Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 74/NQ-HĐND 2022 hoạt động chất vấn tại Kỳ họp 10 khóa X Đà Nẵng

Số hiệu: 74/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng Người ký: Lương Nguyễn Minh Triết
Ngày ban hành: 15/12/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/NQ-HĐND

Đà Nẵng, ngày 15 tháng 12 năm 2022

NGHỊ QUYẾT

VỀ HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 10 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021-2026

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021-2026, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;

Căn cứ Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân thành phố (HĐND) thống nhất, đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và cử tri trong thành phố.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn có 32 đại biểu đăng ký chất vấn với 78 nội dung, trong đó thực hiện chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp 42 nội dung đối với 04 Sở, ngành gồm: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư và chất vấn Chủ tịch UBND quận Hải Châu; đề nghị trả lời bằng văn bản đối với 36 nội dung thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố và các Sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, Bảo hiểm Xã hội thành phố.

Nội dung chất vấn ngắn gọn, trọng tâm, tập trung vào những vấn đề về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc, nổi cộm liên quan đến đời sống người dân; có những vấn đề mới phát sinh, có những vấn đề đã tồn tại, kéo dài nhưng chưa được khắc phục. Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, các thành viên UBND thành phố đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó làm sáng tỏ một số vấn đề được nhân dân và cử tri quan tâm.

Điều 2. HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ngành tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. Cụ thể:

1. Về lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

- Tổ chức rà soát, đánh giá công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; rà soát nhu cầu trường, lớp tại các địa phương để tiếp tục tăng cường đầu tư cho việc xây dựng, sửa chữa trường, lớp, nhất là với các địa phương có tốc độ dân số cơ học gia tăng nhanh. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, kêu gọi đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như giảm tải cho các trường công lập trên địa bàn thành phố.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, cân đối bố trí nguồn lực thực hiện Đề án theo đúng thời gian quy định, trong đó cần quan tâm rà soát các công trình trường học đã xuống cấp nghiêm trọng để ưu tiên bố trí vốn đầu tư, sửa chữa như: Trường Trung học Phổ thông Phan Thành Tài, Trường Tiểu học Lâm Quang Thự (huyện Hòa Vang); Trường Tiểu học Hồng Quang, Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu); Trường Tiểu học Thái Thị Bôi (quận Cẩm Lệ)... trong năm 2023.

- Nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng sỉ số học sinh trong 01 lớp học vượt quá quy định, nhất là các trường Trung học cơ sở và trường Tiểu học trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Tiếp tục có giải pháp và hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức việc dạy học 2 buổi/ngày theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo quyền lợi của học sinh và chất lượng học tập.

- Nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ năm học 2021 - 2022 để triển khai thực hiện hiệu quả trong những năm đến. Tiếp tục đánh giá, rà soát danh mục, trang thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là các thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ dạy học đối với cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở, đảm bảo theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

- Các ngành và các địa phương cần phối hợp, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức thi tuyển giáo viên tại các địa phương cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong công tác tuyển dụng và bố trí đủ nguồn giáo viên cho các trường học trước khi bước vào năm học mới. Tiếp tục rà soát, khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2025”. Trong đó, tổ chức triển khai hoàn thành trong quý I năm 2023 việc hỗ trợ tư vấn định hướng phân luồng nghề nghiệp năm học 2022-2023; đồng thời, tổ chức sơ kết, đánh giá việc triển khai Đề án, hoàn thành trong quý III năm 2023.

- Tổ chức tổng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy và vệ sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố, hoàn thành trong quý I năm 2023. Triển khai tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật, tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, học viên và sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Tổ chức hướng dẫn nội dung diễn tập về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở giáo dục.

- Tiếp tục đề ra các giải pháp hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Thường xuyên rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc ... để kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

- Tăng cường giải pháp đột phá để thoát nghèo bền vững, tổ chức tốt công tác đánh giá phân loại hộ nghèo; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành các chính sách, huy động các nguồn lực nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, người yếu thế có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội, có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp dân cư và người nghèo, nhằm góp phần thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững.

- Chủ động hoạch định, gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu thị trường, thực hiện phương châm “Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm”, trong đó, ưu tiên đào tạo các ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần, có hiệu quả cao về việc làm và thu nhập. Rà soát những điểm chưa phù hợp của Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND ngày 10/10/2016 của UBND thành phố về ban hành quy định chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để điều chỉnh, sửa đổi cho đúng với quy định, hoàn thành trong tháng 12 năm 2023.

- Tập trung rà soát các chính sách an sinh xã hội đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định và thực tế. Trong đó, đề nghị rà soát, nghiên cứu trình HĐND thành phố trong năm 2023 các nội dung: Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 75/2021/NQ-HĐND ngày 17/12/2021 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND thành phố thông qua mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố; Dự thảo Nghị quyết số sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 334/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND thành phố về quy định các nội dung, mức chi và chế độ hỗ trợ công tác dự phòng nghiện, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng, mức quà tặng cho trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ ốm đau thường xuyên có hoàn cảnh khó khăn và thăm các đơn vị, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ em và người cao tuổi nhân Tháng hành động trẻ em và ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tết Trung thu, Ngày Người khuyết tật Việt Nam, Tháng hành động người cao tuổi, Tháng hành động bình đẳng giới; Dự thảo Nghị quyết chính sách trợ cấp thường xuyên và đột xuất đối với người có công cách mạng đang hưởng mức trợ cấp thấp và người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

- Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng bị bệnh hiểm nghèo, đau ốm nặng.

