ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
12 tháng 01 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG BIÊN CHẾ KHỐI CHÍNH QUYỀN CỦA TỈNH NINH
BÌNH GIAI ĐOẠN 2022-2026
Thực hiện Kế hoạch số 97-KH/TU
ngày 21/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý biên chế tỉnh Ninh Bình
giai đoạn 2022-2026; Kế hoạch số 98-KH/TU ngày 21/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh
ủy về sử dụng biên chế tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2026 và ý kiến chỉ đạo của
Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch quản
lý và sử dụng biên chế khối chính quyền giai đoạn 2022-2026 như sau:
I. CĂN CỨ
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
2. Nghị định số 62/2020/NĐ-CP
ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức;
3. Nghị định số 106/2020/NĐ-CP
ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc
trong đơn vị sự nghiệp công lập;
4. Kết luận số 40-KL/TW ngày
18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ
thống chính trị giai đoạn 2022-2026;
5. Quy định số 70-QĐ/TW ngày
18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị;
6. Quyết định số 71-QĐ/TW ngày
18/7/2022 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn
2022-2026;
7. Quyết định số 72-QĐ/TW ngày
18/7/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ
chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực
thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026;
8. Quyết định số 51-QĐ/BTCTW
ngày 28/9/2022 của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế tỉnh Ninh Bình giai đoạn
2022-2026;
9. Quyết định số 134-QĐ/BTCTW
ngày 28/9/2022 của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của tỉnh Ninh Bình năm
2022;
10. Kế hoạch số 97-KH/TU ngày
21/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý biên chế tỉnh Ninh Bình giai đoạn
2022-2026;
11. Kế hoạch số 98-KH/TU ngày
21/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sử dụng biên chế tỉnh Ninh Bình giai đoạn
2022-2026.
II. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Triển khai thực hiện nghiêm
công tác quản lý để bố trí, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm biên chế được giao
giai đoạn 2022-2026; đảm bảo mục tiêu đến hết năm 2026 tinh giản ít nhất 5%
biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ
ngân sách nhà nước theo quy định.
2. Yêu cầu
2.1. Đề ra các nội dung, nhiệm
vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp để thực hiện đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả Kế
hoạch quản lý, sử dụng biên chế giai đoạn 2022-2026.
2.2. Bố trí, sử dụng chỉ tiêu
biên chế được giao theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm
vụ của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện tinh giản biên chế có trọng tâm, trọng
điểm, không cào bằng, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
và sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
III. NỘI
DUNG KẾ HOẠCH
1. Kế hoạch
quản lý biên chế giai đoạn 2022-2026
1.1. Về biên chế năm 2022 và
giai đoạn 2022-2026
a) Biên chế năm 2022
Tại Nghị quyết số 126/NQ-HĐND
ngày 10/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình quyết nghị giao số biên chế
năm 2022 với 1.545 biên chế công chức, 18.897 người làm việc trong các đơn vị sự
nghiệp công lập. Đối với số lượng người làm việc trong các Hội quần chúng được
Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 13/QĐ-UBND
ngày 07/01/2022 giao 67 người.
Ngày 28/9/2022, Ban Tổ chức
Trung ương ban hành Quyết định số 134-QĐ/BTCTW về biên chế khối chính quyền của
tỉnh Ninh Bình năm 2022 là 20.828 biên chế, trong đó:
- 1.545 cán bộ, công chức.
- 19.283 viên chức hưởng lương
từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, số giao biên chế hiện
nay của tỉnh không vượt quá số giao của Ban Tổ chức Trung ương.
b) Biên chế giai đoạn 2022-2026
Ngày 28/9/2022, Ban Tổ chức
Trung ương ban hành Quyết định số 51-QĐ/BTCTW về biên chế của tỉnh Ninh Bình
giai đoạn 2022-2026. Theo đó, đến hết giai đoạn 2022-2026, biên chế khối chính
quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng
được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ của tỉnh Ninh Bình là 18.823 biên chế, trong
đó:
- 1.468 cán bộ, công chức.
- 17.355 viên chức hưởng lương
từ ngân sách nhà nước.
Ngoài số biên chế nêu trên, Ban
Tổ chức Trung ương bổ sung 462 biên chế
giáo viên cho sự nghiệp giáo dục
mầm non và phổ thông công lập năm học 2022-2023 (của giai đoạn 2022-2026) và thực
hiện tinh giản biên chế theo quy định.
