ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
60/2024/QĐ-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 20
tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ; TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN VẬN
CHUYỂN HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG ĐÔ THỊ;
THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG CỦA XE VỆ SINH MÔI TRƯỜNG, XE Ô TÔ CHỞ VẬT LIỆU XÂY DỰNG,
PHẾ THẢI RỜI HOẠT ĐỘNG TRONG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng
11 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải
tại Tờ trình số 175/TTr-SGTVT ngày 20 tháng 12 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị; tỷ lệ phương
tiện vận chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật
trong đô thị; thời gian hoạt động của xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở vật liệu
xây dựng, phế thải rời hoạt động trong đô thị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ
trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
-
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Hồ Tiến Thiệu
|
QUY ĐỊNH
VỀ
HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ; TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN HÀNH
KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG ĐÔ THỊ; THỜI GIAN
HOẠT ĐỘNG CỦA XE VỆ SINH MÔI TRƯỜNG, XE Ô TÔ CHỞ VẬT LIỆU XÂY DỰNG, PHẾ THẢI RỜI
HOẠT ĐỘNG TRONG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Kèm theo Quyết định số: 60/2024/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2024 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về hoạt động vận tải đường
bộ trong đô thị; tỷ lệ phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có thiết bị
hỗ trợ cho người khuyết tật trong đô thị; thời gian hoạt động của xe vệ sinh
môi trường, xe ô tô chở vật liệu xây dựng, phế thải rời hoạt động trong đô thị
trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
2. Các nội dung khác không quy định tại Quy định
này thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị; phương tiện vận
chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật trong đô thị;
xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở vật liệu xây dựng, phế thải rời hoạt động
trong đô thị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Hoạt động vận tải đường bộ là việc tổ chức,
cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe cơ giới để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ.
2. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết
một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng
tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
3. Phương tiện vận chuyển hành khách công cộng
có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật là xe có hệ thống thiết bị nâng, hạ
phục vụ người khuyết tật lên, xuống xe, có chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết tật
hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Hoạt động vận tải đường
bộ trong đô thị
1. Hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt; vận tải
hành khách theo tuyến cố định
a) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ;
b) Phải hoạt động đúng tuyến, đúng lịch trình, thời
gian được phép hoạt động và dừng xe, đỗ xe để đón, trả khách đúng nơi quy định;
c) Phải tuân thủ phương án phân luồng, tổ chức giao
thông trong đô thị (trong trường hợp tạm thời cấm phương tiện hoạt động trên
tuyến đường có lộ trình tuyến đi qua để phục vụ mục đích khác). Trường hợp tuyến
đường đăng ký vận tải hành khách bị cấm hoạt động, thì đơn vị kinh doanh vận tải
phải đề xuất với cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về giao thông
vạn tải có phương án điều chỉnh lộ trình tuyến cho phù hợp.
2. Hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi
a) Bảo đảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ;
b) Đón, trả hành khách theo thỏa thuận giữa hành
khách và người lái xe nhưng phải chấp hành quy định của pháp luật về trật tự,
an toàn giao thông đường bộ.
3. Hoạt động vận tải khách du lịch; vận tải hành
khách theo hợp đồng; vận tải hành khách bằng xe trung chuyển
a) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ;
b) Xe kinh doanh vận tải khách du lịch: được ưu
tiên bố trí nơi dừng, đỗ thuận tiện để đón, trả khách du lịch, nhưng phải tuân
thủ quy định của chính quyền địa phương theo phân cấp về tổ chức giao thông. Việc
dừng, đón, trả khách du lịch tại các bến xe khách, khu vực nhà ga, khu du lịch,
điểm du lịch... thực hiện theo quy định của tổ chức, đơn vị quản lý bến xe
khách, khu vực nhà ga, khu du lịch, điểm du lịch…;
c) Xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng:
hành khách được vận chuyển theo hợp đồng phải tập trung tại vị trí nhất định
trong khi chờ xe đón khách, đồng thời phải giữ an ninh, trật tự xã hội và vệ
sinh chung; các điểm dừng, đỗ đón, trả khách phải đảm bảo an toàn giao thông,
đúng vị trí được phép dừng, đỗ xe và phải được ghi trong hợp đồng vận chuyển
khách;
d) Xe trung chuyển chỉ được sử dụng để vận chuyển
hành khách từ điểm đón khách theo yêu cầu của hành khách và đi trên các tuyến vận
tải khách cố định của đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định đến bến
xe, điểm đón, trả khách trên tuyến hoặc ngược lại.
5. Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và xe chở
hàng bốn bánh có gắn động cơ khi hoạt động vận tải trong đô thị phải chấp hành
điều kiện theo quy định tại Điều 48 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
và thời gian, phạm vi hoạt động theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Hoạt động vận tải nội bộ (bao gồm chở người nội
bộ và chở hàng hóa nội bộ) bằng xe ô tô phải tuân thủ theo các nguyên tắc, quy
định của pháp luật khi tham gia giao thông. Xe ô tô chở người được hoạt động
trên các tuyến đường trong đô thị không bị cấm lưu thông và xe ô tô chở hàng
hóa thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Quy định này.
7. Hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
a) Bảo đảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Điều 49 Luật Trật tự, an toàn
giao thông đường bộ;
b) Xe ô tô chở hàng hóa được phép hoạt động trên
các tuyến đường trong đô thị khi không có biển báo cấm, tuân thủ theo phương án
phân luồng, tổ chức giao thông trong đô thị của Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố theo tình hình thực tế tại địa phương;
c) Trường hợp phương tiện chở hàng hóa siêu trường,
siêu trọng phải có Giấy phép lưu hành và thực hiện đúng các nội dung quy định
trong Giấy phép lưu hành do cơ quan có thẩm quyền cấp.
8. Xe thô sơ, xe mô tô, xe gắn máy khi hoạt động vận
tải trong đô thị phải chấp hành quy định về phạm vi hoạt động và quy định việc
sử dụng xe thô sơ, xe mô tô, xe gắn máy để kinh doanh vận chuyển hành khách,
hàng hóa phải tuân thủ theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 5. Tỷ lệ phương tiện vận
chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật trong đô thị
1. Đến hết năm 2025, đơn vị đăng ký tham gia khai
thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phải
đảm bảo có ít nhất 01 xe đối với đơn vị có dưới 20 phương tiện; có tối thiểu 5%
tổng số phương tiện có lắp đặt thiết bị hỗ trợ phục vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của
người khuyết tật đối với đơn vị có trên 20 phương tiện đăng ký hoạt động.
2. Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, mỗi năm
tăng thêm ít nhất 1% tỷ lệ phương tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết
tật, sau năm 2030 tỷ lệ phương tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật
đạt tối thiểu 10%.
3. Các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe
buýt phải chủ động bố trí phương tiện tham gia hoạt động trên tuyến đáp ứng nhu
cầu đi lại của người khuyết tật theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Điều 6. Thời gian hoạt động của
xe vệ sinh môi trường, xe ô tô chở vật liệu xây dựng, phế thải rời hoạt động
trong đô thị
1. Thời gian hoạt động của xe vệ sinh môi trường
a) Xe vệ sinh môi trường (trừ các loại xe quy định
tại điểm b, c khoản 1 Điều này) được phép hoạt động trong đô thị trên địa bàn tỉnh
theo khung giờ từ 19 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau. Trong trường hợp
cấp thiết hoặc các ngày cao điểm cần đảm bảo vệ sinh môi trường, thì được phép
hoạt động 24/24 giờ trong ngày, phù hợp với tình hình thực tế của các huyện,
thành phố;
b) Xe tưới nước, xe hút bùn, hút chất thải được
phép hoạt động 24/24 giờ trong ngày; xe quét đường được phép hoạt động từ 05 giờ
đến 07 giờ sáng và từ 14 giờ đến 16 giờ chiều trong ngày;
c) Xe vận chuyển chất thải nguy hại hoạt động trong
khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh hoạt động theo khung giờ từ 22 giờ ngày hôm
trước đến 06 giờ ngày hôm sau.
2. Thời gian hoạt động của xe ô tô chở vật liệu xây
dựng, phế thải rời
Xe ô tô chở vật liệu xây dựng, phế thải rời được
phép hoạt động 24/24 giờ trong ngày và thực hiện theo phương án tổ chức giao thông
của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, phù hợp với tình hình thực tế tại địa
phương.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Cơ quan chuyên môn giúp
UBND tỉnh quản lý nhà nước về giao thông vận tải
1. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan
và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, triển
khai thực hiện Quy định này.
2. Chỉ đạo các đơn vị khai thác vận tải hành khách
công cộng bằng xe buýt xây dựng kế hoạch đầu tư phương tiện đảm bảo yêu cầu kỹ
thuật phục vụ người khuyết tật theo lộ trình tại Quy định này.
3. Xây dựng kế hoạch thực hiện việc cải tạo, đầu tư
mới hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phục vụ người khuyết tật.
4. Phối hợp với lực lượng chức năng thanh tra, kiểm
tra và xử lý vi phạm hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị.
5. Theo dõi việc triển khai thực hiện, tình hình hoạt
động và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế này; tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
Điều 8. Công an tỉnh
1. Chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý
vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải đường bộ trong
đô thị theo quy định.
2. Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trong đô thị và
các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh.
Điều 9. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
1. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định
này tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy định này đến
các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải trong đô thị trên địa
bàn huyện, thành phố.
2. Đầu tư hạ tầng phục vụ các hoạt động vận tải đường
bộ trong đô thị; rà soát, lắp đặt biển báo hiệu giao thông đường bộ, tổ chức
giao thông trong đô thị phù hợp đối với các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản
lý.
3. Quy định vị trí tập kết rác thải tập trung đảm bảo
thuận lợi cho việc thu gom rác thải lên xe chở rác, bảo đảm vệ sinh môi trường,
mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông.
Điều 10. Các sở, ngành, đơn vị
có liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Cơ quan
chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về giao thông vận tải, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quy định này; tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi quản lý ngành.
Điều 11. Điều khoản thi hành
1. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng
Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa
đổi, bổ sung thay thế.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các
cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh
quản lý nhà nước về giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế Quy định này./.