ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 728/KH-UBND
|
Cao Bằng, ngày 29
tháng 3 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH
CAO BẰNG NĂM 2018
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NĂM 2017
1. Đối với bộ máy chỉ đạo và quản
lý Chương trình: Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo và
bộ phận giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện; cấp tỉnh và cấp huyện thành lập Văn
phòng điều phối thực hiện Chương trình; cấp xã thành lập Ban quản lý và bố trí
01 cán bộ chuyên trách nông thôn mới; các thôn, xóm thành lập Ban Phát triển
thôn. Ban Chỉ đạo các cấp đều đã phân công thành viên phụ trách địa bàn cụ thể,
để chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch hằng
năm.
2. Đối với công tác tuyên truyền,
vận động: Được các cấp, các ngành tích cực thực hiện với
nhiều hình thức phù hợp với nhiều đối tượng; nhận thức của cán bộ và người dân
về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt; xây dựng nông thôn mới đã
trở thành phong trào rộng khắp, người dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực, chủ động tham gia xây dựng quê hương
với nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp
cho xây dựng nông thôn mới.
3. Đối với công tác kiểm tra, giám
sát: Được coi trọng, đã kịp thời phát hiện tháo gỡ những
khó khăn trong quá trình thực hiện ở cơ sở, nhất là đề xuất sửa đổi cơ chế
chính sách thực hiện Chương trình. UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí nông thôn
mới của tỉnh; phê duyệt đề án chính sách khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ sử
dụng cho các công trình, dự án thuộc các Chương trình MTQG; phê duyệt danh sách
25 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017-2020; quy định cơ chế thực
hiện đầu tư công trình đặc thù theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP...
4. Đối với nguồn lực thực hiện
Chương trình năm 2017
a) Nguồn ngân sách Trung ương: 255.140
triệu đồng. Trong đó:
- Vốn đầu tư phát triển: 208.740 triệu
đồng (gồm 200.000 triệu đồng giao tại Quyết định số 2366/QĐ-UBND ngày
12/12/2016; 8.740 triệu đồng giao tại Quyết định số 1420/QĐ-UBND ngày 31/8/2017
của UBND tỉnh). Đến 31/01/2018, giải ngân được 166.236,9 triệu đồng (tương ứng
79,63%). Kết quả giải ngân chậm do các dự án đầu tư công được điều chỉnh bởi
nhiều văn bản như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và do điều kiện thời tiết
không thuận lợi cho việc thi công xây dựng.
- Vốn sự nghiệp: 46.400 triệu đồng. Đến
31/1/2018, giải ngân được 41.371,01 triệu đồng (tương ứng 93,8%).
b) Nguồn ngân sách tỉnh: 14.986 triệu
đồng, đã giải ngân 100%.
c) Nguồn vận động ủng hộ Quỹ xây dựng
nông thôn mới: Huy động từ cán bộ công chức, lực lượng vũ trang các cấp được
5.496,88 triệu đồng; huy động từ cộng đồng dân cư 31.727,275 triệu đồng (gồm hiến
đất 169.470,5 m2; 66.183 ngày công; 12.704,205 triệu đồng; 1.391m3
đá, cát, sỏi); huy động từ các tổ chức kinh tế 10.542 triệu đồng.
5. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí
nông thôn mới tỉnh Cao Bằng
Năm 2017, có thêm 05 xã đạt 19 tiêu
chí (đạt 125% so với kế hoạch năm 2016; xã Đức Long, huyện Thạch An không trong
danh sách kế hoạch các xã phấn đấu về đích năm 2017 của tỉnh, song đã tích cực
phấn đấu đạt chuẩn trong năm) nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh
lên 10/177 xã1; có 38 xã đạt 10-14 tiêu chí; 115
xã đạt 5-9 tiêu chí; 14 xã dưới 5 tiêu chí (đã giảm 10 xã dưới 5 tiêu chí, bằng
83,33% so với kế hoạch năm 2016). Số tiêu chí bình quân đạt 8,27 tiêu chí/xã
(tăng 0,94 tiêu chí/xã, bằng 87,85% so với kế hoạch năm 2016).
II. MỤC TIÊU, NHIỆM
VỤ THỰC HIỆN NĂM 2018
1. Mục tiêu
- Phấn đấu có 05 xã đạt chuẩn nông
thôn mới (xã Bế Triều, huyện Hòa An; xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh; xã Phù Ngọc,
huyện Hà Quảng; xã Đình Minh, huyện Trùng Khánh; xã Minh Thanh, huyện Nguyên
Bình).
- Số tiêu chí bình quân/xã tăng thêm
từ 1-1,5 tiêu chí so với năm 2017; phấn đấu bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt
9,4 tiêu chí/xã.
- Giảm 8 xã đạt dưới 05 tiêu chí.
- Tiếp tục duy trì và nâng cao chất
lượng các tiêu chí của 10 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Nhiệm vụ và giải pháp
- Nâng cao hiệu quả công tác truyền
thông, nhân rộng kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới; tổ chức hội nghị chuyên đề
về giải pháp, định hướng thực hiện Chương trình; đẩy mạnh phong trào thi đua
“Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới”.
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo và bộ máy
tham mưu, giúp việc các cấp theo hướng chuyên nghiệp và tăng cường năng lực kiểm
tra, giám sát thực hiện Chương trình.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất
gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị và đảm bảo
an toàn vệ sinh thực phẩm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập
cho người dân nông thôn.
- Tập trung đầu tư phát triển các
công trình hạ tầng cơ bản trên địa bàn xã, thôn, xóm (giao thông, điện, trường
học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi), hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi
trường, trong đó tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Tiếp
tục huy động, lồng ghép, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả các nguồn lực xây dựng
cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ cho người dân
trong sản xuất, sinh hoạt; thực hiện với phương châm "nhân dân làm, nhà nước
hỗ trợ".
