THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1047/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 08 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ KHAI THÁC VIỄN DƯƠNG VÀ TỔ CHỨC ĐƯA NGƯ
DÂN ĐI KHAI THÁC HẢI SẢN Ở VÙNG BIỂN MỘT SỐ NƯỚC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ
chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước” với các nội dung
sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Tổ chức cho tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản
hợp pháp ngoài vùng biển Việt Nam phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và phát triển
bền vững; phù hợp với đường lối, chủ trương và chính sách đối ngoại của Đảng,
pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
2. Việc tổ chức cho tàu cá và ngư dân đi khai thác
ngoài vùng biển Việt Nam phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật của Việt
Nam, quy định pháp luật của các quốc gia hữu quan, các cam kết quốc tế có liên
quan mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết.
3. Góp phần ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá
vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; thực hiện đầy đủ cam kết chống
đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); tăng cường hợp
tác nghề cá với các nước trong khu vực và các tổ chức quản lý nghề cá thế giới.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Làm điểm tổ chức mô hình đưa doanh nghiệp và ngư
dân đi hợp tác khai thác thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi
trồng thủy sản với một số nước, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm mở rộng các hình
thức hợp tác, từng bước phát triển nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc
tế nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân, giảm thiểu và chấm dứt
tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thúc
đẩy hội nhập và phát triển hợp tác quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn đến 2020
Làm điểm đưa doanh nghiệp - ngư dân sang hợp tác
khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi trồng thủy sản ở
một số quốc gia đã có thỏa thuận hợp tác về nghề cá với Việt Nam; trước mắt là
các nước: Brunei, Papua New Guinea và Micronesia.
b) Giai đoạn 2020 - 2025
Tổ chức mở rộng mô hình liên kết hợp tác sang một số
nước khác và vùng biển quốc tế mà Việt Nam có thỏa thuận hợp tác về nghề cá.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ ĐIỀU
KIỆN
1. Đối tượng
Là doanh nghiệp - chủ tàu - ngư dân (sau đây gọi là
chuỗi liên kết) khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nuôi
trồng thủy sản.
2. Phạm vi triển khai đề án
a) Giai đoạn từ nay đến 2020
- Tổ chức mô hình làm điểm tại 03 tỉnh: Quảng Ngãi,
Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Các nước đã có thỏa thuận hợp tác: Brunei, Papua
New Guinea, Micronesia.
b) Giai đoạn 2020 - 2025
- Mở rộng mô hình chuỗi liên kết khai thác ra các địa
phương: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau và một số
tỉnh khác.
- Các nước: các nước trong khu vực; các nước quốc đảo
ở Thái Bình Dương và các nước có thỏa thuận, hợp tác về nghề cá với Việt Nam.
- Các vùng biển do các tổ chức nghề cá khu vực quản
lý: WCPFC, IOTC.
3. Điều kiện:
- Có đề án tổ chức đưa tổ hợp chuỗi liên kết khai
thác do doanh nghiệp chủ trì, đề xuất được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận, phê
duyệt.
- Có hợp đồng liên doanh, liên kết với đối tác nước
ngoài hoặc Giấy phép của nước sở tại.
- Tàu cá tham gia khai thác hải sản ngoài vùng biển
Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện và quy định của pháp luật Việt Nam và các
quy định luật pháp quốc tế, nước sở tại.
- Doanh nghiệp, chủ tàu, ngư dân phải chấp hành tốt
chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa
phương.
IV. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN
1. Lựa chọn doanh nghiệp
- Tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, ngư
dân về các thỏa thuận hợp tác về nghề cá mà Việt Nam đã ký kết với các nước, Đề
án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải
sản ở vùng biển một số nước để làm cơ sở thực hiện.
- Lựa chọn các doanh nghiệp đủ năng lực, đủ điều kiện
tham gia thực hiện, tuân thủ các quy định tại Quyết định này.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp
- Hướng dẫn cho các doanh nghiệp về nội dung của Đề
án này và các thủ tục cần thiết, các chính sách hỗ trợ, các quy định của nước sở
tại; cung cấp thông tin ngư trường, nguồn lợi để doanh nghiệp chủ động xây dựng
đề án hợp tác khai thác viễn dương trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp về thủ tục pháp lý của
Việt Nam, các nước sở tại và giải đáp các vướng mắc khác có liên quan.
3. Phê duyệt chấp thuận đề án của doanh nghiệp
- Trên cơ sở đề án của doanh nghiệp, Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến.
- Sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt chấp thuận đề án
của doanh nghiệp để làm cơ sở triển khai, thực hiện.
