ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 305/KH-UBND
|
Nghệ An, ngày 23
tháng 5 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO CHƯƠNG TRÌNH
GIÁO DỤC MẦM NON VÀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Quyết định
1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đảm bảo cơ
sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn
2017 - 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất
cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ
An đến năm 2025, cụ thể như sau:
I. Mục tiêu, yêu cầu
1. Mục tiêu chung
Triển khai thực hiện kịp
thời, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao trong
Quyết định 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 về việc phê duyệt Đề án Đảm bảo cơ sở
vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2017-2025 trên
địa bàn tỉnh Nghệ An phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhà.
Xây dựng cơ sở vật chất,
mua sắm trang thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị
dạy học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ
thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục
trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
2. Mục tiêu cụ thể
a. Bậc học mầm non
Mỗi nhóm lớp có 01 phòng
sinh hoạt chung, có công trình vệ sinh; mỗi trường có 01 phòng để tổ chức hoạt
động giáo dục thể chất, 01 phòng giáo dục nghệ thuật; có các thiết bị, đồ dùng,
đồ chơi đáp ứng danh mục tối thiểu theo quy định; mỗi điểm trường có tối thiểu
5 thiết bị đồ chơi ngoài trời; có nhà bếp, nhà kho phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc
trẻ.
b. Bậc học tiểu học
Mỗi lớp có một phòng học
riêng, có đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc của học sinh. Mỗi trường có 01 phòng
giáo dục thể chất; 01 phòng giáo dục nghệ thuật, 01 phòng học tin học, 01 phòng
học ngoại ngữ, 01 phòng thiết bị giáo dục, 01 thư viện và phòng hỗ trợ giáo dục
khuyết tật hòa nhập (nếu có học sinh khuyết tật); có đủ thiết bị dạy học
đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định.
c. Bậc học trung học cơ sở
Mỗi lớp có tối thiểu 01
phòng học riêng, có đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc học sinh. Mỗi trường có 01
phòng học bộ môn khoa học tự nhiên, 01 phòng học bộ môn công nghệ, 01 phòng tin
học, 01 phòng học ngoại ngữ, 01 phòng giáo dục nghệ thuật. Có đủ thiết bị dạy
học đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định.
d. Bậc học trung học phổ
thông
Mỗi lớp có tối thiểu 01
phòng học riêng, có đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc học sinh. Mỗi trường có tối
thiểu 01 phòng học bộ môn Vật lý, 01 phòng học bộ môn Hóa học, 01 phòng học bộ
môn Sinh học, 01 phòng học bộ môn Công nghệ, 02 phòng Tin học, 01 phòng học
Ngoại ngữ, 01 phòng giáo dục Nghệ thuật. Đối với các trường có 28 lớp trở lên
có thêm phòng 01 học bộ môn Vật lý, 01 phòng học bộ môn Hóa học, 01 phòng học
bộ môn Sinh học, 01 phòng Tin học, 01 phòng học Ngoại ngữ. Có đủ thiết bị dạy
học đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định.
3. Yêu cầu
Đầu tư xây dựng, trang bị
cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo kiên cố hóa, chuẩn hóa, phù hợp với
chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông mới.
II. Nội dung kế hoạch
1. Đầu tư xây dựng cơ
sở vật chất
a. Bậc học mầm non: Đầu
tư xây mới 1524 phòng học, 479 phòng giáo dục thể chất, 278 phòng giáo dục nghệ
thuật, 592 nhà bếp, 573 nhà kho (phụ lục 01).
b. Bậc học tiểu học: Đầu
tư xây mới 1254 phòng học, 1843 phòng học chức năng (gồm phòng giáo dục thể
chất, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tin học, phòng ngoại ngữ, thư viện,
phòng thiết bị giáo dục); xây dựng bổ sung 214 phòng hỗ trợ giáo dục khuyết
tật hòa nhập (phụ lục 02).
c. Bậc học trung học cơ
sở: Đầu tư xây mới 366 phòng học, 1.615 phòng học bộ môn (gồm bộ môn Khoa
học Tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ) và 541 phòng chuẩn bị thí
nghiệm, thực hành, 83 phòng thư viện (phụ lục 03).
d. Bậc học Trung học phổ
thông: Đầu tư xây mới 141 phòng học, 1515 phòng học bộ môn và phòng chuẩn bị
thí nghiệm, thực hành (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin
học, Ngoại ngữ, Giáo dục Nghệ thuật), 10 phòng thư viện (phụ lục 04).
e. Đầu tư xây dựng thêm
1528 phòng học cho các lớp tăng thêm do tăng học sinh trong thời gian tới.
- Cơ quan chủ trì: Sở
Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành, thị.
- Cơ quan phối hợp: Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, UBND
các huyện, thành, thị.