2. Về lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách

- Tổ chức đánh giá, rà soát để sớm đề ra các giải pháp căn cơ nhằm chuyển dịch kinh tế bền vững hơn, đảm bảo theo đúng định hướng. Một số ngành trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, công nghệ cao, đề nghị xác định nhiệm vụ, giải pháp phát triển cụ thể, mang tính dài hạn hơn để hướng đến phát triển kinh tế thành phố theo hướng “sâu và bền vững”.

- Triển khai có hiệu quả Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư của các công ty, tập đoàn công nghiệp đa quốc gia, gắn với chú trọng phát triển nhà cung cấp nội địa; hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp chủ lực, các cụm liên kết ngành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên địa bàn thành phố nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa và kết nối, dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

- Khẩn trương có kế hoạch, phương án đôn đốc hoàn thành các thủ tục đầu tư để phân bổ nguồn vốn 1.671 tỷ đồng (Dư nguồn chờ phân bổ) tại kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Đối với nguồn vốn xây dựng cơ bản bổ sung cho UBND các quận, chỉ đạo UBND các quận khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư, hoàn thành sớm trong quý I năm 2023, chậm nhất quý II năm 2023 để đề xuất bố trí kế hoạch vốn cụ thể cho từng công trình, dự án. Tiếp tục rà soát ưu tiên tăng cường vốn xây dựng cơ bản để xử lý các vấn đề bức xúc, dân sinh tại các địa phương như: vỉa hè, cống thoát nước, đường sá xuống cấp, mở rộng kiệt hẻm, xử lý tình trạng ngập úng, đầu tư xây dựng công viên cây xanh, vườn dạo trong khu dân cư; đầu tư nhà sinh hoạt cộng đồng, điện chiếu sáng, chợ dân sinh... Rà soát, tăng cường việc phân cấp, ủy quyền phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

- Xem xét bố trí đủ vốn trong trung hạn để đảm bảo triển khai thi công, công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp đối với công trình Công viên 29-3 và nghiên cứu phương án, lộ trình đầu tư Hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp giữa năm 2023.

- Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án bảo tồn và tôn tạo di tích Chăm Phong Lệ, hoàn thành trong năm 2023; trước mắt tập trung vào các hạng mục nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp cận, bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo di tích Chăm Phong Lệ. Ưu tiên bố trí vốn và hoàn thành các thủ tục có liên quan để triển khai dự án đậy kín tuyến kênh hở tại khu vực đường Hồng Thái - Tân Trào trong quý IV năm 2023.

- Chỉ đạo khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết, giải phóng mặt bằng còn vướng của dự án Bàu Gia Phước, phấn đấu hoàn thành công trình theo tiến độ đã cam kết vào quý III năm 2023.

- Nhanh chóng hoàn thành công tác đầu tư và đưa vào khai thác các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để sớm xử lý dứt điểm việc di chuyển các cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu dân cư theo kế hoạch đã được phê duyệt. Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, hoàn thành dứt điểm các hồ sơ giải tỏa còn lại và sớm đưa vào khai thác sử dụng vận hành Cụm công nghiệp Cẩm Lệ. Phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam. Hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2 trong quý II năm 2023. Tiếp tục bám sát các bộ ngành Trung ương để tiến hành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chủ trương đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Hòa Ninh, Hòa Nhơn. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai hoàn thành việc chuyển đổi Khu phụ trợ dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng thành Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

- Chỉ đạo hoàn thành trong quý II năm 2023 nội dung đề xuất các giải pháp thực hiện ngầm hóa lưới điện kết hợp với ngầm hóa hệ thống điện chiếu sáng, cáp viễn thông, truyền hình hiện hữu và cải tạo vỉa hè.

- Thường xuyên quan tâm, theo dõi việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố, đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới nhiều hoạt động như giao thông, vận tải, logictis, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2023. Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tăng cường nắm bắt tình hình cung ứng xăng dầu của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... đặc biệt trong thời gian cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão.

- Nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, quản lý và khai thác chợ Cồn, trong trường hợp, xác định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, đề nghị khẩn trương rà soát cơ sở pháp lý hoàn thành các thủ tục liên quan để sớm triển khai phương án theo quy định. Hoàn thành đầu tư và triển khai thi công chợ Hòa Hiệp Bắc trong quý III năm 2023.

- Chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, có giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.

- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo hướng lựa chọn ra dự án thực sự trọng điểm, quan trọng, có tác động lan tỏa để xây dựng chính sách ưu tiên, đột phá, hỗ trợ tập trung đảm bảo tác động thực sự của chính sách và sức hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án, mang lại hiệu quả thực sự thiết thực cho doanh nghiệp và cho sự phát triển của thành phố; báo cáo HĐND thành phố xem xét, quyết định tại Kỳ họp giữa năm 2023.

3. Về lĩnh vực Đô thị

- Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan cần phân tích, đánh giá làm rõ tính chất đặc thù, vượt trội của Chương trình phát triển nhà ở điều chỉnh nhằm hỗ trợ công tác an sinh xã hội cho người dân thành phố có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở liên quan đến đến mục tiêu chương trình “3 có” của thành phố.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, rà soát, đánh giá nguồn lực về nhà ở xã hội, nhà chung cư để đề xuất các chính sách, giải quyết căn cơ, đảm bảo nhu cầu về nhà ở của người dân, yếu tố an sinh xã hội của thành phố. Chỉ đạo khẩn trương rà soát tính pháp lý, đẩy nhanh tiến độ giải tỏa di dời các khu tập thể xuống cấp theo thời hạn cam kết. Sớm khắc phục tình trạng xuống cấp của các khu chung cư, nhà ở xã hội.

