VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 118/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 3 năm 2025
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG BÙI THANH SƠN - TRƯỞNG ĐOÀN KIỂM TRA SỐ 05 VỀ RÀ SOÁT,
THÁO GỠ CÁC KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC LIÊN QUAN ĐẾN CÁC DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM
CÓ KẾ HOẠCH HOÀN THÀNH NĂM 2025 ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU 3.000 KM ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC, GỒM
04 DỰ ÁN: TUYÊN QUANG - HÀ GIANG ĐOẠN QUA TỈNH HÀ GIANG, TUYÊN QUANG - HÀ GIANG
ĐOẠN QUA TỈNH TUYÊN QUANG, ĐỒNG ĐĂNG - TRÀ LĨNH, HỮU NGHỊ - CHI LĂNG
Ngày 07 và ngày 08 tháng 3 năm 2025, Đoàn kiểm tra
số 05 về rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao
thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 để đạt mục tiêu 3.000 km đường
bộ cao tốc do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn đã kiểm tra
hiện trường và họp về tình hình thực hiện 04 dự án: Tuyên Quang - Hà Giang đoạn
qua tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, Đồng Đăng
- Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng. Tham gia Đoàn cộng tác có đồng chí Nguyễn Việt
Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng (Phó Trưởng Đoàn kiểm tra), lãnh đạo các Bộ, cơ
quan: Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường và đại diện các Bộ, cơ quan: Công
Thương, Văn phòng Chính phủ; về phía địa phương có đồng chí Hà Thị Nga Bí thư Tỉnh
ủy tỉnh Tuyên Quang, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang,
Cao Bằng, Lạng Sơn; các chủ đầu tư và nhà thầu của các dự án. Sau khi kiểm tra
hiện trường, nghe báo cáo của Bộ Xây dựng, các địa phương, ý kiến của các cơ
quan, các chủ đầu tư, nhà thầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã kết luận
như sau:
Đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực các bộ, ngành và
các địa phương có 04 dự án cao tốc đi qua trong việc triển khai các dự án trong
thời gian qua; đồng thời biểu dương các chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu thi
công, đơn vị tư vấn, các kỹ sư, đặc biệt là người lao động đã làm việc hăng
say, miệt mài trên các công trường. Tại cuộc họp, tất cả các địa phương, nhà thầu
đều cam kết hoàn thành 04 tuyến cao tốc trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ.
Hiện nay, khối lượng còn lại các Dự án phải hoàn
thành là rất lớn, trong khi vẫn còn tồn tại một số nội dung về giải phóng mặt bằng,
vật liệu, nguồn vốn và tiến độ thi công chậm. Yêu cầu các địa phương, chủ đầu
tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn xác định rõ: đã hứa là phải làm, đã cam kết là phải
thực hiện bằng được, nhất định phải hoàn thành các dự án trước ngày 31 tháng 12
năm 2005. Yêu cầu các bộ, cơ quan, đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ
sau:
1. Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà
Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang
a) Về giải phóng mặt bằng:
Khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại của Dự án
không còn nhiều, chỉ còn 5,7km (8%), đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang
phải cam kết hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng Dự án và bàn
giao, trong tháng 3 năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện
số 80/CĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2024 (“quyết liệt triển khai, phát huy tinh
thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ
công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng
điểm ngành giao thông; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải
tập trung hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo... phải vào cuộc trong công tác giải
phóng mặt bằng).
b) Về nguồn vật liệu:
Hiện còn thiếu 0,35 triệu m3 đá, 1,97 triệu m3 đất.
Dự án nằm trong danh mục Dự án được áp dụng cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản
làm vật liệu xây dựng thông thường theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội,
do vậy vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương. Đề nghị Ủy ban
nhân dân tỉnh Tuyên Quang khẩn trương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường làm
việc ngay với chủ đầu tư, nhà thầu thi công để làm rõ nhu cầu, khối lượng còn
thiếu, đề xuất mỏ cấp, giải quyết các thủ tục cấp, mở mỏ trong tối đa 10 ngày (yêu
cầu có Biên bản làm việc giữa các bên, gửi về Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng
để tổng hợp báo cáo trong đợt làm việc tiếp theo).
c) Về nguồn vốn:
- Về nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi từ năm 2023
(số vốn 2.000 tỷ đồng): Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo[1] yêu cầu địa phương phải rà soát, hoàn thiện các thủ tục, hồ
sơ phê duyệt dự án trong tháng 3 năm 2025, sau thời hạn này nếu chưa hoàn thiện
thủ tục đầu tư sẽ thu hồi và điều chuyển sang đơn vị khác. Do vậy, đề nghị Ủy
ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ, kiên quyết không được chậm trễ. Trường hợp cần thiết để hoàn thành
các thủ tục, bảo đảm tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban
nhân dân tỉnh Tuyên Quang nghiên cứu quy định tại Nghị định số 17/2025/NĐ-CP
ngày 06 tháng 02 năm 2025 để xem xét, quyết định lựa chọn nhà thầu trong trường
hợp đặc biệt đối với các gói thầu tư vấn của Dự án.
