Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

MỤC LỤC VĂN BẢN

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/KH-UBND

Yên Bái, ngày 28 tháng 3 năm 2025

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 24/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2030 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai cụ thể hóa thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 24/12/2024.

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tăng cường bố trí nguồn lực trong việc xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách một cách đồng bộ, có hiệu quả để đạt được mục tiêu đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực BVMT gắn với phát triển bền vững tỉnh Yên Bái trong tình hình mới đến năm 2030.

- Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vào các lĩnh vực sản xuất, xử lý chất thải và đời sống xã hội; tăng cường hợp tác với các tổ chức, địa phương trong nước và hợp tác quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học trong lĩnh vực BVMT góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

2. Yêu cầu

Các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 24/12/2024; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phù hợp với tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT đến năm 2030 theo hướng bền vững, thân thiện, nhằm kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Triển khai việc ứng dụng, phát triển CNSH trong lĩnh vực BVMT theo hướng ưu tiên ứng dụng các giải pháp công nghệ sinh học và các chế phẩm sinh học xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp, y tế và sinh hoạt;

- Đẩy mạnh xây dựng và phát triển tăng tối thiểu 10% doanh nghiệp sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm sinh học sử dụng trong xử lý chất thải và dây chuyền thiết bị sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực BVMT đầu tư vào tỉnh Yên Bái.

- Từng bước phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu về quản lý và phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT.

2. Nhiệm vụ

2.1. Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT

a) Phát triển và ứng dụng CNSH trong sản xuất chế phẩm, vật liệu sinh học xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường

- Triển khai việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, chất thải trong nuôi trồng thủy sản quy mô hộ gia đình, quy mô nhỏ; ứng dụng CNSH trong xử lý chất thải chăn nuôi, chất thải chế biến nông, lâm, thủy sản, chất thải y tế; chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp ở quy mô công nghiệp, ưu tiên công nghệ thu hồi năng lượng, tuần hoàn tái chế chất thải;

- Ứng dụng CNSH để phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên (cải tạo đất, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, tài nguyên rừng, nước, tài nguyên đa dạng sinh học,...), giữ gìn, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

b) Phát triển doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất sản phẩm sinh học quy mô công nghiệp trong BVMT

- Tập trung thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong nước để sản xuất các chế phẩm sinh học có khả năng cạnh tranh trong xử lý môi trường, ưu tiên công nghệ tuần hoàn chất thải đầu tư trên địa bàn tỉnh;

- Thúc đẩy doanh nghiệp tiếp nhận, làm chủ và phổ biến CNSH hiện đại trong xử lý chất thải ở quy mô công nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh.

2.2. Tăng cường tiềm lực phục vụ phát triển CNSH và thúc đẩy công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT

a) Đào tạo nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng phục vụ phát triển công nghiệp sinh học trong BVMT. Trong đó, ưu tiên đào tạo nâng cao và đào tạo lại thông qua các khóa tập huấn và đào tạo ngắn hạn đối với cán bộ cơ quan nhà nước đã tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan đến công nghệ sinh học để nâng năng lực quản lý nhà nước về công nghệ sinh học nói chung và công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường nói riêng.

b) Xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học, dây chuyền thiết bị trong lĩnh vực BVMT

- Triển khai thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng CNSH trong lĩnh vực BVMT;

- Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường để đầu tư ứng dụng CNSH vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực BVMT;

- Tổ chức hoạt động kết nối hỗ trợ doanh nghiệp và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong sản xuất kinh doanh, sử dụng sản phẩm sinh học BVMT.

c) Phát triển hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về CNSH trong lĩnh vực ứng dụng chế phẩm sinh học, dây chuyền thiết bị ứng dụng xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản; sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt ở quy mô công nghiệp.

2.3. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT

Xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu phát triển, làm chủ, chuyển giao và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực BVMT; thu hút và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp sinh học trong BVMT trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật.

2.4. Đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong lĩnh vực BVMT

- Tăng cường liên kết hợp tác với các Viện nghiên cứu, trường Đại học trong và ngoài nước trong nghiên cứu đào tạo, chuyển giao, ứng dụng CNSH trong lĩnh vực BVMT tại địa phương;

- Kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư về ứng dụng CNSH tiên tiến, đặc biệt là các dự án đầu tư vào khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại tỉnh;

- Tổ chức cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu ứng dụng CNSH trong lĩnh vực BVMT vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh tham quan, tham gia các hội nghị, hội chợ, diễn đàn hợp tác tại các nước có ứng dụng CNSH phát triển.

