ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 202/KH-UBND
|
Đắk Nông, ngày 22
tháng 4 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC CÁC MÔN TIẾNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
M’NÔNG VÀ Ê ĐÊ TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
Thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/01/2022
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các
môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021
- 2030” (Chương trình); Quyết định số 980/QĐ-BGDĐT ngày 13/4/2022 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 142/QĐ-TTg;
Công văn số 797/BGDĐT-GDĐT ngày 09/3/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc
triển khai Quyết định số 142/QĐ-TTg;
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch thực
hiện Chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số
M’Nông và Ê đê trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030 trên
địa bàn tỉnh, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Nhằm bảo tồn văn hóa, tiếng nói, chữ viết dân tộc
thiểu số M’Nông và Ê đê trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa tiếng dân tộc thiểu số
được giảng dạy cho học sinh trong các trường học.
b) Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc
thiểu số M’Nông và Ê đê trong chương trình giáo dục phổ thông; chuẩn bị đội ngũ
giáo viên giảng dạy, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để thực hiện hiệu
quả việc triển khai dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê trong
các trường phổ thông cho những giai đoạn tiếp theo.
2. Yêu cầu
Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch gắn với
các giải pháp đồng bộ, toàn diện, bảo đảm tính khả thi phù hợp tình hình, điều
kiện chung của tỉnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thực hiện nâng
cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê trong
chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030.
II. MỤC TIÊU
1. Đến năm 2025
a) Tiếp tục duy trì việc tổ chức dạy và học tiếng Ê
đê cho học sinh tại hai trường tiểu học trên địa bàn huyện Cư Jút.
b) Bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn
dạy học bậc tiểu học đối với 02 tiếng dân tộc: Ê đê và M’Nông, sau khi được Bộ
Giáo dục và Đào tạo thẩm định ban hành.
c) Bảo đảm cơ bản các điều kiện về cơ sở vật chất,
trang thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định.
d) Phấn đấu có đủ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số
M’Nông và Ê đê, trong đó 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán
bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê
đê được bồi dưỡng nâng cao năng lực.
2. Đến năm 2030
a) Tổ chức triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số
M’Nông và Ê đê trong các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu học tập của học
sinh và phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương.
b) Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang
thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định.
c) Bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn
dạy học đối với các tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê đã được triển khai
trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
d) Phấn đấu đạt 100% giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu
số M’Nông và Ê đê có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục
có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Triển khai thực hiện chương
trình, sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số
Triển khai đưa chương trình môn học đối với tiếng
dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê có đủ điều kiện vào dạy học trong chương trình
giáo dục phổ thông; đảm bảo đủ 100% các bộ sách giáo khoa, tài liệu dạy học bậc
tiểu học đối với các tiếng dân tộc M’Nông và Ê đê khi được đưa giảng dạy vào
trong các cơ sở giáo dục.
2. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng
đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếng dân tộc thiểu số
a) Đẩy mạnh đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số
M’Nông và Ê đê đạt chuẩn trình độ theo quy định; thực hiện đào tạo giáo viên tiếng
dân tộc thiểu số theo các phương thức phù hợp (văn bằng hai, cử tuyển, đào tạo
theo địa chỉ, đặt hàng...).
b) Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng dân
tộc thiểu số M’Nông và Ê đê về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá;
nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về kiến thức
dân tộc và quản lý dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
3. Tăng cường cơ sở vật chất, ứng
dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê
a) Nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị trong các cơ sở
giáo dục phổ thông để triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu về dạy học tiếng dân tộc
thiểu số.
c) Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển
kho học liệu và dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
4. Thực hiện tốt các chế độ,
chính sách về dạy học tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê
Thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo các quy định
pháp luật hiện hành về dạy học tiếng dân tộc thiểu số; nghiên cứu, đề xuất chế
độ chính sách đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số.
5. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng
cao nhận thức về dạy học tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận
thức cho cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với
dạy học tiếng dân tộc thiểu số; về quyền lợi và trách nhiệm gìn giữ, phát triển
ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số.
b) Tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình và biểu
dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt,
cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong
các cơ sở giáo dục phổ thông.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí
a) Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán
ngân sách hàng năm của các Sở, ngành và địa phương theo phân cấp ngân sách hiện
hành.
b) Nguồn kinh phí hợp pháp của các cơ sở giáo dục.
c) Tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động từ xã hội,
cộng đồng.
d) Các nguồn hợp pháp khác.
2. Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ tại Kế hoạch, các
Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp
chung vào dự toán ngân sách hằng năm của Sở, ngành và địa phương trình cơ quan
có thẩm quyền phê duyệt.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Triển khai hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế
hoạch, tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học duy trì việc tổ chức dạy và học tiếng
Ê đê cho học sinh; tổ chức sơ kết vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030 và đề xuất
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân tiêu
biểu.
b) Thường xuyên theo dõi kết quả biên soạn, thẩm định
và phê duyệt sách giáo khoa, tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số của Bộ
Giáo dục và Đào tạo để kịp thời tham mưu triển khai phù hợp với tình hình địa
phương, bảo đảm đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học đối với các
tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê đã được triển khai trong các cơ sở giáo dục
trên địa bàn tỉnh.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các đơn vị
liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
nhu cầu đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số
theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy
định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh
viên sư phạm. Phối hợp với các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và đủ điều kiện
đào tạo, bồi dưỡng về tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê để tổ chức các lớp
đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiếng dân tộc thiểu
số.
d) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về dạy
học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông
trên địa bàn tỉnh xây dựng các điều kiện đảm bảo chất lượng và tổ chức dạy học
tiếng dân tộc thiểu số đảm bảo đúng quy định.
2. Ban Dân tộc tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan
trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, dự án, đề án hỗ trợ giữ gìn và
phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động cộng
đồng và phát huy vai trò của trí thức dân tộc, người có uy tín tham gia vào việc
dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính
a) Tham mưu cấp có thẩm quyền về kinh phí thực hiện
Kế hoạch, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc phân bổ kinh phí mua sách giáo
khoa, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số cho các
địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn hiện
hành.
b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị
liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
nhu cầu đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số
theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức
các hoạt động khôi phục, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân
gian của đồng bào dân tộc thiểu số tại các Chương trình, dự án đã được cấp có
thẩm quyền phê duyệt.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai dạy học
tiếng dân tộc thiểu số trong cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu học của học
sinh và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
b) Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang
thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định.
c) Rà soát trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên
có đủ tiêu chuẩn, tổng hợp nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo của đơn vị; đồng thời,
căn cứ nhu cầu của địa phương xác định nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên dạy
tiếng dân tộc thiểu số gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp để có kế hoạch phối
hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên nhằm
phát triển đội ngũ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số đạt chuẩn về trình độ được
đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy học tiếng dân tộc thiểu số của địa phương.
d) Hằng năm, bố trí nguồn lực tài chính đảm bảo thực
hiện việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định hiện hành về phân cấp
ngân sách nhà nước. Tích cực huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả, sâu
rộng việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê.
đ) Báo cáo sơ kết, tổng kết theo hướng dẫn của Sở
Giáo dục và Đào tạo.
VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Định kỳ trước 30/11 hằng năm, các Sở,
ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này
về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ
Giáo dục và Đào tạo.
2. Các đơn vị tổ chức sơ kết vào năm 2025 và
tổng kết vào năm 2030 (Quý IV), gửi báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (trước
ngày 15/11) để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Giáo dục và
Đào tạo theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng
cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số M’Nông và Ê đê trong
chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030, trên địa bàn tỉnh Đắk
Nông; các Sở, Ban, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển
khai thực hiện hiệu quả; trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp
thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để xem
xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: GD&ĐT; VH,TT&DL, TC;
- Ban Dân tộc tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, CTTĐT, KGVX(Vn).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|