ỦY BAN NHÂN DÂN
2 TỈNH:
ĐIỆN BIÊN - SƠN LA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3132/KHLT-UBND
|
Điện Biên, ngày 24 tháng 10 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CÁC PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI LIÊN
QUAN ĐẾN ĐƯỜNG ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH GIỮA 2 TỈNH: SƠN LA - ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án
“Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ
liệu về địa giới hành chính”; Biên bản Hội nghị hiệp thương giải quyết tranh chấp
đất đai liên quan đến đường địa giới hành chính giữa 2 tỉnh: Sơn La và Điện
Biên ngày 12/8/2017;
UBND 2 tỉnh Điện Biên - Sơn La xây
dựng Kế hoạch tổ chức triển khai các phương án giải quyết tại 05
điểm tranh chấp đất đai liên quan đến đường địa giới hành chính tại thực địa giữa
2 tỉnh Sơn La - Điện Biên theo chủ trương đã thống nhất tại Hội nghị hiệp
thương giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến đường địa giới hành chính giữa
2 tỉnh: Sơn La và Điện Biên ngày 12/8/2017, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tổ chức triển khai thực hiện các
phương án giải quyết tại thực địa đã được UBND 02 tỉnh Sơn La - Điện Biên thống
nhất tại Hội nghị hiệp thương giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến đường
địa giới hành chính giữa hai tỉnh ngày 12/8/2017.
- Xác định rõ đường địa giới hành
chính cần hiệu chỉnh theo chủ trương giải quyết của UBND 2 tỉnh; xây dựng
phương án, hồ sơ, thủ tục theo đúng quy trình để trình cấp
có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Yêu cầu
- Việc giải quyết tranh chấp đất đai
liên quan đến địa giới hành phải dựa trên nguyên tắc hiệp
thương dân chủ, sự thống nhất giữa các bên liên quan. Đảm bảo lợi ích của nhân
dân và tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân.
- Giải quyết dứt điểm, cơ bản lâu dài
các điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính hai tỉnh, tạo điều
kiện thuận lợi về quản lý nhà nước hành chính cho chính quyền cấp huyện, cấp xã
ở khu vực tranh chấp.
- Giải quyết tranh chấp đất đai liên
quan đến địa giới hành chính hai tỉnh nhằm góp phần giữ vững an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội của hai tỉnh ở vùng giáp ranh. Phát huy được truyền thống
đoàn kết gắn bó tốt đẹp của hai tỉnh từ trước tới nay.
- Thực hiện nhất quán quan điểm, kết
quả giải quyết tranh chấp tại Hội nghị Hiệp thương giữa hai tỉnh, do Chủ tịch
UBND 2 tỉnh đồng chủ trì.
II. KẾT QUẢ HỘI
NGHỊ HIỆP THƯƠNG GIỮA 2 TỈNH TẠI 05 ĐIỂM TRANH CHẤP
1. Khu vực tranh
chấp giữa xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La và xã Tìa Dình, huyện Điện
Biên Đông, tỉnh Điện Biên (Khu vực bản Huổi My)
Hiệu chỉnh 82ha đất tự nhiên thuộc xã
Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên về xã Sam
Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La quản lý (trong đó có 80 ha đất nương; 02 ha
đất ruộng diện tích này đã được đoàn công tác của 02 tỉnh; chính quyền cấp huyện,
cấp xã và nhân dân bản có liên quan thống nhất hiệu chỉnh).
Giao UBND hai huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn
La, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp
với UBND hai xã Sam Kha, Tìa Dình xác định:
- Diện tích 82ha đất tự nhiên thuộc
xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên về xã
Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La quản lý;
- Đo đạc, xác định phần diện tích đất
canh tác của từng hộ dân của các bản giáp ranh có liên quan tại khu vực tranh
chấp (ngoài 82 ha đã thống nhất hiệu chỉnh), báo cáo UBND hai tỉnh
(qua Sở Nội vụ hai tỉnh), xong trước ngày
10/11/2017.
Giao đoàn công
tác hai tỉnh phối hợp với UBND hai huyện, hai xã, các bản có liên quan thống nhất
phương án giải quyết tại thực địa theo tinh thần chỉ đạo chung của Chủ tịch
UBND hai tỉnh đảm bảo tương đối đồng đều diện tích đất canh tác của nhân dân
các bản có liên quan, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và trật tự an toàn xã hội
tại khu vực giáp ranh (sau khi có báo cáo của UBND hai huyện về xác định diện
tích đất canh tác của nhân dân).
