HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
11/2020/NQ-HĐND
|
Bình Dương,
ngày 10 tháng 12 năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH KHU VỰC THUỘC NỘI THÀNH CỦA THÀNH PHỐ, THỊ XÃ, THỊ
TRẤN, KHU DÂN CƯ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHĂN NUÔI; CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DỜI CƠ SỞ CHĂN
NUÔI RA KHỎI KHU VỰC KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHĂN NUÔI; VÙNG NUÔI CHIM YẾN TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
KHÓA IX – KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19
tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22
tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng
6 năm 2015;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm
2018;
Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về hướng
dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;
Căn cứ Thông tư số 23/2019/TT-BBPTNT ngày 30
tháng 11 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số
điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi;
Xét Tờ trình số 5680 /TTr-UBND ngày 13
tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết Quy định khu vực
thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép
chăn nuôi; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được
phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Báo cáo thẩm
tra số 98/BC-HĐND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến
thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị
trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, cụ thể:
Không được phép chăn nuôi ở khu vực nội thành của
thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật với mục đích làm cảnh,
nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường, gồm:
1. Toàn bộ địa bàn: Thành phố Thủ Dầu Một, thành
phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên;
2. Huyện Bắc Tân Uyên: Thị trấn Tân Thành, xã
Tân Bình, xã Tân Mỹ và xã Thường Tân;
3. Huyện Bàu Bàng: Thị trấn Lai Uyên (trừ khu phố
Đồng Chèo), xã Hưng Hòa, xã Lai Hưng (trừ ấp Cầu Sắt, ấp Cầu Đôi) và xã Tân
Hưng;
4. Huyện Phú Giáo: Thị trấn Phước Vĩnh;
5. Huyện Dầu Tiếng: Thị trấn Dầu Tiếng, xã Thanh
Tuyền (trừ ấp Lê Danh Cát và một phần ấp Đường Long), xã Long Hòa (trừ ấp Tân
Hòa và một phần ấp Long Nguyên, Tiên Phong) và ấp Hoà Cường thuộc xã Minh Hoà;
6. Các khu vực dân cư nằm trong quy
hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 2. Chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực
không được phép chăn nuôi
1. Đối tượng hỗ trợ
Các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân
nước ngoài có cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang hoạt
động tại khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 1 Nghị quyết
này; trừ các cơ sở nuôi chim yến.
2. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Đối với cơ sở chăn nuôi mà chuồng trại tường
xây gạch, nền láng xi măng, mái lợp tôn, ngói mức hỗ trợ là 200.000 đồng (Hai
trăm ngàn đồng)/m2 chuồng trại tại thời điểm ngừng hoạt động, nhưng
không quá 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng)/cơ sở.
b) Đối với các cơ sở chăn nuôi còn lại, mức hỗ
trợ là 120.000 đồng (Một trăm hai mươi ngàn đồng)/m2 chuồng trại tại
thời điểm ngừng hoạt động, nhưng không quá 120.000.000 đồng (Một trăm hai mươi
triệu đồng)/cơ sở.
c) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi
nghề nghiệp
Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp
và đào tạo dưới 03 (ba) tháng đối với các cơ sở chăn nuôi ngừng hoạt động sau
khi Nghị quyết này có hiệu lực thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Quyết
định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ
cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
3. Điều kiện và nguyên tắc
a) Điều kiện hỗ trợ: Các cơ sở
chăn nuôi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
- Nuôi gia súc, gia cầm và động
vật khác thuộc Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
- Phải có Quyết định chấp thuận
chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật hoặc nếu không có quyết định chấp
thuận chủ trương đầu tư thì các cơ sở chăn nuôi trong suốt quá trình hoạt động
chăn nuôi phải chấp hành tốt quy định của địa phương về công tác phòng chống dịch
bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định.
- Các cơ sở chăn nuôi được hưởng
mức hỗ trợ theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này phải có quy mô chăn
nuôi từ 10 đơn vị vật nuôi trở lên.
b) Nguyên tắc hỗ trợ
- Cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng
quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được hưởng hỗ trợ một lần cho từng nội dung hỗ
trợ.
- Việc hỗ trợ được thực hiện
sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép
chăn nuôi hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề.
- Các cơ sở chăn nuôi thực hiện
di dời hoặc ngừng hoạt động chăn nuôi sau ngày 01 tháng 01 năm 2025 sẽ không được
hỗ trợ, đồng thời bị xử lý theo quy định hiện hành.
4. Kinh phí hỗ trợ
Nguồn kinh phí hỗ trợ chính sách di dời cơ sở
chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi được bố trí trong dự toán
ngân sách hàng năm của địa phương theo phân cấp hiện hành.
Điều 3. Vùng nuôi chim yến
Vùng nuôi chim yến là vùng
nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 1 Nghị quyết này
(ngoại trừ khu vực quy hoạch đất nông nghiệp dọc sông Sài Gòn và sông Thị Tính
thuộc 03 xã An Điền, Phú An, An Tây thuộc thị xã Bến Cát) và nhà yến cách khu
dân cư tối thiểu 300 mét.
Điều 4. Quy định chuyển tiếp
1. Đối với các tổ chức, cá nhân có
cơ sở chăn nuôi (trừ cơ sở nuôi yến) xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết
này có hiệu lực thuộc khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 1 của
Nghị quyết này thì đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 phải ngừng hoạt động hoặc
di dời đến địa điểm phù hợp.
2. Đối với các tổ chức, cá nhân có
hoạt động nuôi chim yến trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng
không đáp ứng quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này thì phải giữ nguyên hiện
trạng, không được cơi nới và nhà yến nằm trong khu dân cư,
nhà yến cách khu dân cư dưới 300 mét thì không được sử dụng loa phóng phát âm
thanh.
Điều 5.
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển
khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 6.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của
Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát
việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh
Bình Dương khoá IX, kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2020 và có hiệu
lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.
Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng: Quốc hội, Chính
phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
- Ban Công tác đại biểu -
UBTVQH;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn
Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND cấp huyện;
- LĐVP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (Sở
Tư pháp);
- CV phòng TH, phòng
HC-TC-QT;
- TT Công báo, Website, Báo, Đài PTTH Bình Dương;
- Lưu: VT, Phương.
|
CHỦ TỊCH
Võ Văn Minh
|