HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 126/NQ-HĐND
|
Ninh Thuận, ngày
11 tháng 12 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 3 HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XI, NHIỆM KỲ 2021 - 2026
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA XI KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám
sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn
và trả lời chất vấn; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao tinh thần trách
nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc tiếp thu, tổng hợp ý kiến,
nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đã theo dõi sâu sát diễn biến tình hình thực
tế và thẳng thắn đặt vấn đề chất vấn những nội dung quan trọng, bức xúc, nổi cộm
được nhiều đại biểu, cử tri và dư luận quan tâm. Đánh giá cao tinh thần trách
nhiệm của Giám đốc các sở, ngành trong việc tiếp thu các ý kiến chất vấn của đại
biểu, trả lời chất vấn đúng trọng tâm, đã giải trình, làm rõ hầu hết các vấn đề
đại biểu đặt ra, nghiêm túc nhận trách nhiệm liên quan đến ngành, lĩnh vực mình
phụ trách, tham mưu; tăng cường công tác quản lý để tổ chức thực hiện và có giải
pháp hiệu quả trong thời gian đến.
Điều 2.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Đối với
Giám đốc Y tế
Thời gian đến, công tác phòng,
chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, được xem xét ưu tiên trước hết và trên
hết, trước mắt và lâu dài; để thực hiện kế hoạch chuyển trạng thái thích ứng,
an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Y tế
tham mưu và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Khẩn trương xây dựng kế hoạch
tổng thể với các kịch bản phương án, tình huống khác nhau thích ứng an toàn,
linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ,
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, luôn tạo thế chủ động sẵn sàng ứng phó với tình huống có
thể phát sinh. Mỗi kịch bản phải xác định rõ mục tiêu, phương án huy động, phân
bổ và sử dụng nguồn lực, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp xuyên suốt
giữa tỉnh và địa phương; địa phương với địa phương; Nhà nước với doanh nghiệp;
các cơ quan, tổ chức và người dân, bảo đảm cho người dân được tiếp cận sớm nhất,
nhanh nhất, hiệu quả nhất dịch vụ chăm sóc y tế, an sinh xã hội từ xa, từ sớm,
từ cơ sở, từng hộ gia đình. Các kế hoạch, kịch bản, phương án phải thường xuyên
được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi diễn biến tình hình dịch bệnh thay đổi
hoặc có chỉ đạo mới.
- Xây dựng kế hoạch khôi
phục phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới đảm bảo chặt chẽ và có
tính ổn định; kết hợp hài hòa, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả giữa tập trung chỉ
đạo, lãnh đạo, chỉ huy, điều hành xuyên suốt, nhất là phân cấp, phân quyền ràng
buộc trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị
nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện để bảo đảm đạt
"mục tiêu kép" phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm
an toàn dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.
- Tiếp tục rà soát, cập nhật bổ
sung kế hoạch tầm soát xét nghiệm phù hợp với tình hình; tập trung tầm soát xét
nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đối với vùng, đối tượng và các hoạt động có
nguy cơ cao đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Tập trung nâng cao năng lực điều trị bệnh
nhân Covid-19, nhằm giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong; nâng cao năng lực quản lý,
giám sát của chính quyền địa phương, chăm sóc, theo dõi của y tế cơ sở và ý thức
thực hiện quy định cách ly, điều trị tại nhà của người dân và các điều kiện cơ
sở vật chất để cách ly, điều trị; có kế hoạch, phương án cụ thể về đầu tư trang
thiết bị y tế và thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 phù hợp với từng cấp độ dịch
đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, kịp thời đáp ứng tình huống
phát sinh.
- Tập trung đẩy nhanh hoàn
thành tiêm mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, nhất là người từ 65 tuổi trở
lên; hoàn thành tiêm mũi 1 cho lứa tuổi từ 12 đến 17 tuổi theo kế hoạch đảm bảo
an toàn. Rà soát xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 06 đến 12 tuổi và
tiêm mũi tăng cường theo quy định.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin, công nghệ số, đảm bảo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả; vận động người
dân đẩy mạnh kết nối liên thông phần mềm ứng dụng để hỗ trợ công tác tầm soát
xét nghiệm, truy vết điều tra dịch trễ, tiêm vắc xin, khai báo y tế và khám chữa
bệnh.
