Kính gửi:
|
- Bộ Ngoại giao (Vụ Luật pháp & Điều ước quốc
tế)
- Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Vụ Kinh tế đối ngoại)
|
Nhằm triển khai Bản ghi nhớ về
Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2025, tầm
nhìn đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) và Bộ Công chính và Vận tải
Lào (Bộ CCVT) đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác song phương lĩnh vực đường
thủy. Hai bên đã thống nhất cần thiết xây dựng và ký kết Thỏa thuận về hợp tác
toàn diện lĩnh vực giao thông đường thủy nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai
nước bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả các mục tiêu trong Bản ghi nhớ về chiến
lược hợp tác lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai Bên.
Đến nay, hai bên đã hoàn tất thủ
tục nội bộ và ủy quyền cho Cục trưởng Cục Đường thủy hai nước thay mặt Bộ GTVT
và Bộ CCVT ký văn kiện nêu trên nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ đến
CHDCND Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam -
Lào diễn ra trong tháng 01/2023 tại Lào.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề nghị
Quý đơn vị xem xét bổ sung việc ký kết Thỏa thuận này vào Lễ ký các văn kiện hợp
tác giữa hai nước nhân chuyến thăm CHDCND Lào của Thủ tướng Chính phủ và Kỳ họp
lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào và cho phép Cục trưởng Cục Đường
thủy nội địa Việt Nam tham dự để thay mặt Bộ GTVT ký Thỏa thuận nêu trên với đại
diện của phía Lào. Kinh phí tham dự do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chi trả
theo quy định hiện hành.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của
Quý đơn vị./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TTr. Lê Đình Thọ (để b/c);
- TTr. Nguyễn Xuân Sang (để b/c);
- Vụ QHQT - VPCP;
- Vụ ĐNA-NA-TBD - Bộ NG;
- Cục Lễ tân nhà nước - Bộ NG;
- Cục ĐTNĐVN;
- Lưu: VT, HTQT;
|
TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ HTQT
Lê Tuấn Anh
|
THOẢ THUẬN
giữa
BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
và
BỘ
CÔNG CHÍNH VÀ VẬN TẢI
NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
về
HỢP TÁC TOÀN DIỆN TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN
TẢI ĐƯỜNG THỦY
Với mong muốn cùng thúc đẩy hợp
tác phát triển giao thông đường thủy tại Việt Nam và Lào, Bộ Giao thông vận tải
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải nước Cộng
hòa dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi tắt là “hai Bên” và gọi riêng là “Bên Việt
Nam” và “Bên Lào”), trên cơ sở hợp tác bình đẳng, cùng có lợi thông qua hiệp
thương hữu nghị, đã đồng ý ký Thỏa thuận này với các nội dung như sau:
Điều 1
Mục đích của Thỏa thuận
Mục đích của Thỏa thuận là nhằm
kế thừa và tiếp nối Thỏa thuận đã ký giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải nước Cộng hòa dân chủ
nhân dân Lào về kế hoạch 05 năm (2016-2020), xây dựng hợp tác toàn diện giữa
hai Bên trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy trong giai đoạn 2022-2027.
Điều 2
Phạm vi của Thỏa thuận
Hai bên nhất trí hợp tác toàn
diện trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy bao gồm trao đổi chuyên môn,
kiến thức, đào tạo nhân lực, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, tiêu chuẩn,
quy chuẩn, công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý khai thác cảng, bến, logistics
và các nội dung liên quan khác; tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa của Lào xuất
nhập khẩu qua hệ thống các cảng biển, cảng thủy nội địa của Việt Nam.
Điều 3
Nguyên tắc chung
2. Điều khoản hợp tác của Thỏa
thuận này không trái với các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế khác mà Việt
Nam và Lào là các Bên tham gia. Việc thực hiện Thỏa thuận này tuân thủ các quy
định pháp luật hiện hành của mỗi Bên.
2. Các vấn đề phát sinh liên
quan đến việc giải thích hoặc không thể thực hiện được bất kỳ nội dung nào của
Thỏa thuận này sẽ được hai Bên giải quyết thông qua thảo luận và tham vấn hữu
nghị lẫn nhau.
Điều 4
Nội dung hợp tác, Hình thức hợp tác
1. Nội dung hợp tác:
a) Hỗ trợ Lào hoàn thiện hệ thống
pháp lý, cơ chế chính sách trong giao thông vận tải đường thủy; hệ thống tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đường thuỷ.
b) Hỗ trợ đào tạo nhân lực cho
nhân sự phía Lào về giao thông vận tải đường thủy bao gồm các khóa học dài hạn
nâng cao, các khóa tập huấn ngắn và trung hạn cho nhân sự phía Lào trong phạm
vi hợp tác.
c) Tổ chức các chương trình
trao đổi chuyên môn kiến thức kinh nghiệm về vận tải, quản lý và khai thác cảng,
công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận tải đường thủy, công nghệ thông
tin, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy và nâng cao
logistics và các nội dung liên quan khác.
d) Triển khai thực hiện các thủ
tục công nhận lẫn nhau về bằng cấp, chứng chỉ người lái phương tiện thủy.
e) Tổ chức nghiên cứu, đưa ra
các đề xuất và tổ chức thực hiện để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa của Lào
xuất nhập khẩu qua hệ thống các cảng biển, cảng thủy nội địa của Việt Nam.
