BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 987/KH-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 10 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI CHƯƠNG TRÌNH “SÓNG VÀ MÁY TÍNH CHO EM”
Căn cứ Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ
tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy
học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng
phó với đại dịch COVID-19;
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn
số 6235/VPCP-KGVX ngày 07/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng và
triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”;
Căn cứ Công văn số 2495/MTTQ-BTT ngày 16/9/2021 của
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp nhận
và phân phối tiền, hàng cứu trợ của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”;
Căn cứ Kế hoạch số 3667/KH-BTTTT-BGDĐT ngày
21/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối
hợp triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”;
Căn cứ Công văn số 3961/BGDĐT-CĐN ngày 10/9/2021 của
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam về việc vận động ủng hộ
máy tính cho em;
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Kế hoạch triển
khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (sau đây gọi là Chương trình), cụ
thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và
máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 12/9/2021; Kế hoạch số
3667/BTTTT- BGDĐT ngày 21/9/2021 Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và
Đào tạo về việc phối hợp thực hiện Chương trình để vận động tài trợ, hỗ trợ,
trao tặng các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ viễn thông,
truyền hình cho học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc hộ nghèo, cận nghèo và HSSV có
hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 phục vụ việc học tập trực
tuyến, học trên truyền hình.
2. Yêu cầu
2.1. Bảo đảm Chương trình được tổ chức thiết thực,
kịp thời, đúng đối tượng đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến của HSSV, trong đó
ưu tiên các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số
16/CT-TTg ngày 31/3/2020 Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp
bách phòng, chống dịch COVID-19 (Chỉ thị 16/CT-TTg) và các địa phương chịu ảnh
hưởng bởi dịch COVID-19.
2.2. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị,
cá nhân; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học,
các trường cao đẳng sư phạm trong việc vận động, huy động, điều phối nguồn lực
hỗ trợ.
2.3. Các thiết bị, dịch vụ được trao tặng bảo đảm
chất lượng, phát huy hiệu quả cho việc học trực tuyến của HSSV.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI
GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng ưu tiên hỗ trợ
1.1. Ưu tiên 1: HSSV thuộc hộ nghèo.
1.2. Ưu tiên 2: HSSV thuộc hộ cận nghèo.
1.3. Ưu tiên 3: HSSV có hoàn cảnh khó khăn do ảnh
hưởng của dịch COVID-19 là con trong gia đình có bố hoặc mẹ tử vong do dịch
COVID-19 chưa có máy tính để học tập trực tuyến, học trên truyền hình.
2. Phạm vi thực hiện
Thực hiện trên toàn quốc, tập trung đến địa bàn cấp
huyện đang thực hiện giãn cách xã hội, áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg ; các địa
phương chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và phải tổ chức cho HSSV học tập theo
hình thức trực tuyến, học trên truyền hình.
3. Thời gian thực hiện
3.1. Giai đoạn 1: Trong năm 2021
Dự kiến huy động 01 triệu máy tính cho HSSV thuộc hộ
nghèo, cận nghèo và HSSV có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch
COVID-19 theo các đối tượng ưu tiên nêu trên; trước mắt tập trung ưu tiên cho
các địa phương, địa bàn cấp huyện đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị
16/CT-TTg và các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
3.2. Giai đoạn 2: Từ năm 2022 đến năm 2023
Tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn
lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các
đối tượng khó khăn khác trên toàn quốc được trang bị máy tính để thực hiện học
trực tuyến, học trên truyền hình.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Giai đoạn 1: Năm 2021
1.1. Khảo sát nhu cầu hỗ trợ thiết bị và dịch vụ hỗ
trợ học trực tuyến
a) Khảo sát và cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin
và Truyền thông về nhu cầu máy tính và Internet của HSSV có hoàn cảnh khó khăn
để học trực tuyến, học trên truyền hình do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trước mắt
là các địa phương chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
b) Khảo sát và cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin
và Truyền thông danh sách các cơ sở giáo dục chưa kết nối Internet và chưa có
sóng 4G.
c) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát,
công bố các nền tảng dạy, học trực tuyến để khuyến nghị sử dụng; xác định các dịch
vụ phục vụ học trực tuyến, học trên truyền hình (gói cước phần mềm học tập trực
tuyến, đường truyền Internet, gói cước viễn thông...).
