ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 843/QĐ-UBND
|
Đồng Tháp, ngày
15 tháng 8 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN,
NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG (DDCI) THUỘC TỈNH ĐỒNG THÁP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết số
02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;
Căn cứ Kế hoạch số
206/KH-UBND ngày 11/9/2018 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc đánh giá năng lực cạnh
tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Đồng Tháp năm 2018 và
các năm tiếp theo;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành Bộ chỉ số Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương
(DDCI) thuộc tỉnh Đồng Tháp, gồm 09 chỉ số thành phần:
(1) Tính minh bạch và tiếp cận
thông tin.
(2) Tính năng động của lãnh đạo.
(3) Chi phí thời gian.
(4) Chi phí không chính thức.
(5) Cạnh tranh bình đẳng.
(6) Hỗ trợ doanh nghiệp.
(7) Thiết chế pháp lý.
(8) Tính ứng dụng công nghệ
thông tin.
(9) Tiếp cận đất đai và tính ổn
định trong sử dụng đất.
Nội dung các tiêu chí đánh giá
của từng chỉ số thành phần được ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Đối
tượng được đánh giá:
1. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư;
Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Công Thương; Lao động - Thương binh và Xã hội;
Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền
thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ.
2. Các ban, ngành: Công an Tỉnh;
Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh; Cục Thuế Tỉnh; Cục Hải quan Tỉnh; Bảo hiểm xã hội
Tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp.
4. Hằng năm, căn cứ theo tình
hình thực tế, đối tượng được đánh giá sẽ được điều chỉnh, bổ sung dựa trên đề
xuất của Cơ quan điều phối hoặc Đơn vị tư vấn và được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê
duyệt.
Điều 3.
Tổ chức thực hiện:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh
có nhiệm vụ:
1.1. Xây dựng kế hoạch và dự
toán kinh phí hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
1.2. Tổ chức lựa chọn Đơn vị tư
vấn theo quy định của Luật Đấu thầu để thực hiện công tác khảo sát, đánh giá
DDCI của Tỉnh theo từng năm.
1.3. Phối hợp với Đơn vị tư vấn
và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu việc điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh
Bộ chỉ số DDCI của Tỉnh và xây dựng tiêu chí đánh giá của từng chỉ số đảm bảo
phù hợp với từng giai đoạn và tình hình thực tế.
1.4. Đầu mối phối hợp, hỗ trợ,
cung cấp thông tin cần thiết để Đơn vị tư vấn hoàn thành tốt công việc được
giao.
1.5. Tiếp nhận kết quả đánh
giá, xếp hạng các Sở, ban, ngành, địa phương và dữ liệu có liên quan từ Đơn vị
tư vấn; Chủ trì thẩm định, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết
định và tổ chức công bố công khai theo quy định.
2. Các Sở, ban, ngành Tỉnh, Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ:
2.1. Phối hợp đề xuất, cung cấp
danh sách đối tượng được khảo sát thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
2.2. Phân công cán bộ đầu mối
phối hợp với Đơn vị tư vấn và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển
khai thực hiện công tác đánh giá DDCI của Tỉnh.
3. Trung tâm Kiểm soát thủ tục
hành chính và Phục vụ hành chính công; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; các Hội, Hiệp hội, Câu lạc bộ doanh nghiệp
và Liên minh Hợp tác xã Tỉnh:
Phối hợp với Đơn vị tư vấn
trong việc khảo sát, lấy ý kiến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
trên địa bàn Tỉnh.
4. Sở Thông tin và Truyền
thông; Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; Báo Đồng Tháp; Cổng Thông tin
điện tử Tỉnh; Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính
công; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành
phố:
Phối hợp truyền thông về việc
triển khai đánh giá DDCI của Tỉnh; kịp thời đưa tin trong quá trình khảo sát, lấy
ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Điều 4. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Tỉnh; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- TT.TU; HĐND Tỉnh;
- UBMTTQVN Tỉnh;
- CT&PCT. UBND Tỉnh;
- Viện NCPTKTXH Đà Nẵng;
- Báo ĐT; Đài PT&TH ĐT;
- Cổng TTĐT Tỉnh;
- TT. KSTTHC&PVHCC Tỉnh;
- Lưu VT, ĐN(MTN).
