ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
17/2024/QĐ-UBND
|
Bà Rịa - Vũng
Tàu, ngày 27 tháng 5 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11
năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 06
năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng
01 năm 2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10
tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường tại Tờ trình số 222/TTr-STNMT ngày 17 tháng 4 năm 2024 về việc đề nghị
ban hành Quyết định ban hành Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6
năm 2024.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng
các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TNMT, Y tế, Tư pháp;
- Cục Kiểm tra VBQPPL;
- TTr.TU, TTr.HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Đài PTTH, Báo BR - VT;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, TH (KT7).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Công Vinh
|
QUY ĐỊNH
VỀ
QUẢN LÝ CHẤT THẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 17/2024/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2024 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về phân loại chất thải rắn
sinh hoạt tại nguồn; quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh;
quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định về thu gom, vận chuyển và
xử lý chất thải rắn y tế phù hợp với điều kiện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo
quy định của Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước,
tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có các hoạt động liên quan đến
chất thải rắn sinh hoạt, chất thải cồng kềnh và chất thải y tế trên địa bàn tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý
chất thải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chương II
PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN
SINH HOẠT TẠI NGUỒN VÀ THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ CHẤT THẢI CỒNG KỀNH
Điều 3. Nguyên tắc phân loại,
lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt
1. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình,
cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:
a) Chất thải thực phẩm: thức ăn thừa, thực phẩm hết
hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế,
chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản và
các loại khác có tính chất, thành phần tương tự;
b) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế:
giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, cao su, vải, đồ da, đồ gỗ,
thiết bị điện, điện tử thải bỏ và các loại vật dụng khác có tính chất, thành phần
tương tự;
c) Chất thải rắn sinh hoạt khác, bao gồm:
Chất thải rắn cồng kềnh là vật dụng được thải bỏ có
kích thước lớn như: Tủ, bàn, ghế, sofa, giường, nệm cũ hỏng; tủ sắt, khung cửa,
cánh cửa; gốc cây, thân cây và cành cây to và vật dụng khác tương tự;
Chất thải nguy hại: các loại bóng đèn huỳnh quang
thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thủy ngân thải; các loại pin,
bình ắc quy thải; bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải,
kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp thải, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình
gas mini từ hoạt động sinh hoạt. Găng tay, giẻ lau dính dầu, hoá chất; kim
tiêm, khẩu trang, bông băng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh;
Chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại phải xử lý: vỏ
các loại hạt; bã các loại, vỏ trứng, xơ dừa, rơm, trấu từ hoạt động sinh hoạt;
các loại chiếu, gối mây, gối tre; lông gia súc, gia cầm; bã các loại cà phê, bã
trà (túi trà), bã mía, xác mía, cùi bắp; chất thải từ làm vườn từ hộ gia đình
như lá, rễ, cành cây nhỏ, cỏ, hoa; phân động vật cảnh và xác động vật cảnh chết
không do dịch bệnh; tã, bỉm, băng, giấy vệ sinh, giấy ăn đã sử dụng; giấy ướt
đã sử dụng; bông tẩy trang, khẩu trang; các loại hộp xốp; các loại sản phẩm nhựa
sử dụng một lần; bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá; băng keo dán, tăm bông tai,
tăm chỉ kẻ răng, vỏ thuốc; giày, dép nhựa, thước kẻ, thìa, muôi (vá) bằng nhựa;
bút, bật lửa đã hết gas, bàn chải đánh răng, vỏ tuýp, hộp kem đánh răng; các loại
nhựa khác; vỏ cứng các loại thủy hải sản; xỉ than từ hoạt động sinh hoạt; gốm,
sành, sứ thải.
2. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại
theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được chứa đựng trong các bao bì theo
quy định và được lưu giữ trong các khu vực phù hợp trước khi chuyển giao như
sau:
a) Chất thải thực phẩm phải được chứa đựng trong
bao bì có màu xanh lá cây theo quy định bảo đảm không có rò rỉ nước, phát tán
mùi hôi và phải được chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa
phương lựa chọn.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, khuyến
khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm thức ăn chăn nuôi hoặc sử dụng
để ủ làm phân bón hữu cơ.
b) Chất thải có thể tái sử dụng, tái chế được chứa
đựng trong các bao bì thông thường, có thể nhìn thấy được chất thải đựng bên
trong, bảo đảm an toàn trong thời gian chứa đựng chất thải; được lưu giữ bên
trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân bảo đảm không gây mất mỹ quan
và ô nhiễm môi trường. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thu gom tối đa chất thải
có khả năng tái sử dụng, tái chế và chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng,
tái chế.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại và
chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn
thì chất thải phải được chứa đựng trong bao bì có màu xám như áp dụng đối với
chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
c) Chất thải rắn sinh hoạt khác:
Chất thải rắn cồng kềnh phải được thu gọn, giảm
kích thức thể tích để có thể lưu giữ được bên trong khuôn viên nhà ở của hộ gia
đình, cá nhân bảo đảm không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường và phải được
chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn
theo thông báo của chính quyền địa phương;
Chất thải nguy hại được chứa đựng trong các bao bì
thông thường có màu vàng để có thể lưu giữ được bên trong khuôn viên nhà ở của
hộ gia đình, cá nhân bảo đảm an toàn, tránh gây phát tán ra ngoài môi trường
cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương
lựa chọn;
Chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý được chứa đựng
trong bao bì có màu xám theo quy định và được chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận
chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn.
3. Bao bì chứa đựng chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm
các yêu cầu như sau:
a) Có quy cách, kích thước cụ thể, thể tích khác
nhau để bảo đảm dễ dàng phân biệt được với các loại bao bì thông thường khác.
b) Chất liệu sử dụng làm bao bì đựng chất thải rắn
sinh hoạt phải bảo đảm nhìn thấy được loại chất thải đựng bên trong và phù hợp
với công nghệ xử lý chất thải. Khuyến khích sử dụng bao bì là chất liệu dễ phân
hủy sinh học;
c) Có thiết kế dễ buộc, dễ mở, bảo đảm chứa đựng được
chất thải rắn sinh hoạt không để rơi vãi ra ngoài và thuận tiện cho việc kiểm
tra.
4. Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô
thị mới, khu chung cư, tòa nhà văn phòng phải tổ chức thu gom chất thải rắn
sinh hoạt thuộc phạm vi quản lý, bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải
rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tương ứng với các loại chất thải rắn
sinh hoạt theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
5. Quy định việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất
thải rắn sinh hoạt tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều này được Ủy ban nhân dân
cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá
nhân thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Điều 4. Trách nhiệm của hộ gia
đình, cá nhân
1. Thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất
thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 3 Quy định này.
2. Chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở
thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do chính quyền địa phương lựa chọn
theo đúng thời gian, địa điểm, tần suất và phương thức theo thông báo của Ủy
ban nhân dân cấp xã.
3. Chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý
chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và giá dịch vụ
phát sinh theo thỏa thuận với cơ sở thu gom, vận chuyển.
4. Giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, thu gom,
tập kết chất thải rắn sinh hoạt đúng nơi quy định; không được vứt, đổ, thải bỏ
chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường không đúng nơi quy định. Hỗ trợ cơ quan
chức năng trong công tác giám sát, điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về
chất thải rắn sinh hoạt.
5. Giám sát, đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ của
cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do chính quyền địa phương lựa
chọn; trường hợp không đáp ứng yêu cầu và có hành vi vi phạm thì phản ánh ngay
đến chính quyền địa phương để xử lý theo quy định.
Chương III
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN
SINH HOẠT
Điều 5. Điểm tập kết, trạm
trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện tùy theo tình hình thực
tế bố trí mặt bằng các điểm tập kết chất thải ran sinh hoạt trên địa bàn. Điểm
tập kết chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi
trường như sau:
a) Bảo đảm bán kính phục vụ thu gom tại hộ gia
đình, tổ chức, cá nhân và kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và
xử lý;
b) Đáp ứng các yêu cầu theo QCVN 01:2021/BXD ban
hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 05 năm 2021 của Bộ trượng
Bộ Xây dựng về ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch
xây dựng;
c) Đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều
26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi
trường (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT).
