Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 266/QĐ-TTg 2025 thực hiện Tuyên bố toàn cầu chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch

Số hiệu: 266/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Minh Chính
Ngày ban hành: 12/02/2025 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 266/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2025

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TUYÊN BỐ TOÀN CẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI ĐIỆN THAN SANG NĂNG LƯỢNG SẠCH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lựcLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;

Căn cứ Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050;

Căn cứ Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Bộ Công Thương tại Tờ trình số 8000/TTr-BCT ngày 09 tháng 10 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam,
Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
- Các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: KTTH, QHĐP, QHQT;
- Lưu: VT, CN (2)

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN TUYÊN BỐ TOÀN CẦU VỀ CHUYỂN ĐỔI ĐIỆN THAN SANG NĂNG LƯỢNG SẠCH
(Kèm theo Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp; huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đốt kèm nhiên liệu sạch để giảm dần phát thải trong các nhà máy nhiệt điện than; đưa ra lộ trình dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than đã hết đời sống kinh tế, công nghệ cũ; đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, bảo đảm cung cấp đủ điện, ổn định, chất lượng ngày càng cao với giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn đến năm 2030

- Nghiên cứu thí điểm lắp đặt hệ thống thu gửi các-bon cho nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ, hiệu suất thấp.

- Xem xét dừng hoạt động khoảng 540 MW (NMNĐ Phả Lại, công suất 440 MW và NMNĐ Ninh Bình, công suất 100 MW) nếu các nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế, công nghệ cũ, hiệu suất thấp không giải quyết cải thiện được vấn đề hiệu suất và phát thải.

- Nghiên cứu, thí điểm áp dụng công nghệ đốt kèm nhiên liệu sinh khối, amoniac tại các nhà máy nhiệt điện than để giảm phát thải CO2. Khuyến khích các nhà máy điện than đốt kèm và chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối, amoniac.

- Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện) đạt khoảng 29,2 - 37,7%.

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia.

- Phấn đấu hoàn thành đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong khoảng 5 năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển và bảo vệ môi trường.

b) Giai đoạn 2031 - 2040

- Kiên quyết dừng hoạt động các nhà máy điện than có hiệu suất thấp, đã hết đời sống kinh tế, công nghệ cũ và không có khả năng cải tạo.

- Không cấp phép và xây dựng mới nhà máy nhiệt điện than. Khuyến khích các nhà máy nhiệt điện than chuyển đổi nhiên liệu sang đốt kèm hoặc thay thế hoàn toàn bằng nhiên liệu sinh khối, amoniac. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than sang đốt kèm nhiên liệu sinh khối hoặc amoniac sau 20 năm vận hành với tỷ lệ đốt kèm bắt đầu từ 20%, tăng dần dần lên 100%.

- Ban hành cơ chế, chính sách, hỗ trợ áp dụng rộng rãi nếu thí điểm có hiệu quả hệ thống thu giữ các bon cho các nhà máy điện than.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, nâng cao tính tự chủ của ngành điện.

- Tập trung phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong nước để tăng độc lập tự chủ, giảm giá thành.

c) Giai đoạn 2041 - 2050

(i) Đến năm 2045:

- Phát triển các nguồn điện sạch tối thiểu 1.160MW thay thế để bù vào các nguồn điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia để xem xét dừng hoạt động khoảng 1.160 MW[1] nhiệt điện than đối với các nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế (nếu không chuyển đổi nhiên liệu).

- Tiếp tục thực hiện chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy điện than sau 20 năm vận hành sang đốt kèm sinh khối, amoniac với tổng công suất 18.642 MW; chuyển hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện than sang sinh khối, amoniac với tổng công suất 6.990 MW.

(ii) Đến năm 2050:

- Phát triển đủ các nguồn điện sạch thay thế để bù vào các nguồn điện với công suất tối thiểu 3.335MW, đảm bảo cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia để xem xét dừng hoạt động khoảng 3.335 MW[2] nhiệt điện than đối với các nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế (nếu không chuyển đổi nhiên liệu hoặc lắp đặt hệ thống thu giữ cac bon).

- Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh khối, amoniac với tổng công suất 25.632 - 28.832 MW; lắp đặt hệ thống thu giữ các bon cho các nhà máy điện than.

d) Giai đoạn từ năm 2050

Định hướng không sử dụng nhiên liệu than cho sản xuất điện.

II. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP

1. Về chính sách, pháp luật

- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch bảo đảm công bằng, bình đẳng, theo hướng có lợi cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch.

