CHỈ THỊ
VỀ CÔNG
TÁC TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2016
Năm 2016, theo dự báo của Trung tâm Khí
tượng Thủy văn Trung ương, diễn biến tình hình thời tiết,
khí hậu thủy văn ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường.
Các sự cố thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, tai nạn giao thông, sập đổ công trình
có thể diễn ra cả về quy mô, số lượng và mức độ thiệt hại. Thủ đô Hà Nội sẵn
sàng ứng phó với tình huống bão mạnh, siêu bão có thể xảy ra.
Để chủ động và ứng phó kịp thời, có hiệu
quả các tình huống có thể xẩy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Ủy ban
nhân dân Thành phố chỉ thị:
1. Các cấp, các ngành, các cơ quan,
đơn vị trên địa bàn Thành phố
- Khẩn trương tiến hành tổng kết, đánh
giá, rút kinh nghiệm công tác tìm kiếm cứu nạn năm 2015, triển khai nhiệm vụ
năm 2016; củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ huy tìm kiếm cứu nạn ở tất cả
các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền,
nâng cao nhận thức cho mọi người về những ảnh hưởng, tác hại của biến đổi khí
hậu và diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, khí tượng, thủy văn, nâng
cao ý thức trách nhiệm phòng tránh...
- Tiếp tục triển khai Luật Phòng, chống
thiên tai; Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản hướng dẫn đến tất cả các
cấp trong hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang đặc biệt là cấp cơ sở (xã,
thôn, bản). Triển khai hiệu quả Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự
cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt. Chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, cháy nổ,
cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã
hội, quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực.
- Chủ động xây dựng các phương án, kế
hoạch tập huấn, huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn theo từng chuyên ngành, dự
kiến các tình huống và phương án ứng
phó cụ thể sát với từng địa bàn và tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Chỉ
đạo tăng cường diễn tập phòng cháy, chữa cháy cấp cơ sở,
đặc biệt tại các khu chung cư cao tầng, siêu thị... do các ban quản lý khu
chung cư, siêu thị tự đảm nhiệm theo chỉ đạo của Cảnh sát Phòng cháy và chữa
cháy Thành phố. Diễn tập ứng phó sập đổ công trình và tìm
kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Sở Xây dựng Thành phố và chính quyền địa phương.
- Chủ động bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy
đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, các điều kiện đảm bảo để thực hiện các phương
án phòng, chống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, cứu sập theo phương châm “4 tại chỗ”. Từng bước đầu tư, hiện đại hóa nâng cao
năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn nhằm đáp ứng yêu cầu cứu hộ - cứu nạn
trong mọi tình huống.
2. Các sở, ngành
của Thành phố
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao có
trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ, cháy
rừng, cứu sập và tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng kế hoạch, tập trung chỉ đạo, tổ
chức chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện bảo đảm để triển khai các phương
án phòng, chống thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, cứu sập và
tìm kiếm cứu nạn gắn sát tình huống và thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị đảm bảo
tính khả thi cao.
2.1. Sở Nông nghiệp và phát triển nông
thôn: Xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ và phát triển rừng, phòng
cháy chữa cháy rừng. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa phương phối hợp hiệp đồng chặt
chẽ với các lực lượng: Quân đội, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy
Thành phố... làm tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Nắm chắc
diễn biến tình hình rừng trên địa bàn, kịp thời huy động lực lượng phương tiện
tham gia chữa cháy rừng.
2.2. Sở Xây dựng: Tổ chức rà soát, thống
kê các khu nhà ở tập thể, nhà chung cư cao tầng đã xuống cấp; các khu nhà ở
ngoài đê, sát bờ sông, vùng trũng thấp, khu vực nguy cơ đổ cây, không đảm bảo an
toàn; các công trình đang xây dựng dở dang. Lập phương án tìm kiếm cứu nạn, triển
khai việc phòng, chống đổ cây, sập nhà, công trình; tổ
chức sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực không đảm bảo an toàn khi có lụt, bão,
đổ cây, sập nhà...