1.2. Về cắt giảm biên chế giai
đoạn 2022-2026
Để đảm bảo mục tiêu giai đoạn
2022-2026 tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên
chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đề ra tại Kết luận số 40-KL/TW
ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, số biên chế còn phải cắt giảm của tỉnh Ninh
Bình giai đoạn 2022-2026 so với số giao của Ban Tổ chức Trung ương năm 2022 và
biên chế bổ sung sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học
2022-2023 của giai đoạn 2022-2026 là: 77 biên chế công chức; 1.974 viên chức
(người làm việc) hưởng lương từ ngân sách nhà nước . Dự kiến cắt giảm cụ thể
như sau:
a) Cắt giảm cán bộ, công chức: Các
năm 2023, 2024, 2025 mỗi năm cắt 19 biên chế, năm 2026 cắt 20 biên chế.
b) Cắt giảm viên chức hưởng
lương từ ngân sách nhà nước: Năm 2023 cắt giảm 482 người (đồng thời bổ sung 462
biên chế giáo viên trong sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học
2022-2023 của giai đoạn 2022-2026); năm 2024 và 2025 mỗi năm cắt giảm 497 người,
năm 2026 cắt giảm 498 người.
2. Kế hoạch
sử dụng biên chế từng năm, từ năm 2023 đến năm 2026
2.1. Dự kiến số giao biên chế từng
năm, từ năm 2023 đến năm 2026
a) Căn cứ
- Kết luận số 40-KL/TW ngày
18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ
thống chính trị giai đoạn 2022-2026: “Giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính
trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế
viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
- Quyết định số 72-QĐ/TW ngày
18/7/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ
chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực
thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026; ngày 28/9/2022, Ban Tổ chức Trung ương
ban hành Quyết định số 51-QĐ/BTCTW về biên chế của tỉnh Ninh Bình giai đoạn
2022-2026. Theo đó:
+ Đến hết giai đoạn 2022-2026,
biên chế khối chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công
lập, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ của tỉnh Ninh Bình là
18.823 biên chế, gồm: 1.468 cán bộ, công chức và 17.355 viên chức hưởng lương từ
ngân sách nhà nước.
+ Ngoài số biên chế nêu trên, dự
kiến năm 2023 thực hiện bổ sung 462 biên chế giáo viên trong sự nghiệp giáo dục
mầm non và phổ thông công lập năm học 2022-2023 (của giai đoạn 2022-2026). Đồng
thời, thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo Kết luận số 40-KL/TW ngày
18/7/2022 của Bộ Chính trị, đến năm 2026 tổng số viên chức hưởng lương từ ngân
sách nhà nước giảm 10% theo quy định.
Như vậy, năm 2026, tổng biên chế
khối chính quyền của tỉnh Ninh Bình là 19.239 biên chế, bao gồm: 1.468 cán bộ,
công chức và 17.771 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trường hợp
trong giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương có quyết định
giao bổ sung thêm biên chế giáo viên cho các năm học tiếp theo năm học
2022-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thực hiện
điều chỉnh tổng số lượng người
làm việc đúng quy định.
b) Dự kiến số giao biên chế từng
năm
Để bảo đảm lộ trình cắt giảm
biên chế giai đoạn 2022-2026, Ủy ban nhân dân tỉnh dự kiến số giao biên chế của
tỉnh Ninh Bình từng năm như sau:
STT
|
Nội dung
|
Năm 2022
|
Năm 2023
|
Năm 2024
|
Năm 2025
|
Năm 2026
|
Ghi chú
|
|
TỔNG
|
20.828
|
20.789
|
20.273
|
19.757
|
19.239
|
|
1
|
Biên chế công chức
|
1.545
|
1.526
|
1.507
|
1.488
|
1.468
|
|
2
|
Tổng số lượng người làm
việc
|
19.283
|
19.2631
|
18.766
|
18.269
|
17.771
|
|
Hàng năm, căn cứ văn bản chỉ đạo
của Trung ương, kế hoạch sử dụng biên chế của tỉnh, Quyết định giao biên chế của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy
ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai giao biên chế khối chính quyền tỉnh Ninh
Bình theo quy định.
2.2. Dự kiến phân bổ số bổ sung
biên chế giáo viên
Đối với 462 biên chế giáo viên
bổ sung cho sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2022-2023,
khi có quyết định giao bổ sung biên chế của Trung ương, căn cứ các quy định về
quản lý biên chế, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tổ chức triển khai phân bổ bổ sung
theo quy định.
3. Một số
giải pháp trọng tâm
3.1. Rà soát, hoàn thiện các
quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; mối quan hệ công tác giữa các cơ
quan, tổ chức, đơn vị
Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào
Thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, hoàn thiện các quy định về
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc
(nếu có); hoàn thiện mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo
đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, một cơ quan có thể làm nhiều việc
nhưng một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện.