2. Khu vực tranh
chấp giữa bản Pú Bẩu, Mạ Mậu, Háng Xía xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La và
bản Lại, bản Phiêng Kên, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
Thống nhất hiệu chỉnh 23ha đất tự
nhiên thuộc địa giới hành chính xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện
Biên về xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho phù hợp với hiện trạng canh
tác của nhân dân xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã. Giao đoàn công tác của hai tỉnh tiếp
tục thống nhất đường địa giới hành chính tại thực địa, không để tình trạng
tranh chấp kéo dài. Giao UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, UBND huyện Điện Biên
Đông, tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã tuyên truyền, vận
động, chỉ đạo nhân dân có liên quan thực hiện nghiêm túc phương án giải quyết
đã thống nhất theo đúng nội dung thông báo này.
3. Khu vực tranh
chấp giữa xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và xã Xa Dung, huyện Điện
Biên Đông, tỉnh Điện Biên (khu vực Chông Pia - Chua Ta - Sông Lung)
Giữ nguyên đường địa giới hành chính
được lập theo Chỉ thị 364-CP của Chính phủ tại khu vực
này. Giữ nguyên hiện trạng diện tích canh tác xen canh của nhân dân hai bên.
Giao UBND hai huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
xác định diện tích đất canh tác của từng hộ dân để cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất. Đối với các khu vực mới phát rừng để làm nương từ năm 2016 trở về
đây, yêu cầu không được tiếp tục canh tác tại khu vực đó để tái tạo khoanh nuôi, tái sinh rừng.
4. Khu vực tranh
chấp giữa xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La và xã Mường Lói, huyện Điện
Biên, tỉnh Điện Biên
Hiệu chỉnh 304,47 ha diện tích đất tự
nhiên thuộc địa giới hành chính xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La về xã
Mường Lói, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biện quản lý (đường địa giới hiệu chỉnh
theo Biên bản làm việc tại thực địa ngày 29/11/2016 của đoàn công tác hai tỉnh).
Đối với khu vực canh tác xâm canh của
nhân dân xã Mường Lói, huyện Điện Biên còn tồn tại sau khi hiệu chỉnh đường
ĐGHC, giao UBND hai huyện Sốp Cộp, Điện Biên và UBND các xã, bản có liên quan
xác định rõ diện tích xâm canh để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.
Đối với khu vực rừng do đồn Biên
phòng Mường Lèo đang quản lý đề nghị UBND huyện Điện Biên, huyện Sốp Cộp xác định
rõ diện tích đất canh tác và bãi chăn thả của nhân dân bản Noong É, xã Mường
Lói để lập biên bản giao đất canh tác cho nhân dân, nhân dân vẫn được chăn thả
bình thường tại khu vực này (đối với những khu vực mà nhân dân bản Noong É,
xã Mường Lói mới phát rừng làm nương từ năm
2016 trở về đây thì không được canh tác).
5. Điểm tranh chấp
giữa xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo,
tỉnh Điện Biên (khu vực đỉnh đèo Pha Đin)
Giữ nguyên đường địa giới hành chính
được lập theo Chỉ thị 364-CT ngày 06/11/1994 của Hội đồng
Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) tại khu vực này. Giao UBND huyện
Thuận Châu, tỉnh Sơn La và UBND huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên phối hợp với
các cơ quan đơn vị có liên quan xác định, chỉ rõ, tuyên truyền và làm tốt công
tác quản lý địa giới hành chính tại khu vực này không để tình trạng tranh chấp xảy ra.
III. NỘI DUNG THỰC
HIỆN
Thành lập đoàn công tác hai tỉnh triển
khai thực hiện các phương án thống nhất tại thực địa như sau:
1. Thành phần
- Cấp tỉnh: Đại diện lãnh đạo Sở Nội
vụ - Trưởng đoàn, chuyên viên phòng chuyên môn Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi
trường, Công an hai tỉnh Sơn La - Điện Biên.
- Cấp huyện: Đại diện lãnh đạo UBND,
đại diện Ủy ban MTTQ; đại diện lãnh đạo, chuyên viên các Phòng Nội vụ, Phòng
Tài nguyên và Môi trường, Công an, Hạt Kiểm Lâm các huyện liên quan.
