Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 08/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Trần Tuệ Hiền
Ngày ban hành: 02/01/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 02 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ RỪNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Chương trình số 17-Ctr/TU ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Kết luận số 1078-KL/TU ngày 04/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 264/TTr-SNN-KH ngày 25/12/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- BTT UBMTTQVN tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Như Điều 2;
- Trung tâm phục vụ hành chính công (đăng Công báo);
- LĐVP, các Phòng, P.KT;
- Lưu: VT (Th qd 26-023)

CHỦ TỊCH




Trần Tuệ Hiền

 

ĐỀ ÁN

QUẢN LÝ, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ RỪNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 02/01/2024 của UBND tỉnh)

Phần I.

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Sự cần thiết của Đề án

Lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù bao gồm các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ từ rừng như quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chế biến và thương mại lâm sản.

Với quan điểm phát triển vùng Đông Nam bộ (trong đó có tỉnh Bình Phước) phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng, các địa phương trong vùng; các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng[1].

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022, với quan điểm là: (i) Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới; (ii) Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; (iii) Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Phát triển nông nghiệp trong nhiệm kỳ tới với ba nhiệm vụ trọng tâm: tạo vùng nguyên liệu; chế biến; hình thành liên kết chuỗi. Ba ngành trọng điểm: chăn nuôi; trồng trọt; lâm nghiệp; Ba sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: chăn nuôi (heo, gà); hạt điều; sản phẩm từ gỗ. Ba giải pháp hỗ trợ tổng thể: quy hoạch lại vùng nguyên liệu; chính sách thu hút hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao”. Ngày 09/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 04-Ctr/TU với 11 Chương trình cụ thể để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 09/3/2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 30/9/2021 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình số 17-Ctr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có nhiệm vụ/nội dung “Quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch” thuộc nhiệm vụ/nội dung số 4, Chương trình số 5 “Chương trình phát triển nông nghiệp”.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống cháy rừng. Các quy hoạch, kế hoạch về Lâm nghiệp được triển khai xây dựng theo hướng đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện đồng bộ, ranh giới ba loại rừng, ranh giới của các chủ rừng cơ bản được xác định trên bản đồ và thực địa, bộ máy quản lý Nhà nước được củng cố, kiện toàn, hệ thống tổ chức ở cơ sở được sắp xếp, đổi mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Công tác phòng, chống cháy rừng có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự bổ sung kịp thời các trang thiết bị. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã huy động được các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách của Nhà nước, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng. Công tác phối, kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị và chính quyền cơ sở cơ bản chặt chẽ, số vụ vi phạm luật Lâm nghiệp có xu hướng giảm. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh tăng trong giai đoạn 2010-2021, đến năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng đạt 22,79% (tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm của tỉnh năm 2021 là 75,6%), cao hơn 9,3% so với năm 2010 (năm 2010 là 13,5%).

Tuy nhiên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn một số tồn tại hạn chế, gồm: diện tích rừng tự nhiên còn lại sau khi chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su tại các dự án phân bố manh mún, xen kẽ trong các khu dân cư, vườn cao su; tình trạng khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng, sử dụng đất rừng vào mục đích khác mặc dù có giảm nhưng vẫn còn diễn ra. Việc triển khai cho thuê rừng, thuê môi trường rừng còn nhiều bất cập, chồng chéo chưa thực hiện được theo kế hoạch đã đề ra; đời sống kinh tế của người dân gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí mới ở giai đoạn bắt đầu và chưa được đầu tư, khai thác đúng với tiềm năng. Chưa có cơ chế/chính sách để liên doanh, liên kết với các công ty du lịch để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, mặc dù đã có một số công ty, đơn vị lữ hành đến đặt vấn đề quan tâm.

Vì vậy, nhiệm vụ “Lập đề án quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030” là cấp bách và cần thiết.

2. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Luật Lâm nghiệp năm 2017.

- Luật Du lịch năm 2017.

- Luật Đa dạng sinh học năm 2008.

- Luật Di sản Văn hóa năm 2013.

- Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

- Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định số 156/NĐ-CP).

- Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

- Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học.

- Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

- Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

- Nghị quyết số 01-NQ/ĐH, ngày 22/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

- Kế hoạch số 82-KH/TU ngày 18/10/2017 của Tỉnh ủy Bình Phước về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Chương trình số 04-Ctr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình cụ thể để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

- Chương trình số 17-Ctr/TU, ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

- Kết luận số 1078-KL/TU ngày 04/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Kết luận số 384-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Kết luận số 360-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 1657/QĐ-UBND ngày 09/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

- Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 25/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 01/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Bình Phước đến năm 2025”.

3. Các chủ trương, chính sách liên quan đến quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch

3.1. Các chính sách có liên quan

Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã quy định một số nội dung có liên quan đến công tác quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch như sau:

(a) Đối với rừng đặc dụng

Khoản 4, Điều 53 Luật Lâm nghiệp cho phép “Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng”.

Khoản 6, Điều 14 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định “Chủ rừng được phép cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Việc cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải được thông báo rộng rãi. Giá cho thuê môi trường rừng do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng; Trường hợp có hai tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị được thuê môi trường rừng thì tổ chức đấu giá với mức giá khởi điểm không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng. Thời gian thuê không quá 30 năm, định kỳ 5 năm đánh giá việc thực hiện hợp đồng, hết thời gian cho thuê nếu bên thuê thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu thì chủ rừng xem xét tiếp tục kéo dài thời gian cho thuê”.

→ Như vậy, theo các quy định hiện hành đối với các khu rừng đặc dụng chỉ cho phép thuê môi trường rừng để tiến hành các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

(b) Đối với rừng phòng hộ

Khoản 2, Điều 56 Luật Lâm nghiệp quy định “Chủ rừng xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của khu rừng phòng hộ trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” và khoản 4, Điều 56 quy định “Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng bảo đảm không làm ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và các chức năng khác của khu rừng”.

Điều 57 quy định được phép “Sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ” nhưng không làm ảnh hưởng khả năng phòng hộ của rừng.

Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định “Chủ rừng xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững” trong khu rừng phòng hộ.

Khoản 6, Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định “Chủ rừng được phép cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng phòng hộ để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Việc cho thuê môi trường rừng phòng hộ để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải được thông báo rộng rãi. Giá cho thuê môi trường rừng do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1 % tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng. Trường hợp có hai tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị được thuê môi trường rừng, thì tổ chức đấu giá với mức giá khởi điểm không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng. Thời gian thuê không quá 30 năm, định kỳ 5 năm đánh giá việc thực hiện hợp đồng, hết thời gian cho thuê nếu bên thuê thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu thì chủ rừng xem xét tiếp tục kéo dài thời gian cho thuê”.

→ Như vậy, theo các quy định hiện hành đối với các khu rừng phòng hộ được phép thuê môi trường rừng để tiến hành các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và tổ chức các hoạt động sản xuất nông lâm kết hợp.

(c) Đối với rừng sản xuất

Điều 60 Luật Lâm nghiệp cho phép “Sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng sản xuất” và “Được tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng phù hợp với quyền của chủ rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí”.

Điều 32 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định “Chủ rừng được tự tổ chức hoặc hợp tác với các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí” và “Mức thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bao gồm các hoạt động dịch vụ lữ hành, vận tải khách du lịch, lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, thăm quan, quảng cáo và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch trong phạm vi khu rừng của chủ rừng do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng”.

Điều 30 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP cho phép “Sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng sản xuất”.

→ Như vậy, theo Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP cho phép tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất, thông qua các hình thức đơn vị chủ rừng “được tự tổ chức hoặc hợp tác với các tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí”. Tuy nhiên, đến nay về hành lang pháp lý còn thiếu hướng dẫn cụ thể cho thuê môi trường rừng để thực hiện việc khác (chẳng hạn như trồng cây dược liệu dưới tán rừng).

Ngoài ra, trong rừng phòng hộ và sản xuất chủ rừng và bên nhận khoán được phép “sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp”.

3.2. Các chủ trương, định hướng

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị gồm 5 quan điểm, trong đó: (i) Quan điểm 1: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; (ii) Quan điểm 4: Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ giải pháp: (i) Bảo vệ nghiêm ngặt các diện tích rừng tự nhiên hiện có. Phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển, rừng đặc dụng. Tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò - Xa Mát; (ii) Tiểu vùng phía Bắc gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là khu phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, trồng cây công nghiệp, có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học”.

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-CP ngày 02/8/2022 với mục tiêu chung là “Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”.

Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ban Thường vụ Tỉnh Ủy ban hành tại Kết luận số 384-KL/TU ngày 25/6/2022 với mục tiêu tổng quát “Hình thành một số sản phẩm du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh, hạ tầng dịch vụ, du lịch ở trung tâm các huyện, thị xã và thành phố. Trong đó chú trọng hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm mang nét đặc trưng, khác biệt để khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước nhằm tăng số thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của mỗi du khách và tăng doanh thu từ du lịch; Phát triển kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, từ đó xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và tuyến du lịch quốc tế. Xây dựng các khu, điểm du lịch xanh với các dịch vụ tiện ích có sức thu hút cao đối với du khách. Hình thành một số khu du lịch có quy mô, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh”.

Phần II.

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN VÀ SỬ DỤNG RỪNG GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỈNH BÌNH PHƯỚC

1. Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

1.1. Hiện trạng tài nguyên rừng

Theo Quyết định số 387/QĐ-UBND ngày 07/3/2022 của UBND tỉnh Bình Phước về việc công bố hiện trạng rừng tỉnh Bình Phước năm 2021, đến thời điểm 31/12/2021 diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước là 172.009,45 ha; trong đó, diện tích trong quy hoạch 03 loại rừng là 171.526,71 ha và diện tích ngoài quy hoạch 03 loại rừng là 482,74 ha; được thể hiện cụ thể như sau:

(a) Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân theo đơn vị hành chính

Diện tích rừng và đất chưa có rừng phân bố ở 8/11 đơn vị cấp huyện của tỉnh, trong đó: huyện Bù Đăng có diện tích rừng đất lâm nghiệp lớn nhất với 58.385,30 ha, chiếm 33,9% tổng diện tích rừng và đất chưa có rừng toàn tỉnh (trong quy hoạch 03 loại rừng là 58.186,45 ha, ngoài quy hoạch 03 loại rừng 198,85 ha); kế đến là huyện Bù Gia Mập với diện tích là 49.593,97 ha (chiếm 28,8%); huyện Lộc Ninh với diện tích là 23.784,19 ha (chiếm 13,8%); huyện Đồng Phú với diện tích là 19.635,14 ha (chiếm 11,4%); huyện Chơn Thành có diện tích rừng thấp nhất là 26,13 ha.

