ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 510/QĐ-UBND
|
Lai Châu, ngày 12
tháng 3 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TIẾP NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT PHẢN ÁNH HIỆN TRƯỜNG
TRÊN HỆ THỐNG THÔNG TIN PHẢN ÁNH HIỆN TRƯỜNG CỦA TRUNG TÂM GIÁM SÁT AN NINH MẠNG
VÀ ĐIỀU HÀNH THÔNG MINH TỈNH LAI CHÂU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Nghị định số
20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, giải quyết
phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức về quy định hành chính;
Căn cứ Quyết định số
574/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp
nhận, giải quyết và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số
829/QĐ-BTTTT ngày 31 tháng 5 năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0);
Căn cứ Nghị quyết số
01/NQ-HĐND ngày 20/02/2025 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu về Hợp nhất,
thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu;
Căn cứ Quyết định số
491/QĐ-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc
ban hành Quy chế về quản lý, vận hành Trung tâm giám sát an ninh mạng và điều
hành thông minh tỉnh Lai Châu;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 341/TTr-STTTT ngày 04/3/2025.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tiếp nhận và giải quyết phản ánh hiện
trường trên Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường của Trung tâm giám sát an
ninh mạng và điều hành thông minh tỉnh Lai Châu.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Thủ
trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh:
- UBMTTQ tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- V, C, KS, CB;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT, VX4.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Thanh Hải
|
QUY CHẾ
TIẾP NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT PHẢN ÁNH HIỆN TRƯỜNG TRÊN HỆ THỐNG
THÔNG TIN PHẢN ÁNH HIỆN TRƯỜNG CỦA TRUNG TÂM GIÁM SÁT AN NINH MẠNG VÀ ĐIỀU HÀNH
THÔNG MINH TỈNH LAI CHÂU
(Kèm theo Quyết định số 510/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2025 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lai Châu)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Quy chế này quy định việc tiếp
nhận, giải quyết phản ánh hiện trường của cá nhân, tổ chức thông qua Hệ thống
phản ánh hiện trường tại Trung tâm giám sát an ninh mạng và điều hành thông
minh tỉnh Lai Châu (SOC-IOC Lai Châu) thuộc phạm vi quản lý của các sở, ban,
ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ
quan, đơn vị liên quan (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh)
và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
b) Trách nhiệm phối hợp giữa
các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc tiếp nhận, giải
quyết phản ánh hiện trường của cá nhân, tổ chức.
2. Đối tượng áp dụng: Quy chế
này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức,
cá nhân có liên quan tham gia quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống phản ánh hiện
trường tại SOC-IOC Lai Châu (Hệ thống phản ánh hiện trường tỉnh Lai Châu); cá
nhân, tổ chức gửi phản ánh hiện trường.
Điều 2.
Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này các từ ngữ
sau đây được hiểu như sau:
1. Phản ánh hiện trường là việc
cá nhân, tổ chức gửi thông tin phản ánh tình hình thực tế tại hiện trường sự việc
cần giải quyết đến cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh thông qua Hệ
thống phản ánh hiện trường tỉnh Lai Châu (không bao gồm việc tiếp nhận khiếu nại,
tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn, giải đáp pháp luật); là giải
pháp nhằm mục đích để quan Nhà nước tiếp nhận, giải quyết các vấn đề phản ánh bất
cập trong xã hội.
2. Phản ánh hiện trường khẩn là
các phản ánh về thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, trộm cướp, mất an ninh, trật tự cần
phản ánh đến cơ quan Nhà nước tiếp nhận, giải quyết ngay.
3. Cổng thông tin tương tác là
địa chỉ truy cập duy nhất trên môi trường mạng tại địa chỉ:
https://phananh.laichau.gov.vn; có nhiệm vụ kết nối các kênh thông tin phản ánh
và cập nhật kết quả giải quyết phản ánh hiện trường của cơ quan Nhà nước được
công khai trên môi trường mạng, bao gồm:
a) Giao diện tương tác của cá
nhân, tổ chức với cơ quan Nhà nước.
b) Giao diện nghiệp vụ đối với
cơ quan Nhà nước.
c) Giao diện giám sát, tổng hợp
phục vụ quản lý lãnh đạo cơ quan.
d) Giao diện tổng hợp giám sát
tại SOC-IOC Lai Châu phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.
4. Ứng dụng di động phản ánh của
tỉnh Lai Châu là ứng dụng trên thiết bị di động thông minh có tên “LaiChau-S";
có thể tải về và cài đặt từ cửa hàng ứng dụng (App Store/CH Play) của hệ điều
hành iOS và Android.
