ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1100/QĐ-UBND
|
Đắk
Nông, ngày 29 tháng 7 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NHÀ GIÁO VÀ CÁN
BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC MẦM NON GIAI ĐOẠN 2020-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 33/QĐ-TTg
ngày 08 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán
bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025”;
Thực hiện Công văn số 2381/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 01 tháng 7 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
về việc thực hiện nhiệm vụ của Đề án Đào tạo, bồi
dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào
tạo tại Tờ trình số 123/TTr-SGDĐT ngày 21 tháng 7
năm 2020
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển
khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non
giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GD&ĐT (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: GD&ĐT, NV, TC, KHĐT;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX(Vn).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO
DỤC MẦM NON GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
(Kèm theo Quyết định số 1100/QĐ-UBND
ngày 29/7/2020 của UBND tỉnh Đắk Nông)
A. THỰC TRẠNG MẠNG
LƯỚI TRƯỜNG, LỚP; ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON
I. THỰC TRẠNG MẠNG
LƯỚI TRƯỜNG, LỚP
1. Toàn tỉnh
hiện có 123 trường mầm non, trong đó:
- Trường mầm non công lập: 92 trường,
951 nhóm lớp, 28.383 trẻ.
- Trường mầm non tư thục: 31 trường,
399 nhóm lớp, 9.510 trẻ.
2. Nhóm lớp
độc lập tư thục: 179 nhóm lớp, 3.817 trẻ.
3. Số trẻ
em huy động đến lớp: Nhà trẻ đạt 13,6%, mẫu giáo đạt 86,2%.
II. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN
LÝ, GIÁO VIÊN CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON
1. Số lượng cán bộ quản lý,
giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non
Theo số liệu thống kê từ tháng 3 năm
2020:
- Cán bộ quản lý: Tổng số cán bộ quản
lý toàn tỉnh 274 người, trong đó: Cơ sở giáo dục mầm non công lập 226 người,
trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên 220 người (chiếm 97,3%); ngoài công lập 48
người, trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên 31 người (chiếm 64,6%). Tỉ lệ cán bộ
quản lý có trình độ từ cao đẳng trở lên trong toàn tỉnh là 91,6%, trong đó:
Trình độ đại học 82 người (chiếm 29,9%); thạc sĩ 06 người
(chiếm 2,1%).
- Giáo viên mầm non: Tổng số giáo
viên mầm non toàn tỉnh là 2.069 người. Trong đó, cơ sở giáo dục mầm non công lập
là 1.458 người, trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên là 965 người (chiếm
66,1%); ngoài công lập 611 người, trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên 178 người
(chiếm 29,13%); tỉ lệ giáo viên có trình độ từ cao đẳng trở lên trong toàn tỉnh
là 55,2%, trong đó trình độ đại học 877 người (chiếm 42,4%).
- Tỉ lệ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn
nghề nghiệp ở mức khá trở lên là 80,5%.
2. Thực trạng công tác đào tạo, bồi
dưỡng đối với cán bộ quản lý và giáo viên mầm non
trong thời gian qua.
a) Ưu điểm
Đối với những cán bộ, giáo viên có
trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng sư phạm đã được tạo điều kiện về thời gian để tham
gia các lớp đào tạo liên thông lên trình độ cao đẳng, đại
học với nguồn kinh phí do cá nhân tự túc.
Các địa phương thực
hiện rà soát, xây dựng kế hoạch bố trí 100% cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục mầm
non tham gia các lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục; chủ động
liên kết các trường đại học đủ điều kiện tổ chức các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ
theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Triển khai bồi dưỡng đầy đủ các nội
dung, chuyên đề do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai hàng năm.
