ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/2019/QĐ-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 06 tháng 05 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP VÀ THẨM QUYỀN XÁC ĐỊNH HỒ SƠ XỬ PHẠT VI PHẠM
HÀNH CHÍNH CÓ NỘI DUNG PHỨC TẠP, PHẠM VI RỘNG, ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP
PHÁP CỦA NHIỀU CÁ NHÂN, TỔ CHỨC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành
chính ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 97/2017/NĐ-CP
ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ;
Căn cứ khoản 17 Điều 3 Thông tư số
19/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân
sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm
hành chính;
Căn cứ Nghị quyết số
27/2017/NQ-HĐND ngày 11/10/2017 của HĐND tỉnh Đắk Lắk quy định nội dung và một
số mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm
hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư
pháp tại Tờ trình số 19/TTr-STP ngày 25 tháng 3 năm 2019.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quyết định này quy định về các trường
hợp và thẩm quyền xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành
chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến
quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh (sau đây
gọi là hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính phức tạp).
2. Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính
phức tạp là cơ sở để người có thẩm quyền xác định chi hỗ trợ cho cán bộ, công
chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt
vi phạm hành chính.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. UBND các cấp; cơ quan chuyên môn
thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện; cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh
giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
2. Quyết định này không áp dụng đối với
các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc; cán bộ, công chức làm công
tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành
chính tại các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn
tỉnh.
Điều 3. Nguyên tắc
áp dụng
1. Cán bộ, công chức được phân công trực tiếp làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ
sơ xử phạt vi phạm hành chính phức tạp lập đề nghị chi hỗ trợ khi đảm bảo được
một trong các điều kiện sau:
a) Hồ sơ xử phạt
vi phạm hành chính do đơn vị, địa phương xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp
có thẩm quyền xử lý đã thi hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính
trong hồ sơ vụ vi phạm hành chính;
b) Hồ sơ xử phạt
vi phạm hành chính liên quan đến công tác kiểm tra, thanh tra công tác thi hành
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã có kết luận kiểm
tra hoặc kết luận thanh tra của cơ quan thẩm quyền;
c) Giám đốc Sở Tư pháp hoặc Trưởng
phòng Tư pháp cấp huyện đã ban hành văn bản trả lời, nhận
xét, cho ý kiến pháp lý đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính liên quan.
2. Cơ sở để chi hỗ trợ là xác nhận của
người có thẩm quyền xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính phức tạp trên cơ
sở đề nghị thanh toán của cán bộ, công chức được phân công trực tiếp làm công
tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
3. Chỉ thực hiện chi hỗ trợ 01 lần đối
với 01 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính phức tạp cho cán bộ, công chức được
phân công trực tiếp làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong
hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính tại cơ quan, đơn vị sau:
a) Cơ quan của người có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử
phạt vi phạm hành chính;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì
thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi
phạm hành chính;
c) Cơ quan thực hiện nhận xét, cho ý
kiến pháp lý đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 4. Hồ sơ xử
phạt vi phạm hành chính phức tạp
1. Các từ ngữ quy định trong khoản 2
Điều này được hiểu như sau:
a) Nhiều tình tiết phức tạp là
trường hợp có từ hai tình tiết phức tạp trở lên trong một vụ vi phạm hành
chính;
b) Nhiều tổ chức, cá nhân là
trường hợp có từ hai tổ chức hoặc hai cá nhân trở lên hoặc trường hợp vừa có tổ
chức, vừa có cá nhân trong một vụ vi phạm hành chính;
c) Nhiều hành vi vi phạm hành
chính là trường hợp có từ hai hành vi vi phạm hành chính trở lên trong một
vụ vi phạm hành chính.
2. Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính
phức tạp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hồ sơ thuộc trường hợp một người
thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau hoặc
hồ sơ thuộc trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong cùng một
ngành mà một trong các hành vi đó vượt quá thẩm quyền của người xử phạt theo
quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
b) Hồ sơ thuộc trường hợp vi phạm
hành chính do nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành
chính hoặc thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một
vụ vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 67 Luật Xử lý
vi phạm hành chính;
c) Hồ sơ do cơ quan tiến hành tố tụng
hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án
hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ
điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án và chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền
xử phạt vi phạm hành chính đề nghị xử phạt vi phạm hành
chính theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
d) Hồ sơ thuộc trường hợp thời hạn ra
quyết định xử phạt vi phạm hành chính tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản
vi phạm hành chính; hoặc hồ sơ vụ việc thuộc trường hợp phải gia hạn thời hạn
ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng không được quá 30 ngày theo quy
định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
đ) Hồ sơ thuộc trường hợp vụ vi phạm
hành chính đã công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo
quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
e) Hồ sơ thuộc trường hợp đã tổ chức
định giá hoặc giám định tang vật, phương tiện vi phạm hành chính từ hai lần trở lên để phục vụ cho việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành
chính hoặc có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn cần có thời gian kiểm tra, xác minh
đánh giá hoặc tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn liên quan;
g) Hồ sơ thuộc trường hợp không ra
quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a,
b, c, d khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng đã ra quyết định tịch
thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc đã nộp một khoản tiền tương
đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước có giá trị từ
25.000.000 đồng trở lên;
h) Hồ sơ thuộc trường hợp không ra
quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý
vi phạm hành chính, nhưng đã ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp
khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành
chính.
Điều 5. Thẩm quyền
xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính phức tạp
1. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc
UBND tỉnh, UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã xác định đối với hồ sơ xử phạt
vi phạm hành chính do người có thẩm quyền tại đơn vị, địa phương ban hành quyết
định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền
ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
2. Người được giao nhiệm vụ trưởng
đoàn hoặc chủ trì thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính xác định đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành
chính phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp luật về xử
lý vi phạm hành chính.
3. Giám đốc Sở Tư pháp xác định đối với
hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính khi Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu
hoặc Thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cấp
tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện đề nghị; Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện xác định
đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính khi Chủ tịch UBND
cấp huyện yêu cầu hoặc Thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị.
Điều 6. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Sở Tư pháp tổ chức triển
khai, hướng dẫn thực hiện Quyết định này; trong quá trình thực hiện nếu có vướng
mắc, phát sinh, các đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp)
để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.
2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng
các sở, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã; các cơ
quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 17 tháng 5 năm 2019.
Nơi nhận:
- Như khoản 2 Điều 6;
- Website Chính phủ;
- Cục KTVBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Sở Tư pháp; Sở TT&TT;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Website tỉnh, Công báo tỉnh;
- Báo Đắk Lắk, Đài PT&TH tỉnh;
- Các phòng thuộc VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC (S_70b).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Ngọc Nghị
|