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Dương
|
BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH
VÀ ĐỊA PHƯƠNG (DDCI) THUỘC TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban
hành kèm theo Quyết định số: 843/QĐ-UBND ngày 15/8/2019 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)
MỤC
LỤC
PHẦN I. TÍNH CẤP THIẾT, CƠ SỞ,
MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ XÂY DỰNG BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ,
BAN, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG (DDCI) THUỘC TỈNH ĐỒNG THÁP
1. Tính cấp thiết của việc xây
dựng bộ chỉ số DDCI
2. Cơ sở xây dựng bộ chỉ số
DDCI
2.1. Cơ sở pháp lý
2.2. Cơ sở thực tiễn
3. Mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng
và triển khai bộ chỉ số DDCI
3.1. Mục tiêu xây dựng và
triển khai bộ chỉ số DDCI
3.1.1. Mục tiêu chung
3.1.2. Mục tiêu cụ thể
3.2. Nhiệm vụ xây dựng và
triển khai bộ chỉ số DDCI
4. Đối tượng được khảo sát,
đánh giá của bộ chỉ số DDCI
4.1. Đối tượng được khảo sát
4.2. Đối tượng được đánh giá
PHẦN II. XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI
BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG (DDCI)
THUỘC TỈNH ĐỒNG THÁP
1. Xây dựng Bộ chỉ số DDCI
1.1. Phương pháp xây dựng Bộ
chỉ số DDCI
1.2. Phương pháp tính điểm
1.3. Nội dung bộ chỉ số DDCI
1.3.1. Nội dung bộ chỉ số
đánh giá cấp sở, ban, ngành và địa phương
1.3.2. Một số nội dung đánh
giá thêm
2. Xây dựng công cụ khảo sát
2.1. Xây dựng Bộ phiếu khảo
sát
2.2. Hệ thống phần mềm đánh
giá, chạy dữ liệu
2.3. Công cụ tính điểm DDCI
3. Phương pháp khảo sát
3.1. Phương pháp lấy mẫu
3.2. Phương pháp lấy ý kiến
khảo sát
4. Phương pháp xử lý dữ liệu
4.1. Nhập dữ liệu
4.2. Xử lý số liệu
5. Tổng hợp dữ liệu và viết báo
cáo phân tích
PHẦN I. TÍNH CẤP THIẾT, CƠ SỞ, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ XÂY DỰNG
BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG (DDCI)
THUỘC TỈNH ĐỒNG THÁP
1. Tính cấp
thiết của việc xây dựng bộ chỉ số DDCI
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp
tỉnh (PCI) là chỉ số đo lường và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc
đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thông qua cảm nhận của các doanh
nghiệp dân doanh tại địa phương. Chỉ số PCI thực sự đã và đang giúp các nhà
lãnh đạo từ cấp địa phương đến trung ương trong việc đánh giá một phần tác động
của những thay đổi chính sách nhằm hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh,
nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như cấp quốc gia.
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh
tranh cấp tỉnh năm 2018, Đồng Tháp tiếp tục duy trì top 3 cả nước (đứng vị trí
thứ 2), dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và lập kỷ lục 11 năm liên tiếp
nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc của cả
nước. Năm 2018, tỉnh có đến 7/10 chỉ số được tăng điểm, trong đó nhiều chỉ số dẫn
đầu cả nước. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã tin
tưởng và đánh giá Đồng Tháp là địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh thuộc
nhóm tốt nhất Việt Nam trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, chỉ số PCI chỉ phản ánh
một bức tranh chung trong công tác điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh.
Trong khi đó, các nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh sẽ không đạt được kỳ vọng nếu
việc triển khai các chính sách, quy định ở cấp sở, ban, ngành hoặc tại địa
phương thuộc tỉnh không được triển khai, thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả.
Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng một Bộ chỉ số Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp
sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) được kỳ vọng sẽ là một trong những giải
pháp thiết thực, hiệu quả để tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành
kinh tế giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Từ đó, tạo động lực cải
cách quyết liệt, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính
liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động
đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
2. Cơ sở
xây dựng bộ chỉ số DDCI
2.1. Cơ sở pháp lý
- Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP
ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm
2018 và những năm tiếp theo.
- Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày
11/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về Đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp
sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp (DDCI) năm 2018 và các năm tiếp
theo.
2.2. Cơ sở thực tiễn
Bộ chỉ số Đánh giá năng lực cạnh
tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp, gọi tắt là DDCI
(Department and District Competitiveness Index) được xây dựng và phát triển trên
cơ sở nghiên cứu từ các nguồn:
- Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh
cấp tỉnh - PCI (Provincial Competitiveness Index) của Phòng Thương mại và Công
Nghiệp Việt Nam phối hợp với USAID (Hoa Kỳ).
- Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh
sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Quảng Ninh.
- Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh
áp dụng cho sở, ngành tỉnh Bắc Ninh.
- Kết quả PCI của tỉnh Đồng
Tháp trong hơn 10 năm qua. Trong đó, đánh giá thực tiễn công tác giải quyết thủ
tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh; phân tích cụ thể những
lĩnh vực liên quan đến các chỉ số thành phần mà Đồng Tháp đang ở thứ hạng chưa
cao, cần tập trung quyết liệt để cải thiện tốt hơn.
3. Mục
tiêu, nhiệm vụ xây dựng và triển khai bộ chỉ số DDCI
3.1. Mục tiêu xây dựng và
triển khai bộ chỉ số DDCI
3.1.1. Mục tiêu chung
- Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh
tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Đồng Tháp nhằm mục
đích đánh giá năng lực của chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở,
ban, ngành trên khía cạnh điều hành kinh tế. Từ đó, tạo động lực cải thiện
chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản
xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu
tư, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
- Kết quả đạt được từ việc đánh
giá DDCI là cơ sở đề ra các giải pháp hiệu quả, đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng
điều hành kinh tế của địa phương, giúp Đồng Tháp có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa
trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất - kinh
doanh.
3.1.2. Mục tiêu cụ thể
- Đánh giá khách quan năng lực
điều hành của lãnh đạo sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc
thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Từ đó, có sự so sánh, đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị trong giải quyết
thủ tục hành chính và triển khai các hoạt động liên quan đến cải thiện môi trường
đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Tạo sự cạnh tranh, thi đua về
chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các sở, ban, ngành và địa phương.