- Rừng tự nhiên tập trung chủ yếu ở huyện Bù Gia Mập với diện tích là 32.056,38 ha, huyện Bù Đăng có diện tích là 7.428,25 ha, huyện Bù Đốp có diện tích là 6.422,58 ha, huyện Đồng Phú có diện tích là 5.974,18 ha

- Rừng trồng: phân bố tập trung tại các huyện Bù Đăng có diện tích là 46.740,76 ha, huyện Lộc Ninh có diện tích là 16.003,31 ha, huyện Bù Gia Mập có diện tích là 15.964,76 ha...

- Đất chưa có rừng (bao gồm đất đã trồng nhưng chưa thành rừng, đất trống và các loại đất khác): phân bố tập trung nhiều nhất tại huyện Lộc Ninh với diện tích là 4.826,66 ha, huyện Bù Đăng có diện tích là 4.017,44 ha, huyện Bù Đốp có diện tích là 1.727,37 ha....

(b) Hiện trạng rừng và đất chưa có rừng theo mục đích sử dụng

- Diện tích trong quy hoạch ba loại rừng: Diện tích là 171.526,71 ha (chiếm 99,7%), trong đó:

+ Rừng đặc dụng có diện tích thấp nhất là 31.179,67 ha (chiếm 18,1%), trong đó đất có rừng là 30.805,48 ha và đất chưa có rừng (bao gồm cả rừng trồng chưa thành rừng) là 374,19 ha.

+ Rừng phòng hộ diện tích là 43.548,20 ha (chiếm 25,3%), trong đó đất có rừng là 41.262,85 ha và đất chưa có rừng (bao gồm cả rừng trồng chưa thành rừng) là 2.285,35 ha.

+ Rừng sản xuất có diện tích lớn nhất là 96.798,84 ha (chiếm 56,3%), trong đó đất rừng là 89.860,77 ha và đất chưa có rừng (bao gồm cả rừng trồng chưa thành rừng) là 6.938,07 ha.

- Diện tích ngoài quy hoạch 03 loại rừng: Diện tích là 482,74 ha, trong đó rừng tự nhiên là 345,20 ha và diện tích rừng trồng bán ngập là 137,54 ha.

(c) Hiện trạng các đơn vị quản lý rừng

- Các Ban Quản lý rừng đặc dụng quản lý: 29.987,62 ha (chiếm 17,4%), bao gồm 02 đơn vị chủ rừng là VQG Bù Gia Mập quản lý với diện tích là 25.593,64 ha (chiếm 14,8%), VQG Cát Tiên quản lý với diện tích là 4.393,83 ha (chiếm 2,5%).

- Các Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý: 87.718,82 ha (chiếm 50,7%), bao gồm 05 đơn vị chủ rừng, trong đó BQL RPH Bù Đăng quản lý diện tích lớn nhất là 40.088,62 ha (chiếm 23,2%), tiếp đến là BQL RPH Đăk Mai quản lý với diện tích là 20.822,72 ha (chiếm 12,0%); BQL RPH Tà Thiết quản lý diện tích là 11.127,87 ha (chiếm 6,4%); Ban QLRPH Bù Đốp quản lý với diện tích là 8.430,09 ha (chiếm 4,9%) và thấp nhất là BQL RPH Lộc Ninh quản lý với diện tích là 7.249,52 ha (chiếm 4,2%).

- Các công ty lâm nghiệp (các công ty cao su nhà nước) quản lý với diện tích là 12.447,54 ha (chiếm 7,2%), bao gồm 05 công ty, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước quản lý với diện tích lớn nhất là 5.232,49 ha (chiếm 3,0%), tiếp đến là Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé quản lý với diện tích là 4.362,81 ha (chiếm 2,5%) và công ty có diện tích thấp nhất là Công ty TNHH MTV Cao Su Phú Riềng với diện tích 672,38 ha (chiếm 0,4%).

- Các doanh nghiệp tư nhân quản lý: 15.927,91 ha, bao gồm 83 đơn vị quản lý rừng, chủ yếu là các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất lâm nghiệp để trồng cao su ngoại trừ Công CP SX XD TM NN Hải Vương cũng là công ty có diện tích lớn nhất là 2.686,56 ha (chiếm 1,6%), đây là công ty được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất lấy gỗ nguyên liệu như keo.

- Các đơn vị vũ trang quản lý: 1.499,96 ha.

- Các đối tượng khác quản lý 24.281,24 ha (chiếm 14%) bao gồm 10 đơn vị quản lý, trong đó Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú được giao quản lý diện tích lớn nhất là 13.625,94 ha (chiếm 7,9%), tiếp đến là Ủy ban nhân dân huyện Hớn Quản được giao quản lý diện tích 4.571,64 ha (chiếm 2,6%); Chùa di đà quản lý với diện tích ít nhất là 2,23 ha và đây là diện tích rừng tự nhiên ngoài quy hoạch 03 loại rừng.

- Chủ rừng là các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, cá nhân và UBND xã quản lý 1.274,94 ha, trong đó nhóm quản lý là UBND xã 775,31 ha (chiếm 0,4%) và nhóm hộ gia đình, cá nhân quản lý 499,63 ha (chiếm 0,3%).

1.2. Đa dạng sinh học

(ạ) Đa dạng về các loài thực vật

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, hiện nay ghi nhận có 51 loài thực vật bị đe dọa ở mức độ quốc gia (Sách đỏ Việt Nam 2007) và toàn cầu (IUCN 2020). Trong đó, ở mức độ quốc gia có 01 loài rất nguy cấp (CR), 15 loài nguy cấp (EN) và 18 loài sẽ nguy cấp (VU). Ở mức độ toàn cầu, có 14 loài nguy cấp (EN) và 9 loài sẽ nguy cấp (VU). Các loài này sẽ là đối tượng ưu tiên cho các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.

(b) Đa dạng về các loài thú

Khu hệ thú trên cạn tỉnh Bình Phước có 107 loài chiếm khoảng 34,75% tổng số loài thú trên cạn ở Việt Nam. Ở mức phân loài cấp bộ, khu hệ thú tỉnh Bình Phước có gần như đầy đủ các đại diện của các bộ thú, ngoài trừ bộ móng guốc ngón lẻ (Perissodactyla). Các đại diện của 30 trên 36 họ thú ở Việt Nam được tìm thấy trong địa phận tỉnh Bình Phước. Với tất cả điều trên cho thấy khu hệ thú tỉnh Bình Phước cho thấy tính đa dạng cao cả về thành phần loài nhất là ở cấp phân loại cao hơn.

Như đã trình bày ở trên, khu hệ thú tỉnh Bình Phước có tính đa dạng cao về thành phần loài. Bên cạnh đó, số loài thú quý hiếm cũng chiếm tỷ lệ cao nếu so với cả nước Việt Nam.

Không những vậy, nhiều loài thú quý hiếm phân bố ở Bình Phước ở mật độ cao và kích thước quần thể lớn như loài Chà vá chân đen, Vượn đen má vàng, rái cá vuốt bé, cu li nhỏ, bò tót...

(c) Đa dạng về các loài chim

Khu hệ chim tỉnh Bình Phước gồm 277 loài thuộc 18 bộ và 60 họ bằng 32,5% tổng số loài chim ghi nhận được ở Việt Nam hiện nay. Đây là những con số cho thấy khu hệ chim của tỉnh rất đa dạng, có vai trò to lớn đối với việc bảo tồn vốn gen các loài chim quý hiếm.

(d) Đa dạng về các loài bò sát - ếch nhái

Khu hệ bò sát, ếch, nhái bao gồm 97 loài bao gồm 30 loài lưỡng cư thuộc 7 họ và 67 loài bò sát thuộc 14 họ trong đó có hai loại thằn lằn ngón (Cyrtodactylus bugiamapensis, Cyrtodactylus dati) mới được mô tả gần đây đã được ghi nhận được ở tỉnh Bình Phước.

(e) Đa dạng về các loài côn trùng

Khu hệ côn trùng toàn tỉnh bình phước có 318 loài thuộc 4 bộ và 26 họ.

- Bộ Coleopera ghi nhận được 11 loài thuộc 08 họ.

- Bộ Hemiptera ghi nhận được 3 loài thuộc 03 họ.

- Bộ Odonata ghi nhận được 6 loài thuộc 03 họ.

- Bộ Lepidoptera ghi nhận được nhiều nhất với 298 loài thuộc 12 họ.

1.3. Quản lý, bảo vệ rừng

Giai đoạn 2011-2020, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm và sự tham gia tích cực của đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh. Các chủ rừng vận dụng linh hoạt các hình thức QLBVR phù hợp với đặc điểm văn hóa, tập quán, trình độ nhận thức, thị trường của từng địa phương. Cụ thể như sau:

- Tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2011-2020 là 266.148 lượt ha, trung bình hàng năm giao khoán bảo vệ rừng là 26.630 lượt ha; trong đó, diện tích khoán hàng năm theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ là 18.678 lượt ha và diện tích khoán hàng năm theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ là 7.952 ha.

- Hỗ trợ bảo vệ rừng theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016-2020 với tổng diện tích hỗ trợ là 118.286,9 lượt ha, trung bình hàng năm hỗ trợ 23.657,4 lượt ha.

- Hỗ trợ cộng đồng vùng đệm giai đoạn 2011-2020 là 58 cộng đồng.

Nhìn chung công tác QLBVR đã được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả khả quan. Hoàn thành công tác rà soát quy hoạch 3 loại rừng, cắm mốc ranh giới 3 loại rừng. Thực hiện tốt công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm.

1.4. Phát triển rừng

- Diện tích trồng rừng tập trung giai trong đoạn 2011-2020 của tỉnh là 4.185,38 ha (đạt 79,8% so với kế hoạch). Nhìn chung công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 chủ yếu là trồng rừng sản xuất.

- Diện tích chăm sóc rừng trồng giai đoạn 2011-2020 của tỉnh là 11.576,4 lượt ha (đạt 100% so với kế hoạch).

- Diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng giai đoạn 2011-2020 của tỉnh là 575,00 lượt ha (đạt 100% so với kế hoạch).