- Chỉ đạo sớm xử lý các vướng mắc đối với các dự án Quy hoạch treo, kịp thời thông tin cho người dân được biết kế hoạch, nguồn lực và lộ trình thực hiện triển khai trong thời gian đến. Nghiên cứu có giải pháp nhằm đảm bảo hệ thống thoát nước và công tác chống ngập úng, xử lý ô nhiễm môi trường của khu vực quy hoạch treo.

- Phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác giải tỏa đền bù trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi người dân nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án động lực trọng điểm. Đồng thời có kế hoạch, phương án đảm bảo việc đi lại của người dân được an toàn, thuận tiện tại các khu vực đang triển khai thi công trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

- Cần tổ chức triển khai kiểm tra, đánh giá hệ thống cấp nước sinh hoạt tổng thể trên địa bàn thành phố và có phương án xử lý đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đồng thời có kế hoạch nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các vị trí hủy bỏ quy hoạch hoặc tạm dừng triển khai các dự án và sớm hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu làm cơ sở để triển khai quy hoạch chi tiết, nâng cấp hạ tầng, tái thiết đô thị. Rà soát, bổ sung, nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội, để về lâu dài, từng bước đáp ứng nhu cầu, đời sống của người dân trong khu vực.

- Hoàn thành công tác di dời, bàn giao mặt bằng (đất sạch) cơ sở nhà đất tại số 88 Thanh Sơn, phường Thanh Bình, quận Hải Châu cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố quản lý chậm nhất trước ngày 30/12/2022; trong trường hợp Công ty không bàn giao theo cam kết, đề nghị lập thủ tục và tiến hành cưỡng chế theo quy định. Chỉ đạo ưu tiên bố trí vốn chuẩn bị đầu tư công trình tại số 88 Thanh Sơn trong năm 2023 theo quy định để xây dựng trụ sở UBND phường Thanh Bình và các hạng mục khác theo quy định.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm soát việc phá dỡ đảm bảo trật tự, vệ sinh và thường xuyên ra quân kiểm tra quản lý tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại khu vực xung quanh sân vận động Chi Lăng.

4. Đối với 36 nội dung chất vấn chưa thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp (theo phụ lục đính kèm), đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, phân công các cơ quan, đơn vị liên quan trả lời chất vấn theo đúng quy định, báo cáo kết quả về Thường trực HĐND thành phố trước ngày 23 tháng 12 năm 2022.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày HĐND thành phố biểu quyết thông qua.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. UBND thành phố chỉ đạo các ngành, các địa phương có kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung của nghị quyết, báo cáo kết quả cho HĐND, Thường trực HĐND thành phố.

2. Thường trực HĐND thành phố, các Ban, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Nghị quyết này đã được HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 15 tháng 12 năm 2022./.


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn ĐBQH thành phố;
- Đại biểu HĐND thành phố;
- UBND, UBMTTQVN thành phố;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố;
- Các quận ủy, huyện ủy;
- HĐND huyện Hòa Vang;
- UBND, UBMTTQVN quận, huyện;
- Lưu: VT, CTHĐ.

CHỦ TỊCH




Lương Nguyễn Minh Triết

NỘI DUNG CHẤT VẤN ĐỀ NGHỊ TRẢ LỜI BẰNG VĂN BẢN TẠI KỲ HỌP THỨ 10 HĐND THÀNH PHỐ KHÓA X

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 15/12/2022 của HĐND thành phố)

1. Đại biểu Thái Văn Tịnh (Tổ đại biểu quận Ngũ Hành Sơn)

a) Liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo mắc bệnh hiểm nghèo: Qua những lần tiếp xúc bà con cử tri tại các địa phương ở quận Ngũ Hành Sơn, Tổ Đại biểu HĐND thành phố Đơn vị quận Ngũ Hành Sơn đã ghi nhận rất nhiều ý kiến bà con cử tri bày tỏ bâng khuâng, lo lắng khi những đối tượng thuộc diện hộ nghèo không may mắc bệnh hiểm nghèo thì chắc chắn không có điều kiện chi trả kinh phí chữa bệnh. Bà con cử tri cũng đặt ra câu hỏi vậy các cấp có thẩm quyền thành phố Đà Nẵng đã có chính sách hỗ trợ cho những người thuộc diện hộ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo hay chưa? Nếu chưa thì cần sớm quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ cho những đối tượng nghèo không may mắc bệnh hiểm nghèo. Thông qua chương trình kỳ họp HĐND thành phố lần này, bà con cử tri thành phố, nhất là những hộ nghèo rất mong muốn các cấp thẩm quyền thành phố thông tin cho bà con được biết.

b) Liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 26/11/2022 vừa qua, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Hàn Quốc, các văn bản Hán nôm khắc trên các vách đá, hang động tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn hay gọi tắt là “Ma Nhai Ngũ Hành Sơn” đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Người dân quận Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung rất tự hào và phấn khởi khi lần đầu tiên một di sản tư liệu văn hóa lịch sử của thành phố Đà Nẵng được công nhận ở tầm quốc tế.