Từ đó, tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao
chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp;
tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các
lĩnh vực.
- Tạo kênh thông tin tin cậy, rộng
rãi để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến nâng cao năng lực điều hành của
chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của các sở, ban,
ngành, địa phương và các tổ chức liên quan.
- Thu thập các thông tin góp ý
của doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn trong hoạt
động đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
- Có cơ sở khách quan để đánh
giá công tác điều hành kinh tế của tỉnh trong thời gian qua; nghiên cứu, đề xuất
giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh những năm tiếp theo; đồng thời
khắc phục những hạn chế của các địa phương, các cơ quan, đơn vị.
3.2. Nhiệm vụ xây dựng và
triển khai bộ chỉ số DDCI
Bộ chỉ số DDCI là hệ thống các
chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều
hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ban, ngành
và địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Bộ chỉ số DDCI được cấu thành bởi
các chỉ số thành phần (sub-index); kết quả từng chỉ số thành phần là căn cứ
tính toán điểm số DDCI[1]. Bộ chỉ số DDCI phải thể
hiện được những khác biệt và có thể so sánh được về năng lực điều hành kinh tế
của cấp sở, ban, ngành và địa phương sau khi đã loại trừ ảnh hưởng của các điều
kiện sẵn có (cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, chức năng và nhiệm vụ…).
Việc xây dựng và triển khai Bộ
chỉ số DDCI đòi hỏi phải tuân thủ đúng quy trình khảo sát, tính toán và đánh
giá, nhằm đảm bảo phản ánh trung thực, khách quan những nhìn nhận, đánh giá của
khối doanh nghiệp; có độ tin cậy cao và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các cấp sở,
ban, ngành và địa phương trong việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế.
4. Đối tượng
được khảo sát, đánh giá của bộ chỉ số DDCI
4.1. Đối tượng được khảo
sát
Các doanh nghiệp, hộ sản xuất
kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự
án trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính
công của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện trong vòng 02 năm vừa
qua.
4.2. Đối tượng được đánh
giá
Việc khảo sát, đánh giá sẽ được
tiến hành đối với một số các sở, ban, ngành và địa phương được lựa chọn trên cơ
sở nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động cải thiện môi trường
đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
- Các địa phương được đánh giá
DDCI năm 2018 là: toàn bộ 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
- Các sở, ban, ngành được đánh
giá năm 2018 là:
+ 10 Sở: Kế hoạch và Đầu tư;
Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Công Thương; Lao động – Thương binh và Xã hội;
Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền
thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ.
+ 05 Ban, ngành: Công an Tỉnh;
Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh; Cục Thuế Tỉnh; Cục Hải quan Tỉnh; Bảo hiểm xã hội
Tỉnh.
- Trên cơ sở kết quả đánh giá
DDCI năm 2018, căn cứ theo tình hình thực tế, Cơ quan điều phối và Đơn vị tư vấn
sẽ chủ động đề xuất điều chỉnh đối tượng được đánh giá trong những năm tiếp
theo.
PHẦN II.
XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN,
NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG (DDCI) THUỘC TỈNH ĐỒNG THÁP
1. Xây dựng
Bộ chỉ số DDCI
1.1. Phương pháp xây dựng
Bộ chỉ số DDCI
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh
tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Đồng Tháp được xây dựng
trên cơ sở kế thừa nghiên cứu về Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của
VCCI về phương pháp luận, kỹ thuật khảo sát; đồng thời, tiếp thu kinh nghiệm của
tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Ninh trong việc xây dựng Bộ chỉ số Năng lực cạnh
tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Cụ thể:
- Kế thừa 08 chỉ số thành phần
cơ bản và một phần các chỉ tiêu của bộ chỉ số PCI đó là:
1. Tính minh bạch và tiếp cận
thông tin: Đánh giá khả năng tuyên truyền, phổ biến các thông tin về chính
sách, pháp luật của các sở, ban, ngành và địa phương đến các doanh nghiệp và mức
độ phổ biến của Cổng thông tin điện tử (website) của đơn vị.
2. Tính năng động của lãnh đạo:
Đánh giá tính năng động, sáng tạo và vai trò của lãnh đạo đơn vị trong quá
trình thực thi chính sách của Tỉnh, của Trung ương cũng như việc đưa ra những
sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
3. Chi phí thời gian: Đo
lường khả năng cung ứng dịch vụ công một cách nhanh chóng của các sở, ban,
ngành, địa phương và tác động của việc thanh, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị
đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Chi phí không chính thức:
Đo lường mức chi phí không chính thức doanh nghiệp phải trả và những trở ngại
do những chi phí này gây nên cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Cạnh tranh bình đẳng:
Đo lường khả năng thực hiện nguyên tắc đối xử bình đẳng của các sở, ban, ngành
và địa phương đối với các doanh nghiệp.
6. Hỗ trợ doanh nghiệp:
Đánh giá khả năng hỗ trợ của Sở, ngành và địa phương để thúc đẩy hoạt động
thương mại khu vực tư nhân, cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp và
tìm kiếm đối tác kinh doanh.
