby helping students initially apply acquired knowledge and skills in natural science to their life.

- Career-orientated education

Natural science education is covered by subjects including Physics, Chemistry or Biology (10th grade, 11th grade and 12th grade). These subjects are included in group of natural science subjects selected by students according to their career orientation, interest and capacities. Curriculum of each subject helps students continue to increase the natural science capacity under specific angles (physics, chemistry, biology); ensures the development of knowledge and skills on a basis of general capacities and the natural science capacity formed at the basic education stage and meets the requirements for career orientation to specific industries.

5. Technology education

Technology education helps students form and increase the technology capacity with the components including awareness, communication, use, technology evaluation and technical design; helps students effectively learn and work in the technological environment at home, school and society; contributes to career orientation and prepares background knowledge for students to continue their education and participate in vocational education and training in technology or working life.

Along with other education contents, technology education contributes to formation and increase in general capacities and virtues of students. With a focus on formation and increase in the design capacity, technology education has many opportunities and advantages in forming and developing creative and problem-solving capacities. Besides, technology education also contributes to formation and increase in some specific capacities including language, calculation, computer,...

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Technology education is divided into two stages, including basic education and career-orientated education.

- Basic education

Technology education provides common and core skills and knowledge about technology for students; knowledge and skills to choose careers.

At the primary education level, students can explore the world of engineering and technology via simple topics related to technology and life, some tech products in the family which students use every day, safety with home technology; experience engineering and technology design via technical craft and assembly of simple technical models.

At the lower secondary level, students gain knowledge about technology within the family; basic principles of manufacturing; initial understanding of design thinking; selection methods, vocational experience and information on occupations in manufacturing via topics including Home technology; Agriculture - Forestry and Fishery; Technology and engineering design; Technology and career orientation. At the end of lower secondary education level, in addition to main contents that all students must study, students can choose to study some contents in conformity with their own psycho-physiological characteristics and interest, characteristics and conditions of each local area.

- Career-orientated education

Technology education continues to reinforce and improve achievements in the basic education stage, and provides students with general and career-oriented understanding of technology via contents related to the nature of technology; role and influence of technology on social life; relationship between technology and other education fields, activities and subjects; and common fields of technology.

Due to a career-oriented nature, technology education includes two distinct branches including Industry-oriented Technology and Agriculture-oriented Technology. These orientations are aimed at assisting students in well adapting to characteristics, nature and requirements of technical and technological industries that students choose to study.

6. Computer education

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Computer education contributes to formation and increase in primary capacities and virtues of students and has advantages in formation and increase in the computer capacity with components including use and management of information and communications technologies; appropriate behaviors in the digital environment; solution to problems with the help of information and communications technologies; application of information and communications technologies to learning and self-study; cooperation in the digital environment.

Computer education is mainly covered by Computer in Computer and Technology at the primary education level and Computer at the lower and upper secondary education levels. Besides, computer application in other subjects and education activities also makes an important contribution to computer education.

Computer education includes three branches of knowledge including digital literacy, information and communications technologies and computer science and is divided into two stages: basic education stage and career-orientated education.

- Basic education

Computer subject helps students form and develop the ability to use computers; initially form and develop problem-solving thinking with the help of computers; understand and follow the basic principles of information sharing and exchange.

At the primary education level, students learn to use simple software to support learning, use computer equipment in accordance with the principles of protection of their health, and initially form problem-solving thinking with the help of computers.

At the lower secondary education level, students learn to use and develop common software to create products for their learning and life; practice identifying and solving problems in a creative manner with the help of digital technology; organize, manage, search digital data, evaluate and select information.

- Career-orientated education

Computer subject shall be divided into different branches to suit different careers. Computer education includes groups of topics according to two orientations: Applied Informatics and Computer Science. According to students’ interest and career orientation, they can choose one of the two above-mentioned orientations via choice for the corresponding groups of topics.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Computer Science fulfills the purpose of developing computer system with the focus on development of computer thinking and the ability to explore, discover and develop software and services on computers. Computer Science topics focus on provision of principles of information representation and processing, knowledge about algorithms and programming; some principles of computer network design for students

7. Citizenship education

Citizenship education plays a key role in educating students about civic awareness and behavior. Via lessons on lifestyle, ethics, law and economy, citizenship education contributes to increase in civic virtues and capacities, especially love, awareness, belief, behaviors in accordance with ethical standards and provisions of the law, and helps students have life skills and courage to study, work and  fulfill civic responsibilities for national construction and defense and international integration.

Citizenship education is covered in many subjects and education activities including Social Science and Field Trip subjects, and Field trip and career counseling activities. In particular, Ethic (primary education level), Citizenship education (lower secondary education level) and Economy and law (upper secondary education level) are core subjects.

Main contents of these subjects are education about ethics, life skills, law and economy. Contents of these subjects cover people's relationships with themselves, others, community, country, humanity, work and natural environment. These contents combine traditional and modern, national and global values. The knowledge is gradually broadened and improved from primary and lower secondary education levels to upper secondary education level.

Citizenship education is divided into two stages, including basic education and career-orientated education.

- Basic education

Ethic (primary education level) and Citizenship education (lower secondary education level) are compulsory subjects.  Contents of these subjects focus on education about self-worth, family, homeland and community in order to help students form necessary learning and living habits or routines and build awareness of self-adjustment of their behaviors according to ethical standards and the provisions of the law.

- Career-orientated education

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. National defense and security education

National defense and security education help students gain basic skills and knowledge about national defense and security to promote patriotism, tradition of nation construction and defense, raise their awareness, have responsibility and voluntarily perform national defense and security tasks and protect the Socialist Republic of Vietnam. National defense and security education in primary and lower secondary schools shall be integrated in subjects and education activities to help students gain initial understanding about the tradition of national construction and defense and the people's armed forces; have sense of discipline, spirit of solidarity and patriotism.

National defense and security education in an upper secondary school is a compulsory subject to help students gain initial understanding about the all-people national defense and people's security; the tradition of struggle against foreign aggression, the people's armed forces and Vietnamese military art; develop basic and necessary knowledge about civil defense and military skills; perform military service for Fatherland protection.

9. Art education

Art education helps students form and increase their capacities and virtues; at the same time, via improvement of basic skills and knowledge about art sectors, helps students form and increase the aestheticism capacity, discovers and develops artistic talents for students; educates the attitudes to respect and develops the ability to inherit and promote the traditional cultural and artistic values in the process of integration and exchange with the world, thereby meeting the objectives of harmonious education about ethics, knowledge, physical health and aesthetic sense.

Art education is covered by many subjects. In particular, it is mainly covered by Music or Fine Arts subject From 10th grade to 12th grade, students can choose subjects in the group of technology and art subjects in accordance with their career orientation, interest and capacities.

9.1. Music

Music education creates opportunities for students to experience and increase the music capacity which is an expression of the aestheticism capacity with the components, including musical expression, music perception and understanding, music application and creation; thereby contributing to discovery and improvement of musical talent of students. At the same time, via songs, music activities and education methods of the educators, music education helps students have the virtue including patriotism, humanity, diligence, honesty and sense of responsibility and the capacities for self-control and self-study, communication and cooperation, problem solving and creativity to become fully developed citizens in terms of personality and harmony between the physical and mental health.

Music education is divided into two stages, including basic education and career-orientated education.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Music subject is a compulsory subject from 1st grade to 9th grade, including basic skills and knowledge about singing, listening to music, reading music, musical instruments, music theory and common music knowledge. Music education helps students have experience, discover and express themselves via music activities in order to develop the aestheticism capacity and raise awareness of the diversity of the musical world and the relationship between music and culture, history and other art forms; at the same time develop awareness of protection and dissemination of traditional musical values.

- Career-orientated education

Music subject is a career-oriented subject under the aspirations and career orientation of students.  Contents of the subject include extensive and advanced knowledge and skills in singing, listening to music, reading music, musical instruments, music theory and common music knowledge. Students who have related interest, talents or career orientation may choose to study additional academic topics. Music education helps students continue to develop practical skills, broaden their understanding about music in relation to cultural, historical and social factors, and apply knowledge to their life in order to meet personal interests and access music-related careers.

9.2. Fine Arts

Fine Arts education in primary and secondary schools helps students form and increase their capacities and virtues with a focus on increase in the art capacity which is an expression of the aestheticism capacity with the components including aesthetic observation and perception, aesthetic creation and application, aesthetic analysis and evaluation; on that basis, educates students on a sense of respect and inheritance of national cultural and artistic values and helps them approach aesthetic value ​​of the era and promote the creative spirit in conformity with social development.

Curriculum shall combine linear and concentric structures and expand contents of Visual and Applied Arts; integrate discussion and art practice; create opportunities for students to experience and apply art to their life; help students realize the importance of art, the relationship between art and life, culture, history, society and other subjects and education activities, thereby contributing to harmonious development of ethics, knowledge, physical health and aesthetic sense for all students, and discovery and provision of refresher training for gifted students.

Fine arts education is divided into two stages, including basic education and career-orientated education.

- Basic education

Fine Arts subject is a compulsory subject from 1st grade to 9th grade. The curriculum creates opportunities for students to familiarize with and experience art knowledge via a variety of activities; helps students form and develop the ability to observe, appreciate, perceive and perform art; the ability to feel, learn and experience cultural and aesthetic values ​​in life and art.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Fine Arts subject is a career-oriented subject under the aspirations and career orientation of students. Curriculum shall expand contents of art education, improve art knowledge and skills formed at the basic education stage, approach groups of careers that are relevant to the visual arts and have practical application; help students learn and have career orientation in conformity with their desire and capacities according to actual needs and adaption to society.

10. Physical education

Physical education in primary and secondary schools contributes to fulfillment of education objectives of increase in capacities and virtues of students with a focus on provision of knowledge and skills in healthcare for students; knowledge and skills in movement; establishment of workout routines, assistance for students in selecting appropriate sports to practice for the purpose of improvement of their health and increase in physical strength; thereby helping students raise awareness, have the responsibility for their health, their families and the community, adapt to living conditions, have happy life and get along with everyone.

Physical education is covered in many subjects and education activities including Physical Education, Ethic, Natural and Social Sciences, Science, Natural Science, Biology, Field trip, and Field trip and career counseling activities, in which Physical Education subject is a core subject that is compulsory from 1st grade to 12th grade.

Physical education focuses on improvement of skills in movement and development of the physical potential for students via a variety of physical exercises including formation exercises, exercises, movement games, sports and injury prevention skills in sports activities.

Physical education is divided into two stages, including basic education and career-orientated education.

- Basic education

Physical education helps students know how to take care of their health and ensure personal hygiene; establish workout routines for improvement of their health; via movement games and exercises, develop the basic skills in movement and the physical potential to serve as a basis for comprehensive development. Students can choose sports activities in conformity with their physical strength and the ability of schools.

- Career-orientated education

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11. Career counseling

Career counseling includes all activities of the schools in connection with families and society to provide students with knowledge and capacities for career orientation, thereby helping students have the good careers in accordance with their capacities, personality, interests, self-worth concept, conditions and circumstances of their families and the needs of society. Career counseling plays an important role in contribution to fulfillment of objectives of comprehensive education and classification of students after lower and upper secondary education levels.

In general education program, career counselling is covered by all subjects and education activities. In particular, it is mainly covered by subjects including Technology, Computer, Art, Citizenship education at the lower secondary education level, subjects at the upper secondary education level, Field trip and career counseling activities and local curriculum activities.

Career counselling activities in primary and secondary schools shall be taught regularly and continuously, especially the final years of basic education stage and the entire period of career-oriented education stage.

12. Academic topics

The academic topics shall be taught in upper secondary schools to fulfill the requirement for divergence, help students improve knowledge and practical skills and apply knowledge to solution to some practical problems, thereby meeting the requirement for career orientation.

The academic topics of each subject shall be taught by the teacher of such subject. In addition, according to specific contents of academic topics, the schools can allocate laboratory staff or invite entrepreneurs, artisans,…who have knowledge and practical experience in the specialized fields of practical and career-oriented academic topics to provide guidance for students on appropriate contents of these academic topics.

13. Field trip and Field trip and career counseling activities

Field trip and Field trip and career counseling activities are education activities that are oriented, designed and directed by educators to create opportunities for students to approach practical problems, experience positive emotions, broaden existing experiences and acquire knowledge and skills of different subjects to perform assigned tasks or solve practical problems of schools, families and social life in conformity with their age, thereby transforming experience that has been gained into new knowledge and skills to contribute to development of creative potential and adaptability to future life, environment and career.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Field trip and Field trip and career counseling activities help students increase their primary capacities and virtues in relationships with themselves, society, natural environment and careers. These activities shall be taught with four main branches including self-directed activities, socially-oriented activities, nature-oriented activities and career-oriented activities.

Field trip and Field trip and career counseling activities are divided into two stages, including basic education and career-orientated education.

- Basic education

At the primary level, Field trip contents focus on self-discovery activities, self-training activities and development of relationship with friends, teachers and family members. Social activities and learning about some careers that are familiar to students shall be organized with contents and forms in conformity with their age.

At the lower secondary education level, contents of Field trip and career counseling activities focus on social activities, nature-oriented activities and career-oriented activities. At the same time, self-directed activities shall be maintained to increase capacities and virtues of students.

- Career-orientated education

In addition to self-directed activities, socially-oriented activities and nature-oriented activities, at upper secondary education level, the contents of Field trip and career counseling activities focus on career-oriented activities to increase the capacity for career orientation.  Via career-oriented activities, students can receive evaluation and make self-evaluation of their capacities, strengths and interest related to their careers to serve as a basis for selection of suitable careers and training in their capacities and virtues to adapt to future careers.