3.2. Triển khai xây dựng kế hoạch
sử dụng biên chế giai đoạn 2022-2026 của từng cơ quan, đơn vị
Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình
hình thực tế và mục tiêu cắt giảm biên chế theo các quy định của Trung ương,
xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế giai đoạn 2022-2026, trong đó dự kiến việc sử
dụng biên chế từng năm (từ năm 2023 đến năm 2026) của cơ quan, đơn vị mình. Chủ
động đề xuất phương án cắt giảm biên chế, trên tinh thần bảo đảm mục tiêu tinh
giản biên chế ít nhất 5% đối với cơ quan, tổ chức hành chính và ít nhất 10% đối
với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.
3.3. Thực hiện sắp xếp lại cơ cấu
tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
thuộc phạm vi quản lý của tỉnh
- Đối với các cơ quan, tổ chức
hành chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế của địa
phương, đơn vị tiếp tục thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng
tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp
công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh: Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại trên cơ
sở quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quyết định số 1584/QĐ-UBND ngày
29/11/2018 về việc phê duyệt Đề án tổng thể kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công
lập thuộc khối nhà nước trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với tình hình thực
tiễn và mục tiêu phát triển của ngành, địa phương, đặc biệt là các đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
3.4. Đẩy mạnh cơ cấu lại đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế
- Các cơ quan, đơn vị căn cứ
vào quy định, hướng dẫn của Bộ quản lý chuyên ngành về đề án vị trí việc làm
theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của
Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức và tại khoản 1, khoản 2 Điều
21 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày
10/9/2020 của Chính phủ về vị
trí việc làm và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp
tục thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ
quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo
vị trí việc làm.
- Tiếp tục thực hiện tinh giản
biên chế; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi theo
Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản
biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ; Nghị định số 143/2020/NĐ-CP
ngày 10/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
108/2014/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP , nhất là đối với cán bộ, công chức,
viên chức sức khỏe giảm sút.
- Rà soát, xây dựng cơ chế,
chính sách của tỉnh về việc hỗ trợ công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng.
3.5. Thực hiện tuyển dụng biên
chế có chọn lọc, có chính sách thu hút, ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao,
được đào tạo bài bản
- Thực hiện tuyển dụng công chức,
viên chức đi đôi với đảm bảo mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026.
- Tăng cường thực hiện chính
sách thu hút nhân tài theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của
Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất
sắc, cán bộ khoa học trẻ.
3.6. Nâng cao mức độ tự chủ
trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công
- Căn cứ Nghị định số
60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý
ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp
công lập, phê duyệt Phương án tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên cho các đơn vị
sự nghiệp công lập đủ điều kiện; tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện đổi mới,
sáng tạo trong cung ứng dịch vụ, vừa bảo đảm sự thông suốt trong cung ứng dịch
vụ sự nghiệp công, vừa tạo nguồn thu cho đơn vị.
- Thực hiện chủ trương đổi mới
cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng xã hội hóa, tiếp
cận theo nguyên tắc thị trường trong việc cung cấp dịch vụ công; chuyển đổi các
đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần khi đủ điều kiện. Đối với một số
lĩnh vực như y tế, giáo dục, khuyến khích sự tham gia của các nguồn lực tư nhân
trong cung ứng dịch vụ, giảm tải cho hệ thống trường công, bệnh viện công, đồng
thời vẫn bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng dạy học trong các đơn
vị.
- Phấn đấu đến hết năm 2025 có
tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (theo mục
tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII).
3.7. Thực hiện giao số lượng
người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp
công lập bảo đảm một phần chi thường xuyên, thay thế cho số lượng người làm việc
hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị này theo hướng dẫn của bộ,
ngành Trung ương.
3.8. Đẩy mạnh áp dụng khoa học,
công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ sự
nghiệp công. Triển khai các giải pháp gắn tinh giản biên chế với đẩy mạnh áp dụng
khoa học, công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và cung ứng
dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng suất làm việc và hiệu quả công việc trong
các cơ quan, đơn vị, nhất là một số ngành như giáo dục, y tế, tài chính…
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nội vụ
- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân
dân tỉnh thực hiện các nội dung về quản lý và sử dụng biên chế theo Kế hoạch
này.
- Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp
tình hình sử dụng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, số
lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp
công lập và các Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc phạm vi
quản lý của tỉnh. Định kỳ hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh hoặc cấp có thẩm quyền.