- Về nội dung kiến nghị trung ương hỗ trợ thêm
1.800 tỷ đồng (trong tổng số 2.300 tỷ đồng mà tỉnh đã cam kết): Yêu cầu Bộ Tài
chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông
báo số 564/TB-VPCP ngày 19 tháng 12 năm 2024 và báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ
trong tháng 3 năm 2025.
- Ngoài số vốn 500 tỷ đồng đã tự cân đối, đề nghị Ủy
ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục rà soát nguồn vốn và khả năng cân đối vốn
từ ngân sách địa phương và nguồn hợp pháp khác; chủ động làm việc với Bộ Tài
chính để sớm bố trí vốn triển khai Dự án đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
d) Công tác thi công:
Hiện tiến độ thi công của Dự án đang chậm 7% so với
kế hoạch, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang làm rõ chậm ở đâu? do ai?
khâu nào? Trên cơ sở đó, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân, Ủy
ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng “đường
găng” tiến độ bảo đảm hoàn thành dự án trong năm 2025 (chi tiết theo
tháng, theo tuần của từng gói thầu, từng nhà thầu làm cơ sở kiểm soát); đồng
thời có giải pháp bù lại khối lượng đã chậm; việc triển khai thi công phải lưu
ý bảo đảm chất lượng, kỹ - mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động,
trong đó cần lưu ý hoàn thành các hạng mục nền đường trong tháng 6 năm 2025. Chủ
đầu tư, nhà thầu thi công phải có văn bản cam kết hoàn thành dự án trong năm
2025.
2. Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà
Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang
a) Về giải phóng mặt bằng: Đánh giá cao sự nỗ lực của
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt 100%.
b) Về nguồn vật liệu: Nhu cầu Dự án còn thiếu khoảng
0,29 triệu m3 đá, thuộc trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân
dân tỉnh Hà Giang, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan. Đề nghị Ủy ban
nhân dân tỉnh Hà Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục cấp phép
khai thác khoáng sản cho các mỏ đá, hoàn thành trong tháng 3 năm 2025.
c) Về nguồn vốn:
- Đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng
Chính phủ cân đối, bố trí bổ sung vốn cho tỉnh Hà Giang để triển khai hoàn
thành giai đoạn 1 của Dự án (27,48km) theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí Thư Tô
Lâm tại Thông báo số 123-TB/TW ngày 17 tháng 02 năm 2025 của Văn phòng Trung
ương Đảng và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại Văn bản số
1721/VPCP-QHĐP ngày 03 tháng 3 năm 2025; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong
tháng 3 năm 2025.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang tiếp tục chủ động
rà soát nguồn vốn, cân đối bố trí vốn từ ngân sách địa phương và nguồn hợp pháp
khác để triển khai dự án; chủ động làm việc với Bộ Tài chính để sớm bố trí vốn
triển khai Dự án.
d) Công tác thi công:
Hiện khối lượng thi công hoàn thành 51% giá trị hợp
đồng; tiến độ thi công của Dự án đang chậm 15,7% so với kế hoạch, đề nghị Ủy
ban nhân dân tỉnh Hà Giang làm rõ chậm ở đâu, do ai, khâu nào? Trên cơ sở đó,
làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà
Giang chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng “đường găng” tiến độ bảo đảm
hoàn thành dự án trong năm 2025 (chi tiết theo tháng; theo tuần của từng gói
thầu, từng nhà thầu làm cơ sở kiểm soát); đồng thời có giải pháp bù lại khối
lượng đã chậm; việc triển khai thi công phải lưu ý bảo đảm chất lượng, kỹ - mỹ
thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải
có văn bản cam kết hoàn thành dự án trong năm 2025.
3. Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao
tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác
công tư, giai đoạn 1
a) Công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu,
bãi đổ thải:
Ủy ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn chỉ đạo
quyết liệt các cơ quan, đơn vị giải quyết các thủ tục liên quan, đẩy nhanh tiến
độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt
bằng sạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 80/CĐ-TTg ngày
16 tháng 8 năm 2024 và Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 13 tháng 02 năm 2025; đồng
thời giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại về mỏ vật liệu, bãi đổ thải;
các địa phương phải cam kết hoàn thành trong tháng 3 năm 2025.
b) Công tác thi công:
- Diện tích giải phóng mặt bằng của dự án đã đạt
95%, dự án đã khởi công từ 01 tháng 01 năm 2024, đến nay đã thi công được 14
tháng tuy nhiên đến nay mới đạt 19% giá trị hợp đồng là rất chậm. Để hoàn thành
81% khối lượng còn lại trong 10 tháng nhà thầu tập trung tối đa nguồn lực, máy
móc, thiết bị, thi công tăng ca, tăng kíp để bù đắp khối lượng chậm và để đạt
được mục tiêu hoàn thành thông tuyến trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.
- Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng chỉ đạo chủ
đầu tư, nhà thầu xây dựng “đường găng” tiến độ bảo đảm hoàn thành dự án
thông tuyến trong năm 2025 (chi tiết theo tháng, theo tuần của từng gói thầu,
từng nhà thầu làm cơ sở kiểm soát); đồng thời có giải pháp bù lại khối lượng
đã chậm; việc triển khai thi công phải lưu ý bảo đảm chất lượng, kỹ - mỹ thuật,
vệ sinh môi trường, an toàn lao động. Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu
thi công phải có văn bản cam kết hoàn thành dự án trong năm 2025.
4. Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu
Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT
a) Công tác giải phóng mặt bằng:
Hiện nay khối lượng còn lại khoảng 9,9 km (tương
đương 17%). Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn thực hiện nghiêm chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 80/CĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2024, chỉ đạo
các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành dứt điểm công tác di dời, cải tạo đường
điện cao thế trong tháng 3 năm 2025; đồng thời có phương án tạm cư trong thời
gian xây dựng các khu tái định cư để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 3
năm 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn phải có cam kết trước Thủ tướng Chính
phủ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của Dự án trong tháng 3 năm 2025.
Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương
nghiên cứu, ban hành hướng dẫn trong tháng 3 năm 2025 về việc bồi thường đối với
cây trồng, vật nuôi theo quy định tại Điều 103 Luật Đất đai để địa phương kịp
thời triển khai thực hiện.
b) Về bãi đổ thải:
Hiện trữ lượng đổ thải của Dự án còn thiếu khoảng
4,0 triệu m3. Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Chủ đầu tư/doanh
nghiệp dự án khẩn trương tổ chức rà soát, bổ sung các vị trí đổ thải đảm bảo
nhu cầu đổ thải của dự án; đồng thời doanh nghiệp dự án khẩn trương nghiên cứu,
đề xuất bãi đổ thải bổ sung báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xem xét chấp
thuận, thời gian hoàn thành trong tháng 4 năm 2025.
c) Công tác thi công:
Dự án đã thi công được khoảng 10 tháng, tuy nhiên đến
nay sản lượng dự án mới đạt khoảng 7,58%, với tốc độ thi công hiện tại, khả năng
hoàn thành theo kế hoạch là rất khó khăn. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
chỉ đạo nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng “đường găng” tiến độ bảo đảm hoàn
thành dự án thông tuyến trong năm 2025 (chi tiết theo tháng, theo tuần của từng
gói thầu, từng nhà thầu làm cơ sở kiểm soát); tập trung huy động nhân lực,
máy móc, thiết bị, vật tư và bố trí đầy đủ nguồn lực để đẩy mạnh thi công đáp ứng
kế hoạch. Ban Quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu thi công phải có văn bản cam
kết hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo
các chủ đầu tư/doanh nghiệp dự án rà soát nguồn vốn của Dự án, nghiên cứu
phương án đầu tư trạm dừng nghỉ, hệ thống ITS, ETC, bảo đảm hoàn thành đồng bộ
khi dự án đưa vào khai thác.
6. Các bộ ngành, cơ quan và địa
phương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các nhiệm
vụ được giao đúng tiến độ; định kỳ trước ngày 30 hằng tháng (hoặc khi có khó
khăn/vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền), các địa phương báo cáo về Bộ Xây dựng
làm cơ sở để Bộ Xây dựng kịp thời tổng hợp báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ -
Trưởng Đoàn kiểm tra xem xét, quyết định.
7. Bộ Xây dựng với vai trò là cơ
quan thường trực của Đoàn Kiểm tra tiếp tục chủ động theo dõi, nắm bắt tình
hình, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ để đôn đốc các nhiệm vụ được giao, kịp
thời tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa
phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các PTTgCP (để
b/c);
- Các Bộ: XD, TC, NN&MT, CT;
- Tỉnh ủy, UBND các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TT&PTTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NN,
PL, TH, QHĐP;
- Lưu: VT, CN(2)THH
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|
[1] Văn
bản số 802/VPCP-KTTH ngày 25 tháng 02 năm 2025.