14. Local curriculum activities

Local curriculum activities are basic problems or news stories about culture, history, geography, economy, society, environment and career orientation,... of local areas that have been added to compulsory education contents of the country in order to provide students with understanding about place of residence and help students have patriotism and awareness of discovery and application of the acquired knowledge to solution to problems of homeland.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



According to general education program, the People's Committees of provinces shall elaborate standards and procedures for compilation, appraisal and editing of documents on education contents in their provinces; direct the organization of compilation and appraisal of documents on education contents in their provinces according to the guidance of the Ministry of Education and Training and report to the Ministry of Education and Training for approval.

VI. ORIENTATION TO EDUCATION METHODS AND EVALUATION OF EDUCATIONAL OUTCOMES

1. Orientation to education methods

Subjects and education activities in schools apply methods of encouraging students' participation. In particular, teachers play the role in organization and provision of guidance on activities for students to create friendly learning environment and problem situations to encourage students to actively participate in learning activities, discover their own abilities and aspirations, practice habits and self-study ability and develop their potential and acquired knowledge and skills for development.            

Students’ learning activities include problem discovery activities, practice activities and practical activities (application of the acquired knowledge to detection and solution to actual problems). These activities are conducted with the support of teaching equipment, especially informatics tools and digital automation systems.

The above-mentioned learning activities shall be organized inside and outside the school premises via some main forms including theoretical learning; performance of exercises, experiments, games, role-playing, research projects; participation in seminars, sightseeing, camping, reading books; collective activities and community activities.

According to objectives and nature of activities, students may work independently, in groups or in the whole class but they must ensure that each student is eligible for performance of their own learning tasks and practical experience.

2. Orientation to evaluation of educational outcomes

Evaluation of educational outcomes is aimed at providing information about the extent of fulfillment of requirements of the program and students' progress in an accurate, prompt and valuable manner to instruct learning activities, adjust teaching activities, manage and develop the program, ensure the progress of each student and improve the quality of education.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The educational outcomes shall be evaluated in qualitative and quantitative forms via regular or periodic evaluation at education institutions and broad evaluation at the national, local and international levels.  Along with the outcomes of compulsory subjects and education activities, career-oriented subjects and academic topics, the outcomes of elective subjects will be used to evaluate the overall learning outcomes of students in each academic year and in the learning process.

The regular evaluation is made by the teacher in charge of the subject in connection with the evaluation of the student's parents and teacher, the evaluated student and other students.

The periodic evaluation is made by the education institution to serve management of teaching activities and development of the program, and ensure the quality of the education institution.

The board evaluation at national and local levels is made by national or provincial-level examination organizations to serve management of teaching activities, development of program and improvement of the quality of education, and ensure the quality of evaluation of educational outcomes at education institutions.

The evaluation methods shall ensure reliability, objectivity and conformity with students’ age and grade. The evaluation methods shall not put pressure on students and reduce costs for budget of the State, students' families and society.

Achievements of measurement and evaluation science in education and international experience are considered to be applied to improvement of the quality of evaluation of educational outcomes, classification of students at education institutions and the outcomes of the board evaluation are used to control the quality of evaluation at education institutions.

VII. CONDITIONS FOR EXECUTION OF GENERAL EDUCATION PROGRAM

1.  Organization and management

a) A school has a mission of development of the personality of each student and fulfillment of the requirements for socio-economic development in conditions of constant change; is a cultural and educational center of the local are; is assigned the right to autonomy according to the provisions of law; observes Regulation on democracy at the grassroots level; abides by the guidelines and policies of the Communist Party, the laws of the State, the leadership and direction of the Party committee, local authorities and education management agencies at all levels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Managers, teachers and staff members

a) The principals shall be evaluated according to cycle and achieve the principal standards of general education institutions at the SATISFACTORY level or higher. They shall undergo training and refresher training in political theory, education management and general education program as prescribed.

b) The number and structure of teachers (including visiting teachers, if any) shall fulfill requirements for teaching subjects and education activities of the general education program. All qualified teachers shall undergo training to meet or surpass standards. The teachers shall achieve the principal standards of general education institutions at the SATISFACTORY level or higher. The rights of teachers under the Charters of the secondary schools and the law shall be assured. The teachers shall undergo training and refresher training in teaching according to the general education program.

c) Staff members who have professional qualifications according to regulations shall undergo training in contents of the general education program related to the duties of each position in the school.

3. Facilities and teaching equipment

Location, area and scale of school; studying rooms; study assisting rooms; library; administration rooms; playgrounds and sports fields; auxiliary rooms; general activity rooms; technical infrastructure and teaching equipment shall comply with regulations of the Ministry of Education and Training.

4. Private investment in education

a) Thoroughly grasping viewpoint that education development is the cause of the Communist Party, the State and the whole people. The Executive Committees of the Communist Party and local authorities shall direct the successful implementation of the general education program; ensure conditions for implementation of the program; strictly implement the policies of the Communist Party and State towards teachers and education managers of general education institutions. The schools shall actively advise the Executive Committees of the Communist Party and authorities and cooperate with local organizations and individuals in mobilization of various resources for participation in education activities and support for funding and facilities, and creation of a healthy and safe education environment.

b) Promoting close cooperation between family education and school education. Students' families and parents shall receive guidelines for cooperation and participation in education for their children according to requirements of classes and grades. The Parent Representative Council shall have organizational structure, duties, rights, responsibilities and operation according to the Charter of the Parent Representative Council. The schools shall create favorable conditions for the Parent Representative Board to operate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



VIII. DEVELOPMENT OF GENERAL EDUCATION PROGRAM

Development of general education program is a regular activity, including stages of evaluation, modification, supplementation and completion of the program in the process of implementation.

According to contents and requirements of the general education program, the Ministry of Education and Training formulates the education program for special entities (excellent students, students with disabilities and students with difficult circumstances). The schools shall develop their own education plans in a flexible manner in conformity with specific conditions and circumstances of the local areas in order to ensure the objectives and quality of education.

During the process of implementation, the Ministry of Education and Training makes surveys and collects opinions from education management agencies, schools, managers, teachers, students, parents and interested persons to evaluate, review, adjust, formulate the programs of new subjects (if necessary) and guide the implementation of adjustments (if any).

IX. EXPLANATION

1. Definition

In the general education program, the terms below are construed as follows:

a) “Overall program” refers to a document that elaborates general and oriented issues of the general education program, including: viewpoints on formulation of program, objectives of the general education program and objectives of the program at each level, requirements for primary capacities and virtues of students at the end of each level, system of subjects and education activities, duration of each subject and education activity, orientation to compulsory education contents at each level for all students, orientation to education methods and evaluation of educational outcomes, conditions for implementation of the general education program.

b) “Curriculum and education activity” refers to a document that defines the position and role of subjects and education activities in the fulfillment of general education objectives, objectives and requirements, core education contents of subjects and education activities in each class or level for all students, orientation to lesson plans and education activities in each class and each level, methods and forms of education organization, evaluation of educational outcomes of subjects and education activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) “Integrated education” refers to an orientation to education that helps students develop the ability to improve and apply knowledge and skills,... in many different sectors to effectively solve problems in learning and in life in the process of acquiring knowledge and practicing skills.

dd) “Basic education stage” refers to an education stage including the first 9 years of general education (from 1st grade to 9th grade). This education stage provides students with basic knowledge and skills; helps students form and increase their primary capacities and virtues; help students prepare adaptation to the rapid and multifaceted changes of the society in the future; and meets requirements for classification of students after lower secondary education level with orientations including continuation in study to upper secondary education level, participation in vocational education and training or participation in working life.

e) “Career-oriented education stage” refers to an education stage including the last 3 years of general education (from 10th grade to 12th grade). This stage helps students develop their capacities according to each student's forte and aspiration, thereby ensuring that students can access to careers and well prepare for post-secondary education, or participation in working life.

g) “STEM education” refers to an education model according to an interdisciplinary approach that helps students apply science, technology, engineering and math knowledge to solution to a number of practical problems in specific contexts.

h) “Compulsory subjects and education activities” refer to subjects that all students must study and education activities that all students must participate in.

i) “Career-oriented subject” refers to an subject that a student can select to study according to his/her career orientation.

k) “Elective subject” refers to a non-compulsory subject that a student can select to study according to his/her aspiration.

l) “Capacity” refers to a personal attribute that is formed and increased by the existing potential and the process of learning and practicing, and allows people to improve and apply knowledge and skills and develop other attributes including interest, belief, ... to successfully perform certain activities and achieve the desired results under specific conditions.

m) “Primary capacity” refers to a basic and essential capacity that people need to live, learn and work effectively.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



o) “Virtues" refer to good qualities that are displayed in human attitudes and behaviors. The virtue and capacity create the human personality.

p) “Requirements” refer to outcomes that a student must achieve in terms of the virtue and capacity after each level or class in each subject and education activity. In particular, the following level or class has its own higher requirements and covers the requirements of the previous levels and classes.

2. Requirements for virtues of students

Virtue

Primary education level

Lower secondary education level

Upper secondary education level

Patriotism

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Loving homeland and respecting national symbols

- Respecting and expressing gratitude to workers and people with meritorious services to the homeland and country; participating in gratitude activities for people with meritorious services to the homeland and the country.

- Actively participating in protection of nature.

- Having knowledge about the tradition of the family, clan and homeland; studying and practicing to promote the tradition of the family, clan and homeland.

- Protecting cultural heritage, actively participating in protection and promotion of the value of cultural heritage.

- Actively encouraging other persons to participate in protection of nature.

- Voluntarily complying and encouraging other persons to comply with the provisions of the law to contribute to protection and construction of the Socialist Republic of Vietnam.

- Actively participating in and encouraging other persons to participate in protection and promotion of the value of cultural heritage.

- Struggling against conspiracies and acts that infringe upon the national borders, territory and territorial waters under the sovereignty and sovereign rights of Vietnam with attitudes and actions in conformity with students’ age according to regulations of the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Humanity

Humanity

- Loving and taking care of the family members.

- Loving their friends and teachers; caring, respecting and stimulating their friends

- Respecting the elderly; helping  the elderly, the sick and the disabled; granting concession and helping children.

- Sharing with students who have difficult circumstances, students who live remote areas, students with disabilities and students who are affected by natural disasters.

- Respecting the honor, the health and the private life of other persons.

-  Opposing evils; failing to promote and commit violent acts; protecting the weak and the disadvantaged...

- Actively participating in charity and community activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Respecting the legal rights and interests of people; struggling against acts that infringe upon the legal rights and interests of organizations and individuals.

- Actively encouraging people to participate in charity and community activities.

Respect for the difference among students

- Respecting the difference in clothes, character and family circumstances of classmates

- Failing to discriminate and create separation among students

- Forgiving wrongdoings

- Respecting the difference in cognition or personal style of other students. 

- Respecting cultural diversity of ethnic groups in Vietnam and other ethnic groups.

- Having empathy and helping other students.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Having knowledge about culture in the world.

- Having sympathy and tolerance for wrongdoings and bad attitudes of other persons.

Diligence

 

Studiousness

- Attending classes in a punctual and sufficient manner. 

- Regularly completing learning tasks.

- Having studiousness and reading books to develop their knowledge.

- Applying the acquired knowledge and skills to daily life.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Reading books and newspapers, searching materials and information on the Internet to develop their knowledge.

- Applying the acquired knowledge and skills from teachers, other students, newspapers and other reliable sources to learning and daily life.

- Having awareness of evaluation of their own strengths and weaknesses, advantages and disadvantages in learning to develop the study plan.

- Actively exploring and having creation in learning; striving to overcome difficulties to achieve good outcomes.

Industriousness

- Regularly doing house works in conformity with their age and ability.

- Regularly participating in activities at schools and community activities in conformity with their age and ability.

- Participating in labor and production in the family according to actual requirements in conformity with their ability and conditions.

- Striving to achieve good outcomes in labour, at school and community. 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Actively participating in and encouraging other persons to participate in community activities.

- Striving to overcome difficulties to achieve good outcomes in labor.

- Actively studying and practicing to prepare knowledge for careers in the future.

Honesty

 

- Having honesty in learning, labor and daily activities; expressing confidence in expression of their own opinions.

- Keeping promise; admitting and correcting mistakes, protecting the right and good things.

- Failing to arbitrarily take things and money from relatives, friends, teachers and other persons.

- Opposing dishonest behaviors in learning and life.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Admitting their own shortcomings and taking responsibility for their own words and acts.

- Respecting the rights; protecting the right and good things; having objectivity, fairness in cognition and behaviors.

- Failing to infringe upon public property

- Struggling against dishonest behaviors in learning and life.

- Having good behaviours and cognition

- Struggling for protection of the right things, and protection of the good persons and things.

- Voluntarily participating and encouraging other students to participate in detection and struggle against dishonest acts in learning and life, violations against ethical standards and regulations of the law.

Sense of responsibility

Students’ responsibilities towards themselves

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Having orderly life

- Keeping personal hygiene, taking physical exercise and looking after their health.

- Preserving and effectively using personal belongings.

- Saving time; managing time; effectively developing and implementing learning and living regime

- Failing to blame other persons; having awareness and adopting methods of overcoming consequences that they cause.

- Actively and voluntarily participating in practice activities and self-cultivation

- Spending money on eating and drinking, and purchasing school stationery and daily suppliers in a reasonable manner.

- Taking responsibility for their own words and acts.

Students’ responsibilities towards their families

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Failing to waste food and drink; saving money, electricity and water.

- Expressing interest in house works.

- Having awareness of thrift practice in their expenses and expenses of their families.

- Fulfilling their obligation to relatives and families.

- Discussing the development and  implementation of the spending plan with relatives.

