ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
98/2024/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 18 tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH MỨC NỘP TIỀN ĐỂ NHÀ NƯỚC BỔ SUNG DIỆN TÍCH ĐẤT CHUYÊN TRỒNG LÚA BỊ MẤT HOẶC
TĂNG HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG LÚA KHI CHUYỂN TỪ ĐẤT CHUYÊN TRỒNG LÚA SANG MỤC
ĐÍCH PHI NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Căn cứ Luật số 43/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm
2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở
số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật các Tổ chức
tín dụng số 32/2024/QH15;
Căn cứ Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng
9 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ
trình số 4575/TTr-STC ngày 06 tháng 12 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định mức nộp tiền để Nhà nước bổ
sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng
lúa khi chuyển từ đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp trên địa
bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP
ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa.
2. Đối tượng áp dụng
a) Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử
dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa.
b) Cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên
quan.
Điều 2. Mức nộp tiền để Nhà nước
bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng
lúa
1. Mức nộp tiền: Bằng 50% số tiền được xác định
theo diện tích đất chuyên trồng lúa phải chuyển sang mục đích phi nông nghiệp
nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển
mục đích sử dụng đất.
2. Các khoản tiền phải nộp để nhà nước bổ sung diện
tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa và
khoản tiền chậm nộp (nếu có) thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước theo phân cấp
hiện hành.
3. Trình tự, thủ tục nộp tiền để nhà nước bổ sung
diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa
(kể cả tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp) thực hiện theo quy định tại
Điều 13 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP .
Điều 3. Trách nhiệm của Người sử
dụng đất; các Sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố Huế
1. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất
a) Kê khai diện tích đất chuyên trồng lúa đến cơ
quan tài nguyên và môi trường cấp huyện hoặc cơ quan tài nguyên và môi trường cấp
tỉnh (đối với công trình có diện tích đất chuyên trồng lúa trên địa bàn 2 huyện
trở lên) đề nghị xác định diện tích đất chuyên trồng lúa phải nộp tiền theo quy
định tại Nghị định 112/2024/NĐ-CP .
b) Nộp số tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất
chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa khi chuyển từ
đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp theo thông báo của Cơ quan
tài chính các cấp theo đúng thời hạn quy định. Trường hợp quá 30 ngày kể từ
ngày có văn bản thông báo của cơ quan tài chính mà chưa nộp và chưa nộp đủ thì
Người nộp tiền tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định và nộp vào ngân sách
Nhà nước theo quy định.
Trong trường hợp bất khả kháng như bị thiệt hại vật
chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ. Người nộp
tiền được miễn tiền chậm nộp khi có đơn đề nghị miễn gửi Cơ quan tài chính các
cấp trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt theo quy định.
c) Sau khi hoàn thành việc nộp tiền vào ngân sách
Nhà nước, Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất gửi 01 liên Chứng từ nộp về
Cơ quan tài chính các cấp để theo dõi, quản lý.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
Thẩm định Bản kê khai của Người được Nhà nước giao
đất, cho thuê đất chuyên trồng lúa để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp và
ban hành văn bản xác nhận diện tích đất chuyên trồng lúa phải nộp tiền gửi đến
cơ quan tài chính cùng cấp để xác định số tiền phải nộp theo quy định (đối với
công trình có diện tích đất chuyên trồng lúa trên địa bàn 2 huyện trở lên).
3. Sở Tài chính
a) Hướng dẫn triển khai nội dung các Khoản tiền phải
nộp (kể cả khoản tiền chậm nộp) vào ngân sách theo quy định;
b) Xác định và thông báo số tiền nộp để nhà nước bổ
sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng
lúa (đối với công trình có diện tích đất chuyên trồng lúa trên địa bàn 2 huyện
trở lên).
c) Theo dõi, tham mưu phân bổ nguồn thu tiền bảo vệ,
phát triển đất trồng lúa theo quy định.
d) Theo dõi, đôn đốc Người được Nhà nước giao đất,
cho thuê đất thuộc phạm vi quản lý thực hiện thông báo nộp tiền theo quy định.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các
đơn vị có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh diện tích đất chuyên trồng lúa
nước bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng.
b) Phối hợp với Sở Tài chính phân bổ kinh phí bảo vệ
và phát triển đất trồng lúa theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế:
a) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận
và chuyển hồ sơ thông tin địa chính diện tích đất chuyên trồng lúa nước cần phải
nộp tiền để nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu
quả sử dụng đất trồng lúa bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
b) Chỉ đạo Phòng Tài chính Kế hoạch
- Xác định và thông báo số tiền nộp để Nhà nước bổ
sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng
lúa bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định.
- Theo dõi, đôn đốc Người được Nhà nước giao đất,
cho thuê đất thuộc phạm vi quản lý thực hiện thông báo nộp tiền theo quy định.
- Hàng năm, tổng hợp tình hình chuyển đổi đất trồng
lúa sang đất phi nông nghiệp (diện tích và số tiền đã nộp) định kỳ 6 tháng (tính
từ ngày 01 của tháng 01 đến ngày cuối cùng của tháng 6 trong năm kỳ báo cáo)
trước ngày 10/6 hàng năm và Báo cáo năm (tính từ ngày 01 của tháng 01 đến ngày
cuối cùng của tháng 12 trong năm kỳ báo cáo) trước ngày 10/01 năm kế tiếp gửi Sở
Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính để theo dõi, quản lý.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 01 năm 2025 và thay thế Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 02/02/2018 của
Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 40/2020/QĐ-UBND ngày 08/7/2020
của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số
09/2018/QĐ-UBND ngày 02/02/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức thu tiền
bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế;
Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Cục trưởng
Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế và Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HDNĐ tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- VP: CVP và các PCVP UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, TC, NĐ.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Quý Phương
|