Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Tổng hợp Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm công chức viên chức mới nhất

Đăng nhập

MỤC LỤC VĂN BẢN

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9919/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 20 tháng 12 năm 2024

KẾ HOẠCH

ĐỊNH HƯỚNG SẮP XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ KHỐI CHÍNH QUYỀN TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (viết tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW); Kế hoạch số 01- KH/BCĐ ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Tỉnh ủy về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kết luận số 01- KL/BCĐ ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Tỉnh ủy về kết luận phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 ngày 18/12/2024 của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ về định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị khối chính quyền tỉnh, cụ thể sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; đề xuất kiến nghị với cấp thẩm quyền về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

- Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân, tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Yêu cầu

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW trên nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đồng thời sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong các cơ quan, đơn vị đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

- Xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW, về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần sự thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động thực hiện với quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện.

- Xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...

- Thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm tối thiểu 15% đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị (không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện hợp nhất, sáp nhập). Rà soát lại tất cả các hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

- Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đề xuất và giải quyết chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.

II. VỀ ĐỊNH HƯỚNG SẮP XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY CẤP TỈNH

1. Đối với các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh

a) Tiếp tục duy trì 04 Sở, ngành (nhưng có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong) cụ thể: (1) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (2) Thanh tra tỉnh; (3) Sở Tư pháp; (4) Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh.

b) Thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các Sở:

(1) Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính. Tên Sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất).

(2) Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. Tên Sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất).

(3) Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất).

(4) Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ. Tên Sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 02 Sở trước khi hợp nhất).

(5) Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế, chuyển chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo về Ban Dân tộc tỉnh.

(6) Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh; đồng thời, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, công tác quản lý hoạt động của các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam về Sở Kinh tế - Tài chính (sau khi hợp nhất).

Văn phòng UBND tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh hiện nay và chức năng nhiệm vụ của Sở Ngoại vụ chuyển sang.

c) Tổ chức lại các Sở, ngành

- Tổ chức lại Sở Y tế trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, đồng thời:

+ Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.

+ Tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy liên quan đến quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương chuyển sang[1].

- Tổ chức lại Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức (tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

- Tổ chức lại Ban Dân tộc thành Ban Dân tộc - Tôn giáo trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức (tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về công tác tôn giáo từ Sở Nội vụ, nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

- Tổ chức lại Sở Công Thương: do tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Tổng số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh sau sắp xếp, còn lại là 13 cơ quan chuyên môn, 01 tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh (giảm 06 Sở ngành).

2. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh

a) Hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh.

Tên gọi dự kiến: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh.

Chức năng nhiệm vụ: thực hiện các chức năng nhiệm vụ của 02 Ban quản lý dự án hiện nay.

b) Tạm thời giữ ổn định (nhưng có sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong) và nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp trong thời gian đến: (1) Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam; (2) Trường Cao đẳng Quảng Nam; (3) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; (4) Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam; (5) Ban Quản lý vườn Quốc gia Sông Thanh; (6) Trường Đại học Quảng Nam.

Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh sau sắp xếp, còn lại là 07 đơn vị (giảm 01 đơn vị).

3. Đối với các tổ chức bên trong thuộc các Sở, ngành

- Mô hình Chi cục: hiện nay, sau khi chuyển Ban Tôn giáo thành Phòng Tôn giáo thuộc Ban Dân tộc - Tôn giáo, còn 10 Chi cục thuộc các Sở ngành[2]. Để tiếp tục tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, các Sở, ngành nghiên cứu phương án: cơ bản kết thúc mô hình Chi cục thuộc Sở (trừ một số trường hợp thật cần thiết được cấp thẩm quyền xem xét, thống nhất). Đối với các Chi cục được tiếp tục duy trì thì sắp xếp tinh gọn tối đa bộ máy bên trong để thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

- Đề nghị rà soát, sắp xếp, kiện toàn các tổ chức bên trong các Sở, ngành theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo tiêu chí, điều kiện theo quy định.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở ngành: Thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại hoặc giải thể đối với các đơn vị sự nghiệp đã có chủ trương của UBND tỉnh, thu gọn đầu mối vì có chức năng nhiệm vụ tương đồng và đơn vị không đáp ứng tiêu chí theo quy định.