4. Tổ chức đi khai thác
- Sau khi đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận,
chủ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(Tổng cục Thủy sản) cấp giấy phép cho tàu cá đi khai thác hải sản ngoài vùng biển
Việt Nam.
- Sau khi được cấp giấy phép, doanh nghiệp xây dựng
kế hoạch đưa tàu cá và ngư dân đi; thông báo đến các cơ quan liên quan về thời
điểm xuất phát; thời gian, hành trình mà tàu đi qua vùng biển các nước.
- Bộ Quốc phòng (lực lượng Biên phòng) kiểm tra các
thủ tục xuất, nhập cảnh theo đúng quy định.
- Bộ Ngoại giao tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo
hộ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân, tàu cá và doanh nghiệp Việt Nam theo
hải trình di chuyển từ vùng biển Việt Nam đến vùng biển nước bạn và trong quá
trình hợp tác khai thác theo quy định.
V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Chính sách hỗ trợ
a) Hỗ trợ chi phí nhiên liệu
- Hỗ trợ một lần 100% chi phí nhiên liệu 01 chuyến
đi (01 lượt đi) cho các tàu cá xuất bến từ cảng Việt Nam đến vùng biển các nước
có hợp tác khai thác.
- Chi phí hỗ trợ nhiên liệu cho chuyến đi được chi
trả sau khi đã hoàn thành việc hợp tác khai thác ở các nước và trở về Việt Nam.
b) Hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm
Hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% chi
phí mua bảo hiểm thuyền viên làm việc trên tàu cá.
c) Hỗ trợ thiết bị thông tin
Hỗ trợ một lần 100% thiết bị đầu cuối giám sát hành
trình có tích hợp kết nối định vị vệ tinh (VMS) lắp đặt trên tàu cá để giám sát
hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển các nước.
d) Chính sách ưu đãi thuế
Doanh nghiệp có tàu cá đi khai thác hải sản hợp
pháp ở vùng biển các nước mang sản phẩm khai thác được nhập khẩu về Việt Nam có
xác nhận của nước sở tại về nguồn gốc sản phẩm khai thác tại vùng biển các nước
này thì được miễn thuế nhập khẩu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đến hết
năm 2020. Điều kiện, thủ tục, hồ sơ để được miễn thuế nhập khẩu thực hiện theo
quy định của Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2021 trở đi, Thủ tướng Chính phủ xem
xét, quyết định cụ thể chính sách ưu đãi và phạm vi, đối tượng được miễn thuế
nhập khẩu phù hợp theo tình hình thực tế.
2. Nguồn kinh phí thực hiện
a) Kinh phí triển khai
Từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho ngân sách
địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017 - 2020 theo
Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Thời hạn hỗ trợ: đến hết năm 2020.
3. Về hợp tác quốc tế
- Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, lựa chọn
đối tác hợp tác và làm việc với các cơ quan quản lý để hợp tác khai thác hải sản
và hợp tác các lĩnh vực khác trên cơ sở thỏa thuận, hợp tác nghề cá mà Việt Nam
đã ký kết với nước sở tại.
- Hỗ trợ các thủ tục pháp lý để đưa tàu cá và ngư
dân đi khai thác hợp pháp ở ngoài vùng biển Việt Nam.
- Thông báo cho các nước có vùng biển mà tàu cá sẽ
di chuyển qua khi đi khai thác ở vùng biển các nước đã có hợp tác.
- Xử lý các vấn đề tranh chấp pháp lý, bảo hộ công
dân.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương liên
quan tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án.
- Thành lập Tổ công tác, hướng dẫn các địa phương
thẩm định, phê duyệt chấp thuận Đề án của doanh nghiệp khi tổ chức đưa tàu cá
và ngư dân đi khai thác ở vùng biển các nước.
- Thiết lập hệ thống thông tin để kiểm tra, giám
sát, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình đưa tàu cá và ngư dân
đi khai thác hải sản ở vùng biển các nước.
- Có ý kiến bằng văn bản đối với đề án hợp tác của
các doanh nghiệp mà Ủy ban nhân dân tỉnh gửi xin ý kiến.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đàm
phán ký kết hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quản lý nghề cá
trên thế giới để đưa tàu và ngư dân đi khai thác theo đúng mục tiêu của Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp
và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết hoặc
gia nhập Điều ước quốc tế về hợp tác nghề cá và các hình thức hợp tác khác về
nghề cá để đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở ngoài vùng biển Việt Nam.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức
huy động đóng góp của doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác hải sản
tham gia Đề án, đóng góp của các Hội nghề nghiệp; đóng góp của các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước; đồng thời rà soát, xác định phần ngân sách nhà nước lồng
ghép với chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác.