- Số lượng cây phân tán trồng giai đoạn 2011-2020 của tỉnh là 471,631 ngàn cây, đạt 96,4% so với kế hoạch.

(a) Phát triển rừng đặc dụng

Công tác phát triển rừng đặc dụng của tỉnh đã được Nhà nước ban hành nhiều chính sách để phát triển. Thực hiện tốt các công tác phát triển rừng thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động khai thác, sử dụng rừng đặc dụng một cách hiệu quả.

Giai đoạn 2011-2020 đã trồng được 140 ha rừng đặc dụng (đạt 96,3% so với kế hoạch).

(b) Phát triển rừng phòng hộ

Công tác phát triển rừng phòng hộ của tỉnh giai đoạn 2011-2020 từ nguồn các doanh nghiệp nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

Trồng rừng thay thế giai đoạn 2011-2020 là 487,14 ha (đạt 31,6% so với kế hoạch). Công tác trồng rừng thay thế chỉ tiêu kế hoạch đạt thấp chủ yếu là do quỹ đất lâm nghiệp để thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh hạn chế, diện tích rừng đã trồng được chất lượng kém, tỷ lệ sống thấp. Đến năm 2018 Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành các thủ tục thực hiện dự án: Lập quy hoạch trồng rừng phòng hộ tại vùng bán ngập trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đến ngày 16/12/2019 thì Dự án trồng rừng thay thế trên đất bán ngập đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2667/QĐ-UBND. Tuy nhiên trong năm 2020 chưa đưa vào trồng rừng thay thế theo kế hoạch (theo kế hoạch năm 2020 trồng 524 ha) là do chưa được Bộ Công Thương cấp giấy phép trồng rừng.

(c) Phát triển rừng sản xuất

Phát triển rừng sản xuất của tỉnh thu hút rất nhiều nguồn đầu tư do đất đai của tỉnh rộng, điều kiện tự nhiên phù hợp trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao với phát triển cây lâm nghiệp. Công tác trồng sau khai thác phải song hành với việc khai thác rừng sản xuất là rừng trồng tránh ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Giai đoạn 2011-2020 đã trồng được 3.558,24 ha rừng sản xuất (đạt gần 100% so với kế hoạch). Trong đó trồng mới là 585,65 ha (đạt 103,5% so với kế hoạch) và trồng tái canh sau khai thác chính là 2.972,59 ha (đạt 99,3% so với kế hoạch).

2. Đánh giá thực trạng về sử dụng rừng

2.1. Cấp chứng chỉ rừng

Đến năm 2021, trên toàn địa bàn tỉnh đã có 03 đơn vị chủ rừng có diện tích 14.238,45 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững gồm: (i) Công ty CP SX XD TM và NN Hải Vương (rừng trồng sản xuất gỗ, diện tích 2.374,26 ha, cấp năm 2016); (ii) Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long (rừng cây cao su, diện tích 8.385,19 ha, cấp năm 2019) và (iii) Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (rừng cây cao su, diện tích 3.479 ha, cấp năm 2019).

2.2. Khai thác gỗ

Giai đoạn 2011-2020, sản lượng gỗ rừng trồng đã được khai thác là 325,4 ngàn m3, bình quân là 32,54 ngàn m3/năm.

2.3. Khai thác lâm sản ngoài gỗ

Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2021, diện tích Cao su, Điều trong quy hoạch 3 loại rừng là 97.234 ha (chiếm 24,5% tổng diện tích Cao su và Điều trên địa bàn tỉnh). Như vậy, về sản lượng năm 2021 trong rừng sản xuất của Cao su khoảng 97.000 tấn mủ và Điều khoảng 58.000 tấn hạt.

Ngoài ra, với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên tỉnh Bình Phước có nhiều chủng loại lâm sản ngoài gỗ phân bố tự nhiên như: Lồ ô, Tre, Nứa, Song, mây...; các loại nấm như: Nấm hương, Mộc nhĩ... và các loài cây dược liệu như: Bá bệnh, Hà thủ ô, Nghệ, Sa nhân... Các loại lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có thể khai thác với số lượng lớn như: Ươi (dùng để dùng làm thực phẩm xuất khẩu với giá thành cao); Lồ ô và Song mây.

Kết quả khảo sát cho thấy tỉnh Bình Phước có tính đa dạng sinh học rất cao. Các loại LSNG từ thực vật được chia thành nhiều công dụng khác nhau như: thực vật làm thuốc, thực vật làm cảnh, bóng mát, thực vật cho dầu, thực vật cho sợi và thực vật để nhuộm... Trong các loại LSNG lồ ô, tre nứa là loại được khai thác nhiều nhất. Hằng năm vào mùa mưa LSNG được khai thác nhiều nhất là măng theo quy mô nhỏ chủ yếu là các hộ dân vô khai thác.

Các loại LSNG rất đa dạng nhưng người dân thiếu kiến thức với các loại LSNG nên việc khai thác còn nhiều hạn chế. Chưa có các nhà máy chế biến, đa số khai thác LSNG đã được khai thác xuất đi các tỉnh lân cận.

2.4. Chế biến sản phẩm gỗ[2]

Chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đóng góp vào GRDP hàng năm chỉ khoảng 2,3%. Chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ được ưu ái của Nhà nước về thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp nên hàng năm ngành này đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh khoảng 396 tỷ đồng.

Sản phẩm gỗ của Bình Phước tiêu thụ nội địa chủ yếu là hàng mộc mỹ nghệ và gia dụng với quy mô nhỏ. Do đó, phần lớn sản phẩm gỗ của tỉnh chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2021 đạt 263,8 triệu USD, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 6,7% và chỉ chiếm bình quân 1,4% tỷ trọng xuất khẩu gỗ của cả nước. Thị trường xuất khẩu tập trung ở một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Âu, Hàn Quốc với các dòng sản phẩm như: viên nén, ván lạng, ván MDF, gỗ xẻ hộp, gỗ xẻ thanh và ván ghép các loại.

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 300 cơ sở chế biến gỗ (trong đó có 96 doanh nghiệp có quy mô lớn, gồm 10 doanh nghiệp FDI). Đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc) vào tỉnh đối với các hoạt động chế biến gỗ ngày càng tăng. Tập đoàn Dongwha VRG đầu tư quy mô được xếp hạng lớn nhất Đông Nam Á với hệ thống công nghệ được đầu tư hiện đại. Đặc biệt quan trọng, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các cụm ngành gỗ theo tiêu chuẩn quốc tế tham gia từ công tác trồng rừng, khai thác, chế biến (công ty Hải Vương), nhập khẩu, chế biến và sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu (Công ty Eastwood Energy, SG Vina, S&K Luxury Packing Vina, Thuận lợi BP, Thuận Phú Wood và Thiên Phú Wood).

Các doanh nghiệp lớn trong chế biến gỗ đang ứng dụng công nghệ khá tiên tiến, có suất đầu tư cao, ít thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, một số ít doanh nghiệp có quy mô, năng lực sản xuất/chế biến nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ như hộ cá thể thường chủ yếu sản xuất đồ gỗ gia dụng, mộc mỹ nghệ, nội thất văn phòng, gỗ xây dựng.

Mặc dù tỉnh có diện tích lớn đất trồng cây công nghiệp và khoảng 5.000 ha rừng trồng (rừng trồng gỗ), cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Tuy nhiên, khối lượng gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến hàng năm vẫn thiếu hụt, phải nhập khẩu và mua ngoài tỉnh từ khoảng 25-80% tùy năm, tương ứng với lượng thiếu hụt tới 49.000 m3/năm (như vậy, khối lượng gỗ nội tỉnh đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu chế biến gỗ). Do đó, doanh nghiệp trong tỉnh đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu mua gỗ nguyên liệu.

2.5. Dịch vụ môi trường rừng

Năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 98/QĐ-UBND về triển khai thực hiện Đề án chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc triển khai Đề án đã góp phần chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

- Về kinh tế: Việc triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR sẽ góp phần huy động được nguồn lực hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, đồng thời là nguồn thu lớn hàng năm của các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn. Tính từ năm 2013 đến năm 2020 tỉnh Bình Phước đã thu được 180.890 triệu đồng tiền DVMTR.

- Về xã hội: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp. Thông qua các hoạt động bảo vệ rừng của các lực lượng nhận khoán, nguồn thu nhập được tăng lên, từ đó góp phần cải thiện cuộc sống đối với những hộ nghèo, hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; các cộng đồng dân cư thôn đã có thêm nguồn tài chính để quản lý bảo vệ rừng, đóng góp vào các chương trình phát triển hạ tầng nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

- Về môi trường: bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng. Qua đó, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường chức năng bảo vệ đất, nguồn nước, không khí.

3. Đánh giá thực trạng hoạt động du lịch

3.1. Hiện trạng và tiềm năng nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh

Các di tích, danh lam thắng cảnh đã được tỉnh quan tâm đầu tư phục vụ phát triển du lịch, gồm:

- Dự án đã được đầu tư và đưa vào khai thác: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam; Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Tuy nhiên hạn chế của 02 dự án này là mới chỉ đầu tư xây dựng di tích mà chưa có hệ thống dịch vụ phụ trợ nên chưa có sức thu hút du khách...

- Dự án đang được đầu tư: Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá (hiện nay đã tạm ngưng đầu tư); Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch; Khu du lịch hồ Suối Cam và Hợp phần dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB - Tiểu dự án Bình Phước; Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên tiềm năng chưa được đầu tư xây dựng và khai thác phục vụ phát triển du lịch, gồm:

- Hệ thống di tích lịch sử cách mạng, gắn với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của đất nước ta. Có hệ thống di tích thành đất hình tròn là nơi sinh sống của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước; Hệ thống di tích lịch sử cách mạng, gắn với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của đất nước ta như “Điểm thảm sát ở huyện Bù Đốp” (di tích quốc gia).

- Hệ thống sông, suối và rất nhiều hồ nước lớn cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm như trảng cỏ Bù Lạch (thuộc huyện Bù Đăng); khu hồ Suối Giai (thuộc huyện Đồng Phú); hồ Thác Mơ (thuộc thị xã Phước Long); sông Đắk Huýt với chiều dài gần 30 km với thác Hang sấu, thác Sáu chình và các ốc đảo sinh thái rừng phòng hộ đầu nguồn ... Có rừng nguyên sinh Vườn Quốc gia Bù Gia Mập với diện tích khoảng 26.000 ha và hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng.

