ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/CT-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày
19 tháng 06 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG ĐUỐI NƯỚC TRẺ
EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW
ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 187-KH/TU ngày 27/02/2024 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ
em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Chỉ thị số
23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải
pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Quyết định số 1248/QĐ-TTg
ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống
tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh
Phúc đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, địa phương
trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp nhằm làm tốt
công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa
phương và các sở, ngành, đoàn thể đã triển khai, thực hiện nghiêm túc, tình
hình trẻ em tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt (Năm 2023 giảm
11 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước so với Năm 2022). Tuy nhiên, một
số cơ quan, đơn vị và địa phương cơ sở chưa thực sự quan tâm và chỉ đạo sát sao
công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý; công tác tuyên
truyền phòng, chống đuối nước trẻ em chưa được thường xuyên; việc tổ chức rà
soát, canh trực các điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em tại địa
phương còn hình thức, chưa hiệu quả; công tác giáo dục kỹ năng phòng chống đuối
nước, an toàn trong môi trường nước cho học sinh chưa được triển khai rộng rãi ở
tất cả các nhà trường; một số địa phương chậm báo cáo vụ việc tai nạn đuối nước
trẻ em xảy ra trên địa bàn để kịp thời có biện pháp chỉ đạo khắc phục; kinh phí
bố trí cho hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ. Về phía gia đình còn buông lỏng, không quản lý, giám sát chặt chẽ con
em mình; bản thân trẻ em thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn
trong môi trường nước, kỹ năng cứu và tự cứu đuối nước... Dự báo trong thời
gian tới thiên tai diễn biến phức tạp, dễ xảy ra lũ lụt, mực nước dâng cao, chảy
xiết, sạt lở bờ sông, suối, ao, hồ hoặc hình thành các hố sâu ngập nước ở khu
dân cư, đường giao thông trong mùa mưa bão. Đặc biệt trong dịp học sinh được
nghỉ hè thường có các hoạt động vui chơi, bơi lội tự phát của trẻ em tại khu vực
sông, suối, ao, hồ, bãi tắm mà thiếu sự quản lý, giám sát của phụ huynh, cha mẹ
trẻ em; từ đó, luôn tiềm ẩn nhiều nguyên nhân, nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước
và thiệt hại khó lường do tai nạn đuối nước đối với trẻ em.
Để tiếp tục chủ động hơn nữa việc
tổ chức thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em nhất là ở cấp cơ sở bảo
đảm xuyên suốt, có chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực trong thời gian tới.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện các nội
dung sau:
1. Tiếp
tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc
gia về trẻ em và của UBND tỉnh về bảo đảm môi trường an toàn, phòng, chống tai
nạn, thương tích trẻ em. Đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn đuối nước
theo Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường
công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; Kế hoạch số 250/KH-UBND, ngày
01/10/2021 của UBND tỉnh về Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn
2021-2030 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống
đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2024.
2. Thủ
trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên
địa bàn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Chủ tịch UBND các xã phường, thị
trấn trên địa bàn tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ của cấp, của ngành mình, trong
chỉ đạo điều hành, phải quan tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống đuối nước
cho trẻ em, nhất là tập trung vào công tác phòng ngừa nguy cơ xảy ra đuối nước
cho trẻ em.
3. Rà
soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng, chống
đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình, dự
án xây dựng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của
pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ
trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc
khiến trẻ em bị tử vong do đuối nước.
4. Đẩy
mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của
các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học
sinh. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước đến
cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, trường
học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em.
5. Tăng
cường phối hợp liên ngành trong việc triển khai các hoạt động phòng ngừa trẻ em
bị đuối nước; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân
trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
6. Giao
trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố,
UBND các xã, phường, thị trấn như sau:
6.1. Sở
Lao động -Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có
hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em tại Kế
hoạch số 250/KH-UBND ngày 01/10/2021 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của
UBND tỉnh.
