BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5170/LĐTBXH-QLLĐNN
V/v hình thức người lao động đi làm việc
thời vụ tại Hàn Quốc theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương
|
Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2017
|
Kính
gửi: Thủ tướng Chính phủ
Ngày 11/8/2017, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội có Công văn số 3368/LĐTBXH-QLLĐNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về
việc đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo Thỏa thuận hợp tác giữa
các địa phương. Ngày 11/10/2017, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp với
các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp và Ngoại giao về nội dung báo
cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tại cuộc họp, ý kiến của các Bộ về cơ
bản thống nhất đánh giá việc người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc
theo Thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương giữa hai nước là hình thức mới phát
sinh trong thực tiễn, chưa được quy định tại các văn bản pháp luật. Hình thức
này có khả năng mở rộng tại các địa phương trong thời gian tới do nhu cầu tiếp
nhận của phía Hàn Quốc, đồng thời mang lại lợi ích cho người
lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương nơi lao động cư
trú, tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt, nhiều cấp độ giữa
ta và Hàn Quốc.
Trên cơ sở nội dung thống nhất tại cuộc
họp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp tục làm việc với các cơ quan
liên quan, làm rõ một số nội dung về quy định, chính sách của phía Hàn Quốc
trong việc tiếp nhận lao động thời vụ nước ngoài và tổng hợp, đánh giá tác động
bước đầu qua thực tiễn hoạt động tiếp nhận, sử dụng lao động làm việc thời vụ tại
Hàn Quốc, trong đó có lao động Việt Nam. Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như
sau:
I. Về cơ chế, chính sách tiếp nhận
lao động thời vụ của Hàn Quốc
1. Bối cảnh
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc,
chính sách tiếp nhận lao động thời vụ nước ngoài là chính sách mới, áp dụng cho
ngành nông nghiệp và ngư nghiệp của
Hàn Quốc.
Hiện nay việc tuyển dụng lao động nước
ngoài tại Hàn Quốc trong các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng,
nông nghiệp, ngư nghiệp,… thực hiện theo Luật cấp phép mới (gọi tắt là EPS) và
áp dụng thông qua ký kết các Bản ghi nhớ về Chương trình EPS với các nước phải cử lao động (trong đó có Việt Nam). Theo đó, hàng năm Hàn Quốc sẽ phối
hợp với các nước phái cử tổ chức các kỳ thi tiếng Hàn để lựa chọn ứng viên làm
hồ sơ tìm việc và giới thiệu cho các chủ sử dụng tại Hàn Quốc lựa chọn. Người
lao động đi theo Chương trình này sẽ làm việc tại Hàn Quốc với thời hạn hợp đồng
là 3 năm và có thể gia hạn thêm 1 năm 10 tháng.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và ngư
nghiệp tại Hàn Quốc có đặc thù là nhu cầu sử dụng nhân lực tăng cao, tập trung
vào hai thời điểm gieo trồng và thu hoạch. Việc tuyển dụng nhân lực nước ngoài
theo Chương trình EPS hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng nhân lực đặc
thù nêu trên của 2 ngành này. Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng chính sách
tiếp nhận lao động thời vụ ngắn hạn (90 ngày) cho hai ngành nông nghiệp và ngư
nghiệp.
2. Cơ chế, chính sách tiếp nhận
Hiện nay, Hàn Quốc chưa có Luật quy định
về chương trình lao động thời vụ nước ngoài. Chương trình này được thực hiện
theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp Hàn Quốc trên cơ sở các quy định pháp luật
hiện hành về lao động và người lao động nước ngoài như Luật lao động tiêu chuẩn,
Luật tiền lương tối thiểu của Hàn Quốc,...
Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc giao Bộ
Tư pháp chủ trì việc cấp phép và phối hợp với các Bộ: Việc làm - Lao động, Thủy
sản biển, Nông nghiệp giám sát việc đảm bảo các điều kiện tiếp nhận, sử dụng
lao động thời vụ nước ngoài. Chính quyền địa phương cấp quận/huyện của Hàn Quốc
là đơn vị thực hiện.