Students’ responsibilities towards schools and society

- Complying with the school's rules and collective conventions and regulations; keeping clean and protecting public property.

- Failing to create disorder and pick fight/quarrel.

- Reminding other students to abide by school rules; relatives to abide by regulations and conventions in public places.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Actively participating in collective and social activities in conformity with their age.

- Expressing interest in community activities; actively participating in collective and community activities.

- Respecting and complying with rules in public places; strictly complying with traffic rules; having awareness of compliance with rules and regulations at festivals and of public activities at their districts or provinces.

-  Opposing behaviors that are inconsistent with cultural lifestyles and regulations in public places.

- Participating and connecting to the Internet and social networks in accordance with regulations; failing to assist bad persons to spread information that affects the honor of organizations or individuals or affects cultural lifestyle, social order and safety.

- Actively participating and encouraging other persons to participate in public activities.

- Actively participating and encouraging other persons to participate in dissemination of information about laws.

- Evaluating their behaviors and the behaviors of other persons towards compliance with discipline and law; criticizing undisciplined acts and violations.

Students’ responsibilities towards their living environment

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Keeping the environment clean and failing to discard garbage wantonly.

- Opposing destruction of nature.

- Living in harmony with nature 

- Having knowledge and participating in dissemination of information about and protection of nature; opposing destruction of nature.

- Having knowledge and participating in dissemination of information about climate change and response to climate change.

- Understanding  the importance of thriftiness to sustainable development; failing to waste natural resources; opposing indiscriminate and poor use of materials and resources.

- Actively participating and encouraging other persons to participate in dissemination of information about and protection of nature, response to climate change and sustainable development.

3. Requirements for general capacities of students

Capacities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Lower secondary education level

Upper secondary education level

Self-control and self-study

Self-help

Completing their the assigned tasks at school and home under assignment and guidelines

Successfully completing their own tasks in learning and life; opposing the dependency

Successfully completing their own tasks in learning and life; encouraging people who have dependency lifestyle to make self-help.

Self-affirmation and protection of legal rights and needs

Having awareness of their legal rights and needs; initially presenting their legal needs and exercising their legal rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Affirming and protecting their legal rights and needs

Self-control of their emotions, attitudes and behaviours. 

- Realizing and expressing their own emotions; sharing their emotions with other persons.

- Being kind; failing to offend other persons.

- Completing the study and work plans; not getting caught up in playing to avoid adverse effects on study habits and other tasks.

- Realizing their own emotions and understanding the influence of their emotions on behaviours.

- Controlling their emotions to have acceptable behaviours in learning and life; failing to waste money and have unacceptable and aggressive behaviors; opposing bad behaviors and acts.

- Completing the study and work plans in an persistent manner.

- Evaluating the strengths and limitations of their own emotions; being confident and optimistic.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Facing and responding to challenges in learning and life.

- Avoiding social evils.

Adaptation to life

- Adopting different methods of solving the same problems

- Performing different tasks and fulfilling different requirements

- Applying the acquired knowledge and skills to solution to problems in new situations in a flexible manner.

- Keeping calm before unexpected changes of circumstances; persevering in overcoming difficulties to complete the assigned works.

- Adjusting their knowledge, skills and experience in new activities and new living environment

- Changing their thinking, and expression of their attitudes and emotions to meet new requirements and new situations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Expressing their interest and abilities

- Knowing names, main activities and roles of several careers; applying the knowledge to the careers of family members.

- Having awareness of their interest and capacities.

- Understanding the role of economic activities in social life.

- Obtaining some information about local careers and careers under production sector; selecting appropriate orientation to development after lower secondary education level.

- Having awareness of their own personality and value.

- Obtaining information about labor market, requirements and prospects of careers.

- Identifying appropriate orientation to development after upper secondary education level; making plans and selecting subjects in conformity with their career orientation.

Self-study and self-improvement

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Detecting and correcting errors in tests via the teacher's comments.

- Learning knowledge from teachers, friends and other persons to acquire and improve understanding.

- Gaining knowledge and following good examples.

- Setting the learning objectives to strive to achieve good outcomes.

- Making and implementing the study plan; selecting useful materials; storing information in a selective manner via record, concept maps, tables and keywords; taking notes from the teacher's lessons according to the main ideas.

- Detecting and correcting their own mistakes and limitations when they receive comments from their teachers and friends; actively seeking the support of other persons when they have difficulties in learning.

- Practicing and removing their own limitations towards social values.

- Identifying the learning tasks according to the achieved results; setting the detailed and specific learning objectives and removing limitations.

- Evaluating and adjusting the study plan; forming their own learning style; searching, evaluating and selecting useful materials for the different purposes and tasks in learning; collecting information in appropriate forms to create favorable conditions for memory, use and supplementation when necessary.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Regularly making self-cultivation according to the personal objectives and civic values.

Communication and cooperation

Identification of the purposes, contents, means and attitudes to communication

- Understanding the importance of communication in fulfillment of their own needs.

- Understanding texts about life, nature and society that combine language and images including comic books and simple articles.

- Initially using language in combination with images and gestures to present information and ideas.

- Having concentration when they communicate with other persons; understanding the behaviors and attitudes of the communicators.

- Setting communication objectives and understanding the importance of establishment of objectives before communication.

- Understanding the conformity between the contents and methods of communication and the purposes of communication; applying them to effective communication.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Using language in combination with charts, figures, formulas, symbols and pictures to present information and ideas and discuss simple problems about life, science and art.

- Listening and providing positive feedback in communication; understanding communication contexts and the attitudes of the communicators.

- Identifying the purpose of communication in conformity with the communicators and contexts; predicting the advantages and disadvantages to achieve the purposes of communication.

- Selecting contents, type of texts, languages and other means of communication in conformity with the contexts and communicators.

- Understanding texts on scientific and artistic issues in conformity with their abilities and career orientations that use language ​​in combination with various types of non-verbal communication.

- Using languages in combination with various types of non-verbal communication to present information and ideas and  discuss, argue and evaluate scientific and artistic issues in conformity with their abilities and career orientation.

- Actively communicating with other persons; having confidence and controlling their emotions and attitudes when they communicate with many people.

Establishment and development of social relations; handling and solution to conflicts

- Making and maintaining friendships.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Making, maintaining and developing relationships with members of the community (relatives, friends, neighbors,...).

- Detecting disagreements and frictions with other persons or among other persons; striving to handle and solve conflicts.

- Understanding and having sympathy to the thoughts, emotions and attitudes of other persons.

- Identifying the causes of conflicts with other persons or among other persons and solving conflicts.

Identification of the purposes and methods of communication

Exchanging and helping each other; making cooperation in completion of the learning tasks under the guidance of their teacher.

Actively proposing the purposes of cooperation when they are assigned to perform tasks; identifying tasks that they can perform effectively when they work in groups.

Actively proposing the purposes of cooperation to solve problems that they propose or other persons propose; selecting the forms of group work with the scale in conformity with the requirements and tasks.

Identification of their own responsibilities and operation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Understanding the tasks of the group; evaluating their own abilities and taking on tasks in conformity with their abilities.

Analyzing the works that must be done to complete the group's tasks; taking on the difficult works of the group.

Identification of the needs and capability of the collaborator

Identifying the ability of each member to propose the appropriate plan for work assignment.

Evaluating the aspiration and ability of each member to propose the plan for organization of cooperative activities.

Via observation, evaluating the ability to complete works of each member to propose adjustment to the plan for work assignment and organization of cooperative activities.

Organization and persuasion

Striving to complete their assigned works and sharing and helping other members complete the assigned works.

Actively completing the assigned tasks and striving to become good examples to other students; making suggestions on adjustments to promote collective activities; humbly learning knowledge from other members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Evaluation of cooperation activities

Reporting the results of performance of tasks of the group; making self-evaluation of their own strengths and weaknesses according to the  guidance of the teacher.

Evaluating their own strengths and weaknesses, strengths and weaknesses of each member of the group and the whole group in performance of works.

According to objectives of operation of the group, evaluating the level of achievement in the objectives of each member, the group and other groups; learning from experiences and making suggestions to each member in the group.

International integration

- Having basic knowledge about some countries in the region and in the world.

- Participating in some international integration activities under the guidance of the schools.

- Having basic understanding about the relationship between Vietnam and some countries in the world and about some international organizations that have significant relations with Vietnam.

- Actively participating in some international integration activities in conformity with their age and abilities, and conditions of the schools and the local areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Communicating with international friends in an active and confident manner; actively participating in a number of international integration activities in conformity with their age and abilities, and conditions of the schools and the local areas

- Reading foreign documents to serve their learning and career orientation and the learning and career orientation of other students.

Problem solving and creativity

Generation of new ideas

Identifying and clarifying new information and ideas from available sources according to guidelines.

Identifying and clarifying new information and ideas; analyzing and summarizing relevant information from different sources.

Identifying and clarifying new and complex information and ideas from different sources; analyzing independent sources of information to follow trends and gain credibility of new ideas.

Identification and clarification of problems

Collecting information from situations, identifying simple problems and putting questions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Analyzing situations in the process of learning and life; identifying and addressing problem situations in learning and life.

Generation and implementation of new ideas

According to the existing knowledge, generating new ideas and predicting the results when they implement these ideas.

Discovering new and positive elements in the opinions of other persons; creating ideas according to the collected information; proposing solutions to improve or replace unsuitable solutions; comparing and commenting on the proposed solutions.

Generating many new ideas in learning and life; having innovative thoughts; creating new elements according to different ideas; forming and connecting ideas; carrying out research to change solutions before the change of contexts; assessing risks and making provisions.

Proposal and selection of solutions

Developing methods of solving basic problems according to guidelines.

Identifying and collecting information related to problems; proposing solutions to problems.

Collecting and clarifying information related to problems; proposing and analyzing solutions to problems; selecting the best solution.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Identifying main contents and methods of operation to set objectives according to the guidelines.

- Making comments on the importance of operation.

- Making the plan for activities with appropriate objectives, contents and forms of operation.

- Assigning appropriate tasks to members who participate in operation.

- Evaluating the conformity of the plan, solution and the implementation of the plan and solution.

- Making the plan for operation with appropriate objectives, contents, forms and means of operation;

- Exploiting and mobilizing important resources (human and material) for operation.

- Adjusting the plan and the implementation of the plan, methods and the process of solution to problems in conformity with the situation to achieve high effectiveness.

- Evaluating effectiveness of solutions and operation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Raising queries about things and phenomena; expressing confidence in expression of personal opinions before different information about things and phenomena; making correction when they discover mistakes.

Raising different queries about an object, phenomenon or problem; attentively listening and receiving information and ideas in a considerable and selective manner; paying attention to evidences when they consider and evaluate things and phenomena; evaluating problems and situations from different perspectives.

Raising many valuable queries, failing to receive one-way information in an easy manner; being unbiased when they consider and evaluate problems; expressing interest in convincing arguments and evidences; considering and re-evaluating problems.

4. Requirements for specific capacities of students

a) Language

Language capacity includes the capacity to use Vietnamese and the capacity to use foreign languages. Each capacity is shown via activities including listening, speaking, reading and writing.

The requirements for the language capacity for students in each class and level are specified in the Literature curriculum, the Foreign Language curriculum and fulfilled in all subjects and education activities in conformity with the characteristics of each subject and education activity, in which Literature and Foreign Languages ​​are the main subjects.

b) Calculation

Calculation capacity is shown via the following activities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Mathematical thinking;

- Application of the acquired knowledge and skills.

Calculation capacity is formed and developed in many subjects and education activities in conformity with the characteristics of each subject and education activity. The most concentrated expression of the calculation capacity is the mathematical capacity which is formed and developed in Mathematics. The requirements for the mathematical capacity for students in each class and level are specified in the Mathematics curriculum.

c) Science

Science capacity is shown via the following activities:

- Science cognition;

- Improvement of natural and social knowledge;

- Application of the acquired knowledge and skills.

The science capacity is formed and developed in many subjects and education activities in conformity with the characteristics of each subject and education activity. In particular, the main subjects include Natural and Social Sciences, History and Geography, Science (at primary education level); Natural science, History and Geography (at lower secondary education level); Physics, Chemistry, Biology, History, Geography, Economy and law (at upper secondary education level).  The curriculum of each subject and education activity helps students continue to increase their science   with the extensive level that is gradually expanded via all levels (capacities for science; natural science; social science; physics, chemistry, biology; history and geography, history, geography).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Technology

Technology capacity is shown via the following activities:

- Technology cognition;

- Technology communication;

- Technology use;

- Technology assessment;

- Technical design.

The requirements for the technology capacity for students in each class and level are specified in the curriculum of Technology subject and fulfilled in the curriculum of all subjects and education activities in conformity with the characteristics of each subject and education activity, in which Technology ​​subject is the main subject.

dd) Computer

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Use and management of information and communication technology facilities;

- Appropriate behaviours in digital environment;

- Solution to problems with the help of information and communication technology;

- Application of information and communication technology to study and self-study;

- Cooperation in digital environment;

The requirements for the computer capacity for students in each class and level are specified in the curriculum of Computer subject and fulfilled in the curriculum of all subjects and education activities in conformity with the characteristics of each subject and education activity, in which Computer ​​subject is the main subject.

e) Aestheticism

Aestheticism capacity includes capacities for music, art and literature. Each capacity is shown via the following activities:

- Aesthetic cognition;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Aesthetic recreation, creativity and application.

The requirements for the aestheticism capacity for students in each class and level are specified in the curriculum of Music, Art and Literature subjects and fulfilled in the curriculum of many subjects and education activities in conformity with the characteristics of each subject and education activity, in which the Music, Art and Literature subjects ​​are main subjects.

g) Physicality

Physicality capacity is shown via the following activities:

- Healthcare;

- Basic movement;

- Sports activities.