1.2. Vận động, tiếp nhận nguồn tài trợ cho Chương
trình
a) Phát động, kêu gọi các địa phương, cơ sở giáo dục
và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Giáo dục
tham gia quyên góp, ủng hộ các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch
vụ viễn thông, truyền hình cho Chương trình.
b) Tuyên truyền các hoạt động của Chương trình; động
viên khích lệ, chia sẻ những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ nhà giáo, HSSV, cơ sở
giáo dục đã và đang vượt qua những khó khăn của dịch bệnh COVID-19 để tổ chức dạy
tốt, học tốt, bảo đảm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.
c) Phối hợp với nhà tài trợ kiểm tra thông tin thiết
bị trao tặng (số lượng và thông số kỹ thuật của thiết bị); tổ chức tiếp nhận
các nguồn đóng góp, tài trợ (tiền hoặc thiết bị) cho Chương trình; cập nhật thông
tin vào hệ thống quản lý Chương trình để phục vụ quản lý, điều hành.
1.3. Điều phối nguồn tài trợ của Chương trình
a) Xây dựng tiêu chí, kế hoạch điều phối nguồn tài
trợ cho các đối tượng HSSV nhận tài trợ từ Chương trình.
b) Trên cơ sở xác định nhu cầu cần tài trợ, khả
năng huy động, quyên góp của các địa phương, Bộ GDĐT cân đối điều chuyển thiết
bị hoặc điều tiết kinh phí huy động được từ các nhà tài trợ ở Trung ương để địa
phương có HSSV thuộc đối tượng nhận tài trợ của Chương trình tổ chức mua sắm
thiết bị phục vụ học trực tuyến, học trên truyền hình cho HSSV theo tiêu chuẩn
kỹ thuật tối thiểu do Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị.
c) Hướng dẫn các Sở GDĐT, các Phòng GDĐT và các cơ
sở giáo dục có HSSV thuộc đối tượng ưu tiên triển khai các thủ tục liên quan đến
việc tiếp nhận nguồn tài trợ; tổ chức bàn giao thiết bị cho các đối tượng HSSV
nhận tài trợ từ Chương trình.
1.4. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ
các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và các địa
phương chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
a) Tổ chức vận động, kêu gọi các nguồn lực xã hội ủng
hộ, nhân rộng Chương trình.
b) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông,
doanh nghiệp công nghệ số tổ chức thực hiện Chương trình theo Kế hoạch số
3667/KH-BTTTT-BGDĐT ngày 21/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo
dục và Đào tạo.
1.5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số
hóa dữ liệu trong việc khảo sát nhu cầu hỗ trợ, tiếp nhận, điều phối các nguồn
tài trợ
a) Xây dựng phần mềm quản lý các nguồn tài trợ và
phân phối của Chương trình.
b) Cập nhật thông tin về các đối tượng ưu tiên nhận
tài trợ, thông tin về nguồn tài trợ và kết quả tài trợ của Chương trình tới từng
đối tượng được nhận tài trợ.
1.6. Tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có
nhiều đóng góp cho việc thực hiện Chương trình
Xây dựng tiêu chí tôn vinh và tổ chức khen thưởng tập
thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc thực hiện Chương trình.
2. Giai đoạn 2: Từ năm 2022 đến
năm 2023
2.1. Tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục
tiêu 100% HSSV thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khó khăn khác trên
toàn quốc được trang bị thiết bị để học trực tuyến, học trên truyền hình.
2.2. Thực hiện việc phân bổ các nguồn tài trợ của Chương
trình và điều phối nguồn lực, hỗ trợ triển khai các thủ tục liên quan đến việc
phân bổ nguồn tài trợ để chuyển về các Sở GDĐT, các Phòng GDĐT và các cơ sở
giáo dục có HSSV nhận tài trợ theo các đối tượng ưu tiên như giai đoạn 1 đối với
các tỉnh, thành phố khác để học tập trực tuyến.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công đoàn Giáo dục Việt
Nam
1.1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc, trực
thuộc Bộ GDĐT vận động, tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình theo nội
dung Công văn sô 3961/BGDĐT-CĐN .