4. Đối với các bộ phận (dưới tên gọi Văn phòng, Ban) tham mưu, giúp việc cho các Tổ chức phối hợp liên ngành; các tổ chức phối hợp liên ngành được giao biên chế công chức, viên chức

Qua rà soát, các tổ chức được giao biên chế công chức, viên chức trong thời gian qua, gồm: Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới[3], Văn phòng Ban An toàn giao thông[4], Bộ phận giúp việc Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ[5].

Phương án đề xuất: không bố trí biên chế riêng mà thực hiện chế độ làm việc kiêm nhiệm hoặc biệt phái; đối với biên chế đã bố trí trước đây, trước mắt chuyển về các Sở là cơ quan thường trực của tổ chức phối hợp liên ngành (Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về Sở Nông nghiệp và Môi trường; Bộ phận giúp việc Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ về Sở Nội vụ và Lao động; Văn phòng Ban An toàn giao thông về Sở Xây dựng và Giao thông). Các Sở tiếp nhận, thực hiện sắp xếp theo quy định.

5. Các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Hiện nay, có 11 Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách: Quỹ Đầu tư phát triển; Quỹ Hợp tác xã; Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh; Quỹ Hỗ trợ nông dân; Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh; Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh; Quỹ Khuyến học tỉnh; Quỹ Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Quảng Nam; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh; Quỹ Vận động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh; Quỹ Phòng chống tội phạm tỉnh. Các Quỹ không bố trí biên chế, thực hiện kiêm nhiệm, nếu không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thì không sắp xếp.

Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất UBND tỉnh thực hiện sắp xếp các Quỹ.

III. VỀ ĐỊNH HƯỚNG SẮP XẾP, TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY CẤP HUYỆN

1. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện

Trên cơ sở các nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp của Trung ương, của Tỉnh để nghiên cứu, đề xuất việc sắp xếp một số phòng, ban, đơn vị, ban chỉ đạo cấp huyện tương tự như cấp tỉnh. Nghiên cứu phương án sắp xếp phòng chuyên môn cấp huyện theo định hướng như sau:

a) Hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ

Tên gọi dự kiến: Phòng Nội vụ và Lao động

Chức năng nhiệm vụ: tiếp nhận chức năng nhiệm vụ của Phòng Nội vụ và chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.

b) Thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông, công thương trên địa bàn cấp huyện từ Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị (tại thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay.

c) Thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Văn hóa - Thông tin và chức năng, nhiệm vụ về khoa học và công nghệ từ Phòng Kinh tế (tại thị xã, thành phố), Phòng Kinh tế và Hạ tầng (tại huyện) hiện nay trên địa bàn cấp huyện.

d) Thành lập Phòng Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường và chức năng, nhiệm vụ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại huyện) và chức năng, nhiệm vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn từ Phòng Kinh tế (tại thị xã, thành phố) hiện nay trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

đ) Tiếp nhận, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ

- Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện tiếp nhận chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.

- Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.

- Phòng Dân tộc: Thực hiện tương tự như đối với cấp tỉnh (tiếp nhận chức năng nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Phòng Nội vụ và giảm nghèo từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang) và đổi tên thành Phòng Dân tộc - Tôn giáo.

