ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/CT-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
05 tháng 4 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG SỐT RÉT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Theo thông tin của Bộ Y tế,
tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương có số ca mắc sốt rét khá cao, nhất
là tại huyện Khánh Vĩnh. Hiện nay tình hình bệnh sốt rét vẫn đang diễn biến phức
tạp, trong Quý I năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 52 bệnh nhân sốt rét, chiếm 60,5%
số mắc của cả nước.
Để tăng cường công tác
phòng, chống sốt rét, tiến tới loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Chủ
tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như
sau:
1. Sở
Y tế
- Là cơ quan đầu mối, chủ
trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương có liên quan chủ động
xây dựng triển khai kế hoạch; theo dõi, giám sát, tình hình diễn biến dịch để kịp
thời tham mưu các phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo không để bệnh bùng phát
thành dịch, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
- Chủ trì và phối hợp với
Sở Thông tin và Truyền thông, các đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng (báo,
đài) đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong cộng
đồng dân cư về nguy cơ, tác hại cũng như các biện pháp phòng ngừa bệnh theo hướng
ngắn gọn, dễ hiểu để người dân đồng thuận, tích cực bảo vệ sức khỏe cho bản
thân, góp phần phòng, chống và loại trừ sốt rét trong cộng đồng.
- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là
huyện Khánh Vĩnh chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tham
mưu Chủ tịch UBND cấp huyện triển khai các nhiệm vụ cụ thể về công tác truyền
thông, thu dung, điều trị cũng như giám sát diễn biến tình hình bệnh sốt rét tại
địa phương để có các giải pháp can thiệp phù hợp.
- Xây dựng dự toán kinh
phí phòng, chống bệnh sốt rét, bảo đảm chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao,
sẵn sàng tiếp nhận điều trị triệt để các trường hợp mắc sốt rét.
- Theo dõi sát diễn biến
tình hình sốt rét và đánh giá kết quả triển khai các biện pháp can thiệp; xác định
điểm nóng, khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét để tập trung triển khai các
biện pháp phòng, chống và kiểm soát hiệu quả; rà soát, củng cố, đẩy mạnh hoạt động
của hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là y tế xã, y tế thôn, bản.
- Định kỳ hàng tuần (trước
16 giờ 00, thứ Năm), gửi báo cáo tình hình phòng, chống bệnh sốt rét về UBND tỉnh
(qua Văn phòng UBND tỉnh).
2. Sở
Thông tin và truyền thông
- Phối hợp với Sở Y tế hướng
dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông
tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống sốt rét bằng nhiều hình
thức và phù hợp với người dân, nhất là các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sốt
rét cao.
- Phối hợp với ngành Y tế
đặt hàng Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa để thực hiện chuyên trang,
chuyên mục về sức khỏe trên kênh KTV.
3. Sở
Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Sở Y tế và
các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến
thức về phòng, chống bệnh sốt rét cho giáo viên, học sinh, sinh viên; khuyến
khích học sinh tham gia các hoạt động phòng, chống sốt rét tại cộng đồng; thông
báo kịp thời cho cơ quan y tế về các trường hợp mắc sốt rét trong trường học.
4. Sở
Tài chính
Thẩm định và tham mưu bố
trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để phòng, chống bệnh sốt rét theo đúng quy
định.
5. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chỉ đạo các đơn vị trực
thuộc hạn chế người dân vào các khu bảo tồn, các lâm phần do các đơn vị kiểm
lâm quản lý.
- Tuyên truyền, phổ biến
kiến thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt rét cho cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động có công việc phải thường xuyên vào rừng.
6.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông
- Chủ động làm việc với
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức tuyên
truyền cho cán bộ, công chức, người lao động các biện pháp phòng, chống bệnh sốt
rét trong quá trình thi công các công trình tại các huyện miền núi, vùng có sốt
rét lưu hành.
- Khi có nhân viên nghi
nhiễm bệnh sốt rét đề nghị chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi quản
lý, điều trị theo quy định.