7. Thiết chế pháp lý:
Đánh giá khả năng tham mưu, xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật
của các sở, ban, ngành, địa phương.
8. Tiếp cận đất đai [2]: Đo lường việc tiếp cận đất đai có dễ dàng
không và doanh nghiệp có thấy yên tâm và được đảm bảo về sự ổn định khi có được
mặt bằng kinh doanh hay không.
Sự kế thừa các chỉ tiêu của Bộ
chỉ số PCI là cần thiết bởi vì Bộ chỉ số DDCI cũng với mục tiêu đánh giá năng lực
của chính quyền các các sở, ban, ngành và địa phương trên khía cạnh điều hành
kinh tế.
- Bên cạnh đó, dựa trên những đặc
thù có thể quan sát được trong môi trường kinh doanh ở tỉnh Đồng Tháp để xây dựng
Bộ chỉ số DDCI phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi sở, ban, ngành và địa
phương trên địa bàn tỉnh, Bộ chỉ số DDCI tỉnh Đồng Tháp có thêm 01 chỉ số thành
phần là:
9. Tính ứng dụng công nghệ
thông tin (Chính quyền điện tử): Đo lường mức độ phát triển và ứng dụng
công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành và địa phương.
1.2. Phương pháp tính điểm
Sau khi thống nhất các chỉ số
thành phần (sub-index) và các chỉ tiêu đánh giá nội hàm của từng chỉ số thành
phần sử dụng trong Bộ chỉ số DDCI. Trong đó, mỗi chỉ số được xây dựng bằng cách
kết hợp hai loại dữ liệu, đó là dữ liệu sơ cấp từ điều tra khảo sát và dữ liệu
thứ cấp có sẵn.
Điểm chỉ số thành phần được tổng
hợp từ điểm tất cả các chỉ tiêu con. Mỗi chỉ tiêu con của chỉ số thành phần đều
có cách thức đánh giá và tính điểm riêng; làm cơ sở để xây dựng công cụ và công
thức tính điểm DDCI. Mỗi chỉ tiêu được chuẩn hóa theo thang điểm 10 để tạo cơ sở
cho việc so sánh [3]. Quy trình này cùng được áp
dụng cho tất cả 10 chỉ số thành phần.
Chỉ số tổng hợp được xây dựng
trên cơ sở các điểm số của các chỉ số thành phần và trọng số tương ứng cho từng
chỉ số thành phần.
Trọng số cho các chỉ số thành
phần được xác định dựa trên các cơ sở sau:
- Mức độ ảnh hưởng của chỉ số
thành phần đối với hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp,
hộ sản xuất kinh doanh và hợp tác xã.
- Điểm số của các chỉ số thành
phần theo kết quả công bố chỉ số PCI của VCCI trong những năm gần đây [4].
- Phương pháp nghiên cứu chuyên
gia.
Kết quả xác định trọng số được
trình bày tại bảng sau:
Trọng
số tính điểm đối với cấp sở, ban, ngành
Chỉ số thành phần
|
Trọng số
|
1. Tính minh bạch và tiếp cận
thông tin
|
20%
|
2. Tính năng động của lãnh đạo
|
15%
|
3. Chi phí thời gian
|
15%
|
4. Chi phí không chính thức
|
10%
|
5. Cạnh tranh bình đẳng
|
10%
|
6. Hỗ trợ doanh nghiệp
|
5%
|
7. Thiết chế pháp lý
|
10%
|
8. Tính ứng dụng CNTT (chính
quyền điện tử)
|
15%
|
Tổng cộng
|
100%
|
Trọng
số tính điểm đối với cấp địa phương (huyện, thị xã, thành phố)
Chỉ số thành phần
|
Trọng số
|
1. Tính minh bạch và tiếp cận
thông tin
|
20%
|
2. Tính năng động của lãnh đạo
|
15%
|
3. Chi phí thời gian
|
10%
|
4. Chi phí không chính thức
|
15%
|
5. Cạnh tranh bình đẳng
|
10%
|
6. Hỗ trợ doanh nghiệp
|
5%
|
7. Thiết chế pháp lý
|
10%
|
8. Tính ứng dụng CNTT (chính
quyền điện tử)
|
5%
|
9. Tiếp cận đất đai
|
10%
|
Tổng cộng
|
100%
|
1.3. Nội dung bộ chỉ số
DDCI
1.3.1. Nội dung bộ chỉ số
đánh giá cấp sở, ban, ngành và địa phương
- Các Sở, ban, ngành: đánh giá
các chỉ số thành phần từ 1 đến 8.
- Các địa phương: đánh giá các
chỉ số thành phần từ 1 đến 9.
Chỉ số thành phần
|
Tiêu chí
|
1. Tính minh bạch và tiếp
cận thông tin: đánh giá khả năng doanh nghiệp có thể tiếp cận được những
kế hoạch của sở, ban, ngành, địa phương và văn bản pháp lý cần thiết cho công
việc điều hành kinh doanh của mình; sự bình đẳng trong tiếp cận thông tin của
các tài liệu này, sự cập nhật thông tin về chính sách, quy định mới cho doanh
nghiệp, tính tiên liệu của việc triển khai thực hiện những chính sách quy định
đó và mức độ phổ biến Trang thông tin điện tử (website) của đơn vị.
