BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6962/BKHĐT-QLĐT
V/v hướng dẫn thực hiện pháp luật về đấu thầu
|
Hà Nội, ngày 02
tháng 10 năm 2018
|
Kính gửi: Ông
Phan Tuấn Anh - Công ty TNHH Hoàng Ngọc Phát
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản số
9156/VPCP-ĐMDN ngày 21/9/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc giải đáp kiến nghị
của Ông Phan Tuấn Anh - Công ty TNHH Hoàng Ngọc Phát. Sau khi nghiên cứu, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư có ý kiến trả lời Ông như sau:
1. Về đánh giá hợp đồng tương tự đối với đấu thầu
qua mạng
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 16 khoản
1) quy định sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu
theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài
liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu
nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và
kinh nghiệm.
Theo quy định tại khoản 5 và khoản 7
Điều 15 Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư thì đối với các nội dung về năng lực và kinh nghiệm, việc đánh giá E-HSDT được
thực hiện trên cơ sở các thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT mà không yêu cầu
nhà thầu phải đính kèm file tài liệu chứng minh. Trường hợp cần làm rõ E-HSDT
thì bên mời thầu và nhà thầu tiến hành làm rõ E-HSDT trực tiếp trên Hệ thống.
Đối với câu hỏi của Ông, việc làm rõ và đánh giá
E-HSDT được thực hiện theo quy định nêu trên.
2. Về thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu
Luật đấu thầu (Điều 12 khoản 1 điểm
g) quy định thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là
20 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 30 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với
đấu thầu trong nước, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu
trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời gian đánh giá hồ sơ
quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 30 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 40 ngày,
hồ sơ dự thầu tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày có thời điểm
đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà
thầu. Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ
sơ đề xuất nhưng không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
Theo đó, đối với câu hỏi của ông, việc kéo dài thời
gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không quá 20 ngày và đảm bảo tiến độ
thực hiện dự án là không trái với quy định nêu trên.
3. Về mua sắm trực tiếp
Luật đấu thầu (Điều 24 khoản 2)
quy định việc mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau
đây: (i) nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn
chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó; (ii) gói thầu có nội dung,
tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước
đó; (iii) đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp
không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã
ký hợp đồng trước đó; (iv) thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến
ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.
Theo đó, đối với câu hỏi của Ông, đơn vị có nhu cầu
mua sắm có thể áp dụng mua sắm trực tiếp trên cơ sở kết quả của thỏa thuận
khung nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định nêu trên.
4. Về việc nêu nhãn hiệu, xuất xứ của hàng hóa
Theo hướng dẫn tại Mẫu số 05 (Bản yêu cầu báo giá)
ban hành kèm theo Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc lập hồ sơ
yêu cầu đối với chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, trong yêu cầu về kỹ thuật
không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm
tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế
công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm
cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải
ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy
định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử
dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho
nhà thầu trong quá trình chuẩn bị báo giá.
Theo đó, đối với câu hỏi của Ông, đối với gói thầu
chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn qua mạng, trong yêu cầu báo giá việc
đưa yêu cầu kỹ thuật thực hiện theo hướng dẫn nêu trên.
5. Về đánh giá nhân sự chủ chốt và thiết bị thi
công
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 khoản
1) quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá
hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu
đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm,
lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để
thực hiện gói thầu.
Theo đó, đối với câu hỏi của Ông, việc đánh giá về
nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá quy định
trong hồ sơ mời thầu. Trường hợp nhân sự và thiết bị của nhà thầu không đáp ứng
yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì nhà thầu được đánh giá là không đạt yêu cầu về
năng lực kỹ thuật và theo đó hồ sơ dự thầu của nhà thầu không được tiếp tục xem
xét, đánh giá.
6. Về việc chào đơn giá khác nhau cho cùng một công
việc
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 17
và Điều 18 khoản 2 điểm b) quy định về việc sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và
quy định một trong các trường hợp đánh giá đơn dự thầu hợp lệ là không đề xuất
các giá dự thầu khác nhau.
Theo đó, đối với câu hỏi của Ông, việc nhà thầu
chào 2 đơn giá khác nhau cho cùng một loại công việc ở 2 hạng mục khác nhau
không thuộc các trường hợp sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và cũng không phải là
chào hai giá theo quy định nêu trên. Khi tham dự thầu, nhà thầu được quyền quyết
định về đơn giá dự thầu. Nhà thầu được đề nghị trúng thầu nếu đáp ứng các điều
kiện quy định tại Điều 43 Luật đấu thầu.
7. Về tư cách hợp lệ của nhà thầu
Theo hướng dẫn tại Mục 14.5 Chương I và Mục I Chương III Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số
05/2015/TT-BKHĐT, trường hợp gói thầu được chia thành nhiều phần độc lập và
cho phép dự thầu theo từng phần thì nhà thầu có thể dự thầu một hoặc nhiều phần
của gói thầu; một trong các nội dung đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu là
nhà thầu không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu
chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh) đối với cùng một gói
thầu. Trường hợp gói thầu chia thành nhiều phần độc lập thì nhà thầu không có
tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu chính đối với phần
mà nhà thầu tham dự thầu.
Theo đó, đối với câu hỏi của Ông, trường hợp gói thầu
chia thành 3 phần, nhà thầu A tham dự phần 3 với tư cách độc lập, nhà thầu B
tham dự phần 3 với tư cách độc lập, nhà thầu A liên danh với nhà thầu B tham dự
phần 1 và phần 2 thì nhà thầu A và nhà thầu B không bị coi là có tên trong hai
hoặc nhiều hồ sơ dự thầu theo quy định nêu trên.
Trên đây là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên
cơ sở các thông tin được cung cấp tại văn bản số 8883/VPCP-ĐMDN ngày 14/9/2018
của Văn phòng Chính phủ./.
Nơi nhận:
- Như trên (Số 01 Nguyễn Ái Quốc, KP1,
P.Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai);
- Văn phòng Chính phủ; .
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Lưu: VT, Cục QLĐT (CL06).
|
TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ ĐẤU THẦU
Nguyễn Đăng Trương
|