The requirements for the physicality capacity for students in each class and level are specified in the curriculum of the Physical education subject and fulfilled in the curriculum of many subjects and education activities in conformity with the characteristics of each subject and education activity, in which the ​​Physical education subject is the main subject.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



HISTORY SUBJECT [6]

(Issued together with Circular on promulgation of general education program)

 

APPENDIX

I. CHARACTERISTICS

II. VIEWPOINTS ON EXECUTION OF GENERAL EDUCATION PROGRAM

III. OBJECTIVES

IV. REQUIREMENTS

V. EDUCATION CONTENTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11th  GRADE

12th  GRADE

VI. EDUCATION METHODS

VII. EVALUATION OF EDUCATIONAL OUTCOMES

VIII. EXPLANATION AND GUIDELINES

 

I. CHARACTERISTICS

History is a subject of the group of Social Sciences subjects, including a compulsory part for all students and an elective part for students who choose to study this subject according to their career orientation at the upper secondary education level.

History subject helps students form and increase the history capacity and the components of science capacity and contributes to the formation and increase in general capacities and virtues of the general education program.  History subject plays a key role in education about patriotism, national pride, historical traditions and national culture, helps students understand and apply the history lessons to solution to practical problems, develop vision, increase humane values, community spirit and have tolerance and kindness; contributes to the formation and development of the virtue of Vietnamese citizens and global citizens in the development trend of the era.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



History subject helps students have awareness of the scientific and practical values of history studies in modern life, understand and love history, national culture and humanity; have the orientation of careers including social sciences and humanities research, diplomacy, management, tourism, cultural industry, information and communication,...

The curriculum of History subject systematizes and consolidates common knowledge about history at the basic education stage, and helps students have the deep understanding about historical knowledge via academic topics and themes of the history of the world, the history of Southeast Asia and the history of Vietnam. Methods of teaching the History subject shall be adopted according to the basic principles of history studies  and modern education methods.

II. VIEWPOINTS ON EXECUTION OF GENERAL EDUCATION PROGRAM

The curriculum of History subject fully grasps general viewpoints, objectives and orientations to execution and development of the general education program mentioned in the overall program, especially the viewpoint of increase in capacities and virtues of students, and emphasizes some of the following viewpoints:

1. Science and modernity

The curriculum of History subject helps students approach the history on the basis of application of modern achievements of historical and educational sciences. To be specific:

a) Thoroughly grasping the policies and viewpoints of the Communist Party and the State of Vietnam;

b) Respecting fundamental principles of historical science, historical truth, multifacetedness and richness of the history; presenting and interpreting the history in an objective and comprehensive manner;

c) Guiding and stimulating students to understand and discover the history according to the principles of historical science, thereby helping students develop their historical and critical thinking;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. System and basis

The curriculum of History subject mainly develops academic topics and themes of the basic problems about the history of the world, the history of Southeast Asia and the history of Vietnam in order to improve and expand the common knowledge about the history that students have studied at the lower secondary education level. To be specific:

a) The academic topics and themes are systematic and basic that stem from requirements for increase in the capacities and development of history education for students of each class;

b) The knowledge components ensure logic (in diachronic and synchronic relationship, and interaction between the history of Vietnam, regional history and world history...);

c) The curriculum helps students access the basic knowledge about history in sectors including politics, economy, society, culture and ideology; increase the capacity for lifelong self-study and develop the ability to apply knowledge about the history, culture and society of the world, the region and Vietnam to their lives.

3. Practice

The curriculum of History subject respects the historical practice and connection between the history and the practical life. To be specific:

a) The curriculum considers practice as an important content and a practical and effective tool to increase capacities of students;

b) The curriculum increases practice time; diversifies the types of practice via forms of education organization including group activities, self-study; study in class, museums and fields; study via projects and heritage;...;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Nation and humanity

The curriculum of History subject helps students properly understand the traditional values ​​of the nation, form and develop the good virtues of the Vietnamese people and the universal values ​​of the global citizen. To be specific:

a) The curriculum helps students properly understand the patriotism and true national spirit, the progress of the Vietnamese nation, the position of the nation in the region and in the world in historical periods towards construction of national pride, the strengths and limitations in the historical heritage of the nation;

b) The curriculum helps students form and raise the humane values and community spirit, and eliminate prejudices and discriminations against society, culture, ethnicity and religion towards the values ​​of tolerance, compassion, respect for differences and equality among ethnic groups, human communities, genders, social groups,  peace, reconciliation, harmony and cooperation;

c) The curriculum helps students have the right and positive attitudes to protection of natural resources, nature, environment towards sustainable development and struggle for a peaceful world and a progressive, transparent, fair and civilized society.

5. Openness and connection

The curriculum of History subject is open and connected.  To be specific:

a) The knowledge and skills in History subject creates opportunities for students to connect with knowledge and skills in other subjects including Geography, Literature, Citizenship Education, National Defense and Security Education,...;

b) The curriculum gives the initiative to local authorities and schools to develop the education plans in conformity with local conditions, creative space for teachers to implement the policy of "one program, many textbooks"; focuses on cooperation between schools, families and society in history education;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



III. OBJECTIVES

The curriculum of History subject helps students increase the history capacity, expression of the science capacity formed at the lower secondary education level; contributes to education about national spirit, patriotism, traditional values ​​of the nation and cultural quintessence of mankind, virtues and capacities of Vietnamese citizens, global citizens in conformity with the development trend of the era; helps students approach and clearly understand the role and characteristics of historical science, and the connection between history studies and other scientific fields and careers, thereby creating the basis for students to have the career orientation in the future.

IV. REQUIREMENTS

1. Requirements for virtues  and general capacities

History subject helps students form and increase general capacities and virtues according to levels in conformity with the subjects and levels specified in the overall program.

2. Requirements for specific capacities

The curriculum of History subject helps students increase the history capacity on the basis of the basic and advanced knowledge about the history of the world, the region and Vietnam via the system of topics and themes of the history of politics, economy, society, culture and civilization. The history capacity has components including understanding about the history; historical awareness and thinking; application of the acquired knowledge and skills.

The specific expressions of the history capacity are shown in the below table:

Capacity components

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



UNDERSTANDING ABOUT THE HISTORY

- Identifying types of historical documents; understanding contents, studying and adopting historical documents in the learning process.

- Recreating and presenting the process of historical events, figures and periods from simple to complex level in oral or written form; identifying historical events in specific space and time.

HISTORICAL AWARENESS AND THINKING

- Explaining the origin and movement of historical events from simple to complex level; presenting the development process of history according to the diachronic and synchronic logic; comparing the similarities and differences in historical events and explaining the cause-and-effect relationship in the historical process.

- Making personal comments and assessments of historical events, figures and periods on the basis of historical awareness and thinking; understanding the continuity and change of history; thinking in different directions when considering, evaluating or finding answers to a historical event, figure or period.

APPLICATION OF THE ACQUIRED KNOWLEDGE AND SKILLS.

Learning history lessons and applying historical knowledge to explanation about practical problems; on that basis, developing the ability to self-study historical issues, increasing the creative capacity, developing the ability to access and process information from different sources, having awareness and capacity for lifelong self-study.

V. EDUCATION CONTENTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.1. Main contents

Contents

10th  grade

11th   grade

12th  grade

CAREER-ORIENTATED TOPICS

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



X

 

 

- Role of history studies

X

 

 

WORLD HISTORY

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

- Some world civilizations at ancient and medieval eras

X

 

 

- Industrial revolutions in world history

X

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

X

 

- Socialism from 1917 to present

 

X

 

- The world during and after the Cold War

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



X

HISTORY OF SOUTHEAST ASIA

 

 

 

- Civilizations of Southeast Asia at ancient and medieval eras

X

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

X

 

- ASEAN: Historical events

 

 

X

HISTORY OF VIETNAM

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

- Some civilizations in Vietnam (before 1858)

X

 

 

- Ethnic groups in Vietnam

X

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

x

 

- Some major reforms in the history of Vietnam (before 1858)

 

X

 

- History of protection of Vietnam's sovereignty, legal rights and interests in the South China Sea

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

- August Revolution of 1945, war of liberation and a war of national defense in history of Vietnam (from August, 1945 to present)

 

 

X

- Renovation in Vietnam from 1986 to present

 

 

X

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

X

- Ho Chi Minh in the history of Vietnam

 

 

X

1.2. Academic topics

a) Objectives

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Objectives:

- Extending and increasing the history capacity and knowledge about the history to meet the requirements for divergence at the upper secondary education level.

- Helping students clearly understand the role of history studies in real life and history-related careers in order to have the basis for career orientation in the future and the capacity for solving history-related problems, and continue lifelong self-study.

- Enhancing field trips in order to help students develop passion, love and interest in improvement of knowledge about the history of Vietnam and the world.

b) Contents of academic topics

Contents

10th   grade

11th    grade

12th   grade

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

10.1: Fields of history studies

X

 

 

FIELD TRIPS

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

10.2: Preservation and promotion of the value of cultural heritage in Vietnam

X

 

 

11.1: History of traditional arts

 

X

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

X

KNOWLEDGE IMPROVEMENT

 

 

 

10.3: History of the Vietnamese state and law

X

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

11.2: War and peace in the twentieth century

 

X

 

11.3: Historical figures in the history of Vietnam

 

X

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

X

12.3: International integration of Vietnam

 

 

X

2. Specific contents and requirements at grades

10th GRADE

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Requirements

HISTORY AND HISTORY STUDIES

Historical facts and perspectives

History

- Historical facts

- Historical perspectives

- Introducing the concept of history.

- Distinguishing between historical facts and historical perspectives

History studies

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Research subjects of history studies

- Functions and duties of history studies .

- Explaining the concept of history studies.

- Stating research subjects of history studies

- Stating functions and duties of history studies .

Knowledge about history and life: Lifelong learning and discovery of the history

- Necessity of lifelong learning and discovery of the history

- Collection of information, historical data, improvement of historical knowledge

- Application of the history lessons and knowledge to the life.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Collecting and processing information and historical documents to learn and discover history.

- Applying the history lessons and knowledge to explanation about current issues in the country and the world, and practical problems (at a simple level).

- Expressing interest in and participating in activities to find out the history and culture of the Vietnamese people and the world.

ROLE OF HISTORY STUDIES

History studies and preservation and promotion the value of cultural heritage and natural heritage.

- Relationship between history studies  and preservation and promotion the value of cultural heritage.

- Role of preservation and promotion the value of cultural heritage and natural heritage.

- Stating the relationship between history studies  and preservation and promotion the value of cultural heritage and natural heritage.

- Encouraging their friends and people to participate in preservation of the local cultural and natural heritage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Role of the history and culture for development of tourism

- Role of tourism for preservation of historical monuments and cultural heritage

- Explaining the role of the history and culture for development of tourism

- Stating the impact of tourism on preservation of historical-cultural monuments.

SOME WORLD CIVILIZATIONS AT ANCIENT AND MEDIEVAL ERAS

Concept of civilization

- Concept of civilization

- Difference between civilization and culture

- Explaining the concept of civilization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Some Eastern civilizations

Egyptian civilization

- Notable achievements

- Meaning

- Collecting and using historical documents to find out Eastern civilization at the ancient era

- Stating notable achievements and meaning of Egyptian civilization in terms of writing, natural science, architecture and sculpture.

Chinese civilization

- Notable achievements

- Meaning

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Indian civilization

- Notable achievements

- Meaning

- Stating notable achievements and meaning of Indian civilization in terms of writing, literature and art, natural science, ideology and religion.

Some Western civilizations

Greco-Roman civilization

- Notable achievements

- Meaning

- Collecting and using historical documents to find out Western civilizations at ancient and medieval eras.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Civilization of the Renaissance

- Notable achievements

- Meaning

- Stating notable achievements and meaning of civilization of the Renaissance in terms of literature and art, technical science and ideology.

INDUSTRIAL REVOLUTIONS IN WORLD HISTORY

Industrial revolution at the early modern period

The first industrial revolution 

Considerable achievements

- Collecting and using historical documents to find out industrial revolutions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The second industrial revolution 

Considerable achievements

- Stating considerable achievements of the second industrial revolution.

Meaning of the first and second industrial revolutions.

- Economy

- Society and culture

- Stating the meaning of the first and second industrial revolutions in terms of economy, society and culture.

Industrial revolution at the modern period

The third industrial revolution 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating considerable achievements of the third industrial revolution.

The fourth industrial revolution (Industry 4.0)

- Considerable achievements

- Stating considerable achievements of the fourth industrial revolution.

Meaning of the third and fourth industrial revolutions.

- Economy

- Society and culture

- Stating the meaning of the third and fourth industrial revolutions in terms of economy, society and culture.

- Appreciating achievements of the industrial revolutions to the development of history.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



CIVILIZATION OF SOUTHEAST ASIA AT ANCIENT AND MEDIEVAL ERAS

Development and achievements of civilization of Southeast Asia at ancient and medieval eras

Development

Notable achievements

- Religions and beliefs

- Writing and literature

- Architecture and sculpture

- Collecting and using historical documents to find out the history of civilization of Southeast Asia.

- Stating the development periods of civilization of Southeast Asia.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Appreciating the lasting value of the heritage of Southeast Asian civilization, participating in preservation of the heritage of Southeast Asian civilization in general and the heritage of civilization in Vietnam in particular.

SOME CIVILIZATIONS IN VIETNAM (BEFORE 1858)

Some ancient civilizations in Vietnam

Van Lang - Au Lac civilization

-   Basis for formation

- Notable achievements

- Collecting and using historical documents to find out Van Lang - Au Lac civilization.