Vậy cho tôi được hỏi các cấp, ngành liên quan của thành phố có giải pháp gì để gìn giữ, bảo tồn giá trị dữ liệu Ma nhai Ngũ Hành Sơn cũng như đẩy mạnh việc phát huy và khai thác Di sản quí báu này tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn trong phát triển du lịch văn hóa lịch sử của thành phố Đà Nẵng thời gian tới.

c) Lễ Hội Quán Thế Âm 19/2 Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng đã trải qua 31 năm Lễ hội. Ngày 3.2.2021, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ban hành quyết định công nhận và đưa vào danh mục sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Tăng Ni Tín Đồ Phật Tử nói riêng và đông đảo đồng bào các giới nói chung rất vui mừng phấn khởi trước Quyết định này đã nâng cao vị thế Lễ hội lên tầm Quốc gia.

Vậy xin cho tôi được hỏi: Lễ hội Quán Âm sắp đến vào tháng 3 năm 2023 và những năm sắp đến Chính quyền các cấp và các ngành liên quan đã có kế hoạch tổ chức Lễ hội sắp đến và định hướng đầu tư để phát huy những giá trị cũng như đáp ứng được nhu cầu khách tham quan hành hương tham dự Lễ hội ngày càng đông đúc trong những năm Lễ hội sau này.

2. Đại biểu Lê Tùng Lâm (Tổ đại biểu quận Thanh Khê)

a) Để giải quyết vấn đề trật tự giao thông, an toàn giao thông, chống ùn tắt giao thông và có cơ sở triển khai các dự án tái thiết đô thị tại khu vực trung tâm thì thành phố cần phải triển khai các đề án và dự án liên quan đến giao thông tĩnh, các hạ tầng giao thông mới, tiếp tục phát triển quản lý hệ thống giao thông công cộng, các dự án/ phương án tổ chức giao thông hiệu quả... Đề nghị Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết tiến độ nghiên cứu di dời Ga Đà Nẵng hiện nay?

b) Tiến độ và kế hoạch xây dựng các bãi đỗ xe tại khu vực trung tâm thành phố trong năm 2023 như thế nào?

c) Vấn đề xử lý thoát nước tại khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt là lưu vực thoát nước sân bay, đối với quận Thanh Khê thì chúng tôi quan tâm rất lớn đến việc đầu tư xây dựng tuyến Cống liên phường cũng như cần xử lý dứt điểm ngập úng tại khu vực đường Hà Huy Tập và Trần Xuân Lê. Liên quan đến vấn đề này, xin chất vấn đối với đồng chí Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên về tiến độ và chất lượng đối với tuyến cống liên phường Xuân Hà, Tam Thuận. Đề nghị Ban Quản lý cho biết có hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết là hoàn thành trong năm 2023 hay không đối với tuyến cống liên phường này?

d) Triển khai đầu tư xây dựng sớm cửa phai tại hồ Xuân Hòa A như Thường trực Hội đồng nhân dân đã kết luận vào tháng 4/2022, đến nay có vướng mắc gì mà chưa triển khai? Có triển khai trong năm 2023 hay không để tập trung góp phần giải quyết đồng bộ, hiệu quả việc ngập úng tại khu vực đường Hà Huy Tập và Trần Xuân Lê.

đ) Thành phố Đà Nẵng được xếp vào danh hiệu dẫn đầu về thành phố thông minh, chuyển đổi số. Vấn đề cốt lõi trong chuyển đổi số đó là xây dựng, phát triển và quản lý dữ liệu. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, với vai trò là đơn vị chủ trì, đầu mối tham mưu cho thành phố để triển khai đề án chuyển đổi số và đề án thành phố thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất tham mưu như thế nào những giải pháp đột phá, hiệu quả trong thời gian đến để khắc phục tình trạng cố hữu, đó là tình trạng dữ liệu rời rạc, các cứ, dữ liệu không sống, không sạch, không đủ.

3. Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc (Tổ đại biểu quận Liên Chiểu)

a) Hệ thống nước sinh hoạt tại một số khu vực chảy rất yếu không đủ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

b) Tình trạng ngập nước diện rộng trên địa bàn thành phố đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng mỗi khi có mưa lớn đặc biệt là trận ngập lịch sử vào tháng 10/2022. Đề nghị UBND thành phố cho biết những đánh giá về tình trạng hệ thống thoát nước toàn thành phố hiện nay đặc biệt đối với những công trình vừa mới hoàn thành? Việc kiểm tra, nạo vét khơi thông hệ thống thoát nước và giám sát được thực hiện như thế nào? Ngoài nguyên nhân do lượng mưa lớn bất thường thì đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng ngập nước như vừa qua? Trách nhiệm cụ thể thuộc về ai? Đến nay đã có giải pháp căn cơ để xử lý tình trạng này chưa? Trong tương lai, nếu gặp mưa lớn tương tự như đợt vừa rồi thì tình trạng ngập nước sẽ như thế nào? Hướng xử lý khắc phục?

4. Đại biểu Lê Văn Dũng (Tổ đại biểu quận Hải Châu): Dự án cải tạo tuyến đường Đặng Thuỳ Trâm đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018. Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, UBND thành phố có chủ trương tạm dừng để xem xét phương án đầu tư đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên đến nay, đã qua hơn 4 năm người dân vẫn chưa thấy có động tĩnh gì; việc triển khai thực hiện quá chậm, người dân rất bức xúc. Đề nghị UBND thành phố cho biết thời hạn bao giờ dự án sẽ triển khai, công bố cho nhân dân biết, để giải toả nỗi bức xúc của người dân.

5. Đại biểu Lê Thị Hồng Minh (Tổ đại biểu quận Sơn Trà và huyện Hoàng Sa): Hiện nay tình hình doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp nợ đọng, tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng, dẫn đến quyền lợi người lao động về Bảo hiểm xã hội sẽ bị ảnh hưởng UBND thành phố có giải pháp gì để bảo đảm quyền lợi người lao động?

