NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN, TỔ CHỨC TÀI CHÍNH VI
MÔ VÀ ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI CHỦ SỞ HỮU CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG LÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM
HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN, CỔ ĐÔNG SÁNG LẬP, THÀNH VIÊN SÁNG LẬP
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ
chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định điều kiện
cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và điều kiện
đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về điều kiện đối với chủ sở
hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông
sáng lập, thành viên sáng lập quy định tại điểm b khoản 1 Điều
29 Luật Các tổ chức tín dụng và điều kiện cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng
nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên
doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài (sau đây gọi tắt là ngân hàng thương mại).
2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
4. Quỹ tín dụng nhân dân.
5. Tổ chức tài chính vi mô.
6. Cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập, chủ sở hữu
của tổ chức tín dụng, ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
7. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành
lập, cấp Giấy phép thành lập của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính
vi mô.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Ngân hàng 100% vốn nước ngoài là ngân hàng
thương mại được thành lập tại Việt Nam với 100% vốn điều lệ thuộc sở hữu của tổ
chức tín dụng nước ngoài; là pháp nhân Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam.
Ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là một ngân hàng nước ngoài hoặc
công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong đó phải có một ngân
hàng nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
2. Ngân hàng liên doanh là ngân hàng thương mại được
thành lập tại Việt Nam, bằng vốn góp của Bên Việt Nam (gồm tối thiểu một ngân
hàng Việt Nam và tối đa một doanh nghiệp Việt Nam không phải ngân hàng) và Bên
nước ngoài (gồm tối thiểu một ngân hàng nước ngoài và tối đa một doanh nghiệp
nước ngoài không phải ngân hàng) trên cơ sở hợp đồng liên doanh; là pháp nhân
Việt Nam, có trụ sở chính tại Việt Nam. Ngân hàng liên doanh được thành lập, tổ
chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nhưng
không quá 05 thành viên, trong đó một thành viên và người có liên quan không được
sở hữu vượt quá 50% vốn điều lệ.
3. Cổ đông sáng lập của ngân hàng thương mại cổ phần
là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ
đông sáng lập ngân hàng thương mại cổ phần.
4. Cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng phi ngân
hàng là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách
cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần.
5. Thành viên góp vốn của ngân hàng thương mại là tổ
chức tín dụng, pháp nhân không phải ngân hàng góp vốn vào ngân hàng liên doanh;
là tổ chức tín dụng nước ngoài góp vốn vào ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
6. Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng phi ngân
hàng là doanh nghiệp Việt Nam, ngân hàng thương mại Việt Nam, tổ chức tín dụng
nước ngoài góp vốn vào tổ chức tín dụng phi ngân hàng trách nhiệm hữu hạn hai
thành viên trở lên.
7. Thành viên góp vốn của tổ chức tài chính vi mô
là pháp nhân trong nước góp vốn vào tổ chức tài chính vi mô là công ty trách
nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
8. Thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh,
ngân hàng 100% vốn nước ngoài là thành viên góp vốn tham gia xây dựng, thông
qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100%
vốn nước ngoài.
9. Thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng phi
ngân hàng là thành viên góp vốn tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản
Điều lệ đầu tiên của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trách nhiệm hữu hạn hai
thành viên trở lên.
10. Thành viên sáng lập của tổ chức tài chính vi mô
là thành viên góp vốn tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu
tiên của tổ chức tài chính vi mô là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên
trở lên.
11. Thành viên sáng lập của quỹ tín dụng nhân dân
là thành viên tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của
quỹ tín dụng nhân dân.
12. Chủ sở hữu của ngân hàng thương mại là tổ chức
sở hữu toàn bộ vốn của ngân hàng thương mại là công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên.
13. Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng
là ngân hàng thương mại Việt Nam hoặc tổ chức tín dụng nước ngoài sở hữu toàn bộ
vốn điều lệ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành
viên.
14. Chủ sở hữu của tổ chức tài chính vi mô là tổ chức
chính trị - xã hội sở hữu toàn bộ vốn của tổ chức tài chính vi mô là công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
15. Ngân hàng mẹ là ngân hàng nước ngoài đề nghị
thành lập chi nhánh hoặc có chi nhánh tại Việt Nam.
16. Thành viên của quỹ tín dụng nhân dân là cá
nhân, hộ gia đình, pháp nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này và
tán thành Điều lệ, tự nguyện tham gia góp vốn thành lập quỹ tín dụng nhân dân.
Chương II.
QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN ĐỐI
VỚI CHỦ SỞ HỮU CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG LÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH
VIÊN, CỔ ĐÔNG SÁNG LẬP, THÀNH VIÊN SÁNG LẬP
Điều 4. Điều kiện đối với cổ
đông sáng lập của ngân hàng thương mại cổ phần
1. Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành
viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác.
2. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối
thiểu 50% vốn điều lệ khi thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó các
cổ đông sáng lập là pháp nhân phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% tổng số cổ phần
của các cổ đông sáng lập nhưng không vượt quá tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định
tại Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng.
3. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều
này, cổ đông sáng lập là cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Mang quốc tịch Việt Nam, có năng lực hành vi dân
sự đầy đủ;
b) Không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định
của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của
pháp luật có liên quan;
c) Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức,
cá nhân khác để góp vốn, không được sử dụng nguồn vốn do phát hành trái phiếu
doanh nghiệp để góp vốn; không được góp vốn dưới tên của cá nhân, pháp nhân
khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác góp vốn, mua cổ phần;
d) Là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh có lãi
trong ít nhất 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoặc có
bằng đại học, trên đại học chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị
kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán;
đ) Không bị kết án về tội vi phạm quy định về hoạt
động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng mà chưa được
xóa án tích; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân
hàng đối với hành vi vi phạm quy định về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần,
cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu doanh nghiệp trong vòng 05 năm
liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp
hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép.
4. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều
này, cổ đông sáng lập là tổ chức phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
b) Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức,
cá nhân khác để góp vốn, không được sử dụng nguồn vốn do phát hành trái phiếu
doanh nghiệp để góp vốn; không được góp vốn dưới tên của cá nhân, pháp nhân
khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác góp vốn, mua cổ phần;
c) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm
xã hội đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
d) Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng trong 05
năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ
sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
đ) Kinh doanh có lãi trong 05 năm liền kề trước năm
nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem
xét cấp Giấy phép;
e) Trường hợp là doanh nghiệp hoạt động trong ngành
nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn
pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính
đã được kiểm toán của năm liền kề thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
g) Trường hợp là doanh nghiệp nhà nước, phải được
phép tham gia góp vốn theo quy định của pháp luật;
h) Trường hợp là tổ chức được cấp Giấy phép thành lập
và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm phải tuân thủ việc
góp vốn theo các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm;
i) Không bị kết án về các tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự trong 02 (hai) năm liền kề trước
năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được
xem xét cấp Giấy phép;
k) Trường hợp là ngân hàng thương mại:
Có tổng tài sản tối thiểu là 100.000 tỷ đồng, tuân
thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo
quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ
sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Không vi phạm các tỷ lệ về đảm bảo an toàn trong hoạt
động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề trước năm
nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem
xét cấp Giấy phép;
Tuân thủ điều kiện, giới hạn mua, nắm giữ cổ phiếu
của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 8 Điều 111 Luật Các
tổ chức tín dụng;
Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn
thành lập ngân hàng thương mại cổ phần;
Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
tiền tệ và hoạt động ngân hàng và không bị kết án về các tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự trong 02 năm liền kề trước năm
nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem
xét cấp Giấy phép.
Điều 5. Điều kiện đối với chủ sở
hữu là tổ chức tín dụng nước ngoài của ngân hàng 100% vốn nước ngoài
1. Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt
động ngân hàng và các quy định pháp luật khác của nước nơi tổ chức tín dụng đặt
trụ sở chính trong vòng 05 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp
Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép.
2. Có kinh nghiệm hoạt động quốc tế, được các tổ chức
xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng như sau:
a) Thứ hạng tín nhiệm từ mức AA- trở lên (theo
Standard & Poor’s hoặc Fitch Ratings) hoặc từ mức Aa3 trở lên (theo
Moody’s) đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Trường hợp tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có thang thứ hạng tín nhiệm khác
thang thứ hạng tín nhiệm của Standard & Poor’s hoặc Moody’s hoặc Fitch
Ratings thì mức xếp hạng tín nhiệm không thấp hơn mức xếp hạng tương ứng của
Standard & Poor’s hoặc Moody’s hoặc Fitch Ratings;
b) Triển vọng của thứ hạng tín nhiệm quy định tại
điểm a khoản này từ mức ổn định trở lên.
3. Kinh doanh có lãi trong 05 năm liên tiếp liền kề
trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để
được xem xét cấp Giấy phép.