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tùy theo tình hình thực
tế bố trí mặt bằng và đầu tư xây dựng điểm tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh và
điểm tiếp nhận chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa
bàn và đưa vào hoạt động chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024, trừ một số trường
hợp sau:
a) Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt quy định tại
khoản 1 Điều này có chức năng tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh và chất thải
nguy hại;
b) Phương án thu gom chất thải rắn cồng kềnh và chất
thải nguy hại được thực hiện ngay tại hộ gia đình, cá nhân.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện tùy theo tình hình thực
tế bố trí mặt bằng và đầu tư xây dựng trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt
trên địa bàn. Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu
kỹ thuật về bảo vệ môi trường như sau:
a) Phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050 theo quy định đã được phê duyệt;
b) Đáp ứng các yêu cầu theo QCVN 01:2021/BXD - Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;
c) Đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều
26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .
4. Nguồn chi đầu tư các điểm tập kết chất thải rắn
sinh hoạt, điểm tiếp nhận chất thải rắn cồng kềnh, điểm tiếp nhận chất thải
nguy hại và trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt được bố trí từ ngân sách
nhà nước chi đầu tư phát triển cho hoạt động bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân
dân cấp huyện hoặc các nguồn chi khác theo quy định. Chi phí vận hành được bố
trí từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm của Ủy ban
nhân dân cấp huyện hoặc các nguồn chi khác theo quy định.
Điều 6. Thu gom, vận chuyển chất
thải rắn sinh hoạt
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định lựa chọn cơ
sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo quy định tại
khoản 1 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường và tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát
để đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ vận chuyển.
2. Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn
sinh hoạt phải bảo đảm các yêu cầu như sau:
a) Đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường
theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ;
b) Bảo đảm thu gom, vận chuyển riêng biệt các loại
chất thải rắn sinh hoạt đã được hộ gia đình, cá nhân phân loại;
c) Có thiết bị định vị và ghi hình (camera) hành
trình để ghi lại hành trình vận chuyển, được kết nối mạng trực tuyến và truyền
dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu
được ủy quyền.
d) Thời gian và tuyến đường thu gom, vận chuyển chất
thải rắn sinh hoạt thực hiện theo Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về tuyến đường
bộ, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp
thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu.
4. Tần suất thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh
hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân do Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban
nhân dân cấp xã nếu được ủy quyền quyết định nhưng phải bảo đảm tối thiểu như
sau:
a) Đối với các khu vực nội thành, nội thị: tần suất
thu gom, vận chuyển chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý
01 ngày/lần; tần suất thu gom chất thải rắn cồng kềnh, chất thải nguy hại tối
thiểu 01 tháng/lần;
b) Đối với các khu vực còn lại: tàn suất thu gom, vận
chuyển chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý tối thiểu 02
ngày/lần; tần suất thu gom chất thải rắn cồng kềnh, chất thải nguy hại tối thiểu
02 tháng/lần.
6. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
sử dụng loa, chuông, kẻng hoặc hình thức thông báo khác đã thỏa thuận với Ủy
ban nhân dân cấp xã khi đến thu gom chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá
nhân.
7. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình,
cá nhân nếu không phân loại hoặc không sử dụng đúng màu sắc bao bì quy định và
thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp
luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh
hoạt phải xử lý theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Quy định này.
Điều 7. Xử lý chất thải rắn
sinh hoạt
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định lựa chọn cơ
sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ môi
trường và tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát để đánh giá chất lượng cung ứng
dịch vụ xử lý. Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện các vấn đề gây
ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường thì tiến hành lập biên bản và báo cáo
cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định.
2. Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm
các yêu cầu như sau:
a) Phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt;
b) Đáp ứng các yêu cầu theo QCVN 01:2021/BXD - Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;
c) Đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 28
Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ;
d) Phải trang bị trạm cân để xác định trọng lượng
chất thải rắn sinh hoạt của xe vận chuyển trước khi đưa vào khu vực phân loại
và xử lý;
đ) Phải trang bị camera giám sát tại trạm cân trọng
lượng chất thải rắn sinh hoạt của xe vận chuyển và khu vực phân loại, xử lý;
camera được kết nối mạng trực tuyến và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi
trường cấp huyện.
3. Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng
công nghệ tiên tiến và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương; ưu tiên công nghệ đã được ứng dụng thành công và đạt tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật về môi trường, công nghệ đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
a) Không cấp phép cho các cơ sở xử lý chất thải rắn
sinh hoạt đầu tư mới áp dụng công nghệ chôn lấp trực tiếp. Các cơ sở xử lý chất
thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ chôn lập trực tiếp đang hoạt động phải
chuyển đổi công nghệ theo lộ trình quy định.
b) Các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi hết
khả năng tiếp nhận, xử lý và đóng bãi chôn lấp phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm,
cải tạo môi trường bãi chôn lấp theo quy định tại Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường
và Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .
c) Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ được
thay đổi công nghệ xử lý khi được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan
phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.
Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
1. Thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 58,
Điều 61 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ Quy
định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định
số 08/2022/NĐ-CP).
2. Thực hiện các trách nhiệm về thu gom, vận chuyển
chất thải rắn sinh hoạt theo Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về tuyến đường bộ,
thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông
thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
3. Bảo đảm đầy đủ nhân lực, phương tiện và các
trang thiết bị để thu gom, vận chuyển riêng biệt các loại chất thải rắn sinh hoạt
đã được hộ gia đình, cá nhân phân loại.
4. Không được thu gom, vận chuyển chất thải rắn
sinh hoạt có lẫn chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp ngoài phạm
vi hợp đồng hoặc văn bản đặt hàng, giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện,
Ủy ban nhân dân cấp xã.
5. Quá trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh
hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc cơ sở xử
lý phải tuân thủ quy định kỹ thuật về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Không để rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, phát tán mùi hôi và nước rỉ rác gây ảnh
hưởng xấu đến môi trường xung quanh.
6. Hoạt động vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải
được kiểm soát và ghi nhận toàn bộ thông tin liên quan đến việc tiếp nhận chất
thải rắn sinh hoạt tại điểm tập kết, trạm trung chuyển như thời gian, khối lượng,
loại chất thải.
Điều 09. Trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân xử lý chất thải rắn sinh hoạt
1. Thực hiện các trách nhiệm được quy định tại khoản
1 Điều 62 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP .
2. Không được tiếp nhận chất thải rắn công nghiệp
và chất thải nguy hại khi không có chức năng theo quy định. Trường hợp tiếp nhận
chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại khi không có chức năng theo quy
định thì cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định
của pháp luật và chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc vận
chuyển, xử lý lượng chất thải này đến các cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp
phép.
3. Trường hợp ngừng dịch vụ xử lý để sửa chữa, cải
tạo, nâng cấp thì phải thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp huyện trước
30 ngày; trong đó, nêu rõ lý do và thời gian tạm ngừng dịch vụ; đồng thời, phải
có phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tạm ngừng dịch vụ xử
lý. Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ được ngừng dịch vụ xử lý chất thải
rắn sinh hoạt khi có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Lập nhật ký vận hành các hệ thống, thiết bị cho
việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sổ theo dõi số lượng, nguồn tiêu thụ của
các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải rắn sinh hoạt (nếu có).
Chương IV
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y
TẾ
Điều 10. Phân định, phân loại,
lưu giữ chất thải y tế
1. Chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y
tế phải được phân định, phân loại, lưu giữ theo quy định tại Thông tư số
20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về quản
lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
2. Chất thải y tế nguy hại phải được phân định,
phân loại và thu gom riêng biệt với chất thải rắn y tế thông thường trước khi
đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh.