6. Đại biểu Nguyễn Thành Tiến (Tổ đại biểu quận Hải Châu):

a) Về vấn đề quản lý kiến trúc: Thành phố Đà Nẵng có cảnh quan tự nhiên đặc thù và phong phú, tốc độ đô thị hoá trong những năm qua ở thành phố rất mạnh mẽ. Sự phát triển của các công trình cao tầng của thành phố trong thời gian qua biểu hiện có sự lấn át cảnh quan tự nhiên như núi, sông, biển. Kiến trúc và quy hoạch đô thị tuy có khai thác cảnh quan biển nhưng mới tập trung về phía Đông, chưa phát triển về phía Tây Bắc của thành phố như Vịnh Đà Nẵng, các công trình kiến trúc khi nghiên cứu độc lập thì có giá trị riêng, nhưng khi tổ chức bố trí sát nhau thành cụm thì có sự xung đột nhau về khối, dáng, hình thức, phong cách, ví dụ như cụm công trình phía Tây cầu Sông Hàn. Giải pháp xử lý các vấn đề nêu trên như thế nào trong thời gian tới?

b) Trung tâm thành phố Đà Nẵng được khách du lịch rất yêu thích, xem đây là điểm đến không thể thiếu khi thăm thành phố Đà Nẵng. Xin hỏi: Đồng chí giám đốc Sở có nghĩ đây là một sản phẩm du lịch của thành phố không?

Đồng chí đã tham mưu gì để UBND thành phố có sự chỉ đạo, đầu tư, chỉnh trang đô thị (nhất là các tuyến đường tập trung đông khách du lịch), nâng tầm đô thị văn minh, hiện đại, tiếp tục thu hút khách.

7. Đại biểu Huỳnh Huy Hòa (Tổ đại biểu huyện Hòa Vang):

Dự án đường vành đai phía Tây là công trình trọng điểm của thành phố Đà Nẵng, với tổng kinh phí gần 1.500 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 10/2018, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 10/2020, nhưng đến nay, dự án vẫn còn ngổn ngang, không hoàn thành theo kế hoạch (dù đã được điều chỉnh); gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân (mùa mưa thì ngập nước, đường sá lầy lội, ngày nắng thì bụi mịt mù).

Nhiều cử tri cho rằng nguyên nhân chậm tiến độ dự án không phải do vướng mặt bằng, bởi nhiều đoạn đã có mặt bằng sạch nhưng nhà thầu không huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công (nhiều thời điểm không có công nhân, máy móc thi công tại dự án này). Đề nghị làm rõ trách nhiệm, cam kết của các bên liên quan và thời gian hoàn thành dự án.

8. Đại biểu Đoàn Ngọc Chung (Tổ đại biểu quận Thanh Khê):

a) Hiện nay do tình trạng khan hiếm thiếu thuốc, hóa chất và thiết bị vật tư y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhiều loại thuốc chữa bệnh có ghi trong danh mục được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán thì không đấu thầu và mua sắm được. Tuy nhiên hiện nay cán bộ hưu trí và nhân dân đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh thì không có loại thuốc này để cấp. Trong khi đó bên ngoài tại các cửa hàng dược lại có bán. Do nhu cầu phải chữa bệnh nên bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc và thiết bị vật tư y tế để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh; nên người dân phải mua tại đây và có hóa đơn thanh toán mua cụ thể, nhưng bảo hiểm y tế lại không thanh toán những hóa đơn loại này vì do chưa có quy định. Như vậy, bệnh nhân đã mua bảo hiểm y tế rồi mà còn phải tự bỏ tiền mua thuốc và thiết bị vật tư y tế (có trong danh mục) để chữa bệnh, chi phí này không được thanh toán lại. Về vấn đề này, cử tri đề nghị ngành bảo hiểm xã hội cho biết có thể thanh toán số tiền này cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế được không? Và có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên.

b) Quyền lợi của người mua bảo hiểm y tế trong tình trạng khan hiếm thuốc, hóa chất và thiết bị vật tư y tế hiện nay.

9. Đại biểu Nguyễn Đình Tuấn (Tổ đại biểu quận Hải Châu): Nút giao thông hầm chui Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2017, có thể nói, đây là vị trí cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, được biết đến nay vẫn chưa được bàn giao; một số hạng mục như cây xanh, thảm cỏ, cảnh quan không được bàn giao nên không có đơn vị chăm sóc nên chết khô, cỏ mọc, tạo điều kiện làm nơi bỏ rác gây ô nhiễm, nhếch nhác. Qua nhiều lần phản ánh của cử tri trước các Kỳ họp thứ 3 và thứ 4 HĐND thành phố khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. Thời gian gần đây, việc trồng lại các loại cây thuộc dự án đã được tiến hành nhưng nhìn chung chưa tạo điểm nhấn; còn nhếch nhác, thiếu ý tưởng để cho khu vực này đẹp hơn. Cử tri phường Chính Gián hỏi Sở Giao thông vận tải khi nào là nghiệm thu bàn giao và có giao hạng mục cây xanh, cảnh quan tại nút giao thông hầm chui này cho địa phương (quận, phường), quản lý chăm sóc tạo cảnh quan khu vực điểm nhấn ra vào cửa ngõ thành phố hay không?