(sub1 = 0,5*A1+0,5*A2)
|
Khả năng tiếp cận thông
tin, tài liệu (A1)
|
Các kế hoạch, quy hoạch phát
triển của ngành, địa phương được công khai phổ biến (A1.1)[5]
|
Dễ dàng tiếp cận các văn bản
quy phạm pháp luật của ngành, địa phương (A1.2)
|
Dễ dàng tiếp cận các thông
tin về chính sách ưu đãi của ngành (A1.3)[6]
|
Dễ dàng tiếp cận các biểu mẫu
thủ tục hành chính (A1.4)
|
Phí, lệ phí được công khai tại
hệ thống một cửa (A1.5)
|
Thông tin về chính sách, quy
định mới được tuyên truyền, phổ biến kịp thời cho doanh nghiệp (A1.6)
|
Cần có mối quan hệ với cơ
quan Nhà nước để tiếp cận các thông tin, tài liệu (A1.7)
|
Tính cởi mở và ổn định của
các quy định, chính sách (A2)
|
Doanh nghiệp có thể dự đoán
được của hoạt động thực thi pháp luật của ngành, địa phương (A2.1)[7]
|
Các hiệp hội doanh nghiệp
đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phản biện các chính sách, quy định
pháp luật (A2.2)[8]
|
Tỷ lệ doanh nghiệp truy cập
website của đơn vị để tìm kiếm thông tin (A2.3)
|
Thông tin trên website đáp ứng
nhu cầu thông tin của doanh nghiệp (A2.4)
|
Độ mở và chất lượng website của
đơn vị (danh bạ liên hệ; lịch công tác của lãnh đạo; góp ý, hỗ trợ trực tuyến;
công khai thủ tục hành chính ở các mức độ) (A2.5)
|
2. Tính năng động của
lãnh đạo: đánh giá tính sáng tạo, sáng suốt và vai trò của lãnh đạo
đơn vị trong quá trình thực thi chính sách của tỉnh, Trung ương cũng như
trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư
nhân.
(sub2 = 0,6*B1+0,4*B2)
|
Khả năng vận dụng linh hoạt
chính sách, chủ trương, quy định pháp luật của lãnh đạo (B1)
|
Chính sách, chủ trương của tỉnh,
Trung ương được triển khai tốt ở cấp Sở, ban, ngành, địa phương (B1.1)
|
Kịp thời nắm bắt và có phương
án xử lý những bất cập, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn và
trách nhiệm của mình (B1.2)
|
Vai trò của người lãnh đạo
(B2)
|
Lãnh đạo đơn vị có ảnh hưởng
lớn tới công tác cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị (B2.1)
|
Lãnh đạo đơn vị có hành động
cụ thể và thiết thực để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp (B2.2)
|
Lãnh đạo đơn vị lắng nghe và
tiếp thu các ý kiến, góp ý của doanh nghiệp (B2.3)
|
3. Chi phí thời gian:
đo lường thời gian mà các doanh nghiệp phải bỏ ra khi thực hiện các thủ tục
hành chính, cũng như mức độ thường xuyên và thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng
kinh doanh để các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện việc thanh, kiểm tra.
(sub3 = 0,6*C1+0,4*C2)
|
Bộ phận một cửa (C1)
|
Quy trình và thủ tục dễ hiểu,
dễ thực hiện (C1.1)
|
Thời gian giải quyết thủ tục
hành chính theo đúng quy định của pháp luật hiện hành (C1.2)
|
Thủ tục giấy tờ có giảm so với
trước (C1.3)
|
Cán bộ am hiểu về chuyên môn
(C1.4)
|
Cán bộ, công chức có thái độ
thân thiện, nhiệt tình (C1.5)
|
Cán bộ, công chức hướng dẫn
doanh nghiệp một cách rõ ràng, đầy đủ (C1.6)
|
Doanh nghiệp phải đi lại nhiều
lần để hoàn thành một thủ tục hành chính (C1.7)
|
Phương thức tiếp nhận hồ sơ
và trả kết quả trực tuyến (C1.8)
|
Hoạt động thanh, kiểm tra
(C2)
|
Hoạt động thanh, kiểm tra gây
cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (C2.1)
|
Nội dung thanh, kiểm tra chồng
chéo, trùng lắp với các sở, ban, ngành khác hoặc chính quyền địa phương
(C2.2)
|
Nội dung thanh, kiểm tra đúng
như trong phạm vi của Quyết định thanh, kiểm tra đã ban hành (C2.3)
|
4. Chi phí không chính
thức: đo lường mức chi phí không chính thức doanh nghiệp phải trả và
những trở ngại do những chi phí này gây nên cho hoạt động kinh doanh của
doanh nghiệp.
