Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 296/QĐ-BNN-PC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Võ Văn Hưng
Ngày ban hành: 14/01/2025 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 296/QĐ-BNN-PC

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CÔNG TÁC PHÁP CHẾ NĂM 2025 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch công tác pháp chế năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Bộ NN và PTNT;
- Bộ Tư pháp;
- Đảng ủy Bộ;
- VP Ban cán sự Đảng Bộ;
- Lưu: VT, PC (Đại; Xuân).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Văn Hưng

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÁP CHẾ NĂM 2025 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Kèm theo Quyết định /QĐ-BNN-PC ngày tháng năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm sự lãnh đạo của Ban cán sự, Đảng ủy Bộ, sự chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ đối với công tác pháp chế, nhất là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

b) Triển khai một cách đồng bộ, toàn diện công tác pháp chế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực hoạt động của ngành.

c) Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, đề cao trách nhiệm Thủ trưởng đơn vị, trách nhiệm công chức trong công tác pháp chế, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật ở tất cả các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

d) Nâng cao chất lượng thực hiện các nghiệp vụ xây dựng, rà soát, kiểm tra văn bản, theo dõi thi hành pháp luật, pháp điển, hệ thống hóa, hợp nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu, giám định tư pháp và đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Yêu cầu

a) Xây dựng đồng bộ, kịp thời, đầy đủ kế hoạch triển khai công tác pháp chế của từng đơn vị, từng lĩnh vực cụ thể. Bảo đảm các điều kiện về nguồn lực (nhân lực, kinh phí) để thực hiện xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.

b) Tổ chức thực hiện công tác pháp chế phải nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ, xác định rõ nội dung, lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân liên quan.

c) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng, tập thể lãnh đạo của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải nghiên cứu, nắm chắc quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo đề xuất, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch.

d) Quán triệt thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

II. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ

1. Các nhiệm vụ trọng tâm

a) Công tác xây dựng pháp luật

- Nghiên cứu, quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới công tác xây dựng pháp luật.

- Đề xuất, lập Kế hoạch và tổ chức thực hiện Kế hoạch xây dựng văn bản QPPL theo đúng quy trình đề xuất, lập kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản QPPL của Bộ, quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

- Xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền trong xây dựng, thi hành pháp luật theo Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

b) Công tác rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

- Việc rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; tuân thủ trình tự rà soát. Trong đó tập trung:

+ Rà soát, nhận diện “điểm nghẽn” trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, phát hiện các vướng mắc, sơ hở, khoảng trống, chồng chéo trong quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới văn bản QPPL kịp thời, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển;

+ Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024;

+ Rà soát văn bản về phân cấp, phân quyền trong các luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

- Thực hiện việc hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển văn bản QPPL theo quy định. Tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc thực hiện pháp điển, rà soát, hệ thống hóa các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

c) Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

- Kiểm tra toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, phối hợp ban hành; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; kiểm tra văn bản khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật để kịp thời phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, đề xuất xử lý theo quy định.

- Tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm, đúng quy định văn bản có quy định trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận kiểm tra. Đảm bảo cơ chế phối hợp giữa Vụ Pháp chế với các đơn vị thuộc Bộ trong việc tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát văn bản và tham mưu, xử lý theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị sau kiểm tra, rà soát văn bản.

d) Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

- Tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo đổi mới của các đơn vị trong công tác truyền thông, tiếp thị các chính sách lớn, quan trọng trong quá trình lập đề nghị, xây dựng, ban hành văn bản, cũng như trong quá trình tổ chức thực thi các quy định pháp luật.

- Tổ chức hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 09/11 theo chủ đề, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương.

đ) Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

- Tổ chức thi hành pháp luật đồng bộ, hiệu quả thông qua: (1) tăng cường phổ biến, truyền thông, tiếp thị chính sách, pháp luật sau khi ban hành để đưa pháp luật vào cuộc sống; (2) kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện tồn tại, bất cập để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh phù hợp với thực tiễn ngành nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; (3) đánh giá, tổng kết tình hình thực thi pháp luật, hiệu quả chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn lực.

