THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1681/CĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2017
|
CÔNG ĐIỆN
V/V
TẬP TRUNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO SỐ 12 VÀ ỨNG PHÓ KHẨN CẤP
MƯA LŨ TẠI MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:
|
- Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên;
- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống thiên tai;
- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Tài nguyên
và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Y
tế.
|
Bão số 12 đổ bộ vào bờ với gió giật
đo được cấp 12 - 13 đã gây thiệt hại lớn tại tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây
Nguyên, nhất là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Trong 3 ngày qua, các
tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa đo được tại một số trạm ở các
tỉnh Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và tỉnh Gia Lai từ 500 - 600 mm, đặc biệt ở các
tỉnh Quảng Nam và Bình Định trên 700 mm, gây ngập lụt các vùng trũng, thấp, ven
sông suối. Lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực nam Tây Nguyên
đang lên nhanh; trên sông Bồ (Thừa Thiên Huế) có thể xấp xỉ mức lũ lịch sử năm
1999; sông Thu Bồn tương đương lũ lịch sử năm 2007.
Thêm vào đó, do ảnh hưởng của không
khí lạnh, khu vực này có thể sẽ tiếp tục có mưa rất to trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn và đặc biệt lớn, nhất là tại các
tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và sạt lở đất, lũ quét tại miền núi; ngập
lụt sâu trên diện rộng, chia cắt cục bộ tại các vùng thấp trũng, ven sông suối.
Để chủ động ứng phó mưa lũ, hạn chế
thiệt hại và khắc phục nhanh hậu quả bão số 12, sớm ổn định đời sống nhân dân,
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các địa phương khu vực Trung Bộ và
Tây Nguyên, nhất là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định
và thành phố Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ,
chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương
châm 4 tại chỗ, tập trung một số nhiệm vụ sau:
a) Rà soát, chủ động huy động lực
lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy
cơ bị sạt lở, ngập sâu, chia cắt, nhất
là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải
kiên quyết di dời, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo vệ tính
mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân. Chủ động cắm biển cảnh báo
khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu, khuyến cáo người dân trong các
hoạt động khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc
biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ.
b) Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các
biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung
yếu có nguy cơ mất an toàn cao cần có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu
để bảo đảm an toàn, rà soát để bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn
sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố.
c) Chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận
hành các hồ chứa nước trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền
phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống trong quá trình vận hành.
Chủ các hồ đập chịu trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến vận hành hồ
chứa nước về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ huy
phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương có liên quan phục vụ chỉ
đạo phối hợp vận hành các hồ.
d) Tiếp tục rà soát cập nhật, triển
khai các phương án phòng chống ngập úng các đô thị, đặc biệt là tại các khu vực
diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC.
2. Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão,
đặc biệt là các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chỉ đạo, huy động lực lượng
quân đội, công an, các lực lượng tại chỗ, các tổ chức đoàn thể khắc phục hậu
quả bão số 12, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chính sau:
- Tiếp tục tổ chức tìm kiếm, cứu hộ,
cứu nạn đối với người, phương tiện còn mất tích, chưa liên lạc được, nhất là
những người bị nạn trên các tàu vận tải bị sự cố tại vùng biển Quy Nhơn, tỉnh
Bình Định.
- Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ
kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là đối với những hộ có người bị chết,
mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm và có phương
án tái định cư đối với những hộ bị mất nhà cửa (nhất là hộ nghèo, gia đình
chính sách), không để người dân thiếu đói, không có nơi trú ngụ, đặc biệt là
khu vực bị thiệt hại nặng ven biển.
- Bố trí lực lượng hỗ trợ nhân dân
sửa chữa nhà cửa; tổ chức sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh trường học, cơ sở y tế, hệ
thống điện, đường giao thông để sớm ổn định các hoạt động và sinh hoạt của
người dân.
- Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở triển
khai các biện pháp cần thiết đảm bảo vệ sinh môi trường sau bão, lũ, không để
nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn: Chỉ đạo kiểm tra, triển khai phương án bảo vệ đê điều, công trình thủy
lợi, nhất là các hồ thủy lợi xung yếu; phối hợp vận hành an toàn các hồ chứa
thủy lợi, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả
lũ nhân tạo. Chỉ đạo chuẩn bị các phương án khôi phục sản xuất sau bão, lũ phù
hợp với diễn biến thời tiết, thiên tai thời gian tới.
4. Bộ Công Thương: Chỉ đạo Tập đoàn
Điện lực Việt Nam phối hợp, hỗ trợ các địa phương khôi phục nhanh hệ thống
điện, nhất là tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng do bão, mưa lũ vừa qua, đảm bảo
nguồn điện phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai, phục vụ sản xuất và
sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống điện; phối
hợp vận hành các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để
gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo.
5. Bộ Giao thông vận tải: Tiếp tục
phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm, cứu nạn thuyền viên của các tàu
vận tải bị sự cố tại Quy Nhơn; phối hợp với các cơ quan và
địa phương có liên quan tổ chức trục vớt phương tiện bị chìm đắm, thanh thải
luồng lạch bảo đảm giao thông. Chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với tàu, phương tiện
vận tải hoạt động, neo đậu trên sông và vùng cửa sông; triển khai các phương án
bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt tại các khu vực bị
ảnh hưởng mưa lũ. Phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo kiểm soát,
phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận
tải. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, khôi
phục giao thông trên các trục chính, nhất là tuyến Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ
đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các nhà mạng khẩn
trương khôi phục thông tin liên lạc sau bão, lũ phục vụ công tác chỉ đạo, điều
hành ứng phó thiên tai và sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân.
7. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và chủ
động hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ cơ số thuốc và các
hóa chất cần thiết để đảm bảo khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống
dịch bệnh sau mưa lũ.
8. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 5
bố trí tăng cường quân số hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng do bão số 12,
trong đó có các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khắc phục hậu quả sau bão,
tập trung hỗ trợ Nhân dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, sửa chữa trường lớp, cơ
sở y tế, vệ sinh đường phố,...; chỉ đạo các quân khu, lực lượng quân sự địa
phương và các đơn vị đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ
địa phương sơ tán, di dời dân cư, ứng phó với mưa lũ khi được yêu cầu.
9. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công
an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, không để tình hình phức
tạp xảy ra sau bão, lũ; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả
bão số 12 và ứng phó với mưa lũ theo đề nghị của địa phương; chủ động hướng
dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt
động tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm an toàn.
10. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:
- Huy động lực lượng hỗ trợ địa
phương khắc phục hậu quả bão số 12. Tiếp tục phối hợp với các địa phương và các
cơ quan liên quan chỉ đạo tìm kiếm, cứu nạn đối với người và phương tiện còn
mất tích, chưa liên lạc được.
- Phối hợp với các cơ quan có liên
quan triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, bảo vệ môi trường trong trường
hợp xảy ra sự cố tràn dầu từ các tàu vận tải bị chìm đắm tại vùng biển Quy Nhơn.
- Rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị
lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán nhân dân ở
khu vực nguy hiểm do mưa lũ và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, không để bị
động, bất ngờ.
11. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ
đạo tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tổ chức dự báo, cung cấp thông
tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời
thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão.
12. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài
Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng
phát sóng để cập nhật, đưa tin kịp thời về các hoạt động hỗ trợ nhân dân khắc
phục hậu quả sau bão; diễn biến và dự báo mưa lũ, chỉ đạo ứng phó của các cơ
quan ở trung ương và địa phương để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng
phó, tránh tư tưởng chủ quan.
13. Các Bộ ngành khác theo chức năng,
nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp, hỗ
trợ địa phương triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ theo quy định.
14. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi, cập nhật, báo cáo kịp thời về
tình hình thiệt hại, kết quả khắc phục hậu quả bão số 12 của các Bộ, ngành, địa
phương. Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ
đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó cụ thể; đề xuất, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, CN, NC, TKBT;
- Lưu: Văn thư, NN (2) Tuynh
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|