- Tỉnh Bình Phước được nhận định là thủ phủ của cây điều và cây cao su với hàng trăm ngàn ha xanh tốt mang lại dòng vàng trắng cho đất nước. Có diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ rất có tiềm năng cho phát triển du lịch xanh, du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

- Tuyến quốc lộ 13 kết nối Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước - K’ratie - Stung treng (Vương quốc Campuchia) - Champasak (Lào) - Ubon Rachathani (Thái Lan), tổng chiều dài hơn 500 km sẽ là tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ "Một ngày ở bốn quốc gia". Tuyến quốc lộ 14 kết nối khu vực Tây Nguyên với Bình Phước và Thành phố Hồ chí Minh mà dọc theo tuyến quốc lộ này có hệ thống các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thiên nhiên sẽ là nơi dừng chân lý tưởng cho du khách.

Đánh giá chung: Mặc dù được đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm của tỉnh nhưng hầu hết đầu tư chưa đồng bộ, đặc biệt là chưa đầu tư hệ thống dịch vụ phụ trợ, vui chơi giải trí, nên chưa hình thành sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Trong những năm qua tỉnh chưa có nhà đầu tư lớn "sếu đầu đàn" tham gia đầu tư khu, điểm du lịch. Các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh chưa có sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, chưa có sản phẩm đặc trưng, khác biệt, thiếu hệ thống dịch vụ phụ trợ, chưa có sự gắn kết và phát huy các giá trị di tích, lễ hội trên các tour du lịch để thu hút du khách. Các tuyến du lịch được kết nối nhưng hình thành chưa rõ nét. Tuyến du lịch quốc tế qua cửa khẩu Hoa Lư chưa thu hút được các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế trong và ngoài tỉnh tham gia. Công tác quảng bá du lịch của tỉnh chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Các hoạt động du lịch sinh thái chưa thu hút được nhiều du khách, chưa khai thác được tiềm năng sẵn có về cảnh quan, thiên nhiên.

3.2. Tuyến du lịch, tour du lịch tiềm năng

3.2.1. Xây dựng tuyến du lịch

Các tuyến du lịch tiềm năng chủ yếu tập trung kết nối các điểm đến trên toàn tuyến, chưa phân định rõ các sản phẩm trên toàn tuyến, như:

- Tuyến ĐT741: Kết nối các điểm du lịch địa phương từ thành phố Đồng Xoài đi và đến các huyện Đồng Phú, huyện Phú Riềng, thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập.

- Tuyến QL.14 (đường Hồ Chí Minh): Kết nối các điểm du lịch địa phương từ thành phố Đồng Xoài đi và đến các huyện Bù Đăng, thị xã Chơn Thành.

- Tuyến QL.14C: Theo quy hoạch tuyến QL.14C đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 131,1 km. Điểm đầu tại ranh tỉnh Đắk Nông, đi qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập đến giao với tuyến ĐT.741 và điểm cuối giáp ranh với tỉnh Tây Ninh tại cầu Sài Gòn (huyện Hớn Quản). Kết nối từ huyện Bù Gia Mập đến điểm du lịch Vườn quốc gia Bù Gia Mập và huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

- Tuyến Quốc lộ 13: Cùng với Quốc lộ 14 kết nối các điểm đến từ thành phố Đông Xoài qua các điểm đến tại thị xã Chơn Thành, huyện Hớn Quản, thị xã Bình Long, huyện Lộc Ninh và huyện Bù Đốp.

- Tuyến du lịch quốc tế: Đang hình thành và hoàn thiện các bước đưa vào khai thác (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan).

3.2.2. Xây dựng các tour du lịch

Xây dựng các tour du lịch ngắn, đi trong ngày và kết nối các sản phẩm du lịch như:

- Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam: Tham quan, tìm hiểu lịch sử và tâm linh.

- Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo: Tham quan và ẩm thực.

- Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: Trải nghiệm du lịch sinh thái rừng.

- Trảng cỏ Bù Lạch: Tham quan, dã ngoại và cắm trại.

- Khu lâm viên Mỹ Lệ: Tham quan, trải nghiệm dây chuyền sản xuất chế biến hạt điều và trà Ô Long; vui chơi giải trí và ẩm thực.

- Rừng phòng hộ Bù Đốp với các ốc đảo sinh thái và các thác trên tuyến sông Đắc Huýt như thác Hang Sấu, thác Sáu Chình: Tham quan du lịch sinh thái gắn với dã ngoại và cắm trại, đồng thời gắn với tham quan, tìm hiểu lịch sử và tâm linh; Điểm thảm sát năm 1978 tại xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp.

- Khu du lịch đảo yến Sơn Hà: Vui chơi, dã ngoại và ẩm thực.

- Hệ thống di tích, đình, chùa: Tham quan và trải nghiệm thiền.

- Các vườn cây ăn trái tại Phú Đông (huyện Đồng Phú), nông trại Phú Gia (huyện Hớn Quản), vườn cây ăn trái Quýt Hồng (huyện Bù Đốp): Tham quan, trải nghiệm du lịch canh nông, dã ngoại và cắm trại.

3.3. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí gắn với công tác quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng

Như đã phân tích ở trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước việc triển khai các hoạt động khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí gắn với công tác quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng được thực hiện tại 05 địa bàn, khu vực có quy mô, diện tích lớn là Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bà Rá - Thác Mơ và Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch. Một số tiềm năng, lợi thế và những hạn chế để phát triển du lịch như sau:

3.3.1. Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Vườn quốc gia Bù Gia Mập rất đa dạng về cảnh quan sinh thái, những cảnh quan nổi bật là cảnh quan sinh thái trên đất đỏ vàng, tầng dày trung bình; cảnh quan sinh thái trên đất nâu vàng tầng dày; cảnh quan sinh thái trên đất nâu đỏ, sườn dốc, chứa nhiều đá lẫn; cảnh quan sinh thái trên đất nâu đỏ, sườn thoải, chứa ít đá lẫn; cảnh quan sinh thái trên đất nâu đỏ tầng dày, địa hình bằng phẳng; cảnh quan sinh thái trên đất dốc tụ trong các thung lũng.

Một số thắng cảnh quan trọng trong vùng như: Giếng Trời, Thác Đak Bô, suối Đak Ca, Hang Dơi, Di tích lịch sử (điểm cuối ống dẫn dầu), Trảng Bằng Lăng, Thác Lưu Ly, Thác Đak Rốt... Bên cạnh thắng cảnh, các loài động, thực vật phong phú thì sự đa dạng về các nhóm dân tộc ở đây sẽ giúp du khách có một chuyến đi thú vị khi khám phá về thiên nhiên và con người ở VQG Bù Gia Mập, với vẻ đẹp hùng vĩ của cảnh quan thiên nhiên, trong những năm qua, một số hoạt động du lịch sinh thái ở VQG Bù Gia Mập.

Trong những năm vừa qua, VQG Bù Gia Mập đã được du khách biết đến và ghé thăm. Hầu hết đối tượng khách chủ yếu là những người thích khám phá thiên nhiên, thích sự hoang sơ và mạo hiểm. Các tuyến du lịch được thực hiện trong thời gian vừa qua là: (i) Tuyến tham quan Giếng Trời - Thác Đak Bô; (ii) Tuyến khám phá suối Đak Ca. Các điểm tham quan: Hang Dơi, di tích lịch sử, trảng Bằng lăng, Thác Lưu Ly, Thác Đak Rốt...

Mặc dù tiềm năng, thế mạnh rất lớn, nhưng vì nhiều lý do/nguyên nhân khác nhau, việc khai thác các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí gắn với công tác quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng tại VQG còn khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Giai đoạn 2016-2021, doanh thu từ các hoạt động du lịch sinh thái tại VQG trung bình năm khoảng 140 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2022 (thời gian ổn định sau đại dịch Covid-19), số lượng khách đến tham quan tại VQG khoảng 5.000 lượt khách, với số tiền thu được từ phí tham quan là khoảng 400 triệu đồng.

Các hoạt động khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại VQG do Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng thuộc BQL VQG Bù Gia Mập chủ trì. Hiện nay, Trung tâm chế biến có 8 người, trong đó 6 người có chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch nội địa. Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, còn một số tồn tại hạn chế như sau:

+ Nhân lực của Trung tâm phụ trách du lịch sinh thái còn hạn chế, lực lượng hướng dẫn viên, poster quảng bá còn hạn chế.

+ Cơ sở vật chất tại các điểm cắm trại trong rừng cũng như khu vực hành chính còn thiếu; các điểm cắm trại trong rừng chưa được phong phú.

+ Công tác phục vụ về ẩm thực còn chưa được chuyên nghiệp.

+ Chưa hoàn thiện việc đề xuất cho người nước ngoài được vào du lịch sinh thái tại VQG: VQG Bù Gia Mập thuộc khu vực biên giới nên rất hạn chế trong việc đón khách quốc tế, do quy trình thủ tục cấp phép vào khu vực biên giới tại Phòng Xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến quyết định lập kế hoạch tham quan của du khách. Đặc biệt là khách có ý định nối tua khi đã nhập cảnh vào Việt Nam.

3.3.2. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam

Từ giữa năm 2018 đến tháng 6/2021, công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng và các công trình kiến trúc khu vực bên trong hàng rào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước thực hiện. Đến ngày 29/6/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt phương án tiếp nhận, quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp Khu di tích tại Quyết định số 1663/QĐ-UBND, theo đó giao UBND huyện Lộc Ninh tiếp nhận từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh về cho Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết quản lý. Với điều kiện vật chất, di tích lịch sử và các hệ sinh thái rừng đặc trưng, trong thời gian tham quan tại Khu di tích đã tổ chức các loại hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa và các danh lam thắng cảnh.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, được xây dựng quy mô lớn, hệ thống hầm, hào, trạm xưởng, trường lớp được xây dựng chắc chắn, bảo đảm tốt cho việc huấn luyện và chiến đấu. Căn cứ là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào Nam để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Các hạng mục thăm quan, học tập như: Bếp Hoàng Cầm, Hầm Giao ban, Hầm chữ A, Hội trường, nhà ở và nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo như: Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng...