5. Cơ quan giải quyết là các cơ
quan hành chính Nhà nước, các tổ chức, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh được
giao giải quyết hoặc phối hợp giải quyết phản ánh hiện trường của cá nhân, tổ
chức.
Điều 3.
Nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết phản ánh hiện trường
1. Tuân thủ đầy đủ các quy định
hiện hành của pháp luật có liên quan.
2. Phối hợp kịp thời, có hiệu
quả trong giải quyết phản ánh hiện trường.
3. Đảm bảo tính công khai, minh
bạch, khách quan, trung thực.
4. Quy trình tiếp nhận, phân loại,
giải quyết và phê duyệt kết quả giải quyết phải cụ thể, rõ ràng, thống nhất.
5. Nội dung thông tin trao đổi
trong quá trình phân phối, giải quyết, phê duyệt kết quả giải quyết phải rõ
ràng, cụ thể.
6. Tiếp nhận, giải quyết đúng
thẩm quyền và thời gian quy định; thực hiện tốt việc phối hợp trong giải quyết
của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
7. Đảm bảo an toàn thông tin
trong việc gửi, chuyển, lưu trữ dữ liệu về phản ánh hiện trường của cá nhân, tổ
chức.
Chương II
HÌNH THỨC VÀ YÊU CẦU VỀ
PHẢN ÁNH HIỆN TRƯỜNG
Điều 4.
Hình thức và thời gian tiếp nhận phản ánh hiện trường
1. Các phản ánh hiện trường của
cá nhân, tổ chức được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau:
a) Ứng dụng trên thiết bị di động
thông minh: LaiChau-S.
b) Cổng thông tin tương tác:
https://phananh.laichau.gov.vn
2. Thời gian tiếp nhận phản ánh
hiện trường của cá nhân, tổ chức được thực hiện 24/24 giờ, 07 ngày/tuần.
Điều 5. Yêu
cầu khi phản ánh hiện trường đối với cá nhân, tổ chức
1. Nội dung phản ánh hiện trường
phản ánh tình hình thực tế tại hiện trường sự việc có vấn đề bất cập, cần giải
quyết đến cơ quan giải quyết trên địa bàn tỉnh, thuộc tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội. Nội dung phản ánh hiện trường không bao gồm việc khiếu nại, tố
cáo, hướng dẫn, giải đáp pháp luật.
2. Sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt,
rõ ràng, đơn nghĩa, không viết tắt.
3. Nội dung, hình ảnh, video,
thời gian, địa điểm phản ánh hiện trường phải rõ ràng, chính xác.
4. Cá nhân, tổ chức gửi phản
ánh hiện trường phải cung cấp đầy đủ thông tin: Họ tên, số điện thoại, địa chỉ
thư điện tử (nếu có); đồng thời phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính
xác của các thông tin phản ánh hiện trường.
5. Thông tin cá nhân, tổ chức
phản ánh hiện trường sẽ được giữ bí mật. Trong trường hợp cần dùng đến thông
tin cá nhân, tổ chức để phục vụ giải quyết phải được sự đồng ý của người phản
ánh.
6. Không vi phạm quy định về bảo
vệ thông tin cá nhân, bảo vệ bí mật Nhà nước; không vi phạm pháp luật, đạo đức,
thuần phong mỹ tục; không sử dụng từ ngữ có tính chất thóa mạ, chỉ trích, quy
chụp hoặc kích động.
7. Cá nhân, tổ chức phản ánh hiện
trường không đăng tải nhiều lần phản ánh về cùng một sự việc gây trùng lặp dữ
liệu.
Chương
III
TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT PHẢN
ÁNH HIỆN TRƯỜNG
Điều 6. Tiếp
nhận, phân loại, chuyển giải quyết phản ánh hiện trường
Cá nhân, tổ chức khi gửi phản
ánh hiện trường, Hệ thống phản ánh hiện trường tỉnh Lai Châu sẽ phân loại theo
vị trí địa lý phản ánh hiện trường từ tỉnh đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy
ban nhân dân cấp xã tương ứng (Cơ quan chủ trì giải quyết).