- Stating the basis for formation of Van Lang - Au Lac civilization.

- Stating notable achievements of Van Lang - Au Lac civilization in terms of material life, spiritual life, social organization and the State.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Basis for formation

- Notable achievements

- Stating the basis for formation of Champa civilization.

- Stating notable achievements of Champa civilization in terms of material life, spiritual life, social organization and the State.

Phu Nam civilization

- Basis for formation

- Notable achievements

- Stating the basis for formation of Phu Nam civilization.

- Stating notable achievements of Phu Nam civilization in terms of material life, spiritual life, social organization and the State.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Dai Viet civilization

Basic for formation and development process of Dai Viet civilization

- Concept of Dai Viet civilization

- Basis for formation

- Development process

- Explaining the concept of Dai Viet civilization

- Stating the basis for the formation of Dai Viet civilization in terms of the inheritance of Van Lang - Au Lac civilization, the country's independence and self-reliance and absorbing the influence of Chinese and Indian cultures.

- Stating the development process of Dai Viet civilization.

Some achievements of Dai Viet civilization

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Politics

- Religion and belief

- Culture, education, literature and art

- Collecting and using historical documents to find out achievements of Dai Viet civilization.

- Stating some considerable achievements of Dai Viet civilization in terms of economy, politics, ideology, religion, culture, education, literature and art.

Meaning of Dai Viet civilization in the history of the Vietnamese nation

- Analyzing the meaning of Dai Viet civilization in the history of the Vietnamese nation.

- Appreciating the value of Dai Viet civilization, applying understanding about Dai Viet civilization to introduction and promotion of the country, people and cultural heritage of Vietnam.

ETHNIC GROUPS IN VIETNAM

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Ethnic composition by population

- Stating ethnic composition by population.

- Ethnic composition by language family 

- Stating the division of ethnic groups according to language family.

Overview on the material and spiritual life of ethnic groups in Vietnam

- Material life

- Spiritual life

- Stating main features of the material life of ethnic groups in Vietnam.

- Stating main features of the spiritual life of ethnic groups in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Great national unity bloc in the history of Vietnam

- Formation of great national unity bloc in the history of Vietnam

- Role of great national unity bloc in the history of national construction and defense

- Role of great national unity bloc in the cause of national construction and defense

- Stating main features of formation of great national unity bloc in the history of Vietnam.

- Stating the role and importance of great national unity bloc in the history of national construction and defense

- Stating the role and importance of great national unity bloc in the cause of national construction and defense

Ethnic policies of the Communist Party and the State

- Viewpoints of the Communist Party and the State on ethnic policies

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating viewpoints of the Communist Party, which is consistent with those of the State on the ethnic policies with a focus on equality, unity, respect and support for mutual development.

- Stating the basic contents of the ethnic policies of the Communist Party and State on economic, cultural and social development, national defense and security.

- Respecting equality among ethnic groups, performing acts to contribute to preservation of the great national unity bloc.

HISTORICAL PRACTICE

- Organization of activities related to historical practice in the classroom.

- Organization of history education in association with fields (historical and cultural heritage),…

- Study at museums and via historical documentaries.

- Organization of clubs and competitions "I love history", "Young historian" and history games.

- Improving and acquiring knowledge about the history.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Developing interest in study.

ACADEMIC TOPICS AT 10th GRADE

Contents

Requirements

10.1: FIELDS OF HISTORY STUDIES  

History by fields

Overview on some methods of presenting traditional history

- Stories from the past

- Timelines of history

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Summarizing some methods of presenting traditional history via specific examples.

History

- Concept

- Main contents

- Explaining the concept of history.

- Stating main contents of history

History by fields 

- Overview on fields of the history

- Meaning of division of the history by fields

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Explaining meaning of division of the history by fields

Vietnam’s history and world history

- Vietnam’s history

- World history

- Stating the concept and main contents of Vietnam’s history

- Stating the concept and main contents of world history

Some fields of the Vietnam’s history

Cultural history

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Overview on the historical process

- Stating entities and scope of cultural history

- Summarizing main features of cultural history through the periods

Ideological history

 

- Entities and scope of ideological history

- Overview on ideological history

- Stating entities and scope of ideological history

- Summarizing main features of ideological history through the periods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

- Entities of social history

- Overview on traditional and modern society

- Explaining entities of social history.

- Summarizing main features of social history through the periods.

Economic history

 

- Entities of economic history

- Overview on economic history

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Summarizing main features of economic history through the periods.

10.2: PRESERVATION AND PROMOTION OF THE VALUE OF CULTURAL HERITAGE IN VIETNAM

Cultural heritage

Concept of cultural heritage

 

- Concept of cultural heritage

- Meaning of cultural heritage

 

- Explaining the concept of cultural heritage

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Classification of cultural heritage and ranking of historical - cultural monuments

 

- Classification of cultural heritage

- Ranking of cultural heritage

- Stating some methods of classifying and ranking cultural heritage

- Analyzing objectives and meaning of classification and ranking of cultural heritage

Preservation and promotion of the value of cultural heritage

Relationship between preservation and development

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Relationship between preservation and promotion of the value of cultural heritage

- Explaining the concept of preservation of cultural heritage

- Analyzing relationship between preservation and promotion of the value of cultural heritage. The preservation shall be consistent with sustainable development so that such preservation does not become the burden and barrier to development.

Methods of preserving and promoting the value of heritage

 

- Scientific basis for preservation and promotion of the value of cultural heritage

- Analyzing scientific basis for preservation of cultural heritage in the process of sustainable development.

- Methods of preserving and promoting the value of cultural heritage

- Stating methods of preserving and promoting the value of cultural heritage including dissemination of information and education about awareness of preservation of the heritage, investment in facilities and development of methods of protecting the heritage,...

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

- Role of the political system, enterprises, community and individuals in preservation and promotion of the value of cultural heritage.

- Explaining role of the political system, enterprises, community and individuals in preservation and promotion of the value of cultural heritage.

- Responsibilities of related parties including the State, social organizations, schools, community and citizens for preservation and promotion of the value of cultural heritage

- Stating responsibilities of related parties including the State, social organizations, schools, community and citizens for preservation and promotion of the value of cultural heritage via specific examples.

- Having responsibilities, contributing and encouraging other persons to participate in preservation and promotion of the value of local and national cultural heritage.

Typical cultural heritage of Vietnam (suggestions)

Typical intangible cultural heritage

- Quan Ho Bac Ninh singing

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Space of gong culture in the Vietnam Highlands 

- Hue royal court music

- Traditional Southern Vietnamese music

- ...

- Identifying the location of distribution of typical intangible cultural heritage on map.

- Introducing some main features of typical intangible cultural heritage

Typical tangible cultural heritage

- Bronze drum of Dong Son

- Co Loa Citadel 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Temple of Literature, Hanoi

- Ba Dinh square and President Ho Chi Minh memorial site - historical monument

- Citadel of the Ho Dynasty

- Hue ancient capital 

- Cham tower

- ...

- Identifying the location of distribution of typical tangible cultural and historical heritage on map.

- Introducing some main features of typical tangible cultural and historical heritage

Typical natural heritage

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Ha Long Bay

- Cuc Phuong National Park

- Cat Tien National Park

- ...

- Identifying the location of distribution of typical natural heritage on map.

- Introducing some main features of typical natural heritage

Typical mixed heritage

- Trang An Monument and Landscape complex – Ninh Binh

- Yen Tu Monument and Landscape Complex (Quang Ninh) 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Introducing some main features of typical mixed heritage

10.3: HISTORY OF THE VIETNAMESE STATE AND LAW

History of the Vietnamese state and law (before 1858)

Some typical models of monarchy state

- Monarchy state of the Ly - Tran dynasties

- Monarchy state of the Le So dynasty

- Monarchy state of the Nguyen dynasty

 Some typical laws (before 1858)

- Quoc trieu hinh luat

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Collecting materials to find about some typical models of monarchy state including the monarchy state of Ly - Tran dynasties, the monarchy state of Le So dynasty and the monarchy state of Nguyen dynasty.

- Stating and analyzing features of the monarchy state via specific examples including the monarchy state of Ly - Tran dynasties, the monarchy state of Le So dynasty and the monarchy state of Nguyen dynasty.

- Analyzing main features of Quoc trieu hinh luat and Hoang Viet luat le.

The Democratic Republic of Vietnam (1945-1976)

Foundation of the Democratic Republic of Vietnam

 

- Background of foundation of the Democratic Republic of Vietnam

- Analyzing context of foundation of the Democratic Republic of Vietnam

- Historical meaning of foundation of the Democratic Republic of Vietnam

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Role of the Democratic Republic of Vietnam

 

- Features and characteristics of the Democratic Republic of Vietnam

- Analyzing features and characteristics of the Democratic Republic of Vietnam

- Role of the Democratic Republic of Vietnam in the process of resistance against foreign invaders and national construction in the period 1945 - 1976

- Stating the role of the Democratic Republic of Vietnam in the process of resistance against foreign invaders and national construction in the period 1945 – 1976.

The Socialist Republic of Vietnam from 1976 to present

Foundation of the Socialist Republic of Vietnam

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Analyzing context of foundation of the Socialist Republic of Vietnam

- Historical meaning of foundation of the Socialist Republic of Vietnam

- Stating the historical meaning of foundation of the Socialist Republic of Vietnam.

Role of the Socialist Republic of Vietnam

- Role of the Socialist Republic of Vietnam in the process of renovation and international integration

- Stating the role of the Socialist Republic of Vietnam in the process of renovation and international integration.

Some Constitutions of Vietnam from 1946 to present

Some common regulations of Constitutions of Vietnam from 1946 to present

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Some common regulations of Constitutions of Vietnam

- Stating common points about the background of promulgation of the Constitutions of Vietnam from 1946 to present (1946, 1959, 1980, 1992 and 2013) including important changes in politics, economy, society, culture in association with the development stage of the history.

- Analyzing some main contents of the Constitutions including the legal basis for development of the legal system, organization and operation of the State apparatus,...

The first Constitution of Vietnam: 1946 Constitution 

 

- Some main contents of 1946 Constitution 

- Stating some main contents of 1946 Constitution including recognition of the achievements of the August Revolution of 1945, equal rights and civic obligations, structure of the political system,...

- Historical meaning

- Analyzing the meaning of the first Constitution of Vietnam - 1946 Constitution 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

- The first Constitution of the renovation period: 1992 Constitution 

- The second Constitution of the renovation period: 2013 Constitution 

- Stating some main contents of the 1992 Constitution. The Constitution was promulgated in the early years of Renovation. It is an important political-legal basis for the Renovation,...

- Analyzing new contents of the 2013 Constitution including the progress of democratic ideology, state structure and constitutional techniques,...

- Respecting the constitutional history, taking responsibility and encouraging other persons to comply with the law.

11th  GRADE

Contents

Requirements

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Some general problems about bourgeois revolution

Premises of bourgeois revolutions

- Economy

- Politics

- Society

- Ideology

- Stating the premises of bourgeois revolutions in terms of economy, politics, society and ideology.

Objectives, tasks, leadership classes and the driving forces of bourgeois revolutions

- Objectives and tasks

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Analyzing objectives, tasks, leadership classes and the driving forces of bourgeois revolutions

Results and meaning of bourgeois revolutions

- Result

- Meaning

- Stating the results and meaning of bourgeois revolutions

Establishment and development of capitalism

 

Establishment of capitalism in Europe and North America

- Stating establishment of capitalism in Europe and North America

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

- Imperialism and expansion of colonial exploitation

- Expansion and development of capitalism

- Capitalism from free competition to monopoly

- Stating the process of expansion of colonial exploitation and development of capitalism.

- Stating the development of capitalism from free competition to monopoly

Modern capitalism

 

- Concept of modern capitalism

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Sating the concept of modern capitalism

- Stating potential and challenges of modern capitalism

- Having proper understanding about potential and limitations of capitalism.  Applying understanding about the history of capitalism to explain current issues of capitalist society.

SOCIALISM FROM 1917 TO PRESENT

Formation of the Union of Soviet Socialist Republics

- Process of formation of the Union of Soviet Socialist Republics

- Meaning of formation of the Union of Soviet Socialist Republics

- Stating the process of formation of the Union of Soviet Socialist Republics

- Analyzing the meaning of formation of the Union of Soviet Socialist Republics.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Development of capitalism in Eastern Europe

- Expansion of socialism in Latin America and Asia

- Causes of the crisis and collapse of socialism in Eastern Europe and the Soviet Union

- Stating the development of socialism in countries in Eastern Europe after World War II.

- Stating expansion of socialism in Latin America  and Asia

- Explaining the causes of collapse of socialism in Eastern Europe and the Soviet Union

Socialism from 1991 to present

 

- Overview on socialism from 1991 to present

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating main features of socialism from 1991 to present

- Stating main achievements and meaning of China's reform and opening up

- Respecting achievements and values ​​of socialism, participating and contributing to the construction of socialism in Vietnam.

PROCESS OF ACQUISITION OF NATIONAL INDEPENDENCE OF COUNTRIES IN SOUTHEAST ASIA

Process of invasion and rule of colonialism in Southeast Asia

Process of invasion and rule

-  Maritime Southeast Asia

- Mainland Southeast Asia

- Stating the process of invasion and establishment of domination of Western colonial countries in maritime Southeast Asia and mainland Southeast Asia.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Reform in Siam

- Meaning of the reform in Siam

- Stating the reform in Siam

- Explaining why Siam is the only country in Southeast Asia that did not become a colony of Western colonial countries.

