BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 3535/BGDĐT-GDTH
V/v: Hướng
dẫn thực hiện nội dung Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong Chương trình
giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021
|
Hà Nội, ngày 19 tháng 8
năm 2019
|
Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo
Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành
theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo (CTGDPT 2018), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn thực hiện chương
trình Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong CTGDPT 2018 như sau:
1. Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong CTGDPT
2018 được triển khai thực hiện từ năm học 2020 - 2021
1.1. Nội dung chương trình Hoạt động trải nghiệm
- Chương trình Hoạt động trải nghiệm quy định ba mạch
nội dung đối với lớp 1: Hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội,
hoạt động hướng đến tự nhiên và bốn mạch nội dung đối với lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp
5: Hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội, hoạt động hướng đến
tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp.
- CTGDPT 2018 quy định nội dung giáo dục của địa
phương được tích hợp trong Hoạt động trải nghiệm bao gồm: những vấn đề cơ bản
hoặc thời sự về văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp...
1.2. Các loại hình, quy mô, địa điểm tổ chức Hoạt động
trải nghiệm
- Hoạt động trải nghiệm được thực hiện thông qua bốn
loại hình hoạt động chủ yếu: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục
theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ, trong đó câu lạc bộ là loại hình tự chọn.
- Hoạt động trải nghiệm được tổ chức theo quy mô
nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường.
- Hoạt động trải nghiệm được tổ chức trong và ngoài lớp
học, trong và ngoài trường học.
1.3. Kế hoạch tổ chức Hoạt động trải nghiệm
- Hoạt động trải nghiệm được quy định 105 tiết/năm học,
trong đó: 35 tiết sinh hoạt dưới cờ (nhóm lớn, quy mô trường); 35 tiết sinh hoạt
lớp (nhóm lớn, quy mô lớp học); 35 tiết hoạt động trải nghiệm theo chủ đề, hoạt
động câu lạc bộ (quy mô lớp học, nhóm lớp học).
Thời lượng dành cho nội dung giáo dục của địa phương
nằm trong tổng thời lượng thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, được
tích hợp trong bốn loại hình hoạt động chủ yếu nêu ở mục 1.2.
- Khuyến khích tổ chức các hoạt động trải nghiệm
ngoài nhà trường đối với các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện nhưng cần đảm bảo mục
tiêu giáo dục và an toàn cho học sinh. Ngoài các nội dung của Hoạt động trải
nghiệm được quy định trong chương trình, các cơ sở giáo dục có thể tổ chức một
số hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, hoạt động câu lạc bộ (tự chọn) thực hiện
ngoài giờ lên lớp theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT.
- Căn cứ quy mô và nội dung của từng hoạt động cụ thể
việc tổ chức Hoạt động trải nghiệm, đặc biệt tổ chức ở quy mô khối lớp, quy mô
trường phải có sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục:
giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách, giáo viên dạy học các môn chuyên biệt (Âm
nhạc, Mĩ thuật, Thể chất), Ban giám hiệu nhà trường, các tổ chức chính trị, xã
hội, cha mẹ học sinh, các nhà tài trợ,...Các hoạt động trải nghiệm được tổ chức
ngoài lớp học, ngoài trường học khuyến khích cha mẹ học sinh và yêu cầu Ban đại
diện cha mẹ học sinh tham gia tổ chức và quản lý cùng giáo viên chủ nhiệm lớp
và nhà trường.
1.4. Tài liệu học tập Hoạt động trải nghiệm
- Tài liệu học tập Hoạt động trải nghiệm do Hội đồng
quốc gia thẩm định và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quy định
tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017.
- Nội dung giáo dục của địa phương tích hợp trong
chương trình Hoạt động trải nghiệm do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương tổ chức biên soạn và thẩm định theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
1.5. Đánh giá kết quả giáo dục của học sinh trong Hoạt
động trải nghiệm
- Đánh giá thực hiện theo quy định của Chương trình
giáo dục phổ thông ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018
và Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành
quy định đánh giá học sinh tiểu học; Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày
22/9/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh
giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày
28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
- Giáo viên chủ nhiệm lớp là người chủ trì và chịu trách
nhiệm chính việc đánh giá kết quả học tập Hoạt động trải nghiệm đối với từng học
sinh.
2. Tổ chức thực hiện
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương phù hợp
với việc thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, phù hợp với thực tiễn của
địa phương và chỉ đạo thực hiện; tham mưu bố trí nguồn ngân sách địa phương,
quy định nguồn kinh phí được huy động từ các tổ chức, cá nhân cha mẹ học sinh để
tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động học tập Hoạt động trải nghiệm trong các không
gian trong và ngoài nhà trường theo đặc thù của Hoạt động trải nghiệm.
- Xây dựng kế hoạch triển khai theo lộ trình và hướng
dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức thực hiện chương trình Hoạt động trải
nghiệm.
- Sắp xếp bố trí giáo viên dạy Hoạt động trải nghiệm
hợp lý; đảm bảo tất cả giáo viên dạy Hoạt động trải nghiệm được tham gia tập huấn
về nội dung chương trình, phương pháp, cách thức tổ chức Hoạt động trải nghiệm.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lí về công tác quản lí, chỉ đạo và tổ
chức Hoạt động trải nghiệm, thực hiện tích hợp nội dung giáo dục của địa phương trong
tổ chức Hoạt động trải nghiệm.
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc
triển khai Hoạt động trải nghiệm, báo cáo tình hình thực hiện Hoạt động trải
nghiệm của địa phương về Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi kết thúc năm học.
Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT triển khai tốt công tác
chuẩn bị tổ chức thực hiện Hoạt động trải nghiệm trong CTGDPT 2018 cấp tiểu học.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở Giáo dục và Đào tạo phản
ánh về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) để có biện pháp giải quyết, chỉ đạo kịp
thời.
Nơi nhận:
- Như
trên (để thực hiện);
- UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ
(để phối hợp);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp);
- Vụ GDTH, Cục NGCBQLGD, RGEP, ETEP, Viện KHGDVN, các đơn vị liên quan thuộc
Bộ GDĐT (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ GDTH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Độ
|