- Tổ chức theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chương trình của Bộ. Chủ động tích cực phối hợp với các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các địa phương, VCCI, các hiệp hội, doanh nghiệp để lắng nghe, cập nhật và xử lý các phản ánh, kiến nghị, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, ách tắc do quy định pháp luật đối với thực tiễn hoạt động, phát triển của ngành.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại địa phương, các đơn vị thuộc Bộ theo quy định.

e) Các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

- Rà soát, cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

- Tiếp tục thúc đẩy cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp theo nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025;

- Thực hiện chương trình, kế hoạch của Bộ triển khai các nghị quyết của Chính phủ

2. Các nhiệm vụ cụ thể

Nội dung một số nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện, sản phẩm và thời hạn hoàn thành chi tiết tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị thuộc Bộ

a) Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch. Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức, người làm công tác pháp chế theo quy định của pháp luật. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác pháp chế; bảo đảm tiến độ hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng văn bản theo Kế hoạch và hiệu quả thi hành pháp luật.

b) Căn cứ vào nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này và yêu cầu công tác để ban hành Kế hoạch công tác pháp chế năm 2025 của đơn vị, đồng thời gửi về Vụ Pháp chế để tổng hợp, theo dõi, phối hợp (trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Kế hoạch này được ban hành);

c) Phối hợp với Vụ Pháp chế, các Cục, Vụ, đơn vị có liên quan thực hiện Kế hoạch.

2. Vụ Pháp chế

a) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Kế hoạch; kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ các giải pháp triển khai thực hiện Kế hoạch.

b) Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, rà soát, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch rà soát, kiện toàn tổ chức, đội ngũ người làm công tác pháp chế của Bộ.

c) Tổ chức sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng về công tác pháp chế; định kỳ, đột xuất báo cáo Lãnh đạo Bộ, cơ quan có liên quan về kết quả thực hiện Kế hoạch.

3. Vụ Tổ chức cán bộ

Nghiên cứu, kiến nghị giải pháp phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật và bảo đảm chế độ chính sách cho đội ngũ làm công tác pháp chế Bộ; đề xuất cơ chế đãi ngộ người có chuyên môn nghiệp vụ cao, có nhiều thành tích, sáng kiến trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật; hướng dẫn, tổ chức đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức gắn với kết quả công tác xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra việc thi hành nhiệm vụ, công vụ.

4. Vụ Tài chính

Vụ Tài chính phối hợp, hướng dẫn Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ để đảm bảo kinh phí triển khai Kế hoạch công tác pháp chế năm 2025 của Bộ theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình quản lý ngân sách của Bộ.

IV. KINH PHÍ

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của các đơn vị và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, cụ thể:

1. Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT- BTC ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

2. Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 08/02/2023 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;

3. Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất văn bản QPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật;

4. Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở./.

 


PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ CỤ THỂ NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định /QĐ-BNN-PC ngày tháng năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TT

NỘI DUNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

ĐƠN VỊ PHỐI HỢP

SẢN PHẨM / KẾT QUẢ

THỜI GIAN THỰC HIỆN/ HOÀN THÀNH

I.

CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT (QPPL)

1.1

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Ban cán sự về đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới[1]

1.2

Xây dựng Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.

- Vụ Pháp chế (Kế hoạch của Bộ)

- Các đơn vị được giao xây dựng văn bản (Kế hoạch của đơn vị)

Các đơn vị có liên quan

Quyết định số 4636/QĐ-BNN-PC ngày 23/12/2024 và các Kế hoạch XDVB chi tiết của các đơn vị

Theo tiến độ trình, ban hành từng văn bản tại các Kế hoạch

1.3

Tổ chức thực hiện Kế hoạch, đôn đốc thực hiện, báo cáo tiến độ, kết quả xây dựng văn bản; Phối hợp, thúc đẩy việc ban hành các văn bản mà Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Rà soát, điều chỉnh tiến độ xây dựng văn bản QPPL.

Các đơn vị được phân công soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; Vụ Pháp chế

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ, đơn vị liên quan.

Văn bản đôn đốc; Báo cáo tiến độ; điều chỉnh Kế hoạch

Định kỳ/ Theo yêu cầu

1.4

Truyền thông, tiếp thị chính sách đối với dự thảo văn bản QPPL

Các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản QPPL

Vụ Pháp chế, đơn vị có liên quan

Dự thảo văn bản QPPL được truyền thông ngay trong quá trình soạn thảo và ban hành.