Process of acquisition of national independence of countries of Southeast Asia

Struggles against colonial aggression in Southeast Asia

-  Maritime Southeast Asia

- Mainland Southeast Asia

- Summarizing main features of the struggle against colonial aggression of some countries in maritime Southeast Asia (Indonesia, Philippines) and mainland Southeast Asia (Myanmar, three Indochinese countries (Vietnam – Laos – Cambodian)).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Late 19th  century to 1920

- From 1920 to 1945

- From 1945 to 1975

- Stating the development stages of the struggles for national independence of countries in Southeast Asia

 Reconstruction and development era after independence

 

- Colonialism's impacts

- Reconstruction and development process

- Stating colonialism's impacts on colonies.  Connecting with actual situation in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Respecting achievements in the struggle for national independence and development of countries in Southeast Asia.

WAR OF LIBERATION AND WAR OF NATIONAL DEFENSE IN THE HISTORY OF VIETNAM (BEFORE THE AUGUST REVOLUTION OF 1945)

Overview on the war of national defense in the history of Vietnam

War of national defense in the history of Vietnam

 

- Vietnam's geostrategic location

- Role and meaning of the war of national defense in the history of Vietnam

- Stating Vietnam's geostrategic location

- Analyzing the role and meaning of the war of national defense in the history of Vietnam

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Some successful resistance wars

- Resistance war against the Southern Han troops and the victory of the battle of Bach Dang River in 938 

- Resistance war against the Song invaders in 981 and from 1075 to 1077 

- Three times of resistance war against Mongolia – Nguyen

- Resistance war against the Siamese troops from 1784-1785

- Resistance war against the Qing troops in 1789

- Collecting and using historical documents to find about the successful resistance wars of Vietnam.

- Stating main contents of successful resistance wars of Vietnam in terms of time, place, invaders, major battles and results.

- Explaining main reasons for the victory of the resistance wars against aggression.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Resistance war against the Zhao troops

- Resistance war against the Ming troops

- Resistance war against French colonialism in the second half of the 19th  century 

- Causes of defeat

- Stating main contents of unsuccessful resistance wars in terms of time, place, invaders, major battles and results.

- Explaining causes of the defeat of some resistance wars.

- Applying acquired knowledge, learning the history lessons from the defense against foreign invasion of the Vietnamese people and understanding the value of the history lessons for the cause of national construction and defense.

- Respecting and expressing pride in the tradition of struggle for national construction and defense and contributing to national construction and defense.

Some uprisings and liberation wars in the history of Vietnam (from the 3rd century BC - to the end of the 19th  century)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

- Trung sisters' uprising

- Lady Trieu’s uprising

-  Ly Bi’s uprising

- Phung Hung’s uprising

- Stating main contents of notable uprisings in the era of Northern Domination

- Stating meaning of some notable uprisings. 

Lam Son uprising

- Historical background

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Historical meaning

- Stating the historical background of Lam Son uprising

- Stating the main developments of Lam Son uprising.

- Stating the historical meaning of Lam Son uprising

Tay Son movement

- Historical background

- Main developments

- Historical meaning

- Collecting and using historical documents on Tay Son movement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating the historical meaning of Tay Son movement.

Some history lessons

- Force gathering process

- Role of the great national unity bloc

- Military art

- Learning the history lessons of the uprisings and liberation wars in the history of Vietnam about the process of gathering and encouragement to people to participate in such uprisings and liberation wars, the role of the great national unity bloc and military art.

- History lessons about the cause of national construction and defense.

- Stating the history lessons about the cause of national construction and defense.

- Expressing pride in the nation's tradition of indomitable struggle in the history, participating in the cause of national construction and defense.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Reform of Ho Quy Ly and the Ho Dynasty (early 15th century)

- Historical background

- Main contents

- Result

- Stating historical background, contents, result and meaning of the reform of the Ho Dynasty.

Reform of Le Thanh Tong (15th century)

- Historical background

- Main contents

- Result

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Minh Mang’s reform in the first half of the 19th century

- Historical background

- Main contents

- Result

- Stating historical background, contents, result and meaning of the Minh Mang’s reform.

- Respecting the value of reforms in the history of Vietnam.

HISTORY OF PROTECTION OF VIETNAM'S SOVEREIGNTY, LEGAL RIGHTS AND INTERESTS IN THE SOUTH CHINA SEA

Location and importance of the South China Sea

Location of the South China Sea

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Strategic importance of the South China Sea

 

- Arterial sea traffic route

- Important strategic location in the Asia-Pacific region

- Marine natural resources

- Explaining the strategic importance of the South China Sea in terms of sea traffic, strategic location and marine natural resources.

Strategic importance of islands and archipelagoes in the South China Sea

 

- Location of Paracel Islands and Spratly Islands

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Strategic importance of Paracel Islands and Spratly Islands

- Explaining strategic importance of islands and archipelagoes in the South China Sea

Vietnam and South China Sea

Importance of the South China Sea to Vietnam

- National defense and security

- Development of key economic sectors

- Stating the strategic importance of the South China Sea to Vietnam in terms of national defense and security and development of key economic sectors.

History of protection of Vietnam's sovereignty, legal rights and interests to Paracel Islands and Spratly Islands

- Process of establishment of Vietnam's sovereignty and management over Paracel Islands and Spratly Islands

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating that Vietnam is the first country which establishes sovereignty and continuous management over Paracel Islands and Spratly Islands in the history.

- Stating main features of the struggle for protection and exercise of Vietnam's sovereignty, legal rights and interests in the South China Sea.

Vietnam's policy on peaceful settlement of disputes in the South China Sea

- Promulgation of legal documents on declaration of sovereignty

- Participation in the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea

- Adoption of the Law of the Sea of ​​Vietnam in 2012

- Promotion and full implementation of the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea

- Stating Vietnam's policy on peaceful settlement of disputes in the South China Sea

- Appreciating achievements in the struggle for protection of Vietnam's sovereignty, rights and legal interests in the South China Sea in the history, contributing to the struggle for protection of Vietnam’s sovereignty, legal rights and interests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Organization of activities related to historical practice in the classroom.

- Organization of history education in association with fields (historical and cultural heritage),…

- Study at museums and via historical documentaries

- Organization of clubs and competitions "I love history", "Young historian" and history games

- Improving and acquiring knowledge about the history.

- Practicing skills of subject practice and increasing the history capacity.

- Developing interest in study.

ACADEMIC TOPICS OF 11th GRADE

Contents

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11.1: HISTORY OF TRADITIONAL ARTS

Arts of the Ly - Tran dynasties

Arts of the Ly dynasty

- Architecture

- Sculpture

- Stating basic features of arts of the Ly dynasty in terms of architecture and sculpture via field trips or collection of pictures and documents,…

Arts of the Tran dynasty

- Architecture

- Sculpture

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Arts of the Le So – Mac dynasties

Art of the Le So dynasty

- Architecture

- Sculpture

- Stating achievements in arts of the Le So dynasty in terms of architecture and sculpture via filed trips or collection of pictures and documents,…

Arts of the Mac dynasty

- Architecture

- Sculpture

- Listing achievements in arts of the Mac dynasty

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Arts of the Le Trung Hung dynasty and Nguyen dynasty

Arts of the Le Trung Hung dynasty

- Architecture

- Sculpture

- Fine art

- Stating basic features of arts of the Le Trung Hung dynasty in terms of architecture, sculpture and fine art via field trips or collection of pictures and documents,…

- Analyzing new features of arts of the Le Trung Hung dynasty.

Arts of the Nguyen dynasty

- Architecture

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Fine art

- Music

- Stating basic features of arts of the Nguyen dynasty in terms of architecture, sculpture, music and fine art via field trips or collection of pictures and documents,…

- Stating new features of architecture of the Nguyen dynasty.

11.2: WAR AND PEACE IN THE 20th  CENTURY

War and peace in the first half of the 20th century

Two world wars in the first half of 20th  century

 

- World War I (1914 - 1918): causes, consequences and impacts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Explaining fundamental causes of two world wars.

- Evaluating consequences and impacts of two world wars.

Struggle for peace between World War I and World War II

 

- Lenin's Decree on Peace of 1917, pacifist foreign policy of Soviet Union

-  Collective security system in Europe between World War I and World War II

- Anti-fascist people's front movement and the danger of war

- Analyzing the aspiration for peace and the struggles for peace of the world people via specific examples including Lenin's Decree on Peace of 1917, pacifist foreign policy of Soviet Union; efforts to build the collective security system in Europe; anti-fascist people's front movement and the danger of war,...

Anti-fascist resistance movements during World War II

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Anti-fascist resistance movements in Europe, Asia and Africa

- Great patriotic war of the Soviet people

- Stating the meaning of anti-fascist resistance movements for peace of the world people during World War II.

- Analyzing the meaning of great patriotic war of the Soviet people.

War and peace from 1945 to present

Cold War (1947-1989)

- Causes and features

- Consequences

- End of Cold War: causes and impacts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Evaluating consequences of the Cold War to the world in general and Vietnam in particular.

- Evaluating causes of the end of the Cold War and its impacts on the world in general and Vietnam in particular.

Wars and military conflicts after the Cold War

- Civil wars and regional military conflicts

- Terrorist attacks on September 11, 2001 and global war on terrorism of the United States

- Explaining why the wars and conflicts still continue to occur after the Cold War via specific examples including the September 11 attacks, the global war on terrorism of the United States, the Iraq war, the war in Afghanistan and wars in the Middle East,...

Struggle for peace of the world people

 

- Struggle against arms race, struggle for peace of the world people during the Cold War

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- International movements for support for the struggles for national liberation, support for the resistance war against the US for national salvation of the Vietnamese people

- Stating main features of the international movements for support for the struggles for national liberation, support for the resistance war against the US for national salvation of the Vietnamese people via specific examples.

- Struggles for peace of the world people after the Cold War

- Explaining why the struggles for peace of the world people still continue to occur after the end of the Cold War.

- Respecting and contributing to the struggles for peace of the world people

11.3: HISTORICAL FIGURES IN THE HISTORY OF VIETNAM

Overview on the historical figures in the history of Vietnam

Concept of the historical figure

Role of the historical figures in the history of Vietnam

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating main contents of the role of the historical figures in the history of Vietnam.

Some famous politicians of Vietnam at ancient and medieval eras (suggestions)

Dinh Bo Linh

Tran Thu Do

Le Thanh Tong

Minh Menh

...

- Collecting and using historical documents to understand the background and career of some famous politicians at ancient and medieval eras of the history of Vietnam.

- Making comments about main contribution of famous politicians in the history of Vietnam at ancient and medieval eras.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Some famous military leaders (suggestions)

Ngo Quyen

Tran Quoc Tuan

Nguyen Hue

Vo Nguyen Giap

...

- Collecting and using historical documents to find out the background and career of some famous military leaders in the history of Vietnam.

- Evaluating the role of the famous military leaders in the history of Vietnam.

- Respecting contribution of famous military leaders in the history of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Tran Nhan Tong

Nguyen Trai

Nguyen Du

Ho Xuan Huong

- Collecting and using historical documents to find out some famous cultural leaders in the history of Vietnam.

- Making comments about main contribution of famous cultural leaders in the history of Vietnam via specific examples. 

- Respecting contribution of famous cultural leaders in the history of Vietnam.

Some historical figures in terms of science-technology and education-training (suggestions)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Le Quy Don  

Tue Tinh

Tran Dai Nghia

Ton That Tung

Dao Duy Anh

- Collecting and using historical documents to find out some historical figures in terms of science-technology and education-training in the history of Vietnam.

- Making comments about main contribution of historical figures in terms of science-technology and education-training via specific examples.

- Respecting contribution of historical figures in terms of science-technology and education-training in the history of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Contents

Requirements

THE WORLD DURING AND AFTER THE COLD WAR

The United Nations

Some basic problems about the United Nations

- History of the United Nations

- Collecting and using historical documents to find out the process of establishment of the United Nations.

- Stating the historical background and the process of establishment of the United Nations.

- Objectives and principles of operation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Role of the United Nations

 

- International security and peace

- Stating the role of the United Nations in maintenance of international security and peace

- Development

- Stating the role of the United Nations in development promotion, creation of favorable conditions for economic and financial development, development of international trade and improvement of  people's living standards.

- Human, social and cultural rights

- Stating the role of the United Nations in protection of the human rights and social and cultural development.

World order during the Cold War

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Collecting and using historical documents to find out the Post-WWII order.

- Stating the process of formation and existence of Post-WWII order.

- Collapse of Post-WWII order.

 

Causes

- Stating causes for collapse of Post-WWII order.

Impacts

- Analyzing impacts of collapse of Post-WWII order on world situation.

World order after the Cold War

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating the development trend of the world after the Cold War.

- Multipolar trend in international relations

 

Concept of multipolarity

- Stating the concept of multipolarity.

- Stating the multipolar trend in international relations after the Cold War.

Multipolar trend

- Applying understanding about the world after the Cold War to explain current issues in international relations.

ASEAN: HISTORICAL EVENTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Establishment process and purposes of ASEAN

- Establishment process

- Establishment purposes

- Collecting and using historical documents to find out the process of establishment of ASEAN.

- Stating the establishment process and purposes of ASEAN

Development of ASEAN

- From ASEAN 5 (5 member states -1967) to ASEAN 10 (10 member states - 1999)

- Main stages of development of ASEAN (from 1967 to present)

- Stating the development process from ASEAN 5 (5 member states) to ASEAN 10 (10 member states).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



ASEAN Community- from idea to reality

Ideas, objectives and plans for development of ASEAN Community

- Ideas

- Objectives

- Plans

- Collecting and using historical documents to find out the process of establishment and objectives of ASEAN Community.