- Chủ trì phối hợp với Sở Giáo
dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Thanh niên, UBND huyện, thành phố tổ chức chiến dịch
truyền thông cụ thể, chi tiết, sâu rộng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ
em cả trên 3 phương thức: Tuyên truyền trực quan (pano, áp phích, tài liệu, ấn
phẩm...), tuyên truyền qua cơ quan thông tin đại chúng (đặc biệt là hệ thống
truyền thanh cơ sở), tuyên truyền qua cơ quan thông tin đại chúng; tuyên truyền
lưu động; tuyên truyền trên mạng xã hội, tin nhắn; tuyên truyền trực tiếp tới học
sinh, cha mẹ, người chăm sóc trẻ …
- Chủ trì phối hợp với các đơn
vị, địa phương tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng
phòng, chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo vệ, chăm sóc
trẻ em ở các cấp; cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cho trẻ em. Tận dụng tối
đa các cơ sở vật chất có thể phục vụ cho việc tập huấn, dạy bơi cho các em.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát
công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương,
cơ sở theo định kỳ và đột xuất; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả kiểm tra
và đề xuất hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra
tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn quản lý.
6.2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ
đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác truyền thông, giáo dục,
nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục,
các bậc phụ huynh và học sinh trong việc phòng ngừa đuối nước cho học sinh bằng
nhiều hình thức như: Thường xuyên nhắc nhở học sinh tại các buổi tập trung đầu
tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần, trước khi tan lớp ra về; tuyên truyền qua
Fanpage của các trường, tin nhắn điện thoại, zalo…của các hội, nhóm như Hội phụ
huynh các lớp, trường…
- Triển
khai Kế hoạch của ngành Giáo dục thực hiện Quyết định số 4501/QĐ-BGDĐT ngày
29/11/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình phòng, chống tai nạn,
thương tích trẻ em, học sinh giai đoạn 2021- 2025; Chỉ đạo các Phòng Giáo dục
& Đào tạo, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện
hiệu quả các hoạt động theo kế hoạch để đạt mục tiêu Chương trình đề ra; Xây dựng
trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, chú trọng tổ chức thực
hiện các giải pháp phòng, chống đuối nước đối với học sinh; Chỉ đạo, hướng dẫn
các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả dạy học môn Bơi trong môn học Giáo dục
Thể chất của Chương trình Giáo dục Phổ thông; Thực hiện lồng ghép hiệu quả nội
dung giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước trong chương
trình các môn học và hoạt động giáo dục, phù hợp với điều kiện của địa phương;
Tăng cường giáo dục thể chất, chỉ đạo 100% các trường học triển khai các hoạt động
ngoại khóa về kỹ năng sống, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng an toàn trong
môi trường nước; 100% các trường cho học sinh ký cam kết: “Không tự ý đi bơi, lội
nước khi không có người lớn đi cùng”; Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt
Đề án Dạy bơi cho học sinh từ 6 đến dưới 16 tuổi trong trường học để kịp thời
triển khai dạy bơi cho học sinh bắt đầu từ năm học 2024-2025.
- Phối
hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh phòng, chống đuối
nước; tuyên truyền vận động gia đình đưa con em đi học bơi và học kỹ năng an
toàn trong môi trường nước; quản lý, giám sát con em trong thời gian không đến
trường, đặc biệt là dịp hè.
- Tiếp
tục chỉ đạo quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả các bể bơi đã được tỉnh đầu
tư tại một số trường để dạy bơi cho học sinh, nhất là trong thời gian học sinh
nghỉ hè.
6.3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Tiếp
tục nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng các khu vui chơi,
nhà văn hóa, sân thể thao, bể bơi….và tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa,
văn nghệ, vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho nhân dân trong tỉnh (trong đó
có trẻ em).
-
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc chấp hành các quy định
an toàn tại các bể bơi; không cấp phép hoạt động đối với những bể bơi không đủ
điều kiện đảm bảo an toàn bơi.
- Tổ
chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, tập huấn chuyên môn bơi lặn và cấp
giấy chứng nhận tập huấn theo quy định của Bộ Văn hóa-Thể dục và Du lịch cho
người hướng dẫn tập luyện và nhân viên cứu hộ môn Bơi, Lặn. cho trẻ em tại cộng
đồng, trường học, cơ sở thể dục, thể thao.
6.4. Công an tỉnh
- Căn
cứ Kế hoạch số 26/KH-BCA-C07 ngày 19/01/2023 của Bộ Công an về triển khai thực
hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của lực lượng Công an nhân dân
(giai đoạn 2023-2030) để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an cấp dưới xây dựng
kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
- Phối
hợp xây dựng nội dung, tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo thực hiện phòng, chống
đuối nước trẻ em trên đài, báo ở địa phương (tối thiểu 01 nội dung vào đầu mùa
hè và dịp học sinh nghỉ hè); hướng dẫn nội dung cam kết, khuyến cáo thực hiện
phòng, chống đuối nước đến từng hộ gia đình có trẻ em; nghiên cứu chỉ đạo việc
chủ động phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến
thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em ở các cấp học, đặc biệt là học sinh
ở các vùng có nhiều sông, suối, ao, hồ.