Theo kế hoạch soạn thảo văn bản

1.5

Tham mưu tổng hợp ý kiến xử lý Phiếu lấy ý kiến Thành viên Chính phủ

Vụ Pháp chế

Các đơn vị có liên quan

Báo cáo tham mưu Bộ trưởng xử lý Phiếu TVCP

Theo thời hạn Phiếu TVCP

1.6

Tư vấn, góp ý dự thảo văn bản QPPL của các Bộ, ngành gửi lấy ý kiến; Phối hợp, tham gia xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL do các Bộ, ngành khác chủ trì soạn thảo liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ.

Các đơn vị có liên quan

Các đơn vị có liên quan; Vụ Pháp chế

Văn bản tham gia ý kiến

Theo yêu cầu

1.7

Tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản QPPL;

Vụ Pháp chế, các đơn vị có nội dung liên quan

Các đơn vị có liên quan

Theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp

Theo yêu cầu

1.8

Tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện văn bản QPPL được giao trong Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện văn bản QPPL, chiến lược, quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT giai đoạn đến năm 2030"[2]

1.9

Triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch của Bộ về đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới[3].

II.

CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

2.1

Xây dựng Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, tiếp thị chính sách có tác động lớn đến xã hội năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức triển khai thực hiện.

Vụ Pháp chế

Đơn vị có liên quan

Quyết định ban hành Kế hoạch

Quý I/2025

2.2

Xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 09/11

Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ và các đơn vị có liên quan

Các đơn vị liên quan thuộc Bộ; Báo Nông nghiệp Việt Nam

Chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể theo chủ đề, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật.

Quý III/2025

2.3

Xây dựng văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, tiếp thị chính sách

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan thuộc Bộ; Báo Nông nghiệp Việt Nam

Văn bản

Định kỳ hoặc theo yêu cầu

2.4

Thực hiện báo cáo đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (định kỳ, chuyên đề; theo yêu cầu)

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan thuộc Bộ; Báo Nông nghiệp Việt Nam

Báo cáo

Định kỳ hoặc theo yêu cầu

2.5

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phục vụ Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”[4].

III.

CÔNG TÁC THEO DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT

3.1.

Tổ chức theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Tư pháp

3.1.1

Xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn, đôn đốc thực hiện.

Vụ Pháp chế

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ,

Danh mục văn bản QPPL trong các lĩnh vực cần theo dõi.

 

3.1.2

Tổ chức thu thập phản ánh, dư luận từ các phương tiện thông tin đại chúng; phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thông tin từ quản lý nhà nước theo lĩnh vực và từ các nguồn khác.

Sẽ xác định sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị liên quan thuộc Bộ; Vụ Pháp chế

Văn bản xử lý hoặc văn bản kiến nghị xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

3.1.3

Tham gia Đoàn kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật với Bộ Tư pháp (nếu có).

Sẽ xác định sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Vụ Pháp chế; Các đơn vị liên quan thuộc Bộ

Theo kế hoạch Đoàn công tác của Bộ Tư pháp

Theo kế hoạch Đoàn công tác của Bộ Tư pháp

3.2.

Kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (thực hiện theo kế hoạch riêng của Bộ).

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan thuộc Bộ

- Kế hoạch thực hiện

- Kết luận/Thông báo kết quả kiểm tra.

Thực hiện theo kế hoạch riêng của Bộ

3.3.

Rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội có nội dung giao cho Bộ hướng dẫn chi tiết để đề xuất xây dựng, ban hành

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan thuộc Bộ

Danh mục văn bản

Thường xuyên

IV.

CÔNG TÁC RÀ SOÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

4.1.

Tổ chức triển khai rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, Ban Chỉ đạo rà soát văn bản QPPL, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác.

4.1.1

Rà soát, nhận diện “điểm nghẽn” trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT có nguyên nhân từ quy định của pháp luật.

+ Tổ chức rà soát từ thực tiễn công tác, từ đề xuất kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để phát hiện, nhận diện các điểm nghẽn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành

Vụ Pháp chế

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ.