10. Đại biểu Đoàn Duy Tân (Tổ đại biểu quận Thanh Khê)

Hiện nay, mạng lưới giao thông tĩnh của thành phố đang rơi vào tình trạng quá tải, nhất là các quận, huyện trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Đáng chú ý, trên địa bàn các quận phát triển mạnh về du lịch với lượng khách đến ngày càng đông như Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, số lượng bãi đỗ xe công cộng quá hạn chế nên đã xảy ra tình trạng đỗ, dừng xe không đúng nơi quy định; các điểm đỗ, dừng xe được tận dụng ở mọi chỗ, mọi nơi: trên vỉa hè, lòng đường, công viên các nơi không phép... điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông nội đô và mỹ quan đô thị.

Trong khi đó, việc đầu tư phát triển mạng lưới các bãi đỗ xe trong thời gian qua không như kỳ vọng, nhiều dự án bãi đỗ xe được quy hoạch, kể cả bãi đỗ xe ngầm và nổi đều triển khai nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện và sau thời gian dài triển khai vẫn giậm chân tại chỗ. Đây cũng là nguyên nhân tạo áp lực căng thẳng trong hệ thống giao thông tĩnh trên toàn thành phố hiện nay.

Vậy theo đồng chí, Sở Giao thông vận tải đã có đề xuất giải pháp gì về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố trong thời gian đến; và thành phố chúng ta có triển khai rộng rãi các mô hình bãi đỗ xe thông minh công cộng để giải quyết tình trạng khan hiếm chỗ để xe không?

11. Đại biểu Nguyễn Thị Phượng (Tổ đại biểu quận Sơn Trà và huyện Hoàng Sa)

a) Trong thời gian qua, tại một số địa phương trong nước đã xảy ra các trường hợp chó dữ tấn công người dẫn đến đe dọa sức khỏe, thương tật nặng, thậm chí có trường hợp tử vong.

Tại thành phố Đà Nẵng, trong năm 2022 này nhiều vụ việc liên quan chó dữ nuôi thả rông, hoặc dùng chó dữ để trả thù nhau cũng đã được các phương tiện truyền thông thông tin.

Người dân lo lắng và có mong muốn nên cấm nuôi các loại chó dữ để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho cộng đồng.

Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: việc quản lý và nuôi chó dữ hiện nay của thành phố được quản lý như thế nào? Và có cấm hẳn việc nuôi một số loài chó dữ như Pitbull hay Becgie không?

b) Về vấn đề Cây xanh đô thị của Đà Nẵng

Ngày 25/11/2021, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Nội dung này được cử tri thành phố quan tâm và vui mừng, đặc biệt là vấn đề Cây xanh đô thị hiện nay của Đà Nẵng - với yêu cầu về cây xanh và diện mạo du lịch cho thành phố, vừa đảm bảo yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương.

Nội dung Kế hoạch của thành phố khá cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay đã qua 01 năm kế hoạch 203 của UBND thành phố được triển khai.

Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng cho biết nhiệm vụ, chỉ tiêu trồng cây xanh đô thị theo Kế hoạch số 203/KH-UBND đã được ngành xây dựng thành phố triển khai như thế nào? Các tuyến đường nào được ưu tiên và loại cây nào được trồng cho cây xanh đô thị của Đà Nẵng?

c) Về quản lý chất lượng sản phẩm tại các siêu thị trên địa bàn thành phố

Hiện nay, người tiêu dùng thực phẩm gửi gắm niềm tin vào chất lượng sản phẩm tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố là rất lớn, thói quen mua sắm thực phẩm tại siêu thị ngày càng phổ biến. Theo đó, cử tri rất quan tâm đến việc quản lý chất lượng thực phẩm đầu vào tại các siêu thị trên địa bàn thành phố hiện nay.

Đề nghị UBND thành phố cho biết:

- Việc quản lý thực phẩm đầu vào tại các siêu thị trên địa bàn thành phố được tổ chức như thế nào?

- Các ngành liên quan của thành phố có đảm bảo được việc quản lý chất lượng đầu vào, đầu ra của thực phẩm sạch hiện nay tại các siêu thị trên địa bàn không?

12. Đại biểu Trần Lê Tuấn (Tổ đại biểu quận Sơn Trà và huyện Hoàng Sa)

a) Qua đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, có nhiều ý kiến cử tri quan tâm đến nhà ở xã hội, chung cư xuống cấp và việc bố trí, quản lý chung cư đối với cán bộ viên chức. Theo Thông báo số 6272/TB-SXD ngày 26/08/2022 của Sở Xây dựng thành phố, hiện nay, thành phố đang triển khai 06 dự án nhà ở xã hội với 7.023 căn hộ và đang thực hiện kêu gọi đầu tư 04 dự án nhà ở xã hội với 4.119 căn hộ. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, thì nhu cầu về chung cư, nhà ở xã hội vẫn còn đang cấp bách, nhất là đối với các hộ nghèo và đặc biệt khó khăn.

Vậy tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội bao giờ xong? Và giải pháp để giải quyết dứt điểm, rốt ráo tình trạng các chung cư, nhà ở xuống cấp để người dân an tâm cư trú?

b) Hiện nay, thành phố đang trình HĐND thành phố thông qua nội dung điều chỉnh chương trình Phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2030, đề nghị cho biết: Trong nội dung Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 lần này có những tính chất đặc thù, vượt trội gì so với chương trình trước đây nhằm hỗ trợ công tác an sinh xã hội cho người dân có hoàn cảnh khó khăn liên quan đến đến mục tiêu chương trình “3 có” của thành phố.