- Tổ
chức huấn luyện kỹ năng bơi lội cứu người bị đuối nước cho cán bộ chiến sĩ chủ
chốt được giao nhiệm vụ phòng, chống đuối nước trẻ em ở Công an cấp tỉnh, cấp
huyện để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và làm nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng
Công an cấp xã, dân phòng, bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
- Rà
soát, bảo đảm đưa lực lượng, phương tiện hiện có vào duy trì thường trực, ứng
trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ; tổ chức xây dựng phương án và thực tập phương án
cứu nạn, cứu hộ tình huống nhiều trẻ em bị đuối nước ở các 3 nguồn nước sâu, rộng
lớn (sông sâu có nước chảy siết, hồ lớn) và nguồn nước ở vị trí có địa hình hiểm
trở khó tiếp cận (cạnh vách núi du lịch, khe suối)…
- Hướng
dẫn xây dựng Phương án hoặc Kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện kịp thời cứu
nạn, cứu hộ đuối nước trẻ em cho UBND cấp huyện, cấp xã, nhà trường, cơ sở du lịch
có hồ, bể bơi, tắm để thực hiện bảo đảm phù hợp, thiết thực.
-
Tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến giao thông đường thủy nội địa có các
phương tiện chở trẻ em để hướng dẫn, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông và chủ động phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em. Tổ chức điều
tra, xử lý và đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm, thiếu trách nhiệm dẫn đến đuối
nước trẻ em theo quy định của pháp luật và thẩm quyền của lực lượng Công an
nhân dân; kịp thời khen thưởng và đề xuất khen thưởng về thành tích thực hiện
công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của các đơn vị, cá nhân thuộc lực lượng
Công an nhân dân.
6.5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Rà
soát, bảo đảm đưa lực lượng, phương tiện hiện có vào duy trì thường trực, ứng
trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức xây dựng
phương án và thực tập phương án cứu nạn, cứu hộ tình huống nhiều trẻ em bị đuối
nước ở các nguồn nước sâu, rộng lớn (sông sâu có nước chảy siết, hồ lớn) và nguồn
nước ở vị trí có địa hình hiểm trở khó tiếp cận (cạnh vách núi du lịch, khe suối)…
6.6. Sở Xây dựng
Tiếp
tục chỉ đạo các chủ đầu tư dự án rà soát việc thực hiện các quy định về tiêu
chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại các công trình xây dựng, làm rào chắn, cắm
biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ đuối nước đối với trẻ em; Tăng cường kiểm
tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn
trong xây dựng và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc vi phạm gây đuối nước
cho trẻ em.
6.7. Sở Giao thông vận tải
Tăng
cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn
giao thông đường thủy nội địa cho người dân và trẻ em. Chỉ đạo lực lượng Thanh
tra giao thông tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm, trong đó đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ
em khi tham gia giao thông đường thủy.
6.8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tiếp
tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát các công
trình chứa nước, sông, ao, hồ, các khu vực nước sâu nguy hiểm, các công trình
thủy lợi thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước
trẻ em để gia cố, cải tạo, lắp đặt rào chắn và các biển cảnh báo nguy hiểm; chủ
động phòng ngừa đuối nước cho trẻ em. Triển khai, áp dụng các biện pháp an toàn
tại các hồ đập, sông suối, hồ thủy lợi phục vụ tới tiêu … đảm bảo an toàn cho
người dân (đặc biệt là trẻ em) để phòng ngừa tai nạn đuối nước có thể xảy ra; tổ
chức lồng ghép công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trong phòng, chống thiên
tai, bão lũ.
6.9. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chỉ đạo
việc tổ chức rà soát, kiểm tra các mỏ đất, mỏ cát, khoáng sản... khai thác xong
nhưng không hoàn trả lại mặt bằng dẫn đến việc tạo thành các ao, hồ, hố sâu
nguy hiểm khi mùa mưa đến, gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ em để
có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
6.10. Sở Y tế
Chỉ đạo,
hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn
chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn đuối nước. Tổ chức
các chương trình hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu
đối với các cơ sở y tế cơ sở và cộng đồng dân cư để đảm bảo kịp thời sơ cứu, cấp
cứu khi có trường hợp đuối nước xảy ra tại các địa phương; nâng cao kỹ năng
tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước cho cán bộ chuyên trách ở các tuyến
huyện, xã.