4. Có tổng tài sản có ít nhất tương đương 10 tỷ đô
la Mỹ vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
5. Được cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức
tín dụng đặt trụ sở chính đánh giá đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, các tỷ lệ bảo đảm
an toàn khác, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự
phòng đầy đủ theo quy định của nước nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính vào
năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ
sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép.
6. Không phải là chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ
đông chiến lược của tổ chức tín dụng Việt Nam khác.
7. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy
phép, các thành viên sáng lập phải cùng nhau sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân
hàng 100% vốn nước ngoài.
Điều 6. Điều kiện đối với thành
viên sáng lập của ngân hàng liên doanh
1. Thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh là
tổ chức tín dụng nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 5 Nghị định này.
2. Thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh là
ngân hàng thương mại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện đối với ngân hàng
thương mại quy định tại khoản 1, 4 Điều 4 Nghị định này.
3. Thành viên sáng lập của ngân hàng liên doanh là
doanh nghiệp không phải ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp
luật nước ngoài;
b) Phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn
bản cho phép tham gia góp vốn vào ngân hàng liên doanh đối với trường hợp là
doanh nghiệp Nhà nước;
c) Trường hợp là doanh nghiệp được cấp Giấy phép
thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phải
tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật về ngân hàng, chứng
khoán, bảo hiểm;
d) Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng
tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị
cấp Giấy phép đối với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ của ngân
hàng liên doanh hoặc có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối
thiểu 400 tỷ đồng trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy
phép đối với phần vốn góp từ 1% vốn điều lệ trở xuống của ngân hàng liên doanh;
đ) Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề
kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu trừ đi vốn
pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính
đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán của
năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
e) Kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm
nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem
xét cấp Giấy phép;
g) Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức,
cá nhân khác để góp vốn;
h) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm
xã hội đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
i) Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu,
thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập
và hoạt động tại Việt Nam;
k) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
tiền tệ và hoạt động ngân hàng và không bị kết án về các tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự trong 02 năm liền kề trước năm
nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem
xét cấp Giấy phép.
4. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy
phép, các thành viên sáng lập phải cùng nhau sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân
hàng liên doanh.
Điều 7. Điều kiện đối với ngân
hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài
1. Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản
1, 2, 5 Điều 5 Nghị định này.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều
này, ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện
về tổng tài sản có và tình hình tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 8. Điều kiện đối với cổ
đông sáng lập của tổ chức tín dụng phi ngân hàng
1. Không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập,
chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt
động tại Việt Nam.
2. Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức,
cá nhân khác để góp vốn, không được sử dụng nguồn vốn do phát hành trái phiếu
doanh nghiệp để góp vốn.
3. Ngoài các quy định tại khoản 1, 2 Điều này, cổ
đông sáng lập là cá nhân phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Mang quốc tịch Việt Nam, có năng lực hành vi dân
sự đầy đủ;
b) Không thuộc những đối tượng bị cấm thành lập
doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp,
Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác
của pháp luật có liên quan;
c) Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức,
cá nhân khác để góp vốn, không được sử dụng nguồn vốn do phát hành trái phiếu
doanh nghiệp để góp vốn; không được góp vốn dưới tên của cá nhân, pháp nhân
khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác góp vốn, mua cổ phần;
d) Là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh có lãi
trong ít nhất 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoặc có
bằng đại học, trên đại học chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị
kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán;
đ) Không bị kết án về tội vi phạm quy định về hoạt
động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng mà chưa được
xóa án tích; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân
hàng đối với hành vi vi phạm quy định về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần,
cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu doanh nghiệp trong vòng 05 năm
liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp
hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép.
4. Ngoài các quy định tại khoản 1, 2 Điều này, cổ
đông sáng lập là tổ chức phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
b) Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức,
cá nhân khác để góp vốn, không được sử dụng nguồn vốn do phát hành trái phiếu
doanh nghiệp để góp vốn; không được góp vốn dưới tên của cá nhân, pháp nhân
khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác góp vốn, mua cổ phần;
c) Kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm
nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem
xét cấp Giấy phép;
d) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm
xã hội đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
đ) Không bị kết án về các tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự trong 02 năm liền kề trước năm
nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem
xét cấp Giấy phép;
e) Đối với tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam (trừ
ngân hàng thương mại Việt Nam):
Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản
tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy
phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu
mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính đã được
kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trừ
đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp;
Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập
và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn
theo các quy định của pháp luật về chứng khoán, bảo hiểm;
g) Đối với ngân hàng thương mại Việt Nam:
Có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ
đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định
tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ
sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn
trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề trước
năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được
xem xét cấp Giấy phép;
Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn
thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị
cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm
nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép.