2. Hình thức hợp tác
a) Hai Bên thúc đẩy hợp tác
thông qua các hình thức như: tiếp xúc, tham vấn trực tiếp; cung cấp thông tin,
chuyển giao tài liệu kỹ thuật; trao đổi đoàn nghiên cứu, phái cử chuyên gia
kỹ thuật, đào tạo ngắn hạn và dài hạn cán bộ quản lý và kỹ thuật theo đề xuất
của mỗi Bên; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh, khai thác đường thủy;
và các hoạt động hợp tác khác do hai Bên thỏa thuận.
b) Định kỳ hàng năm hai Bên tổ
chức họp luân phiên để cùng nhau rà soát, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực
hiện, kịp thời phát hiện phát sinh để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp.
c) Giao cục Đường thủy nội địa
Việt Nam và Cục Vận tải thủy Lào là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan
liên quan trong công tác triển khai thực hiện của hai Bên, thường xuyên trao đổi
thông tin, đôn đốc, báo cáo kịp thời việc triển khai thực hiện các nội dung của
Thỏa thuận.
d) Các chi phí cần thiết cho
các hoạt động hợp tác cụ thể sẽ được hai Bên thống nhất trên cơ sở tham vấn và
thỏa thuận bình đẳng lẫn nhau.
Điều 5
Trách nhiệm
1. Trách nhiệm chung của hai
Bên:
a) Hai Bên đảm bảo phối hợp chặt
chẽ để xây dựng, tổ chức thực hiện theo các nội dung nêu tại Điều 4 của Thỏa
thuận này.
b) Hai Bên chủ động tổ chức triển
khai chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng thời phân công nhiệm vụ rõ ràng tới
từng cơ quan, đơn vị liên quan của mỗi Bên; lập kế hoạch kinh phí để đảm bảo việc
tổ chức thực hiện Thỏa thuận này có hiệu quả.
2. Trách nhiệm Bên Việt Nam:
a) Bên Việt Nam cử các Đoàn
công tác gồm cán bộ, chuyên gia sang Lào để rà soát, đánh giá công tác quản lý
và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Lào trong giao thông vận tải đường
thủy, định hướng phát triển vận tải thủy Lào, đưa ra các khuyến nghị phù hợp.
b) Chuyển giao cho phía Lào các
tài liệu pháp lý về giao thông đường thuỷ nội địa Việt Nam, hàng hải Việt Nam
(bằng tiếng Anh hoặc tiếng Lào) để cán bộ Lào tra cứu, tham khảo, học tập.
c) Xây dựng, tổ chức và bố trí
kinh phí triển khai thực hiện các Đoàn khảo sát, thực địa của hai Bên, các buổi
thảo luận nhóm/hội thảo cho các cán bộ/chuyên gia hai Bên và các cuộc họp song
phương định kỳ tổ chức tại Việt Nam trong quá trình thực hiện nội dung nêu tại
Điều 4 của Thỏa thuận này.
d) Các đơn vị trong lĩnh vực
đào tạo của bên Việt Nam hàng năm sẽ trao đổi cụ thể về việc:
- Hỗ trợ chuyên gia để thực hiện
các chương trình đào tạo ngắn hạn tại các Trường dạy nghề trực thuộc của Bên
Lào liên quan đến giao thông đường thuỷ.
- Hỗ trợ các chương trình đào tạo
nâng cao trình độ ngắn hạn/dài hạn tại Việt Nam cho các cán bộ quản lý của Lào
liên quan đến giao thông vận tải đường thủy
e) Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch
thực hiện và tổ chức thực hiện để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa của Lào xuất
khẩu, nhập khẩu thông qua hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa của Việt Nam.
3. Trách nhiệm Bên Lào:
a) Bên Lào cử các Đoàn công tác
gồm cán bộ, chuyên gia sang Việt Nam để tìm hiểu thực tế hoạt động, quy trình
quản lý, nghiên cứu hệ thống pháp luật của Việt Nam trong giao thông vận tải đường
thủy; và đề cử các cán bộ tham gia các khóa học ngắn hạn, dài hạn nâng cao
trình độ.
b) Phối hợp nội dung với Bên Việt
Nam trong việc triển khai từng chương trình khảo sát/khóa học/hội thảo, đảm bảo
sự tham gia tối đa của các bên liên quan, chỉ định các thành viên chính của
Bên Lào.
c) Hỗ trợ hậu cần cần thiết cho
các Đoàn công tác, khảo sát, chuyên gia của Bên Việt Nam (quảng bá, đăng ký, phản
hồi, dịch và các nội dung liên quan khác) trong thời gian thực hiện các chương
trình hợp tác trong khuôn khổ Bản thoả thuận tại Lào.
Điều 6
Điều khoản cuối cùng
1. Thỏa thuận này có hiệu lực từ
ngày ký tới ngày 31/12/2027. Trường hợp một trong hai Bên có ý định chấm dứt
Thỏa thuận này phải thông báo cho Bên kia bằng văn bản trước (06) tháng. Việc
chấm dứt hiệu lực của Thỏa thuận không làm ảnh hưởng đến các hoạt động đã được
triển khai trước khi chấm dứt hiệu lực của Thỏa thuận nhưng chưa kết thúc vào
thời điểm chấm dứt hiệu lực.
2. Việc gia hạn sẽ được hai Bên
trao đổi, thống nhất bằng văn bản, trước khi bản Thỏa thuận này chấm dứt hiệu lực
(03) tháng.
Bản Thỏa thuận được ký tại
, ngày tháng năm
2022 thành 02 bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, cả hai văn bản đều có giá trị
như nhau, mỗi bên giữ (01) bản./.
Thay mặt Bộ
Giao thông vận tải nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
BÙI THIÊN THU
Cục trưởng
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
|
Thay mặt Bộ
Giao thông và Công chính nước Cộng hòa DCND Lào
VANTHONG BOUTTANAVONG
Cục trưởng
Cục Vận tải thủy Lào
|