Một số quy định về việc thực hiện
Chương trình này như sau:
- Địa phương của Hàn Quốc chỉ tiếp nhận
lao động thời vụ từ địa phương nước ngoài có ký kết Bản Ghi nhớ (MOU) kết nghĩa, hợp tác;
- Trước khi đăng ký tuyển chọn lao động
thời vụ nước ngoài với Bộ Tư pháp, địa phương của Hàn Quốc phải thỏa thuận, thống
nhất về quy trình, thủ tục và điều kiện phái cử, tiếp nhận lao động thời vụ
trên cơ sở ký kết Hợp đồng phái cử và tiếp nhận lao động với địa phương kết
nghĩa. Trong đó quy định rõ chế độ và quyền lợi của người lao động bao gồm:
+ Người lao động làm việc tại Hàn Quốc
trong thời gian 90 ngày;
+ Thời gian, thời giờ làm việc: Luật
lao động tiêu chuẩn của Hàn Quốc không quy định thời gian, thời giờ làm việc
trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Bộ Tư pháp,
Chương trình lao động thời vụ phải đảm bảo một tháng người lao động tối thiểu
được nghỉ 2 ngày, làm việc 4 giờ được nghỉ 30 phút trở
lên, làm việc 8 giờ được nghỉ 01 giờ trở lên bao gồm thời
gian ăn trưa.
+ Lương theo hợp đồng: Căn cứ mức
lương tối thiểu (tính theo giờ) của Luật lương tối thiểu
(lương tối thiểu hiện nay tương đương 1.200 USD/tháng cho
8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần); làm thêm, làm ngày nghỉ tính theo quy định của Luật
lao động.
+ Ăn, ở: do chủ
sử dụng cung cấp; chủ sử dụng phải bố trí ký túc xá cho người lao động, không
được bố trí nhà bằng nylon hoặc container.
+ Bảo hiểm: Người lao động được tham
gia bảo hiểm tai nạn lao động. Đối tượng nộp chi phí bảo hiểm, cách thức chi trả
chi phí khám chữa bệnh cho người lao động do hai địa phương thỏa thuận, thống
nhất.
+ Chương trình không quy định về chi
phí phái cử hay chi phí tuyển chọn, dạy tiếng Hàn, giáo dục định hướng, chi phí
xin visa, vé máy bay hai chiều, chi phí bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh,... Những
chi phí này do hai địa phương thỏa thuận, thống nhất.
+ Địa phương phái cử phải xây dựng
phương án phòng ngừa việc người lao động bỏ hợp đồng ra ngoài cư trú bất hợp pháp hoặc hết hạn hợp đồng không về nước. Tuy nhiên, Hàn Quốc không
quy định cụ thể mà bên phái cử tự quyết định các biện pháp đảm bảo, phù hợp với
pháp luật nước phái cử.
Trên cơ sở Hợp đồng phái cử và tiếp
nhận này, khi sang Hàn Quốc, người lao động sẽ ký Hợp đồng lao động với chủ sử
dụng là các chủ trang trại, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp của địa
phương tiếp nhận.
- Cơ chế giải quyết khi có tranh chấp:
+ Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách
nhiệm yêu cầu và đảm bảo các địa phương và các chủ sử dụng nhận lao động thời vụ
tuân thủ các quy định, điều kiện nêu trên, đảm bảo các quyền lợi cơ bản của lao
động thời vụ nước ngoài.
+ Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ: Việc
làm - Lao động, Thủy sản biển, Nông nghiệp giám sát, kiểm tra việc thực hiện
Chương trình này. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp thành lập các tổ chức quản lý lâm thời
thông qua Trung tâm hỗ trợ việc làm, Trung tâm hỗ trợ đa văn hóa và có sự tham
gia của các luật sư để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng
của lao động thời vụ khi bị xâm hại.
II. Tình hình tiếp nhận, sử dụng
lao động thời vụ tại Hàn Quốc và tác động thực tiễn
Từ tháng 10/2015 đến hết tháng 12/2016,
Hàn Quốc thí điểm áp dụng chương trình lao động thời vụ. Theo đó, đã có 219 lao
động nước ngoài sang Hàn Quốc làm việc tại 12 địa phương trên cả nước.
Đầu năm 2017, Hàn Quốc cho phép áp dụng
chính thức chương trình lao động thời vụ với hạn ngạch 1.547 chỉ tiêu dành cho 23
địa phương của Hàn Quốc và các địa phương phải cử của Việt Nam, Trung Quốc và
Phillipin. Đến đầu tháng 10/2017, đã có 856 lao động nước
ngoài sang làm việc tại thời vụ tại Hàn Quốc.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp Hàn Quốc
đến nay chưa phát hiện những vấn đề phát sinh, vướng mắc như nợ lương, vi phạm luật
lao động, xâm hại nhân quyền..., các địa phương tiếp nhận lao động, các chủ sử
dụng Hàn Quốc và người lao động nước ngoài hài lòng và đánh giá cao về chính
sách này.
