Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tư vấn học sinh cơ sở giáo dục phổ thông

Số hiệu: 11/2024/TT-BGDĐT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Phạm Ngọc Thưởng
Ngày ban hành: 18/09/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Ngày 18/9/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

Mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Theo đó, chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập bao gồm 03 hạng sau đây:

- Viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số: V.07.07.24.

- Viên chức tư vấn học sinh hạng II - Mã số: V.07.07.23.

- Viên chức tư vấn học sinh hạng I - Mã số: V.07.07.22.

Đồng thời, tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập như sau:

- Chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành;

- Trung thực, khách quan, có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Giữ gìn phẩm chất, đạo đức, danh dự, uy tín của viên chức; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp và học sinh;

- Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; biết lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, bảo mật thông tin cá nhân và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của học sinh;

- Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của pháp luật.

Ngoài tiêu chuẩn chung về đạo đức, quy định mới cũng đã quy định các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cụ thể đối với từng hạng.

Quy định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Theo đó, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh thực hiện như sau:

- Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) đối với viên chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm viên chức tư vấn học sinh và đáp ứng yêu cầu về tập sự theo quy định hoặc công chức, viên chức khác đang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

- Viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng III lên hạng II hoặc công chức, viên chức khác có ngạch, hạng tương đương chuyển sang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

- Viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng II lên hạng I hoặc công chức, viên chức khác có ngạch, hạng tương đương chuyển sang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.

Xem chi tiết tại Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 04/11/2024.

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2024/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ XẾP LƯƠNG VIÊN CHỨC TƯ VẤN HỌC SINH TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VÀ TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT CÔNG LẬP

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập, bao gồm: trường tiểu học; trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học; trường trung học phổ thông chuyên; trường phổ thông dân tộc nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường, lớp dành cho người khuyết tật (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông công lập).

2. Thông tư này áp dụng đối với viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

3. Trường hợp các cơ sở giáo dục khác (ngoài các cơ sở giáo dục được quy định tại khoản 1 Điều này) được cấp có thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm viên chức tư vấn học sinh thì được áp dụng các quy định tại Thông tư này để thực hiện.

4. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể áp dụng quy định tại Thông tư này để thực hiện.

Điều 2. Mã số chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh bao gồm:

1. Viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số: V.07.07.24.

2. Viên chức tư vấn học sinh hạng II - Mã số: V.07.07.23.

3. Viên chức tư vấn học sinh hạng I - Mã số: V.07.07.22.

Điều 3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp

1. Chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành;

2. Trung thực, khách quan, có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Giữ gìn phẩm chất, đạo đức, danh dự, uy tín của viên chức; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp và học sinh;

3. Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; biết lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, bảo mật thông tin cá nhân và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của học sinh;

4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của pháp luật.

Chương II

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

Điều 4. Viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số V.07.07.24

1. Nhiệm vụ

a) Tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tư vấn học sinh của nhà trường; báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định;

b) Quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác tư vấn học sinh;

c) Thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khi gặp vấn đề khó khăn về nhận thức, cảm xúc, hành vi và các mối quan hệ xã hội ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất;

d) Chủ trì phối hợp với giáo viên, nhân viên trong nhà trường, các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường để tổ chức đánh giá, rà soát phòng ngừa và thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh (bao gồm cả tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm hay tư vấn tập thể) thông qua các hình thức tư vấn trực tiếp, tư vấn gián tiếp hoặc trực tuyến;

đ) Phối hợp với giáo viên trong các hoạt động giáo dục học sinh liên quan đến công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh;

e) Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ;

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành hoặc ngành sau: Tâm lý học; Công tác xã hội; Xã hội học; Đào tạo giáo viên phù hợp với cấp học;

b) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Hiểu biết về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành đối với công tác tư vấn học sinh;

b) Có khả năng tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh của nhà trường theo kế hoạch;

c) Nhận biết được đặc điểm tâm lý, sinh lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; nhận biết được các hình thức xâm hại, bạo lực học đường và thực hiện thành thạo các kỹ năng phân tích, đánh giá mức độ tổn thương và mức độ nguy cơ;

d) Có khả năng xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn nhằm phòng ngừa, bảo vệ học sinh khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực học đường góp phần hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất;

đ) Có hiểu biết về kiến thức pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh để áp dụng thực hiện trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng ứng xử sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác;

e) Có khả năng phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh.