- Cung cấp vật tư, trang
thiết bị các biện pháp phòng bệnh cá nhân cho người lao động trực tiếp làm việc
tại các công trình trong vùng lưu hành sốt rét.
7.
UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo thực hiện quyết
liệt công tác phòng, chống bệnh sốt rét trên địa bàn quản lý.
- Theo dõi diễn biến tình
hình bệnh sốt rét trên địa bàn, kịp thời có các biện pháp chỉ đạo phù hợp; kiểm
tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo công tác phòng, chống sốt rét tại địa phương.
8.
UBND huyện Khánh Vĩnh
- Thành lập, kiện toàn
Ban Chỉ đạo phòng, chống và loại trừ sốt rét cấp huyện, cấp xã, tăng cường công
tác chỉ đạo hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét từ tuyến huyện đến tuyến
xã (thành lập các tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt rét tại cộng
đồng ở tất cả các khu vực dân cư trên địa bàn có ca bệnh sốt rét gia tăng và mở
rộng ở các địa bàn trong trường hợp nguồn lực đảm bảo).
- UBND huyện Khánh Vĩnh
và UBND các xã, thị trấn tổ chức cho hộ gia đình ký cam kết thực hiện các hoạt
động phòng chống sốt rét; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban
Chỉ đạo phụ trách theo dõi từng địa bàn và có báo cáo kết quả hàng tuần; huy động
sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội ở tuyến
huyện, tuyến xã.
- Tập trung chỉ đạo quyết
liệt công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét, thường xuyên tổ chức đánh giá
tình hình mắc bệnh sốt rét tại địa phương, đề ra những biện pháp phù hợp nhằm ứng
phó kịp thời với tình hình diễn biến của bệnh. Có những giải pháp thích hợp để
tiếp cận, tư vấn và xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét đối với người đi rừng,
ngủ rẫy, người đi/đến từ vùng dịch sốt rét, người có nguy cơ sốt rét.
- Kiểm tra, đôn đốc, chấn
chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng, chống và loại trừ
sốt rét tại các xã, thị trấn trên địa bàn, nhất là những nơi có chỉ số mắc sốt
rét lưu hành tăng cao, diễn biến phức tạp.
- Tăng cường công tác
tuyên truyền, truyền thông cho các đối tượng nguy cơ và người dân vùng sốt rét
lưu hành. Vận động người dân tích cực tham gia phòng, chống sốt rét tại địa
phương (thực hiện ngủ màn đã được tẩm hóa chất cả ở nhà và khi đi ngủ trong rừng/rẫy;
khi bị mắc sốt rét thì đến cơ sở y tế để được khám và điều trị bệnh kịp thời; sử
dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị). Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào
việc thông tin diễn biến tình hình bệnh trên địa bàn; cách phòng, chống, phát
hiện bệnh và trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng, chống sốt rét.
- Chỉ đạo các phòng, ban,
đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các
cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn.
- Định kỳ hàng tuần báo
cáo tình hình mắc bệnh sốt rét về UBND tỉnh (thông qua Sở Y tế) để theo dõi, chỉ
đạo kịp thời.
9. Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Phối hợp với ngành Y tế
thực hiện tuyên truyền, vận động và phổ biến kiến thức cho hội viên, người dân
về bệnh sốt rét và các biện pháp phòng, chống bệnh chủ động.
- Phối hợp hỗ trợ hội viên,
người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét, vệ sinh môi trường
xung quanh nhà để phòng chống bệnh chủ động.
- Tuyên truyền, vận động
và phổ biến kiến thức cơ bản về bệnh sốt rét và các biện pháp phòng, chống bệnh
chủ động.
Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện chỉ
thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCTUBND tỉnh;
- UB MTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Đài PT&TH Khánh Hòa;
- Báo Khánh Hòa;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Các phòng chuyên môn;
- Lưu: VT, NN.
|
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Văn Thiệu
|