- Tăng cường huy động nguồn lực
xã hội hóa hỗ trợ vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch, nhất là cung ứng dịch
vụ test nhanh để đơn vị, doanh nghiệp, người dân chủ động trong xét nghiệm phát
hiện trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
2. Đối với
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa
chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, cần sự vào cuộc của cả
hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân quyết tâm khắc phục khó
khăn, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể; đồng hành, hỗ trợ, tạo điều
kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định việc
làm, thu nhập cho người lao động, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
có trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải
pháp sau:
2.1. Đối với việc hỗ trợ doanh
nghiệp
- Rà soát các vướng mắc, bất cập
trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ trên nguyên
tắc vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, mọi chính sách đều phải hướng đến
người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ;
đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản
hóa thủ tục hành chính, quy trình, thời gian thực hiện; khơi thông mọi nguồn lực
đầu tư doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-9 đi
cùng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tăng cường phân cấp, phân quyền
gắn với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý của Nhà nước chặt chẽ và hiệu quả;
hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trực tiếp đối thoại giữa chính
quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của
doanh nghiệp và thường xuyên kiểm tra kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng
doanh nghiệp.
2.2. Đối với hỗ trợ người lao động
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách của Nhà nước về việc làm, nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách
nhiệm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm
của chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về việc làm; thực hiện dân chủ,
công khai, minh bạch về chính sách, chế độ đối với người dân; tăng cường công
tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động.
- Triển khai hiệu quả các gói
an sinh xã hội; nắm tình hình, thực hiện tổng hợp chi tiết lao động theo trình
độ, nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch đào tạo hỗ trợ nghề cho lao động nông thôn,
xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao
động do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhất là những người lao động trở về từ các tỉnh,
thành phía Nam, nhằm giúp người lao động sớm có việc làm, ổn định cuộc sống.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm; phối hợp hoạt động của Trung tâm dịch
vụ giới thiệu việc làm với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hướng tới tổ chức
các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp tại cơ sở và địa phương.
- Tổ chức thực hiện hỗ trợ
doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc
làm cho người lao động; tiếp tục đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực các ngành
kinh tế trọng điểm của tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh
đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành các ngành nghề mà doanh nghiệp trên địa bàn
tỉnh đang có nhu cầu.
- Thực hiện đồng bộ các giải
pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thực tiễn
của tỉnh, đảm bảo giáo dục nghề gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động
(ưu tiên nhất là thị trường trường lao động của tỉnh); xây dựng hệ thống thông
tin thị trường lao động thông minh, linh hoạt hỗ trợ tích cực tìm việc làm cho
người lao động với kết nối cung-cầu lao động. Nâng cao chất lượng, huy động tốt
nhất nguồn lực lao động để phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh;
thực hiện hiệu quả các dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng
đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ
thuật; đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế trọng
điểm của tỉnh phục vụ cho phát triển năng lượng sạch, du lịch, kinh tế biển.
2.3. Đối với lao động xuất khẩu
Tăng cường hoạt động xuất khẩu
lao động; hỗ trợ kinh phí đào tạo định hướng, mở rộng đối tượng và hỗ trợ cho
vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho người lao động đi lao động có
thời hạn ở nước ngoài. Phối hợp, nắm tình hình, thông tin kịp thời và hỗ trợ
lao động xuất khẩu hết hạn hợp đồng được về nước trong thời gian sớm nhất, đảm
bảo an toàn; đồng thời phối hợp thông tin hỗ trợ lao động xuất khẩu khi đủ điều
kiện.
Điều 3. Tổ
chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh và các
sở, ngành có liên quan tại Điều 2 Nghị quyết triển khai thực hiện nghiêm túc
các nội dung đã đề ra tại nghị quyết này, báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp
thường kỳ giữa năm và cuối năm 2022.
2. Thường trực Hội đồng nhân
dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa XI Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2021./.