- Cấp xã: Đại diện cấp ủy, HĐND, Chủ
tịch UBND, Ủy ban MTTQ, Công chức Địa chính Xây dựng, Trưởng Công an xã.
- Trưởng bản, Bí thư chi bộ, già làng
và các hộ dân có liên quan.
- Đại diện đơn vị thi công Dự án 513
hai tỉnh.
2. Nội dung
- Tổ chức họp nhân dân tuyên truyền,
vận động, tổ chức hiệp thương thống nhất phương án giải quyết tranh chấp theo
chủ trương của UBND hai tỉnh.
- Xác định rõ đường địa giới hành
chính cần hiệu chỉnh theo các phương án thống nhất giữa UBND hai tỉnh, phân định
rõ phạm vi quản lý về địa giới hành chính giữa hai tỉnh để chính quyền các cấp và
nhân dân các bên có liên quan nắm được.
- Lập biên bản có đầy đủ chữ ký của đại
diện các cấp chính quyền và nhân dân các bản có liên quan; hoàn thiện hồ sơ, thủ
tục theo quy trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định.
- Sau khi đoàn công tác triển khai
các nội dung tại thực địa của từng huyện, báo cáo Lãnh đạo Sở Nội vụ hai tỉnh để
tổ chức họp thống nhất giữa đoàn công tác của hai tỉnh.
3. Thời gian, địa điểm
Giao Sở Nội vụ 2 tỉnh chủ trì phối hợp
với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực
hiện.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Sở Nội vụ 2 tỉnh Điện Biên và
Sơn La chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện có
liên quan của hai tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các
phương án giải quyết tại thực địa theo chủ trương đã thống nhất tại Hội nghị hiệp
thương giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến đường địa giới hành chính giữa
2 tỉnh: Sơn La và Điện Biên ngày 12/8/2017. Xác định rõ đường địa giới hành
chính cần hiệu chỉnh theo chủ trương giải quyết của hai tỉnh để thống nhất với Ủy
ban nhân dân huyện, xã và nhân dân các bản có liên quan hoàn chỉnh phương án,
các thủ tục theo đúng trình tự trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp
với đoàn công tác của hai tỉnh xác định đường địa giới hành chính ngoài thực địa,
đối chiếu hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính với thực địa chỉ rõ cho nhân dân
các bản liên quan nắm được; chuẩn bị các phương tiện cần thiết để phục vụ công
việc.
3. Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp
với đoàn công tác của hai tỉnh; chỉ đạo lực lượng công an trên địa bàn đảm bảo
công tác an ninh, trật tự tại những điểm xảy ra tranh chấp.
4. Giao Ủy ban nhân dân các huyện có
liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội trên địa
bàn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã tổ chức tuyên truyền, vận động, chỉ đạo
nhân dân thực hiện nghiêm túc các nội dung đã được Ủy ban nhân dân hai tỉnh thống
nhất về giải quyết các điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành
chính giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên; phối hợp với đoàn công tác của hai tỉnh,
cử Lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo, chuyên viên các phòng, ban chuyên môn có liên
quan phối hợp với Đoàn Công tác liên ngành hai tỉnh tham gia triển khai thực hiện
các phương án giải quyết đã thống nhất của UBND hai tỉnh; chỉ đạo UBND cấp xã
có liên quan phối hợp triển khai thực hiện theo đúng nội dung, thành phần theo
kế hoạch.
5. Đơn vị thi công Dự án 513 của 2 tỉnh
có trách nhiệm phối hợp với đoàn công tác của 2 tỉnh để thực hiện các nội dung
công việc.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức triển
khai thực hiện phương án giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến đường địa
giới hành chính tại thực địa giữa 2 tỉnh Sơn La - Điện
Biên, UBND 2 tỉnh Điện Biên - Sơn La yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan
phối hợp triển khai thực hiện theo thời gian tiến độ đã đề ra./.
Nơi nhận:
- Sở Nội vụ;
- Sở Tài nguyên và Môi trường 2 tỉnh;
- Công an 2 tỉnh;
- UBND các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên;
- UBND các huyện: Sốp Cộp, Sông Mã, Thuận Châu, tỉnh Sơn La;
- Đơn vị thi công Dự án 513 của 02 tỉnh;
- Lưu: VT, XDCQ&CTTN 2 tỉnh.H30b
|
CHỦ TỊCH
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
Mùa A Sơn
|