b) Hạn chế
Chưa mở rộng được nội dung bồi dưỡng
ngoài những chuyên đề theo quy định nhiệm vụ hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cán bộ quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mầm non chưa được tiếp cận nhiều với
các phương pháp giáo dục tiên tiến để nâng cao kỹ năng lãnh đạo cho đội ngũ cán
bộ quản lý và kỹ năng mềm cho giáo viên mầm non. Phương pháp tập huấn chưa phát
huy được tính chủ động, tích cực của đội ngũ tham gia; phương tiện, cơ sở vật
chất trang thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ cho công tác bồi dưỡng giáo viên
còn thiếu nên chưa tổ chức được các lớp bồi dưỡng trực tuyến. Bồi dưỡng, tập huấn
còn mang tính lý thuyết, chưa có điều kiện để người học được thực hành, trải
nghiệm trong quá trình tham gia. Nhiều giáo viên chưa có máy tính, thiếu khả
năng ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác tài liệu mới. Cán bộ quản lý,
giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non không có cơ hội tham quan, học tập các cơ
sở giáo dục mầm non ngoài tỉnh. Nguồn kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ quản lý, giáo viên mầm non hàng năm còn hạn chế.
B. KẾ HOẠCH ĐÀO
TẠO, BỒI DƯỠNG NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC MẦM NON GIAI ĐOẠN 2020 -
2025
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG
KẾ HOẠCH
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04
tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản
và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc
tế.
- Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 08
tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non
(giáo dục mầm non) giai đoạn 2018 - 2025”.
- Quyết định số 905/QĐ-UBND ngày 19
tháng 6 năm 2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển
giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non nhằm nâng cao năng lực, chuẩn hóa về
chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương
trình giáo dục mầm non góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
và đào tạo.
2. Mục
tiêu cụ thể
a) Đến cuối năm 2022
- Phấn đấu 100% cán bộ quản lý, 90%
giáo viên mầm non đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 82% giáo
viên mầm non đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên (tính cả số giáo viên
thay thế số giáo viên nghỉ hưu và số giáo viên giáo viên tăng thêm theo tỉ lệ
huy động trẻ).
- Phấn đấu 100% giáo viên và cán bộ
quản lý cơ sở giáo dục mầm non cốt cán được bồi dưỡng năng
lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên tại các đơn vị, năng lực tổ
chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; 100% giáo viên và cán bộ quản lý
cơ sở giáo dục mầm non được bồi dưỡng nâng cao năng lực
tương ứng theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, chuẩn hiệu trưởng.
- Phấn đấu 100% nhà giáo và cán bộ quản
lý giáo dục mầm non được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề
nghiệp trước khi được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề
nghiệp tương ứng; 100% nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non được bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm làm
cán bộ quản lý giáo dục.
b) Giai đoạn 2023 - 2025
- Phấn đấu đạt 100% giáo viên mầm non
đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên mầm non đạt chuẩn
nghề nghiệp mức độ khá trở lên (tính cả số giáo viên thay thế số giáo viên mầm
non nghỉ hưu và số giáo viên tăng thêm theo tỷ lệ huy động trẻ).
- Phấn đấu 100% giáo viên và cán bộ
quản lý cơ sở giáo dục mầm non cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường
xuyên, liên tục, ngay tại trường; 100% giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục
mầm non được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm
non mới, chuẩn hiệu trưởng mới.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Đổi mới công tác truyền thông, công tác quản lý, điều kiện tổ chức hoạt động
đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non
- Đẩy mạnh công tác truyền thông về
các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo, bồi
dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tạo sự đồng thuận, ủng
hộ trong ngành và xã hội.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin trong công tác quản lý của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non; triển
khai các phần mềm hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non tự
học, tự bồi dưỡng, khai thác tài liệu, học liệu; củng cố, tăng cường nguồn nhân
lực, vật lực, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, công nghệ
thông tin bảo đảm cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
- Bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ
quản lý cơ sở giáo dục mầm non theo chuẩn nghề nghiệp; rà soát, đánh giá, phân
loại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non để xây dựng kế
hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm.
2. Đổi mới, nâng cao chất lượng bồi
dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non
- Phối hợp với các cơ sở đào tạo
trong và ngoài tỉnh để mở các lớp liên thông vừa học vừa làm, đào tạo nâng cao
trình độ cán bộ giáo viên; bồi dưỡng giáo viên mầm non và cán bộ quản lý cơ sở
giáo dục mầm non (trong đó chú trọng nội dung đào tạo, bồi
dưỡng đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành các quy định đạo đức nhà giáo,
phương pháp rèn luyện và xây dựng phong cách nhà giáo) phù hợp với khung trình
độ quốc gia Việt Nam, chuẩn nghề
nghiệp giáo viên mầm non, chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm
non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non và xu thế hội
nhập.
