THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1497/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 9 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI PHONG TRÀO THI ĐUA ĐẶC BIỆT “CẢ NƯỚC ĐOÀN KẾT,
CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG THI ĐUA PHÒNG, CHỐNG VÀ CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH COVID-19”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thi
đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6
năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Phong
trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống
và chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT, Vụ KGVX;
- Lưu: VT, TCCV (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Phạm Minh Chính
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI PHONG TRÀO THI ĐUA ĐẶC BIỆT “CẢ NƯỚC ĐOÀN KẾT, CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG THI
ĐUA PHÒNG, CHỐNG VÀ CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH COVID-19”
(Kèm theo Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng
Chính phủ)
Thực hiện Kết luận số 07-KL/TW
ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường
công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết
số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của
kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 86/NQ-CP
ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch
bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15
của Quốc hội khóa XV và hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại
dịch COVID-19 ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày
14 tháng 8 năm 2021, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Thi
đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước
đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch
COVID-19” (sau đây viết tắt là “Phong trào thi đua”). Để Phong trào thi đua được
triển khai rộng khắp, đạt hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức
thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập
trung cao nhất mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 với
phương châm “phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường
xuyên”, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống đại dịch COVID-19,
vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống,
sức khỏe nhân dân.
b) Đề cao tinh thần thi đua, khuyến khích sáng tạo,
phát huy sáng kiến huy động mọi nguồn lực, đề xuất các giải pháp và biện pháp
trên mọi lĩnh vực để đẩy lùi dịch bệnh, hạn chế thiệt hại về người, tài sản.
c) Tổ chức phong trào thi đua với nội dung, hình thức
phong phú, phù hợp, thiết thực nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí
tự lực, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và tinh thần
quốc tế cao đẹp, động viên, lôi cuốn các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân
tích cực chủ động tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19.
2. Yêu cầu
a) Phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, đồng
bộ từ trung ương đến cơ sở, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức đoàn thể, các đơn vị và doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đảm bảo
thiết thực, hiệu quả.
b) Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen
thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, các mô
hình tiêu biểu, những cách làm hay trong công tác phòng, chống đại dịch
COVID-19.
II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các bộ,
ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hưởng ứng, triển khai
các phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề, nội dung phù hợp, tạo động lực
khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia thi đua đẩy lùi sự
bùng phát của dịch bệnh, duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh,
bảo đảm an sinh và an toàn xã hội; chăm lo đời sống, sức khỏe nhân dân, tập
trung thi đua thực hiện các nội dung chủ yếu sau:
1. Thi đua thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết,
Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc
hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt mạnh mẽ và hiệu quả các giải pháp, tập
trung mọi nguồn lực để kiểm soát tốt hơn đại dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe,
tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Đề cao vai trò, trách nhiệm của
người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo,
điều hành, thực hiện các nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác
phòng, chống đại dịch.
2. Thi đua phát huy sáng kiến, giải pháp ổn định sản
xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, xuất nhập khẩu... thúc đẩy tăng năng suất
lao động và hiệu quả công tác, huy động các nguồn lực phục vụ công tác phòng,
chống đại dịch, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã
hội đất nước.
3. Thi đua đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm
lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính
sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu
thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, cụ thể
hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, nhất là ở vùng có
dịch vượt qua khó khăn trong đại dịch.
4. Thi đua giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc
phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi
tình huống; chủ động đấu tranh với các thế lực phản động, thù địch trong và
ngoài nước lợi dụng tình hình đại dịch để gây rối, chống phá.
5. Thi đua triển khai hiệu quả, an toàn Chiến lược
vắc xin phòng COVID-19 nhằm đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Đẩy mạnh hợp tác quốc
tế trong phòng, chống đại dịch, trong hoạt động “ngoại giao vắc xin”, tiếp cận
bình đẳng trong cung cấp vắc xin, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống, các
tổ chức quốc tế có tiềm lực về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng y khoa
trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vắc xin. Thi đua xây dựng, hoàn thiện cơ chế,
chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản
xuất vắc xin trong nước.
6. Thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; tuyên truyền sâu rộng để người
dân hiểu, tin tưởng, thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch do Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp triển khai.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Nhằm tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ,
với tinh thần “triệu trái tim, một ý chí”, các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần thi đua
yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt các giải pháp
sau:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng,
sinh động, phù hợp với các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 và những
yêu cầu nghiêm ngặt trong phòng, chống đại dịch để nâng cao nhận thức, ý thức
người dân; cổ vũ mọi người dân thi đua chấp hành tốt các quy định của chính quyền
các cấp; phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, sẵn
sàng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn với tinh thần “mỗi người dân là một chiến
sĩ’, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”.
2. Các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn
vị, doanh nghiệp căn cứ đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ
thể phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, siết chặt kỷ luật, kỷ
cương, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực và khả năng cho công tác phòng, chống dịch.