Trong những năm qua, việc khai thác DLST kết hợp với tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa và các danh lam thắng cảnh tại Khu di tích còn hạn chế trong công tác phát triển du lịch, như: thủ tục và quy trình cấp phép vào khu vực biên giới đối với khách quốc tế còn nhiều hạn chế; các dịch vụ bổ trợ chưa có, các hoạt động du lịch về đêm còn đơn điệu, chưa đủ sức hút để giữ chân du khách nghỉ lại qua đêm. Doanh thu hàng năm khoảng 70 triệu đồng.

3.3.3. Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bà Rá - Thác Mơ

Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bà Rá - Thác Mơ là khu rừng độc lập, xung quanh chân núi bao bọc là khu dân cư thuộc phường Sơn Giang, phường Thác Mơ và xã Phước Tín thuộc thị xã Phước Long tỉnh Bình Phước. Núi Bà Rá không chỉ mang ý nghĩa giá trị lịch sử, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 4/10/1995, mà còn là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng với dòng sông Bé uốn quanh co, với Thác Mẹ, Thác Mơ, rừng cây với hệ thực vật đa dạng phong phú được Bộ Nông nghiệp và PTNT xếp vào hệ thống rừng đặc dụng của cả nước.

Năm 2002, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2535/QĐ-UB ngày 30/12/2002 về việc phê duyệt quy hoạch khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ gồm các phân vùng quy hoạch như: Khu vực núi Bà Rá (diện tích 1.300ha), đảo Khỉ trên hồ Thác Mơ (diện tích 200ha) và phạm vi bảo vệ sinh thái toàn bộ vùng núi Bà Rá và lòng hồ Thác Mơ (diện tích 1.000ha). Song song với đó là việc tôn tạo di tích nhà tù Bà Rá, các hạng mục khác tại đồi Bằng Lăng và trên đỉnh núi. Năm 2010, đã khánh thành và đưa hệ thống cáp treo vào hoạt động phục vụ đưa đón khách. Năm 2019, UBND tỉnh đã thuận chủ trương quy hoạch lại tổng thể Khu du lịch sinh thái Bà Rá -Thác Mơ với tên gọi mới là Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay, dự án đang tạm ngưng hoạt động để đầu tư, nâng cấp.

3.3.4. Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng)

Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng quản lý, với tài nguyên du lịch tự nhiên: (i) Cảnh quan núi, rừng với dạng địa hình núi cao gắn liền với rừng tự nhiên có thể ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và khám phá, du lịch mạo hiểm, nghiên cứu khoa học... (ii) Dạng địa hình có thể đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như: khách sạn nhà hàng, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí. (iii) Cảnh quan gắn liền với diện tích đồng cỏ tự nhiên của trảng cỏ Bù Lạch; hệ sinh thái gắn liền với trảng cỏ là hồ Bàu Lệch... tạo ra sức hấp dẫn khách du lịch là điều kiện phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi giải trí; (iv) Cảnh quan với thác Voi có thể đầu tư xây dựng thành các khu, điểm du lịch vui chơi giải trí, du lịch thể thao, mạo hiểm....

- Tài nguyên du lịch văn hóa: Văn hóa ẩm thực cũng đa dạng phong phú gắn liền với lương thực, thực phẩm, hàng nông sản... được khách du lịch ưa chuộng như: cơm lam, rượu cần, thịt gác bếp, gà nướng nguyên thủy, cá suối, rau rừng ở sóc Bom Bo và thôn sóc của người S’tiêng, người Mạ; cách ủ rượu cần truyền thống.... Văn hóa nghệ thuật: có các dân ca dân vũ, các loại hình diễn xướng dân gian và lễ hội truyền thông.

Tuy nhiên, các hoạt động du lịch ở đây chưa được đầu tư, khai thác đúng với tiềm năng sẵn có, hiện còn mang tính tự phát, chưa được quản lý tốt.

4. Đánh giá một số kết quả nổi bật công tác quản lý, bảo vệ rừng và những hạn chế, cơ hội và thách thức trong phát triển du lịch sinh thái

4.1. Một số kết quả nổi bật

- Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện đồng bộ, ranh giới ba loại rừng, ranh giới của các chủ rừng cơ bản được xác định trên bản đồ và thực địa sau khi hoàn thành công tác kiểm kê rừng năm 2016; các đơn vị chủ rừng từng bước củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều chuyển biến tích cực là nhờ sự bổ sung kịp thời các trang thiết bị PCCCR cho các chủ rừng, qua đó số vụ cháy rừng hàng năm giảm đáng kể so với giai đoạn 2011-2015. Công tác trồng rừng (trồng mới, trồng rừng sau khai thác) được các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng theo quy định pháp luật và công tác trồng cây phân tán được chú trọng thực hiện, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Công tác ngăn chặn vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng: Các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh từng bước được đẩy lùi, ngăn chặn hiệu quả; số vụ vi phạm giảm dần theo từng năm.

- Triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thực hiện Chính sách chi trả DVMTR đã huy động được các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách của Nhà nước và góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng. Nguồn thu từ DVMTR năm sau tăng hơn năm trước. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2020, tổng nguồn thu từ DVMTR đạt hơn 180 tỷ đồng. Việc thực hiện, phát triển chính sách chi trả DVMTR góp phần tạo thêm nguồn tài chính, thu nhập cho người làm nghề rừng, đời sống người lao động nghề rừng được cải thiện, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tại tỉnh Bình Phước mức chi trả tiền DVMTR bình quân 01 ha rừng năm 2015 là 280.000 đồng/ha, đến năm 2020 số tiền chi bình quân dự kiến là 565.000 đồng/ha/năm (tăng 285.000 đồng).

- Về môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh tăng trong giai đoạn 2010- 2020, đến năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng đạt 22,79%[3] (tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm của tỉnh năm 2021 là 75,6%), cao hơn 9,3% so với năm 2010 (năm 2010 là 13,5%[4]). Đến năm 2021 có 156.659,07 ha rừng, bao gồm: Rừng đặc dụng 30.726,13 ha, rừng phòng hộ 40.273,99 ha, rừng sản xuất 85.176,21 ha và diện tích có rừng ngoài ba loại rừng là 482,74 ha đã đảm bảo cho việc bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì tác dụng phòng hộ đầu nguồn, khu vực xung yếu đáp ứng cơ bản yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống và tạo nguồn thu từ các dịch vụ môi trường rừng.

- Về xã hội, an ninh, quốc phòng: Với tổng diện tích 156.659,07 ha rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là hệ thống rừng phòng hộ, đặc dụng thuộc hành lang biên giới góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh, quốc phòng. Ngoài ra, đối với những hộ gia đình, tổ chức được nhận khoán bảo vệ rừng; giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đã tạo công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động, người dân nghèo sinh sống ở vùng sâu, vùng xa khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo, ổn định xã hội, phát triển kinh tế vùng miền núi trong suốt những năm qua.

Bên cạnh đó, với mạng lưới doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cũng đã thu hút hàng ngàn lao động có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn đã tạo ra nhiều giá trị vật chất cho xã hội, đồng thời tạo động lực cho phát triển kinh tế rừng.

4.2. Những cơ hội

Các văn bản pháp luật của Nhà nước và của Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí. Luật Lâm nghiệp (năm 2017), Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đã cho phép tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng. Cho phép cho thuê môi trường rừng; hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp theo phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm tạo nguồn thu để bù đắp các chi phí, nâng cao thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thay thế dần đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và quy định các hạng mục đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong khu rừng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước và các Chương trình xác định sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng và kết nối khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với khu du lịch trong tỉnh và các vùng lân cận tạo thành các tuyến, tour liên kết. Để đạt được mục tiêu thu hút đông khách du lịch, góp phần nâng cao kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là một chủ trương tạo nền tảng tư tưởng cho việc khai thác thế mạnh của du lịch sinh thái, đầu tư vào du lịch vừa chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng vừa góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh địa phương, tuyên truyền để bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Đề án Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước đã xác định: (i) Hình thành một số sản phẩm du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh, hạ tầng dịch vụ, du lịch ở trung tâm các huyện, thị xã và thành phố. Trong đó chú trọng hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm mang nét đặc trưng, khác biệt để khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước nhằm tăng số thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của mỗi du khách và tăng doanh thu từ du lịch; (ii) Phát triển kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, từ đó xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và tuyến du lịch quốc tế. Xây dựng các khu, điểm du lịch xanh với các dịch vụ tiện ích có sức thu hút cao đối với du khách. Hình thành một số khu du lịch có quy mô, thương hiệu nổi bật, tạo sức lan tỏa cho phát triển du lịch của tỉnh.

Việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg.

Theo Mục 2, Điều 23, Luật Du lịch năm 2017, Khu du lịch có đủ các điều kiện sau đây được công nhận là khu du lịch địa phương: (a) Có tài nguyên du lịch hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch; (b) Có diện tích tối thiểu hai trăm héc ta, trong đó có diện tích cần thiết để xây dựng các công trình, cơ sở dịch vụ du lịch; (c) Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch cần thiết phù hợp với đặc điểm của địa phương, có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất một trăm nghìn lượt khách du lịch một năm. Với các tiêu chí trên đây, các khu rừng trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là rừng tự nhiên) có đủ điều kiện để xác lập là khu du lịch địa phương.

Tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí tại tỉnh rất lớn, đặc biệt lâm phần VQG Bù Gia Mập là vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới (đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận, dự kiến hoàn thành trong năm 2024).

4.3. Những hạn chế

Hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí mới ở giai đoạn bắt đầu và chưa được đầu tư đúng mức. Đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch tại các đơn vị chủ rừng về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có tính chuyên nghiệp cao, chưa được đào tạo tập huấn chuyên sâu về các kỹ năng tổ chức điều hành và hướng dẫn du lịch (hiện mới chỉ có VQG Bù Gia Mập có 6 người được cấp chứng chỉ hướng dẫn viên nội địa, các chủ rừng khác chưa có). Chưa đủ kinh nghiệm để thiết kế các chương trình và các tour du lịch độc đáo và có sức thu hút du khách. Nguồn nhân lực phục vụ tại các điểm kinh doanh du lịch còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là thuyết minh viên tại các điểm du lịch ít có điều kiện để trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ để hướng dẫn khi khách đến tham quan.

Chưa có cơ chế/chính sách để thể liên doanh, liên kết được với các công ty du lịch để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, mặc dầu đã có một số công ty, đơn vị lữ hành đến đặt vấn đề quan tâm. Tuy nhiên, các dự án phát triển du lịch sinh thái, chưa định hướng được việc tổ chức không gian và xây dựng sản phẩm du lịch khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế. Các tour du lịch còn tự phát, do các công ty lữ hành hoặc các đơn vị từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thiết kế. Do đó, họ chưa hiểu đầy đủ và sâu sắc những sản phẩm du lịch tại địa phương.

Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, tại VQG Bù Gia Mập, các năm qua Vườn đã đầu tư xây dựng được 8 phòng khách đáp ứng nơi lưu trú và sinh hoạt cho du khách, đã xây dựng được bản đồ du lịch sinh thái của Vườn và triển khai các tour du lịch theo yêu cầu của du khách. Vườn đã xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá du lịch sinh thái và tuyên truyền giáo dục môi trường. Các tuyến du lịch chưa có điểm nhấn, cảnh quan sinh thái mang tính hoang sơ nhưng còn thiếu những điều kiện phục vụ. Chưa có giải pháp cụ thể để mời gọi đầu tư riêng cho lĩnh vực du lịch. Việc tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như quảng bá du lịch trên mạng internet chưa cao. Các hoạt động xã hội hóa về du lịch, phát triển du lịch cộng đồng giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của môi trường du lịch tự nhiên, du lịch nhân văn chưa được đẩy mạnh, các cấp ngành chưa thật sự đánh giá đúng tầm về giá trị vô hình của tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.

4.4. Những thách thức

Nguồn vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các cơ sở lưu trú còn hạn chế, cần có cơ chế thích hợp để tăng cường liên kết, liên doanh với các tổ chức và cá nhân để tăng cường nguồn vốn đầu tư. Nhận thức của các cộng đồng dân cư địa phương về tầm quan trọng của phát triển du lịch trong sự phát triển bền vững. Do vậy, cần tăng cường các hoạt động tập huấn, tham quan trao đổi, học tập kinh nghiệm cho các cán bộ nhân viên làm công tác du lịch.

Các biện pháp xây dựng và quản lý các hoạt động phải đảm bảo có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường và các chức năng khác của khu rừng.

Các hoạt động du lịch sinh thái cần đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, bảo tồn hệ động vật và thực vật hoang dã, phòng chống cháy rừng và bảo vệ an ninh chính trị trật tự xã hội ở vùng biên giới. Vì vậy, việc phối hợp với các cộng đồng dân cư địa phương và các lực lượng bảo vệ luật pháp ở trong nước và nước bạn rất cần được quan tâm.

Phần III

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp.

Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên cơ sở đảm bảo các chức năng của khu rừng, gắn liền các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển kinh tế của địa phương. Bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc sử dụng tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng một cách hợp lý là cơ sở để tổ chức các dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường bền vững.

Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên cơ sở hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa bản sắc, dân tộc và các di tích lịch sử. Các chương trình, hoạt động du lịch hợp lý, không vượt quá khả năng chịu tải của hệ sinh thái, kiến trúc của các công trình xây dựng cần hài hòa với cảnh quan rừng, tránh xây dựng các công trình kiên cố với quy mô lớn gây mất rừng, không làm đảo lộn cảnh quan tự nhiên của khu rừng. Phát huy bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân cư ở địa phương, tạo sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.

Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng dân cư địa phương vào các hoạt động du lịch sinh thái, phát triển dựa trên cơ sở nguồn lực về tài nguyên, cảnh quan, nhân lực và tài chính của các đơn vị chủ rừng nhưng cần tăng cường liên doanh, liên kết, để phát huy nguồn lực về tài chính và kinh nghiệm của các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước. Đồng thời, hình thành mạng lưới cộng tác từ các cộng đồng dân cư thuộc các xã ở vùng đệm, nhằm phát huy các giá trị văn hóa và ẩm thực địa phương.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, phát triển nhanh và bền vững ngành lâm nghiệp; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng; góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số và giữ vững quốc phòng, an ninh.

Phát huy những giá trị về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, môi trường rừng, tài nguyên đa dạng sinh học, các giá trị về văn hóa để cung cấp các sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, học tập, tham quan, nghiên cứu khoa học, góp phần giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường. Chia sẻ lợi ích đối với người dân địa phương, tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2.2. Mục tiêu cụ thể

(a) Đến năm 2025

Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có được bảo vệ nghiêm ngặt; từng bước giải quyết, xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trên địa bàn tỉnh; tập trung nâng cao chất lượng rừng bằng các biện pháp lâm sinh; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng.

Giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần[5]/đơn vị diện tích so với năm 2020. Giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ đạt 12.778 tỷ đồng[6].

Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 71,7% (tỷ lệ che phủ của rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) là 22,8% và tỷ lệ che phủ của cây lâu năm là 48,9%).

100% các Ban Quản lý rừng có tiềm năng về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí hoàn thành việc lập Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng. Thông qua các hình thức tự tổ chức thực hiện, liên doanh liên kết và cho thuê môi trường rừng để kêu gọi/chuẩn bị đầu tư được 07[7] dự án đầu tư về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí. Kết nối/lồng ghép các tuyến du lịch nội tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước theo các tuyến đường Quốc lộ 14, ĐT 741, Quốc lộ 13, đặc biệt là tuyến du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan, nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Bình Phước.

(b) Đến năm 2030

Tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có; nâng cao chất lượng rừng bằng các biện pháp lâm sinh.

Giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 02,0 lần[8]/đơn vị diện tích so với năm 2020. Giá trị xuất khẩu ngành chế biến gỗ là 29.571 tỷ đồng.

Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm khoảng 65% (tỷ lệ che phủ của rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) khoảng 21% và tỷ lệ che phủ của cây lâu năm khoảng 44%).

Tiếp tục triển khai có hiệu quả quản lý rừng bền vững tại 100% các đơn vị chủ rừng theo phương án đã được phê duyệt. Xúc tiến, kêu gọi đầu tư được 12[9] dự án về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, xây dựng mới cơ sở hạ tầng theo hướng chất lượng cao, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của du khách.

Phần IV

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ và giải pháp

1.1. Triển khai đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch, đề án

(a) Triển khai đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch, đề án

Trên cơ sở quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiến hành rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; đối với những diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác phải thực hiện nghiêm theo quy định tại Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ.

Xây dựng quy hoạch phát triển rừng trồng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, chức năng của các khu rừng. Công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cây công nghiệp, lâm nghiệp để tận dụng mọi nguồn lực từ Nhân dân và xã hội. Cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, đề án khi phát sinh chồng chéo, bất cập.

Triển khai quy hoạch ổn định đất lâm nghiệp: Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; theo đó, diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Bình Phước được quy hoạch đến năm 2025 là 156.828 ha (đất rừng đất dụng là 31.348 ha, đất rừng phòng hộ là 43.090 ha và đất rừng sản xuất là 82.390 ha) giảm 14.818,4 ha so với năm 2021; Đến năm 2030 là 147.547 ha (đất rừng đất dụng là 31.348 ha, đất rừng phòng hộ là 43.090 ha và đất rừng sản xuất là 73.019 ha) giảm 9.371 ha so với năm 2025.

Các Ban Quản lý rừng đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2023 theo hướng dẫn của Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Căn cứ các chỉ tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng, hằng năm các Ban Quản lý rừng xây dựng kế hoạch triển khai Phương án cụ thể.

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và PTNT; các đơn vị chủ rừng.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện, thị xã.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

(b) Quy hoạch và kêu gọi đầu tư các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí

Triển khai xây dựng Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng về cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa của từng khu rừng. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng, sau khi đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xúc tiến kêu gọi đầu tư các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí[10], gồm:

(i) Đối với Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập)

Trên cơ sở các tiềm năng và lợi thế về tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa xã hội và di tích lịch sử VQG Bù Gia Mập hướng tới các nhóm sản phẩm du lịch chính, gồm:

- Du lịch trải nghiệm, đây là loại hình du lịch hướng tới các nhóm khách ưa thích vẻ đẹp hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên hữu tình và không bị đô thị hóa.

- Du lịch khám phá sinh thái rừng, đây là sản phẩm du lịch đặc trưng và quan trọng nhất trong VQG Bù Gia Mập với các loại du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch kết hợp nghiên cứu sinh vật.

(ii) Đối với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh)

Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh) với các sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử; du lịch về nguồn; du lịch tâm linh; du lịch dã ngoại và tham quan động vật hoang dã tại Công viên safari Tà Thiết và các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí.

(iii) Đối với Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long)

Tại Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long) với các sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phương pháp Đông y, trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm, chơi gôn.

(iv) Đối với Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng)

Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng) làm động lực phát triển với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestays gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng; du lịch tham quan, khám phá các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam và thế giới thu nhỏ gắn với trải nghiệm khinh khí cầu.

(v) Đối với Khu du lịch sinh thái tại huyện Bù Đốp

Khu du lịch sinh thái tại huyện Bù Đốp thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp quản lý và một phần thuộc lòng hồ thủy điện Cần Đơn, nơi đây được xem phong cảnh “Sơn - Thủy hữu tình”, với các tiềm năng thế mạnh, các sản phẩm du lịch bao gồm:

- Du lịch sinh thái với các loại du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch kết hợp nghiên cứu sinh vật khám phá các sinh cảnh rừng và trên mặt hồ Cần Đơn.

- Du lịch thể thao, mạo hiểm (dã ngoại, leo núi, bơi thuyền), đây là loại hình du lịch hướng tới các nhóm khách ưa thích vẻ đẹp hoang sơ, cảnh quan thiên nhiên hữu tình và không bị đô thị hóa.

- Du lịch tham quan di tích lịch sử, đây là loại hình giúp du khách tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc, tự hào về truyền thống của ông cha ta.

- Du lịch văn hóa, loại hình du lịch này sẽ giúp du khách tìm hiểu về những nét đặc sắc của nền văn hóa tại địa phương, kết hợp giao lưu với người địa phương, tham quan và tìm hiểu các lễ hội văn hóa với việc sử dụng các nhạc cụ âm nhạc.

- Du lịch nghỉ dưỡng nhằm phục hồi sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

(vi) Đối với Khu du lịch sinh thái rừng Mã Đà (huyện Đồng Phú)

Khu du lịch sinh thái rừng Mã Đà thuộc các khoảnh 3, 4, 5, 6, 7, 8 - tiểu khu 379, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước với quy mô diện tích là 524,7 ha; Các hạng mục có tiềm năng đầu tư du lịch như:

- Các dịch vụ du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái rừng.