1.2. Phối hợp với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ GDĐT điều
phối, sử dụng nguồn lực hỗ trợ và giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
2. Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ
Giáo dục và Đào tạo
2.1. Cục Cơ sở vật chất
a) Chủ trì xây dựng, trình lãnh đạo Bộ GDĐT ban
hành Quy chế hoạt động của Ban Tiếp nhận, điều phối tiền, máy tính của Chương
trình; hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức khảo sát, tổng hợp nhu
cầu, đối tượng học sinh cần hỗ trợ và tổ chức triển khai Chương trình; xây dựng
tiêu chí, kế hoạch điều phối nguồn tài trợ cho các đối tượng HSSV nhận tài trợ
từ Chương trình.
b) Đầu mối phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông triển khai thực hiện Chương trình.
c) Thống nhất với các nhà tài trợ, tham mưu cho
lãnh đạo Bộ GDĐT quyết định tiếp nhận tài trợ, điều phối nguồn tài trợ đến các
địa phương, cơ sở giáo dục để tổ chức hỗ trợ trực tiếp cho HSSV.
d) Phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam vận động
và tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ Chương trình dựa trên nội dung Công văn số
3961/BGDĐT-CĐN .
đ) Phối hợp với Vụ Giáo dục Giáo dục Chính trị và
Công tác học sinh, sinh viên khảo sát, tổng hợp nhu cầu, đối tượng sinh viên cần
hỗ trợ.
e) Phối hợp với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ GDĐT điều
phối, sử dụng nguồn lực hỗ trợ và giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
g) Tổng hợp, đánh giá và báo cáo lãnh đạo Bộ kết quả
thực hiện Chương trình.
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
2.2. Cục Công nghệ thông tin
a) Chủ trì kiểm tra thiết bị tài trợ của Chương
trình bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền
thông tại Công văn số 3693/BTTTT-CNTT ngày 23/9/2021.
b) Làm đầu mối phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông điều phối sim 4G cho các thiết bị được tài trợ trong phạm vi của Chương
trình; cài đặt sim và các nền tảng, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn sử
dụng thiết bị đê tổ chức dạy và học.
c) Phối hợp với Cục Cơ sở vật chất tiếp nhận thiết
bị tài trợ từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân ủng hộ cho Chương trình.
d) Xây dựng phần mềm, các công cụ ứng dụng công nghệ
thông tin để quản lý dữ liệu của Chương trình; số hóa dữ liệu về khảo sát nhu cầu
cần hỗ trợ, cập nhật và lưu trữ dữ liệu về tiếp nhận, điều phối các nguồn tài
trợ.
đ) Chủ trì, phối hợp với Cục Cơ sở vật chất thực hiện
công khai thông tin về các cơ quan, đơn vị, cá nhân tài trợ, các đối tượng nhận
tài trợ của Chương trình trên trang thông tin điện tử của Bộ GDĐT.
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
2.3. Vụ Giáo dục thể chất
a) Cập nhật tình hình dịch bệnh ở các địa phương;
xác định những địa phương (cấp huyện) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị
16/CT-TTg và các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có HSSV học trực
tuyến để phối hợp với Cục Cơ sở vật chất xây dựng phương án hỗ trợ HSSV theo thứ
tự ưu tiên của Chương trình.
b) Phối hợp với Cục Cơ sở vật chất xây dựng tiêu
chí, kế hoạch điều phối nguồn tài trợ cho các đối tượng HSSV nhận tài trợ từ Chương
trình; triển khai công tác kết nối, điều phối nguồn lực hỗ trợ.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
2.4. Công đoàn cơ quan Bộ GDĐT
a) Sử dụng tài khoản của Công đoàn cơ quan Bộ GDĐT
để tiếp nhận tiền tài trợ từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân ủng hộ cho Chương
trình.
b) Thực hiện giải ngân nguồn tiền tài trợ dựa trên
quyết định của lãnh đạo Bộ.
2.5. Vụ Pháp chế
a) Tham mưu cho lãnh đạo Bộ hoàn thiện cơ sở pháp
lý để triển khai các hoạt động của Chương trình.
