ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2018/QĐ-UBND
|
Hậu Giang, ngày 10 tháng 9 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH HẬU GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng
6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP
ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về phạm vi vùng phụ cận bảo
vệ các công trình thủy lợi đã được xây dựng và đưa vào quản lý, khai thác, sử dụng
trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt
động liên quan đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng công trình thủy lợi
trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Vùng phụ cận để bảo vệ công trình
thủy lợi là giới hạn khoảng đất và không gian theo chiều
thẳng đứng nằm ngoài, liền kề với khối kiến trúc xây dựng công trình. Phạm vi
vùng phụ cận công trình thủy lợi để phục vụ cho công tác bảo vệ an toàn công
trình, vận hành, khai thác và sửa chữa, tu bổ được thuận lợi.
Điều 3. Quy định
phạm vi vùng phụ cận
1. Đối với trạm bơm
a) Phạm vi bảo vệ trạm bơm do các đơn
vị báo cáo đầu tư và thiết kế kỹ thuật xác định để đảm bảo thông thoáng, cách
xa khu chứa các vật liệu dễ cháy, nổ, ô nhiễm; dễ vận chuyển máy móc, thiết bị
lắp đặt, sửa chữa, thuận tiện cho người vận hành và sửa chữa.
b) Phải xây dựng hàng rào bảo vệ khu
vực trạm bom và nhà quản lý
Trạm bơm có hàng rào, vùng phụ cận
tính từ hàng rào trở ra bốn phía là 5m; trường hợp trạm
bơm chưa xây dựng hàng rào, vùng phụ cận là vùng sử dụng đất của trạm bơm cộng
thêm hành lang ra bốn phía là 5m.
2. Đối với cống, phạm vi vùng phụ cận được tính từ giới hạn phần
xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía quy định như sau:
a) Cống có chiều rộng thoát nước từ 30m trở lên, phạm vi vùng phụ cận 50m. Đối với cống ở trung tâm đô thị,
chợ, khu vực đông dân cư có nhà ở liền kề vùng phụ cận công trình là 20m.
b) Cống có chiều
rộng thoát nước từ 10m đến 30m, phạm vi vùng phụ cận là 30m. Đối với cống ở
trung tâm đô thị, chợ, khu vực đông dân cư có nhà ở liền kề vùng phụ cận công
trình là 10m.
c) Cống có chiều rộng thoát nước dưới
10m, phạm vi vùng phụ cận là 10m. Đối với cống ở trung tâm đô thị, chợ, khu vực
đông dân cư có nhà ở liền kề vùng phụ cận công trình là 5m.
d) Đối với cống có kết hợp cầu giao
thông đi qua, thì ngoài các quy định vùng phụ cận như trên còn phải thỏa mãn
các quy định về phạm vi bảo vệ của ngành giao thông vận tải đối với cầu, cống,
đường.
đ) Các cống nằm
trong khu vực dân cư, khu công nghiệp phải có hàng rào bao quanh bảo vệ cống.
3. Đối với kênh, phạm vi vùng phụ cận
được lấy từ móp kênh trở ra mỗi bên, cụ thể như sau:
a) Kênh lớn có lưu lượng từ 100m3/giây trở lên (tương đương kênh trục, kênh tạo nguồn) hoặc có chiều rộng
đáy kênh từ 50m trở lên, vùng phụ cận bảo vệ công trình là 30m;
b) Kênh vừa có lưu lượng từ 10m3/giây
đến dưới 100m3/giây (tương đương kênh cấp 1, 2)
hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 10m đến dưới 50m, vùng phụ cận bảo vệ công trình
là 20m;
c) Kênh nhỏ có lưu lượng dưới 10m3/giây (tương đương kênh cấp 3, kênh nội đồng) hoặc có chiều rộng đáy
kênh dưới 10m, vùng phụ cận bảo vệ công trình là 10m;
d) Các đoạn kênh đi qua trung tâm đô
thị, chợ, khu đông dân cư có nhà ở liền kề ven kênh, vùng phụ cận bảo vệ công
trình là 5 m;
đ) Đối với kênh mà bờ kênh có đường
giao thông, đê kết hợp thì phần đất từ mép kênh đến chân
đường giao thông, chân đê phía kênh được coi là vùng phụ cận bảo vệ công trình.