Điều 9. Điều kiện đối với chủ sở
hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng phi ngân hàng
1. Thành viên sáng lập là doanh nghiệp Việt Nam (trừ
ngân hàng thương mại Việt Nam) phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Các quy định tại khoản 1, 2 Điều
8 và các điểm a, b, c, d khoản 4 Điều 8 Nghị định này;
b) Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng
tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị
cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có
yêu cầu mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính
được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép
trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp;
c) Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành
lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn
theo các quy định của pháp luật về chứng khoán, bảo hiểm;
d) Không bị kết án về các tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự trong 02 năm liền kề trước năm
nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem
xét cấp Giấy phép.
2. Chủ sở hữu, thành viên sáng lập là ngân hàng thương
mại Việt Nam (trừ trường hợp chủ sở hữu quy định tại khoản 5 Điều này) phải
tuân thủ các quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 và các điểm c, d, đ,
g khoản 4 Điều 8 Nghị định này.
3. Chủ sở hữu, thành viên sáng lập là tổ chức tín dụng
nước ngoài phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Đáp ứng các điều kiện về tổng tài sản có và tình
hình tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;
b) Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt
động ngân hàng và các quy định pháp luật khác của nước nơi tổ chức tín dụng đặt
trụ sở chính trong 05 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và
đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
c) Có kinh nghiệm hoạt động quốc tế, được các tổ chức
xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng như sau:
Thứ hạng tín nhiệm từ mức A- trở lên (theo Standard
& Poor’s hoặc Fitch Ratings) hoặc từ mức A3 trở lên (theo Moody’s) đến thời
điểm gần nhất tính từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp sử
dụng xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế khác, tổ chức đó
phải được Cơ quan Giám sát Thị trường và Chứng khoán Châu Âu (The European
Securities and Markets Authority - ESMA) đăng ký hoặc xác nhận, hoặc tổ chức đó
phải được quốc gia thuộc Nhóm các nước G7 cho phép xếp hạng tín nhiệm đối với tổ
chức tín dụng nước ngoài thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng tại Việt Nam,
thứ hạng tín nhiệm phải từ mức A trở lên;
Triển vọng của thứ hạng tín nhiệm quy định tại điểm
này từ mức ổn định trở lên.
d) Được cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức
tín dụng đặt trụ sở chính đánh giá đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, các tỷ lệ bảo đảm
an toàn khác, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự
phòng đầy đủ theo quy định của nước nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính vào
năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ
sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
đ) Không phải là cổ đông chiến lược, chủ sở hữu,
thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại
Việt Nam.
4. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy
phép, chủ sở hữu, các thành viên sáng lập phải cùng nhau sở hữu 100% vốn điều lệ
của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trách nhiệm hữu hạn, trừ trường hợp quy định
tại điểm c khoản 5 Điều này.
5. Chủ sở hữu là ngân hàng thương mại Việt Nam được
chuyển giao bắt buộc thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng để thực hiện
phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt phải tuân thủ các quy định sau
đây:
a) Quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 và
điểm d khoản 4 Điều 8 Nghị định này;
b) Có mức vốn điều lệ tối thiểu bằng tổng mức vốn
pháp định đối với ngân hàng thương mại và mức vốn pháp định đối với tổ chức tín
dụng phi ngân hàng theo quy định của pháp luật đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị
cấp Giấy phép;
c) Thời hạn sở hữu quy định tại khoản 4 Điều này thực
hiện theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN CẤP
GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN, TỔ CHỨC TÀI CHÍNH VI MÔ
Điều 10. Điều kiện để được cấp
Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân
1. Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định
theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép.
2. Có tối thiểu 30 thành viên đáp ứng điều kiện
theo quy định tại Điều 1 Nghị định này, có đủ năng lực tài
chính để tham gia góp vốn thành lập quỹ tín dụng nhân dân.
3. Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban
kiểm soát đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản
6 Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng.
4. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản trị, Ban kiểm
soát phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức
tín dụng.
5. Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác
của pháp luật có liên quan.
6. Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi
trong 03 năm đầu hoạt động.