13. Đại biểu Huỳnh Bá Thành (Tổ đại biểu huyện Hòa Vang)

a) Dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn đi qua xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, Dự án triển khai đã ảnh hưởng và phải di dời, tái định cư cho 47 hộ dân tại xã Hòa Bắc bố trí vào Khu TĐC Trung tâm xã Hòa Bắc. Tuy nhiên, việc triển khai Dự án Khu tái định cư để bố trí cho nhân dân hiện nay quá chậm, nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng thi công các dự án đến nay đã hơn 07 năm nhưng chưa có đất tái định cư, người dân hiện sống rất tạm bợ, rất bức xúc về vấn đề này. Như vậy, đến khi nào Thành phố mới có đất tái định cư thực tế để người dân an cư, ổn định cuộc sống. Giá đền bù về xây dựng và hỗ trợ tại thời điểm người dân bàn giao mặt bằng cách đây 7 năm nên rất thấp so với hiện nay, điều kiện cuộc sống của các hộ dân còn nhiều khó khăn, không đủ khả năng xây dựng nhà khi được giao đất tái định cư. Vậy Thành phố có chính sách gì hỗ trợ cho người dân về sự chậm trễ giao mặt bằng nên dẫn đến trượt giá này.

b) Về tiến độ thi công các dự án trên địa bàn thành phố hiện nay đều chậm, ảnh hưởng rất lớn tiến độ giải ngân và dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Nhiều cử tri cho rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là đất tái định cư. Nhiều người dân bức xúc phản ảnh khi triển khai đền bù, giải tỏa nếu người dân không chấp hành thì cưỡng chế, nếu đơn vị thi công chậm thì xử phạt tiến độ, còn việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, kéo dài thời gian bố trí tái định cư thực tế cho người dân, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân thì xử lý ai, ai chịu trách nhiệm.

Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố làm rõ trách nhiệm của UBND thành phố; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và việc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân về vấn đề này như thế nào.

c) Trong những năm qua, việc giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng có vướng mắc lớn nhất là công tác đền bù giải tỏa chậm cả về tiến độ và kế hoạch vốn được giao, đây là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ hoàn thành các dự án, đồng thời cũng phát sinh thêm chi phí đầu tư. Đề nghị Giám đốc Sở cho biết nguyên nhân của việc chậm triển khai này và giải pháp của Sở tham mưu đề xuất để khắc phục những vướng mắc trên trong thời gian đến như thế nào?

14. Đại biểu Nguyễn Lê Mậu Cường (Tổ đại biểu quận Thanh Khê)

Việc đầu tư hệ thống giao thông khác mức tại các nút giao thông lớn của thành phố trong thời gian qua đã giải quyết tình trạng kẹt xe cục bộ. Tuy nhiên, việc đầu tư các nút giao thông này cũng đã ảnh hưởng khá nhiều đến quyền lợi người dân tại khu vực. Đơn cử là Dự án Nút giao thông ngã 3 Huế: sau khi công trình khởi công xây dựng thì hơn 20 hộ dân khu vực phía Nam đường Điện Biên Phủ bị ảnh hưởng nặng nề; UBND thành phố cùng các sở ngành đã vận dụng nhiều quy định để xem xét hỗ trợ, tuy nhiên các hộ dân vẫn chưa đồng thuận và phản ánh rất nhiều từ năm 2016 đến nay. Qua tìm hiểu thì được biết vướng mắc ở đây là quy định của pháp luật chưa đề cập đến vấn đề này. Thiết nghĩ, việc bổ sung quy định hoặc kiến nghị cơ quan Trung ương bổ sung quy định trong trường hợp này là cần thiết. Vừa đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, vừa đảm bảo tính pháp lý. Thành phố cho biết những vấn đề gì để giải quyết vướng mắc nêu trên? Kiến nghị để giải quyết trong thời gian tới như thế nào?

15. Đại biểu Lê Văn Nghĩa (Tổ đại biểu quận Liên Chiểu): Đường Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng đã được xây dựng trên 23 năm, hiện nay tuyến đường đã xuống cấp, vỉa hè không đồng bộ, đề nghị thành phố cấp vốn để nâng cấp tuyến đường và cải tạo vỉa hè.

16. Đại biểu Trần Tuấn Lợi (Tổ đại biểu quận Cẩm Lệ):

a) Đề nghị cho biết giải pháp, tiến độ thực hiện và thời gian hoàn thành Dự án Khe cạn thuộc khu vực phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

b) Qua báo cáo của ngành, cũng như báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố thì thấy nổi lên các loại tội phạm về giết người, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tội phạm về công nghệ cao cũng như tai nạn giao thông đều tăng và có tính chất phức tạp, khó lường. Với tư cách là thủ lĩnh ngành đề nghị ông cho biết ngành đã chuẩn bị những gì và có giải pháp nào để ngăn chặn, kiềm chế tiến tới đẩy lùi đối với các loại tội phạm nêu trên trong thời gian đến trên địa bàn thành phố.

17. Đại biểu Lương Công Tuấn (Tổ đại biểu quận Hải Châu)

Hiện nay, có nhiều cá nhân thường xuyên khiếu kiện đông người liên quan đến dự án New Da Nang City trên địa bàn quận Liên Chiểu. Đề nghị UBND thành phố cho biết nguyên nhân và hướng xử lý trong thời gian đến?