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
2.6. Vụ Kế hoạch - Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc
Bộ tham mưu các hình thức mua sắm thiết bị của Chương trình; tham mưu cho lãnh
đạo Bộ về công tác tài chính để thực hiện Chương trình.
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
2.7. Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh,
sinh viên; Vụ Giáo dục Đại học
a) Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh
viên chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học, Cục Cơ sở vật chất hướng dẫn
các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm tổ chức khảo sát, tổng
hợp nhu cầu, đối tượng sinh viên cần hỗ trợ.
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
2.8. Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học
a) Phối hợp triển khai công tác kết nối, điều phối
nguồn lực hỗ trợ thực hiện Chương trình.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở GDĐT, các cơ sở
giáo dục hướng dẫn tổ chức dạy học trực tuyến, khai thác sử dụng có hiệu quả
thiết bị của Chương trình.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
2.9. Ban Quản lý các Dự án
a) Xây dựng phương án mua sắm thiết bị thuộc Chương
trình theo quy định.
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
2.10. Vụ Thi đua - Khen thưởng
a) Chủ trì, phối hợp với Cục Cơ sở vật chất tham
mưu khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Chương
trình.
b) Xây dựng tiêu chí tôn vinh, khen thưởng và chủ động
phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên để tham mưu,
đề xuất hình thức tổ chức tôn vinh khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều đóng
góp cho việc thực hiện Chương trình.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
2.11. Văn phòng Bộ
a) Phối hợp với các cơ quan báo chí ở Trung ương tổ
chức truyền thông về Chương trình.
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
2.12. Báo Giáo dục và Thời đại
a) Mở chuyên mục truyền thông về hoạt động và kết
quả triển khai thực hiện Chương trình.
b) Xây dựng phương án truyền thông từng tuần để báo
cáo lãnh đạo Bộ.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do lãnh đạo Bộ phân
công.
3. Các Sở Giáo dục và Đào tạo
3.1. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo
các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của từng bên, thực hiện khảo sát, tổng
hợp nhu cầu, đối tượng học sinh cần hỗ trợ từ Chương trình gửi về Bộ GDĐT.
3.2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố xây dựng
kế hoạch triển khai phát động ủng hộ Chương trình tại địa phương; báo cáo Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ GDĐT về nguồn lực huy động được tại địa phương và nguồn
lực được điều tiết từ Trung ương (nếu có); tổ chức mua sắm thiết bị phục vụ học
trực tuyến cho HSSV theo tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu do Bộ Thông tin và Truyền
thông khuyến nghị tại Công văn số 3693/BTTTT-CNTT ngày 23/9/2021.
3.3. Tiếp nhận và bàn giao máy tính đến HSSV thuộc
đối tượng thụ hưởng của Chương trình dựa trên hướng dẫn của Bộ GDĐT; báo cáo Bộ
GDĐT kết quả triển khai Chương trình.
4. Các cơ sở giáo dục đại học,
các trường cao đẳng sư phạm
4.1. Khảo sát, tổng hợp nhu cầu, đối tượng sinh
viên cần hỗ trợ từ Chương trình gửi về Bộ GDĐT.
4.2. Xây dựng kế hoạch và phát động Chương trình tại
đơn vị; huy động sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp và các tổ chức, cá
nhân cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; điều phối các nguồn lực hỗ trợ sinh
viên của Trường thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình; báo cáo Bộ GDĐT kết
quả triển khai Chương trình.
5. Kinh phí quản lý, điều hành
Kinh phí bảo đảm thực hiện các hoạt động điều hành
liên quan đến triển khai Chương trình được bố trí trong dự toán, áp dụng các
quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp
khác.
Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, các đơn vị liên
quan nêu trong Kế hoạch cần nghiêm túc triển khai, thực hiện Kế hoạch này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ
GDĐT để xem xét, xử lý.
Nơi nhận:
- PTTgCP Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố (để phối hợp);
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GDĐT (để thực hiện);
- Các Sở GDĐT (để thực hiện);
- Các cơ sở giáo dục đại học, trường CĐSP (để thực hiện);
- Lưu: VT, Cục CSVC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Ngô Thị Minh
|