- Thông báo cho Bộ Ngoại giao danh sách doanh nghiệp,
tàu cá khai thác hải sản ở ngoài vùng biển Việt Nam trong hợp tác nghề cá với
các nước.
- Tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà
nước, chi tiết theo chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên để thực hiện Đề
án, gửi Bộ Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
- Hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình
thực hiện. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án vào cuối năm 2020
và đề xuất tiếp tục thực hiện đề án sau 2020.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc phạm
vi thực hiện Đề án
- Chủ trì hướng dẫn xây dựng, phê duyệt chấp thuận
Đề án của các doanh nghiệp đăng ký tham gia hợp tác và tổ chức đưa tàu cá, ngư
dân đi khai thác hải sản tại vùng biển các nước.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát
quá trình thực hiện Đề án hợp tác của các doanh nghiệp tại địa phương.
- Bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ triển khai
Đề án thuộc trách nhiệm của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước
và các văn bản hướng dẫn.
- Tuyên truyền phổ biến và tạo điều kiện thuận lợi
cho các doanh nghiệp thực hiện các Thỏa thuận hợp tác khai thác thủy sản đã được
ký kết.
- Phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành liên
quan, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những
vấn đề vượt thẩm quyền.
3. Bộ Tài chính
- Cân đối bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Đề án
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn thẩm định, tổng hợp dự toán chi thường xuyên từ ngân sách trung ương
để thực hiện Đề án, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc lập dự toán,
phê duyệt và thanh toán kinh phí được thực hiện theo quy định của Luật Ngân
sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.
- Hướng dẫn việc chi trả, thực hiện các chính sách
theo Quyết định này.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Tài chính thẩm định, tổng hợp dự toán chi đầu tư từ ngân sách trung
ương để thực hiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
5. Bộ Ngoại giao
- Chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến
hành các biện pháp bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân, tàu cá và doanh
nghiệp Việt Nam trong quá trình hợp tác khai thác trong trường hợp cần thiết.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tổ chức đàm phán ký kết hợp tác để đưa tàu và ngư dân đi khai thác ở vùng
biển các nước theo đúng mục tiêu của Đề án.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn trong việc nghiên cứu, đề xuất và triển khai công tác ký kết, gia nhập và
thực hiện Điều ước quốc tế về hợp tác nghề cá, cung cấp thông tin liên quan đến
việc ban hành các công ước, Hiệp ước quốc tế về quản lý nghề cá trong khu vực
và trên thế giới.
6. Bộ Quốc phòng
- Chỉ đạo lực lượng Biên phòng phối hợp với các địa
phương trong việc lựa chọn doanh nghiệp; chủ tàu đủ điều kiện tham gia thực hiện
Đề án; kiểm tra chặt chẽ người và phương tiện trước khi xuất bến đi khai thác hải
sản ở vùng biển các nước phải đảm bảo đúng các quy định.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các
lực lượng của các nước đã có quan hệ hợp tác đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu
cá đi qua và thực hiện hợp tác theo Đề án này.
7. Bộ Công an
- Cấp hộ chiếu cho ngư dân theo quy định của pháp
luật.
- Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương nắm tình
hình liên quan đến an ninh, trật tự hoạt động hợp tác đưa ngư dân và tàu cá ra
nước ngoài khai thác hải sản, để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và
trao đổi, hướng dẫn các tổ chức doanh nghiệp phục vụ công tác phòng ngừa, đồng
thời phát hiện và xử lý đối với các đối tượng tổ chức đưa tàu và ngư dân ra nước
ngoài khai thác hải sản trái phép.
- Phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền,
phổ biến pháp luật của nước sở tại cho doanh nghiệp, ngư dân khi đi hợp tác
khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản với nước ngoài.
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao bảo vệ quyền lợi, lợi
ích hợp pháp của ngư dân trong quá trình đi khai thác ngoài vùng biển Việt Nam.
8. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Hướng dẫn, quản lý lao động xuất khẩu theo quy định,
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân tham gia hợp tác khai thác hải sản
ở nước ngoài theo Đề án.
- Chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn xây dựng chương trình, đào tạo nghề cho ngư dân phát triển nghề
khai thác viễn dương.
- Phối hợp với các bộ, ngành tham gia đàm phán hiệp
định, thỏa thuận với các quốc gia, vùng lãnh thổ tổ chức về các vấn đề liên
quan đưa lao động Việt Nam sang làm việc ở nước ngoài.
9. Các bộ, ban, ngành, hội, hiệp hội liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành liên quan khác tổ chức
thực hiện Đề án này.
Điều 2. Điều khoản thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển
trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Hội Nghề cá Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình Dũng
|