18. Đại biểu Vũ Quang Hùng (Tổ đại biểu quận Hải Châu): Việc mở rộng kiệt hẻm là một chủ trương đúng, tuy nhiên việc triển khai áp dụng lộ giới kiệt hẻm còn nhiều vướng mắc. Đề nghị lãnh đạo UBND thành phố, quan tâm chỉ đạo điều chỉnh Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 11/01/2010 theo hướng khả thi và phù hợp với thực tiễn áp dụng.

19. Đại biểu Lê Kim Anh (Tổ đại biểu quận Liên Chiểu)

Về việc hủy bỏ quy hoạch Ga đường sắt tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Ngày 17/11/2022 UBND thành phố đã ban hành quyết định số 2967/QĐ-UBND về việc bãi bỏ các quyết định về sơ đồ ranh giới, quy hoạch Dự án ga đường sắt tại quận Liên Chiểu.

Trong suốt 18 năm qua, do ảnh hưởng quy hoạch “treo” Dự án ga đường sắt nên hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tại khu vực này không được đầu tư, chỉnh trang, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.

Đề nghị lãnh đạo UBND thành phố cho biết sau khi bãi bỏ các quyết định về sơ đồ ranh giới, quy hoạch Dự án ga đường sắt tại quận Liên Chiểu thì kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và giải pháp sử dụng, quản lý đất đai, quản lý xây dựng trong khu vực này trong thời gian tới được thực hiện như thế nào?

20. Đại biểu Trương Minh Hải (Tổ đại biểu quận Thanh Khê): Năm 2022, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng cao đột biến, cao nhất trong 5 năm qua và gấp hơn 16,5 lần năm 2021. Đến nay, ghi nhận hơn 10.000 ca mắc, đặc biệt ghi nhận có ca tử vong liên quan đến dịch sốt xuất huyết.

Tình hình dịch Sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp, trong khi việc mua sắm hóa chất phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn và thiếu hụt.

Vậy cho biết nguyên nhân của việc tăng đột biến dịch Sốt xuất huyết trong năm nay là gì? Các biện pháp cụ thể để tăng cường phòng, chống dịch Sốt xuất huyết hiện nay và trong thời gian tới cụ thể ra sao?

21. Đại biểu Đinh Vui (Tổ đại biểu quận Cẩm Lệ)

a) Dự án khu dân cư Đông Nam nút giao thông Hòa Cầm đã được thành phố phê duyệt quy hoạch từ năm 2015, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tiến hành tổ chức triển khai thực hiện. Bà con cử tri phường Hòa Thọ Đông rất bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Cẩm Lệ. Đề nghị UBND thành phố cho biết, dự án này trong thời gian đến có triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt hay không? Nếu có thì cần nêu rõ kế hoạch, nguồn lực và lộ trình thực hiện. Trường hợp không thực hiện theo quy hoạch được duyệt, phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch, đề nghị UBND thành phố cho biết cần có giải pháp gì nhằm đảm bảo hệ thống thoát nước và công tác chống ngập úng, xử lý ô nhiễm môi trường và góp phần vào việc cải thiện, chỉnh trang diện mạo đô thị của khu vực.

b) Trong nhiều năm qua vẫn chưa được triển khai thực hiện, người dân trong vùng dự án tại tổ 89 phường Hòa Xuân rất bức xúc “đi không được, ở cũng không xong”, việc cải tạo, sửa chữa nhà ở gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân tại khu vực. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị, phản ảnh tuy nhiên kết quả trả lời chưa cụ thể, rõ ràng. Đề nghị UBND thành phố cho biết dự án này trong thời gian đến có triển khai thực hiện hay không? Nếu có thì cần nêu rõ kế hoạch, nguồn lực và lộ trình thực hiện để nhân dân trong vùng dự án được biết và cùng đồng hành.

22. Đại biểu Trần Thắng Lợi (Tổ đại biểu Sơn Trà và huyện Hoàng Sa)

Công trình Cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà được Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông điều hành dự án, khởi công tháng 02/2020, theo tiến độ được UBND thành phố phê duyệt tại Thông báo số 385/TB-VP ngày 29/7/2022 là ngày 31/01/2023 phải hoàn thành.

Đến nay, công trình đã thi công xong Trạm bơm kết hợp nước mưa, nước thải và Tuyến cống bao D1800 và D2200; 55/55 đốt và giếng tách Tuyến cống thoát nước Trạm bơm - Âu Thuyền; Cải tạo cửa xả. (đạt 85.13%). Đang thi công 2 hố kích và phần còn lại của với Tuyến cống chuyển tải D2400. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn nhiều, thời gian còn lại theo kế hoạch ngắn và gần đến Tết nguyên đán, do vậy công trình sẽ khó hoàn thành theo Kế hoạch được giao.

Ngoài ra, công trình có tới 121 hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công hố kích, nhận tuyến cống chuyển tải D2400. Trong đó Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã giám định giá trị thiệt hại: 84 hộ. Còn lại: 37 hộ đã cam kết sẽ tiến hành giám định các yếu tố tác động đến nhà ở và xác định giá trị bồi thường sau khi hoàn thành thi công, rút cừ. Tuy nhiên, việc thực hiện đền bù cho các hộ dân diễn ra rất chậm, phường và các phòng Ban của quận đã họp rất nhiều lần với các hộ dân bị ảnh hưởng để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm, các hộ dân thường xuyên và liên tục phản ánh.

Đề nghị, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ thi công và đền bù thiệt hại, đảm bảo quyền lợi nhân dân và trình bày Phương án tái lập hoàn trả mặt đường sau thi công để đảm bảo việc đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 74/NQ-HĐND ngày 15/12/2022 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


881

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.250.65
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!