Từ chân đường giao thông, chân đê về phía đồng, vùng phụ cận lấy theo quy định
về giao thông và đê điều, nhưng vùng phụ cận bảo vệ công trình (bao gồm phần đất
từ mép kênh đến chân đường giao thông, chân đê phía kênh, bề rộng bản thân đường
giao thông, đê và vùng phụ cận của đường giao thông, đê về phía đồng) không được
nhỏ hơn vùng phụ cận bảo vệ công trình theo quy mô kênh
tương ứng;
e) Các kênh có quyết định chuyển đổi
công năng hoàn toàn sang nhiệm vụ khác hoặc các kênh có nhiệm vụ đặc biệt vùng
phụ cận được xác định cụ thể trong từng dự án được phê duyệt;
g) Những kênh kết hợp làm đường giao
thông thủy, ngoài các quy định trên còn phải phù hợp với quy định thủy giới của
ngành giao thông vận tải.
4. Đối với kè, phạm vi vùng phụ cận
tính từ phần xây đúc cuối cùng của kè trở ra:
a) Đối với kè lớn là 50m; (Kè bảo vệ
bờ kênh cấp đặc biệt, kênh chính, kênh lớn);
b) Đối với kè vừa là 30m; (Kè bảo vệ
bờ kênh vừa);
c) Đối với kè nhỏ là 20m; (Kè bảo vệ
bờ kênh nhỏ).
5. Đối với đê điều, phạm vi bảo vệ gồm
thân đê, kè, cống và vùng phụ cận. Vùng phụ cận đối với đê cấp IV, cấp V được
quy định cụ thể như sau:
a) Đối với đê sông và đê cửa sông tại
những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân
đê trở ra 5m về phía sông và phía đồng; vùng phụ cận bảo vệ đê đối với các vị
trí khác được tính từ chân đê trở ra 25m về phía đồng, 20m về phía sông;
b) Đối với đê
bao tại những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính
từ chân đê trở ra 5m về phía sông và phía đồng- vùng phụ cận bảo vệ đê đối với các vị trí khác
được tính từ chân đê trở ra 10m về phía đồng, 5m về phía sông;
c) Đối với kè bảo
vệ đê, vùng phụ cận bảo vệ công trình được giới hạn từ phần
xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía 50m.
Điều 4. Trách nhiệm
thi hành
1. Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố lập thủ tục thu hồi, giao đất theo kế hoạch
và yêu cầu của các chủ đầu tư, các đơn vị quản lý, khai thác và bảo vệ công
trình thủy lợi.
2. Sở Giao thông vận tải chủ trì phối
hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố để quy hoạch mạng lưới giao thông thủy, bộ, xác định lộ giới, phạm
vi bảo vệ công trình thủy lợi có kết hợp giao thông; thực hiện cắm biển báo, chỉ
giới đảm bảo an toàn giao thông.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối
hợp với Sở Tài chính cân đối bố trí vốn
thực hiện dự án giải tỏa, đền bù, xây dựng hàng rào, mốc chỉ giới, bảng thông
báo... vùng phụ cận theo quy định để đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác và bảo
vệ công trình thủy lợi theo khả năng cân đối vốn từ nguồn hợp pháp theo đúng
quy định.
4. Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố để
kiểm tra và thực hiện cấp phép xây dựng không vi phạm quy định vùng phụ cận
công trình.
5. Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh phối
hợp chặt chẽ và hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám
sát, thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về
bảo vệ công trình thủy lợi.
6. Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh Hậu Giang có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các
quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ công trình thủy lợi trên các phương tiện
thông tin đại chúng để mọi người hiểu biết và thi hành.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
a) Kết hợp với
các Cơ quan chức năng, các đoàn thể xã hội và Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên
truyền phổ biến rộng rãi các quy định về quản lý khai thác
và bảo vệ công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi, các Nghị định hướng dẫn và
Quyết định này.
b) Rà soát và xây dựng chương trình,
kế hoạch, lập các dự án vùng phụ cận để thực hiện tốt công tác quản lý khai
thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo sự phân cấp của tỉnh.
8. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, xác định vùng phụ cận theo quy
định; tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi.
9. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
tuyên truyền, giáo dục Nhân dân có ý thức bảo vệ công trình, kịp thời phát hiện
các hành vi phá hoại, các nguy cơ hư hỏng và huy động lực lượng tại chỗ để ứng
cứu khi công trình có sự cố, đồng thời báo cáo lên cấp trên và cơ quan trực tiếp
quản lý công trình biết để có phương án xử lý ổn định.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 9
năm 2018.
Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- VP Chính phủ
(HN, TP.HCM);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- VP. TU và các Ban đảng tỉnh;
- VP. Đoàn ĐBQH;
- VP. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN, các Đoàn thể tỉnh;
- Như Điều 6;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KT.CT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trương Cảnh Tuyên
|