(sub4 = (D1+D2+D3+D4)/4)
|
Tỷ lệ % doanh nghiệp có trả
chi phí không chính thức (D1)
|
Chi phí không chính thức ở mức
chấp nhận được (D2)
|
Tình trạng nhũng nhiễu khi giải
quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến (D3)
|
Cần có các chi phí không
chính thức để công việc được giải quyết như mong muốn (D4)
|
5. Cạnh tranh bình đẳng:
đo lường khả năng thực hiện nguyên tắc đối xử bình đẳng của các sở, ban,
ngành, địa phương đối với các doanh nghiệp
(sub5 = E1+E2+E3+E4+E5+E6+E7)/7)
|
Tổng Công ty, Tập đoàn, DNNN,
Doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn so với DNNVV
trong tiếp cận thông tin (E1)
|
Tổng Công ty, Tập đoàn, DNNN,
Doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhận được các chính sách ưu
đãi hơn so với DNNVV (vốn vay, mặt bằng kinh doanh,…) (E2)
|
Tổng Công ty, Tập đoàn, DNNN,
Doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được ưu tiên giải quyết thủ
tục hành chính (E3)
|
Tổng Công ty, Tập đoàn, DNNN,
Doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được ưu tiên giải quyết khó
khăn (E4)
|
Tổng Công ty, Tập đoàn, DNNN,
Doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được ưu tiên trong tiếp cận
các nguồn lực nhà nước (đấu thầu, khoáng sản,...) (E5)
|
Sự ưu ái đó gây khó khăn cho
hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (E6)
|
Lãnh đạo đơn vị thường xuyên
quan tâm đến các DNNVV (E7)
|
6. Hỗ trợ doanh nghiệp:
đánh giá khả năng hỗ trợ của các sở, ban, ngành và địa phương để thúc đẩy hoạt
động thương mại khu vực tư nhân, cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp
và tìm kiếm đối tác kinh doanh.
(sub6 = (F1+F2+F3+F4)/4)
|
Đánh giá của doanh nghiệp về
các buổi tập huấn, phổ biến chính sách, quy định pháp luật (F1)
|
Đánh giá của doanh nghiệp về
các buổi đối thoại doanh nghiệp (F2)
|
Đánh giá của doanh nghiệp về
hỗ trợ tư vấn pháp lý (F3)
|
Cán bộ, công chức nhiệt tình
giúp doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục, hồ sơ còn vướng mắc (F4)
|
7. Thiết chế pháp lý: đánh
giá khả năng tham mưu, xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật
(VBQPPL) của các sở, ban, ngành, địa phương.
(sub7 = 0,4*G1+0,4*G2+0,2*G3)
|
Công tác thi hành, thực
thi pháp luật (G1)
|
Thực thi VBQPPL nhất quán giữa
các nhóm đối tượng (G1.1)
|
Thực thi VBQPPL nghiêm minh,
theo đúng quy trình, quy định (G1.2)
|
Thương lượng với cán bộ là cần
thiết khi làm việc với sở, ban, ngành, địa phương (G1.3)
|
Đánh giá hoạt động soạn thảo,
xây dựng các VBQPPL (G2): VBQPPL được điều chỉnh phù hợp và kịp thời với
thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
|
Công tác giải quyết phản
ánh, kiến nghị (G3): phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết
thỏa đáng.
|
8. Tính ứng dụng CNTT: đo
lường mức độ phát triển và ứng dụng CNTT của các Sở, ban, ngành và địa
phương.
(sub9 = 0,6*H1+0,4*H2)
|
Điểm số và thứ hạng chỉ số
ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh* (H1)
|
Điểm số của chỉ số ứng dụng
và phát triển CNTT của tỉnh (H1.1)
|
Mức thay đổi thứ hạng so với
năm trước (H1.2)
|
Ứng dụng CNTT trong công
tác quản lý (H2)
|
Có dịch vụ hỏi đáp trực tuyến
trên website** (H2.1)
|
Chất lượng dịch vụ công trực
tuyến (H2.2)
|
Có hệ thống cơ sở dữ liệu mở
về các VBQPPL, quy định, chính sách chuyên ngành dành cho doanh nghiệp**
(H2.3)
|
Thông báo, tuyên truyền
VBQPPL trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua các phương tiện điện tử: email,
tin nhắn,… (H2.4)
|
9. Tiếp cận đất đai và ổn
định trong sử dụng đất: đo lường việc tiếp cận đất đai có dễ dàng không
và doanh nghiệp có thấy yên tâm và được đảm bảo về sự ổn định khi có được mặt
bằng kinh doanh hay không.
(sub10 = J1+J2+J3+J4)/4)
|
Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận
các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (J1)
|
Doanh nghiệp không gặp bất cứ
cản trở nào về mặt bằng kinh doanh (J2)
|
Doanh nghiệp không gặp khó
khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai (thay đổi mục đích sử dụng,
chuyển nhượng, thuê đất,….) (J3)
|
Mức độ rủi ro khi sử dụng đất
của doanh nghiệp (như rủi ro bị chính quyền thu hồi cho mục đích sử dụng
khác, thay đổi quy hoạch…) là thấp (J4)
|
* Các chỉ tiêu này được chấm
điểm trên cơ sở số liệu thứ cấp do các Sở, ban, ngành và địa phương cung cấp.