6.11. Sở Tài chính
Bố
trí đảm bảo đủ kinh phí cho các chương trình phòng, chống đuối nước đối với trẻ
em theo đúng quy định. Thẩm định và tham mưu phân bổ kinh phí ngay từ đầu năm
theo khả năng cân đối ngân sách cùng thời điểm lập dự toán kinh phí hàng năm của
các đơn vị để các đơn vị kịp thời, chủ động triển khai công tác phòng, chống
tai nạn thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói
riêng.
6.12. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát
thanh - Truyền hình tỉnh
- Tiếp
tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, cảnh báo về tình hình đuối nước
trẻ em; tuyên truyền cho người dân thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình,
đặc biệt trong dịp học sinh nghỉ hè, mùa mưa bão;
- Xây
dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự, các thông điệp truyền
thông về phòng, chống đuối nước trẻ em; cảnh báo những khu vực có nguy cơ dễ xảy
ra tai nạn đuối nước trẻ em. Tổ chức tuyên truyền trên tất cả các phương tiện,
nhất là trên hệ thống loa truyền thanh ở cấp cơ sở, các trang mạng xã hội (face
book, zalo … và các trang mạng xã hội khác) các ứng dụng công cộng … để đông đảo
người dân (đặc biệt là trẻ em) được biết và phòng tránh tai nạn đuối nước xảy
ra.
6.13. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
- Ban
hành Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn
huyện, thành phố và chỉ đạo UBND cấp xã ban hành kế hoạch của địa phương, trong
đó phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng ban, ngành, đoàn thể, chính quyền
đảm bảo tránh chồng chéo hoặc không rõ trách nhiệm; Chỉ đạo tổ chức triển khai
thực hiện đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ trong kế hoạch đảm bảo hoàn thành các mục
tiêu, chỉ tiêu, nhất là các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm tỷ lệ trẻ em bị tai nạn,
thương tích, tử vong do đuối nước trên địa bàn.
-
Tăng cường tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng về phòng, chống tai nạn đuối
nước trẻ em tại địa phương trên các phương thức (đặc biệt tập trung trong mùa
hè và kỳ nghỉ hè của các em học sinh, Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước):
Tuyên truyền qua cơ quan thông tin đại chúng (đặc biệt là hệ thống truyền thanh
cơ sở), tuyên truyền trên mạng xã hội, các phim tài liệu, nội dung sinh hoạt
chi bộ, các cuộc họp tổ dân phố…Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về
phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, vận động các gia đình thường
xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an
toàn trong môi trường nước. Tổ chức đào tạo tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ
năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ các cấp, ngành
liên quan, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chính trẻ em.
- Chỉ
đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Công an cấp huyện triển khai các hoạt động
phòng, chống đuối nước trẻ em ở địa phương theo Kế hoạch số 26/KH-BCA-C07 ngày
19/01/2023 của Bộ Công an và các văn bản chỉ đạo của Công an tỉnh.
- Chỉ
đạo UBND cấp xã phối hợp với Hội Cựu Chiến binh cơ sở tổ chức việc rà soát, kiểm
tra, phát hiện kịp thời các hố sâu, ao, hồ, sông ngòi, vùng nước, bãi tắm, các
khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa đuối nước
cho trẻ em, cụ thể như làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt,
làm rào chắn, biển cảnh báo tại các khu vực nguy cơ xảy ra đuối nước… ; phát hiện
kịp thời, loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình,
trường học; có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở để
bảo đảm “Môi trường sống an toàn” cho trẻ em.
- Tiếp
tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý tăng cường giáo dục kỹ
năng sống, kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường
nước, kỹ năng bơi lội... cho 100% học sinh của nhà trường.
- Bố
trí ngân sách đảm bảo thực hiện các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em tại
địa phương.