- Các hoạt động vui chơi giải trí gắn với hệ sinh thái rừng.

- Trồng cây gia vị, cây dược liệu, cây hương liệu lâu năm.

- Các dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, homestay, nhà hàng.

- Khu chăn nuôi động vật: Ngựa, hươu, nai, các loài chim...

(vii) Đối với Khu du lịch sinh thái thác Đăk Mai 1 (huyện Bù Gia Mập)

Khu du lịch sinh thái thác Đăk Mai 1 (huyện Bù Gia Mập) với các sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, homestays gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng.

* Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

* Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các huyện, thị xã; các doanh nghiệp lữ hành; các đơn vị chủ rừng và đơn vị thuê môi trường rừng.

* Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

(c) Quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ

Triển khai đồng bộ, có tính liên ngành và chia sẻ thông tin về tiến độ triển khai các quy hoạch, đề án như quy hoạch sử dụng đất, Đề án Phát triển công nghiệp chế biến (trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm), Đề án Phát triển công nghiệp nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, trên địa bàn tỉnh cần phải quy hoạch ổn định các vùng nguyên liệu với quy mô diện tích khoảng 5.000 ha tại lâm phần do Công ty CP SX XD TM Nông nghiệp Hải Vương quản lý (tiểu khu: 220, 281, 283, 285, 291, 292...), lâm phần do Ban Quản lý RPH Đắk Mai quản lý (tiểu khu: 33, 36, 37, 112, 114, 117, 118...), lâm phần do Ban Quản lý RPH Bù Đăng quản lý (tiểu khu: 190, 191, 197, 199, 202...).

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023-2025.

1.2. Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng

(a) Quản lý, bảo vệ rừng

Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành và chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp nhằm quản lý số liệu hiện trạng rừng, dịch vụ môi trường rừng, chứng nhận FSC theo từng đơn vị hành chính và chủ quản lý; cung cấp bản đồ cảnh báo mất rừng và bản tin cảnh báo mất rừng; tăng cường năng lực giám sát, kịp thời cập nhật sự thay đổi rừng và đất lâm nghiệp cho các lực lượng chuyên trách.

Ứng dụng công nghệ số tiên tiến để đánh giá diện tích, chất lượng rừng, dự báo cháy rừng làm cơ sở quản lý, giám sát những biến động về tài nguyên rừng.

Kiện toàn lại tổ chức, bộ máy hệ thống chủ rừng phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước và của tỉnh theo hướng: sắp xếp các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; rà soát, sắp xếp, hợp nhất Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết vào Ban Quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh thành 01 Ban Quản lý rừng; chuyển giao diện tích đất lâm nghiệp các Hạt Kiểm lâm đang quản lý về cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế về công tác quản lý, bảo vệ rừng, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi. Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng.

Thường xuyên kiểm tra các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, bị phá, khai thác lâm sản trái pháp luật. Chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống cháy, chữa cháy và sạt lở đất rừng để hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng.

Kiên quyết bảo vệ nghiêm ngặt giữ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; nâng cao chất lượng rừng bằng các biện pháp lâm sinh; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng.

Quy định các đơn vị tổ chức các hoạt động du lịch phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật về quản lý rừng và các quy định liên quan trong suốt quá trình triển khai. Nghiêm cấm tất cả các hành vi xâm hại đến hệ sinh thái rừng.

Cấp chứng chỉ rừng: Thúc đẩy hoạt động cấp chứng chỉ rừng cho các đơn vị chủ rừng Nhà nước, tư nhân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 68.568 ha (trong diện tích trong quy hoạch 03 loại rừng là 16.375 ha; ngoài quy hoạch 03 loại rừng (do các Công ty Cao su quản lý) là 52.192 ha) đạt tỷ lệ 30,59% trên diện tích đơn vị đang quản lý. Giai đoạn 2026 - 2030 đạt 82.464 ha (trong diện tích quy hoạch 03 loại rừng 30.232 ha; ngoài quy hoạch 03 loại rừng (do các công ty Cao su quản lý) là 52.232 ha) đạt tỷ lệ 36,79 % trên diện tích đơn vị đang quản lý.

(b) Phát triển rừng

Nhằm tăng chất lượng rừng tự nhiên hiện có, tăng chất lượng, năng suất rừng trồng sau khai thác và trồng lại bằng những chủng loại cây giống chất lượng và trồng rừng trên những diện tích đất chưa có rừng góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, các giải pháp lâm sinh được đề xuất gồm:

- Làm giàu rừng tự nhiên: Đối tượng là rừng phục hồi có cây gỗ đạt chiều cao tham gia vào tán rừng với số lượng dưới 400 cây/ha hoặc cây tái sinh mục đích đạt chiều cao trên 01 m với số lượng cây dưới 500 cây/ha. Cây gỗ và cây tái sinh mục đích phân bố không đều trên toàn bộ diện tích. Áp dụng nội dung làm giàu rừng theo đám ở những nơi có khoảng trống từ 1.000 m2 đến dưới 3.000 m2.

- Trồng và chăm sóc rừng trồng mới trên đất chưa có rừng: Đối tượng là đất trống (DT1), đất chưa có rừng vùng bán ngập, đất xâm canh thuộc đối tượng bị thu hồi, cây trồng được lựa chọn ở đây là cây lâm nghiệp bản địa, cây Keo lai, đối với vùng bán ngập loài cây chủ yếu là Gáo nước.

- Trồng cây phân tán: Hằng năm, triển khai có hiệu quả trên cơ sở đề án “Một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021.

Đẩy mạnh trồng rừng vùng bán ngập, rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng lại rừng sau khai thác, trồng cây phân tán, lựa chọn các loài cây bản địa, cây đặc hữu để trồng bổ sung, làm giàu rừng tránh mang các loại cây ngoại lai gây ảnh hưởng xấu, phát sinh sâu bệnh hại rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.

(c) Sử dụng rừng và dịch vụ môi trường rừng

Xây dựng các phương án bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc khai thác, sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ.

Khai thác có hiệu quả các giá trị của rừng thông qua các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp với di tích lịch sử, văn hóa bản sắc dân tộc.

Dịch vụ môi trường rừng đã được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng trong việc tạo cơ chế và nguồn thu quan trọng cho các hoạt động phát triển rừng. Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của rừng trong việc cung cấp giá trị gián tiếp như bảo vệ môi trường, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, bảo vệ vùng đầu nguồn, lưu vực các dòng sông, bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ về sinh thái, nghỉ dưỡng...

Định hướng phát triển dịch vụ môi trường rừng trong thời kỳ 2021-2030 được xác định như sau:

- Tiếp tục phát huy tối đa vai trò, tác dụng của rừng trong việc cung cấp các giá trị về môi trường như bảo vệ môi trường; hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, bảo vệ vùng đầu nguồn, lưu vực các dòng sông; giảm nhẹ thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan...

- Tập trung ưu tiên triển khai thực hiện giá trị dịch vụ môi trường của rừng về bảo vệ vùng đầu nguồn, bảo vệ đất, chống xói mòn.

- Triển khai rộng rãi các loại hình cung cấp dịch vụ môi trường rừng mới như dịch vụ hấp thụ các-bon, dịch vụ hệ sinh thái rừng.

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị chủ rừng.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thị xã.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên

1.3. Bảo vệ môi trường

Thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng của các tổ chức, cá nhân phát triển du lịch trong phạm vi của khu rừng và có kế hoạch giám sát và đánh giá dài hạn để đảm bảo giảm thiểu được các tác động tới môi trường từ khi lập kế hoạch, đầu tư và phát triển du lịch.

Thực hiện tốt và tăng cường kiểm tra công tác giữ gìn trật tự, an ninh, vệ sinh môi trường tại các điểm, tuyến du lịch và các khu vực thuê môi trường rừng; xử lý nghiêm các hành động gây rối, làm mất an toàn cho người và tài sản của khách du lịch. Hướng dẫn nhà đầu tư xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

Thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải với phương châm “xanh, sạch, đẹp” trong khu du lịch; hướng dẫn khách du lịch thực hiện các nội quy của khu du lịch sinh thái; hạn chế tối đa việc sử dụng đồ dùng như một lần; bảo đảm an toàn cho du khách, yêu cầu du khách ý thức bảo vệ môi trường.

Phải xây dựng phương án quản lý rác thải và nước thải cho tất cả các điểm, tuyến du lịch và có biện pháp thu gom và xử lý theo đúng quy định. Phải sử dụng công nghệ hiện đại để xử lý nước thải, chất thải để không gây ô nhiễm và đầu tư công cụ, máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng một cách hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.

Hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tuân thủ các quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh môi trường, thải bỏ chất thải đúng nơi quy định, hạn chế phát sinh chất thải nhựa, giữ gìn vệ sinh công cộng, không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật rừng.

- Đơn vị chủ trì: Các đơn vị chủ rừng và đơn vị thuê môi trường rừng.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, thị xã.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

1.4. Huy động các nguồn lực để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch

(a) Nguyên tắc sử dụng nguồn vốn

Vốn ngân sách Nhà nước: Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, quy định Nhà nước bảo đảm ngân sách đầu tư cho các hoạt động bảo vệ phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như: Phát triển rừng (trồng, chăm sóc, làm giàu rừng); Mua sắm trang thiết bị phục vụ bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và PCCCR; Kiểm kê, theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; điều tra, kiểm kê rừng.

Nguồn vốn từ tiền dịch vụ môi trường rừng: Được chi trả cho các hoạt động, tỷ lệ theo quy định của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Vốn huy động hợp pháp, xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng, liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí: Đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu vực hợp đồng thuê môi trường như nhà nghỉ mini, nhà dịch vụ, khu vui chơi giải trí, hệ thống đường trục, đường dạo, bãi đỗ xe, hệ thống cấp nước, thu gom và xử lý rác thải ... Kêu gọi đầu tư để thúc đẩy các cơ sở chế biến, chế biến sâu nhằm thúc đẩy thương mại chế biến lâm sản và lâm sản ngoài gỗ. Kêu gọi vốn đầu tư cho các hoạt động phát triển bền vững, hiệu quả các vùng nguyên liệu là thế mạnh của tỉnh.