- Phòng Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận nhiệm vụ giảm nghèo từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện

a) Nghiên cứu kết thúc hoạt động đối với 05 Đội quy tắc đô thị (Đội Quản lý trật tự xây dựng) là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các huyện, thị xã, thành phố: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn và chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan, đơn vị phù hợp.

b) Trước mắt, giữ ổn định các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo; đồng thời, từng bước nghiên cứu, cơ cấu lại mạng lưới trường lớp theo quy định.

c) Các đơn vị sự nghiệp công lập còn lại: nghiên cứu sắp xếp kiện toàn đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

IV. CÁC HỘI QUẦN CHÚNG

Trước mắt, giữ nguyên 16 Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh hiện nay; đối với các hội quần chúng khác và hội quần chúng cấp huyện, cấp xã: các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nghiên cứu, rà soát để sắp xếp trong thời gian đến cho phù hợp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để triển khai thực hiện định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ chung

a) Về sắp xếp, tổ chức lại các sở, ngành (gọi chung là Sở)

- Đối với việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ các sở: Giao các Sở chủ động phối hợp xây dựng đề án, phương án cụ thể, đề xuất sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế theo yêu cầu định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của tỉnh.

- Đối với tổ chức bên trong: Giao các Sở tiếp tục chủ động xây dựng Đề án kiện toàn, sắp xếp lại các tổ chức bên trong (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở theo phương án sắp xếp).

- Đối với các tổ chức phối hợp liên ngành, các Ban Chỉ đạo: Giao các Sở sau khi được tổ chức lại chủ động rà soát, đề xuất kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành, các Ban Chỉ đạo… mà trước khi được tổ chức lại đã tham gia với vai trò là cơ quan đề xuất thành lập/cơ quan thường trực, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

b) Về rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy

- Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát hệ thống văn bản liên quan đến tổ chức bộ máy, trong đó đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các Sở (như rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản; đề xuất tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định (văn bản QPPL) của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Sở thuộc diện hợp nhất, sáp nhập, tổ chức, sắp xếp lại theo trình tự, thủ tục rút gọn; tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp…) để bảo đảm không có khoảng trống pháp lý dẫn đến đình trệ, ách tắc công việc trong quá trình sắp xếp.

- Các Sở chủ động rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất xử lý những vấn đề vướng mắc khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp.

c) Về bố trí cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách

- Giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn, giải quyết.

- Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu phương án bố trí, sắp xếp CBCCVC và hợp đồng lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

d) Về xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công: Giao Sở Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các Sở.

đ) Về quản lý các dự án đầu tư công: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xử lý việc chuyển tiếp quản lý các dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy của tỉnh.

2. Trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể

a) Giao Sở Tài chính chủ trì, cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư: xây dựng Đề án hợp nhất Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư; sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất và tiếp nhận nhiệm vụ từ Sở Ngoại vụ chuyển sang (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kinh tế - Tài chính). Xây dựng phương án sắp xếp các Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

b) Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, cùng với Sở Xây dựng: xây dựng Đề án hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải; sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Xây dựng và Giao thông).

c) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường: xây dựng Đề án hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường; sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và Môi trường).

d) Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, cùng với Sở Thông tin và Truyền thông: xây dựng Đề án hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ; sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi hợp nhất (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông).

đ) Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Đề xuất phương án tổ chức bộ máy để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực khi chuyển chức năng, nhiệm vụ về các Sở: Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc.

- Phối hợp cùng các Sở trong xây dựng Đề án hợp nhất, kiện toàn cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khi chuyển giao về các Sở.

e) Giao Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ (trừ các chức năng, nhiệm vụ chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Ban Dân tộc và Tôn giáo); kiện toàn cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ và Lao động).

- Phối hợp với Ban Dân tộc xây dựng đề án chuyển chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ về Ban Dân tộc.

g) Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: xây dựng Đề án tổ chức lại để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo sau khi sắp xếp).

h) Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: xây dựng Đề án tổ chức lại để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế sau khi sắp xếp).

i) Giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: xây dựng Đề án tổ chức lại để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc - Tôn giáo).

k) Giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ: xây dựng Đề án sáp nhập, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Sở Ngoại vụ (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND tỉnh).

l) Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh: xây dựng Đề án hợp nhất 02 Ban Quản lý (gửi kèm dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban).

m) Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án tổ chức lại khi tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

n) Các Sở, ngành: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp; Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam; Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh; Trường Đại học Quảng Nam; Trường Cao đẳng Quảng Nam; Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam: chủ động xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn, cơ cấu lại tổ chức bên trong để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (kèm theo dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng sở, ngành).