- Stating ideas, objectives and plans for development of ASEAN Community

Three pillars of the ASEAN Community:

- ASEAN Political- Security Community (APSC)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- ASEAN Socio-Cultural Community (ASCC)

- Stating contents of three pillars of the ASEAN Community.

ASEAN Community after 2015

- ASEAN Vision after 2015

- Challenges and prospects of the ASEAN Community

- Stating the challenges and prospects of the ASEAN Community.  Participating in activities of development of ASEAN Community.

AUGUST REVOLUTION OF 1945, WAR OF LIBERATION AND A WAR OF NATIONAL DEFENSE IN HISTORY OF VIETNAM (FROM AUGUST, 1945 TO PRESENT)

August revolution of 1945

Overview on August revolution of 1945

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Main developments

- Stating overview on historical background and main developments of August revolution of 1945.

Causes of victory, meaning and history lessons of the August revolution in 1945.

 

- Causes of the victory

- Stating causes of the victory of the August revolution in 1945.

- Meaning and history lessons

- Analyzing meaning and history lessons of the August revolution in 1945.

Resistance war against French colonialism (1945-1954)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Historical background

- Main developments

- Collecting and using historical documents to find about the resistance war against French colonialism.

- Stating overview on the historical background and main developments of the resistance war against French colonialism.

Causes of victory and historical meaning of resistance war against French colonialism

 

- Causes of the victory

- Historical meaning

- Stating causes of victory and historical meaning of resistance war against French colonialism.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Resistance war against the US for national salvation (1954-1975)

Overview of resistance war against the US for national salvation

 

- Historical background

- Collecting and using historical documents to find about the resistance war against the US for national salvation.

- Main developments

- Stating overview on the historical background and main developments of the resistance war against the US for national salvation.

Causes of victory and historical meaning of the resistance war against the US for national salvation

- Causes of the victory

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating causes of victory of the resistance war against the US for national salvation.

- Analyzing historical meaning of the resistance war against the US for national salvation.

- Appreciating and expressing pride in the nation’s tradition of indomitable struggle in the resistance war against the US for national salvation, participating in the work of gratitude of the local authorities.

Struggle for protection of the Fatherland from April 1975 to present

Overview the struggle for protection of the Fatherland from April 1975 to present

- Historical background

- Main developments

- Collecting and using historical documents to find about the struggle for protection of the Fatherland from April 1975 to present.

- Stating overviews on historical background and main developments of the struggle for protection of the Fatherland in the southwestern and northern border regions (from April 1975 to the 1980s of the 20th century), the struggle for protection of national sovereignty in the northern border region and in the South China Sea from 1979 to present.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating the historical meaning of the struggle for protection of the Fatherland from April 1975 to present.

Some history lessons

 

- Patriotism

- Role of the great national unity bloc

- Combination of national strength and the power of the times

- Art of leadership and military art

- Stating the lessons about the struggle for protection of the Fatherland from 1945 to present.

- Analyzing the practical value of the history lessons about the struggle for protection of the Fatherland from 1945 to present.  Appreciating experience from the history and contributing to the Fatherland defense.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Overview of Renovation in Vietnam from 1986 to present

 

- 1986-1995: Beginning of Renovation

- 1996-2006: Promotion of industrialization, modernization and international economic integration

- Stating main contents of the stages of Renovation from 1986 to present. 

- 2006 to present: Continuation of promotion of industrialization, modernization and deepening international integration

Considerable achievements and lessons about Renovation in Vietnam from 1986 to present

Considerable achievements in politics, economy, society, culture and international integration

- Stating considerable achievements of Renovation in Vietnam in politics, economy, society, culture and international integration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Persistence in the objectives for national independence and socialism on the basis of Marxism-Leninism and Ho Chi Minh's thought

- Comprehensive and synchronous renovation  with appropriate steps, forms and methods

- Renovation for the benefits of the people and promotion of the active and creative role of the people

- Combination of internal and external strengths and combination of national strength and the power of the times in new conditions.

- Stating some experience from Renovation in Vietnam from 1986 to present.

HISTORY OF VIETNAM’S DIPLOMACY AT THE EARLY MODERN PERIOD AND THE MODERN PERIOD

Vietnam’s diplomacy in struggles for national independence (early 20th century to the August Revolution of 1945)

- Stating diplomatic activities in struggles for national independence (early 20th century to the August Revolution of 1945).

Vietnam’s diplomacy in the resistance war against French colonialism (1945-1954)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Vietnam’s diplomacy in the resistance war against the US for national salvation (1954-1975)

- Stating diplomatic activities in the resistance war against the US for national salvation (1954-1975).

Vietnam’s diplomacy in the period of 1975-1985

- Stating diplomatic activities in the period of 1975-1985.

Vietnam’s diplomacy in Renovation in Vietnam from 1986 to present

- Stating diplomatic activities in renovation in Vietnam from 1986 to present.

- Expressing pride in the diplomatic tradition in the history, contributing to development of Vietnam into a beautiful and friendly country in the international community.

HO CHI MINH IN THE HISTORY OF VIETNAM

Overview on the life and career of Ho Chi Minh

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Country situation

- Homeland situation

- Family background

- Collecting and using historical documents to find out the life and career of Ho Chi Minh.

- Stating some impacts on the life and career of Ho Chi Minh

Biography of Ho Chi Minh

- Background

- Hometown

- Summarizing main contents of the biography of Ho Chi Minh.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Early life

- Overseas sojourn (1911-1941)

- Return to Vietnam

- Prison life in China

- Revolutionary leadership activities

- Stating revolutionary process of Ho Chi Minh

Ho Chi Minh - Hero of national liberation

Identification of a path for national liberation

- Journey to find a path for the national liberation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Meaning of identification of a path for national liberation

- Introducing the journey to find a path for the national liberation of Ho Chi Minh on map.

- Stating main contents of the path for the national liberation of Ho Chi Minh.

- Stating meaning of identification of a path for national liberation of Ho Chi Minh

Foundation of the Communist Party of Vietnam

- Preparation of ideology, politics and organization for foundation of the Communist Party of Vietnam

- Convening and presiding over the Vietnamese Communist Party Founding Conference 

- Meaning of foundation of the Communist Party of Vietnam

- Stating the process of preparation of ideology, politics and organization for foundation of the Communist Party of Vietnam

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



August revolution of 1945 under Ho Chi Minh’s leadership

- Convening and presiding over the 8th  Conference of the Central Committee of the Indochina Communist Party (May, 1941)

- Foundation of Viet Minh Front (May 19, 1941)

- Foundation of Vietnam Propaganda Liberation Army Team (December 22, 1944)

- Victory of August revolution of 1945 and foundation of the Democratic Republic of Vietnam under leadership of Ho Chi Minh, Central Committee of the Communist Party of Vietnam and Viet Minh Front

- Stating the role of Ho Chi Minh in convening the 8th  Conference of the Central Committee of the Indochina Communist Party (May, 1941), founding Viet Minh Front and Vietnam Propaganda Liberation Army Team, leading August revolution of 1945 and founding the Democratic Republic of Vietnam.

- Stating meaning of the foundation of Viet Minh Front (May 19, 1941) and the role of Ho Chi Minh.

Resistance war against French colonialism (1945-1954) and resistance war against the US (1954-1960) under Ho Chi Minh's leadership

- From 1945 to 1946

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- From 1954 to 1969

- Stating the role of Ho Chi Minh after August revolution of 1945 (1945-1946) in implementation of the policy “peace to advance" via signing of the Ho–Sainteny agreement (March 06, 1946) and Provisional Agreement (September 14, 1946).

- Stating the role of Ho Chi Minh in the resistance war against French colonialism (1946-1954).

- Stating the role of Ho Chi Minh in the resistance war against the US (1954-1969).

- Appreciating Ho Chi Minh’s merits and contributions to Vietnamese revolution.

Good impressions of Ho Chi Minh in the hearts of Vietnamese people and international friends

Good impressions of Ho Chi Minh in the hearts of international friends

- Titles:

+ In 1987, UNESCO recognized Ho Chi Minh as a hero of national liberation and a great man of culture

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Memorial house; Memorial halls; Name of some avenues,…

- Stating reasons why international friends appreciate Ho Chi Minh's contributions and ideological and cultural values.

Good impressions of Ho Chi Minh in the hearts of Vietnamese people

- Museum, memorial house

- Literature and art image

- Learning and following Ho Chi Minh's ideology, morality and lifestyle.

- Stating reasons why President Ho Chi Minh lives forever in the hearts of Vietnamese people.

- Appreciating President Ho Chi Minh's contributions and ideological and cultural values, actively learning and following Ho Chi Minh's ideology, morality and lifestyle.  

HISTORICAL PRACTICE

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Organization of history education in association with fields (historical and cultural heritage),…

- Study at museums and via historical documentaries

- Organization of clubs and competitions "I love history", "Young historian", and history games

- Improving and acquiring knowledge about the history.

- Practicing skills of subject practice and increasing the history capacity.

- Developing interest in study.

ACADEMIC TOPICS OF 12th  GRADE

Contents

Requirements

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Overview on beliefs and religions in Vietnam

Concept of the belief

Concept of the religion

- Explaining the concept of belief and religion.

Some beliefs in Vietnam

Ancestor and Hung Vuong worship belief

Worship of mother goddesses 

Worship of Thanh Hoang

Worship of national heroes

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating main features of beliefs via field trips and actual visits in local areas.

Some religions in Vietnam

Confucianism

Buddhism

- Analyzing impacts of Confucianism on the cultural and social life of Vietnam.

- Stating impacts of Buddhism on the cultural and social life of Vietnam via practical activities and visits to local pagodas

Christianity 

Taoism

Other religions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating some main features of other religions

- Respecting and encouraging other persons to respect the diversity of beliefs and religions in Vietnam.

12.2: JAPAN: HISTORICAL EVENTS FROM 1945 TO PRESENT

Japan after the World War II (1945 - 1973)

1945-1952: Japan was occupied and administered by the victorious Allies of World War II

- Democratization

- Social and economic transformations

- Stating transformations of Japan when Japan was occupied and administered by the victorious Allies of World War II including democratization and social and economic transformations.

High economic growth period (1952-1973)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Political and social situation

- Collecting and using historical documents to find out “miracle” of the economy of Japan.

- Explaining causes of “miracle” of the economy of Japan.

- Analyzing main features of political and social situation in Japan from 1952-1973.

Japan from 1973 to present

Crisis and adjustment period (1973-2000)

- Unsustainable economic development

- Political and social situation

- Explaining causes of unsustainable economic development of Japan after 1973.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Japan in the early 21st century

-  Economic recovery and reform

- Social and political transformations

- Stating the process of reform and economic recovery of Japan in the early 21st century.

- Analyzing political and social transformations of Japan in the early 21st century: the positive side and the negative side.

Valuable lessons from the history of Japan

- Human

- Role of the State

- Production management and organization system

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Making comments about valuable lessons from the history of Japan:

+ Human resources that have undergone high-quality training, had the will to rise in life, worked diligently, tightened discipline and valued thrift;

+ An important role of the State in formulation of development strategies and necessary regulation for contribution to continuous economic growth;

+ Effective organization and management systems of Japanese enterprises and companies;

+ Cultural tradition and preservation of the Japanese identity.

- Appreciating and learning from the virtues of diligence, discipline and respecting the national cultural identity of the Japanese.

12.3: INTERNATIONAL INTEGRATION OF VIETNAM

Some concepts

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Concept of globalization

- Globalization manifestations

- Positive and negative impacts of globalization

- Explaining the concept of globalization.

- Collecting and using historical documents to find out globalization.

- Analyzing manifestations and positive and negative impacts of globalization via specific examples.

International integration

- Concept of international integration

- Fields of international integration

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Stating fields of international integration including economy, politics, security - defense, culture, education,... through specific examples.

Regional and international integration of Vietnam

Impacts of globalization on Vietnam

- Positive impacts

- Negative impacts

- Explaining positive and negative impacts of globalization on Vietnam via specific examples.

Regional and international integration of Vietnam

- Vietnam's integration into the Southeast Asian Region, Vietnam's role and contribution to ASEAN

- Vietnam’s participation in international organizations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Analyzing Vietnam's role and contribution to ASEAN in many fields including economy, politics, security, culture and society,…).

- Stating main contents of the process of Vietnam’s participation in international organizations (The United Nations or other organizations).

- Appreciating and contributing to achievements in regional and international integration of Vietnam

VI. EDUCATION METHODS

1. General orientation

The curriculum of History subject is developed towards increase in capacities. Hence, encouraging students' participation is a good method of teaching.  The method of teaching focuses on assistance for students in carrying out learning activities in association with situations in life; combines intellectual activities with practical activities; enhances self-study and work in groups to increase general capacities and virtues (self-control and self-study, communication and cooperation, problem-solving and creativity) and the history capacity for students, thereby meeting the objectives of the general education program.

2. Orientation to methods of forming and increasing general capacities and virtues

a) Methods of forming and developing main virtues

Via organization of learning activities, teachers help students gradually form and develop patriotism and true national spirit, and pride in the historical tradition of the homeland and the country; develop the values ​​of humanity, honesty, sense of responsibility to the community and society, and participate in construction and defense of the Fatherland. At the same time, via history lessons, teachers inspire students to love history, explore and discover history.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Via History subject, teachers help students form and increase general capacities via contents and practical activities. To be specific:

- Regarding self-control and self-study: this capacity is formed and increased via learning activities including collection of information from historical sources; expression of personal opinions about historical events, figures and periods; survey and history practice in the fields, historical and cultural monuments in local areas; application of historical knowledge to explanation about practical problems; self-study, exploration and discovery of the history;...