Vốn hợp pháp khác (gồm: vốn hỗ trợ các tổ chức quốc tế, vốn trồng rừng thay thế, vốn khác): Huy động các nguồn vốn viện trợ của các tổ chức nước ngoài để đầu tư cho công tác bảo tồn và phát triển lâm nghiệp bền vững. Đối với các dự án phát triển vùng đệm kêu gọi vốn viện trợ và đầu tư của các nước và tổ chức quốc tế. Sử dụng vốn trồng rừng thay thế để phục vụ công tác phát triển rừng.

(b) Nhiệm vụ và giải pháp huy động vốn

Các đơn vị chủ rừng căn cứ nguyên tắc sử dụng nguồn vốn như trên và các phương án, đề án đã được phê duyệt để hằng năm xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với nguồn vốn ngân sách); quảng bá, xúc tiến đầu tư để kêu gọi hợp tác/liên danh hoặc cho thuê môi trường rừng đối với các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và thúc đẩy các cơ sở chế biến gỗ.

- Đơn vị chủ trì: Đơn vị chủ rừng đối với các hoạt động du lịch sinh thái; Sở Công Thương đối với các hoạt động thúc đẩy các cơ sở chế biến gỗ.

- Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và truyền thông, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030.

1.5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Hằng năm, tổ chức tập huấn, diễn tập phòng, chống cháy rừng, cập nhật các kiến thức mới về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho lực lượng quản lý các cấp và người trực tiếp bảo vệ rừng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (viễn thám, bản đồ, cơ sở dữ liệu), các phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý rừng. Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm về công tác giữ rừng nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ ngành lâm nghiệp có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cao, tâm huyết với nghề.

Hoàn thiện và củng cố các phòng/trung tâm về cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái tại các đơn vị chủ rừng. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp (các chứng chỉ chuyên ngành về du lịch) và nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, nguồn nhân lực địa phương.

Xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu và tình trạng phát triển DLST theo từng giai đoạn. Cử cán bộ đi học nghiệp vụ về quản lý kinh doanh, hướng dẫn du lịch tại các cơ sở đào tạo chính quy để có kiến thức tạo cơ sở phát triển hoạt động DLST của đơn vị chủ rừng.

Phối hợp với các đơn vị thuê môi trường rừng tổ chức hỗ trợ các chương trình, nội dung về đào tạo nguồn nhân lực theo phương thức “học trong công việc”. Xúc tiến các chương trình đào tạo và bồi dưỡng về bảo tồn đa dạng sinh học, nghiệp vụ du lịch, kỹ năng về du lịch , ngoại ngữ..., phù hợp với nội dung, chương trình và kế hoạch đào tạo theo yêu cầu phát triển du lịch của chủ rừng.

Thúc đẩy các đơn vị thuê môi trường rừng thu hút, tuyển dụng lao động địa phương tham gia lao động của doanh nghiệp để từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch, giúp người dân hiểu được giá trị của việc bảo vệ rừng để có sinh kế và thu nhập, hình thành loại hình du lịch có sự tham gia của cộng đồng.

Tổ chức các khóa đào tạo cho cộng đồng và các bên liên quan đến cung ứng dịch vụ (nhà hàng, cơ sở lưu trú ở địa phương). Các khóa đào tạo, bồi dưỡng tập trung vào những kỹ năng: dịch vụ lưu trú, vệ sinh và bảo vệ môi trường, phục vụ khách ăn uống, chế biến món ăn, tiếng Anh cơ bản, giao tiếp với khách du lịch, kỹ năng hướng dẫn, sơ cấp cứu cơ bản...

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và PTNT; các đơn vị chủ rừng và đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Doanh nghiệp lữ hành; Trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành đào tạo về lâm nghiệp, du lịch.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

1.6. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư

Tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành; trong đó, chú trọng xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái theo các quy định của Trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng nhằm ổn định và nâng cao thu nhập; tăng cường đầu tư kinh phí để các đơn vị chủ rừng thực hiện các nội dung, kế hoạch phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thông quan tại các cửa khẩu, thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách quốc tế, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư lĩnh vực du lịch.

Rà soát, bổ sung các chính sách đầu tư hạ tầng, các dịch vụ lưu trú, đầu tư hình thành các tuyến, tour du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Đơn vị phối hợp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị chủ rừng, các nhà đầu tư.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Triển khai rộng rãi các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp: chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Phước; chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Bình Phước và chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước... để kêu gọi đầu tư các dự án nhà máy chế biến lâm sản và lâm sản ngoài gỗ, kêu gọi xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh.

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đơn vị phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị chủ rừng, các nhà đầu tư.

1.7. Tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch

Tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch trên địa bàn tỉnh bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng cáo du lịch, sản phẩm du lịch. Phát huy và nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài tỉnh, sự đóng góp của các doanh nghiệp và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền quảng bá du lịch.

- Đơn vị chủ trì: Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước và các đơn vị chủ quản các khu, điểm du lịch.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

2. Khái toán kinh phí thực hiện Đề án

Khái toán nhu cầu vốn thực hiện Đề án được dựa trên cơ sở: (i) Tổng hợp từ các Phương án quản lý rừng bền vững của các Ban Quản lý rừng đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt (vốn này bao gồm đầu tư cho các hạng mục bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư các công trình lâm sinh); (ii) Và nguồn vốn kêu gọi đầu tư (xã hội hóa) để đầu tư các dự án DLST nghỉ dưỡng, giải trí và các cơ sở chế biến gỗ và LSNG. Tổng nhu cầu vốn là 2.756.827 triệu đồng, trong đó:

- Phân theo tiến độ thực hiện: Giai đoạn 2021-2025 là 1.189.393 triệu đồng và giai đoạn 2026-2030 là 1.567.433 triệu đồng.

- Phân theo nguồn vốn: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 719.959 triệu đồng; nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng là 377.426 triệu đồng; nguồn vốn huy động, xã hội hóa là 1.448.985 triệu đồng và nguồn vốn hợp pháp khác là 210.456 triệu đồng.

Phần V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án có hiệu quả, đúng tiến độ.

Trong quý I năm 2024, tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, đồng thời chủ động triển khai thực hiện kế hoạch có hiệu quả.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức công bố Đề án; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Đề án.

Tham mưu tổng hợp dự toán kinh phí hoạt động hằng năm thực hiện Đề án gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

Làm đầu mối và phối hợp với các đơn vị liên quan, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án. Tham mưu thực hiện sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Đề án.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tích hợp các nội dung của Đề án vào các chương trình, kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chủ trì trong việc xây dựng các tuyến, tour du lịch trên địa bàn tỉnh và trình UBND tỉnh công nhận làm cơ sở triển khai.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch cụ thể hóa các nội dung Đề án, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quảng bá về Đề án.

Tổ chức quảng bá, xúc tiến, giới thiệu hình ảnh và các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và hình thành các tour, điểm du lịch, trong đó có quan tâm tới mảng du lịch sinh thái.

Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy những nội dung có liên quan đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì và phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất đai đủ cho nhu cầu quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ.

Chủ trì giám sát tác động của việc kinh doanh du lịch sinh thái tác động tới môi trường trong quá trình thi công và vận hành các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

4. Sở Kế hoạch và đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành; trong đó, chú trọng xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái theo các quy định của Trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.

5. Sở Tài chính

Hàng năm, cân đối, phân bổ ngân sách thực hiện Đề án đối với những nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách theo quy định hiện hành; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chính sách về tài chính có liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Công Thương

Chủ trì lập danh mục kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp chế biến gỗ và hàng năm lập danh mục xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chế biến gỗ.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường trong lập quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ.

7. Sở Khoa học và công nghệ

Chủ trì, nghiên cứu chọn những giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao, năng suất, phù hợp với điều kiện lập địa của địa phương; ứng dụng công nghệ trong các giai đoạn trồng, chăm sóc và chế biến gỗ và LSNG.

Nghiên cứu các loài cây dược liệu dưới tán rừng làm cơ sở nhân rộng các mô hình hiệu quả kinh tế, không làm ảnh hưởng tới chức năng của rừng.

8. Sở Nội vụ

Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật, chủ trương của Tỉnh ủy và tình hình thực tế tại địa phương.

9. Hội Nông dân tỉnh

Tuyên truyền, phổ biến cho các hội viên, nông dân hiểu biết và nắm được các nội dung và kế hoạch triển khai của Đề án làm cơ sở vận dụng, triển khai đồng bộ.

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Căn cứ vào nội dung Đề án, chủ động kiện toàn tổ chức bộ máy, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng quản lý tốt tài nguyên rừng; đảm bảo an ninh trật tự.

Chủ động lồng ghép việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương.

11. Các đơn vị chủ rừng

Xây dựng và hoàn thiện Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí đến năm 2030. Các nội dung của Đề án phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lồng ghép các nội dung của Đề án với các hoạt động của Phương án quản lý rừng bền vững, tổ chức sử dụng, huy động các nguồn vốn có hiệu quả.

Xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí thông qua các hình thức tự đầu tư, liên danh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng.

Hằng năm, xây dựng kế hoạch thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tổng kết, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án được lồng ghép với các chương trình, dự án, nhiệm vụ do đơn vị thực hiện.

12. Các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí có trách nhiệm quản lý và bảo vệ môi trường, cảnh quan môi trường rừng khi tham gia các dự án nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch của Đề án./.



[1] Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[2] Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”

[3] Quyết định số 2860/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021.

[4] Quyết định số 1828/QĐ-BNN-TCLN ngày 11/8/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2010.

[5] Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[6] Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”

[7] 7 dự án: Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), Khu di tích lịch sử căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng Miền Nam (huyện Lộc Ninh), Khu di tích lịch sử, văn hóa núi Bà Rá (thị xã Phước Long), Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng), Khu du lịch sinh thái tại huyện Bù Đốp, Khu du lịch sinh thái rừng Mã Đã (huyện Đồng Phú), Khu du lịch sinh thái thác Đăk Mai 1 (huyện Bù Gia Mập).

[8] Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[9] Kêu gọi đầu tư thêm 5 dự án tại: Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), Khu di tích lịch sử, văn hóa núi Bà Rá (thị xã Phước Long), Khu du lịch sinh thái tại huyện Bù Đốp, Khu du lịch sinh thái rừng Mã Đã (huyện Đồng Phú), Khu du lịch sinh thái thác Đăk Mai 1 (huyện Bù Gia Mập).

[10] Trình tự các bước triển khai dự án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng tại phụ lục 1.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 08/QĐ-UBND ngày 02/01/2024 phê duyệt "Đề án Quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


33

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.133.214
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!