2.3. Sở Giao thông vận tải: Xây dựng phương
án tổ chức phân luồng giao thông cho từng địa bàn cụ thể; chuẩn bị lực lượng,
phương tiện, bố trí vật tư ở những khu vực trọng điểm để bảo đảm giao thông
trên các tuyến giao thông chính trong mọi tình huống khi xảy ra lụt, bão, đổ
cây, sập công trình, nhà cửa, cháy nổ... đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh
nhất.
2.4. Sở Công thương: Chỉ đạo công tác
tìm kiếm cứu nạn khi có thảm họa cháy nổ, vỡ đường ống dẫn dầu, khí, các nhà máy
điện. Chủ trì xây dựng phương án phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy
Thành phố, Công an, Quân đội và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về an toàn phòng, chống cháy nổ trong công nghiệp...
2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chỉ
đạo công tác tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, chất
phóng xạ. Chủ trì xây dựng phương án phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội,
Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố và các lực lượng chức năng bảo đảm
an toàn tuyệt đối về sự cố hóa chất.
2.6. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: xây dựng
phương án, phối hợp với các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện,
thị xã tổ chức hiệp đồng, huy động, bố trí lực lượng,
phương tiện sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về lũ, bão, úng ngập, thực
hiện tìm kiếm cứu nạn và tham gia cứu hộ đê, đập khi có sự cố xảy ra; chỉ đạo
thực hiện việc ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp và khắc phục
hậu quả lụt, bão.
2.8. Công an Thành phố: chủ động xây dựng,
tổ chức thực hiện các phương án: Phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội khi có tình huống thiên tai, cháy nổ, tai
nạn, sự cố và tìm kiếm cứu nạn; phương án thảm họa về giao thông, tắc đường kéo
dài; phương án cứu hộ - cứu nạn chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp trong đám đông. Bố
trí lực lượng, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ảnh
hưởng của lụt, bão, úng ngập, cháy nổ, sập đổ công trình... xảy ra trên địa bàn
thành phố Hà Nội.
2.9. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy
Thành phố: Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ khi có thảm
họa cháy nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; có người bị nạn
trong sự cố, tai nạn. Chỉ đạo thực hiện việc phân cấp trách nhiệm trong thực
hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy; làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Chỉ
đạo lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, ban quản lý khu chung cư, siêu thị,
khu công nghiệp thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện, luyện tập, diễn tập
phương án phòng cháy, chữa cháy bảo vệ cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp và
khu dân cư. Chủ động phòng cháy, chữa cháy khi có tình huống cháy nổ xảy ra.
3. Ban Chỉ huy Tìm
kiếm cứu nạn ở tất cả các cấp
- Duy trì nghiêm túc chế độ trực, nắm
chắc tình hình, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo chặt chẽ, ứng phó kịp thời, hiệu quả các
tình huống thiên tai, tai nạn, sự cố, cháy nổ, cháy rừng, sập đổ công trình... xảy
ra trên địa bàn ngay từ giờ đầu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản
của nhà nước và nhân dân.
- Ủy ban nhân dân
Thành phố Hà Nội giao Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội tổ chức triển
khai và kiểm tra đôn đốc các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện chỉ thị này,
thường xuyên báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô
Hà Nội - Thường trực Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn Thành phố./.
Nơi nhận:
- UBQG Tìm kiếm cứu nạn;
(Để báo cáo)
- Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống
thiên tai; (Để báo cáo)
- Đ/c Bí thư Thành ủy Hà Nội; (Để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND Thành phố; (Để
báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (Để
báo cáo)
- Thường trực HĐND Thành phố (Để báo
cáo)
- Các đ/c Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ban Chỉ huy PCTT Thành phố;
- Ban Chỉ huy TKCN Thành phố;
- Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc Thành phố;
- Các đ/c Bí thư quận, huyện, thị ủy;
- Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã;
- Lưu: VT. NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sửu
|