** Các chỉ tiêu này sẽ do
Đơn vị tư vấn chấm điểm.
|
1.3.2. Một số nội dung đánh
giá thêm
Gồm các nội dung được khảo sát
để đánh giá mức độ điều hành của cơ quan nhà nước và để so sánh sự tiến bộ qua
các năm nhưng không tính điểm và không dùng để xếp hạng các sở, ban, ngành và địa
phương.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Sự thay đổi bảng giá đất của
tỉnh phù hợp và kịp thời với sự thay đổi của giá thị trường.
b) Chủ động trong giải quyết
các vướng mắc về đất đai gây bức xúc.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
a) Mức độ thuận lợi trong việc
chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây khác, sang đất phi nông nghiệp.
b) Mức độ thuận lợi khi thực hiện
thủ tục hành chính về thuê đất rừng phòng hộ để kết hợp kinh doanh.
3. Sở Lao động – Thương binh và
Xã hội:
a) Tuyển dụng lao động phổ
thông.
b) Đánh giá chất lượng lao động
phổ thông.
c) Đánh giá chất lượng dịch vụ
giới thiệu việc làm.
d) Chi phí tuyển dụng và đào tạo
lại lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
4. Các Sở, ban, ngành và Ủy ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố:
a) Thủ tục hành chính công tốt
nhất.
b) Thủ tục hành chính công phiền
hà nhất.
c) Khoản chi phí nào là gánh nặng
chi phí kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã
trong quá trình hoạt động.
2. Xây dựng
công cụ khảo sát
Công cụ khảo sát bao gồm: Bộ
phiếu khảo sát; Hệ thống phần mềm đánh giá, chạy dữ liệu và Công cụ tính điểm
DDCI.
2.1. Xây dựng Bộ phiếu khảo
sát
Phiếu khảo sát được xây dựng dựa
trên bộ chỉ tiêu đánh giá và các câu hỏi nhằm làm rõ các nội dung đánh giá của
doanh nghiệp.
2.2. Hệ thống phần mềm
đánh giá, chạy dữ liệu
Việc thu thập dữ liệu khảo sát
cần phải được thực hiện qua các công cụ chuyên nghiệp, đảm bảo tính thống nhất,
đồng bộ và chính xác, cho phép nhiều người có thể sử dụng và nhập dữ liệu vào hệ
thống và có khả năng lưu trữ lượng thông tin lớn trong một thời gian dài do đó
cần xây dựng hệ thống phần mềm để tính toán và chạy dữ liệu.
Thông tin khảo sát thu thập được
cần phải mã hóa để thống nhất trên phần mềm chuyên dụng, cho phép nhóm nghiên cứu
có thể trích, xuất các thông tin cần thiết theo mọi chỉ tiêu.
Công cụ lưu trữ thông tin và
tính điểm phải được xây dựng trên cơ sở tham vấn của các chuyên gia và cho phép
phân tích sơ bộ kết quả khảo sát.
Các cán bộ sử dụng hệ thống phần
mềm phải được tập huấn về kỹ năng vận hành và xử lý số liệu.
2.3. Công cụ tính điểm
DDCI
Hệ thống phần mềm đánh giá, chạy
dữ liệu cho phép tự động tính ra điểm số của từng chỉ số thành phần DDCI và chỉ
số DDCI dựa trên các trọng số tương ứng với từng chỉ số thành phần.
3. Phương
pháp khảo sát
Có hai phương pháp nghiên cứu
chính, nhằm mục tiêu kết hợp cả số liệu sơ cấp và số liệu thứ cấp trong quá
trình tính toán để cho ra kết quả tổng hợp:
(1) Tiến hành khảo sát chọn mẫu
các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất
kinh doanh, đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và có tương tác hoặc sử dụng
dịch vụ hành chính công của các Sở, ban, ngành và địa phương trong vòng 02 năm
vừa qua để thu thập số liệu đánh giá.
(2) Tiến hành thu thập thông
tin, dữ liệu từ các nguồn số liệu đã được công bố (từ
Cục Thống kê và báo cáo của các
Sở, ban, ngành và địa phương).
3.1. Phương pháp lấy mẫu
Danh sách mẫu khảo sát (đối tượng
được khảo sát) được lựa chọn từ danh sách các tổ chức kinh tế đã sử dụng dịch vụ
hành chính công trong vòng 02 năm qua do Cục Thuế Tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa
phương được khảo sát cung cấp; và được phân bổ theo loại hình, địa bàn, lĩnh vực
hoạt động của doanh nghiệp.
Mẫu khảo sát được lựa chọn xác
suất theo phương pháp phân tầng ngẫu nhiên theo tỷ lệ của các nhóm đơn vị kinh
tế (doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã), từng cấp cơ sở và và phải
đảm bảo số lượng phiếu trả lời tối thiểu theo mỗi đơn vị nhằm đảm bảo ý nghĩa
thống kê[9]. Số lượng mẫu sẽ được điều chỉnh tùy
theo tỷ lệ phản hồi của cách thức điều tra lựa chọn.
3.2. Phương pháp lấy ý kiến
khảo sát
Khảo sát được thực hiện thông
qua 4 hình thức:
(1) Khảo sát qua Phiếu bằng bản
giấy thông qua đường bưu điện.
(2) Khảo sát trực tiếp tại
Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công; Bộ phận tiếp
nhận và trả kết quả tại Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.
(3) Khảo sát bằng Phiếu điện tử
trên Cổng Thông tin điện tử Tỉnh.
(4) Khảo sát qua phỏng vấn trực
tiếp.