2.5. Truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT;

- Thường xuyên phổ biến, cập nhật đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân các kiến thức, thành tựu khoa học và công nghệ mới, nổi bật, có tính ứng dụng thực tiễn cao của công nghiệp sinh học trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chuyển giao công nghệ, giới thiệu mô hình công nghệ tới các thành phần liên quan;

- Tổ chức các hoạt động BVMT để giới thiệu, tập huấn, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành về các sản phẩm, tiến bộ, kỹ thuật của CNSH môi trường tạo cơ sở cho việc nâng cao ý thức trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh.

3. Giải pháp thực hiện

3.1. Giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ

- Hỗ trợ, ưu tiên triển khai hoặc hoàn thiện các nghiên cứu khoa học về ứng dụng CNSH trong lĩnh vực BVMT, tập trung hỗ trợ các đề tài, dự án nhằm nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại sản xuất chế phẩm sinh học, dây chuyền thiết bị ứng dụng xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản; sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt;

- Hỗ trợ đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, chuyển giao các công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước có tiềm năng công nghiệp hóa từ các nước có nền công nghiệp sinh học tiên tiến;

- Tăng cường liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp đưa các công nghệ mới, tiên tiến đến các doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng dụng CNSH trong lĩnh vực BVMT;

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm sinh học quy mô công nghiệp đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu, ưu tiên sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tốt nhằm tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sinh học trong lĩnh vực BVMT.

3.2. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô công nghiệp và thương mại hoá sản phẩm CNSH trong lĩnh vực BVMT. Đề xuất các ưu đãi cụ thể đối với việc sản xuất và ứng dụng các công nghệ, sản phẩm sinh học trong xử lý chất thải theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường;

- Tăng cường, đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh từ nhiều thành phần kinh tế cho phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT.

3.3. Giải pháp về phát triển tiềm lực cơ sở vật chất và con người

- Liên kết, phối hợp với các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành CNSH theo các hình thức đào tạo mới, đào tạo lại, chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia trình độ cao thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, tập huấn trong nước và quốc tế;

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh, cung cấp thông tin về CNSH trong lĩnh vực ứng dụng chế phẩm sinh học, dây chuyền thiết bị ứng dụng xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản; sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt.

3.4. Giải pháp về đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong lĩnh vực BVMT

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình đào tạo, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cử cán bộ, kỹ sư có trình độ cao tiếp nhận chuyển giao, trao đổi công nghệ từ các nước có nền CNSH phát triển;

- Tăng cường hợp tác trong nhập khẩu và chuyển giao công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh tiếp cận, làm quen làm chủ một số lĩnh vực quan trọng của CNSH môi trường hiện đại; thực hiện việc mua bản quyền, tiếp nhận, giải mã đối với những công nghệ, vật liệu tiên tiến, thân thiện môi trường; thuê chuyên gia nước ngoài khi cần thiết;

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động đầu tư, hợp tác và tiếp nhận chuyển giao công nghệ và các nguồn vốn hỗ trợ từ trong và ngoài nước để ứng dụng và phát triển các công nghệ sản xuất công nghiệp sản phẩm sinh học có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực BVMT.

3.5. Giải pháp về thông tin truyền thông

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các nội dung trong Kế hoạch này để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT;

- Tuyên truyền, khuyến khích các cấp, các ngành, người dân sử dụng các sản phẩm công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT sản xuất trong nước.

- Thông tin tuyên truyền trên trang thông tin điện tử về công nghiệp sinh học môi trường; cung cấp các thông tin về công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ, sản phẩm sinh học sử dụng trong xử lý chất thải, BVMT.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước (chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp khoa học); vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan Thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

2. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các ngành, địa phương trong tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên phê duyệt thực hiện các đề tai, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ theo quy định. Định hướng, cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông đưa tin các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, giới thiệu mô hình doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích sử dụng các sản phẩm công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

3. Sở Tài chính, theo chức năng nhiệm vụ, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí, lồng ghép kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án, đề tài phát triển CNSH trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đảm theo quy định.

4. Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo theo chức năng nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường và các sở, ngành có liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch, tổ chức, triển khai đào tạo nguồn nhân lực có bằng cấp, chuyên môn ở trong nước và nước ngoài; tham mưu chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học phục vụ phát triển công nghiệp sinh học trong BVMT.

5. Các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Kế hoạch.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển CNSH trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn quản lý; lồng ghép phát triển CNSH trong lĩnh vực BVMT trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển khoa học công nghệ ở địa phương. Thúc đẩy các chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường trong đó có lĩnh vực CNSH trong lĩnh vực BVMT.

Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan: Hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 15 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện Kế hoạch nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các cơ quan đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời bằng văn bản (qua Sở Nông nghiệp và Môi trường) tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.


Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Chánh, Phó CVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh (đăng tải);
- Lưu: VT, TNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Phước

62

DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.143.202
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!