3. Các Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ

Trên cơ sở các nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp của Trung ương, của Tỉnh, các Hội nghiên cứu, đề xuất việc sắp xếp để đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Trên cơ sở các nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp của Trung ương, của Tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, tham mưu thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại địa phương.

5. Giao Sở Nội vụ

Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo cấp thẩm quyền chỉ đạo kịp thời.

VI. TIẾN ĐỘ, THỜI GIAN, PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ ĐỂ THỰC HIỆN NGAY MỘT SỐ CÔNG VIỆC

1. Báo cáo thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế trước khi sắp xếp và đề xuất tổ chức bộ máy, biên chế sau khi sắp xếp

- Các Sở, ngành tại khoản 2 Mục V Kế hoạch này khẩn trương phối hợp, gửi báo cáo thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế trước khi sắp xếp và đề xuất tổ chức bộ máy, biên chế sau khi sắp xếp về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước 16h00 ngày 21/12/2024.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo đề xuất cụ thể việc sắp xếp tổ chức bộ máy tại địa phương (theo định hướng nêu trên) và kiến nghị đề xuất điều chỉnh (nếu có), gửi về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước 16h00 ngày 21/12/2024.

2. Xây dựng Đề án hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại và Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Sở, ngành

Các Sở, ngành tại khoản 2 Mục V Kế hoạch này khẩn trương phối hợp, xây dựng Đề án hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại và Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Sở, ngành, hoàn thành trước ngày 27/12/2024.

3. UBND tỉnh phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, hợp nhất, sáp nhập các Sở, ngành, cụ thể như sau:

- Đồng chí Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo toàn diện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các Sở, ngành; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn các Sở, ngành: (1) Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ; (2) Thanh tra tỉnh.

- Đồng chí Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn các Sở, ngành: (1) Hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường; (2) Sở Y tế; (3) Sở Tư pháp; (4) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (5) Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh; (6) Sở Công Thương.

- Đồng chí Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn các Sở, ngành: (1) Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; (2) Hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải; (3) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; (4) Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh; (5) Các Quỹ Tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

- Đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trực tiếp chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn các Sở, ngành: (1) Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ; (2) Hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh; (3) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; (4) Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh.

- Đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn các Sở, ngành: (1) Sở Giáo dục và Đào tạo; (2) Ban Dân tộc; (3) Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam; (4) Trường Cao đẳng Quảng Nam; (5) Trường Đại học Quảng Nam.

Trên đây Kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy khối chính quyền tỉnh; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.


Nơi nhận:
- BTV Tỉnh ủy (b/c);
- BCĐ tổng kết NQ 18 của Tỉnh uỷ (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh uỷ;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Hội được Đảng, NN giao nhiệm vụ;
- Các Quỹ tài chính NN ngoài ngân sách;
- Văn phòng Ban an toàn giao thông;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, HCTC, NCKS.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Văn Dũng



[1] Qua rà soát, tại Báo cáo số 269/BC-UBND ngày 04/12/2024 của UBND tỉnh, hiện nay, ở tuyến tỉnh: ngành y tế có Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế, giúp Giám đốc Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có Phòng Quản lý chất lượng (trước đây là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) thuộc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; ngành công thương phân công 01 công chức thuộc Phòng Quản lý thương mại kiêm nhiệm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thực hiện nguyên tắc “một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, do đó, Sở Y tế tiếp nhận các chức năng nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương.

[2] Sở Y tế: 02 Chi cục; Sở Tài nguyên và Môi trường: 02 Chi cục; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 06 Chi cục.

[3] Giao 10 biên chế viên chức và 02 biên chế công chức cho Sở NN&PTNT để bố trí

[4] Giao 03 biên chế công chức cho Văn phòng Ban ATGT

[5] Giao 02 biên chế viên chức cho Sở LĐ-TB&XH để bố trí

28

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.76.129
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!