- Thời gian thực hiện: từ
năm 2019 đến năm 2025
Giai đoạn 2019 - 2020:
Tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thuộc Kế hoạch đầu tư công
giai đoạn 2016 - 2020 đã được phê duyệt đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào
tạo tham mưu Chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng các phòng học bậc tiểu học từ nguồn
kinh phí dự phòng của Chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới giai đoạn
2016 - 2020.
Giai đoạn 2021 - 2025:
Trên cơ sở quy định hiện hành, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư
công giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo thực hiện các nội dung còn lại theo mục tiêu
nêu trên.
2. Đầu tư trang bị
thiết bị dạy học
a. Bậc học mầm non: Mua
sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị đồ chơi ngoài trời để đảm
bảo các nhóm (lớp) có đủ danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo quy
định; mỗi điểm trưởng có tối thiểu 5 thiết bị đồ chơi ngoài trời (phụ lục
05).
b. Bậc học tiểu học: Mua
sắm bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy
định; mua sắm bổ sung 11.580 bộ bàn ghế; 6.659 bộ máy tính; 212 bộ thiết bị
phòng học ngoại ngữ (phụ lục 06).
c. Bậc học trung học cơ
sở: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo có đủ thiết bị dạy học tối thiểu
theo quy định; 15.623 bộ bàn ghế; 5.334 bộ máy tính; 222 bộ thiết bị phòng học
ngoại ngữ (phụ lục 07).
d. Bậc học trung học phổ
thông: Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo có đủ thiết bị dạy học tối
thiểu theo quy định; 7.636 bộ bàn ghế; 3.713 bộ máy tính; 126 bộ thiết bị phòng
học ngoại ngữ (phụ lục 08).
- Cơ quan chủ trì: Sở
Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức mua sắm, trang bị cho các đơn vị đối với
nguồn kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và Ngân sách tỉnh; Các cơ sở
giáo dục và đào tạo chủ trì tổ chức mua sắm thiết bị dạy học từ nguồn ngân sách
huyện, ngân sách xã hỗ trợ; nguồn tiết kiệm chi thường xuyên của đơn vị; nguồn
xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác; tổ chức phong trào tự làm thiết
bị, đồ dùng dạy học.
- Cơ quan phối hợp: Sở
Tài chính, UBND các huyện, thành, thị.
- Thời gian thực hiện:
Giai đoạn 2019 - 2020 mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 và lớp
2, lớp 6 (theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo), mua
sắm bổ sung bàn ghế, máy vi tính, thiết bị phòng học bộ môn, thiết bị phòng học
ngoại ngữ; Giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối
thiểu lớp 3,4,5 và lớp 7,8,9,10,11,12 (theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ
Giáo dục và Đào tạo và nguồn ngân sách Nhà nước xem xét cân đối, bố trí), mua
sắm bổ sung bàn ghế, máy vi tính, thiết bị phòng học bộ môn, thiết bị phòng học
ngoại ngữ.
3. Thực hiện công tác
bảo trì, bảo dưỡng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết
bị dạy học.
- Cơ quan chủ trì: các cơ
sở giáo dục
- Cơ quan phối hợp: các
đơn vị liên quan.
- Thời gian thực hiện:
trong suốt quá trình hoạt động của nhà trường.
III. Tổ chức thực hiện
1. Kinh phí thực hiện
a. Nhu cầu kinh phí: Tổng
nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch là 8.552 tỷ đồng (phụ lục 09).
b. Nguồn kinh phí
- Giai đoạn 2019 - 2020:
Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đã được giao trong Kế hoạch
đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 và được điều chỉnh tại Quyết định
5599/QĐ.UBND ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch
đầu tư công trung hạn 2016-2020 và giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2019,
kinh phí các chương trình, dự án, kinh phí huy động xã hội hóa và các nguồn huy
động hợp pháp khác là: 2.334 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2021 - 2025:
Thực hiện theo mục III, điều 1 của Quyết định 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình
giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025, gồm Ngân sách
Trung ương, ngân sách địa phương, trái phiếu chính phủ, các Chương trình, dự án
được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
Tổng nguồn vốn cần huy động giai đoạn 2021 - 2025 là 6.218 tỷ đồng. Cơ cấu
nguồn vốn như sau: Vốn trái phiếu Chính phủ 25% là 1.555 tỷ đồng; Vốn thực hiện
các chương trình, dự án 25% là 1.555 tỷ đồng; Vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ
mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học 10% là 621 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách
địa phương, nguồn xã hội hóa và huy động các nguồn hợp pháp khác 40% là 2.487
tỷ đồng.