Điều 7. Quy
trình giải quyết phản ánh hiện trường tại cơ quan giải quyết
1. Thực hiện giải quyết phản
ánh hiện trường theo 05 bước sau:
a) Bước 1: Người được phân công
tiếp nhận thực hiện tiếp nhận thông tin phản ánh, góp ý do Trung tâm giám sát
an ninh mạng và điều hành thông minh tỉnh Lai Châu chuyển đến qua hệ thống ứng
dụng LaiChau-S.
b) Bước 2: Người được phân công
tiếp nhận thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh, góp ý, cụ thể như
sau:
- Trường hợp thuộc thẩm quyền
cơ quan, đơn vị xử lý sẽ thực hiện báo cáo lãnh đạo cơ quan, đơn vị về nội dung
phản ánh, góp ý. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị chỉ đạo xử lý. Sau khi có kết quả xử
lý người được phân công tiếp nhận thực hiện cập nhật kết quả xử lý (có kèm theo
văn bản, hình ảnh kết quả xử lý theo mẫu tại phụ lục đính kèm quy định này) và
tiến hành kết thúc phản ánh, góp ý. Kết quả xử lý sẽ được chuyển đến Trung tâm
giám sát an ninh mạng và điều hành thông minh tỉnh Lai Châu để chuyển đến cá
nhân, tổ chức gửi phản ánh, góp ý hoặc cập nhật lên hệ thống.
Trường hợp cá nhân, tổ chức có
yêu cầu được giữ bí mật, kết quả giải quyết phản ánh hiện trường sẽ được gửi đến
từng cá nhân, tổ chức tương ứng và không được công khai. Trường hợp phản ánh hiện
trường có nội dung liên quan đến bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc trong quá trình giải
quyết có các thông tin thuộc bảo vệ bí mật Nhà nước thì việc trả lời kết quả giải
quyết phản ánh hiện trường phải tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành về bảo
vệ bí mật Nhà nước hoặc những nội dung khác do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
2. Các phản ánh hiện trường
không đúng nội dung, yêu cầu hoặc chưa rõ nội dung quy định tại Điều 5 Quy chế
này, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phản ánh, cơ quan giải
quyết trả lời trên hệ thống cho cá nhân, tổ chức việc không giải quyết thông
tin phản ánh và nêu rõ lý do đồng thời hướng dẫn gửi lại phản ánh hiện trường
đúng theo quy định.
3. Thời gian giải quyết phản
ánh hiện trường: Theo quy định của từng cơ quan giải quyết nhưng tối đa không
quá 05 ngày làm việc tính từ khi nhận được phản ánh hiện trường đúng quy định
và phạm vi quản lý, trả lời. Trường hợp quá 06 ngày chưa có câu trả lời, cơ
quan giải quyết có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, tổ chức phản ánh biết
tình trạng đang giải quyết. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian giải quyết có
thể thay đổi phù hợp với nội dung, tính chất phản ánh hiện trường hoặc theo ý
kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh. Đối với phản ánh hiện trường khẩn,
cơ quan giải quyết có trách nhiệm giải quyết ngay khi tiếp nhận.
4. Các phản ánh hiện trường cần
lấy ý kiến các cơ quan liên quan, cơ quan chủ trì giải quyết chủ động gửi lấy ý
kiến, tổng hợp và giải quyết theo quy định của pháp luật. Cơ quan phối hợp giải
quyết có trách nhiệm cung cấp nội dung liên quan về cơ quan chủ trì giải quyết
trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc, trường hợp quá thời hạn có trách nhiệm
thông báo cho cơ quan chủ trì giải quyết biết tình trạng đang giải quyết và ấn
định ngày hoàn thành.
5. Trường hợp nội dung phản ánh
hiện trường không thuộc phạm vi quản lý, cơ quan chủ trì giải quyết chủ động
chuyển tiếp nội dung đến cơ quan giải quyết đúng chức năng quản lý và nêu rõ lý
do và đồng gửi Trung tâm giám sát an ninh mạng và điều hành thông minh tỉnh Lai
Châu để theo dõi, điều chỉnh hệ thống; thời gian thực hiện 01 ngày làm việc sau
khi tiếp nhận thông tin phản ánh hiện trường đúng quy định. Cơ quan giải quyết
tiếp nhận phản ánh hiện trường chuyển tiếp có trách nhiệm nghiên cứu, thực hiện
việc giải quyết theo quy trình nêu trên.
6. Các phản ánh hiện trường
liên quan đến 02 hay nhiều cơ quan giải quyết khác nhau nhưng không thống nhất
được phương án, kết quả giải quyết hoặc đã được cơ quan giải quyết trả lời
nhưng cá nhân, tổ chức không nhất trí và vẫn tiếp tục gửi phản ánh hiện trường:
cơ quan chủ trì giải quyết tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và
phân công cơ quan giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 8.
Tương tác và đánh giá kết quả giải quyết
1. Cá nhân, tổ chức gửi phản
ánh hiện trường có quyền phản hồi lại thông tin nhằm làm rõ hơn kết quả giải
quyết. Cơ quan giải quyết xem xét, đánh giá việc cần thiết tiếp tục làm rõ kết
quả giải quyết.