Điều 11. Địa điểm, mô hình xử
lý chất thải rắn y tế
1. Chất thải rắn y tế phát sinh trên địa bàn tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu được ưu tiên xử lý tập trung tại các cơ sở thực hiện dịch vụ
xử lý chất thải nguy hại có hạng mục xử lý chất thải y tế và tại các cơ sở có dự
án xử lý chất thải y tế trong khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên, thị
xã Phú Mỹ.
2. Tùy theo tình hình thực tế, các Bệnh viện, Trung
tâm y tế, Trạm y tế, phòng khám chữa bệnh và các cơ sở dịch vụ y tế khác có
phát sinh chất thải y tế nguy hại có thể chuyển giao cho các cơ sở thực hiện dịch
vụ xử lý chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chuyên
dụng và hạng mục xử lý chất thải y tế được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy
phép môi trường (hoặc giấy phép thành phần là giấy phép xử lý chất thải nguy hại)
đang hoạt động tại các tỉnh, thành phố khác.
Điều 12. Phạm vi, phương thức
thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế
1. Phạm vi thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế
Các cơ sở có phát sinh chất thải y tế nguy hại đang
hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm:
a) Các Bệnh viện;
b) Các Trung tâm y tế;
c) Các Trạm y tế;
d) Các phòng khám chữa bệnh có phát sinh chất thải
y tế nguy hại;
e) Các cơ sở dịch vụ y tế khác có phát sinh chất thải
y tế nguy hại.
2. Phương thức thu gom, vận chuyển chất thải rắn y
tế
a) Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại
có hạng mục xử lý chất thải y tế sử dụng các phương tiện, thiết bị chuyên dụng
đến thu gom trực tiếp chất thải y tế nguy hại tại các Bệnh viện, Trung tâm y tế,
Trạm y tế, các phòng khám chữa bệnh có phát sinh chất thải y tế nguy hại và các
cơ sở dịch vụ y tế khác có phát sinh chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh
để vận chuyển về cơ sở xử lý;
b) Đối với các phòng khám chữa bệnh và các cơ sở dịch
vụ y tế khác có phát sinh chất thải y tế nguy hại mà phương tiện vận chuyển
chuyên dụng không thể vào thu gom trực tiếp được, được sử dụng các loại phương
tiện vận chuyển là xe mô tô, xe gắn máy có thùng chứa được gắn chặt trên giá để
hàng (phía sau vị trí ngồi lái) để vận chuyển đến vị trí phương tiện vận chuyển
chuyên dụng đang chờ, đậu nhận chuyển giao. Kích thước của thùng chứa gắn trên
xe mô tô, xe gắn máy thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường
bộ;
c) Các Trạm y tế cấp xã có số lượng chất thải y tế
nguy hại dưới 05 kg/ngày trong trường hợp thu gom tập trung về Trung tâm y tế cấp
huyện trước khi chuyển giao cho cơ sở xử lý thì phải có phương án do Ủy ban
nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Điều 13. Thông tin về tổ chức,
cá nhân tham gia thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế
1. Các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy
hại có phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chuyên dụng và hạng mục xử lý
chất thải y tế được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường (hoặc
giấy phép thành phần là giấy phép xử lý chất thải nguy hại) đang hoạt động
trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.
2. Các cơ sở có dự án xử lý chất thải y tế và có
phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chuyên dụng được Bộ Tài nguyên và Môi
trường cấp giấy phép môi trường trong Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Tóc
Tiên, thị xã Phú Mỹ.
3. Các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy
hại có phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chuyên dụng và hạng mục xử lý
chất thải y tế được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường (hoặc
giấy phép thành phần là giấy phép xử lý chất thải nguy hại) đang hoạt động tại
các tỉnh, thành phố khác.