- Đổi mới phương pháp tập huấn,
phương pháp bồi dưỡng theo hướng phát huy tính tích cực, tăng cường tự học, tự
nghiên cứu, tự bồi dưỡng và phát triển nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội
ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó, chú trọng đổi
mới phương pháp, hình thức bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp đội ngũ giáo
viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non phù hợp với thực tiễn các địa
phương trong tỉnh.
- Đa dạng hóa hình thức học tập (trực
tiếp, trực tuyến, hội thảo chuyên đề, tham quan học tập kinh nghiệm, giao lưu
chuyên môn,...) trong bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm
non; khuyến khích giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non tăng cường
thực hành trải nghiệm tại trường mầm non trong quá trình bồi dưỡng.
- Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ
quản lý cơ sở giáo dục mầm non cốt cán, nâng cao năng lực của đội ngũ này về khả
năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, sử dụng thiết
bị công nghệ, sử dụng các phần mềm trong tổ chức và quản lý các hoạt động chăm
sóc, giáo dục trẻ em và bồi dưỡng đồng nghiệp.
3. Đẩy mạnh xã hội hóa và hội nhập
trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm
non
- Huy động các cá nhân, các đơn vị
tài trợ, các chương trình dự án về giáo dục, hỗ trợ kinh
phí để mời chuyên gia bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm
non.
- Tổ chức các hội thảo trao đổi về
các đề tài nghiên cứu khoa học, chia sẻ tri thức mới và các kinh nghiệm từ kết
quả tổng kết, nhân rộng điển hình trong giáo dục mầm non, bồi dưỡng đội ngũ
giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non.
- Tổ chức cho giáo viên và cán bộ quản
lý cơ sở giáo dục mầm non tham gia các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, trao đổi,
giao lưu, tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh
IV. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Nguồn kinh phí thực hiện
- Nguồn ngân sách Nhà nước được bố
trí hàng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công
chức, viên chức theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để chi cho công tác đổi
mới đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp giáo viên
và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non.
- Nguồn kinh phí hỗ trợ của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.
2. Việc lập
kế hoạch tài chính cho triển khai các nhiệm vụ của kế hoạch
được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và
các quy định hiện hành về kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính
trung hạn của Nhà nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban,
ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế
hoạch này.
- Căn cứ Kế hoạch của Bộ giáo dục và
Đào tạo để xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực
nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non của
tỉnh (kế hoạch tổng thể thực hiện giai đoạn 2020 - 2025 và kế hoạch hàng năm);
thực hiện theo các nhiệm vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công.
- Xây dựng đội ngũ cốt cán tại địa
phương để hỗ trợ và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản
lý cơ sở giáo dục mầm non.
- Khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng,
đánh giá kết quả hằng năm.
- Hướng dẫn, theo dõi, quản lý hoạt động
đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh bảo đảm chất
lượng, hiệu quả và tiến độ theo quy định.
- Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh
những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong quá trình thực hiện; báo
cáo sơ kết, tổng kết theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu
tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ, mức kinh phí hỗ trợ và
các văn bản hướng dẫn của Trung ương, thực hiện tham mưu cấp có thẩm quyền phân
bổ, triển khai thực hiện theo đúng quy định.
3. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và
triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý,
giáo viên mầm non hằng năm.
4. UBND các huyện, thành phố
- Hàng năm, xác định số lượng cán bộ,
giáo viên mầm non cần đào tạo, bồi dưỡng ở từng trình độ
(cao đẳng, đại học, trên đại học), xây dựng kế hoạch đào tạo
bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý trên địa bàn, đề xuất phương án thực hiện
để đạt mục tiêu.
- Bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch
bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đúng theo quy định hiện hành sau
khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết gửi
về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục
và Đào tạo theo quy định.
Trên đây là kế hoạch triển khai thực
hiện đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
mầm non giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông của UBND tỉnh; trong
quá trình thực hiện kế hoạch, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ
quan, đơn vị, địa phương kịp thời gửi báo cáo, kiến nghị về UBND tỉnh (thông
qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để xem xét, quyết định./.