HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 29/NQ-HĐND
|
Điện Biên,
ngày 22 tháng 8 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
KẾT QUẢ GIÁM SÁT “VIỆC
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND TỈNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG
THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương,
ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính
quyền địa phương, ngày 22 tháng 11
năm 2019; Luật Hoạt động giám sát
của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 156/BC-HĐND
ngày 5 tháng 8 năm 2021 của Đoàn giám sát về “Việc triển khai thực hiện Nghị
quyết của HĐND tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai
đoạn 2016 - 2020”; ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành báo cáo kết quả giám sát chuyên đề: “Việc
triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên” với một số nội dung
chủ yếu sau:
1. Kết quả đạt được: Trong giai đoạn
2016-2020, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự hướng dẫn
của các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên luôn
quan tâm chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả
chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện
các nội dung xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng có tác động tích
cực đến đời sống xã hội, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ và người
dân. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân đạt 11,86 tiêu chí/xã, vượt
0,56 tiêu chí/xã so với mục tiêu Nghị quyết; không còn xã dưới 05 tiêu chí, đạt
so với mục tiêu Nghị quyết, nhờ đó, diện mạo nông thôn 114[1] xã của tỉnh đã khởi sắc, nhất là hệ thống giao
thông nông thôn. Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao
động nông thôn được chú trọng. Mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình
thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ
rệt, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhận thức của người dân được thay đổi đã
tích cực tham gia hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí... để thực hiện chương
trình; an ninh trật tự địa bàn nông thôn được đảm bảo; hệ thống chính trị cơ sở
được tăng cường, quản lý xã hội ngày càng dân chủ; vai trò người dân là chủ thể
chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng rõ nét. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có
37 xã đạt chuẩn và cơ bản chuẩn nông thôn mới, đạt 105,71% so với Nghị quyết,
trong đó, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Hạn chế, vướng mắc: Chất lượng đạt
chuẩn nông thôn mới, một số tiêu chí, chỉ tiêu nghị quyết đạt thấp. Quy hoạch
nông thôn mới cấp xã được phê duyệt đã lâu nên một số nội dung không còn phù
hợp với điều kiện phát triển KTXH hiện tại, nhưng chưa rà soát, điều chỉnh, bổ
sung. Công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng NTM tại một số địa phương, cơ
sở có lúc, có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả, chưa tạo thành phong trào rộng
khắp; nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về xây dựng nông thôn mới chưa
đầy đủ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Chính sách huy động vốn và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp,
nông thôn chưa tạo được động lực thu hút đối với các doanh nghiệp, tổ chức và
người dân tham gia đầu tư nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Việc áp dụng cơ
chế đặc thù trong thực hiện đầu tư các công trình thuộc nguồn vốn Chương trình
MTQG xây dựng nông thôn mới theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của
Chính phủ còn nhiều khó khăn, hạn chế đối với các xã ở các huyện nghèo vùng
cao. Công tác quản lý đầu tư, năng lực thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án
đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở cấp xã chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, việc lựa
chọn nhà thầu theo hình thức các tổ, nhóm thợ thi công gặp nhiều khó khăn về kỹ
thuật, tài chính, máy móc thiết bị thi công theo yêu cầu gói thầu. Nhiều xã còn
lúng túng trong việc lựa chọn mô hình sản xuất, tạo sản phẩm OCOP mang lại hiệu
quả kinh tế cao, các sản phẩm OCOP được công nhận có quy mô nhỏ, thị trường
tiêu thụ trong và ngoài tỉnh còn hạn chế.
3. Nguyên nhân chủ yếu: Điện Biên
là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn chia cắt, dân cư sống
phân tán, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến phong
trào xây dựng nông thôn mới. Một số cấp ủy, chính quyền
địa phương, cơ sở và một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về mục tiêu, ý
nghĩa, nội dung chương trình, chưa chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức
thực hiện. Việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở chưa thường xuyên của
các cơ quan chuyên môn. Công tác
đào tạo phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế, cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp chủ yếu là kiêm nhiệm; năng
lực còn hạn chế; sau đại hội kiện toàn cán bộ mới chưa nắm được nội dung,
phương pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới.
4. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, các sở, ngành:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo),
Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công thương, Sở Thông tin truyền thông, Sở Lao động
Thương binh và xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường, Liên
minh Hợp tác xã và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã trên địa bàn
tỉnh.
Điều 2. Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông
thôn mới, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành theo chức năng,
nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc các kiến nghị đã nêu trong báo cáo giám sát và
thống nhất tổ chức thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát đánh giá, hướng dẫn cơ sở cấp xã thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn
mới, chỉ đạo điều tra thu nhập hằng năm trên địa bàn tỉnh.
2. Tập trung đầu tư đối với các xã
khó khăn, xã biên giới mà chỉ tiêu còn thấp (dưới 10 tiêu chí).
3. Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động
để triển khai thực hiện Chương trình; làm tốt công tác huy động, lồng ghép các
nguồn lực đầu tư, động viên khuyến khích nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
4. Tập trung phát triển sản phẩm OCOP
gắn với lợi thế về chất lượng, thị trường, phát huy vai trò cộng đồng, đẩy mạnh
sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và
kinh tế nông thôn. Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
và có chính sách hỗ trợ để duy trì, phát triển sản phẩm OCOP.
5. Đổi mới công tác tuyên truyền về
xây dựng NTM; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán
bộ làm công tác XDNTM, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung các nghề
thế mạnh của địa phương, cơ sở.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo
quy định của pháp luật.
2. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND,
Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. HĐND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt
Nam tỉnh và các Đoàn thể chính trị xã hội quan tâm phối hợp theo dõi, giám sát
việc thực hiện Nghị quyết.
4. Đề nghị HĐND các huyện, thị xã,
thành phố giám sát thường xuyên đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên
địa bàn.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh
Điện Biên khóa XV, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 18 tháng 8 năm 2021./.