4. Tần suất thu gom chất thải y tế nguy hại tại các
bệnh viện, Trung tâm y tế tối thiểu 01 ngày/lần. Tần suất thu gom chất thải y tế
nguy hại tại các Trạm y tế, phòng khám chữa bệnh và các cơ sở dịch vụ y tế khác
có phát sinh chất thải y tế nguy hại tối thiểu 02 ngày/lần. Đối với các cơ sở y
tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg trong một ngày, chất thải
lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là 01 tháng/lần theo đúng quy định của
Thông tư số 20/2021/TT-BYT. Tùy tình hình chất thải y tế nguy hại phát sinh thực
tế, các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, các phòng khám chữa bệnh và các
cơ sở dịch vụ y tế khác có thể tăng tần suất thu gom.
5. Các cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy
hại có hạng mục xử lý chất thải y tế và các cơ sở có dự án xử lý chất thải y tế
khi thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại về nhà máy xử lý phải được ưu
tiên xử lý ngay trong ngày. Quy trình xử lý theo đúng giấy phép môi trường được
cấp. Trường hợp chưa thể xử lý ngay trong ngày được, chất thải y tế nguy hại phải
được lưu giữ trong kho lạnh của nhà máy ở nhiệt độ dưới 20°C và lưu giữ tối đa
không quá 02 ngày.
Chương V
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 14. Trách nhiệm của các Sở,
ban, ngành
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Là cơ quan đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa
bàn quản lý theo quy định tại Quyết định này và hướng dẫn kỹ thuật về phân loại
chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
c) Thực hiện triển khai Quy chế tiếp nhận, xử lý
thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên
và Môi trường;
d) Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân
cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường để hỗ trợ cho các hoạt động bảo
vệ môi trường.
2. Sở Xây dựng
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc
phân loại chất thải rắn tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn
hộ, chung cư kết hợp với văn phòng, tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn
hợp; hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị,
khu dân cư tập trung;
b) Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng các điểm
tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo các quy định
hiện hành; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện công bố danh mục vị trí các điểm
tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong các đô thị và điểm dân
cư tập trung nông thôn bảo đảm vệ sinh môi trường phù hợp với quy định pháp luật;
c) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo
vệ môi trường trong hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tổ chức hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật về quản lý chất thải trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo, tổ
chức thực hiện các quy định quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và công trình thủy
lợi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
b) Hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn
nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác;
c) Tham mưu hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử
lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phát sinh trong hoạt động sản xuất
nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
d) Tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phát triển
nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Sở Y tế
a) Hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật
về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong khuôn viên bệnh viện và cơ sở y tế;
bảo vệ môi trường trong phòng, chống dịch bệnh;
b) Hướng dẫn, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ
liệu và báo cáo về sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng
trong gia dụng và y tế theo quy định của pháp luật.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện thủ tục
đầu tư, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, cấp
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; hướng dẫn,
thực hiện ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư (nếu
có) đối với lĩnh vực xử lý chất thải.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Nghiên cứu các mô hình, công nghệ, giải pháp kỹ
thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn,
triển khai ứng dụng trong hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ
chức triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học về tái chế, xử lý
rác thải nhựa thành nguyên liệu, nhiên liệu; sản xuất các sản phẩm thân thiện với
môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilông khó phân hủy.
7. Sở Tài chính căn cứ các nhiệm vụ được cấp có thẩm
quyền phê duyệt, dự toán kinh phí của cơ quan, đơn vị lập gửi, Sở Tài chính
tham mưu cấp thẩm quyền phê duyệt bố trí dự toán kinh phí chi thường xuyên ngân
sách tỉnh theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành, khả năng cân đối
ngân sách hằng năm, đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các
văn bản hướng dẫn.
8. Sở Giao thông vận tải
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công
an tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan trong việc quản lý, giám sát các phương
tiện vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tuần tra, kiểm soát,
xử lý các trường hợp phương tiện vận chuyển chất thải vi phạm theo quy định;
b) Triển khai, hướng dẫn thực hiện quy định về
phương tiện, tuyến đường, thời gian vận chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan đến hoạt động vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn tỉnh;
c) Chia sẻ thông tin kế hoạch cấm đường, sửa chữa
đường và thông tin các tuyến đường mật độ lưu thông đông đúc, thường xuyên tắc
nghẽn giao thông cân hạn chế xe vận chuyển chất thải rắn cho Ủy ban nhân dân cấp
huyện đối với các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải quản lý.