2. Cá nhân, tổ chức gửi phản
ánh hiện trường có quyền đánh giá kết quả giải quyết của cơ quan giải quyết với
3 tiêu chí sau: “Hài lòng”, “Chấp nhận được" và “Không hài lòng".
3. Trung tâm giám sát an ninh mạng
và điều hành thông minh tỉnh Lai Châu có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp phản hồi
của cá nhân, tổ chức đối với kết quả giải quyết.
Điều 9. Ẩn
phản ánh vi phạm
Đối với những phản ánh hiện trường
vi phạm quy định tại Điều 5 Quy chế này, cơ quan giải quyết tiếp nhận phản ánh
có thể ẩn phản ánh kiến nghị để giảm thiểu tác động tiêu cực tới cộng đồng, xã
hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Phản ánh hiện trường bị ẩn không công khai nhưng được giám sát bởi Trung tâm
giám sát an ninh mạng và điều hành thông minh tỉnh Lai Châu và các cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền để đảm bảo việc giải quyết phản ánh hiện trường được thực hiện
nghiêm túc, không bỏ sót. Nghiêm cấm việc lợi dụng chức năng ẩn phản ánh hiện
trường để thoái thác trách nhiệm giải quyết.
Điều 10.
Chế độ thông tin, lưu trữ
1. Trung tâm giám sát an ninh mạng
và điều hành thông minh tỉnh Lai Châu có trách nhiệm lưu trữ tất cả thông tin,
nội dung, thời gian, địa điểm các phản ánh hiện trường và kết quả giải quyết của
cá nhân, tổ chức trên máy chủ để cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước khi có
yêu cầu. Hình ảnh, video của phản ánh hiện trường lưu trữ trên hệ thống tối thiểu
05 tháng.
2. Các cơ quan triển khai các
giải pháp, phần mềm ứng dụng liên quan để giải quyết phản ánh hiện trường có
trách nhiệm kết nối, liên thông dữ liệu vào Hệ thống phản ánh hiện trường tỉnh
Lai Châu.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11.
Trách nhiệm đơn vị quản lý và vận hành Trung tâm giám sát an ninh mạng và điều
hành thông minh tỉnh Lai Châu
1. Giám sát, theo dõi, đôn đốc việc
giải quyết, trả kết quả phản ánh hiện trường của cơ quan giải quyết.
2. Phân công cán bộ kỹ thuật
theo dõi và hỗ trợ các cơ quan giải quyết phản hồi các phản ánh hiện trường của
cá nhân, tổ chức đúng thời hạn quy định.
3. Định kỳ hàng tháng hoặc theo
yêu cầu đột xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, Cơ quan quản lý, điều hành Trung tâm
giám sát an ninh mạng và điều hành thông minh tỉnh Lai Châu có trách nhiệm báo
cáo, công khai kết quả tiếp nhận, giải quyết các phản ánh hiện trường của cá
nhân, tổ chức; tổng hợp các trường hợp giải quyết quá hạn, không dứt điểm và vấn
đề tồn đọng, vướng mắc để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có phương án chỉ đạo
giải quyết.
Điều 12.
Trách nhiệm của các cơ quan giải quyết
1. Cơ quan giải quyết phân công
một (01) lãnh đạo làm đầu mối chỉ đạo việc giải quyết phản ánh hiện trường đối
với lĩnh vực, phạm vi quản lý.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát các đơn vị trực thuộc liên quan đến lĩnh vực quản lý, kịp thời tiếp
nhận, giải quyết và phản hồi thông tin đúng thời gian quy định.
3. Chịu trách nhiệm trước Ủy
ban nhân dân tỉnh đối với việc chậm giải quyết hoặc không giải quyết đối với
các thông tin được tiếp nhận.
Điều 13.
Trách nhiệm của đơn vị triển khai cung cấp dịch vụ
1. Tập huấn, đào tạo, hướng dẫn
nghiệp vụ cho đầu mối tiếp nhận, đầu mối tuyên truyền phản ánh hiện trường,
công chức, viên chức của các cơ quan giải quyết để vận hành dịch vụ phản ánh hiện
trường và các cá nhân liên quan đến tuyên truyền thực hiện.
2. Vận hành kỹ thuật, đảm bảo
an toàn, an ninh thông tin cho Hệ thống phản ánh hiện trường tỉnh Lai Châu hoạt
động ổn định, thông suốt.
Điều 14. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Khoa học và Công nghệ chủ
trì tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
2. Các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy
ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện theo chức
năng, nhiệm vụ được phân công.
3. Trong quá trình tổ chức thực
hiện Quy chế, nếu có các vấn đề phát sinh mới, hoặc chưa được quy định rõ, các
cơ quan, đơn vị, địa phương có ý kiến gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp thực tế./.