2. Trách nhiệm của các
đơn vị
a. Sở Giáo dục và Đào
tạo
- Là cơ quan đầu mối quản
lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục trên địa bàn căn cứ nội dung Kế hoạch được phê
duyệt tổ chức triển khai thực hiện; hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các địa
phương và các cơ quan liên quan thực hiện Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cơ chế huy động nguồn vốn, cơ chế
chính sách khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư để thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì, phối hợp Sở Kế
hoạch và Đầu tư, trên cơ sở Quy định hiện hành và hướng dẫn của các cơ quan
Trung ương xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với mục
tiêu và nhiệm vụ của kế hoạch; phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh
phí hàng năm để thực hiện mua sắm, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ
thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông mới;
phối hợp với Sở Xây dựng trong quản lý thiết kế, quản lý chất lượng công trình
xây dựng, đảm bảo các công trình được xây dựng đúng chuẩn, phục vụ có hiệu quả
cho công tác dạy học.
- Định kỳ hàng năm có sơ
kết, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
b. Sở Kế hoạch và Đầu
tư
- Chủ trì phối hợp với
các ngành liên quan rà soát, cân đối, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư đảm bảo
nguồn lực thực hiện Kế hoạch.
- Phối hợp với Sở Giáo
dục và Đào tạo đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa, thu hút
đầu tư.
c. Sở Tài chính
Hàng năm căn cứ khả năng
cân đối ngân sách để bố trí kinh phí mua sắm thiết bị phục vụ thực hiện chương
trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông mới theo Kế hoạch được phê duyệt.
d. Sở Xây dựng
Phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng công trình xây
dựng đảm bảo các công trình được đầu tư xây dựng đúng theo chuẩn quy định.
e. Sở Tài nguyên và
môi trường
Hoàn thiện các thủ tục
giao đất cho các cơ sở giáo dục theo đúng quy định. Phối hợp với các địa phương
tham mưu bố trí quỹ đất, đảm bảo đủ định mức tối thiểu cho các cơ sở giáo dục.
g. Sở Thông tin và
truyền thông
Tăng cường công tác tuyên
truyền trong hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể, các cơ sở giáo dục, các
tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện đảm bảo cơ sở vật
chất cho Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông đối
với việc nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
nguồn nhân lực; tạo sự đồng thuận trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho
phát triển giáo dục trên địa bàn.
h. UBND các huyện,
thành phố, thị xã
- Chỉ đạo, triển khai
thực hiện các nội dung của Kế hoạch trên địa bàn theo quy định về phân công,
phân cấp quản lý. Rà soát, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp theo quy hoạch được
phê duyệt. Chủ động phân bổ nguồn vốn và tổ chức lồng ghép các nguồn vốn cho
các công trình xây dựng thuộc phân cấp của địa phương. Chủ động bố trí kinh phí
mua sắm trang thiết bị dạy học thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và
Chương trình giáo dục phổ thông mới cho các đơn vị trực thuộc huyện.
- Phối hợp thực hiện tốt
công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi
người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển giáo
dục.
i. Sở Giáo dục và Đào
tạo, UBND các huyện thành phố, thị xã: Thực
hiện thẩm quyền quản lý chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học
cơ sở, trung học phổ thông:
- Rà soát, điều chỉnh,
sắp xếp việc sử dụng cơ sở vật chất hiện có một cách hợp lý nhằm nâng cao hiệu
quả sử dụng cơ sở vật chất trong nhà trường; Kiểm tra, rà soát, đánh giá lại
chất lượng các công trình trường học để lập kế hoạch và thực hiện việc bảo trì
công trình theo quy định.
- Tham gia giám sát,
nghiệm thu trong quá trình đầu tư xây dựng, mua sắm, đảm bảo các công trình xây
dựng, thiết bị mua sắm phù hợp với nhu cầu thực tế phục vụ có hiệu quả nhất
công tác dạy học của nhà trường.
- Tiếp nhận, khai thác sử
dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được trang bị. Rà soát, lập kế hoạch mua sắm bổ
sung các thiết bị còn thiếu, bảo đảm chất lượng, số lượng và kịp thời phục vụ
năm học. Tổ chức phong trào tự làm thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới
phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong quá trình tổ chức
thực hiện kế hoạch nếu có những vấn đề khó khăn, vướng mắc các Sở, Ban, ngành
cấp tỉnh; UBND cấp huyện báo cáo về Sở GD&ĐT để tổng hợp trình UBND tỉnh
xem xét./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, PCT VX UBND tỉnh;
- CVP, PVP VX UBND tỉnh
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- CV: VX
- Lưu: VT.UB (toàn)
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Minh Thông
|
TỔNG HỢP NHU CẦU ĐẦU
TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT CHO GIÁO DỤC MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 305/KH-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Nghệ An)