9. Sở Công Thương
a) Xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung tuyên
truyền, vận động các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh
doanh, dịch vụ, chợ dân sinh sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay
thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
b) Phối hợp tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ
môi trường trong hoạt động quản lý hóa chất, xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất,
kinh doanh, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật
liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định
của pháp luật.
10. Công an tỉnh
a) Chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và Công
an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng chống, xử lý tội phạm
và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Thực hiện tuần tra, kiểm soát,
xử lý các trường hợp phương tiện vận chuyển chất thải vi phạm theo quy định;
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở,
ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, xử lý các hành vi
vi phạm của pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm phòng ngừa và đấu tranh chống
các tội phạm trong lĩnh vực môi trường; ứng phó sự cố môi trường.
11. Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức triển
khai các nhiệm vụ có liên quan theo Quy định này và các văn bản khác có liên
quan đến công tác quản lý môi trường trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu.
12. Các sở, ban, ngành có liên quan trong phạm vi
chức năng quyền hạn, chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện
các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 15. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp huyện
1. Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ
môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
và khoản 2 Điều 63 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các nội dung tại Quy định này.
2. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải rắn
sinh hoạt trên địa bàn. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy
ra tình trạng chất thải rắn sinh hoạt quản lý không đúng quy định, gây ô nhiễm
môi trường trên địa bàn.
3. Xây dựng Kế hoạch thực hiện phân loại chất thải
rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý theo quy định tại Quyết định này và hướng dẫn
kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Thực hiện triển khai Quy chế tiếp nhận, xử lý
thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên
và Môi trường.
5. Tổ chức điều tra, thống kê, cập nhật các nguồn
thải vào hệ thống kênh, rạch, sông, suối trên địa bàn; các cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn.
6. Thực hiện công tác thu, chi, quản lý nguồn kinh
phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và sử dụng, thanh quyết
toán kinh phí theo đúng quy định.
7. Thông báo, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn lộ trình chuyển đổi áp dụng quy chuẩn xả thải,
lộ trình di dời;
8. Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi
trường của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 16. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp xã
1. Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 7 Điều
77, khoản 3 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường, khoản 3 Điều 63 Nghị định số
08/2022/NĐ-CP và các Quy định tại Quyết định này.
2. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực
hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy ước về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ
môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường.
3. Thực hiện triển khai Quy chế tiếp nhận, xử lý
thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên
và Môi trường.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí thực hiện Quy định này được bố trí từ
ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) theo phân cấp hiện hành hoặc
huy động từ các nguồn xã hội hóa, nguồn vốn ODA, các nguồn vốn hợp pháp khác (từ
các chương trình, dự án, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân).
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp
xã chủ động cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt hiệu
quả.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng quy trình kiểm
tra, giám sát và nghiệm thu, thanh toán các công tác liên quan đến quản lý chất
thải ran sinh hoạt trên địa bàn theo Quy định này.
Điều 18. Trách nhiệm hướng dẫn,
phổ biến và tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng
dẫn, phổ biến và tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân cấp
huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thực hiện Quyết định này.
Điều 19. Chế độ báo cáo
1. Trong quá trình thực hiện Quyết định này nếu có
khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp
huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã kịp thời báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để
tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
2. Định kỳ hằng năm (trước ngày 31/01) hoặc đột xuất
theo yêu cầu, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
3. Tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn
sinh hoạt báo cáo về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt định
kỳ hằng năm trước ngày 15 tháng 01 hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu, gửi Ủy
ban nhân dân cấp huyện tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài
nguyên và Môi trường.
4. Tổ chức, cá nhân xử lý chất thải rắn sinh hoạt lập
báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hàng năm (kỳ báo cáo từ ngày 01
tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo) gửi cơ quan có thẩm quyền
theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 66 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT trước
ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ
quan có thẩm quyền.