BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI
TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5020/BTNMT-PC
V/v trả lời
ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
|
Hà Nội, ngày 25 tháng 8
năm 2022
|
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
Lào Cai
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được ý kiến của cử
tri tỉnh Lào Cai do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại
Công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, sau khi nghiên cứu, Bộ Tài nguyên và Môi
trường xin trả lời như sau:
Câu số 1. Kiến nghị sớm cấp phép khai thác quặng
Apatit đối với Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất để duy trì
hoạt động và phát triển sản xuất, kinh doanh
Căn cứ các quy định của pháp luật về khoáng sản và
pháp luật liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp nhiều Giấy phép khai
thác khoáng sản cho Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt
Nam để phát triển sản xuất kinh doanh, cụ thể như sau: Giấy phép số
1793/GP-BTNMT ngày 26/7/2017; Giấy phép số 362/GP-BTNMT ngày 31/01/2018; Giấy
phép số 361/GP-BTNMT ngày 31/01/2018; Giấy phép số 865/GP-BTNMT ngày 10/4/2019.
Ngoài các khai trường apatit thuộc Bản đăng ký khai thác mỏ 148 Apa-93 ngày
28/8/1993, Công ty Apatit Việt Nam đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép
khai thác một số khai trường khác nhằm mục đích thu hồi quặng apatit trước khi
thi công tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Hiện nay, Công ty Apatit Việt
Nam không có đơn và hồ sơ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác
quặng Apatit.
Câu số 2. Để triển khai thực hiện có hiệu quả các cam
kết về giảm phát thải khi nhà kính trên địa bàn tỉnh, đề nghị Bộ Tài nguyên và
Môi trường sớm ban hành các kế hoạch, chương trình trọng tâm, tổ chức các
chương trình đào tạo, tập huấn hướng dẫn các địa phương trong triển khai thực
hiện
Triển khai thi hành quy định ứng phó với biến đổi khí
hậu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngày 07/01/2022 Chính phủ đã ban hành
Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng
ô-dôn. Nghị định được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động
phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính; tham gia
phát triển thị trường các-bon trong nước; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu
thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được
kiểm soát theo Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Nghị
định quy định các Bộ quản lý lĩnh vực (Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ
Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường)
sẽ ban hành hướng dẫn kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính; đo đạc, báo cáo, thẩm định
giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Triển khai thi hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP ,
ngày 07/01/2022 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số
01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với
biến đổi khí hậu; ngày 18/01/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực,
cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định
số 01/2022/QĐ-TTg. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện
có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng các yêu
cầu minh bạch quy định tại Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris.
Trên cơ sở đó, ngày 04/3/2022 Bộ Tài nguyên và Môi
trường đã có Văn bản số 1095/BTNMT-BĐKH gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ứng
phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương cần lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước về
biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn cho giai đoạn đến 2025, nội dung cụ thể
như sau:
“1. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên
quan căn cứ tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của
Chính phủ, rà soát, cập nhật, điều chỉnh danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính
phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn quản lý, gửi Bộ Tài nguyên và
Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực liên quan định kỳ hai năm một lần, lần gần nhất
trước ngày 30 tháng 6 kể từ năm 2023.
2. Tổ chức theo dõi việc triển khai thực hiện Quyết định
số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn và yêu cầu các cơ sở thuộc
danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà
kính trên địa bàn thực hiện:
a) Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục
vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn và
yêu cầu của các Bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2023;
b) Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở,
xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm
2024 trở đi theo Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ,
gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 3 kể từ năm 2025 để thẩm định;
c) Hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp
cơ sở, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 của kỳ báo cáo bắt
đầu từ năm 2025;
d) Xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải
khí nhà kính của cơ sở giai đoạn từ năm 2023 đến hết năm 2025 phù hợp với điều
kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở.
3. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan
tổ chức thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở cho năm 2024 trở đi
theo quy trình thẩm định quy định tại Điều 12 Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT của
Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài
chính triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy phát triển thị trường các-bon
trong nước; tổ chức phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại
chúng để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về thị trường
các-bon, các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon.
5. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan
phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, yêu cầu
các tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ
các-bon ngoài khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu,
điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
thành viên trên địa bàn thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài
nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số
06/2022/NĐ-CP .
6. Tổ chức đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương,
rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu theo quy định tại Thông tư số
01/2022/TT-BTNMT , tổng hợp định kỳ gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
7. Đôn đốc các tổ chức trên địa bàn quản lý thuộc đối
tượng quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP thực hiện đăng ký
sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm
soát trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn
trước ngày 31/12/2022. Trường hợp tổ chức được phân bổ hạn ngạch nhập khẩu các
chất HCFC và đăng ký hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC năm 2022 trước ngày
07/01/2022 thì không phải thực hiện thủ tục đăng ký.
8. Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan
trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của
các cơ sở phát thải khí nhà kính; việc thực hiện loại trừ các chất được kiểm
soát và tuân thủ các quy định về thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy
các chất được kiểm soát của các tổ chức trên địa bàn; thực thi quy định quản lý
áp dụng đối với các chất và sản phẩm, thiết bị, hàng hóa có chứa hoặc sản xuất
từ chất được kiểm soát thuộc các danh mục từ III.1 đến III. 4 ban hành kèm theo
tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT”.
Nhằm tăng cường hỗ trợ địa phương về công tác tuyên
truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật cho cộng đồng (người dân, doanh nghiệp)
và nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ các cấp về biến đổi khí hậu, triển khai
thực hiện có hiệu quả các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh,
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, phổ biến
Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành, bao gồm nội
dung ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm
2023, Bộ Tài nguyên sẽ tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao
nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, tập trung vào:
(i) Tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới về ứng phó với biến đổi
khí hậu; (ii) Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trong
công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
cho cán bộ lãnh đạo, công chức tại các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có
liên quan, (iii) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật
bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan, tổ chức chính
trị - xã hội, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
Câu số 3. Tại khoản 2 điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP
ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản,
trừ hộ gia đình kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản
nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa
để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan”. Tuy nhiên nếu các đơn vị (khai thác
khoáng sản là cát sỏi lòng sông, suối) không thực hiện lại không có chế tài xử
phạt. Đề nghị bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi không lắp đặt trạm cân,
camera giám sát tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác
đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ gia đình kinh doanh
Bất cập tại kiến nghị nêu trên của Cử tri tỉnh Lào
Cai đã được bổ sung tại khoản 17 Điều 5b Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày
06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản;
khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.
Câu 4. Tại khoản 1, Điều 11, Nghị định 43/2014/NĐ-CP
của Chính phủ quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm
rà soát quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất bảo
đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quyết định, phê duyệt”. Mặt khác, tại khoản 1, Điều 7a, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP
của Chính phủ quy định: “Nội dung quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng
xã nông thôn mới phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện.
Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê
duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì phải rà soát, điều chỉnh
nội dung quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới để đảm
bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện”. Trên thực tế, một số trường
hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất thì thửa đất xin chuyển mục đích phù hợp với
quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch xây dựng,
quy hoạch đô thị (quy hoạch này chưa có thông báo chủ trương thu hồi đất, chưa
có dự án được duyệt thực hiện). Đề nghị có hướng dẫn cụ thể, căn cứ cho phép chuyển
mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất hay quy hoạch xây dựng, quy hoạch
đô thị
Tại Điều 52 Luật Đất đai quy định: Căn cứ để giao đất,
cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất:
“1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư,
đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất”.
Theo quy định nêu trên thì căn cứ vào Kế hoạch sử dụng
đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để cho
phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về
vấn đề mà cử tri tỉnh Lào Cai quan tâm. Bộ Tài nguyên và Môi trường xin gửi tới
Đoàn Đại biểu Quốc hội để trả lời cử tri trong quá trình tiếp xúc cử tri./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Ban Dân nguyện-UBTVQH (để báo cáo);
- Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai;
- Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai;
- Lưu VT, PC, DT. 8.
|
BỘ TRƯỞNG
Trần Hồng Hà
|