Báo cáo kết quả

Theo tiến độ/ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp

4.1.2

Rà soát, xác định phương án xử lý đối với các văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 06/12/2024.

+ Rà soát các văn bản QPPL thuộc đối tượng, phạm vi rà soát để xác định các văn bản, quy định pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

+ Kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới văn bản QPPL và các giải pháp xử lý các vướng mắc liên quan đến thể chế để không tạo khoảng trống pháp luật sau khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy

Vụ Pháp chế

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ.

Báo cáo kết quả

Theo tiến độ/ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp

4.1.3

Rà soát văn bản về phân cấp, phân quyền trong các luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ

+ Rà soát quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong các luật chuyên ngành, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

+ Rà soát, xác định thẩm quyền và phương án xử lý về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Pháp chế

Vụ Pháp chế và các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ.

Báo cáo kết quả

Theo tiến độ/ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp

4.2.

Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành

4.2.1

Rà soát, đề xuất bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, liên tịch ban hành (nếu có).

Vụ Pháp chế; Các đơn vị có liên quan

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ; Các đơn vị có liên quan

Thông tư bãi bỏ một số văn bản QPPL do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, liên tịch ban hành (nếu có).

Theo Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2025

4.2.2

Rà soát và công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2025.

Vụ Pháp chế; Các đơn vị có liên quan

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ; Các đơn vị có liên quan

Quyết định của Bộ công bố danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2025.

31/12/2025

4.3.

Xử lý văn bản QPPL sau rà soát; Tập trung xử lý các điểm nghẽn hiện nay của các văn bản quy phạm pháp luật đã được xác định thông qua quá trình rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ.

Vụ Pháp chế và đơn vị có liên quan

Văn bản QPPL được kiến ngị xử lý theo thẩm quyền

Theo tiến độ, lộ trình kết quả rà soát.

V.

CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

5.1.

Tổ chức tự kiểm tra thông tư do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Vụ Pháp chế

Đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư.

Danh mục thông tư được kiểm tra và kết quả kiểm tra; Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.

 

5.2.

Tổ chức kiểm tra văn bản theo thẩm quyền có nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5.2.1

Kiểm tra theo thẩm quyền thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác ban hành có nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Vụ Pháp chế

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ.

Danh mục văn bản được kiểm tra và kết quả kiểm tra; Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.

 

5.2.2

Kiểm tra văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đang còn hiệu lực tại thời điểm tiến hành kiểm tra mà có nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ.

Vụ Pháp chế

Danh mục văn bản được kiểm tra và kết quả kiểm tra; Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.

Hàng Quý

5.3.

Kiểm tra văn bản theo Chuyên đề về “Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường”; Chuyên đề “Quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phục vụ mục tiêu phát triển nguồn nhân và Chuyên đề về “khoa học, công nghệ” theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp[5]

Vụ Pháp chế

Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Vụ Tổ chức cán bộ

Danh mục văn bản được kiểm tra; Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý văn bản theo chuyên đề.

theo yêu cầu tại Kế hoạch của Bộ Tư pháp

5.4.

Xử lý văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật (nếu có).

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ.

Vụ Pháp chế

Văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được xử lý (nếu có).

 

5.5.

Theo dõi, đôn đốc việc xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật (nếu có)

Vụ Pháp chế

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ, đơn vị liên quan

Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý văn bản

 

VI.

CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

6.1.

Tổ chức thực hiện việc rà soát, cập nhật, đăng tải danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Vụ Pháp chế

Các Cục, Vụ, cá nhân, tổ chức giám định và đơn vị liên quan.

Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp, công nhận, hủy bỏ công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

Quý IV/2025

6.2.

Tham mưu xử lý các vụ việc theo yêu cầu; thành lập Hội đồng giám định tư pháp hoặc lựa chọn, trình Bộ xem xét, ban hành văn bản cử, giới thiệu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp đối với các vụ việc theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Vụ Pháp chế

Các Cục, Vụ, cá nhân, tổ chức giám định và đơn vị liên quan.

Văn bản trả lời, văn bản cử, giới thiệu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp

Theo yêu cầu

6.3.

Thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá và báo cáo về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản về giám định tư pháp trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ

Vụ Pháp chế

Các Cục, Vụ, cá nhân, tổ chức giám định và đơn vị liên quan.