Điều 5. Viên chức tư vấn học sinh hạng II - Mã số V.07.07.23

1. Nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của viên chức tư vấn học sinh hạng III, viên chức tư vấn học sinh hạng II còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

a) Hỗ trợ đồng nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động tư vấn học sinh;

b) Tham gia tổ chức bôi dường, tập huấn hoặc tham gia đánh giá, thẩm định tài liệu, học liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn viên chức tư vấn học sinh do cấp huyện, sở, ban, ngành cấp tỉnh trở lên tổ chức.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành hoặc ngành sau: Tâm lý học; Công tác xã hội; Xã hội học; Đào tạo giáo viên phù hợp với cấp học;

b) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Biết vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành vào trong công tác tư vấn học sinh;

b) Chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh của nhà trường;

c) Hiểu biết đặc điểm tâm lý, sinh lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; nhận diện được các dấu hiệu xâm hại, bạo lực học đường và thực hiện được các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp;

d) Có khả năng xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn nhằm phòng ngừa, bảo vệ học sinh khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực học đường góp phần hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất;

đ) Nắm vững kiến thức về pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh để áp dụng thực hiện trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác;

e) Chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh.

4. Kết quả thi đua và thời gian giữ hạng

a) Được công nhận là lao động tiên tiến hoặc được nhận giấy khen cấp huyện, sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc có thành tích cao hơn;

b) Viên chức được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng. Trường hợp có thời gian tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III thì thời gian giữ hạng viên chức tư vấn học sinh hạng III tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng.

Điều 6. Viên chức tư vấn học sinh hạng I - Mã số V.07.07.22

1. Nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của viên chức tư vấn học sinh hạng II, viên chức tư vấn học sinh hạng I còn phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp trường trở lên (nếu có);

b) Chủ trì xây dựng các nội dung bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức mới chuyên sâu có liên quan đến công tác tư vấn học sinh hoặc tham gia đánh giá, thẩm định tài liệu, học liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn viên chức tư vấn học sinh do cấp huyện, sở, ban, ngành cấp tỉnh trở lên tổ chức;

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành hoặc ngành sau: Tâm lý học; Công tác xã hội; Xã hội học; Đào tạo giáo viên phù hợp với cấp học;

b) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành về công tác tư vấn học sinh;

b) Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn học sinh;

c) Hiểu và nắm vững đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; nhận diện được các dấu hiệu xâm hại, bạo lực học đường và thực hiện được các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp;

d) Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật và vận dụng kiến thức mới vào trong công tác tư vấn học sinh. Có khả năng giám sát chuyên môn cho học sinh thực hiện tư vấn, hỗ trợ ngoài nhà trường;

đ) Có khả năng vận dụng, triển khai những kiến thức pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác;

e) Có khả năng đề xuất phương thức kết nối, phối hợp chuyên môn với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh.

4. Kết quả thi đua và thời gian giữ hạng

a) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc được nhận bằng khen cấp tỉnh trở lên do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II;

b) Viên chức được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng. Trường hợp có thời gian tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II thì thời gian giữ hạng viên chức tư vấn học sinh hạng II tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng.

Chương III

BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

Điều 7. Nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh

1. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh phải căn cứ vào quy định tại Thông tư này và vị trí việc làm, nhiệm vụ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.

2. Khi bổ nhiệm từ ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định của Thông tư này không được kết hợp nâng bậc lương.

Điều 8. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

1. Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) đối với viên chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm viên chức tư vấn học sinh và đáp ứng yêu cầu về tập sự theo quy định hoặc công chức, viên chức khác đang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này;

2. Viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng III lên hạng II hoặc công chức, viên chức khác có ngạch, hạng tương đương chuyển sang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

3. Viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) khi được xác định là người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng II lên hạng I hoặc công chức, viên chức khác có ngạch, hạng tương đương chuyển sang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

Điều 9. Xếp lương

1. Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), cụ thể như sau:

a) Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

b) Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

c) Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 (nhóm A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

2. Việc chuyển xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp và trường hợp khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh viên chức tư vấn học sinh đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

2. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm:

a) Rà soát đề án vị trí việc làm, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;

b) Trường hợp quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương theo thẩm quyền phân cấp thi báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý theo quy định về kết quả bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh.

3. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục phổ thông công lập có trách nhiệm:

a) Phê duyệt phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thuộc phạm vi quản lý; giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thuộc phạm vi quản lý;

b) Quyết định theo thẩm quyền hoặc phân cấp việc quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo thẩm quyền;

c) Báo cáo kết quả bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thuộc phạm vi quản lý về cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

d) Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho viên chức tư vấn học sinh và bảo đảm chế độ, chính sách khi tham gia bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 11 năm 2024.

2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới đó.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Ủy ban VHGD của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bộ trưởng;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Công báo;
- Website của Chính phủ;
- Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục NGCBQLGD (10 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Ngọc Thưởng

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT ngày 18/09/2024 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.435

DMCA.com Protection Status
IP: 3.14.143.149
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!