Phát động, triển khai phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, hình thức
phù hợp, thiết thực để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, quyết tâm cao
hơn nữa trong hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận của
toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển
khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường
công tác tuyên truyền, giáo dục; mở các chuyên trang, chuyên mục biểu dương
gương người tốt, việc tốt và các mô hình tiêu biểu vừa phát triển kinh tế, vừa
chống dịch hiệu quả, những cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch để
nhân rộng những giá trị tốt đẹp nhất của từng con người, cộng đồng và cả dân tộc,
tạo sức lan tỏa rộng khắp, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin tất thắng vào “cuộc
chiến” chống đại dịch của đất nước. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm
về phòng, chống dịch.
4. Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các
cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp làm tốt, những cá nhân tiêu biểu
trong phòng, chống đại dịch. Tập trung phát hiện khen thưởng cán bộ, chiến sĩ,
công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại
tuyến đầu; các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ
công tác phòng, chống dịch và các tập thể, cá nhân có ý tưởng mới, sáng tạo
tham gia tuyên truyền cổ vũ, động viên, trợ giúp hiệu quả công tác phòng, chống
đại dịch.
5. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Hội đồng
Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và Hội đồng Thi
đua - Khen thưởng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân công rõ trách
nhiệm cho các thành viên trong quá trình chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc,
giám sát việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua ở các lĩnh vực, địa bàn cụ
thể.
IV. TIÊU CHÍ THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC,
TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG
1. Tiêu chí thi đua:
Các đơn vị từ trung ương đến cơ sở, trong các cơ
quan Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể
thi đua thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống đại dịch COVID-19, thực
hiện tốt biện pháp 5K và các tiêu chí thi đua cụ thể sau:
- Các bộ, ban, ngành thi đua thực hiện tốt, hoàn
thành xuất sắc các nhiệm vụ phòng, chống đại dịch COVID-19 được Ban Chấp hành
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
giao. Năng động, sáng tạo, theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế, chủ động
phân tích, đánh giá, dự báo, đề xuất các phương án, kịch bản ứng phó, các giải
pháp tổng thể, đồng bộ để tham mưu kịp thời cho Đảng, Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ; chủ động chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hỗ trợ theo
ngành, lĩnh vực được giao để phòng, chống đại dịch hiệu quả.
- Cấp ủy và chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm
nêu gương, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đẩy mạnh
phòng, chống tham nhũng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống
chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chủ động, sáng tạo, linh
hoạt, áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống đại dịch phù hợp, thi đua thực
hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an toàn phòng,
chống đại dịch; kiểm soát tốt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, dập dịch triệt để
bên trong, thần tốc xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 khoa học,
an toàn cho nhân dân, thực hiện tốt chiến lược 5K + vắc xin và thuốc, các biện
pháp công nghệ, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể
thi đua đồng hành cùng Chính phủ và các ngành, các địa phương trong công tác
phòng, chống đại dịch COVID-19, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia,
giám sát và thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch.
- Các lực lượng chống dịch ở tuyến đầu: cán bộ,
nhân viên y tế, quân đội, công an, nhà báo, đội tình nguyện... tiếp tục thi
đua, thể hiện ý chí “chân cứng đá mềm”, nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, tận tâm,
tận lực với công việc, phục vụ đồng bào, đồng thời bảo đảm an toàn chống dịch.
- Các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc các thành phần
kinh tế phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, cùng đồng lòng, đoàn kết,
thể hiện ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức thi
đua vừa chống dịch, vừa duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, chăm lo việc
làm, đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động, thực hiện “an toàn để sản
xuất, sản xuất phải an toàn”; đồng hành cùng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương
phòng, chống đại dịch COVID-19.
- Các tầng lớp nhân dân thi đua chấp hành tốt các
quy định của chính quyền về phòng, chống đại dịch, nhất là những nơi phong tỏa,
cách ly, phải thực hiện nghiêm ngặt người cách ly với người, ai ở đâu thì ở đó
để ngăn chặn nguồn lây; hành động có trách nhiệm vì bản thân, gia đình, cộng đồng
và xã hội; đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm đẩy lùi và
chiến thắng đại dịch.
- Các cơ quan truyền thông, báo chí thi đua thực hiện
tốt công tác tuyên truyền thông tin tới người dân một cách kịp thời, chính xác,
hiệu quả về tình hình và các biện pháp phòng, chống đại dịch, góp phần tạo niềm
tin, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân
trong phòng, chống đại dịch.
2. Hình thức và tiêu chuẩn khen thưởng
a) Hình thức khen thưởng:
- Huân chương Lao động;
- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc;
- Huân chương Chiến công;
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- Bằng khen cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể
Trung ương;
b) Tiêu chuẩn khen thưởng:
Căn cứ thành tích trong công tác phòng, chống dịch
Covid-19, việc xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được
thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa
phương căn cứ nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức Phong trào
thi đua thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19,
vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống,
sức khỏe nhân dân.
2. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và
mọi tầng lớp nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học... ở trong và ngoài nước tiếp tục
có nhiều đề xuất sáng tạo, chung tay, góp sức, chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ
và các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban
Tuyên giáo Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan truyền thông trong cả nước đẩy
mạnh tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm
sáng tạo trong Phong trào thi đua.
4. Giao Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung
ương) chủ trì, hướng dẫn khen thưởng tổng kết, đánh giá đối với Phong trào thi
đua; phối hợp với Bộ Y tế triển khai, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch
này báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực
tiễn theo đề nghị của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng
Trung ương) chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định./.