- Tập
trung triển khai ngay các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong công
tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND
tỉnh nếu để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn mà có nguyên nhân chủ
quan từ công tác chỉ đạo triển khai thực hiện của cơ quan chức năng hoặc để xảy
ra nhiều vụ tai nạn đuối nước trẻ em tại địa phương mà không có biện pháp khắc
phục hiệu quả. Chịu trách nhiệm tuyệt đối về người đứng đầu nếu lơ là, chủ
quan, không rà soát dẫn đến tồn tại các nguy cơ, tai nạn đuối nước đối với trẻ
em trên địa bàn quản lý. Trường hợp xảy ra các vụ việc trẻ em bị đuối nước trên
địa bàn phải chỉ đạo kiểm tra làm rõ nguyên nhân; xử lý trách nhiệm liên quan;
có biện pháp cảnh báo kịp thời để người dân, gia đình và trẻ em có ý thức phòng
tránh; báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND
tỉnh.
7. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể
7.1.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh: Xây dựng và
phát động phong trào về phòng chống đuối nước tại tất cả các thôn, xã, các tụ
điểm dân cư … Vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động
phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động của
phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”.
7.2.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh: Tăng
cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em; nâng cao nhận
thức của đoàn viên thanh niên, trẻ em và cộng đồng về phòng, chống đuối nước;
Nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm, mô hình truyền thông, đa dạng hóa
các phương thức truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Phối
hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo bàn giao và tiếp nhận học sinh về sinh hoạt
hè, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích cho trẻ em qua
đó góp phần phòng, chống đuối nước.
7.3.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Chỉ đạo các cấp
Hội phụ nữ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ
chủ động phòng, chống tai nạn đuối nước cho con em tại gia đình, cộng đồng. Tổ
chức bồi dưỡng, tập huấn, tuyên truyền cho 100% các cấp và tổ chức hội về các
chương trình, hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em; phối hợp với các cấp ủy,
chính quyền và các tổ chức hội tại các địa phương trong việc thực hiện đồng bộ
các giải pháp phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
7.4.
Hội Cựu Chiến binh tỉnh: Chỉ đạo Hội Cựu
Chiến binh các cấp phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, phát hiện các địa
điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em và kịp thời triển khai giải pháp đảm bảo
an toàn cho trẻ em, cắm biển cảnh báo, tổ chức canh trực trong thời gian cao điểm,
sau giờ tan học, mùa mưa bão, thời gian hè. Nhân rộng mô hình “Cựu chiến binh với
công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng chống đuối nước”. Tổ chức
tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tích cực tham gia có
hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; tổ chức huấn luyện kỹ năng cứu
đuối cho các hội viên Cựu chiến binh.
7.5.
Hội Nông dân tỉnh: Chỉ đạo rà soát, xử lý
ngay các hố ga, các khu ao hồ, hố nước sâu nguy hiểm trên địa bàn toàn tỉnh. Phối
hợp với các ngành chức năng trong công tác truyền thông, giáo dục, vận động hội
viên, nông dân, đặc biệt là các gia đình có con ở độ tuổi dễ bị tai nạn đuối nước
tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; đưa nội
dung phòng, chống tai nạn đuối nước vào chương trình tập huấn cho cán bộ Hội chủ
chốt các cấp, tuyên truyền viên cộng đồng.
8. Chế độ thông tin, báo cáo
Thủ trưởng
các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ nêu trên có
trách nhiệm xây dựng và gửi báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này (qua Sở Lao động
-Thương binh và Xã hội) để tổng hợp chung và báo cáo UBND tỉnh. Thời hạn: Chậm
nhất ngày 30/11 hằng năm.
Báo
cáo đột xuất các vụ việc trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước:
UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Lao động-Thương
binh và Xã hội huyện báo cáo nhanh với Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
9. Tổ chức thực hiện
Chỉ
thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Căn cứ
Chỉ thị này các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan ngành dọc TW đóng trên
địa bàn; UBND các huyện, thành phố và UBND các xã phường, thị trấn trên địa bàn
tỉnh, cần nghiên cứu ban hành ngay văn bản chi tiết để tổ chức triển khai, thực
hiện có hiệu quả về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, giảm thiểu tỷ lệ trẻ em
đuối nước đến mức thấp nhất; đưa nội dung phòng, chống đuối nước vào chỉ tiêu
thi đua đánh giá phân loại chính quyền và bình xét khen thưởng hàng năm.
Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các cơ quan,
đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh
theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động-TB&XH
(b/c);
- TT Tỉnh ủy, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND cấp huyện, (chuyển luồng văn bản đến UBND cấp xã);
- Đài PTTH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin Điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, VX4.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Việt Văn
|