Nhằm gia tăng tỷ lệ phản hồi một
cách có hệ thống, Đơn vị tư vấn sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì tổ chức Hội thảo
khởi động và gửi kèm thư ngỏ giải thích ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc khảo
sát đánh giá đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn
tỉnh trong quá trình thực hiện.
4. Phương
pháp xử lý dữ liệu
4.1. Nhập dữ liệu
Phiếu khảo sát sau khi thu thập
về sẽ được số hóa toàn bộ thông tin; khi việc nhập liệu hoàn tất, dữ liệu sẽ tiếp
tục được phân tích với phần mềm xử lý số liệu.
4.2. Xử lý số liệu
- Làm sạch dữ liệu: việc
làm sạch dữ liệu cũng đã thực hiện ngay từ bước chuẩn bị dữ liệu thông qua việc
phát hiện các sai sót và hiệu chỉnh. Sau khi nhập liệu, sẽ sử dụng các phần mềm
xử lý số liệu thống kê chuyên dụng để phát hiện và loại trừ các giá trị (thông
tin) cá biệt, ngoại lai.
- Trích xuất dữ liệu khảo
sát: Dữ liệu được trích xuất là những thống kê mô tả của từng thông số được
xây dựng dựa trên các chỉ tiêu đánh giá và câu hỏi khảo sát. Đơn vị tư vấn thực
hiện việc trích xuất các dữ liệu khảo sát, thống kê để phục vụ cho việc tổng hợp
thành bảng số liệu. Bảng số liệu tổng hợp được dùng để tính điểm, đánh giá và
so sánh các đơn vị được khảo sát.
5. Tổng hợp
dữ liệu và viết báo cáo phân tích
Báo cáo phân tích tổng hợp dựa
trên cơ sở Bảng số liệu tổng hợp từ phiếu khảo sát và phân tích từ kết quả điều
tra, phỏng vấn trực tiếp; các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, báo cáo cải
cách hành chính của địa phương để đảm tính khách quan, đa chiều và sát thực nhất
với tình hình thực tế.
Báo cáo cũng thể hiện cụ thể
các số liệu, bảng biểu, sơ đồ và các phân tích kết quả của từng chỉ số thành phần
và chỉ tiêu đánh giá. Để có thể dễ dàng tra cứu, tham khảo nhằm định hướng khắc
phục các hạn chế, tiếp tục phát huy các lợi thế, ưu điểm của từng cơ quan, đơn
vị, địa phương.
Sau khi thẩm định và phê duyệt
báo cáo, Ủy ban nhân dân Tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với Cơ quan điều phối và Đơn
vị tư vấn tổ chức công bố kết quả Báo cáo chỉ số Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp
sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) thuộc tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, cũng tiếp nhận
các phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp, ý kiến đóng góp và tham vấn các giải
pháp thiết thực để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao
năng lực cạnh tranh của tỉnh Đồng Tháp trong những năm tiếp theo./.
[1] Dựa trên
phương pháp luận của Bộ chỉ số PCI.
[2] Chỉ sử dụng đối
với cấp Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố.
[3] - Nếu điểm chỉ
tiêu cao có nghĩa là chất lượng điều hành ‘tốt’, công thức dưới đây được sử dụng:
[9*((Điểm của đơn vị được đánh giá – điểm nhỏ nhất của mẫu)/(Điểm lớn nhất của
mẫu – Điểm nhỏ nhất của mẫu))+1].
- Nếu điểm chỉ tiêu cao có nghĩa là chất lượng điều
hành ‘không tốt’ thì lấy 11 trừ cho công thức trên: {11- [9*((Điểm của đơn vị
được đánh giá – điểm nhỏ nhất của mẫu)/(Điểm lớn nhất của mẫu – Điểm nhỏ nhất của
mẫu))+1]}.
[4] Các chỉ số tỉnh
Đồng Tháp có điểm số thấp theo công bố của VCCI trong những năm gần đây bao gồm:
Chi phí không chính thức; Tính năng động của chính quyền tỉnh, Cạnh tranh bình
đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động.
[5] Không đánh giá
tính điểm và xếp hạng đối với Công an Tỉnh.
[6] Không đánh giá
tính điểm và xếp hạng đối với Công an Tỉnh.
[7] Không đánh giá
tính điểm và xếp hạng đối với Công an Tỉnh.
[8] Không đánh giá
tính điểm và xếp hạng đối với Công an Tỉnh.
[9]
Số phiếu trả lời tối thiểu cần có phụ thuộc vào số lượng doanh nghiệp thực tế
theo danh sách được cung cấp từ Cục Thuế Tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa
phương. Số lượng 20 phiếu trả lời là con số mang tính quy ước cho từng đơn vị
(dựa trên kết quả tính toán của Đơn vị tư vấn).
Khoảng tin cậy và tỷ lệ phản hồi tối thiểu được kế
thừa theo nghiên cứu của PCI với công thức: x = Z(C/100)2r(100-r); n = N
x/((n-1)E2 + x) ; E = Sqrt[(N-n)x/n(N-1)]. Trong đó: N là quy mô của tổng thể;
r là tỷ lệ phản hồi cần có và Z(C/100) là giá trị kiểm định tương ứng với mức độ
tin cậy c.