Về lao động Việt Nam làm việc thời
vụ tại Hàn Quốc
Ngày 05/10/2016, huyện Hòa Vang,
thành phố Đà Nẵng và quận Yeongyang, tỉnh Kyeongsanbuk của
Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ (MOU) để
phái cử 100 lao động nông nghiệp tỉnh Hòa Vang đi làm việc thời vụ tại quận
Yeongyang. Huyện Hòa Vang đã tuyển chọn, đào tạo và cung ứng hai đợt gồm 68 lao
động sang Hàn Quốc: đợt 1 có 26 lao động làm việc từ ngày 20/4 - 20/7/2017; đợt
2 có 42 lao động từ ngày 08/8 - 03/11/2017, trong đó có nhiều người thuộc hộ
nghèo và gia đình chính sách.
Theo báo cáo ngày 25/10/2017 của Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng và báo
cáo ngày 07/12/2017 của Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang sau khi hoàn thành công
việc, toàn bộ người lao động đã về nước đúng thời hạn. Có 3 lao động về nước trước
thời hạn vì lý do cá nhân. Các điều kiện ăn, ở, làm việc, thu nhập được đảm bảo
và chưa có vụ việc phát sinh nào đối với người lao động. Thu nhập bình quân của
mỗi lao động là 80 triệu đồng/03 tháng, người cao nhất là 100 triệu đồng.
Chính quyền địa phương đều đánh giá chương trình này mang lại hiệu quả cao cho người lao động
và địa phương. Người lao động tham gia Chương trình đều rất phấn khởi vì học hỏi
được nhiều kinh nghiệm sản xuất tại Hàn Quốc, phục vụ cho việc tổ chức sản xuất
nông nghiệp tại địa phương sau khi về nước, đồng thời có thêm thu nhập trang trải
cho gia đình, góp phần ổn định cuộc sống.
Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang và Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng kiến
nghị cho phép địa phương tiếp tục thực hiện Thỏa thuận với phía Hàn Quốc về đưa
lao động của huyện Hòa Vang đi làm việc thời vụ tại quận Yeongyang của Hàn Quốc
và nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác tại Đà Nẵng.
III. Kiến nghị, đề xuất
Việc tiếp nhận và sử dụng lao động thời
vụ tại Hàn Quốc thông qua hợp tác giữa các địa phương là vấn đề mới đối với Hàn
Quốc. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực
tế và đặc thù của các chủ sử dụng lao động ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, Chính
phủ Hàn Quốc đã vận dụng thí điểm việc tiếp nhận lao động thời vụ nước ngoài
sang làm việc ngắn hạn và đang từng bước xây dựng, hoàn
thiện cơ chế, chính sách cho loại hình tiếp nhận mới này.
Đối với Việt Nam, đây cũng là hình thức
mới trong lĩnh vực người lao động đi
làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do chưa được quy định trong các văn bản
pháp luật. Thực tiễn cho thấy hoạt động này mang lại lợi ích thiết thực cả về
trình độ tay nghề, phương thức sản xuất và thu nhập đáng kể cho người lao động trong một thời gian khá ngắn. Bên cạnh đó, hình thức
lao động này cũng còn có những bất cập, rủi ro như điều kiện
làm việc, vấn đề người lao động bỏ hợp đồng,... cần được tiếp tục đánh giá để
có biện pháp phòng ngừa, xử lý.
Trong bối cảnh quan hệ giữa ta và Hàn
Quốc đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều
cấp độ và đi vào thực chất thì nhu cầu mở rộng hợp tác giữa các địa phương của
ta với phía Hàn Quốc ngày càng tăng, trong đó có vấn đề hợp tác tiếp nhận lao động
đi làm việc thời vụ. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp quản lý và hướng dẫn, hỗ
trợ các địa phương thực hiện đáp ứng thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là yêu cầu cấp thiết.
Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ như sau:
- Trước mắt, Chính phủ áp dụng Điều 15 Luật Tổ chức Chính phủ để đồng ý cho các địa phương thí
điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức
hợp tác với địa phương nước ngoài.
- Về lâu dài, giao Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu để đề xuất đưa hình thức người lao động
đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình hợp tác giữa các địa phương vào nội
dung sửa đổi, bổ sung Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng.
Đồng thời, trong các cuộc trao đổi,
tiếp xúc của Lãnh đạo các cấp, đề nghị phía Hàn Quốc tiếp tục nghiên cứu, hoàn
thiện các quy định pháp lý về việc tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài
theo hình thức này.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ:
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ, Các Bộ Tư pháp, Ngoại giao;
- UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Cần Thơ;
- Các Vụ HTQT, Pháp chế;
- Lưu: VT, QLLĐNN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Doãn Mậu Diệp
|