Điều 11. Điều kiện đối với
thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân
1. Đối với cá nhân:
a) Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực
hành vi dân sự đầy đủ, đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt
động của quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp đăng ký tạm trú, cá nhân phải có hoạt
động sản xuất, kinh doanh hoặc là người lao động làm việc trên địa bàn hoạt động
của quỹ tín dụng nhân dân và phải có tài liệu chứng minh về vấn đề này;
b) Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm
hình sự, đang phải chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành
chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; đang bị Tòa án cấm
đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; người đã bị kết
án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích;
c) Không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định
của Luật Cán bộ, công chức và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.
2. Đối với hộ gia đình:
a) Là hộ gia đình có các thành viên thường trú trên
địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; các thành viên trong hộ có chung
tài sản để phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình;
b) Các thành viên của hộ gia đình phải cử một thành
viên của hộ gia đình làm người đại diện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành
viên quỹ tín dụng nhân dân. Người đại diện của hộ gia đình phải được các thành
viên của hộ gia đình ủy quyền đại diện bằng văn bản theo quy định của pháp luật
và phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối với pháp nhân:
a) Là pháp nhân (trừ Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện) đang
hoạt động bình thường và có trụ sở chính đặt tại địa bàn hoạt động của quỹ tín
dụng nhân dân;
b) Người đại diện của pháp nhân tham gia thành viên
của quỹ tín dụng nhân dân là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc
cá nhân được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền tham gia.
Điều 12. Điều kiện cấp Giấy
phép đối với tổ chức tài chính vi mô
1. Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định
theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép.
2. Có chủ sở hữu, thành viên sáng lập theo quy định
tại Điều 13 Nghị định này.
3. Có người quản lý, người điều hành, thành viên
Ban kiểm soát đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
4. Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của pháp
luật có liên quan.
5. Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi
trong 03 năm đầu hoạt động.
Điều 13. Điều kiện đối với chủ
sở hữu, thành viên sáng lập tổ chức tài chính vi mô
1. Chủ sở hữu của tổ chức tài chính vi mô được
thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải đảm bảo
các điều kiện sau:
a) Là tổ chức chính trị - xã hội cấp trung ương;
b) Có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập tổ
chức tài chính vi mô và cam kết không dùng vốn ủy thác, vốn huy động, vốn vay của
các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn; cam kết hỗ trợ tổ chức tài chính vi mô về
tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp gặp khó khăn về vốn hoặc khả
năng thanh khoản;
c) Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu,
thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác tại Việt Nam.
2. Thành viên sáng lập của tổ chức tài chính vi mô
là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải đảm bảo các điều kiện
sau:
a) Có ít nhất một thành viên góp vốn là tổ chức
chính trị - xã hội cấp trung ương đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b và
điểm c khoản 1 Điều này;
b) Có ít nhất một thành viên góp vốn là pháp nhân
đã hoặc đang trực tiếp tham gia quản lý hoặc điều hành chương trình, dự án tài
chính vi mô hoạt động an toàn, bền vững trong ít nhất 03 năm liên tiếp trước thời
điểm nộp đơn đề nghị cấp Giấy phép; không bị kết án về các tội phạm quy định tại
Bộ luật Hình sự trong 02 năm liền kề trước
năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được
xem xét cấp Giấy phép;
c) Thành viên góp vốn khác là pháp nhân:
Được thành lập theo pháp luật của Việt Nam;
Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành
viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác tại Việt Nam; không
bị kết án về các tội phạm quy định tại Bộ luật
Hình sự trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến
thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập tổ chức
tài chính vi mô và cam kết không dùng vốn ủy thác, vốn huy động, vốn vay của
các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn; cam kết hỗ trợ tổ chức tài chính vi mô về
tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp gặp khó khăn về vốn hoặc khả
năng thanh khoản;
Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm
xã hội đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
tiền tệ và ngân hàng ở khung phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định
về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp
tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong
thời gian 02 năm liền kề trước thời điểm nộp đơn đề nghị cấp Giấy phép;
Trường hợp thành viên sáng lập là doanh nghiệp phải
hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp
Giấy phép;
Trường hợp thành viên sáng lập là doanh nghiệp hoạt
động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ
sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ
báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm gửi hồ sơ đề
nghị cấp Giấy phép;
Trường hợp thành viên sáng lập là doanh nghiệp được
cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo
hiểm phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật về ngân hàng,
chứng khoán, bảo hiểm.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20
tháng 12 năm 2024.
2. Nghị định số 39/2014/NĐ-CP
ngày 07 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về hoạt động của công ty tài chính và
công ty cho thuê tài chính hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành
viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2). M.Cường
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hồ Đức Phớc
|