- Thẩm định và phê duyệt kế hoạch
tuyển dụng viên chức của các cơ quan, đơn vị; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt kế hoạch tuyển dụng công chức, trên cơ sở bảo đảm lộ trình và mục tiêu
tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
thực hiện giao số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, đồng
thời cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong
các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sau khi có
hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương.
- Hàng năm, căn cứ văn bản chỉ
đạo của Trung ương, Kế hoạch sử dụng biên chế của tỉnh, Quyết định giao biên chế
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy
ban nhân dân tỉnh thực hiện giao biên chế khối chính quyền tỉnh Ninh Bình theo
quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tổng
thể tiếp tục thực hiện sắp xếp lại các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp
công lập trên địa bàn tỉnh, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức. Thời gian hoàn thành: trước ngày 30/9/2023.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
triển khai thực hiện phân bổ biên chế cho các cơ quan, đơn vị theo quy định sau
khi có Quyết định giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông
công lập giai đoạn 2022-2026 của cấp có thẩm quyền.
- Đôn đốc các cơ quan, đơn vị
xây dựng và hoàn thiện đề án vị trí việc làm theo hướng dẫn của các Bộ quản lý
ngành, lĩnh vực làm cơ sở để thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
2. Sở Tài chính
- Căn cứ khả năng ngân sách của
tỉnh và các các quy định của pháp luật, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí
kinh phí thực hiện Kế hoạch.
- Căn cứ hướng dẫn của Bộ,
ngành Trung ương, thực hiện thẩm định mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự
nghiệp công lập, định kỳ hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh để làm cơ sở cho việc phê duyệt Phương án tự chủ tài chính của đơn vị khi
đủ điều kiện.
- Thống kê, theo dõi tình hình
tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Thông tin và Truyền
thông
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban
Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số
đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
chỉ đạo triển khai đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước
và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; từ đó nâng cao hiệu quả làm việc, làm căn cứ
tinh giản biên chế trong các cơ quan đơn vị, đặc biệt là các ngành y tế, giáo dục,
tài chính,…
5. Các sở, ban, ngành, đơn vị
sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, các Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc phạm vi
quản lý của tỉnh
- Tổ chức quán triệt, triển
khai thực hiện nội dung Kế hoạch này tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý; xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế
giai đoạn 2022-2026, trong đó dự kiến việc sử dụng biên chế từng năm từ năm
2023 đến năm 2026, có lộ trình tinh giản biên chế bảo đảm chủ trương của Trung
ương, đồng thời đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm làm cơ sở quản lý, sử dụng có
hiệu quả nguồn nhân lực, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ). Thời gian hoàn
thành: trước ngày 30/5/2023.
- Hàng năm, xây dựng báo cáo kết
quả công tác bố trí, sử dụng biên chế (số liệu tính đến ngày 30/5) và đề xuất kế
hoạch sử dụng biên chế của năm tiếp theo gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội
vụ), hoàn thành trước ngày 02/6 hàng năm.
- Có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh
mức độ tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng cường xã hội hóa trong
cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; phấn đấu đến hết năm 2025 có tối thiểu 20% đơn
vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (theo mục tiêu đã đề ra tại
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XII); trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) quyết định chuyển đơn vị sự
nghiệp công lập thành công ty cổ phần khi đơn vị đảm bảo đủ điều kiện theo quy
định.
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả
số biên chế được giao. Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố thực hiện tuyển dụng, bố trí biên chế giáo viên hợp lý, bảo đảm mục
tiêu “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, đồng thời đảm bảo mục tiêu
tinh giản biên chế theo quy định.
- Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại
các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố quyết định việc sắp xếp lại các trường mầm non, trường tiểu học, trường
trung học cơ sở, trường phổ thông liên cấp (có cấp học cao nhất là trung học cơ
sở) theo Quyết định số 1584/QĐ-UBND ngày 29/11/2018 về việc phê duyệt Đề án tổng
thể kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối nhà nước trên địa bàn tỉnh,
trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân và phù hợp với nhu cầu, điều kiện
thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể.
Trên đây là Kế hoạch quản lý, sử
dụng biên chế khối chính quyền của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2026, Ủy ban
nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực nghiêm túc, có hiệu
quả nội dung Kế hoạch./.
Nơi nhận:
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh;
- Các Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP1, VP7.
PH_KHNV
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Quang Thìn
|
1 Trong đó bao gồm 462 biên chế giáo
viên bổ sung cho sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học
2022-2023.