- Regarding communication and cooperation: this capacity is formed and increased via group activities; field trips, museums, historical and cultural monuments; interviews with historical witness;…

- Regarding problem solving and creativity: this capacity is formed and increased via activities including detection of problems, suggestion about hypotheses, expression of personal opinions about historical events and figures; detection of logic in problem solving, evaluation of solutions to history-related problems; or application of the history lessons to real life;…

3. Orientation to methods of forming and increasing history capacity

A method of forming and increase the history capacity is carried out according to fundamental principles of historical science via different historical sources to recreate the history, honestly and objectively reconstruct the process of formation and development of historical events and periods, and at the same time connect the development process with related factors during their movement.

Via the method of encouraging students’ participation, teachers focus on provision of guidelines for students to identify and exploit historical sources without focusing on improvement of historical knowledge. Hence, students can obtain historical information, well understand the history, make inferences, evaluate context, origin and development of historical events and periods to search for historical facts in a scientific manner, and apply historical knowledge to practice, thereby forming and increase the history capacity.

The method of teaching the History subject towards increase in capacities focuses on detection and problem solving, use of visual means (historical artifacts, pictures, maps, charts, physical models, models and historical documentaries,…). Teachers help students explore and exploit historical sources, analyze historical events and periods and make comments and evaluation, thereby creating the basis for development of lifelong self-study and the ability to apply knowledge about the history, culture and society of Vietnam and the world to their lives.

The forms of teaching the History subject include activities inside and outside classroom.  Teachers need to promote expansion of teaching space in the fields (historical monuments, cultural heritage, museums, exhibitions, ...), connect teaching activities in the classroom with field trips. Via connection of various forms of activities including group discussion, group work, individual work,.. teachers help students become "historical figures" to explore the history and effective apply knowledge to learning situations and real life.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The curriculum of History subject focuses on application of information and communications technology; encourages students to read and collect historical documents on the Internet, in libraries and other database systems to conduct individual or group researches; develops skills in use of information technology equipment to support re-creation, understanding and study of history.

VII. EVALUATION OF EDUCATIONAL OUTCOMES

The evaluation of educational outcomes is aimed at identifying the level of fulfillment of the requirements for the history capacity and knowledge of students in each topic and each class, thereby adjusting learning-teaching activities to achieve objectives of the program. The evaluation shall encourage students' interest in learning, inquiry and discovery of historical issues; help students gain confidence, initiative and creativity in learning.

The evaluation contents shall focus on the ability to apply historical knowledge to specific situations without focusing on inspection of the ability to recreate historical knowledge and learn by heart.

Via evaluation, teachers can understand the learning situation, the level of divergence of the academic level of students in the class, thereby adopting measures to help students who have not met the requirements for knowledge and capacities, discovering and providing refresher training for students with historical talents, and at the same time adjusting and completing methods of history education.

Regarding forms of evaluation, it is necessary to combine regular evaluation and periodic evaluation, teacher's evaluation and student's self-evaluation; oral tests, written tests, practical exercises and research projects; objective tests and constructed-response tests.

VIII. EXPLANATION AND GUIDELINES

1. Definition

The curriculum of History subject uses some words to express the level of fulfillment of requirements for students’ capacities.  The below table provides different verbs that show the requirements and the levels of fulfillment of requirements  In the process of teaching, when asking discussion questions or setting tests, teachers can use the verbs mentioned in this table or replace them by verbs with equivalent meanings to conform with their pedagogical situations and specific tasks assigned to students.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Verbs

Knowledge

- Searching for information via search engines and keywords on the Internet, electronic libraries or traditional libraries,...

- Identifying historical documents: distinguishing types of historical documents (written documents, historical artifacts,...).

- Studying historical documents: initially understanding contents, studying and adopting historical documents in the study process.

- Stating historical events and figures in particular space and time.

- Stating main developments of historical events and figures at a simple level in an unchanged situation.

- Listing, recording or retelling main milestones of a period, a historical period, or a historical figure,...

- Stating definitions of historical terms and concepts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Correctly identifying location of historical events, figures or periods (on historical charts, timelines or maps,...)

- Connecting historical events, figures and periods that have logical and close relation.

Understanding

- Recreating and stating (spoken or written description) the developments of historical events, figures and periods (from simple to complex level).

- Describing the basic features of historical events, figures or periods, some civilizations in the world and Vietnam (material and spiritual life, notable achievements,...).

- Using maps, diagrams or charts to introduce historical events or journeys, remarkable transformation in economy, politics and society in some countries in the world and Vietnam.

- Making a timeline or constructing a diagram of the historical process, the main developments of events (wars, uprisings, big battles, revolutions, reforms, etc,…).

- Explaining the origin, causes and movement of historical events from simple to complex level; stating the development process of history according to the diachronic and synchronic logic.

- Analyzing impacts and interrelationship between historical events, figures and periods.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Analyzing causes of success or failure (of historical events, revolutionary movements, wars, reforms,...).

- Comparing similarities and differences between historical events, figures and periods.

- Making personal comments and evaluation of historical events, figures and periods on the basis of historical awareness and thinking.

- Analyzing continuation and change of events, figures and issues in the historical process.

- Thinking in different directions when considering, evaluating or finding answers to a historical event, figure or period.

Application

- Identifying problems about historical events, figures or periods that need to be solved in the historical process.

- Learning and putting questions to discover different aspects, contexts and aspects of historical events, figures and periods.

- Identifying location and roles of events, figures or problems in the historical process.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Completing assignments on application of knowledge to unchanged situations in order to practice basic skills and acquire historical knowledge.

- Exploring and discovering the history via historical documents, visits or picnics to answer different questions about a historical event, issue or figure.

- Learning from history lessons, applying historical knowledge and lessons to problem solving in a new situation. Having ability to connect history-related problems in the past with the life in the present.

- Completing assignments that require analysis, synthesis, evaluation, application of historical knowledge to changed situations, and problem solving with students' creativity.

- Making the study plan for a lesson in the field, visiting museums and monuments under guidance of the teacher.

- Developing and presenting short reports on the basis of collection, analysis and synthesis of information from different historical sources (via results of individual or group work).

- Connecting the history lessons to actual situations of their local areas, applying acquired knowledge about the history of the world and Vietnam to specific cases and circumstances of their local areas.

- Designing an action plan or a poster to encourage people to join hands to preserve the local historical and cultural heritage.

- Having the ability to find out history-related problems, access and process information from different sources, having awareness and capacity for lifelong self-study.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The duration of core contents for each class is 52 sessions/academic year within 35 weeks. Expected percentage of duration spent on each content:

Contents

10th grade

11th grade

12th grade

CAREER-ORIENTATED TOPICS

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Role of History studies

10%

 

 

WORLD HISTORY

 

 

 

- Some world civilizations at ancient and medieval eras

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

- Industrial revolutions in world history

11%

 

 

- Bourgeois revolution and development of capitalism

 

12%

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Socialism from 1917 to present

 

10%

 

- The world during and after the Cold War

 

 

12%

HISTORY OF SOUTHEAST ASIA

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

- Civilization of Southeast Asia at ancient and medieval eras

6%

 

 

- Process of acquisition of national independence of countries of Southeast Asia

 

8%

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- ASEAN: Historical periods

 

 

8%

HISTORY OF VIETNAM

 

 

 

- Some civilizations in Vietnam (before 1858)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

- Ethnic groups in Vietnam

11%

 

 

- War of liberation and war of national defense in the history of Vietnam (before the August revolution of 1945)

 

17%

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Some major reforms in the history of Vietnam (before 1858)

 

11%

 

- History of protection of Vietnam's sovereignty, legal rights and interests in the South China Sea

 

12%

 

- August revolution of 1945, war of liberation and a war of national defense in history of Vietnam (from August, 1945 to present)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

16%

- Renovation in Vietnam from 1986 to present

 

 

12%

- History of Vietnam’s diplomacy at the early modern period and the modern period

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Ho Chi Minh in the history of Vietnam

 

 

12%

PERIODIC EVALUATION

10%

10%

10%

HISTORICAL PRACTICE

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



20%

20%

The duration for academic topics is 35 sessions. Expected number of sessions of academic topics (including tests and evaluation):

Contents

10th  grade

11th  grade

12th  grade

CAREER-ORIENTATED TOPICS

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

10.1: Fields of History studies 

10

 

 

FIELD TRIPS

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

 

 

11.1: History of traditional arts of Vietnam

 

15

 

12.1: History of beliefs and religions in Vietnam

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



15

KNOWLEDGE IMPROVEMENT

 

 

 

10.3: Vietnamese state and law in the history

10

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

10

 

11.3: Historical figures in the history of Vietnam

 

10

 

12.2: Japan: historical periods from 1945 to present

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10

12.3: International integration of Vietnam

 

 

10

3. Teaching equipment

Use of teaching equipment is one of the decisive conditions for the success of renovation to the method of teaching the History subject towards increase in capacities.

Education institutions shall have minimum equipment including map system (world map, map of continents, map of Southeast Asia and Vietnam); historical pictures, physical models, diagrams, charts with the support of technical means including computers, projectors, projector lights, televisions, radios, videos or tapes,...

History subject contains knowledge about the past which students cannot directly observe. Information technology will support recreation of the history via documentaries, historical sources, images, videos,... Teachers shall develop and use basic functions of Internet and computer software to provide images, sounds, historical documents,.. in their lessons to improve the effectiveness of teaching and inspire students to love History subject.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

[1] Circular No. 20/2021/TT-BGDDT on amendments to Article 3 of Circular No. 32/2018/TT- BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training on promulgation of general education program is promulgated pursuant to:

“Law on Education dated June 14, 2019;

Government’s Decree No. 69/2017/ND-CP May 25, 2017 on functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Education and Training;

At the request of the Director General of Secondary Education Department;

The Minister of Education and Training promulgates a Circular on amendments to Article 3 of Circular No. 32/2018/TT-BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training on promulgation of general education program.”

Circular No. 13/2022/TT-BGDDT on amendments to some contents of the general education program issued together with Circular No. 32/2018/TT- BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training is promulgated pursuant to:

“Law on Education dated June 14, 2019;

 Resolution No. 63/2022/QH15 of the 3rd  session of the 15th  National Assembly;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



At the request of the Director of Primary Education Department, the Director of Secondary Education Department;

The Minister of Education and Training promulgates a Circular on amendments to some contents of the general education program issued together with Circular No. 32/2018/TT-BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training.”

[2] Articles 2 and 3 of Circular No. 20/2021/TT-BGDDT on amendments to Article 3 of Circular No. 32/2018/TT- BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training on promulgation of general education program, which comes into force from August 16, 2021, stipulate that:

“Article 2. Entry into force

This Circular comes into force as of August 16, 2021.

Article 3. Implementation

The Presidents of the People's Committees of provinces, Directors of Departments of Education and Training and relevant organizations and individuals shall be responsible for the implementation of this Circular./.”

Article 3 of Circular No. 13/2022/TT-BGDDT on amendments to some contents of the general education program issued together with Circular No. 32/2018/TT- BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training, which comes into force from August 03, 2022, stipulates that:

“Article 3. Implementation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Chief of Office, Director of Primary Education Department, Director of Secondary Education Department, Heads of units affiliated to the Ministry of Education and Training, the Presidents of the People's Committees of provinces, Directors of Departments of Education and Training and relevant organizations and individuals shall be responsible for implementation of this Circular./.”

[3] This Clause is amended by Article 1 of Circular No. 20/2021/TT-BGDDT on amendments to Article 3 of Circular No. 32/2018/TT- BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training on promulgation of general education program, which comes into force from August 16, 2021.

[4] This Clause is amended by Clause 1 Article 1 of Circular No. 13/2022/TT-BGDDT on amendments to some contents of the general education program issued together with Circular No. 32/2018/TT- BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training, which comes into force from August 03, 2022.

[5] The paragraph “- Career-oriented education stage

The History and Geography subjects are career-oriented subjects at 10th grade, 11th grade and 12th grade.

In 10th grade, History subject helps students understand general characteristics of historical and geographical sciences, careers related to history and geography, develop the ability to apply historical and geographical knowledge to their daily life, improve and broaden basic knowledge and skills formed in the basic education stage via themes and academic topics related to basic issues about history and geography, thereby creating a solid basis for students to have clear and appropriate career orientation.

In 11th  grade and 12th  grade, History subject focuses on themes and academic topics related to various fields of historical studies including political history, economic history, civilization history, cultural history, military history and social history, Vietnam's interaction and integration into the region and the world,...; Geography subject focuses on some themes and academic topics related to world geography (typical regions and countries) and Vietnam’s geography (natural and socio-economic conditions) to help students with orientation to social science and humanities and some related science career.”

is replaced by the paragraph: “- Career-oriented education stage

In 10th grade, History and Geography subjects help students understand general characteristics of historical and geographical sciences, careers related to history and geography, develop the ability to apply historical and geographical knowledge to their daily life, improve and broaden basic knowledge and skills formed in the basic education stage via themes and academic topics related to basic issues about history and geography, thereby creating a solid basis for students to have clear and appropriate career orientation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



according to Clause 2 Article 1 of Circular No. 13/2022/TT-BGDDT on amendments to some contents of the general education program issued together with Circular No. 32/2018/TT- BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training, which comes into force from August 03, 2022.

[6] This program is amended by Article 2 of Circular No. 13/2022/TT-BGDDT on amendments to some contents of the general education program issued together with Circular No. 32/2018/TT- BGDDT dated December 26, 2018 of the Minister of Education and Training, which comes into force from August 03, 2022.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 10/VBHN-BGDĐT ngày 30/12/2022 hợp nhất Thông tư về Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.586

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.133.39
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!