Báo cáo

Quý IV/2025

VII.

CÔNG TÁC PHÁP ĐIỂN, HỆ THỐNG HÓA, HỢP NHẤT, CẬP NHẬT CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ PHÁP LUẬT

7.1.

Pháp điển:

- Thực hiện cập nhật các QPPL mới thuộc các văn bản QPPL do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, xây dựng vào Bộ pháp điển.

- Tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng Bộ pháp điển điện tử và kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan thuộc Bộ

Bộ pháp điển điện tử

Thường xuyên/ Theo yêu cầu

7.2.

Hệ thống hóa văn bản QPPL:

- Thực hiện rà soát, cập nhật và công bố danh mục văn bản QPPL trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT còn hiệu lực

Vụ Pháp chế

Các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ. Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương.

Quyết định công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực nông nghiệp và PTNT năm 2024

01/02/2025

7.3.

Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật:

- Thực hiện hợp nhất văn bản ngay sau khi ban hành theo quy định (Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ chủ trì soạn thảo; Thông tư của Bộ trưởng.)

- Gửi đăng tải văn bản hợp nhất trên Công báo điện tử, trang thông tin điện tử theo quy định

Đơn vị giao chủ trì soạn thảo văn bản

Vụ Pháp chế; Văn phòng Bộ; Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp

Văn bản hợp nhất văn bản QPPL.

Sau khi ký xác thực văn bản hợp nhất.

7.4.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác văn bản cho đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

- Cập nhật văn bản QPPL vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (gồm: Văn bản QPPL, VBHN do Bộ ban hành hoặc chủ trì soạn thảo)

- Rà soát, đối chiếu, hiệu đính, cập nhật thông tin của văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo yêu cầu.

Các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản; Vụ Pháp chế

Các đơn vị liên quan.

Văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Thường xuyên

VIII.

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THEO CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

8.1

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024

8.1.1

Rà soát, cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ

Vụ Pháp chế

Báo cáo

Năm 2025

8.1.2

Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ

Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan

Báo cáo

Năm 2025

8.2.

Thực hiện các chương trình, kế hoạch của Bộ triển khai Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật

8.2.1.

Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ được ban hành tại Quyết định số 1679/QĐ- BNN-PC ngày 27/4/2923 thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 17/3/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18- NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCHTW Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Vụ Pháp chế

Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan

Báo cáo

Năm 2025

8.2.2.

Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ được ban hành tại Quyết định số 2815/QĐ-BNN-PC ngày 12/7/2023 thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Vụ Pháp chế

Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan

Báo cáo

Năm 2025

8.2.3.

Triển khai Kế hoạch hành động của Bộ được ban hành tại Quyết định số 4628/QĐ-BNN-PC ngày 03/11/2023 thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Vụ Pháp chế

Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan

Báo cáo

Năm 2025

IX

TẬP HUẤN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ

9.1

Tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác pháp chế cho cán bộ làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ.

Vụ Pháp chế

Vụ Tổ chức cán bộ, các đơn vị có liên quan

Các lớp tập huấn ở Trung ương và địa phương

Năm 2025

 

 



[1] Các văn bản: (i) Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 868/TTg-TKBT ngày 5/10/2024, (ii) Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của BCH Trung ương Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. (iii) Nghị quyết số 40-NQ/BCSĐ ngày 20/6/2023 và Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XIII; (iv) Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa XIII; (v) Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ; (vi) Công văn số 832-CV/BCSĐ ngày 05/8/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; (vii) Văn bản số 15/CTQH ngày 29/10/2024 của Chủ tịch Quốc hội về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.

[2] Tại Quyết định số 4344/QĐ-BNN-PC ngày 23/10/2023 của Bộ.

[3] Tại Quyết định số 06/QĐ-BNN-PC ngày 03/01/2025 của Bộ

[4] Tại Quyết định số 770/QĐ-BNN-PC ngày 03/3/2023 của Bộ

[5] Quyết định số 1708/QĐ-BTP ngày 17/9/2024 của Bộ Tư pháp

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 296/QĐ-BNN-PC về Kế hoạch công tác pháp chế ngày 14/01/2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


19

DMCA.com Protection Status
IP: 2a06:98c0:3600::103
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!