- Đầu tư phát triển cơ sở vật chất hệ
thống thông tin và truyền thông nông thôn.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao
năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã, đào tạo nghề
cho lao động nông thôn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã. Tổ chức
tham quan, học tập kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong
nước.
- Thực hiện phổ cập giáo dục mần non
5 tuổi, xóa mù chữ và chống tái mù chữ, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học,
thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi và hỗ trợ phổ cập giáo
dục trung học đúng độ tuổi.
- Từng bước tạo chuyển biến rõ nét về
vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh-sạch-đẹp.
- Xây dựng cơ sở vật chất văn hóa nông
thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, thực hiện tốt
cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
- Giữ vững an ninh trật tự xã hội và
quốc phòng trên địa bàn nông thôn.
- Thực hiện và làm tốt công tác thi
đua khen thưởng, kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho
Chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Thực hiện công tác kiểm tra, giám
sát chương trình.
III. DỰ KIẾN NGUỒN
LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Tổng nguồn lực dự kiến 281.600 triệu
đồng. Trong đó:
1. Ngân sách Trung ương
a) Vốn sự nghiệp: 81.100 triệu đồng,
đã phân bổ tại Quyết định số 223/QĐ-UBND ngày 01/3/2018 của UBND tỉnh Cao Bằng.
b) Vốn đầu tư phát triển: 200.500 triệu
đồng (đã phân bổ tại Quyết định số 2299/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 của UBND tỉnh
Cao Bằng) để thực hiện đầu tư các công trình chuyển tiếp và khởi công mới theo
danh mục dự án được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, 30% kinh phí được giao để thực
hiện các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản theo Quyết định số 20/QĐ-UBND
ngày 10/8/2017 của UBND tỉnh Cao Bằng ban hành quy định cơ chế thực hiện đầu tư
công trình đặc thù theo Nghị định số 161/2016/NĐ-TTg ngày 02/12/2016 của Thủ tướng
Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
2. Dự kiến huy động nguồn lực cộng đồng
và huy động khác: 20.000 triệu đồng.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra giám sát việc thực hiện Kế hoạch này, định
kỳ báo cáo UBND tỉnh Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh về tình hình, tiến độ, kết quả,
những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình tổ chức thực
hiện.
- Triển khai xây dựng kế hoạch sử dụng
vốn đã được UBND tỉnh giao; tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả sơ kết giữa kỳ
giai đoạn 2016-2020.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT các sở, ngành liên quan,
căn cứ các văn bản của Trung ương liên quan đến Chương trình MTQG xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2016-2020 để tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi văn bản do tỉnh
ban hành cho phù hợp với văn bản hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế
của địa phương; xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn phân bổ và sử dụng vốn sự
nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018; rà soát, tham mưu
cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh giai
đoạn 2016-2020.
3. Các sở, ban, ngành liên quan
- Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch
số 656/KH-UBND ngày 15/3/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG xây
dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2020, có trách nhiệm triển khai
nội dung Kế hoạch này; triển khai sử dụng vốn đã được UBND tỉnh giao; hướng dẫn,
kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
- Tiếp tục triển khai giúp đỡ các xã
thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số
592/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 của UBND tỉnh.
4. Các thành viên Ban chỉ đạo
Căn cứ nhiệm vụ được phân công tại
Quyết định số 457/QĐ-BCĐ ngày 05/4/2017 của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương
trình MTQG tỉnh giai đoạn 2016-2020, có trách nhiệm triển khai các nội dung,
nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch này, định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo
theo quy định.
5. UBND các huyện, Thành phố
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển
khai thực hiện Chương trình năm 2018; căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch vốn được giao
và hướng dẫn sử dụng kinh phí của Chương trình, triển khai phân bổ vốn cho các
đơn vị trực thuộc; hướng dẫn, kiểm tra cơ sở đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích,
hiệu quả. Triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công
các công trình, dự án (vốn tập trung); các dự án, đề án, kế hoạch (vốn sự nghiệp)
và giải ngân các nguồn vốn đúng quy định.
- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã tổ
chức xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2018 (chú trọng chỉ đạo, giúp
đỡ các xã thuộc diện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, các xã đạt dưới
05 tiêu chí).
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương
trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2018. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm
hoặc yêu cầu đột xuất, các sở, ban ngành tham gia thực hiện Chương trình và
UBND các huyện, Thành phố báo cáo UBND tỉnh, Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông
nghiệp và PTNT (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh) về tiến độ, kết quả
thực hiện Chương trình báo cáo quý, gửi trước ngày 20 của tháng cuối quý; báo
cáo năm gửi trước ngày 20/11/2018./.
Nơi nhận:
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài
chính, Nông nghiệp và PTNT;
- Văn phòng Điều phối nông thôn mới TW;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh: CT, các PCT;
- Thành viên BCĐ thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh;
- UBND các huyện, Thành phố;
- VP Điều phối nông thôn mới tỉnh; (bản ĐT)
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP; CV: Giang, Hà Trang, Toàn, Trình; (bản ĐT)
- Lưu: VT, NL (Kh 56 b).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Thảo
|
1 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình; xã trường Hà, huyện
Hà Quảng; xã Phòng Châu, huyện Trùng Khánh;
xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên; xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng; xã Nam Tuấn, xã Hồng Việt,
huyện Hòa An; xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh; xã Đào Ngạn,
huyện Hà Quảng; xã Đức Long, huyện Thạch
An.