- Hoàn chỉnh các chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và các quy định khác có liên quan để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển điện lực.

- Triển khai các biện pháp để loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện.

2. Về kỹ thuật, công nghệ

- Nghiên cứu, áp dụng công nghệ, kỹ thuật để đốt kèm nhiên liệu sinh khối, amoniac trong các nhà máy điện than, tiến tới chuyển đổi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp.

- Nghiên cứu, làm chủ công nghệ và ứng dụng hệ thống thu giữ các bon (CCS) cho các nhà máy điện than; công nghệ tái sử dụng các bon.

- Nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật mới trong vận hành hệ thống điện đảm bảo an toàn khi chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch.

- Từng bước áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành sử dụng nhiều điện; hạn chế sử dụng các thiết bị cũ, hiệu suất thấp trong sản xuất và sử dụng năng lượng.

- Phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng các bon, sản xuất các thiết bị và pin lưu trữ cho năng lượng tái tạo, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi kết hợp nuôi trồng hải sản xa bờ.

- Tập trung phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong nước, bao gồm chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, v.v... để tăng độc lập tự chủ của ngành điện và nền kinh tế, giảm giá thành.

- Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống lưới điện theo hướng tạo thuận lợi cho việc kết nối nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo nhằm tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng này trong quá trình chuyển đổi.

3. Về tài chính, nguồn vốn

- Huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, nhà nước và tư nhân để đảm bảo nguồn tài chính thực hiện kế hoạch.

- Tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ từ các nước, tổ chức quốc tế, cơ chế đa phương (Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng “0” (AZEC),…) cho thực hiện cam kết tại COP26 và Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

- Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

4. Về nhân lực

- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về quản lý, khoa học và kỹ thuật cho thực hiện kế hoạch chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

- Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ, công nhân của các nhà máy nhiệt điện than; các chương trình tạo sinh kế cho những người và cộng đồng chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của quá trình chuyển đổi; chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo để tiến tới làm chủ về công nghệ, phát triển các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thiết bị phục vụ các dự án năng lượng tái tạo trong nước và hướng tới xuất khẩu.

- Hợp tác đào tạo đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, phát triển ngành công nghiệp thu hồi, lưu trữ và sử dụng các bon để phục vụ mục tiêu về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

- Lồng ghép hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng.

5. Về hợp tác quốc tế

- Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài để: tiếp thu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; nâng cao năng lực quản lý, xây dựng các chính sách, quy định liên quan; huy động tối đa nguồn hỗ trợ tài chính theo quy định.

- Mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ điện lực và năng lượng tái tạo. Tăng cường tham gia vào các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài trong việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài cho phát triển lĩnh vực năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng.

6. Về chuyển dịch công bằng và đảm bảo an sinh xã hội

- Nghiên cứu, đánh giá tác động của việc chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch để xây dựng chương trình hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng đảm bảo công bằng, bình đẳng, theo hướng có lợi cho các đối tượng này.

- Tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng quỹ an sinh đảm bảo đời sống cho người lao động bị ảnh hưởng.

III. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành; nguồn xã hội hóa; nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân; nguồn tài trợ và ODA quốc tế; cơ chế đa phương (Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng “0” (AZEC),...); nguồn từ các quỹ và các định chế tài chính trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và khả năng cân đối vốn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công Thương

- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà máy điện than chuyển đổi nhiên liệu sạch hoặc lắp đặt hệ thống thu giữ các bon đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra.

- Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm nguồn hỗ trợ từ các nước, tổ chức quốc tế cho thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

- Định kỳ 5 năm thực hiện việc sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, điều chỉnh kế hoạch phù với thực tế phát triển ngành năng lượng của thế giới.

- Đánh giá tác động của việc thực hiện chuyển dịch năng lượng nói chung, nhà máy điện than nói riêng đến giá điện đến thời điểm năm 2030 và 2045 để có lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

2. Bộ Tài chính

Cân đối, bố trí kinh phí chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và khả năng cân đối của ngân sách trung ương.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trên thế giới cho việc chuyển đổi nhiên liệu than sang đốt kèm sinh khối, amoniac; làm chủ công nghệ và ứng dụng hệ thống thu giữ các bon (CCS) trong các nhà máy nhiệt điện than; công nghệ tái sử dụng các bon.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, sản xuất, phân phối, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; làm chủ công nghệ chế tạo các thiết bị lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ năng lượng tiên tiến, thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam... thông qua các Chương trình Khoa học và Công nghệ.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có xét đến việc xây dựng, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với các bộ, ngành địa phương nghiên cứu, đánh giá về tác động của việc thực hiện tuyên bố toàn cầu đối với tổ chức, người lao động trong lĩnh vực liên quan để đề xuất phương án, chương trình đảm bảo chuyển đổi công bằng, theo hướng có lợi cho các đối tượng này, đảm bảo an sinh xã hội.

5. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than

- Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng nhiên sạch của các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo hiệu quả kinh tế của nhà máy; xây dựng phương án dừng hoạt động khi nhà máy điện than đã hết đời sống kinh tế mà không thể thực hiện chuyển đổi nhiên liệu hoặc thu giữ cacbon đáp ứng yêu cầu.

- Nghiên cứu, xây dựng giải pháp đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện khi chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhà máy nhiệt điện than

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn.

- Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả triển khai Kế hoạch trên địa bàn, báo cáo Bộ Công Thương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan

Thực hiện nhiệm vụ được giao theo Phụ lục danh mục các nhiệm vụ trọng tâm ban hành kèm theo Kế hoạch này.

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
(Kèm theo Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian hoàn thành

I

Nhóm nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách

1

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Bộ Công Thương

Các bộ, ngành liên quan

2027

2

Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo.

Bộ Công Thương

Các bộ, ngành liên quan

2027

3

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế để các Nhà máy nhiệt điện than BOT chuyển đổi nhiên liệu sang nhiên liệu ít phát thải.

Bộ Công Thương

Các bộ, ngành liên quan

2027

4

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ áp dụng rộng rãi nếu thí điểm có hiệu quả hệ thống thu giữ các bon cho các nhà máy điện than.

Bộ Công Thương

Các bộ, ngành liên quan

2031 - 2040

II

Nhóm nhiệm vụ về đảm bảo nguồn lực tài chính

Cân đối, bố trí nguồn tài chính thực hiện chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Bộ Tài chính

Các bộ, ngành liên quan

2026 - 2030

III

Nhóm nhiệm vụ về khoa học công nghệ

1

Nghiên cứu áp dụng công nghệ chuyển đổi nhiên liệu sang đốt kèm sinh khối, amoniac.

Bộ Khoa học và Công nghệ

Các bộ, ngành có liên quan

2030

Nghiên cứu áp dụng lắp đặt hệ thống thu giữ các bon (CCS) trong các nhà máy điện than tại Việt Nam.

2030

2

Nghiên cứu thí điểm áp dụng chuyển đổi nhiên liệu than của các lò CFB sang đốt kèm nhiên liệu sinh khối.

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam

Các bộ, ngành có liên quan

2030

3

Nghiên cứu thí điểm áp dụng chuyển đổi nhiên liệu than của các lò PC sang đốt kèm nhiên liệu amoniac.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Các bộ, ngành có liên quan

2030

4

Nghiên cứu thí điểm áp dụng lắp đặt hệ thống thu giữ các bon (CCS) cho các nhà máy nhiệt điện than.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Các bộ, ngành có liên quan

2030

5

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống lưới điện theo hướng tạo thuận lợi cho việc kết nối nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo nhằm tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng này trong quá trình chuyển đổi.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Các bộ, ngành có liên quan

2030

IV

Nhóm nhiệm vụ về hợp tác quốc tế

Nghiên cứu, đề xuất các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế để được sự hỗ trợ cho thực hiện chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Bộ Công Thương

Các bộ, ngành liên quan

2022 - 2050

V

Nhóm nhiệm vụ về đảm bảo chuyển dịch công bằng và an sinh xã hội

Nghiên cứu, xây dựng Đề án thực hiện chuyển đổi công bằng điện than sang năng lượng sạch, theo hướng có lợi cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Các bộ, ngành liên quan

2030



[1] Các NMNĐ: Phả Lại 2 (600 MW); Na Dương (110 MW); Formosa Đồng Nai (450 MW).

[2] Các NMNĐ: NĐ Uông Bí MR (600 MW); NĐ Hải Phòng 1 (600 MW), NĐ Quảng Ninh (1200 MW), NĐ Cao Ngạn (115 MW), NĐ Cẩm Phả 1&2 (600 MW), NĐ Sơn Động (220 MW).

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 266/QĐ-TTg ngày 12/02/2025 về Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


141

DMCA.com Protection Status
IP: 27.2.201.5
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!